Phạm Văn Tuấn
Trong khoảng thời gian từ năm 1760 tới
năm 1840, vai trò của nước Pháp trên thế giới rất quan trọng. Nếu không có sự can thiệp quân sự của
người Pháp tại Bắc Mỹ, người Mỹ chưa chắc đã giành được Độc Lập và Tự Do từ người
Anh để rồi thiết lập nên một quốc gia mới, các định chế mới. Ảnh hưởng của người
Pháp đã tới các xứ Ái Nhĩ Lan (Ireland), Ba Lan, Hòa Lan, Ý và nhiều miền đất
khác.
Nước Pháp đã là trung tâm của các
phong trào trí thức trong thế kỷ 18. Khoa Học của nước Pháp đã dẫn đầu Thế Giới.
Các sách học, báo chí, tạp chí… viết về Văn Hóa và Chính Trị bằng tiếng Pháp được
các nhà trí thức thuộc nhiều quốc gia tìm đọc và các ý tưởng, sáng kiến, phát
minh của người Pháp được các dân tộc khác trên Thế Giới theo dõi và bắt chước.
Tiếng Pháp đã là một ngôn ngữ quốc tế, dùng cho các nhà trí thức và giới quý tộc
của nhiều quốc gia.
Nước Pháp với dân số 24 triệu người
vào giữa thế kỷ 18, là một miền đất giàu có nhất và đông dân nhất dưới quyền một
chính phủ trung ương trong khi vào thời gian này, nước Đức còn bị chia rẽ, nước
Nga chưa ổn định và dân số của cả nước Anh và Tô Cách Lan cộng lại mới được 10
triệu người.
Thành phố Paris tuy nhỏ hơn so với
thành phố London về diện tích nhưng lại rộng gấp hai lần các thành phố Vienna
và Amsterdam. Tiền vàng của nước Pháp được lưu hành khắp châu Âu và chiếm một nửa
số lượng ngoại tệ giao dịch, và số lượng hàng hóa xuất cảng của nước Pháp qua
các nước khác của châu Âu đã lớn hơn số lượng hàng hóa của nước Anh. Nhưng
trong hoàn cảnh phát triển với ảnh hưởng rộng lớn như vậy, cuộc Cách Mạng Pháp
đã bùng nổ, làm rung động cả châu Âu, đã lật đổ chế độ cũ bằng một thứ “xã hội
mới” và là một khuôn mẫu mà các phong trào cách mạng sau này hướng vào, coi cuộc
Cách Mang Pháp năm 1789 là một cách mạng đi trước.
1- Nguyên nhân xa của cuộc Cách Mạng
Pháp
Chế độ chuyên chế sáng suốt (enlightened
despotism) có thể được dẫn chứng bằng đường lối cai trị của Vua
Louis 14 tại nước Pháp hay của Đại Đế Peter tại nước
Nga. Vào thời đại chuyên chế này, các nhà cai trị đã khai quang các vùng đất
sình lầy, mở mang đường lộ, xây dựng cầu cống, đặt ra luật lệ, dẹp bớt các quyền
tự trị địa phương, giới hạn tính độc lập của nhà thờ và giới quý tộc đồng thời
đào tạo ra một tầng lớp viên chức thuộc quyền chính phủ trung ương.
Nhà vua vào thời kỳ này đã mang tính
chất thế tục, không tự cho rằng quyền hành là do “Thiên Mệnh” và chịu trách niệm
cai trị thần dân thay “Trời”. Nhà vua đã xác nhận quyền hành của mình do sự hữu
ích của ngai vàng đối với xã hội và cũng vì thế, Đại Đế Frederic đã
tự gọi mình là “người công bộc bậc nhất của quốc gia” (the first servant of
the state). Tính cách của chế độ chuyên chế sáng suốt đã thể hiện
rõ tại các nước Pháp, Áo, Phổ, Nga, Tây Ban Nha, Đan Mạch và Anh…
Tại nước Pháp, sự chuyên chế sáng suốt
của nhà vua đã gặp thất bại. Vua Louis 15lên ngai vàng năm 1715 và
trị vì tới năm 1774, đã sống trong cung điện Versaillestráng lệ và
không quan tâm tới các vấn đề hệ trọng của đất nước. Nền quân chủ của nước Pháp
gặp nhiều khó khăn, nhất là trong phương pháp thu thuế. Phần lớn nguồn lợi của
quốc gia do việc thu thuế và có một phần thuế do việc bán đi một số đặc quyền.
Trong các thứ thuế, quan trọng nhất là thuế đất (taille), sau
đó là thuế muối(gabelle). Thông thường chỉ có giới nông dân phải nộp
thuế đất và theo nguyên tắc, thuế đất được miễn trừ cho giới quý tộc, các viên
chức chính quyền và giới tư sản, trong khi đó nhà thờ có khoảng 5% tới 10% đất
đai, cũng được miễn thuế vì đã tặng đều đặn cho nhà vua các món quà, dù rằng những
thứ quà này ít hơn loại thuế trực thu.
Mặc dù nước Pháp là một quốc gia giàu
có và phong phú tài nguyên, nhưng về lâu dài, chính quyền Pháp trở nên nghèo
khó đi vì những tầng lớp xã hội được thụ hưởng sự thịnh vượng lại không phải trả
thuế theo lợi tức của họ. Do áp lực chiến tranh, Vua Louis 14 đã
bắt người dân Pháp phải đóng thuế thân (poll tax) và thuế 10 %
tính trên lợi tức, nhưng nhiều người đã tìm cách trốn tránh các loại thuế này.
