Phạm Văn Tuấn
1. Cuộc Chiến Tranh 7 Năm và hậu quả
Vào đầu thế kỷ 18, cả hai nước Pháp
và Anh đều tìm cách tranh quyền bá chủ trên mặt biển. Mỗi nước đều tìm kiếm các
liên minh quân sự và bầu không khí chính trị của châu Âu đã trở nên căng thẳng.
Vào năm 1740, Đại Đế Frederick của nước
Phổ (Prussia) chiếm tỉnh Silesia của nước Áo, gây nên cuộc chiến tranh Silesia
thứ nhất và thứ hai (1740-48). Nữ Hoàng Maria Teresa của nước Áo bèn tìm cách
liên minh với các nước Pháp, Nga, Thụy Điển và xứ Saxony. Đại Đế Frederick sau
khi liên kết với nước Anh, đã đưa quân chiếm xứ Saxony và cuộc Chiến Tranh 7
Năm (1756-63) bắt đầu. Hậu quả của cuộc chiến tranh này là nước Pháp bị thất bại,
phải ký Hiệp Ước Hòa Bình Paris 1763 (the Peace of Paris). Nước Pháp phải
nhượng toàn thể miền đất Canada và vài hải đảo trong vùng biển Tây Ấn (West
Indies) cho nước Anh và bồi thường cho nước Tây Ban Nha bằng miền đất Louisiana
nằm tại phía tây của giòng sông Mississippi, trong khi đó nước Anh cũng chiếm
được miền đất Florida do Tây Ban Nha nhường lại. Từ nay, nước Phổ trở nên một
cường quốc chính của châu Âu và nước Anh bắt đầu xây dựng một đế quốc với lãnh
thổ có mặt trời không bao giờ lặn trên đó.
Trong cuộc Chiến Tranh 7 Năm, các người
thuộc địa của Tân Thế Giới đã đứng về phía mẫu quốc Anh, họ là các dân quân
cùng chiến đấu bên cạnh binh lính Anh mặc áo đỏ. Khi Hiệp Ước Hòa Bình Paris được
ký kết vào năm 1763 và khi nước Anh bắt đầu nhận được miền đất Canada từ nước
Pháp và miền đất Florida từ nước Tây Ban Nha, thì một nhà ngoại giao thâm niên
người Pháp là ông Charles Gravier, tức Bá Tước De Vergennes (Comte de
Vergennes) đã tiên đoán rằng: “các thuộc địa Anh do không còn bị đe dọa tại các
miền biên giới nữa, sẽ không cần sự trợ giúp của mẫu quốc. Khi mẫu quốc Anh
chuyển phí tổn quốc phòng cho các xứ thuộc địa gánh chịu, thì các xứ này sẽ
tuyên bố độc lập… “. Không có lời tiên đoán nào chính xác hơn câu nói của ông
Gravier!
Trận Chiến Tranh 7 Năm đã làm khô cạn
ngân quỹ của Vua George III. Ngay sau khi đã có Hiệp Ước Hòa Bình, chính quyền
Anh bắt đầu giảm bớt quân đội và cắt đi các chi phí của Hải Quân. Tại Bắc Mỹ,
10,000 binh lính Anh vẫn còn được duy trì để bảo vệ các xứ thuộc địa khỏi sự quấy
phá của các bộ lạc da đỏ do những người Pháp buôn lông thú xúi dục. Vì lý do
này, chính quyền tại London đã đòi các người thuộc địa Bắc Mỹ phải trả phí tổn
vì sự bảo vệ kể trên. Để có tiền, Quốc Hội Anh đã thông qua Đạo Luật Đường (the
Sugar Act) năm 1764 theo đó, 3 xu thuế được đánh lên mỗi gallon mật là
nguyên liệu làm rượu rum, nhập cảng vào Tân Thế Giới. Cách đánh thuế này không
đặt căn bản trên chính sách mậu dịch mà chỉ là một cách làm tăng thêm lợi tức.
