10 sự kiện đáng chú ý nhất việt nam 2018

Posted on
  • Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2018
  • by
  • nguyenminh
  • in
  • Nhãn:
  • Minh Anh tổng hợp
    1. Đàn áp chính trị gia tăng
    Trong năm vừa qua hơn 100 nhà hoạt động bị bắt, trong đó, nhiều người bị kết án với mức án rất nặng, điển hình là nhà hoạt động Lê Đình Lượng bị kết án 20 năm tù[1].
    Đây được coi là một năm tồi tệ nhất của Việt Nam về tình trạng vi phạm nhân quyền; và nó cũng phản ánh quan điểm chung của chính quyền Việt Nam là kiên quyết đàn áp mạnh tay tất cả các hoạt động đối kháng, một điều mà họ bắt đầu tiến hành vào cuối năm 2015.   

    2. Dự luật Đặc khu và Luật An ninh mạng
    Hai Dự luật gây tranh cãi lớn được đưa ra, trong khi Dự luật Đặc khu bị trì hoãn, thì Dự luật An ninh mạng chính thức được thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.
    Dự luật Đặc khu gây tranh cãi bởi bị cho lạc hậu, không phù hợp với tình hình kinh tế hiện tại của Việt Nam, cũng như gây ra những mỗi quan ngại về an ninh quốc gia.[2] Trước áp lực lớn của dư luận, thì Quốc hội Việt Nam đã hoãn thông qua Dự luật này.
    Trong khi đó, Dự luật An ninh được cho là công cụ của chính quyền để kiểm soát xã hội, nhất là trong bối cảnh ngày càng nhiều người dân chỉ trích chế độ về các vấn đề nhức nhối như tham nhũng, cướp đất, y tế, giáo dục xuống cấp.v.v…[3] Bất chấp sự phản đối của người dân, thì Dự luật này chính thức được thông qua ngày 12/06; và nhiều người cho rằng, từ nay chính quyền Việt Nam có thể thông qua bất cứ dự luật khác mà không còn lo ngại sự phản đối của người dân.

    3. Biểu tình 10/06 [4]
    Đây là một trong những cuộc biểu tình lớn nhất từng xảy ra ở Việt Nam, xét về số lượng lẫn phạm vi, khi có đến khoảng 10 ngàn người tham gia và xảy ra ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Thành công của cuộc biểu tình là đã khiến chính quyền Việt Nam hoãn thông qua Dự luật Đặc khu, tuy nhiên, không thể ngăn cản chính quyền thông qua Dự luật An ninh mạng.
    Nhìn chung, cuộc biểu tình đã làm rung chuyển chế độ, khi chế độ phải huy động toàn bộ hệ thống để trấn áp cũng như kiểm soát người dân để họ không tham gia vào một cuộc biểu tình được kêu gọi vào ngày 17/06. Cuộc biểu tình cho thấy những tín hiệu tích cực về sự phản ứng của người dân Việt Nam trước những chính sách sai trái của chính quyền, họ đã không còn ngồi im chấp nhận như trước.

    4. Bê bối của ngành giáo dục [5]
    Năm vừa qua là một năm đầy những bê bối xảy ra trong ngành giáo dục như Gian lận điểm thi THPT quốc gia, bạo hành học sinh, xâm hại tình dục.v.v…Và trước những bê bối như vậy, đã có nhiều lời kêu gọi bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ - một người bị cho đạo văn - phải từ chức, tuy nhiên ông vẫn tiếp tục tại vị.
    Nhiều người đặt câu hỏi là nền giáo dục sẽ tiếp tục như thế nào khi được đặt vào trong tay một bộ trưởng như vậy, và dự đoán rằng, 2019 sẽ tiếp tục là một năm nhiều ‘sự kiện’ với ngành giáo dục.

    5. Tham nhũng đất đai ở Thủ Thiêm
    Sau Tiên Lãng, Văn Giang, Đồng Tâm.v.v… thì Thủ Thiêm nổi lên là một điển hình cho tình trạng chính quyền cướp đất của người dân. Bất chấp những bước đi ban đầu trong việc giải quyết vấn đề này như xin lỗi người dân, cam kết sửa sai, hay gần đây nhất là việc cắt chức Tất Thành Cang[6], thì vấn đề căn bản là lợi ích của người dân, những thiệt hại, oan ức mà 20 năm qua họ phải chịu vẫn không được giải quyết; và chính quyền vẫn chỉ hứa, hứa, và hứa…. để rồi thất hứa và nhận ‘chiếc dép’ của người dân.  
    Thủ Thiêm sẽ tiếp tục là một điểm nóng trong năm 2019, và nó phản ánh một vấn đề căn bản trong sở hữu đất đai đó là ‘sở hữu toàn dân’, một phương tiện giúp chính quyền và thân hữu cướp bóc đất đai của người dân. Ngoài ra, nhiều người cho rằng, vụ Thủ Thiêm sở dĩ nổi lên bởi nó là một phần trong cuộc chiến phe phái đang diễn ra trong nội bộ Đảng Cộng sản, trong đó phe Nguyễn Phú Trọng đang tấn công những tàn dư cuối cùng của phe Nguyễn Tấn Dũng, hay phe Miền Bắc đang tấn công phe Miền Nam.

