LỊCH SỬ DÂN CHỦ HÓA

Posted on
  • Thứ Hai, 2 tháng 4, 2018
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:

  • GIỚI THIỆU
    Lịch sử dân chủ hiện đại có thể được coi bắt đầu vào năm 1828, với việc Mỹ mở rộng quyền bầu cử cho tất cả người đàn ông da trắng. Từ đó đến nay, dân chủ đã phát triển và mở rộng ra toàn cầu, trở thành hệ thống chính trị chi phối trên thế giới. Tuy nhiên, sự phát triển của dân chủ không phải bằng phẳng, mà trải qua nhiều thăng trầm, có những lúc dân chủ bị suy thoái rất nghiêm trọng như biểu đồ bên dưới cho thấy.

    Biểu đồ thay đổi số lượng nền dân chủ từ 1800 - 2010

    Có nhiều cách để mô tả sự phát triển trên của dân chủ, tuy nhiên, cách nổi tiếng nhất được đưa ra bởi Samuel Huntington trong tác phẩm Làn sóng Dân chủ hóa Thứ ba, trong đó, ông mô tả sự phát triển của dân chủ hiện đại như các làn sóng. Nếu ta định nghĩa: Dân chủ hóa là quá trình chuyển đổi từ độc tài sang dân chủ, thì có hai dạng làn sóng như sau:  
    -         Làn sóng dân chủ hóa là một giai đoạn trong đó số lượng các nước chuyển đổi từ độc tài sang dân chủ lớn hơn nhiều so với số lượng các nước chuyển đổi theo hướng ngược lại từ dân chủ sang độc tài.
    -         Làn sóng đảo ngược là một giai đoạn trong đó số lượng các nước dân chủ bị sụp đổ trở lại các nước độc tài lớn hơn nhiều so với các nước chuyển đổi từ độc tài sang dân chủ.

    Dựa trên ý tưởng làn sóng trên, Huntington phân chia lịch sử dân chủ (hóa) thành các làn sóng như sau:
    Các làn sóng
    năm
    Làn sóng dân chủ hóa thứ nhất
    1828-1926
    Làn sóng đảo ngược thứ nhất
    1922-1942
    Làn sóng dân chủ hóa thứ hai
    1943-1962
    Làn sóng đảo ngược thứ hai
    1958-1975
    Làn sóng dân chủ hóa thứ ba
    1974-2005
    Làn sóng đảo ngược thứ ba?
    2005-nay
    Biểu đồ các làn sóng dân chủ hóa và làn sóng đảo ngược (theo Huntington tính đến năm 1991)
    Cần lưu ý rằng, Huntington viết tác phẩm Làn sóng Dân chủ hóa Thứ ba vào năm 1991, ngay sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Sau đó làn sóng thứ ba vẫn tiếp tục phát triển, lên đến đỉnh điểm vào năm 2005; và được theo sau bởi một đợt suy thoại nhẹ kéo dài từ đó cho đến nay. Những số liệu về làn sóng thứ ba từ năm 1991, cũng như đợt suy thoái sau đó cho đến nay (2018) được bổ xung bởi các nghiên cứu của Larry Diamond và nhiều học giả khác.

    CÁC ĐỢT SÓNG DÂN CHỦ HÓA

    LÀN SÓNG DÂN CHỦ HÓA THỨ NHẤT
    Làn sóng này diễn ra trong khoảng thời gian 100 năm, từ 1828 đến 1926, với 33 nước chuyển đổi thành nền dân chủ.
    -         Các cuộc Cách mạng tại Anh (1688), Mỹ (1776) và Pháp (1789) đã dẫn đến việc các thiết chế dân chủ dần được thiết lập tại các quốc gia này. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, tỷ lệ công dân được cấp quyền bầu cử rất nhỏ; do các điều kiện về sở hữu tài sản, giới tính và sắc tộc, chỉ một thiểu số đàn ông da trắng có của mới có quyền bầu cử.
    -         Sau đó, quyền bầu cử dần được mở rộng. Dựa trên hai tiêu chí mà Jonathan Sunshine đưa ra về điều kiện tối thiểu mà một nước được coi là dân chủ trong điều kiện thế kỷ 19 là: 1) 50% nam giới có quyền bầu cử, và 2) người lãnh đạo phải được lựa chọn thông qua các cuộc bầu cử định kì, có thể coi dân chủ hiện đại xuất hiện lần đầu tiên ở Mỹ năm 1828, khi toàn bộ nam giới được trao quyền bầu cử.
    -         Sau đó dân chủ lan rộng sang các quốc gia khác như Thụy Sỹ, Thụy Điển, Phần Lan, Úc, Canada, và một số quốc gia Mỹ Latin như Argentina, Brazil, Uruguay. Sau Chiến tranh Thế giới I, cũng như sự sụp đổ của các đế quốc Romanov, Hapsburg, và Ottoman, các quốc gia thất trận như Đức, cũng như các quốc gia mới hình thành từ sự sụp đổ của các đế quốc trên như Hungary, Balan, các nước Baltic trở thành các nước dân chủ.