Trước sự bất công này, một nhà ngoại giao của các xứ thuộc địa Bắc Mỹ là ông
Benjamin Franklin đã qua nước Anh và đề nghị một giải pháp theo đó nước Anh nên
thành lập một ngân hàng cho các người thuộc địa vay tiền và dùng tiền lời để trả
chi phí cho quân đội Anh trú đóng tại Bắc Mỹ. Nhưng Quốc Hội Anh đã không lắng
nghe lời đề nghị kể trên.
Đạo Luật Đường tuy được ban ra nhưng
đã chỉ mang lại một lợi tức rất nhỏ, vì thế đạo luật này được sửa đổi vào năm
1764 theo đó các người thuộc địa phải trả thuế đánh vào các mặt hàng nhập cảng
như đường, rượu chát và các nhu yếu phẩm khác. Để tránh thuế, nạn buôn lậu tại
Tân Thế Giới gia tăng. Các nhân viên quan thuế Anh được lệnh xét hỏi các nhà
buôn, tìm kiếm hàng lậu. Dù vậy, lợi tức do Đạo Luật Đường mang lại vẫn không đủ
nên vào năm 1765, Đạo Luật Tem Thuế (the Stamp Act) được ban hành. Đây
là thứ thuế trực thu (direct tax) đánh vào mọi ấn phẩm của các xứ thuộc
địa Bắc Mỹ, gồm cả báo chí, văn bản pháp luật, các tập sách mỏng, các cỗ bài…
Người dân nào vi phạm đạo luật này sẽ không được xét xử trước một bồi thẩm đoàn
mà sẽ bị lôi ra trước một tòa án hải quân (admiralty court) là nơi chỉ
có một vị quan tòa ngồi xác định số tiền nộp phạt và vị quan tòa này cũng nhận
được 5 phần trăm tiền hoa hồng của số tiền đóng phạt.
Đạo Luật Tem Thuế đã gây nên sự phản
đối mãnh liệt của các người thuộc địa. Họ coi đây là một vi phạm trắng trợn vào
các quyền lợi của họ. Từ xưa, họ vẫn tin tưởng vào sự phân quyền giữa nước Anh
và các xứ thuộc địa theo đó, nước Anh chịu trách nhiệm đối với các vấn đề đối
ngoại như tuyên chiến, ký kết hòa bình, điều hành mậu dịch, đối phó với các vấn
đề thổ dân da đỏ và công việc Bưu Chính, còn các xứ thuộc địa bắt chước đường lối
tổ chức chính quyền của mẫu quốc Anh bằng cách thành lập các hội đồng địa
phương để quản trị các vấn đề nội bộ kể cả việc tăng thuế, duy trì quân đội và
luật pháp. Đạo Luật Tem Thuế như vậy đã vi phạm các quyền lợi của người dân thuộc
địa vì họ là thần dân của nước Anh, chịu thuế mà không có đại diện. Sự việc này
là một vi phạm vào nền độc lập của các hội đồng dân cử địa phương, xen lấn vào
nền mậu dịch và kỹ nghệ của họ, đòi hỏi một thứ thuế bất công và quân đội Anh
đóng trên mảnh đất của họ là để bắt họ phải tuân phục. Tóm lại, đây là một bước
trong việc tước bỏ Tự Do của họ.
