Cuộc cách mạng dân chủ tại nước Anh (1600 – 1800)

Posted on
  • Chủ Nhật, 4 tháng 10, 2015
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: ,
  • Phạm Văn Tuấn

    Tại châu Âu, khoảng thời gian từ thế kỷ 17 tới đầu thế kỷ 18 được gọi là “Thời đại của các vị Vua”. Không có giai đoạn lịch sử nào mà các nhà vua của châu Âu duy trì được nhiều quyền lực, uy tín và vinh quang như vào thời đại này.Nhưng tới cuối thế kỷ 18, các vương triều của châu Âu đã trở nên yếu đi. Tại nước Anh, quyền lực hoàng gia đã bị suy giảm rất nhiều do sự cứng dắn của Quốc Hội. Sau đó các xứ thuộc địa của nước Anh tại Bắc Mỹ đã nổi lên và đánh bại quân đội Anh trong cuộc Chiến Tranh Cách Mạng đẫm máu và kéo dài. Tinh thần cách mạng dân chủ đã lan qua đất Pháp khiến cho Vua Louis 16 của nước này bị chặt đầu và người dân Pháp tuyên bố thành lập một nước Cộng Hòa.
    Vào đầu thế kỷ 19, tới lượt các thuộc địa của Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha bắt đầu đấu tranh đòi độc lập khỏi các kẻ thống trị người Âu và các vua chúa của châu Âu phải chống cự một cách tuyệt vọng để bảo vệ ngai vàng.
    Như vậy tại sao “Thời đại của các vị Vua” đã bị đổi thành “Thời đại của các Cuộc Cách Mạng Dân Chủ”? Một trong các lý do là vì vào thế kỷ 17 và 18, châu Âu đã làm quen với Cuộc Cách Mạng Khoa Học. Nhiều nhà tư tưởng của châu Âu đã đem áp dụng phương pháp Khoa Học mới vào nhiều vấn đề liên quan tới Kinh Tế, Chính Trị và cơ cấu Xã Hội. Kiến thức về Khoa Học và Nghệ Thuật đã gia tăng, làm cải tiến các điều kiện sinh sống hơn tất cả các thời kỳ lịch sử đã qua.
    Thời kỳ có phong trào trí thức làm hiểu rõ và cải tiến xã hội được gọi là “Thời Kỳ Khai Sáng” (Enlightment) hay “Thời đại của Lý Trí” (the Age of Reason). Chính các nhà tư tưởng, các nhà triết học đã làm phát triển các quan niệm, các ý tưởng mới về Tự Do, về Dân Chủ, về loại chính quyền có dân đại diện, đã đóng góp vào việc chấm dứt thời đại của các vị Vua và mở ra các cuộc cách mạng dân chủ.
    1. Tư tưởng Dân Chủ với John Locke và Montesquieu
    Các khám phá khoa học của thế kỷ 17 đã cho mọi người biết rằng thế giới vật lý là một bộ máy có trật tự, được điều hành theo các định luật của thiên nhiên. Sự kiện này khiến cho các nhà tư tưởng hay các nhà triết học cũng tin rằng người dân trong một đất nước cũng phải được quản trị theo các định luật thiên nhiên đó. Họ đã nghiên cứu bản chất con người rồi phổ biến các tư tưởng mới qua các sách vở, tập sách mỏng, báo chí và các thông điệp của thời kỳ khai sáng chẳng bao lâu đã được phổ biến rộng rãi trong giới trung lưu. 
    Trong hơn một thế kỷ, các nhà triết học đã suy xét và tranh luận về Tôn Giáo, Chính Trị, Nghệ Thuật… liên quan tới các định luật của thiên nhiên. Họ đã tụ họp tại các quán cà phê, các phòng khách (salons) do một số vị nữ lưu làm chủ, tại nhà của các nhân vật giàu có để thảo luận về các tư tưởng mới và quan trọng của thời đại. 
    Sau khi Isaac Newton khám phá ra rằng Vũ Trụ và Thiên Nhiên được điều hành một cách trật tự và đoán trước được, vì bị chi phối bởi các định luật tự nhiên vừa vĩnh cửu, vừa không thể thay đổi, thì các nhà triết học suy xét về các hành vi của con người qua lịch sử và trong hiện tại để tìm ra các định luật chi phối, khiến cho xã hội hoạt động vừa có tính trật tự, vừa có tính hài hòa. 
    Các nhà triết học của thời đại đó đã tin tưởng rằng mọi người đều có khả năng về lý trí và trí óc của con người có thể khám phá ra các chân lý cũng như hoàn thành các ước vọng. Như vậy các cá nhân đều có thể trở nên tốt lành, đạo đức và mỗi xã hội đều có thể trở thành hoàn hảo. Các nhà tư tưởng của “Thời Kỳ Khai Sáng” đã nghi ngờ các tôn giáo cổ điển. Họ tin rằng niềm tin vào sự huyền diệu, vào các thần bí, vào các cầu nguyện… không có chỗ đứng trong vùng ánh sáng của lý trí. Tôn giáo đã bị họ xét lại. Các giáo điều của Do Thái Giáo và Thiên Chúa Giáo đã dạy rằng con người không hoàn hảo và có bản chất thiên về “tội lỗi” (sin), vì vậy hai tôn giáo này đã đề cập tới tầm quan trọng phải tha thứ cho các khuyết điểm tự nhiên của người khác. Thế nhưng, các nhà tư tưởng của thời kỳ Khai Sáng đã cho rằng mỗi người đều có thể trở nên hoàn hảo, điều này tuy dẫn tới các tiến bộ thực nhưng cũng mang lại tính cố chấp (intolerance) và sự tàn nhẫn (cruelty). Tư tưởng Khai Sáng đã làm phát triển các xã hội và chính quyền tự do nhất, cũng như tàn nhẫn nhất. 
    Nhà triết học có ảnh hưởng lớn nhất trong thời kỳ Khai Sáng là John Locke (1632-1704), một nhà tư tưởng người Anh đã đóng góp rất nhiều vào các công cuộc khảo cứu tâm lý học, chính trị học và tổ chức chính quyền. John Locke sinh tại Wrington, Somerset, nước Anh vào ngày 29-8-1632. Ông là con của một luật sư giàu có theo Thanh Giáo, người đã theo Cromwell chiến đấu trong cuộc Nội Chiến tại nước Anh. John Locke đã được giáo dục tại Trường Westminster và Đại Học Oxford, đã quan tâm về khí tượng học và các ngành khoa học thực nghiệm, đặc biệt về Hóa Học, nhưng về sau lại đổi qua học ngành Y Khoa và trở nên một thầy thuốc rất giỏi của thời kỳ đó.
