SUY THOÁI DÂN CHỦ VÀ TRIỂN VỌNG HIỆN NAY

Posted on
  • Thứ Hai, 2 tháng 4, 2018
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: ,


  • GIỚI THIỆU
    Trong bài trước, Lịch sử Dân chủ hóa, chúng ta đã tìm hiểu sự phát triển của dân chủ trong lịch sử diễn ra như thế nào. Và chúng ta biết rằng, theo mô hình làn sóng của Huntington, tính đến nay có ba làn sóng dân chủ hóa đã diễn ra. Sau mỗi làn sóng đó, lại có một làn sóng đảo ngược, khi một số lượng lớn các nền dân chủ sụp đổ. Và hiện nay, tính từ năm 2005 (năm mà số lượng các nền dân chủ đạt đỉnh là 121 nước), thì các số liệu cho thấy đang có một sự suy giảm của dân chủ trên toàn cầu. Sự kiện này dấy lên câu hỏi là liệu chúng ta có đang ở trong một làn sóng đảo ngược mới sau làn sóng dân chủ hóa thứ ba hay không?
    Trong bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu tình hình dân chủ hiện nay tính từ năm 2005, cũng như một số triển vọng dân chủ trong tương lai.

    Gia tăng số lượng các nền dân chủ trên Thế giới, 1974- 2013

    DÂN CHỦ SUY THOÁI
    Dù có thể có nhiều bất đồng về một làn sóng đảo ngược mới, song mọi người dường như đồng thuận rằng, thế giới đang ở trong một giai đoạn suy thoái dân chủ nhẹ, nhưng trên diện rộng, tính từ năm 2005. Điều này thể hiện ở một số điểm sau:
    -         Thứ nhất, tỷ lệ sụp đổ dân chủ thực sự đáng kể và ngày càng tăng.
    -         Thứ hai, tại một số quốc gia thị trường mới nổi đặc biệt quan trọng, còn được gọi là “các quốc gia dao động”, chất lượng hoặc sự ổn định của các nền dân chủ đang suy giảm.
    -         Thứ ba, chủ nghĩa độc tài ngày càng gia tăng, trong đó có cả các nước lớn và có tầm quan trọng chiến lược.
    -         Và thứ tư, các nền dân chủ lâu đời, chẳng hạn như Mỹ, có vẻ ngày càng quản trị kém cỏi, cũng như thiếu ý chí và sự tự tin cần thiết để thúc đẩy dân chủ trên thế giới một cách hiệu quả.

    Tỷ lệ sụp đổ của dân chủ gia tăng
    Nếu chúng ta chia làn sóng thứ ba thành bốn thập kỷ, thì chúng ta sẽ nhìn thấy tỷ lệ sụp đổ dân chủ đã gia tăng theo từng thập kỷ kể từ giữa những năm 1980. Tỷ lệ sụp đổ dân chủ là 15% trong thập kỷ đầu tiên của làn sóng thứ ba (1974–1983), giảm xuống còn 7% trong thập kỷ thứ hai (1984–1993), nhưng sau đó tăng lên 10% trong thập kỷ thứ ba (1994–2003), và gần đây nhất là 14% (2004–13).  Tổng số nền dân chủ sụp đổ trong cả giai đoạn (1974-2014) là 30%, còn nếu chỉ tính cho các nền dân chủ ngoài Phương Tây thì cao hơn, với 37%.
    Tỷ lệ sụp đổ dân chủ, 1974-2014
    (*) Tỷ lệ cho các nền dân chủ ngoài Phương Tây