2. Sự khác biệt giữa nước Anh và các
thuộc địa Bắc Mỹ
Các người thuộc địa định cư trên miền
đất Bắc Mỹ rất quen thuộc với công việc tham gia vào chính quyền. 12 năm sau
khi thị trấn Jamestown được thành lập tại xứ Virginia, người dân của địa phương
này đã lập ra một hội đồng dân cử, được gọi là Hội Đồng Dân Biểu Burgesses (the
House of Burgesses). Vào năm 1620, khi con tầu Mayflower còn đang lênh đênh
trên biển cả, các người Pilgrims đã thảo ra “Bản Điều Lệ Mayflower” (the
Mayflower Compact). Tới khi các xứ thuộc địa phát triển, mỗi xứ đều bầu lên
một hội đồng dân cử để bảo vệ và duy trì “tự do” của những người định cư. Các
người Thanh Giáo tới Tân Thế Giới để được tự do tín ngưỡng. Hai xứ Rhode Island
và Maryland đã chủ trương hoàn toàn tự do tôn giáo. Người Cơ Đốc Giáo (Catholics)
an cư tại xứ Maryland. Bên cạnh đó là xứ Pennsylvania thuộc về người theo đạo
Quakers. Người Hòa Lan định cư tại Amsterdam, nơi mà ngày nay là tiểu bang New
York. Nền giáo dục cũng được dân thuộc địa chú ý. Đại Học Harvard được thành lập
năm 1636, chỉ 16 năm sau khi dân Pilgrims đặt chân lên đất liền. Năm 1647, xứ
Massachusetts cung cấp cho dân chúng nền giáo dục tiểu học.
Tại Tân Thế Giới, đất đai rất rẻ tiền
hoặc cho không. Một người dân thường chỉ cần đi tới vùng biên giới, dựng nên một
căn nhà gỗ và khai quang một mảnh đất, người đó đã trở nên một chủ đất. Một người
làm công sau khi hết thời hạn làm mướn, có thể sở hữu một nông trại. Gỗ rừng
nhiều vô kể. Tại các hải cảng đều có các sân đóng tầu và các kỹ nghệ nhỏ bắt đầu
phát triển: xay ngũ cốc, dệt vải, làm da thuộc và chế tạo các đồ dùng kim loại.
Người dân định cư trên các xứ thuộc địa Bắc Mỹ đều chăm chỉ, nhiều sáng kiến,
biết khai thác các tài nguyên thiên nhiên, nhờ vậy nền kinh tế của họ phát triển.
Các con tầu biển của Bắc Mỹ đã chở hàng hóa tới bán tại các hải cảng thuộc vùng
biển Tây Ấn [West Indies].
Trên miền đất phía tây của Bắc Mỹ,
các người định cư đổ về thung lũng Ohio và các kẻ đầu cơ đất đai rất bận rộn
khai thác miền hoang dã, lấn chiếm lãnh thổ của người da đỏ địa phương, săn bắn
các thú vật có lông, bán rượu rum cho thổ dân da đỏ và lường gạt họ về lông
thú. Các việc lấn đất của người da trắng vẫn tiếp tục dù cho có Bản Công Bố Năm
1763 (the Proclamation of 1763) của nước Anh ngăn cấm các người định cư
không được mua đất bên ngoài đường ranh nối nguồn của các giòng sông chảy vào Đại
Tây Dương.
Vào thế kỷ 18, nước Anh còn là một quốc
gia do nhiều nhà quý tộc cai trị. Đây là những người danh giá, xuất thân từ các
gia đình quyền quý, được giáo dục theo một nền văn hóa cao cấp và uyên thâm
trong khi đó, người dân Anh bình thường không có được các cơ hội thăng tiến, họ
chấp nhận địa vị thấp hèn, lệ thuộc, họ phải làm việc cực nhọc, kính trọng cấp
trên và tuân phục các kẻ quyền thế. Nhưng tại Tân Thế Giới, đời sống khác hẳn.