Năm 1726, việc thu thuế cũng gặp thất bại vì việc trả thuế trực thu chứng tỏ
người đóng thuế thuộc đẳng cấp thấp kém (inferior status) trong xã hội.
Các nhà quý tộc, giới tu sĩ, giới tư
sản cũng phản đối việc đóng thuế vì họ không có trách nhiệm và không có quyền
kiểm soát chính trị hay hành chánh đối với xã hội mà họ đang sinh sống. Họ đòi
hỏi nhà vua phải tôn trọng nguyên tắc là không có thuế nếu không có đại diện của
các tầng lớp dân chúng.
Tới thập niên 1740, do phí tổn chiến
tranh của nước Pháp quá cao, một loại thuế mới lại được ban hành theo đó, mọi lợi
tức từ mọi tài sản phải chịu thuế 5%: đất đai, đầu tư thương mại và các quyền lợi
khác. Không ai được miễn thuế cả, dù thuộc tầng lớp xã hội nào, dù trước kia đã
được miễn thuế rồi… nhưng trên thực tế, loại thuế 5% này chỉ được đánh vào đất
đai.
Khi chính quyền Pháp thời đó tăng thuế,
tiếng phản đối dữ dội đã nổi lên từ Nghị Viện Paris, từ
các nghị viện 11 tỉnh, từ miền Brittany và từ giáo hội. Tất cả các tổ chức này
đã mạnh hơn thời trước. Những người phản đối chính quyền trung ương Pháp đã viện
dẫn các lời nói của Montesquieu (1689-1755).
Trong tác phẩm “Tinh Thần Luật
Pháp” (the Spirit of the Laws) xuất bản năm 1748, ông Montesquieu đã
làm phát triển hai ý tưởng chính. Ý tưởng thứ nhất cho rằng các hình thức chính
quyền thay đổi tùy theo khí hậu và hoàn cảnh, chẳng hạn như thể chế chuyên chế
(despotism) chỉ thích hợp với loại đế quốc rộng lớn tại miền khí hậu
nóng và chế độ dân chủ chỉ hữu hiệu tại các quốc gia thành phố nhỏ bé (small
city-states). Ý tưởng thứ hai nhắm vào sự độc đoán thuộc vương quyền (royal
absolutism) của nước Pháp.
Montesquieu đã tin tưởng rằng cần phải
có sự phân chia và cân bằng quyền lực (the separation and balance of power)
giữa nhà Vua và các cơ chế trung gian, chẳng hạn như các nghị viện, giới quý tộc,
giới tu sĩ hay nhà thờ. Triết gia Montesquieu cũng đã khâm phục các thể chế chính
trị của nước Anh theo đó có sự hòa hợp giữa vương quyền, giới quý tộc và nền
dân chủ (monarchy, aristocracy and democracy) thể hiện bằng nhà Vua, các
nhà quý tộc và các viện dân cử. Lý thuyết về sự phân quyền giữa Lập Pháp, Hành
Pháp và Tư Pháp của Montesquieu đã ảnh hưởng rất mạnh tới các người Mỹ khiến
cho các nhà lập quốc Bắc Mỹ viết ra Bản Hiến Pháp Hoa Kỳ năm
1787.
Thời đó, các nghị viện của nước Pháp
đã cương quyết cho rằng việc tăng thuế là vi hiến (unconstitutional) và
vi phạm vào các tự do lịch sử của họ (historic liberties). Sau nhiều
tranh chấp, Vua Louis 15 đành phải xếp việc tăng thuế sang một
bên. Nhưng khi cuộc chiến tranh 7 năm (1756-1763) chấm dứt, vương quyền của nước
Pháp lại muốn tăng cường việc tập trung quyền lực vào trung ương nên đã quyết định
hủy bỏ các nghị viện vì đây là các lực lượng chính trị chống đối. Vì mục đích
này, vào năm 1768, Vua Louis 15 đã bổ nhiệm ông Maupeou làm thủ
tướng để giải tán các nghị viện cũ đồng thời thiết lập ra các nghị viện mới
thay thế. Nhân viên của các hội đồng mới này là các viên chức được bổ nhiệm, ăn
lương, không được bỏ phiếu chống đối các đạo luật của chính quyền, có tính đồng
nhất trên cả nước Pháp và một dự tính của các hội đồng này là sẽ đánh thuế vào
các tầng lớp xã hội đã được ưu đãi hay miễn thuế trước kia.
Năm 1774, Vua Louis 15 qua đời, nối
ngôi là người cháu tức Vua Louis 16 mới 20 tuổi, một người vụng
về và nhút nhát, ưa thích cưỡi ngựa, săn bắn và làm các ổ khóa. Khuyết điểm của
nhà vua trẻ này là tính do dự, sẵn sàng nghe lời các cố vấn và khi có những lời
khuyên sáng suốt, mọi việc đều tốt đẹp, nhưng khi nhà vua gặp các lời khuyên
thiển cận, kết quả là những nguy hại cho chính mạng sống của nhà vua.
