Theo phương pháp
này, việc bầu cử có thể phải tiến hành hai vòng. Nếu ứng viên hay đảng nào
trong vòng bầu cử đầu tiên giành được một mức phiếu cụ thể nào đó (do hiến pháp
quy định), thì sẽ là người chiến thắng.
Nếu không ứng
viên hay đảng nào giành được mức phiếu này, thì sẽ tổ chức bầu cử vòng hai, thường
một hoặc hai tuần sau đó. Dù cách thức bầu cử ở vòng hai của các nước khác
nhau, song ứng viên hay đảng nào giành được nhiều phiếu nhất ở vòng hai sẽ là
người chiến thắng.
Phương pháp hai
vòng này được chia thành hai dạng chính: TRS tuyệt đối và TRS tương đối.
Phương
pháp TRS tuyệt đối
Phương pháp này
áp dụng cho đơn vị bầu cử một đại biểu, trong đó mỗi cử tri có một phiếu và bỏ
cho ứng viên nào mà mình thích nhất. Bất cứ ứng viên đạt được đa số tuyệt đối (>50%)
trong vòng thứ nhất thì chiến thắng.
Nếu không ứng
viên nào giành được đa số tuyệt đối, thì hai ứng viên giành được nhiều phiếu nhất
sẽ chạy đua trong vòng hai được tổ chức một hoặc hai tuần sau đó. Ai giành được
nhiều phiếu nhất trong vòng này thì chiến thắng. Vì chỉ có hai ứng viên chạy
đua trong vòng hai, nên người chiến thắng đương nhiên giành được số phiếu với
đa số tuyệt đối. Bảng 1 bên dưới minh họa cho kết quả bầu cử tổng thống tại
Burkina Faso vào năm 2015, trong đó ứng viên Roch Christian Kabore giành được
đa số tuyệt đối ngay ở vòng một (53.49%), nên chiến thắng.
Bảng 1: Kết quả bầu cử tổng thống tại
Burkina Faso năm 2015
Phương pháp bầu
cử này thường được sử dụng trong các cuộc bầu cử tổng thống ở nhiều nước như
Pháp, Mali, hầu hết các nước Mỹ Latin, và là phương pháp phổ biến nhất được
dùng cho dạng bầu cử này. Nó cũng được sử dụng cho các cuộc bầu cử quốc hội ở một
số nước như Haiti, Kyrgyzstan và Ukraine.
Phương
pháp TRS tương đối
Phương pháp này cũng
áp dụng cho đơn vị bầu cử một đại biểu, trong đó mỗi cử tri có một phiếu và bỏ
cho ứng viên nào mà mình thích nhất. Tương tự như phương pháp TRS tuyệt đối, nếu ứng viên nào giành được
đa số tuyệt đối trong vòng đầu thì chiến thắng. Sự khác biệt nằm ở chỗ là nếu
không ứng viên nào giành được đa số tuyệt đối, thì những ứng viên nào vượt qua
được một ngưỡng quy định trước, sẽ chạy đua trong vòng hai. Và trong vòng hai, ứng
viên nào giành được nhiều phiếu nhất (không nhất thiết >50%), thì sẽ chiến
thắng.
Phương pháp này
được dùng cho bầu cử Hạ viện Pháp, trong đó tất cả ứng viên nào giành được trên
12.5% trong vòng một thì sẽ được tham gia chạy đua cho vòng hai. Bảng 2 bên dưới
minh họa cho phương pháp này. Trong vòng một, không ứng viên nào giành được đa
số tuyệt đối. Chỉ hai ứng viên giành được trên 12.5% là Hervé Mariton và Michel
Gregoire, và được quyền tham gia vòng hai. Trong vòng hai, Hervé Mariton giành
được nhiều phiếu hơn và chiến thắng.
Bảng 2: Kết quả bầu cử hạ viện Pháp
cho đơn vị bầu cử Thứ 3
Ưu
điểm
Các phương pháp
TRS có nhiều ưu điểm, đặc biệt là khi so sánh với phương
pháp SMDP.
-
Thứ nhất là trao cho cử tri nhiều lựa chọn
hơn so với phương pháp SMDP. Chẳng hạn, một cử tri bỏ phiếu cho ứng viên ‘bị
thua’ trong vòng một sẽ có thêm một cơ hội bỏ phiếu quyết định người chiến thắng
trong vòng hai. Phương pháp này cũng cho phép cử tri thay đổi ý kiến, qua đó
thay đổi ứng viên, khi họ có nhiều thông tin mới về các ứng viên trong khoảng
thời gian giữa vòng bầu cử một và hai. Lưu ý thêm rằng, việc thay đổi ứng viên
này không thể thực hiện được trong phương pháp lá phiếu thay
thế AV.
-
Thứ hai là, so với phương pháp SMDP, cử
tri ít bị thúc đẩy phải bỏ phiếu chiến lược bởi họ có cơ hội thứ hai để ảnh hưởng
lên kết quả bầu cử. Cử tri có thể bỏ phiếu cho ứng viên thích nhất của mình
trong vòng một ngay cả khi ứng viên này ít có cơ hội chiến thắng, và sau đó
dành lá phiếu cho một ứng viên tiềm năng hơn trong vòng hai.
-
Thứ ba là khuyến khích các ứng viên (chạy
đua trong vòng hai), vận động ra ngoài thành trì chính trị của họ, giành lấy sự
ủng hộ của các cử tri của các nhà lãnh đạo đã bị thua trong vòng một.
Nhược
điểm
-
Thứ nhất, do bầu cử hai vòng, nên tốn
kém chi phí quản lý bầu cử. Bên cạnh đó cũng gây tốn thời gian cho cử tri, thực
tế cho thấy có sự sụt giảm đáng kể số lượng cử tri đi bầu trong vòng bầu cử thứ
hai.
-
Thứ hai, giống như phương pháp SMDP,
phương pháp này tạo ra kết quả không tỉ lệ giữa số phiếu và số ghế. Số liệu cho
thấy rằng phương pháp này tạo ra kết quả bất tỉ lệ nhất so với các phương pháp
bầu cử đa số khác từng được áp dụng ở Phương Tây.
-
Thứ ba, làm giảm sự đại diện của nhóm
thiểu số. Chẳng hạn, Guinier cho rằng nhiều bang miền nam nước Mỹ đã áp dụng
phương pháp TRS để làm giảm khả năng chiến thắng của các ứng cử viên Mỹ gốc Phi
(sau khi mở rộng quyền bầu cử cho người da màu).
Tài liệu tham khảo:
- Principles
of Comparative Politics, Matt Golder và các tác giả.