Lợi
thế kinh tế của Việt Nam
Nguyên
Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên
Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, giữa những mâu thuẫn
giữa của hai nền kinh tế Hoa Kỳ và Trung Quốc trên hai bờ Thái Bình Dương, thì
bước qua năm 2019, Việt Nam sẽ có lợi thế gì về kinh tế và đâu là những ưu tiên
của mình?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: - Như mọi khi, tôi xin mở đầu bằng bối cảnh.
-
Về địa dư, Việt Nam có ưu thế kinh tế là nằm giữa Trung Quốc với dòng
chuyển vận hàng hải của Thái Bình Dương. Ưu thế kinh tế đó là mặt trái của
nhược điểm sinh tử về an ninh như lịch sử đã chứng minh từ mấy ngàn năm qua. Ưu
thế kinh tế này được phát huy khi Việt Nam theo quy luật trị trường và mở rộng
việc buôn bán với các nước, điều đó cũng góp phần giảm bớt rủi ro về an
ninh xuất phát từ Trung Quốc. Tôi xin nhấn mạnh là giảm thiểu chứ không triệt
tiêu và đấy là một vấn đề chính trị trước tham vọng không che giấu của Bắc
Kinh.
Lấy
lực lượng lao động trẻ và nghèo nên sẽ nhận đồng lương thấp làm quốc sách về
kinh tế thì là tai hại vì yếu tố then chốt là năng suất, tay nghề và động lực
hay sức mạnh chính là giáo dục và đào tạo.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
-Nguyễn Xuân Nghĩa
-
Chuyện thứ hai, Việt Nam có gần 100 triệu dân, đa số rất trẻ. Tuổi trung vị, là
có phân nửa cao hơn và phân nửa thấp hơn, là 30 tuổi. Đấy là một ưu thế khác
trong hoàn cảnh lão hóa dân số của các quốc gia Đông Á. Với tổng sản lượng hơn
hai trăm tỷ đô la một năm, bình quân một người làm ra hơn hai ngàn 300 đô la,
là còn quá nghèo. Nhiều người coi đấy cũng là lợi thế vì Việt Nam có lực lượng
lao động trẻ và nghèo nên sẽ nhận đồng lương thấp. Thật ra, lấy đó làm quốc
sách về kinh tế thì là tai hại vì yếu tố then chốt là năng suất, tay nghề và động
lực hay sức mạnh chính là giáo dục và đào tạo. Đấy là một ưu tiên kinh tế của
Việt Nam.
Nguyên
Lam: Quả thật là trận thương chiến bùng
nổ trong năm 2018 khiến nhiều nhà đầu tư quốc tế rút khỏi thị trường Trung Quốc
đi tìm nơi khác kiếm lời và nghĩ đến Việt Nam, thí dụ như trong các ngành sản
xuất dệt sợi, đồ da hay đồ gỗ. Thưa ông, đấy có phải là một ưu thế khác cho Việt
Nam không?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: - Tôi hơi nghĩ khác. Với giới đầu tư nước
ngoài, đã đành Việt Nam có nhân công nhiều và rẻ, nhưng so với các nền kinh tế
chưa phát triển trong khu vực Đông Nam Á, và xa xôi hơn, thí dụ như Bangladesh,
Việt Nam còn ký kết hiệp ước tự do thương mại nhiều hơn các nước kia. Điển hình
là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương được cải tiến với 10 nước khác và sẽ
vận hành từ năm 2019, hoặc Hiệp định với Liên hiệp Âu châu. Giới đầu tư nhìn
vào khuôn khổ luật chơi quốc tế và mong Việt Nam sẽ chấp hành như cam kết, nhất
là về quyền lợi đích thực của giới lao động và về việc bảo vệ môi sinh. Họ
không muốn bị mang tiếng khai thác sức lao động để kiếm lời và để lại tai họa về
môi sinh. Đấy là một ưu thế của Việt Nam khi so sánh với luật chơi rất tệ của
Trung Quốc.
-
Thứ nữa, sở dĩ tôi vừa nêu vấn đề đào tạo để tăng năng suất vì từ năm năm qua,
trước khi có trận thương chiến Mỹ-Hoa, giới đầu tư quốc tế đã tìm thị trường mới
khi Trung Quốc hết là “công xưởng toàn cầu” với nhân công nhiều và rẻ vì họ tiến
lên bậc thang cao hơn về trình độ sản xuất và trở thành khó tính hơn. Nếu dễ
tính thì Việt Nam có thể thu hút được đầu tư của thiên hạ nhưng tiếp tục làm
gia công trong loại kỹ nghệ hạ đẳng mà Trung Quốc hết muốn làm.
-
Vì vậy, ưu tiên kinh tế của Việt Nam trong năm 2019 là chứng minh rằng thị trường
của mình có sân chơi bình đẳng và tôn trọng quy tắc phổ cập của thế giới văn
minh, nhưng bên trong thì phải ra sức nâng cao khả năng đóng góp của nhân công
và kỹ sư Việt Nam qua một nỗ lực cách mạng giáo dục.