Việc tăng thuế của ông Maupeou và các
người cộng tác với ông cũng đã gặp chống đối, nhiều nơi tố cáo ông là kẻ thừa
hành của một chế độ chuyên chế và họ đòi hỏi phải lập lại Nghị Viện Paris và
các nghị viện cũ. Vua Louis 16 vì do dự, đã ra lệnh giải nhiệm ông Maupeou và
làm phục hồi các nghị viện cũ. Thực ra, chính các nghị viện cũ này đã ngăn trở
các cải cách, đã là cứ điểm của giới quý tộc và các người hưởng đặc quyền trong
nhiều thập niên.
Cũng vào năm 1774, Vua Louis 16 thành
lập một bộ cải cách, đứng đầu là ôngJacques Turgot. Đây là một nhà triết
học và cũng là một nhà cai trị có kinh nghiệm. Khi lên nắm quyền, ông Turgot đã
tìm cách dẹp bỏ các phường thợ thủ công (guilds) vì các loại nghiệp đoàn
này đã chiếm được sự độc quyền ưu đãi tại các thành thị.
Ông Turgot cũng cho phép ngành nội
thương về ngũ cốc được tự do hơn và tìm cách hủy bỏ loại tạp dịch bắt buộc (corvée)
theo đó mọi công dân phải sửa chữa đường lộ trong vài ngày mỗi năm và thay thế
bằng tiền đánh thuế lên mỗi đầu người dân thuộc mọi giai cấp. Trước chương
trình cải cách này, Nghị Viện Paris được sự ủng hộ của các thành phố khác và
nhà thờ, đã phản đối ông Turgot dữ dội, khiến cho ông ta phải từ chức vào năm
1776. Việc canh tân như vậy đã bất thành.
Năm 1778, nước Pháp giao chiến với nước
Anh. Các đòi hỏi lại tái diễn: các phí tổn vì chiến tranh, các món nợ, các dự
án đánh thuế, các chống đối từ các nghị viện và từ các thành phần của dân
chúng… và kết quả là vào thập niên 1780, cuộc Cách Mạng đã
bùng nổ.
2- Ba giai cấp trong chế độ cũ của nước
Pháp
Thể chế chính trị của nước Pháp trước
cuộc Cách Mạng năm 1789 vừa mang tính quý tộc, vừa có tính phong kiến. Năm
1302, vì sự chống đối Giáo Hoàng và vì cần tới sự ủng hộ của nhiều tầng lớp
trong dân chúng, Vua Philip IV của nước Pháp đã kêu gọi các đại
biểu của xã hội Pháp đứng vào trong 3 giai cấp (estates) và mỗi người
dân thuộc về một trong ba giai cấp này.
Giai cấp thứ nhất là giới tu sĩ, giới
quý tộc thuộc giai cấp thứ hai còn giai cấp thứ ba gồm những người còn lại, từ
các nhà buôn giàu có, các nhà trí thức tới lớp nông dân nghèo hèn và giới công
nhân thành thị. Quyền lợi pháp lý cùng uy tín cá nhân của một công dân tùy thuộc
vào loại giai cấp của người công dân đó trong khi trên thực tế, tài sản, các
sinh hoạt sản xuất cùng ảnh hưởng xã hội, chính trị, đã không tương xứng với sự
phân loại giai cấp kể trên.
Giai cấp thứ nhất của nước Pháp thời
đó là giới tu sĩ. Địa vị và các điều kiện ưu đãi của Nhà Thờ đã là
một trong các nguyên nhân chính gây ra cuộc cách mạng. Các vị giám mục thời đó
thường đóng các vai trò quan trọng trong công quyền và Nhà Thờ Thiên Chúa Giáo
cũng đã thu thuế trên các sản phẩm thu hoạch được từ những đất đai sở hữu. Vào
các năm trước cuộc Cách Mạng 1789, có vào khoảng 100,000 tu sĩ Cơ Đốc (Catholic)
trên nước Pháp, và nhà thờ, trường học, các tu viện và các cơ sở tôn giáo khác
đã chiếm hữu từ 5% tới 10% đất đai toàn quốc với tài sản tập trung không đều,
phần lớn dồn vào các giám mục cao cấp.
Giới quý tộc là giai cấp thứ hai, có vào khoảng
400,000 người kể cả phụ nữ và trẻ em. Họ giữ độc quyền tại các cơ quan cao cấp
của chính phủ, các tổ chức quân đội và nghị viện. Cùng với giới tu sĩ, các nhà
quý tộc đã ngăn trở việc thu thuế và lo tìm cách kiểm soát các chính sách quốc
gia.
Trong các năm từ 1713 tới 1789, nền
ngoại thương của nước Pháp đã tăng lên gấp 5 lần nên cũng làm gia tăng giới
thương nhân và viên chức của chính phủ. Họ là thành phần của giai cấp tư sản, một
lớp người dần dần trở nên giàu có, đông đúc hơn và cũng tự tin hơn, nhưng họ
cũng bất mãn đối với các ưu đãi, các đặc quyền, các kiêu ngạo…của giới tu sĩ và
giới quý tộc. Do càng ngày càng trở nên giàu có hơn, giới tư sản đã
cảm thấy bị kỳ thị trong việc chấp nhận vào các chức vụ của chính quyền, trong
các vai trò và danh dự của xã hội là những thứ thường dành cho giới quý tộc. Cuộc
cách mạng đã xẩy ra là do sự xung đột giữa hai tầng lớp xã hội đang đi lên: giới
quý tộc và giới tư sản.