    Vào năm 1667, John Locke là y sĩ và bí thư của ông Anthony Ashley Cooper, bá tước miền Shaftesbury và Quan Chưởng Ấn (Lord Chancellor). Chính nhờ sự quen biết và công việc làm mà John Locke đã có cơ hội gặp gỡ nhiều nhân vật quan trọng của nước Anh. Sau khi ông Cooper bị truy tố về tội phản nghịch và được tha, thì John Locke lại bị nghi ngờ về tính bất trung (disloyalty). Năm 1683, John Locke rời khỏi nước Anh, qua sống tại Hòa Lan và chỉ trở về nước Anh sau cuộc Cách Mạng năm 1688. 
    John Locke rất quan tâm tới ngành Tâm Lý Học. Vào khoảng năm 1670, do sự thúc dục của bạn bè, ông đã khảo sát các giới hạn của trí xét đoán và phải mất 20 năm, ông mới hoàn thành tác phẩm “Bàn về sự hiểu biết của con người” (Essay Concerning Human Understanding, 1690), qua tác phẩm này, ông Locke tin tưởng rằng con người không phải sinh ra là tốt hay xấu mà giống như một tấm bảng bằng sáp trên đó phải ghi khắc các đức tính tốt qua phương pháp giáo dục. 
    Các tác phẩm chính của John Locke phần lớn gồm các bức thư: “Về sự Dung Thứ” (On Toleration, 1689, 1690, 1692), “Về Chính Quyền Dân Sự” (On Civil Government, 1690), “Vài Tư Tưởng liên quan tới Giáo Dục” (Some Thoughts concerning Education, 1693). John Locke qua đời tại Essex vào ngày 28-10-1704. 
    Ngày nay, nhiều người đã nhớ tới John Locke như là một triết gia chính trị (a political philosopher). Ông Locke đã thuyết giảng chủ thuyết theo đó con người có được một cách tự nhiên các quyền lợi về đời sống, tự do và tài sản. Theo ông Locke, khi người dân thiết lập ra một chính quyền, họ đã cho các kẻ cai trị thứ chính quyền đó các quyền lực để bảo vệ các quyền lợi của họ. Chính quyền phải giống như một thứ “khế ước xã hội” (a social contract) giữa các kẻ cai trị và các người bị trị. Khi một chính quyền nào không bảo vệ được các quyền lợi của người dân thì theo ông John Locke, người dân có thể lập nên một loại chính quyền mới. 
    Lý thuyết về “khế ước xã hội” đã được các nhà triết học của châu Âu và châu Mỹ sốt sắng nghiên cứu và vào năm 1776, các nhà Cách Mạng Hoa Kỳ đã dùng tư tưởng của John Locke vào Bản Tuyên Ngôn Độc Lập rồi sau đó là Bản Hiến Pháp Hoa Kỳ được viết ra vào năm 1787.
    Một nhà tư tưởng khác cũng dùng lý trí (reason) vào việc khảo sát chính quyền là Nam Tước De Montesquieu (1689-1755), một vị quan tòa và cũng là một nhà quý tộc người Pháp với tên thật là Charles Louis. Ông Louis được giáo dục tại Collège de Juilly rồi theo học Luật Khoa tại Đại Học Bordeaux. Khi người chú của ông qua đời, Charles Louis trở nên Nam Tước De Montesquieu và lãnh địa của Nam Tước đã cung cấp cho ông các nguồn lợi để theo đuổi Khoa Học và Chính Trị Học. 
    Vào năm 1721, Montesquieu cho xuất bản cuốn sách đầu tiên nhan đề là Các Bức Thư Ba Tư (Lettres Persannes) qua đó tác giả đã dùng kinh nghiệm của hai du khách giả tưởng người Ba Tư để chế nhạo chính quyền và các tầng lớp xã hội Pháp. Năm 1728, Montesquieu trở nên nhân viên của Hàn Lâm Viện Pháp. Ông đã đi khắp châu Âu để mở mang kiến thức và khi trở về, ông bắt tay vào một công trình nghiên cứu về chính trị và luật pháp, so sánh các chính quyền của các quốc gia khác nhau. Sau 20 năm khảo cứu, tác phẩm Tinh Thần Luật Pháp (L’ Esprit des Lois) đã ra đời. Đây là tác phẩm quan trọng nhất của Montesquieu qua đó, ông đã khảo cứu các luật pháp và hiến pháp từ thời cổ xưa cho tới thời đại của ông và cũng vì cuốn này, Montesquieu được coi là nhà sáng lập ra ngành Khoa Học Chính Trị (political science), tức là phương pháp khảo cứu chính quyền theo khoa học. 
    Montesquieu cho rằng tự do cá nhân phải được bảo vệ để chống lại sự độc đoán của chế độ quân chủ tuyệt đối (royal absolutism). Ông tin tưởng rằng một xã hội hữu lý (rational) phải gồm nhiều tầng lớp và các cơ quan quản trị (governning bodies) nếu kể từ cá nhân ở dưới lên tới chính quyền trung ương ở trên cao nhất. Các chính quyền địa phương, nghiệp đoàn, tòa án và các nhóm xã hội thuộc nhiều chủng loại phải che chở cho người công dân (citizen) khỏi quyền lực tuyệt đối của một vương quyền. 
    Niềm tin thứ hai của Montesquieu cho rằng nền tự do đòi hỏi chính quyền phải phân chia và cân bằng về quyền lực theo đó, không một phần nào của chính quyền kiểm soát nhiều hơn các phần kia và Montesquieu đã lấy một thí dụ về nguyên tắc phân quyền này ở hệ thống chính trị của nươc Anh tại đó, Vua và Quốc Hội đã cân bằng với nhau dưới sự giám sát của một nền tư pháp độc lập. Theo Montesquieu, sự cố chấp (intolerance), lạm dụng quyền hành và chế độ nô lệ đều là xấu xa và cũng theo cuốn sách “Tinh Thần Luật Pháp”, một chính quyền sẽ tránh được các điều xấu nếu biết phân chia quyền hành thành các ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp, và việc cai trị người dân phải bằng danh dự (honor), bằng cách đề cao nhân cách (human dignity) và không phải bằng cách duy trì sự sợ hãi (fear). Các tư tưởng của Montesquieu đã dẫn tới việc thảo ra Bản Tuyên Ngôn các Quyền Lợi của Con Người của nước Pháp (Declaration of the Rights of Man) và Bản Hiến Pháp Hoa Kỳ
    2. Voltaire, Rousseau và Diderot phổ biến các tư tưởng mới 
    Các tư tưởng mới của thời kỳ Khai Sáng còn được các nhà triết học phổ biến trong đó có Voltaire, Rousseau và Diderot.