    “Các quốc gia dao động” chiến lược không có nhiều tiến bộ về dân chủ
    Đây là những quốc gia có dân số lớn (tức là hơn 50 triệu) hoặc các nền kinh tế lớn (hơn 200 tỷ USD). Theo tính toán, có 27 quốc gia như vậy.
    -         12 trong số 27 quốc gia dao động này có điểm số tự do trung bình (của Freedom House) vào cuối năm 2013 thấp hơn so với cuối năm 2005, trong đó có các nền dân chủ khá tự do (Hàn Quốc, Đài Loan, và Nam Phi); các nền dân chủ tự do ít hơn (Colombia, Ukraine, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico và Thái Lan trước cuộc đảo chính quân sự năm 2014); và các chế độ độc tài (Ethiopia, Venezuela, và Saudi Arabia).
    -         Ngoài ra, ngày nay ba quốc gia khác có mức tự do thấp hơn nhiều so với năm 2005: Nga, sợi dây thòng lọng của chế độ độc đoán đang ngày càng thắt chặt kể từ khi Vladimir Putin trở lại chức tổng thống vào đầu năm 2012; Ai Cập, chính phủ mới với sự thống trị của quân sự còn giết người nhiều hơn, kiểm soát nhiều hơn, và ít khoan dung hơn so với cả chế độ của Mubarak (1981–2011); và Bangladesh, nơi nền dân chủ sụp đổ vào đầu năm 2014.
    Nhìn chung, trong số 27 nước có rất ít bằng chứng về sự tiến bộ dân chủ.

    Sự hồi sinh của các chế độ độc tài
    Hai quốc gia độc lớn là Nga và Trung Quốc đang ngày càng trở nên độc tài hơn, cũng như sử dụng sức mạnh của mình để hỗ trợ và thúc đẩy các chế độ độc tài trên thế giới.
    -         Ở Nga, không gian cho sự đối lập chính trị, bất đồng chính kiến, và các hoạt động xã hội dân sự nằm ngoài sự kiểm soát của nhà nước đang bị thu hẹp lại. Trong khi đó ở Trung Quốc, Xi Jinping cũng thiết lập một chế độ độc tài nhất từ thời Mao.  
    -         Đồng thời, cả hai đang ngày càng đẩy mạnh việc chống lại các chuẩn mực dân chủ bằng cách sử dụng tiền bạc, sức mạnh quân sự để hỗ trợ các quốc gia độc tài khác, cũng như sử dụng các công cụ của quyền lực mềm – truyền thông quốc tế, Viện Khổng Tử, các hội nghị xa hoa và các chương trình trao đổi – để cố gắng làm mất uy tín các nền dân chủ phương Tây và dân chủ nói chung, đồng thời thúc đẩy các mô hình và chuẩn mực riêng của họ.

    Dân chủ phương Tây thoái lui
    Có lẽ chiều hướng đáng lo ngại nhất của sự suy thoái dân chủ hiện nay là sự suy giảm về hiệu quả, năng lực, và sự tự tin ở các nền dân chủ phương Tây, trong đó có Mỹ.
    -         Dân chủ tại Mỹ đã không vận hành một cách hiệu quả đủ để giải quyết những thách thức chủ yếu của việc quản trị. Tốc độ làm luật ngày càng giảm, Quốc hội gần như mất khả năng thông qua ngân sách, và việc chính phủ liên bang đóng cửa.
    -         Kết quả là, cả sự ủng hộ của công chúng với Quốc hội và niềm tin của họ vào chính phủ đang ở mức thấp trong lịch sử trước nay. Chi phí của các chiến dịch bầu cử ngày càng tăng, việc sử dụng tiền không minh bạch trong chính trị, và tỷ lệ cử tri tham gia thấp, là những dấu hiệu khác của sự yếu kém của nền dân chủ. Về mặt quốc tế, việc thúc đẩy dân chủ ở nước ngoài nằm gần chót trong các ưu tiên chính sách đối ngoại của Mỹ.
    Rõ ràng rằng, áp lực từ Mỹ và châu Âu thường tạo ra một môi trường thuận lợi đáng kể cho việc thúc đẩy dân chủ trên toàn cầu. Nếu giờ đây áp lực này này bị giảm bớt rất nhiều, thì triển vọng toàn cầu trong ngắn hạn về việc phục hồi và duy trì tiến trình dân chủ cũng sẽ giảm đi.