Dưới tận cùng trong xã hội là lớp
người bình dân, sống bằng tiền lương lao động, họ là các nông dân, các thợ
thủ công, các công nhân nhà máy… Họ đã sống nhờ bán sức lao động và sản phẩm
trên các loại thị trường và chính họ đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc
cách mạng.
Nước Pháp vào thế kỷ 18 có 4 phần 5
dân chúng là nông dân. Đây không phải là lớp người “nông nô” như tại nước Nga.
Họ canh tác trên mảnh đất của họ, hoặc trên đất thuê rồi nộp lợi tức thu hoạch
cho chủ đất. Nhưng vào thời đó vẫn còn một số đặc tính của thời đại phong kiến
với các thái ấp (manor) có các nhà quý tộc làm chủ. Những người này có đặc
quyền “săn bắn” (banalité) hay duy trì các con mồi săn trên đất đai của
mình và của các nông dân khác. Các nhà quý tộc lại có các độc quyền về các nhà
máy xay lúa, các nhà máy ép rượu, các lò bánh mì…, có uy quyền về tòa án, về
chính quyền địa phương và có quyền thu một số lệ phí và tiền phạt.
Vào thời kỳ trước cuộc cách mạng, giới
nông dân chiếm vào khoảng 2/5 đất đai, giới tư sản trên 1/5, nhà thờ có dưới
1/10, số còn lại là đất công gồm cả đất hoang hay các vùng sình lầy, các vùng đất
chưa khai phá. Với hệ thống đất đai khá phức tạp như thế, lại không có hàng rào
ngăn cách, phân chia các mảnh đất, không có cách ấn định các quyền hạn và quyền
lợi về đất đai, cuộc cách mạng vì thế là một cơ hội để làm biến đổi các luật lệ
về tài sản (the law of property) và quy định các định chế về quyền tư hữu
trên các mảnh đất, đặc biệt có lợi cho giới tư sản và giới nông dân có đất.
Giới tư sản thời trước Cách Mạng Pháp cũng
là lớp người sở hữu các hàng hóa, các cơ sở sản xuất, các công việc thương mại,
họ dần dần trở nên giàu có hơn trong khi giới quý tộc phải đương đầu với vật
giá gia tăng, với mức sống lên cao nên đã tìm cách tăng thuế, làm khó khăn các
hợp đồng thuê đất, các dàn xếp về trả nợ hoa màu của giới nông dân.
Người nông dân trực tiếp canh tác trên mảnh đất
đã phẫn nộ vì các bất công kinh tế, xã hội cũng như chính trị, họ cảm thấy
chính họ mới là người làm chủ miếng đất canh tác, chính họ đã bị áp bức và bóc
lột. Chuột có thể phá hủy hoa màu, chim bồ câu thường ăn lúa của họ nhưng nông
dân không được quyền giết chuột, giết chim… vì các loại này được bảo vệ để các
nhà quý tộc săn bắn. Các đoàn thợ săn cũng dẫm nát hoa màu của nông dân mà người
dân lành không có quyền khiếu nại hay đòi bồi thường. Bổn phận của họ là phải
đóng thuế cho nhà Vua, nhà thờ và các nhà quý tộc. Tất cả bổn phận của người
nhà nông càng trở nên vô lý khi người dân đã bắt đầu hiểu được
các định luật về lẽ phải, khi các nhà văn của thời đại đó đã đề cập tới các tư
tưởng mới về công bằng và như thế đã giúp thêm vào việc khuấy động các bất mãn.
Nước Pháp vào thế kỷ 18 đã là một quốc
gia có chính quyền tập trung nên các điều kiện xã hội nếu bị biến động tại kinh
đô, đã ảnh hưởng tới cả nước. Khủng khoảng đầu tiên của nước Pháp là do
tài chính, và cũng do sự sụp đổ tài chính (financial collapse) của
chính quyền mà cuộc cách mạng đã tới một cách nhanh chóng.
Chính quyền Pháp vào thời kỳ đó đã chịu
gánh nặng vì sự xa hoa, sự huy hoàng củaCung Điện Versailles.
Cung điện rực rỡ này đã được xây cất theo sáng kiến của Vua Louis 14. Cùng với
các kiến trúc sư, các nhà điêu khắc, các nhà thiết trí vườn cảnh… tài giỏi nhất
thời bấy giờ, Vua Louis 14 đã chi phí 65 triệu quan tiền (livres)
(so với phí tổn xây cất một căn nhà thông thường là 20 quan) trong hơn 40 năm để
biến Hoàng Cung Versailles thành một lâu đài rực rỡ nhất của châu Âu. Các phòng
kính và hành lang tráng lệ, các khu vườn rộng rãi và trồng tỉa công phu… tất cả
đã biểu lộ sự sang trọng của nước Pháp và uy quyền bao la của nhà Vua.
Cũng chính tại cung điện Versailles,
các hầu tước, bá tước… đã cùng nhau tham dự với nhà Vua vào các yến tiệc, các
đoàn thượng khách xe ngựa lộng lẫy, đi vui chơi, đi săn bắn… với các loại quần
áo sang trọng, với cách tiêu xài phí phạn… tất cả những xa hoa này đã làm phá sản
giai cấp quý tộc. Sự xa hoa đó vẫn tiếp tục tới thời Vua Louis 16 và Hoàng
Hậu Marie Antoinette, vốn người nước Áo, cũng đã chi tiêu các món tiền rất
lớn lao vào quần áo, nữ trang và các giải trí khác khiến cho bà Hoàng này được
gọi bằng biệt danh: bà Thiếu Hụt (Madame Deficit).