    Voltaire (1694-1778) là một nhà sử học, triết học, thi sĩ, nhà viết kịch, nhà viết bình luận, thương gia giàu có, nhà cải cách kinh tế thực dụng, nhưng nhiều người đã biết tới ông do ông bênh vực “nhân quyền” (human rights). Voltaire đã phủ nhận việc tổ chức tôn giáo và tự cho là một người đề xuất duy lý (rationality). Voltaire tên thật là Francois-Marie Arouet, sinh ngày 21-11-1694 tại thành phố Paris. Vào tuổi 16, ông Voltaire đã trở nên một nhà văn rồi do làm các bài thơ châm chọc các chức quyền hoàng gia, ông bị tống giam vào ngục Bastille trong 11 tháng. Chính lúc này ông đã dùng biệt hiệu Voltaire. 
    Voltaire là một người có đầu óc sắc bén, ông thường châm biếm thói điên khùng của thời đại và rồi trong một cuộc tranh cãi vào năm 1726, ông phải bỏ chạy qua nước Anh trong 3 năm. Giống như Montesquieu, Voltaire rất khâm phục nước Anh và chính trong thời gian sống tại Anh Quốc mà ông có cơ hội khảo sát và về sau viết về hệ thống chính trị của nước này. Khi trở lại Paris, Voltaire đã dàn dựng không thành công nhiều vở hài kịch. Ông đã viết về cuộc đời của Vua Thụy Điển Charles-12 và vào năm 1734, đã cho xuất bản cuốn sách “Các Bức Thư Triết Học” (Philosophical Letters) và đây là một cuốn sách xuất sắc trong bộ môn lịch sử tư tưởng. Các bức thư này phủ nhận tôn giáo và chính quyền, gây nên các điều xúc phạm khiến cho ông phải trốn khỏi thành phố Paris. Voltaire tới sống với bà Chatelet trong lâu đài của bà ta và thường đi du lịch với bà này cho tới khi bà Chatelet qua đời vào năm 1749. 
    Vào năm 1750, do lời mời của Đại Đế Frederick nước Phổ, Voltaire qua sinh sống tại thành phố Berlin nhưng sau lần bất hòa với nhà vua này, ông qua cư ngụ tại Geneva, Thụy Sĩ. Các ý tưởng mạnh mẽ và trái nghịch của ông đã khiến ông phải di chuyển một lần nữa rồi cuối cùng, ông Voltaire đã mua một bất động sản tại Ferney thuộc nước Pháp, sát biên giới của Thụy Sĩ. Chính tại nơi này, danh tiếng của Voltaire vang lừng khắp châu Âu. Nhiều nhân vật quan trọng đã đến thăm ông và thảo luận về các tác phẩm của ông. Voltaire trở lại thành phố Paris vào tháng 2 năm 1778 để dàn dựng vở kịch “Irène” nhưng bỗng nhiên ông bị suy yếu sức khỏe và qua đời vào ngày 30-5-1778.
    Các tác phẩm của Voltaire gồm Zadig (1747), Thế kỷ của Vua Louis 14 (1751),Micromegas (1752), Bình luận về Luân Lý (1756), Đế quốc Nga dưới thời Đại Đế Peter (1759-63), “Từ Điển Triết Học” (1764), nhưng tác phẩm được nhiều người đọc nhất của Voltaire là cuốn Candide (1750) qua đó tác giả chế riễu thứ ý tưởng cho rằng “đây là loại thế giới tốt đẹp nhất của các thế giới khả hữu”. Voltaire đã quan sát chung quanh và thấy xã hội của ông đầy sự mê tín, cố chấp (intolerance) và phi lý (irrationality). 
    Voltaire thường hay chỉ trích những gì ông cho là sai trái của nhà thờ Cơ Đốc (the Catholic Church) đồng thời ông cũng biện hộ sự dung thứ (tolerance) của mọi niềm tin tôn giáo. Vì chống đối nhà thờ, Voltaire đã bị coi là một kẻ vô thần nhưng thực ra, ông chấp nhận ý tưởng hữu thần (deism). Voltaire đã nói rằng “nếu quả thật không có Thượng Đế thì cần phải tạo ra một Thượng Đế”. Voltaire rất ghét mọi hình thức cố chấp và thường xen vào các vụ hành hạ vì tôn giáo để tranh đấu cho sự công bằng. 
    Một nhà triết học khác đã phổ biến các tư tưởng thiên về tự do hơn là lý trí, đó là Jean Jacques Rousseau (1712-78). Rousseau có giòng dõi đạo Tin Lành Huguenot, chào đời tại Geneva, Thụy Sĩ, vào ngày 28-6-1712. Cha của ông Rousseau là một người thợ làm đồng hồ. Rousseau sống thời niên thiếu rất vô kỷ luật nên tới năm 16 tuổi, trở nên một tên lêu lổng (vagabond). Rousseau đã gặp và đã sống với bà De Warens tại Chambery, nước Pháp, và chính bà này đã ảnh hưởng tới tình trạng tiến hóa trí thức của Rousseau. Sau đó Rousseau đi lang thang qua các nước Thụy Sĩ, Ý và Pháp, và đã kiếm sống bằng các nghề thư ký, gia sư và thầy dạy Âm Nhạc. Năm 1741, J. J. Rousseau trở về Paris và đã bất mãn về thứ xã hội mà giới quý tộc chi phối, vừa có tính giả tạo, vừa bất công, không phục vụ cho lợi ích của người dân thường. 
    Sau nhiều năm suy nghĩ và bất mãn, J. J. Rousseau bắt đầu viết sách nói về các nguồn gốc của chính quyền, đó là cuốn Khế Ước Xã Hội (Le Contrat Social, 1762) theo đó không luật pháp nào trói buộc mọi người dân nếu người dân không đồng ý. J. J. Rousseau đã đi xa hơn ý tưởng của John Locke về sự đồng ý giữa nhà cai trị và dân chúng. Theo Rousseau, một xã hội được căn cứ vào sự hiểu biết của tất cả mọi người và mọi người cùng chia xẻ các giá trị chung và các thái độ chung. Rousseau đã gọi ý niệm này là “nguyện vọng chung” (general will). Rousseau nói rằng nguyện vọng chung diễn tả các điều mong muốn đích thực của một dân tộc và là lực kết nối dân tộc đó. 
    J. J. Rousseau tin tưởng rằng nguyện vọng chung tượng trưng cho các nhu cầu thực của một cộng đồng và phản ánh những gì cộng đồng nên làm, nhưng ông đã không cho biết làm sao khám phá ra được thứ nguyện vọng chung đó. Các ý tưởng của Rousseau đã gây ra rất nhiều ảnh hưởng. Nhiều người đã đọc các tác phẩm của Rousseau và tin tưởng vào nền dân chủ (democracy) mà ông đã đề cập. Tư tưởng của J. J. Rousseau đã ảnh hưởng tới lối suy nghĩ của người Pháp, đã trở thành một trong các sức mạnh của cuộc Cách Mạng Pháp 30 năm về sau. 