Xã hội của những người thuộc địa mang đặc tính dân chủ. Tại Bắc Mỹ, đã không có
các hầu tước, các nhà quý tộc. Cách thức giao tế tại nơi này có tính mộc mạc,
quê mùa, đơn giản. Miền hoang dã này đã thu hút những tinh thần độc lập và cuộc
sống nơi biên giới nghèo nàn đòi hỏi ở người khẩn hoang lòng tự tin, cách tự quản
trị. Tại xứ thuộc địa, đã không có các di sản thừa kế, không có các đặc quyền
do giòng họ truyền xuống. Các cơ hội tại Tân Thế Giới làm cho mọi người dân có
đầu óc năng động, tranh đấu, họ không bị giới hạn bởi tập quán cũ, giai cấp xã
hội cũ, họ ưa thích tính đơn giản, tự do, phóng khoáng…
Giữa xã hội Anh và xã hội thuộc địa
đã có rất nhiều khác biệt. Chế độ quý tộc tại nước Anh đã sống theo nghi thức,
quy lệ, phép lịch sự. Các nhà lãnh đạo Anh đã khinh rẻ thói quê mùa của người
dân Bắc Mỹ, từ y phục thô sơ, lời nói vụng về, tới cử chỉ thiếu lịch sự, thiếu
nền giáo dục cao cấp. Năm 1750, các chính khách của nước Anh tin tưởng rằng Quốc
Hội Anh là đại diện của toàn thể dân tộc Anh, kể cả những người xa xứ, không bỏ
phiếu tại quê nhà. Quốc Hội Anh có toàn quyền đối với các xứ thuộc địa, có thể
đặt ra luật pháp, bắt buộc dân thuộc địa phải tuân phục, đánh thuế lên loại người
dân xa xứ này và ngay cả có quyền giải tán các hội đồng dân cử của các miền đất
mới.
Ngược lại, các nhà ái quốc Bắc Mỹ của
thời đại đó lại không tin tưởng vào Quốc Hội Anh. Họ cho rằng Quốc Hội Anh phải
tôn rọng một số quyền lợi tự nhiên của con người và họ coi là vô hiệu các hành
động nào của Quốc Hội mang tính cách tước đoạt những quyền lợi tự nhiên đó. Vì
thế, Vua nước Anh và không phải là Quốc Hội Anh, đã là sợi dây kết nối mẫu quốc
Anh với các chính quyền thuộc địa. Các khế ước ban đầu giữa Vua nước Anh và những
người định cư đầu tiên đã cho người dân thuộc địa và con cháu của họ các quyền
lợi về đời sống, tự do và tài sản. Tới khi Quốc Hội Anh tìm cách tước đoạt đi
các quyền lợi này, thì khế ước ban đầu coi như bị hủy bỏ và người dân xứ thuộc
địa Bắc Mỹ không còn phải trung thành với Vua nước Anh nữa.
Một khuyết điểm khác của chính quyền
Anh thời đó là thiếu hẳn một cơ quan trung ương quản trị các xứ thuộc địa.
Chính quyền hành pháp của nước Anh lại bị phân hóa giữa nhiều bộ sở và ủy ban,
những cơ quan này đã không hành động nhanh chóng và phối hợp. Bộ Mậu Dịch Anh
là cơ quan hiễu rõ nhất các xứ thuộc địa lại không có quyền quyết định về các đạo
luật, các nghị định áp dụng tại miền Tân Thế Giới, trong khi chính quyền Anh
còn có tham nhũng, hối lộ và các nhà cai trị gửi qua các xứ thuộc địa là những
người không đủ hiểu biết và không có khả năng nắm giữ các chức vụ khó khăn tại
các miền đất mới. Khoảng cách giữa nước Anh và miền Bắc Mỹ cũng là một trở ngại
trong việc thi hành các chính sách thuộc địa. Edmund Burke đã viết rằng:”sóng
biển đã làm cho mệnh lệnh và việc thi hành mất nhiều tháng”.
Vào năm 1760, Vua George III lên ngai
vàng. Nhà Vua cố tìm cách nắm quyền cai trị nước Anh và chế ngự Quốc Hội Anh.
Chính quyền chia rẽ từ cấp trên, các yếu tố đảng phái, sự bất lực và tham
nhũng, các thay đổi chính sách… càng khiến cho việc quản trị miền Tân Thế Giới
thiếu đi tính nhất quán. Vị Thủ Tướng của nước Anh vào năm 1763 là ông George Grenville
lại không hiểu rõ nguyện vọng của người dân thuộc địa Bắc Mỹ, ông đã tìm cách
khai thác các xứ thuộc địa sao cho có lợi nhất cho nước Anh. Tại miền Tân Anh
Cát Lợi, người dân bị cấm đoán cắt xẻ các cây gỗ lớn có thể dùng làm cột buồm
cho tầu Hải Quân Anh. Đất đai tại miền tây cũng bị kiểm soát. Nước Anh còn muốn
khống chế nền mậu dịch của Tân Thế Giới.
