Một trong những
phê phán đối với phương
pháp SMDP là nó cho phép ứng viên chiến thắng mà không cần giành được đa số
tuyệt đối (>50%) phiếu bầu.
Một cách để
tránh hiện tượng này là cho phép cử tri lựa chọn ứng viên theo thứ tự ưu tiên
thay vì họ chỉ lựa chọn một ứng viên duy nhất như phương pháp SMDP. Tức là cử
tri sẽ đánh số các ứng viên theo sở thích của mình, ai là người mình muốn bầu
nhất (ưu tiên một), rồi ai là người mình muốn bầu thứ hai (ưu tiên hai), thứ ba.v.v…Phương
pháp này cũng áp dụng cho đơn vị bầu cử một người đại diện.
Nếu ứng viên nào
giành được đa số tuyệt đối (>50%) với ưu tiên một, thì giành chiến thắng. Nếu
không ứng viên nào giành được đa số tuyệt đối này, thì ứng viên có ưu tiên một
thấp nhất sẽ bị loại, và số phiếu của anh ta sẽ được tái phân phối cho các ứng
viên khác, theo ưu tiên thứ hai ghi trên phiếu của các cử tri bỏ cho anh ta.
Quá trình này được thực hiện lặp đi lặp lại cho đến khi có một ứng viên giành
được đa số tuyệt đối phiếu bầu, thì trở thành người thắng cuộc.
Phương pháp này
được áp dụng cho bầu cử hạ viện Úc, Fiji, Papua New Guinea, hay bầu tổng thống ở
Ireland. Hình 1 minh họa một lá phiếu mẫu được dùng cho cuộc bầu cử hạ viện Úc.
Hình 1: Lá phiếu mẫu được dùng cho cuộc bầu cử hạ viện Úc
Bảng 1 bên dưới
minh họa cho cách tính theo phương pháp AV. Khi tính ưu tiên một của cử tri, thì Charles Blunt giành được nhiều phiếu nhất với 40.9%. Do không ứng
viên nào giành được đa số tuyệt đối (>50%), nên ứng viên với số phiếu tính
theo ưu tiên một thấp nhất sẽ bị loại, ở đây là Gavin Baillie với 0.3%. Phiếu bầu
của Gavin Baillie (ưu tiên một) sẽ được phân phối cho các ứng viên còn lại theo
ưu tiên thứ hai mà cử tri ghi trên lá phiếu.
Bảng 1: tái phân phối phiếu theo phương
pháp AV
Sau lần tái phân
phối thứ nhất, thì vẫn không ứng viên nào giành được đa số tuyệt đố, do đó quá
trình tái phân phối tiếp tục, với việc lần lượt loại các ứng viên Dudley
Leggett, Ian Paterson, Alan Sims, Stan Gibbs, Helen Caldicott, và tái phân phối
lá phiếu của họ cho các ứng viên còn lại. Cuối cùng Neville Newell trở thành
người thắng cuộc, khi giành được 50.5% số phiếu.
Một điều thú vị
của phương pháp này là lúc đầu Charles Blunt giành được nhiều phiếu nhất, tuy
nhiên, sau nhiều lần tái phân phối phiếu theo ưu tiên của cử tri, thì Neville
Newell lại trở thành người thắng cuộc. Chính vì lý do này, mà các đảng phái
chính trị ở Úc thường đưa cho cử tri thẻ ‘hướng dẫn bỏ phiếu’ bên ngoài các địa
điểm bỏ phiếu với chỉ dẫn thứ tự các ứng viên cần lựa chọn sao cho có lợi nhất cho
đảng của họ hoặc đảng liên minh của họ, như Hình 2 minh họa.
Hình 2: Thẻ hướng dẫn bỏ phiếu của
Đảng tự do
Ưu
điểm
Phương pháp AV
có các ưu điểm sau:
-
Nhìn chung, phương pháp AV giữ được phần
lớn ưu điểm của phương pháp SMDP. Chẳng hạn, bởi vì chỉ có một người đại diện được
bầu chọn, nên cử tri có thể dễ dàng quy trách nhiệm cho người đại diện về các
chính sách và buộc họ phải làm việc tốt hơn nếu muốn tiếp tục được bầu trong kì
bầu cử kế tiếp. Ngoài ra, phương pháp này có thêm một số ưu điểm khác.
-
Thứ nhất, cử tri có nhiều cơ hội hơn
trong việc thể hiện quan điểm bầu cử của mình thông qua các ưu tiên mà họ lựa
chọn so với phương pháp SMDP, vốn chỉ có một lựa chọn duy nhất.
-
Thứ hai, phương pháp này cũng ít khuyến
khích cử tri bỏ phiếu chiến lược bởi vì họ biết rằng phiếu của họ không bị lãng
phí nếu ứng viên mà họ thích nhất không chiến thắng; vì phiếu của họ sẽ được
chuyển sang cho ứng viên mà họ ít thích hơn. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, điều
này không đồng nghĩa với việc hiện tượng bỏ phiếu chiến lược hoàn toàn không
còn nữa, như ta thấy trong cách mà các đảng ở Úc phát cho cử tri thẻ hướng dẫn
bỏ phiếu.
-
Thứ ba, phương pháp này khuyến khích ứng
viên vận động bầu cử ra bên ngoài khối cử tri cốt lõi truyền thống để giành lấy
ưu tiên số hai, số ba của cử tri nhằm đảm bảo cho chiến thắng. Đây cũng là lý
do khiến cho hệ thống này được khuyến khích sử dụng cho các xã hội có sự chia rẽ
sâu sắc về sắc tộc như Bosnia, Fiji, hay Nam Phi.
Nhược
điểm
Phương pháp AV
có một số nhược điểm sau:
-
Dù ưu điểm chính của phương pháp AV là
khắc phục được hiện tượng ứng viên chiến thắng không đạt được sự ủng hộ của đa
số tuyệt đối (>50%) của phương pháp SMDP, tuy nhiên nhiều người phê phán cho
rằng ứng viên chiến thắng theo phương pháp này có thể không giành được đa số
tuyệt đối ‘thực sự’. Bởi như chúng ta thấy ở trên, người giành được nhiều phiếu
ưu tiên một nhất, có thể cuối cùng lại không phải là người chiến thắng.
-
Một nhược điểm rõ ràng của phương pháp
này là sự phức tạp, do đó gây khó khăn hơn cho cử tri trong việc bỏ phiếu, cũng
như tốn kém về tiền bạc và thời gian trong việc tổ chức bầu cử. Và điều đặc biệt
quan trọng là khả năng sai sót hoặc gian lận trong việc tái phân phối phiếu.
Tài
liệu tham khảo:
- Principles
of Comparative Politics, Matt Golder và các tác giả.