    J. J. Rousseau còn mang lại cuộc cách mạng về giáo dục. Trong cuốn tiểu thuyếtEmile (1762), ông đã công kích các bậc cha mẹ và thầy cô giáo nuôi dưỡng và dạy dỗ con cái. Ông Rousseau cho rằng bản chất con người là tốt và trong sạch trước khi con người được văn minh hóa. Nhưng nền văn minh hay tổ chức xã hội đã làm hư đốn con người, vì vậy phải làm cho con người trở về với nguyên trạng. Trong tác phẩm “Bàn luận về các Nghệ Thuật và Khoa Học” (Discourse on the Arts and Sciences), Rousseau thúc dục nên để các người trẻ tự do hưởng thụ ánh sáng mặt trời, luyện tập và chơi đùa. Rousseau cho rằng giáo dục nên bắt đầu từ gia đình và bậc cha mẹ phải làm gương tốt cho các con cũng như nên để các con tự quyết định.
    Về Văn Chương, J. J. Rousseau đề cao các vẻ  đẹp của Thiên Nhiên, ông dám viết về các cảm xúc thầm kín nhất khiến cho sau này có phong trào “lãng mạn” tại các nước Pháp, Đức và Anh.
    J. J. Rousseau là nhà lý thuyết, đã cho người khác các lời khuyên tốt đẹp nhất nhưng bản thân ông lại không làm những gì ông đã nói ra. Ông ca tụng thiên nhiên rực rỡ nhưng lại sống nhiều năm trong thành phố Paris chật chội. Ông đề cao đời sống hôn nhân và cách giáo dục trẻ em nhưng lại sống chung với cô hầu gái 23 năm mới làm đám cưới và đã bỏ bê các con. Ông dạy bảo người khác về vệ sinh, về đạo đức nhưng lại sống trong một cái gác xép ngột ngạt và đã thiếu đạo đức, không theo đúng các điều chính mình đã tin tưởng. Thế nhưng, các tác phẩm của ông về văn chương, giáo dục, chính trị đã mang lại các ảnh hưởng sâu đậm tới những người theo tư tưởng mới.
    Các tư tưởng, kiến thức mới của châu Âu vào tiền bán thế kỷ 18 đã được một học giả biên soạn thành Bộ Từ Điển Bách Khoa (Encyclopedia), đó là ông Denis Diderot (1713-84). Diderot là một nhà bình luận và triết gia, một trong các nhân vật đã phổ biến tư tưởng Khai Sáng. Phong trào Khoa Học và Triết Học của thế kỷ 18 đã cho thấy rằng Thiên Nhiên được chi phối bởi các luật tự nhiên và điều này cũng đúng với xã hội con người. Các nhà trí thức thời đó đã tin rằng chủ thuyết duy lý (rationalism) có thể tìm ra kiến thức thực sự và dẫn Nhân Loại tới tiến bộ và hạnh phúc.
    Diderot chào đời vào ngày 5-10-1713 tại Langres, nước Pháp. Ông theo học tại Paris từ năm 1729 tới năm 1732 và đã chú ý tới nhiều bộ môn như Văn Chương, Triết Học, Luật Khoa, Toán Học, Ngôn Ngữ, Kịch Nghệ… Lúc trưởng thành, Diderot đã không tin tưởng vào đạo Thiên Chúa mà theo đuổi chủ thuyết duy lý.
    Vào năm 1745, chủ nhân một nhà xuất bản là ông André Le Breton đã thuê Diderot phiên dịch một bộ Bách Khoa Từ Điển của nước Anh. Khi bắt tay vào công việc cùng với nhà toán học Jean d’ Alembert, Diderot đã thực hiện từ năm 1751 tới năm 1772 một bộ bách khoa hoàn toàn khác lạ, gồm 35 quyển. Đây là bộ sách được in tại nước Pháp và phổ biến khắp châu Âu, đề cập tới các kiến thức Văn Chương, Khoa Học và Triết Học, đã gây ảnh hưởng rất mạnh mẽ cả về phương diện trí thức lẫn xã hội và đã gặp các phản ứng chống đối đáng kể của cả nhà thờ lẫn chính quyền. Diderot muốn rằng bộ sách của ông cung cấp nhiều dữ kiện (facts) về mọi ngành học vấn, nói tới sự dung thứ và chống đối sự mê tín, chống nhà thờ và chế độ quân chủ chuyên chế. Một số bài viết trong Bộ Bách Khoa có tính vô thần hoặc duy vật nên đã làm nổi giận độc giả thời đó nhưng đồng thời đã tiên đoán về thuyết Tiến Hóa của Charles Darwin sau này, cũng như cung cấp cho giới trí thức khái niệm đầu tiên về cấu trúc tế bào của vật chất (cellular structure). 
    Thời kỳ Khai Sáng đã cho người dân ý thức được về quyền tự do tôn giáo, sự an sinh và sức khỏe công cộng nhờ đó các người bệnh tật và bị bệnh tâm thần được chăm sóc, nhà tù được cải tiến. Tù nhân bớt bị trừng phạt bằng các đạo luật tàn ác. John Howard, viên cảnh sát trưởng tại nước Anh, đã viết ra tác phẩm Tình trạng các nhà tù tại nước Anh và xứ Wales (the State of Prisons in England and Wales, 1777) trong đó có đề cập tới việc phải cải tiến cách quản trị nhà tù và coi nhà tù không phải là nơi trừng phạt mà là nơi phục hồi con người (rehabilitation). 
    Trong thời kỳ Khai Sáng, nền giáo dục cũng được cải tiến. Các kỷ luật tàn nhẫn giảm bớt, trường học được mở ra cho lớp dân nghèo, trẻ em được đào tạo để trở nên các công dân tốt.
    3. Vai trò của Quốc Hội tại nước Anh
    Trước khi có thời kỳ Khai Sáng, các vua chúa của nước Anh đã bị tấn công về vương quyền tuyệt đối và đã không có các quyền uy mạnh mẽ như các vua chúa của châu Âu, bởi vì nhà vua nước Anh bị giới hạn bởi các quyền lực của Quốc Hội và bởi một thứ hiến pháp không được viết ra. Không có sự chấp thuận của Quốc Hội, vua nước Anh không thể ban hành luật mới, sửa đổi luật cũ và đánh thuế lên dân chúng. Hệ thống chính quyền này được gọi là “vương quyền giới hạn”. Sang thế kỷ 17, tuy Quốc Hội Anh đã kiểm soát được chính quyền nhưng hệ thống chính trị của nước Anh vào lúc này chưa được coi là “dân chủ” vì Quốc Hội Anh còn bị chi phối bởi các chủ đất và các thương gia giàu có. 