Theo thuyết “Trọng Thương” (the
mercantile theory), các thuộc địa Anh phải tiêu thụ các sản phẩm của nước
Anh và được hướng dẫn sản xuất ra các mặt hàng nào mà nước Anh không làm ra được,
rồi trao đổi sản phẩm tại các hải cảng Anh. Các hội đồng dân cử địa phương của
Bắc Mỹ không được quyền giới hạn việc bán ra các hàng hóa Anh tại Tân Thế Giới
và một loạt các đạo luật mậu dịch (Acts of Trade) đã giới hạn rất nhiều
các cơ hội phát triển của các xứ thuộc địa. Ngoài ra, tất cả các sản phẩm xuất
và nhập cảng vào các xứ thuộc địa Bắc Mỹ đều phải do các tầu biển Anh chuyên chở.
Đối với dân thuộc địa Bắc Mỹ, họ rất
bất mãn. Sản phẩm nông nghiệp của họ bán ra nước ngoài đã không đủ để mua vào
các loại hàng hóa sản xuất từ nước Anh. Họ nhận thấy họ bị các nhà buôn Anh bóc
lột. Giải pháp của họ là phải phát triển các cơ sở sản xuất địa phương, chủ
trương tự do mậu dịch. Vào năm 1688, chỉ có vào khoảng 200,000 người sinh sống
trên các xứ thuộc địa của Anh. Vì các nơi định cư còn rải rác, nền kinh tế chưa
phát triển, các xứ thuộc địa đã không tìm cách chống lại các giới hạn kinh tế của
nước Anh. Nhưng vào năm 1770, dân số Bắc Mỹ đã lên tới 1.5 triệu người. Tại 4 xứ
thuộc địa Tân Anh Cát Lợi miền bắc, người dân phần lớn sống bằng nông nghiệp,
buôn bán lông thú và đóng tầu biển. Các xứ thuộc địa miền trung có nhiều sắc
dân khác nhau, văn hóa và tôn giáo khác nhau, kể cả những người mới đến định cư
từ nước Đức và từ mạn bắc xứ Ái Nhĩ Lan, họ chuyên về nông nghiệp nhiều hơn.
Người dân của các xứ thuộc địa phía nam lại sống nhờ thuốc lá, gạo và bông gòn
trồng trong các đồn điền. Chính những đồn điền này đã thuê mướn các dân nô lệ
da đen chở tới từ châu Phi.
Tại mọi phần đất thuộc địa đều có một
hình thức dân chủ đơn giản với mỗi tỉnh có một hội đồng tỉnh và mỗi xứ thuộc địa
có một hội đồng dân cử (assembly) để thông qua các đạo luật mà xứ thuộc
địa áp dụng. Đại biểu của loại hội đồng dân cử này là các thương gia, các chủ đồn
điền giàu có và sự đại diện được phân phối rộng rãi hơn là tại Quốc Hội của nước
Anh.
Theo lý thuyết, mỗi hội đồng dân cử
thuộc quyền hành của vị thống đốc thuộc địa (colonial governor) và hội đồng
các bộ trưởng (council of ministers) và những vị này có quyền phủ quyết
các đạo luật mới vì quyền lợi của chính quyền Anh. Nhưng vị thống đốc này lại
lãnh lương bổng do hội đồng dân cử trả và hội đồng này có thể làm khó khăn đối
với vị thống đốc khi họ không đồng ý về một chính sách hay một sự bổ nhiệm nào
đó và như vậy, hội đồng dân cử đã nắm các quyền hành chính trị địa phương.
Thời gian đã tới khi các người thuộc
địa Bắc Mỹ nhận ra rằng họ có thể tự làm được những gì cần thiết cho họ mà
không cần tới sự trợ giúp của người Anh nữa. Các tự do phát triển kinh tế mà
người dân thuộc địa trông đợi đã vượt qua sự cần thiết bảo vệ các miền đất biên
giới tại Bắc Mỹ. Sự chống đối người Anh theo quy mô lớn tại Tân Thế Giới bắt đầu.