    TRIỂN VỌNG CỦA DÂN CHỦ
    Dân chủ đang suy thoái trên toàn cầu trong gần như cả thập kỷ qua, và có một nguy cơ ngày càng tăng là sự suy thoái có thể ngày càng trầm trọng. Tuy nhiên, bức tranh cũng không hoàn toàn quá ảm đạm.
    -         Dù phải trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất (2008) từ thời kì Đại suy thoái (1929-1933), song thế giới vẫn chưa phải chứng kiến “một làn sóng đảo ngược thứ ba”. Trên toàn cầu, mức tự do trung bình đã giảm xuống một chút, nhưng không đủ tai hại.
    -         Trong khi sự hoạt động của nền dân chủ đã không đáp ứng được kỳ vọng, thì chế độ độc tài cũng phải đối mặt với những thách thức riêng của nó.
    o   Sự ổn định của bất cứ chế độ nào cũng phụ thuộc vào tính chính danh, và số người tin vào tính chính danh nội tại của chế độ độc tài đang giảm đi nhanh chóng trên toàn thế giới. Sự phát triển về mặt kinh tế, toàn cầu hóa, và cuộc cách mạng thông tin đang làm xói mòn các chế độ độc tài và nâng cao vị thế con người cá nhân. Các giá trị đang thay đổi, và nhìn chung theo hướng ngày càng hoài nghi lớn hơn đối với quyền uy, cũng như mong muốn nhiều hơn cho trách nhiệm giải trình, sự tự do, và quyền lựa chọn chính trị.
    o   Trong hai thập kỷ tới, những xu hướng này sẽ thách thức bản chất cai trị ở Trung Quốc, Việt Nam, Iran, và các quốc gia Ả Rập; còn hiện tại có thể nhìn thấy tiến trình dân chủ hóa đang đến rất gần với Malaysia, khi mà nền chính trị bầu cử của nó ngày càng cạnh tranh hơn, và điều tương tự cũng sẽ xảy đến trong thế hệ tiếp theo của Singapore.
    -         Trung Quốc sẽ chịu áp lực dân chủ hòa ngày càng tăng khi tính chính danh của chế độ Cộng Sản đang suy giảm. Sự cai trị của Cộng Sản ở Trung Quốc đang rơi một tình thế lưỡng lan không thể giải quyết.
    o   Tăng trưởng kinh tế đang chậm dần, thị trường bất động sản quá nóng, ngành ngân hàng dễ tổn thương, dân số già, và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nếu lãnh đạo Trung Quốc không thể giải quyết được các thách thức này, một cuộc khủng hoảng sẽ xảy đến và có khả năng lật đổ chế độ, dù bộ máy kiểm soát độc tài của nó có tinh vi thế nào.
    o   Ngay cả khi chế độ né tránh được những mối đe dọa này trong một khoảng thời gian, thì việc duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối cao, cùng với đó là những thay đổi về văn hóa và xã hội sẽ mang đến những thách thức nghiêm trọng cho chế độ độc tài. Trung Quốc từ lâu đã bước qua “vùng chuyển đổi”, tức mức phát triển mà ở đó chuyển đổi chế độ nhiều khả năng sẽ xảy ra. Trong thực tế, hiện nay, GDP/đầu người của Trung Quốc đã vượt qua mức mà Hàn Quốc có khi nó chuyển đổi sang nền dân chủ vào năm 1987. Do đó, không khó để trả lời, liệu Trung Quốc với một tầng lớp trung lưu tương tự Hàn Quốc những năm 1987 – và hiện trong một kỉ nguyên mà sự tiếp cận với các nguồn thông tin độc lập qua internet và mạng xã hội – có tiếp tục chấp nhận chế độ cai trị độc đoán của Cộng Sản hay không. Bất luận thế nào, dù thông qua sự phát triển nhanh chóng hay một sự bùng nổ đột ngột bong bóng phát triển; thông qua cải cách chính trị từng phần hay qua sự bùng nổ bất mãn xã hội từ bên dưới, Trung Quốc sẽ đối mặt với sự thay đổi chính trị to lớn trong thế hệ kế tiếp.
    -         Điều quan trọng trong giai đoạn khó khăn này là các nhà dân chủ không được đánh mất niềm tin. Trong thực tế, dân chủ có thể thụt lùi phần nào, nhưng nó vẫn còn mạnh mẽ trên toàn cầu trên cơ sở các giá trị và nguyện vọng của người dân.

    Tài liệu đọc thêm
    Tài liệu tham khảo
    -         Larry Diamond. In Search of Democracy
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org