    Năm 1603, Nữ Hoàng Elizabeth I qua đời. Do nhà vua này không lập gia đình và không có con nên ngai vàng được truyền cho một người họ hàng là James Stuart, vua xứ Tô Cách Lan (Scotland). Vào thời đó, hệ thống chính trị của xứ Tô Cách Lan khác với hệ thống của nước Anh và Vua James này không hiểu biết gì về truyền thống đại nghị được xử dụng trên đất nước Anh. Nhà vua tin ở thần quyền, thay Trời trị Dân và cho rằng không ai có thể ngăn cản đường lối cai trị mà nhà vua muốn áp dụng trong khi đó, Quốc Hội Anh lại có truyền thống kiểm soát vương quyền, khiến cho đã xẩy ra các xung đột và đã nẩy sinh ra một vấn đề trọng đại, đó là ai cầm quyền lực tối cao, Nhà Vua hay Quốc Hội Anh?
    Vua James Stuart sinh năm 1566, trị vì từ năm 1603 tới năm 1625, đã là Vua James VI của xứ Tô Cách Lan và là người đầu tiên thuộc giòng họ Stuart lên ngôi tại Anh Quốc. Ông là con của bà Mary, Nữ Hoàng xứ Tô Cách Lan, và người chồng thứ hai tên là Henry Stuart kiêm Lord Darnley. Vua James VI đã lên ngôi khi được một tuổi sau khi Nữ Hoàng Mary bị bắt buộc thoái vị, các quan phụ chính đã thay nhau lợi dụng danh nghĩa của nhà vua trẻ tuổi. Nhà vua đã là bù nhìn của các lãnh tụ và các đảng phái âm mưu cho tới năm 1582, khi đó các người Tin Lành bắt giữ nhà vua trong một năm. Sau khi trốn thoát khỏi cuộc sống làm con tin, Vua James VI bắt đầu thi hành các chính sách của riêng mình. 
    Vào thuở thiếu thời, Vua James VI là một cậu bé đau yếu, chân có tật nhưng lại là một người cưỡi ngựa gan dạ, được giáo dục đầy đủ, nhất là về thần học và mặc dù có bà mẹ theo đạo Cơ Đốc (Catholic), Vua James Vl vẫn là một người trung thành với đạo Tin Lành. Vào năm 1603, sau khi Nữ Hoàng Elizabeth I băng hà, Vua James VI lên ngôi vua nước Anh với danh hiệu James I lúc đã 37 tuổi. Nhà vua lúc này rất tự hào về “nghề làm vua” của mình trong khi trên thực tế lại thiếu hẳn thứ nhận thức chính trị khiến cho một chính khách của nước Pháp đã gọi Vua James I là “kẻ khờ dại khôn ngoan nhất trong Toàn Giáo Hội” (the wisest fool in Christendom).
    Vua James I thời đó đã muốn sát nhập hai vương quốc của mình là nước Anh và xứ Tô Cách Lan nhưng đã không thành công. Nhà vua còn làm mất lòng cả hai lớp người Thanh Giáo lẫn Cơ Đốc. Một số người cơ đốc đã chủ động trong vụ “âm mưu thuốc súng” (the Gunpowder Plot) để phá nổ Quốc Hội và ám sát Nhà Vua với ý đồ đưa lên ngôi một vị vua theo đạo Cơ Đốc và biến nước Anh trở lại thành một quốc gia theo nhà thờ Cơ Đốc La Mã.
    Vua James I còn cãi nhau với Quốc Hội Anh về các vấn đề chính trị và thuế vụ, trong khi Quốc Hội cho rằng quyền lực của họ là “quyền bẩm sinh và thừa kế của các thần dân của nước Anh”. Quốc Hội Anh thời đó gồm giới quý tộc, giai cấp chủ đất (gentry), giai cấp thương nhân và các nhà chế tạo. Giai cấp chủ đất và giai cấp trung lưu là những người Tin Lành Calvinist, đã có các đại diện trong Hạ Viện và muốn thanh lọc mọi ảnh hưởng cơ đốc trong nhà thờ Anh Cát Lợi. Khi đó Vua James I muốn liên kết với nước Tây Ban Nha theo đạo Cơ Đốc và đã cưới một công chúa Tây Ban Nha cho Hoàng Tử Charles trong khi Quốc Hội Anh lại muốn đánh nhau với nước Tây Ban Nha trên mặt biển, nên đã ngấm ngầm giúp đỡ các người Tin Lành của nước Đức trong trận chiến tranh 30 năm.
    Các kế hoạch của Vua James I đã gặp thất bại và sau một năm đồng ý tuyên chiến với nước Tây Ban Nha, Vua James I đã qua đời, để lại các vấn đề trọng đại chưa giải quyết được cho người con trai là Vua Charles I. Ngày nay, nhiều người còn nhớ tới công trình của Vua James I trong việc tập hợp các học giả Anh phiên dịch lại Cuốn Thánh Kinh thành Bản Dịch của Vua James (the King James Version) xuất bản vào năm 1611. 
    4. Nội chiến tại nước Anh và Vua Charles I
    Sau khi Vua James I qua đời vào năm 1625, người con trai của nhà vua này lên nối ngôi với danh hiệu Charles I (sinh năm 1600, trị vì 1625-49). Khi còn nhỏ tuổi, Charles I rất yếu đuối, đã tập nói lúc 5 tuổi và tập đi khi lên 7 tuổi. Bản tính của nhà vua trẻ này là sự pha trộn của tính yếu hèn và tính bướng bỉnh. Nhà vua thường theo các lời khuyên của một số cận thần ưa thích nhưng đôi khi lại bướng bỉnh không chịu nghe lời khuyên răn.
    Năm 1625 khi lên ngai vàng, Vua Charles I đã cưới công chúa Henrietta Maria, con gái của Vua Pháp Henry IV. Cuộc hôn nhân này không được quần thần và dân chúng Anh tán tưởng vì Hoàng Hậu Maria là một người ngoan đạo theo Cơ Đốc La Mã, lại được nuôi dưỡng trong một chế độ quân chủ tuyệt đối, rồi về sau, ảnh hưởng của hoàng hậu đối với các chính sách của nhà vua đã khiến cho giữa nhà vua và Quốc Hội xẩy ra các cuộc tranh chấp.