3. Các chống đối ban đầu
Cơ sở đầu tiên chống đối chính quyền
Anh là các ủy ban thư tín (committees of correspondence) đặt tại các thị
trấn miền Tân Anh Cát Lợi, nhất là tại thành phố Boston và do đề nghị của ông
Samuel Adams. Các ủy ban này đã khiến cho dân chúng tại các địa phương khác
nhau và xa nhau, liên lạc được với nhau. Lớp người chống đối kế tiếp là các đại
biểu cấp tỉnh (provincial congresses). Họ đã hội họp với nhau để bàn luận
các vấn đề chính quyền địa phương, bất chấp sự ngăn cấm của các thống đốc người
Anh và sau này, khi chính quyền Anh không được dân chúng địa phương công nhận
thì các đại biểu cấp tỉnh đã đặt ra luật pháp, kiếm ra tiền và tổ chức quân đội.
Khi Đạo Luật Tem Thuế bị chống đối, một
luật sư của xứ Maryland là ông Daniel Dulany đã viết rằng Quốc Hội Anh có thể
đánh thuế thu ngoài (external taxes) lên nền mậu dịch của các xứ thuộc địa,
mà không có quyền áp đặt thứ thuế thu trong (internal taxes) vào dân
chúng. Sự phân biệt rõ ràng này rất phổ biến tại Bắc Mỹ thời đó. Vào tháng 12
năm 1767, một nhân vật chống đối khác là ông John Dickinson của xứ Pennsylvania
cũng viết trong “Các Bức Thư của một Chủ Trại miền Pennsylvania” (Letters of
a Farmer in Pennsylvania) rằng khi mục đích của thuế vụ để làm thăng tiền nền
mậu dịch của nước Anh, thuế vụ đó được coi là hữu lý nhưng khi các loại thuế chỉ
được dùng để làm tăng lợi tức, các quyền tự trị của các xứ thuộc địa sẽ bị chấm
dứt. Và cũng theo ông Dickinson, bằng cách kiểm soát số tiền trả cho các thống
đốc thuộc địa, các hội đồng dân cử địa phương có thể điều khiển các thống đốc
nhưng khi nước Anh dùng tiền thuế để trả lương cho các thống đốc thì các vị này
sẽ khống chế các hội đồng địa phương.
Khi ông Charles Towshend làm Bộ Trưởng
Tài Chính của nước Anh (Chancellor of the British Exchequer), phải chịu
thuế tại Bắc Mỹ là các mặt hàng gồm có chì, sơn, giấy, thủy tinh và trà. Tại
các xứ thuộc địa Bắc Mỹ, hội “Các người con trai của Tự Do” (the Sons of
Liberty) đã tổ chức phản đối các nhân viên thuế vụ, rồi các nhà buôn đồng ý
không nhập cảng mọi hàng hóa của nước Anh và hội “Các người con gái của Tự Do”
(the Daughters of Liberty) kêu gọi mọi người không dùng các sản phẩm của
Anh Quốc chẳng hạn như trà, là thứ bị đánh thuế bởi Đạo Luật Townshend.
Các hành động chống đối đã lên cao điểm
vào ngày 21-6-1768, khi nhân viên quan thuế chiếm giữ chiếc thuyền buồm “Tự Do”
(Liberty) của ông John Hancok, một thương gia của thành phố Boston. Hàng ngàn
người tại Boston đã biểu tình, đe dọa mạng sống của các nhân viên quan thuế,
khiến cho những người này phải bỏ trốn. Khi tin tức về cuộc nổi loạn “Tự Do”
lan tới nước Anh, 4 trung đoàn lính Anh, vào khoảng 4,000 binh sĩ, được điều động
tới Boston để bảo vệ các nhân viên quan thuế.