Ngoài việc tiêu xài phung phí của triều
đình, việc bảo trì các cung điện đã chiếm 5% ngân quỹ quốc gia. Chính quyền
Pháp thời đó còn phải chi phí về các phí tổn chiến tranh, về việc duy trì quân
đội và hải quân… Năm 1774, nước Pháp mắc nợ 93 triệu quan tiền (93 million
livres) rồi tiền nợ quốc gia hàng năm tăng lên tới 300 triệu quan tiền vào
năm 1789 và tổng số nợ đã lên tới 4 tỉ quan tiền (4 billion livres). Món
nợ lại càng trở nên to lớn do nước Pháp giúp công, giúp của vào cuộc chiến
tranh giành độc lập của Hoa Kỳ.
Nợ nần của nước Pháp càng tăng thêm do việc miễn thuế,
do việc trốn thuế của những người được ưu đãi, do sự phức tạp và thiếu hoàn hảo
của hệ thống thu thuế khiến cho các món tiền thu được đã không được nộp đầy đủ
vào ngân quỹ của đất nước. Cho nên mặc dù nước Pháp là một miền đất trù phú,
ngân quỹ của nước Pháp lại trống rỗng. Những người chịu trách nhiệm về ngân quỹ
đó gồm cả Vua Louis 16, các ông John Law, Maupeou, Jacques
Turgot… tất cả đã nhìn thấy rõ việc cần phải đánh thuế vào các giai cấp được
ưu đãi.
Năm 1777, ông Jacques Necker được
Vua Louis 16 bổ nhiệm làm Giám Đốc Tài Chính, đã đi theo con đường của những vị
đi trước và cũng bị bãi nhiệm. Kế tiếp ông Necker, ông Calonne còn
đưa ra các biện pháp mạnh hơn.
Năm 1786, ông Calonne đã đề nghị một
thứ thuế tổng quát đánh lên mọi chủ đất mà không một ai được miễn trừ, đề nghị
việc giảm nhẹ thuế gián thu và hủy bỏ thuế nội thương để khuyến khích kinh tế sản
xuất trong nước, đề nghị việc tịch thu một số tài sản của nhà thờ, việc thiết lập
các hội đồng địa phương trong đó các giới tu sĩ, quý tộc, tư sản và nông dân đều
có đại diện. Nếu chương trình cải cách của ông Calonne này được thực hiện, các
trở ngại tài chính đã có thể được giải quyết và cuộc cách mạng đã không xẩy ra,
nhưng Nghị Viện Paris đã không chấp nhận các cải cách và các
nhà quý tộc lại muốn tham gia vào việc kiểm soát chính quyền. Bế tắc đã tới.
Vua Louis 16 đành phải bãi nhiệm ông
Calonne và chỉ định vị Tổng Giám Mục miền Toulouse là ông Lomenie de
Brienne. Ông De Brienne cũng muốn xúc tiến một chương trình cải cách tương
tự thông qua Nghị Viện Paris (the Parlement of Paris) và đã bị chính nghị
viện này bác bỏ và cho rằng chỉ có Đại Hội Các Giai Cấp (an
Estates General) mới có quyền đồng ý về các thứ thuế mới. Vua Louis 16 và
ông De Brienne lúc đầu từ chối đề nghị đó vì cho rằng Đại Hội đó sẽ bị chi phối
bởi giới quý tộc. Cũng giống như Vua Louis 15 và thủ tướng Maupeou, Vua
Louis 16 và ông De Brienne không ưa các nghị viện mà
muốn có một hệ thống tư pháp mới không gây ảnh hưởng đến các chính sách của đất
nước. Điều này đã dẫn tới sự phẫn nộ của giới quý tộc. Các nghị viên thành phố,
các giai cấp trong thị xã đã phản kháng lại, các sĩ quan quân đội từ chối phục
vụ, các nhà quý tộc tổ chức các nhóm chính trị… Chính quyền bị đưa tới cảnh trì
trệ với tiền không mượn được, thuế không thu được.
Ngày 5 tháng 7 năm 1788, Vua Louis 16
hứa hẹn sẽ triệu tập một Đại Hội các giai cấp vào tháng 5 năm 1789. Các giai cấp
trong xã hội Pháp khi đó sẽ được mời tới để bầu ra các đại biểu và đưa danh
sách các khiếu nại.
3- Từ Đại Hội Giai Cấp đến Cuộc Cách
Mạng
Một thế kỷ rưỡi trôi qua mà chưa có Đại
Hội các Giai Cấp (Estates General) nên Vua Louis 16 đã kêu gọi
mọi người cùng nghiên cứu vấn đề về Đại Hội và viết ra các đề nghị để Đại Hội sẽ
được tổ chức trong các điều kiện và hoàn cảnh mới. Sự việc này gây nên các cuộc
thảo luận công cộng. Hàng trăm tờ truyền đơn xuất hiện, nhiều người đòi hỏi ba
giai cấp phải họp tại ba nơi riêng biệt vì giai cấp bình dân bao giờ cũng áp đảo.