    Làn sóng đảo ngược thứ nhất
    Làn sóng dân chủ hóa thứ nhất được theo sau bởi một làn sóng đảo ngược kéo dài trong khoảng thời gian 1922-1942. Trong làn sóng đảo ngược này, số lượng các quốc gia dân chủ tụt giảm từ 33 trước đó xuống còn 11.
    -         Làn sóng đảo ngược này bắt đầu vào năm 1922, với việc Mussolini lên nắm quyền ở Ý, xóa bỏ chế độ dân chủ và thiết lập chế độ Phát xít. Do tác động của Đại suy thoái (1929-1933), cũng như sự nổi lên của các khuynh hướng Phát xít, Cộng sản và quân phiệt, một loạt các nền dân chủ bị sụp đổ.
    -         Trong số 17 quốc gia áp dụng dân chủ trong khoảng thời gian từ 1910 – 1931 thì chỉ có bốn quốc gia tiếp tục duy trì được định chế này. Các cuộc đảo chính quân sự diễn ra ở Lithuania, Balan, Latvia, Estonia, Hilap (1936), Bồ Đào Nha (1926), Brazil, Argentina (1930), Tây Ban Nha (1939), và Đức (1933) với việc Hitler lên nắm quyền.

    LÀN SÓNG DÂN CHỦ HÓA THỨ HAI
    Làn sóng này diễn ra trong khoảng thời gian 1943-1962. Trong thời gian này, số lượng các quốc gia dân chủ tăng từ 11 lên 52.
    -         Sau khi kết thúc Chiến tranh Thế hai II, với sự thất bại của Phát xít Đức, Ý và Nhật, các nước Đồng minh đã thúc đẩy thể chế dân chủ ở các nước mà nó chiếm đóng như Tây Đức, Ý, Áo, Nhật, và Hàn Quốc. Nền dân chủ cũng được tái lập hoặc ra đời ở nhiều nước Mỹ latin như Argentina, Uruguay, Colombia, Peru, và Venezuela. Bên cạnh đó, sau chiến tranh, chủ nghĩa thực dân cũng sụp đổ (chủ yếu Châu Á), dẫn đến một loạt quốc gia mới ra đời và nhiều trong số đó đã áp dụng thể chế dân chủ như Ấn Độ, Philippines, Sri lanka.
    -         Mặc dù trong giai đoạn này có sự nổi lên và bành chướng của Chủ nghĩa Cộng sản, song số lượng nền dân chủ vẫn tăng lên đáng kể.

    Làn sóng đảo ngược thứ hai
    Làn sóng đảo ngược này diễn ra trong khoảng thời gian 1958-1975. Trong khoảng thời gian này, số lượng các quốc gia dân chủ giảm từ 52 xuống còn 30.
    -         Do những xung đột về lợi ích kinh tế, một loạt cuộc đảo chính quân sự đã nổ ra ở Mỹ Latin như Peru (1962), Brazil, Bolivia (1964), Argentina (1966), Ecuador (1972). Vào năm 1960, 9 trong số 10 nước Mỹ latin là dân chủ, song đến năm 1973, chỉ còn lại hai quốc gia là Venezuela và Colombia.
    -         Tại Châu Á, các chế độ dân chủ non trẻ tại các quốc gia mới giành được độc lập cũng nhanh chóng được thay thế bởi các chế độ độc tài quân sự như Pakistan (1958) với cuộc đảo chính của tướng Ayub Khan, Hàn Quốc (1961) với cuộc đảo chính của tướng Park Chung Hee, Indonesia (1965) với sự lên nắm quyền của tướng Suharto, Philippines (1972) với việc thiết quân luật của tổng thống Marcos.
    -         Trong khi đó, trong như năm 1960 tại Châu Phi, một loạt các quốc gia giành được độc lập, một số nước áp dụng dân chủ như Jamaica (1962), Malta (1962), Mauritius (1968). Tuy nhiên, đa số trong số đó, 33 nước, đã áp dụng các chế độ chuyên chế, khiến cho đây là giai đoạn gia tăng nhiều nhất số lượng các chế độ chuyên chế trong lịch sử nhân loại.