Nguyên
Lam: Ngoài ra, ông còn thấy một ưu tiên
nào khác nữa?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: - Tôi khỏi nói về yêu cầu cải tổ vĩ mô, như
ngân sách, thuế vụ hay nợ nần của doanh nghiệp và ngân hàng, mà các chuyên gia
kinh tế trong nước đã nhắc nhở nhưng xin đề cập đến một vấn đề chiến lược hơn.
Nếu
chỉ nói tới thành tích của Intel, LG hay Samsung hoặc các tập đoàn Âu Mỹ khác tại
Việt Nam thì vẫn chỉ là vay mượn thành tích và vài chục năm nữa, Việt Nam vẫn
chưa có gì là của mình, người Việt vẫn chưa thực sự làm chủ vận mệnh của mình.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
-Nguyễn Xuân Nghĩa
-
Việt Nam quá lệ thuộc vào đầu tư trực tiếp của ngoại quốc. Họ đóng góp tới
phân nửa sản lượng và 70% số xuất khẩu và tuyển dụng chừng 10 triệu nhân
công, trực tiếp hay gián tiếp. Việt Nam coi đó là thành tích của mình. Đấy là ảo
giác, vì thành tích thật là của giới đầu tư, họ có tiền bỏ túi đem về nước.
-
Giới đầu tư quốc tế có nhu cầu chính đáng là kiếm lời, nhưng động lực ấy khiến
họ chọn mặt gửi vàng nên có thể nhổ trại cắm lều ở xứ khác nếu thấy có lợi hơn.
Từ chuyện đó, ta thấy ra vấn đề là Việt Nam phải cạnh tranh cùng các nước chậm
phát triển kia và thi đua mời chào ngoại quốc mà quên hẳn nhu cầu đích thực của
mình trong trường kỳ. Nhu cầu đó là xây dựng hệ thống doanh nghiệp nội địa có
khả năng cạnh tranh cao hơn.
-
Vì có chế độ độc đoán và một thị trường lớn, Trung Quốc cũng tiến hành việc
phát triển và bảo vệ doanh nghiệp nội địa và đang bị các nước kết án và trả đũa
vì mờ ám trong chính sách. Việt Nam nên tìm cách lương thiện hơn. Việc tuân thủ
cam kết trong các hiệp định kinh tế làm nổi bật sự khác biệt của Việt Nam với xứ
láng giềng bất lương, huống hồ việc thi hành các cam kết đó cũng có lợi cho người
dân. Khi thực thi các hiệp định tự do thương mại với các nước, Việt Nam nên giải
thích rõ chuyện này cho mọi người cùng hiểu ra những cơ hội mới. Giấu nhẹm tin
tức và đầu cơ kiến thức không là giải pháp kinh tế văn minh.
Hiểm
họa từ Trung Quốc
Nguyên
Lam: Dường như còn một tai hại nữa của
tình trạng lệ thuộc vào đầu tư trực tiếp của nước ngoài là khi Việt Nam thiếu đối
sách thỏa đáng với đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc mà còn để họ gieo họa cho
mình. Thưa ông có phải như vậy không?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: - Khi bước lên trình độ sản xuất cao hơn,
Trung Quốc quăng thiết bị lỗi thời và gây ô nhiễm của họ cho xứ khác mà Việt
Nam coi đó là của báu thì chẳng khác gì tự sát chầm chậm. Chuyện này cả nước đã
than, nhưng lý do có thể thuộc phạm vi chính trị giữa hai chế độ nên người than
có thể vào tù.
-
Một chuyện then chốt mà Trung Quốc không giải quyết nổi là tạo ra sân chơi bình
đẳng giữa các xí nghiệp quốc doanh và doanh nghiệp tư nhân. Việt Nam nên coi đó
là bài học và bắt đầu thực hiện quốc sách ngay từ năm 2019, là kế hoạch yểm trợ
tư doanh đích thực chứ không là sân sau của các đảng viên cán bộ. Về lâu về dài
hệ thống tư doanh đó mới làm nên sức mạnh kinh tế của quốc gia. Vì vậy, ngoài
những thành tích thu hút đầu tư ngoại quốc, Việt Nam cũng nên cho biết là đã
làm hay sẽ làm những gì để có thêm đầu tư của tư doanh nội địa.
-
Các doanh nghiệp của người Việt trong nước không dễ gì nhổ trại cắm lều ở nơi
khác và sự thành công của họ mới là sự thành công của Việt Nam. Ưu tiên kinh tế
đó cũng song hành với ưu tiên cải cách giáo dục và đào tạo đã nói ở trên. Quốc
hội có thể là nơi mà vấn đề này được nêu ra cho dư luận và nhà nước cùng thấy.
Nếu chỉ nói tới thành tích của Intel, LG hay Samsung hoặc các tập đoàn Âu Mỹ
khác tại Việt Nam thì vẫn chỉ là vay mượn thành tích và vài chục năm nữa, Việt
Nam vẫn chưa có gì là của mình, người Việt vẫn chưa thực sự làm chủ vận mệnh của
mình. Vào dịp đầu năm dương lịch, tôi thành thật mong ước điều đó cho Việt Nam.
Nguyên
Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng
Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phỏng vấn kỳ
này, và xin hẹn quý thính giả vào năm tới.