Sự khinh rẻ dân thuộc địa của binh
lính Anh cùng với các công việc làm thêm của lớp quân nhân này đã cướp đi công
ăn việc làm của người dân lao động Boston, đã dẫn tới rối loạn. Vào tháng 3 năm
1770, một xáo trộn đã xẩy ra. Một số người dân Boston đã nhạo báng một nhóm
binh lính Anh. Nhóm này bèn nổ súng, giết chết 5 người. Sự việc này được gọi là
“cuộc tàn sát Boston” (the Boston Massacre), đã gây nên phẫn nộ và dẫn tới
những hệ quả về sau.
Tới năm 1770, cách đánh thuế bởi đạo
luật Townshend được vị Thủ Tướng mới là Lord North xét lại và theo đề nghị của
Vua George III, thuế trà vẫn được duy trì để xác nhận quyền đánh thuế của nước
Anh tại các xứ thuộc địa. Các nhà buôn Bắc Mỹ khi đó đã chấp nhận sự dung hòa
này và các chống đối giảm dần nhưng do nạn buôn lậu, chỉ có 1/10 trà nhập cảng
vào Bắc Mỹ chịu thuế.
Tới năm 1773, Quốc Hội Anh lại ra một
đạo luật cho phép Công Ty Đông Ấn của Anh (the British East India Company)
chở trà tới các xứ thuộc địa Bắc Mỹ mà không phải trả thuế cho Anh Quốc. Công
ty này sắp sửa phá sản và đang lưu trữ một số lượng trà tồn kho rất lớn. Nếu
công ty Đông Ấn có được độc quyền bán một mặt hàng, họ sẽ có các độc quyền khác
tại Bắc Mỹ và như vậy, sẽ lấn át nền mậu dịch địa phương. Vì vậy tại New York
và Philadelphia, các con tầu biển Đông Ấn bị phản đối, không cho bốc hàng lên bờ.
Trong khi đó tại bến cảng Boston, một nhóm dân địa phương đã ăn mặc giả làm thổ
dân da đỏ, ném xuống biển khối lượng trà của công ty Đông Ấn trị giá khoảng
15,000 bảng Anh. Biến cố này được gọi là “Hành động Trà Boston” (the Boston
Party). Đây là một sự kiện lớn nhất, đã gây nên cuộc Chiến Tranh Cách Mạng
Hoa Kỳ.
Bởi vì Công Ty Đông Ấn thuộc Anh đã
thi hành luật pháp của nước Anh nên sự kiện kể trên là một cách chống đối của
các xứ thuộc địa đối với Vua George III và Thủ Tướng Lord North. Quốc Hội Anh
đã phản ứng lại “hành động” chống đối tại bến cảng Boston bằng 5 đạo luật trừng
phạt 1774, được các người dân thuộc địa gọi là “Năm Đạo Luật Cố Chấp” (the
Five Intolerable Acts). Thứ nhất, Đạo Luật Hải Cảng Boston (the Boston
Act) ra lệnh đóng cửa hải cảng Boston cho đến khi nào Công Ty Đông Ấn được
bồi thường về số trà bị thiệt hại. Bởi vì mậu dịch là một huyết mạch của thành
phố Boston, quyết định này đã ảnh hưởng xấu tới đời sống của mọi người dân địa
phương, kể cả những người vô tội. Thứ hai, Đạo Luật Chính Quyền Massachusetts (the
Massachusetts Government Act) sửa lại luật của xứ thuộc địa bằng cách xác định
là nhà Vua nước Anh mà không phải là Quốc Hội Anh, có quyền bổ nhiệm Hội Đồng
Thống Đốc (the Government’s Council) và giới hạn các buổi họp thành phố
còn một lần trong một năm và như vậy, dân địa phương không có quyền tự quản trị
nữa.