    LÀN SÓNG DÂN CHỦ HÓA THỨ BA
    Làn sóng này diễn ra trong khoảng thời gian 1974-2005. Trong giai đoạn này, số lượng các quốc gia dân chủ tăng từ 30 lên 121.
    -         Làn sóng dân chủ hóa thứ ba bắt đầu với cuộc đảo chính quân sự lật đổ chế độ độc tài của Marcello Caetano tại Bồ Đào Nha năm 1974. Sau một giai đoạn khá bất ổn do sự tranh giành của các phe phái thì năm 1976, cuộc bầu cử quốc hội được tổ chức, và Bồ Đào Nha tuyên bố thành lập chế độ dân chủ đại nghị.
    -         Sau Bồ Đào Nha, chế độ dân chủ lần lượt được thiết lập lại tại các quốc gia Nam Âu khác như Hi lạp (1974) sau sự sụp đổ của chính quyền quân sự, và Tây Ban Nha (1977) sau cái chết của nhà độc tài Franco.
    Sau đó làn sóng dân chủ hóa lan rộng sang các quốc gia ở Mỹ Latin, Châu Á, và Đông Âu.
    -         Tại Mỹ latin, một loạt quốc gia chịu chế độ độc tài quân sự trong làn sóng đảo ngược thứ hai đã quay trở lại với chế độ dân chủ như Peru(1979), Bolivia (1982), Argentina (1983), Uruguay (1984).
    -         Tại Châu Á, năm 1986, người dân đã nổi dậy lật đổ chế độ độc tài của Marcos; trong khi đó phong trào dân chủ mạnh mẽ của người dân Hàn Quốc những năm 1980 đã buộc chính quyền quân sự cải cách và chấp nhận chuyển sang chế độ dân chủ vào năm 1987; điều tương tự với Đài Loan.
    -         Đỉnh điểm của làn sóng dân chủ hóa thứ ba là sự sụp đổ của Liên Xô và các quốc gia cộng sản Đông Âu, các quốc gia này sau đó áp dụng thể chế dân chủ.
    Nhìn chung, làn sóng dân chủ hóa thứ ba đã khiến cho dân chủ bùng nổ trên toàn cầu, thể hiện ở một số khía cạnh sau:
    -         Trong khoảng 30 năm, số lượng các quốc gia dân chủ tăng lên liên tục.
    o   Năm 1974, chưa đến 1/3 số quốc gia trên thế giới là dân chủ
    o   Năm 1984, con số này là 59 (chiếm 36%)
    o   Năm 1990, là 76 (46%)
    o   Khi bức tường Berlin sụp đổ
    §  Năm 1991, là 88 (48%)
    §  Năm 1995, là 112 (58%)
    §  Năm 1999, là 118 (61.5%)
    §  Năm 2005, là 121 (62.5%)

    -         Trong số 121 nền dân chủ vào năm 2005, thì 2/3 (77 nước) là các chế độ dân chủ tự do. Đây là một điều rất quan trọng, vì các chế độ dân chủ tự do là cốt lõi của hệ thống dân chủ, nó rất bên vững, không như các chế độ dân chủ bầu cử vốn rất dễ sụp đổ. Sự gia tăng này của các nền dân chủ tự do cho thấy nền tẳng vững chắc hơn của hệ thống dân chủ toàn cầu.

    -         Và lần đầu tiên, từ năm 1990, số lượng các nước dân chủ vượt qua số lượng các nước độc tài, trở thành hệ thống chi phối.


    -         Dân chủ cũng hiện diện khắp các châu lục
    o   100% các nước Tây Âu và các nước nói tiếng Anh (Eur/Anglo) là dân chủ
    o   28/33 nước Mỹ latin (LAC) là dân chủ (85%)
    o   17/29 nước Đông Âu và Liên Xô cũ (EE+FSU) là dân chủ (59%)
    o   10/25 nước Châu Á (Asia) là dân chủ (40%)
    o   17/49 nước Châu Phi hạ Sahara (SS Africa) là dân chủ (35%)
    o   3/19 nước Trung đông (MENA) là dân chủ.

    Phân bố dân chủ ở các khu vực năm 2013
    (Xám: Dân chủ bầu cử; xanh: dân chủ tự do)

    Làn sóng đảo ngược thứ ba?
    Sau khi dân chủ lên đến đỉnh điểm vào năm 2005, thì từ đó đến nay tình hình dân chủ như thế nào. Chi tiết về dân chủ trong giai đoạn này sẽ được trình bày trong bài kế tiếp: Suy thoái Dân chủ và triển vọng hiện nay.

    Tài liệu đọc thêm
    Tài liệu tham khảo
    -         Samuel Huntington. Đợt sóng dân chủ hóa thứ ba. Trần Lương Ngọc dịch
    -         Larry Diamond. Tinh thần dân chủ. Phạm Nguyên Trường dịch
    -         Jørgen Møller and Svend-Erik Skaaning. Democracy and Democratization in Comparative Perspective
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org