Tháng 9-1788, Nghị Viện Paris họp lại, đã quyết định rằng Đại
Hội Các Giai Cấp sẽ họp và sẽ bỏ phiếu như đã xẩy ra vào năm 1614.
Cũng qua Nghị Viện Paris, giới quý tộc
muốn lấn át sự chuyên chế của nhà Vua. Họ đòi hỏi một chính quyền theo hiến
pháp, đòi hỏi sự bảo đảm các tự do cá nhân, sự tự do về ngôn luận và báo chí, sự
ngăn ngừa không bị bắt bớ và giam cầm tùy tiện. Một số nhà quý tộc cũng đã tự
nguyện từ bỏ các đặc quyền về miễn thuế trong khi đa số khác trông đợi chính
quyền tổ chức một cơ chế tối cao gồm 3 thành phần, một phần thuộc giới quý tộc,
phần thứ hai là giới tu sĩ nhưng cũng là quý tộc và phần thứ ba là giới bình
dân.
Tới lúc này, giai cấp thứ ba (the
Third Estate) gồm các luật sư, thương nhân, chủ ngân hàng, chủ tiệm, thợ thủ
công, công nhân và nông dân… lại không muốn bị giới quý tộc cai trị về tinh thần
lẫn vật chất. Nền triết lý của thời kỳ Khai Sáng (the Enlightment) rồi
cuộc Cách Mạng tại Bắc Mỹ đã khiến cho họ không ưa và không tin tưởng giới quý
tộc.
Một nhà văn người Pháp là ông Hector
St. John de Crèvecoeur, trong bài viết có tên là “Các bức thư của một nông
dân Mỹ” (Letters of an American Farmer) đã cho mọi người thấy rằng vào
lúc này, các người Mỹ đã tự cảm thấy là những “con người” vì họ đã được đối xử
xứng đáng. Người đại diện cho cuộc chiến tranh giành độc lập của Bắc Mỹ tại nước
Pháp chính là ông Benjamin Franklin, người đã được Quốc Hội
Lục Địa (the Continental Congress) cử qua Paris để lo mọi việc
cần thiết cho quốc gia non trẻ Hoa Kỳ. Các nhà triết học, các nhà trí thức tại
các nơi họp mặt (salon) của thành phố Paris đã phải kính nể ông
Franklin vì sự trí thức và đức tính giản dị của ông.
Ông Franklin đã gây được các ấn tượng
rất tốt đẹp vào các nhân vật danh tiếng quen biết của nước Pháp như Voltaire,
Condorcet, Helvetius, Turgot cùng các nhân vật khác, và hình ảnh giành
lấy Tự Do của xứ Bắc Mỹ đối với chế độ áp bức đã khiến cho ông Turgot phải viết
trong một bài văn câu ca tụng Benjamin Franklin: “Ông ta đã ăn trộm sấm chớp của
Trời cao và cây vương trượng của các bạo chúa” (He stole thunder from the
heavens and the scepter from tyrants).
Giấc mơ Tự Do của xứ Hoa Kỳ đã nằm trong đầu
óc của các giai tầng xã hội của nước Pháp, trong tư tưởng của ông Crèvecoeur vốn
là một trong các nhân vật sáng lập ra một nơi họp mặt (salon) của thành
phố Paris, trong các lời khen ngợi Hầu Tước De Lafayette sau
khi đã từng phục vụ cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ và trở về đất Pháp.
Vào tháng 1 năm 1789, linh mục Sieyès cũng
tung ra một số tập sách mỏng có tên là “Giai cấp thứ ba là gì?” trong đó có
công bố rằng giới quý tộc là giai cấp vô dụng, không cần thiết và có thể bị loại
bỏ, chỉ có giai cấp thứ ba là thành phần hữu ích cho xã hội và là bản thể của
quốc gia. Chính vào lúc này, tư tưởng của Jean Jacques Rousseau trong
tác phẩm “Khế Ước Xã Hội” (the Social Contract) đã trở thành tư tưởng
cách mạng.
Năm 1762, J. J. Rousseau đã viết
trong tác phẩm kể trên rằng “con người được sinh ra tự do nhưng đã bị xiềng
xích ở khắp mọi nơi” (Man is born free and everywhere he is in chains).
Theo Rousseau, con người có các quyền tự nhiên nhưng đã bị tước đoạt do xã hội
có tổ chức. Các cá nhân có các nguyện vọng riêng (individual will) nhưng
khi sống chung trong một cộng đồng lại có nguyện vọng chung (general will).
Mục đích của chính quyền là thực hiện nguyện vọng chung này và nhờ đó nền dân
chủ thực sự được thi hành. Cách giải quyết của ông Rousseau thực ra chưa thỏa
đáng nhưng các vấn đề do ông nêu ra, như tính Tự Do, như nền
Dân Chủ, hành động và áp chế của các nhóm đa số và thiểu số, vai trò của
các đại biểu… đã kêu gọi cuộc cách mạng và các cách điều chỉnh xã hội.
Giai cấp thứ ba lúc đầu đã ủng hộ giới
quý tộc để chống lại sự độc đoán của vương triều nhưng rồi 2 giới quý tộc và
bình dân đã ghét nhau và nghi ngờ nhau. Sự xung đột này đã làm cho các cải cách
không thể thực hiện được và càng hâm nóng sức mạnh cách mạng.