    Cũng như đối với Vua James I trước kia, vấn đề trọng đại được đặt ra là vua nước Anh có thể là vị vua có quyền lực tuyệt đối như các vua chúa của châu Âu, hay các quyền làm luật và đánh thuế của nhà vua phải bị giới hạn bởi Quốc Hội. Ngoài ra còn có vấn đề tôn giáo nữa. Nhiều cận thần của Vua Charles I theo Thanh Giáo (Puritans), họ muốn hủy bỏ một số lễ nghi của nhà thờ Cơ Đốc La Mã và họ e ngại nhà vua sẽ làm phục hồi đạo Cơ Đốc (Catholism). Như vậy giữa Quốc Hội và Nhà Vua đã có sự bất tín nhiệm lẫn nhau. Do cuộc chiến tranh với hai nước Tây Ban Nha và Pháp, Vua Charles I rất cần tiền trong khi Quốc Hội lại không chịu bỏ phiếu phê chuẩn số tiền mà nhà vua cần đến. Vua Charles đành phải tiết kiệm tiền bằng cách cho quân sĩ sống nhờ nhà dân và bắt buộc các nhà giàu phải cho chính quyền vay tiền, những người từ chối sẽ bị tống giam. Hành động này của Vua Charles cùng các quyết định bất thường khác đã khiến cho các vị lãnh đạo Quốc Hội Anh phản đối, vì họ cho rằng những chính sách này vi phạm các tự do hiến định của người dân nước Anh. Sự tranh chấp đến mức độ căng thẳng khiến cho nhà vua phải giải tán Quốc Hội hai lần. 
    Vào năm 1628, Vua Charles I triệu tập Quốc Hội thứ ba và sự thù nghịch giữa nhà vua và Quốc Hội càng rõ ràng hơn nữa. Quốc Hội thứ ba đã xác nhận lời trách cứ của họ đối với các yêu sách bất hợp pháp của nhà vua, bắt vua phải nhận đơn thỉnh nguyện trong đó liệt kê “các quyền lợi khác nhau và các tự do của thần dân”. Đơn thỉnh nguyện về quyền lợi này đòi hỏi hủy bỏ việc bắt buộc cho vay tiền và việc đóng quân tại nhà của dân chúng, đồng thời cũng xác nhận rằng Quốc Hội có quyền giới hạn các quyền lực của nhà vua. Để có tiền, Vua Charles I đã ký nhận đơn thỉnh nguyện rồi về sau, do cảm thấy bị mất thể diện, nhà vua đã giải tán Quốc Hội vào năm 1629 và trong 11 năm tiếp theo, đã trị vì mà không triệu tập Quốc Hội nữa. Cũng trong thời gian 11 năm này, nhà vua chẳng cần quan tâm tới các lời thỉnh cầu và với một số cận thần, nhà vua đã nghĩ ra nhiều cách gây quỹ làm mất lòng dân, chẳng hạn như để trang bị một hạm đội, nhà vua đòi người dân nộp “tiền đóng tầu” (ship money) và coi đây không phải là một thứ thuế. Nhiều người dân đã phản kháng việc làm này trong đó có John Hampden từ chối đóng góp 20 bảng Anh và đã táo bạo đưa vấn đề ra tòa án tranh cãi. 
    Năm 1633, ông William Laud, Tổng Giám Mục Canterbury, là người muốn áp dụng chính sách của nhà thờ Anh Quốc vào toàn thể nước Anh và xứ Tô Cách Lan. Việc bắt buộc dùng Kinh Cầu Nguyện Anh (the English Prayer Book) tại các nhà thờ Tô Cách Lan của Tổng Giám Mục Laud đã khiến cho toàn thể xứ Tô Cách Lan nổi lên chống đối. Do không thể dẹp được loạn, Vua Charles I phải triệu tập một Quốc Hội vào năm 1640 nhưng sau đó 5 ngày, lại hạ lệnh giải tán Quốc Hội này. Đây là Quốc Hội Ngắn Hạn (the Short Parliament). Nhưng sự bất lực của nhà vua đã khiến cho một Quốc Hội khác được thành lập vào cùng năm đó và Quốc Hội mới này đã thông qua một nghị quyết rằng kể từ nay, Quốc Hội sẽ không thể bị giải tán nếu không có sự đồng ý của chính họ. Dân thời đó đã gọi đây là Quốc Hội Dài Hạn (the Long Parliament).
    Ngay sau đó Quốc Hội Dài Hạn đã ra lệnh tống giam vị Thủ Tướng của nhà vua là Bá Tước Strafford cũng như Tổng Giám Mục Laud, nhốt vô Tháp London (the Tower of London). Năm 1641, Bá Tước Strafford bị hành quyết và Tổng Giám Mục Laud chịu chung số phận 4 năm sau. Quốc Hội Anh cũng phổ biến tới dân chúng trên toàn quốc Bài Khiển Trách Lớn Lao (the Grand Remonstrance), trong đó liệt kê các lỗi lầm của nhà vua và đòi hỏi các bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trước Quốc Hội, đòi hỏi nhà vua không được đánh thuế lên dân chúng nếu không có sự đồng ý của Quốc Hội. Vua Charles I lúc đó đã không muốn từ bỏ một uy quyền nào. Năm 1642, nhà vua đã nổi giận, dẫn một toán binh sĩ trang bị đầy đủ khí giới, xông vào Tòa Nhà Quốc Hội để bắt 5 dân biểu cầm đầu, thường chống đối nhà vua. Nhưng các nhân vật dân cử này đã được báo trước và đã trốn chạy được. Hành động bất hợp pháp của Vua Charles I đã nhanh chóng gây nên cuộc nội chiến và nhà vua đã bỏ chạy lên mạn bắc của nước Anh.
    Sau đó, cả Vua Charles I và Quốc Hội Anh đều lo tập trung quân đội. Có một nửa nhân viên Quốc Hội ủng hộ nhà vua và những người bảo hoàng này được gọi là các “kỵ binh” (Cavaliers), gồm các nhà quý tộc và phần lớn các chủ đất, trong khi các kẻ theo Quốc Hội, chống lại nhà vua được gọi là các “kẻ đầu tròn” (the Roundheads) vì họ cắt tóc thật sát. Các “kẻ đầu tròn” khi đó đã kiểm soát được thành phố London, điều khiển được Hải Quân và có quyền đánh thuế để tăng ngân quỹ. Phe Quốc Hội hay các “kẻ đầu tròn” lại sớm tìm ra được một vị chỉ huy quân sự có tài, đó là ông Oliver Cromwell. 
    5. Oliver Cromwell và nước Cộng Hòa Thịnh Vượng Chung 
    Oliver Cromwell sinh ngày 25-4-1599 tại Huntingdon, thuộc miền đông của nước Anh, có cha là một chủ trại giàu có. Năm 17 tuổi, Oliver theo Đại Học Cambridge nhưng thời gian theo học ngắn ngủi vì người cha qua đời. Cậu Oliver phải quay về nhà để quản lý nông trại thừa kế. Năm 1620, Oliver đã cưới cô Elizabeth Bourchier, con gái của một thương gia giàu sang tại thành phố London. 