    6. Dự án Metro số 1, cùng các dự án Metro khác
    Đội vốn lên 30 ngàn tỉ đồng (200%), nợ nhà thầu Nhật 100 triệu $ chưa trả, cùng vô số sai phạm khác là những gì xảy ra với dự án Metro đầu tiên của Tp Hồ Chí Minh.[7] Cũng theo thông tin gần đây,  thì 5 dự án đường sắt đô thị đội vốn thêm 132.000 tỷ đồng.[8]
    Sau những Vinashin, Vinalines.v.v… thì những dự án này phản ánh tình trạng tham nhũng, quản lý yếu kém kinh khủng của nhà nước Việt Nam. Các dự án Metro hữa hẹn sẽ tiếp tục là các điểm nóng năm 2019; và góp phần thúc đẩy người dân Việt Nam đặt câu hỏi là tiền thuế của họ đang được chi tiêu như thế nào, và tại sao họ ngày càng chịu nhiều thứ thuế.  

    7. Bộ công an và Vụ án đánh bạc nghìn tỷ
    Hai sự kiện quan trong trong năm qua là việc cơ cấu lại Bộ Công An[9], với việc giải tán 6 tổng cục, và vụ án đánh bạc nghìn tỷ của Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương cầm đầu với sự bảo kê của hai tướng công an là Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Hóa[10].
    Tái cơ cấu bộ công an được cho là một bước đi cách mạng trong việc cải cách bộ này, tuy nhiên, nhiều người cho rằng đây thực chất là một bước đi nhằm kiểm soát bộ này của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, vì Bộ công an vốn được coi là cơ sở của Nguyễn Tấn Dũng, hay Trần Đại Quang, những đối thủ của Nguyễn Phú Trọng.
    Trong khi đó, vụ án đánh bạc nghìn tỷ với sự bảo kê của hai tướng công an, khiến nhiều người nghi ngại về vấn đề an ninh quốc gia cũng như an toàn của người dân khi những quan chức cấp cao lại tha hóa như vậy.

    8. Kỉ luật GS Chu Hảo và phong trào bỏ đảng[11]
    Ngày 25/10 Ủy ban Kiểm tra Trung ương của Đảng Cộng sản ra thông cáo đề nghị kỉ luật GS Chu Hảo vì tự diễn biến, suy thoái với bốn lý do:xuất bản sách chính trị (như Đường về nô lệ), lên tiếng về các luật, chính sách bất công (Luật An ninh mạng), phân phán các vấn nạn trong nội bộ đảng (như mất dân chủ), và xây dựng xã hội dân sự (tham gia quỹ Phan Châu Trinh).
    GS Chu Hảo là một trí thức lớn, giành được nhiều sự tôn trọng, và việc kỉ luật ông đã khiến cho giới trí thức và công chúng phẫn nộ. Điều này thúc đẩy nhiều người khác phản đối bằng cách tuyên bố từ bỏ đảng, trong đó có nhà văn Nguyên Ngọc. Việc kỉ luật GS Chu Hảo là một trong những nỗ lực kiểm soát xã hội, ngăn chặn phổ biến những giá trị tiến bộ phương Tây cho người dân Việt Nam, những thứ mà những người như tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tin rằng, kì cùng sẽ làm xói mòn sự cai trị của Đảng Cộng sản.

    9. Chiến dịch đốt lò
    Theo sau chiến dịch ‘Đả hổ diệt ruồi’ của Tập Cận Bình ở Trung Quốc, từ khi nên lắm quyền, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thực thi chiến dịch ‘đốt lò’ nhằm chống tham nhũng ở Việt Nam.[12] Đây được coi là một chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn nhất trong lịch sử Việt Nam, khi hàng loại quan chức cao cấp bị cắt chức và đưa ra xét xử, điển hình như Đinh La Thăng, ủy viên Bộ Chính trị. Và cũng với chiến dịch này, thì ông được DLV, báo trí lề đảng ca ngợi là ‘người đốt lò vĩ đại’.
    Không thể phủ nhận ảnh hưởng to lớn của chiến dịch đốt lò trong việc ngăn chặn và làm giảm bớt tham nhũng ở Việt Nam, và có lẽ đó là di sản lớn nhất của Nguyễn Phú Trọng. Tuy nhiên, nhiều người quan ngại về chiến dịch này, vì cho rằng động cơ đằng sau của nó là cuộc chiến thanh trừng phe phái, với các ẩn dụ như ‘chiếc lò có mắt’.

    10. Nguyễn Phú Trọng giữ chức tổng bí thư, kiêm chủ tịch nước[13]
    Chiều 23/10, Nguyễn Phú Trọng được bầu làm chủ tịch nước (kiêm tổng bí thư), do chủ tịch nước trước đó là Trần Đại Quang ‘đột ngột’ qua đời. Việc nắm hai chức vụ, cùng các chiến dịch ‘đốt lò’, cố kết quyền lực, cho thấy Nguyễn Phú Trọng trở thành một trong những lãnh đạo Việt Nam quyền lực nhất từ sau khi Lê Duẩn qua đời.
    Rõ ràng rằng, tình hình chính trị Việt Nam trong vài năm qua, cũng như trong những năm sắp tới, sẽ phụ thuộc rất nhiều vào đường hướng của Nguyễn Phú Trọng. Các nhà quan sát chính trị đang chờ đợi xem liệu Nguyễn Phú Trọng có tiếp tục nắm quyền sau năm 2021 hay không, và từ đó nhận định về tương lai chính trị Việt Nam.  

    Nguồn:
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org