Đại Hội Các Giai Cấp đã hội họp vào ngày 5 tháng 5
năm 1789 tại Cung ĐiệnVersailles. Giai cấp thứ ba gồm các đại biểu
phần lớn là các luật sư, đã không chấp nhận lối bỏ phiếu mỗi giai cấp một lá,
phản đối việc họp riêng rẽ từng giai cấp tại ba địa điểm khác nhau và đòi hỏi tất
cả các đại biểu phải được tập trung vào một nơi và bỏ phiếu theo cá nhân,
cách bỏ phiếu này có lợi cho giai cấp thứ ba hơn vì nếu tính theo đầu người, số
đại biểu của giai cấp này bằng với số của hai giai cấp kia nhập lại. Bế tắc đã
kéo dài tới 6 tuần lễ.
Ngày 13-6-1789, một số tu sĩ và quý tộc
đã bỏ phòng họp của hai giai cấp kia, nhập bọn với giai cấp thứ ba, họ được
hoan hô nồng nhiệt. Ngày 17-6, nghị hội của giai cấp thứ ba tự gọi mình là Quốc
Hội (National Assembly).
Do áp lực của giới quý tộc, Vua
Louis 16 đã đóng cửa phòng họp của giai cấp bình dân. Các đại biểu này
liền kéo qua một sân banh có mái che, cùng thề và ký vào “Lời Thề tại Sân Đánh
Banh” (the Oath of the Tennis Court) vào ngày 20-6, xác nhận rằng nơi
nào họ hội họp thì nơi đó hiện hữu Quốc Hội và họ sẽ không giải tán cho đến khi
thảo xong một bản Hiến Pháp (a constitution). Khi Vua
Louis 16 gửi tới một đại diện thông báo cho các đại biểu phải giải tán, thì Hầu
Tước Mirabeau đã giận dữ và la lên: “Hãy về bảo với Chủ của ngươi rằng
bọn ta ở đây là do ý muốn của toàn dân và bọn ta chỉ giải tán do đầu lưỡi lê” (Go
tell your master that we are here by the will of the people, and that we shall
be removed only at the point of the bayonet). Hành động táo bạo này đã là một
bước “cách mạng”, đòi hỏi chủ quyền phải về tay một nhóm người không có thẩm
quyền pháp lý.
Vua Louis 16 như vậy đã không còn kiểm soát
được Đại Hội Các Giai Cấp, nhà Vua cũng đã không đưa ra được một chương trình cải
cách nào, không thể hiện được uy quyền lãnh đạo sẵn có, không thuyết phục được
giới tư sản và giới bình dân về lòng trung thành sẵn có của họ đối với nhà Vua,
và đã không đứng về phe của giai cấp thứ ba để giảm bớt các đặc quyền của giới
quý tộc và giới tu sĩ. Trước sự thách đố của những người bình dân, Vua Louis 16
đã bối rối, trông cậy vào sự trợ lực củaHoàng Hậu Marie Antoinette, các
anh em hoàng thân cùng một số các nhà quý tộc khác. Cuối cùng, Vua Louis 16 đã
quyết định giải tán Đại Hội Các Giai Cấp. Vào cuối tháng 6, 18 ngàn binh lính
được gọi tới Cung Điện Versailles. Biến cố chính trị này đã chứng tỏ nhà Vua đứng
về phe các nhà quý tộc.
4- Cuộc Cách Mạng bùng nổ
Năm 1788, nước Pháp bị mất mùa. Năm
1789 cũng là một năm lạm phát. Nền ngoại thương đã không tăng thêm vì cuộc chiến
tranh giành Độc Lập tại Bắc Mỹ đã được giải quyết xong. Lương bổng của công
nhân hạ xuống, nạn thất nghiệp tăng cao càng đẩy cao lên giá thực phẩm. Các xáo
trộn lao động đã xẩy ra tại nhiều nơi. Vào tháng 4 năm đó, các công nhân nổi loạn
đã đốt phá một nhà máy làm giấy còn tại nông thôn, các nông dân tuyên bố sẽ
không đóng thuế và không nộp tô cho địa chủ. Nạn lạm phát cũng làm giảm lợi tức
của các nông dân và công nhân lương thiện. Sự nghèo đói càng làm tăng thêm các
kẻ trộm cướp, các kẻ khuấy động. Các khủng hoảng chính trị đã trở thành các khủng
hoảng kinh tế và xã hội.