    Năm 29 tuổi, Oliver Cromwell được bầu vào Quốc Hội nhưng năm sau, Quốc Hội này đã bị Vua Charles I giải tán và nhà vua đã cai trị đất nước Anh trong 11 năm mà không cần tới Quốc Hội nữa. Tới năm 1640, do hoàn cảnh bắt buộc, Vua Charles I đành phải triệu tập Quốc Hội và Oliver Cromwell lại là một dân biểu. Tại Quốc Hội, Oliver Cromwell đóng một vai trò quan trọng vì ông là một người Thanh Giáo, có niềm tin mãnh liệt, đã dùng nghị lực để chống đối nhà vua, bảo vệ các tự do dân sự và tôn giáo. Các người Thanh Giáo vào thời gian này đang tìm cách bác bỏ các đạo luật do nhà vua đặt ra rồi tới đầu năm 1642, khi cuộc nội chiến sắp bùng nổ, Oliver Cromwell trở về quê nhà, lo gây dựng một đạo quân kỵ binh riêng. Oliver Cromwell không có kinh nghiệm chiến trường nhưng ông ta là một nhà quân sự thiên tài. Binh sĩ của ông được chọn lựa theo khả năng chiến đấu và lòng nhiệt thành tôn giáo, với mỗi người lính mang theo trong hành trang một cuốn Thánh Kinh. Dĩ nhiên là Oliver Cromwell không tuyển mộ các người Cơ Đốc La Mã mà chỉ nhận vô những người thuộc các nhà thờ Tin Lành. Oliver Cromwell là một chiến sĩ và một chính khách mang màu sắc tôn giáo. 
    Vào tháng 7 năm 1644, trong trận chiến Marston Moor gần York, Hoàng Tử Ruper đã đưa một đạo quân bảo hoàng đánh vào cánh phải của đội quân Quốc Hội thì bất ngờ, quân kỵ binh của Cromwell từ bên trái đánh sang, mang lại chiến thắng và sau đó, Hoàng Tử Ruper đã phải gọi đội kỵ binh của Cromwell là đội quân “Sườn Sắt” (the Ironsides). 
    Cuộc nội chiến càng tiếp diễn, vai trò của Oliver Cromwell càng trở nên vượt trội. Ông Cromwell đã tổ chức lại quân đội theo kiểu mẫu của đội quân “Sườn Sắt” và đã thắng lợi trong trận đánh cuối cùng Naseby vào tháng 6-1645. Đầu năm sau, Vua Charles I bỏ chạy qua xứ Tô Cách Lan nhưng đã bị người dân xứ này bắt được, giao nộp cho người Anh.
    Nước Anh vào thời kỳ này được cai trị bởi các nhà lãnh đạo quân đội và nhóm dân biểu “còn lại” (the Rump) của Quốc Hội năm 1640, là những người trung thành với lý tưởng Thanh Giáo. Hai loại nhân vật lãnh đạo nước Anh này đều cho rằng Vua Charles I không đáng tin cậy và độc đoán, cần phải loại trừ. Nhà vua bị đem ra xét xử vì tội phản bội vào ngày 20-1-1649. Ngày 27-1, Vua Charles I bị kết án là can các tội “bạo chúa, phản bội, sát nhân và là kẻ thù của dân chúng”. Ba ngày sau, nhà vua bị chặt đầu bên ngoài Lâu Đài Whitehall tại London trước một số đông dân chúng Anh chứng kiến. 
    Sau đó, các dân biểu “còn lại” tuyên bố toàn thế quần đảo Anh Cát Lợi trở nên một nước Cộng Hòa, có tên là “Nước Thịnh Vượng Chung” (the Commonwealth), nhưng các người Tô Cách Lan lại muốn duy trì giòng dõi Stuart nên đã lập ra Vua Charles II, người con thứ của Vua Charles I, đồng thời các người Ái Nhĩ Lan (the Irish) theo đạo Cơ Đốc La Mã (Roman Catholic) cũng chống lại uy quyền của Quốc Hội Anh.
    Tới lúc này, Oliver Cromwell là Tổng Tư Lệnh quân đội, đã đánh thắng được người Ái Nhĩ Lan trong trận Drogheda năm 1649 và người Tô Cách Lan trong trận Dunbar năm 1650 và năm sau, lại thắng trận Worcester do Vua Charles II chỉ huy. Năm 1653, Oliver Cromwell giải tán “nhóm dân biểu còn lại” (the Rump) và không lâu sau đó, trở nên nhà lãnh đạo Nước Thịnh Vượng chung trong 5 năm với danh hiệu “Hầu Tước Bảo Vệ” (Lord Protector). Từ nay, chính sách dung thứ (toleration) được áp dụng cho tất cả các người Tin Lành. Các người Do Thái trong 300 năm bị cấm đoán, nay được phép theo đuổi tôn giáo của riêng họ. Nhưng hệ thống cai trị của Oliver Cromwell đã không được các người Thanh Giáo ưa thích, vì mặc dù là một người Thanh Giáo sùng đạo, ông Cromwell đã dung thứ các tôn giáo khác. Ngoài ra, thuế cao cũng làm cho nhiều người bất mãn ngoài việc chính ông Cromwell trở nên một nhà độc tài quân sự. Ngày 3-9-1658, ông Oliver Cromwell qua đời, nhưng đã để lại cho người dân nước Anh lối nhìn cởi mở hơn đối với Nhà Thờ và Quốc Gia. Địa vị lãnh đạo của ông được truyền lại cho người con, và Richard Cromwell đã không có đủ tài năng như cha, đã không thu được sự ủng hộ của Quốc Hội nên chẳng bao lâu, các xáo trộn chính trị lại xẩy ra.
    Vào thời kỳ sau Cromwell tại nước Anh, đã không có một nhân vật nào có đủ tài sức để đảm nhiệm công việc quản trị quốc gia, và dân chúng Anh cũng chán nản trước đường lối Thanh Giáo nghiêm khắc và chế độ quản trị bằng quân lực. Vì vậy vào năm 1660, người con thứ hai của Vua Charles I là Charles II khi đó đang sống lưu vong trên đất Pháp, được mời về nước.
    Vua Charles II là một người vui vẻ, khéo léo, đã đồng ý chia xẻ các quyền lực với Quốc Hội. 25 năm trị vì của nhà vua này được gọi là “nền quân chủ phục hưng”. Nhà vua là người đọc rộng, người đỡ đầu các bộ môn kịch nghệ, hội họa và kiến trúc. Vua Charles II cũng quan tâm đến Khoa Học và đã lập nên Hàn Lâm Viện Hoàng Gia (the Royal Society) năm 1662 với chính nhà vua làm chủ tịch.