Đạo luật thứ ba là Luật Quản Trị Tư
Pháp (the Impartial Administration of Justice Act) cho phép một nhân
viên người Anh hay một binh lính Anh bị tố cáo trọng tội, có thể được đưa về nước
Anh để xét xử và như vậy bị cáo này không phải trình diện trước bồi thẩm đoàn
thù nghịch của xứ thuộc địa. Thứ tư, theo Đạo Luật Đóng Quân (the Quartering
Act), vị thống đốc Massachusetts có quyền cho quân đội đồn trú tại các quán
rượu hay tòa nhà nào còn chỗ trống tại Boston. Đạo luật thứ năm không có tính
trừng phạt các xứ thuộc địa mà chỉ nới rộng các biên giới của tỉnh Quebec tới
giòng sông Ohio và dành cho người Cơ Đốc Giáo trong tỉnh đó nền tự do tôn giáo
và sự bảo vệ luật pháp của cả nước Anh lẫn nước Pháp.
Để giám sát các đạo luật “cố chấp”
này, Quốc Hội Anh đã bổ nhiệm Trung Tướng Thomas Gage, tư lệnh các lực lượng
Anh tại Bắc Mỹ, làm thống đốc xứ Massachusetts. Nếu các xứ thuộc địa Bắc Mỹ chấp
nhận 5 đạo luật cố chấp có tính trừng phạt này, họ sẽ bị mất đi quyền tự quản
trị, các hội đồng dân cử địa phương sẽ mất quyền và sẽ có sự pha trộn hai thứ
quyền hành quân sự và quyền hành dân sự.
Vào tháng 6 năm 1774, các nhà lãnh đạo
chính trị của xứ Massachusetts đã kêu gọi tất cả các xứ thuộc địa cần phải triệu
tập một thứ quốc hội và yêu cầu các xứ này gửi nhiều đại biểu tới họp. 44 đại
biểu đã có mặt tại Sảnh Đường Carpenters (Carpenters’ Hall) thuộc thành
phố Philadelphia vào ngày 5 tháng 9 năm 1774, rồi sau đó còn có thêm các đại biểu
khác, ngoại trừ xứ Georgia, nâng tổng số lên 56 người. Xứ thuộc địa Georgia
không tham gia vì họ e sợ rằng nếu họ gửi đại biểu đi họp thì nước Anh sẽ không
giúp họ trong việc chống lại bộ lạc da đỏ Creek (the Creek Indians). Tất
cả các đại biểu đã đồng thanh chọn ông Peyton Randolph của xứ Virginia làm chủ
tịch của Quốc Hội Lục Địa đầu tiên, và trong số các đại biểu ban đầu, có các
nhân vật danh tiếng như George Washington, Patrick Henry, John Jay, John Adams
và Samuel Adams.
Vào năm sau, Quốc Hội này còn có
Benjamin Franklin và Thomas Jefferson. Hội họp một cách kín đáo, các đại biểu
này đã bác bỏ kế hoạch đề nghị bởi ông Joseph Galloway của xứ Pennsylvania,
theo đó Quốc Hội Lục Địa nên tìm cách dung hòa chính quyền Anh với nền Tự Do của
các xứ thuộc địa. Trái lại, họ đã bỏ phiếu, đồng thanh chấp nhận một bản tuyên
ngôn về các quyền lợi, gồm có các quyền về đời sống, tự do, tài sản, quyền hội
họp, quyền được xét xử trước một bồi thẩm đoàn. Họ cũng đòi hỏi xét lại các bất
công tích lũy từ năm 1763.
Quốc Hội đầu tiên của 13 xứ thuộc địa
Bắc Mỹ này ngay từ lúc đầu chỉ muốn xác định các quyền lợi của người dân Tân Thế
Giới, giới hạn các quyền hành của Quốc Hội Anh và đồng lòng với nhau về các chiến
thuật đối với 5 đạo luật “cố chấp”. Sau đó, các đại biểu Quốc Hội đồng ý tạm
hoãn hội họp cho tới tháng 5 năm 1775. Chính vào thời gian này, các xung đột lại
gia tăng khiến cho các đại biểu của các xứ thuộc địa phải tổ chức một chính quyền
trung ương và một quân đội lục địa rồi Cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ dần dần thành
hình.
Nguồn: http://www.vietthuc.org/nguyen-nhan-cua-cuoc-cach-mang-hoa-ky-1776/