Vào tháng 7 năm 1789, giá bánh mì
tăng cao hơn bao giờ hết. Các thành phố tràn ngập các kẻ ăn xin và các kẻ liều
mạng. Tại thành phố Paris, người dân xao động vì tin binh lính của nhà Vua đang
tập trung về Cung Điện Versailles để dự mưu dẹp bỏ Quốc Hội. Do tình hình căng
thẳng, mọi người dân Paris đều muốn võ trang để tự vệ. Ông chủ ngân hàng Laborde với
con trai có chân trong Quốc Hội tại Versailles, đã là một trong số những người
cung cấp ngân khoản để mua võ khí cho dân chúng Paris. Các đám đông đã đi lục
tìm võ khí tại các nhà kho và các tòa nhà chính phủ. Ngày 12 tháng 7 trên các
đường phố Paris, các đám đông đã đi diễn hành và hô to khẩu hiệu “Bánh mì rẻ”,
“hãy mở cửa nhà tù”, “Hãy võ trang cho nhân dân”…
Vào ngày 14 tháng 7, một
đám rất đông dân chúng kéo tới Ngục Bastille. Đây là một lâu đài mà
nhà Vua và các bộ trưởng đã tùy ý giam cầm nhiều người dân trong nhiều thập
niên. Do tình hình căng thẳng, viên quản đốc nhà ngục đã cho đặt các khẩu đại
bác tại các lỗ châu mai. Khi đám đông dân chúng Pháp kéo tới nhà Ngục, họ đòi hỏi
viên quản đốc phải dẹp bỏ các khẩu đại bác và cung cấp cho họ một số võ khí. Lời
đòi hỏi đã bị từ chối, rồi do các hiểu lầm, đám đông dân chúng Pháp đã tấn công
Ngục Bastille. 98 người bị chết do súng ở bên trong nhà Ngục bắn ra. Với sự tiếp
tay của một số binh lính cùng với 5 khẩu đại bác, đám đông dân chúng đã phá cửa
xông vào bên trong và giết chết viên quản đốc, một số viên chức và binh lính, rồi
dân chúng phẫn nộ đã chặt đầu họ, cắm vào các giáo mác để đi diễn hành qua các
đường phố. Khi được báo tin việc đập phá Ngục Bastille, Vua Louis đã phải thốt
lên câu: “Tại sao thế? Đây là một cuộc nổi loạn hay sao?”. Nhà Vua đã được trả
lời bằng câu: “Không, thưa Ngài, đây là một cuộc Cách Mạng”.
Việc phá Ngục Bastille đã cứu vãn được Quốc Hội tại
Versailles. Vua Louis 16 không biết cách phải đối phó ra sao nên đành phải chấp
nhận tình trạng của Paris, công nhận ủy ban của các công dân Paris như là một
chính phủ mới, cai quản thành phố đó. Tại Paris và các thành thị khác, các đội
quân tư sản hay đội quân quốc gia được thành lập để giữ trật tự.
Hầu Tước De Lafayette, người vốn là “vị anh hùng của hai lục
địa”, được cử ra điều khiển các đội quân canh gác Paris. Để dùng làm huy hiệu,
ông Lafayette đã phối hợp hai màu sắc đỏ và xanh của thành phố Paris với màu trắng
của giòng họ Bourbon thành một biểu tượng ba màu của cuộc Cách Mạng và từ đó đã
ra đời lá cờ tam tài.
Biến cố tại Paris đã lan ra các thành phố khác và miền quê, nơi đây các nông
dân đã tự võ trang, xông vào một số nhà địa chủ và chủ trại để đốt phá các hồ
sơ lưu trữ về tiền nợ. Nhiều nhà quý tộc bị giết, các người khác bỏ chạy ra nước
ngoài. Chế độ thái ấp (manorial regime) đã bị giới nông dân tiêu hủy.
Ngày 14 tháng 7 năm 1789 là ngày Phá Ngục
Bastille được coi là ngày khởi đầu của cuộc Cách Mạng Pháp,
nhưng các hành động cách mạng còn kéo dài trong 10 năm, cho tới khi Napoléon
lên nắm quyền lực vào năm 1899. Thời gian này có thể được chia một cách đơn giản
thành 4 giai đoạn: (a) từ 1789 tới 1792, có nền quân chủ lập hiến trong đó giới
tư sản (the bourgeoisie) áp đảo, (b) từ 1792 tới 1793, đảngGirondin đã
hoạt động mạnh mẽ, (c) thời kỳ khủng bố (Reign of Terror) của giới tư sản
cấp thấp và giới lao động kéo dài trong 2 năm 1793-94, và cuối cùng là (d) thời
kỳ phục hồi quyền lực của giai cấp tư sản.
Cũng trong giai đoạn 10 năm kể trên,
giới quý tộc muốn trở lại các đặc quyền ưu đãi về chính trị và kinh tế, giới tư
sản muốn có thêm quyền lực chính trị, thêm sự hữu hiệu về cai trị và bình đẳng
xã hội, giới nông dân muốn chấm dứt việc nạp tô phong kiến, giảm nhẹ thuế má,
có thêm đất đai canh tác, và giới lao động thành thị mong muốn bảo đảm về công
việc làm ăn cùng với thực phẩm rẻ tiền hơn.
Trong cuộc Cách Mạng Pháp, không có
giai cấp nào chế ngự được chính quyền. Các chương trình cải tiến tiếp diễn
nhau, xen vào là các tranh giành cá nhân, các yếu tố như ưa thích bạo động và
khủng bố, mệt mỏi vì chiến tranh, lòng ái quốc và tự hào quốc gia… tất cả đã thể
hiện qua các cuộc tranh đấu vật chất, nhưng có lẽ các yếu tố được đề cao trong
cuộc Cách Mạng là việc làm giảm bớt quyền lực của Quốc Gia, làm tăng thêm Tự Do
và Bình Đẳng cá nhân với nét đặc thù từ vai trò áp đảo củanhóm các nhà chính
trị kiểm soát Paris. Chính những nhân vật này đã hướng dẫn trào
lưu của cuộc Cách Mạng Pháp.
Nguồn:http://www.vietthuc.org/cu%E1%BB%99c-cach-m%E1%BA%A1ng-phap-1789/