    Chủ đích của Vua Charles II cũng là muốn thực hiện nền quân chủ tuyệt đối như Vua Louis 14 đương thời của nước Pháp, nên đã lo tăng cường quân đội, phục hồi đạo Cơ Đốc La Mã, liên kết và nhận tiền trợ giúp của Vua Pháp Louis 14. Nhưng do bản tính khéo léo, Vua Charles II đã luôn luôn nhân nhượng Quốc Hội Anh mỗi khi có sự chống đối mạnh. Năm 1679, các nhân vật đối lập với nhà vua đã đưa ra Quốc Hội đạo luật “Quyền Bảo Thân” (the Habeas Corpus Act) theo đó chính quyền không có quyền bắt giữ hay tống giam một người nào nếu không có lý do hợp pháp, chính đáng. Đạo luật này đã là nền tảng cho quyền tự do cá nhân tại nước Anh và tại Hoa Kỳ.
    Vì Vua Charles II không có con thừa kế nên ngai vàng được truyền cho người em James II, là một người sùng tín đạo Cơ Đốc La Mã và tin tưởng vào thần quyền của vua chúa, vì vậy có một nhóm dân biểu trong Quốc Hội Anh muốn lật đổ nhà vua, họ được gọi là nhóm Whigs. Thuộc về nhóm này là các nhà quý tộc, các thương gia của thành phố London và giới trung lưu Tin Lành. Đối nghịch với nhóm Whigs và trung thành với nhà vua là nhóm Tories, gồm các nhà quý tộc cấp dưới và giai cấp chủ đất (the gentry). Qua vài thập niên, hai nhóm Whigs và Tories đã phát triển dần thành các đảng phái chính trị.
    6. Cuộc Cách Mạng Vinh quan và quyền lực của Quốc Hội Anh
    Vua James II sinh năm 1633, trị vì từ năm 1685 tới năm 1688, là cháu của Vua James I và cũng là người bướng bỉnh, muốn thi hành các thần quyền của nhà vua. Khi Vua Charles II qua đời, dân chúng nước Anh đã ủng hộ Vua James II trong việc chống lại cuộc nổi loạn của Hầu Tước Monmouth, nhưng rồi họ đã bất mãn trước sự trả thù tàn ác của nhà vua trong phiên xử các người làm loạn kể trên.
    Sau khi Vua James II lên ngôi năm 51 tuổi, người dân nước Anh lại phẫn nộ vì nhà vua muốn phục hồi đạo Cơ Đốc La Mã, đã bổ nhiệm nhiều người cơ đốc (Catholics) vào các chức vụ quan trọng và đặt các giám mục cơ đốc vào trong nhà thờ Anh Cát Lợi.
    Sự chống đối nhà vua chưa thực sự bùng nổ lúc Vua James II và bà hoàng hậu Anne có hai người con gái đều theo đạo Tin Lành. Nhưng khi nhà vua cưới bà vợ thứ hai là Mary of Modena, một người sùng tín đạo Cơ Đốc La Mã và sinh hạ một con trai vào năm 1688, thì người dân nước Anh e sợ rằng đứa bé này sẽ trở thành một vị vua theo Cơ Đốc Giáo. Các nhà quý tộc Tin Lành bèn cho rằng đứa bé không phải là con đích thực của Vua James II và bà hoàng hậu, mà đã được đưa lén vào trong cung, và bằng lý do này, họ đã mời người con gái của Vua James II tên là Mary, cùng với chồng là Quận Công William of Orange, từ xứ Hòa Lan trở về và lên ngai vàng của nước Anh để cứu vãn đạo Tin Lành. Khi Quận Công William đổ bộ lên đất Anh thì Vua James II bị mất đi sức hậu thuẫn, nên đành phải bỏ chạy qua nước Pháp. Quốc Hội Anh đã thay thế không phải đổ máu một vương triều này bằng một vương triều khác mà họ ưa thích hơn, vì vậy biến cố này được gọi là “Cuộc Cách Mạng Rực Rỡ” (the Glorious Revolution).
    Vua James II khi chạy qua nước Pháp, đã được Vua Louis 14 đón tiếp nồng hậu và trợ giúp để chiếm lại ngai vàng nhưng đội quân của nhà vua đã bị thua trận Boyne ngày 1-7-1692. Vua James II đành phải sống cuộc đời lưu vong và chết tại nước Pháp vào năm 1701. Vương triều của nước Anh từ nay do hai Vua William và Mary cùng nhau cai trị. Hai nhà vua này đã đồng ý với Quốc Hội về nhiều biện pháp quan trọng. Các đạo luật mới do Quốc Hội đề nghị, đã được thông qua và được gọi là “Cuộc Dàn Xếp Cách Mạng” (the Revolution Settlement), trong đó quan trọng nhất là “Đạo Luật Dân Quyền 1689” của nước Anh (the English Bill of Rights of 1689), một đạo luật đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới Bản Hiến Pháp Hoa Kỳ.
    Đạo Luật Dân Quyền 1689 đã bảo đảm quyền “tự do ngôn luận” trong Quốc Hội. Ngoài ra, Vua nước Anh không được xen lấn vào việc tuyển chọn các dân biểu và nếu không có sự chấp thuận của Quốc Hội, quân đội không được tăng cường. Người dân nước Anh từ nay có quyền đòi hỏi sự giúp đỡ của chính quyền, việc đòi đóng tiền thế chân không được quá đáng và cách trừng phạt phạm nhân không được quá tàn ác.
    Vậy, tại sao Quốc Hội Anh đã thắng được vương quyền vào thế kỷ 17 trong khi đó tại châu Âu vẫn ngự trị các quyền lực tuyệt đối của vua chúa? Câu giải đáp có thể là vì các điều kiện chính trị và xã hội tại nước Anh khác biệt với các hoàn cảnh của lục địa châu Âu. Tại nước Pháp, các lãnh chúa là các vị vua nhỏ trong khi nước Anh là một quốc gia thống nhất với các nhà quý tộc không có uy quyền lớn. Các nhân vật này đã tham gia vào Quốc Hội Anh, là nơi bao gồm nhiều giới: quý tộc, chủ đất, thương gia, trung lưu… Quốc Hội Anh đã đoàn kết lại với nhau, cùng nhau hoạt động để dần dần trở nên có sức mạnh hơn và giới hạn quyền lực của nhà vua. Cuộc tranh đấu thành công của Quốc Hội Anh không phải xẩy ra dễ dàng mà đã cần tới một thế kỷ, qua đó diễn ra một cuộc nội chiến, một thời kỳ độc tài quân sự, một ông vua bị chặt đầu và một ông vua khác phải bỏ xứ, chạy đi sống lưu vong.
    Trong thế kỷ 17, tổ chức Quốc Hội của nước Anh đã giới hạn vương quyền và đã bảo vệ các quyền lợi của người dân.  
    Nguồn:http://www.vietthuc.org/cu%E1%BB%99c-cach-m%E1%BA%A1ng-dan-ch%E1%BB%A7-t%E1%BA%A1i-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-anh-1600-1800/
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org