Về
mặt chức năng thì quyền lực chính quyền có thể được chia thành: hành pháp – thực
thi luật, lập pháp – ban hành luật, và tư pháp – giải thích luật. Đối với hầu hết
các nền dân chủ trên thế giới, nhánh tư pháp tách riêng đứng độc lập,
và thường những người đứng đầu nhánh này được bổ nhiệm suốt đời. Mục đích là để
cho họ không bị chi phối bởi công chúng hay giới chính trị gia, qua đó giữ cho
phán xét của họ được công chính.
Trong
khi đó nhánh hành pháp và lập pháp chịu sự chi phối của công chúng, được tổ chức
bầu cử định kì; và tương quan quyền lực cũng như sự kết hợp giữa hai nhánh này
tạo ra các dạng chính phủ khác nhau, mà ở đây chúng ta quan tâm đến ba dạng
chính là: đại nghị, tổng thống, và bán tổng thống.
Hệ thống tổng thống: phân tách quyền
lực
Trong
hệ thống tổng thống, vai trò đứng đầu nhà nước và đứng đầu chính phủ thường được
đặt lên vai một người, được gọi là ‘tổng thống’. Tuy nhiên, đặc trưng của
hệ thống tổng thống không nằm ở sự hợp nhất hai vai trò hành pháp này, mà ở việc
phân
tách quyền lực.
Các
nhà lập quốc Mỹ cho rằng các chức năng của nhánh hành pháp và lập pháp nên được
phân biệt và tách rời. Điều này có nghĩa rằng nhánh hành pháp và nhánh lập pháp
được bầu chọn trong các cuộc bầu cử riêng, và vì vậy tổng thống phải được
bầu chọn một cách độc lập và trực tiếp (gần như trực tiếp) bởi nhân dân (không
giống như hệ thống đại nghị). Bất kể hệ thống bầu cử hay hệ thống đảng phái như
thế nào, thì đặc trưng thể chế này mang đến cho hệ thống tổng thống mức độ đồng
thuận cao, bởi nó tạo ra nhiều người chơi phủ quyết hơn.
Cơ
chế bầu cử tổng thống có thể khác nhau rất nhiều; chẳng hạn, tổng thống Mỹ được
bầu chọn gián tiếp thông qua Đại Cử tri, nhưng thiết chế này thường phản ánh chặt
chẽ kết quả phiếu bầu phổ thông trước đó. Trong khi đó, một số nước bầu tổng thống
bằng hệ thống đa số tương đối; còn một số nước lại sử dụng hệ thống bầu cử hai
vòng để người thắng cử có được đa số tuyệt đối.
Tổng
thống và quốc hội không thể can thiệp vào công việc của nhau.
Tổng thống phục vụ với nhiệm kì cố định, dù là bốn năm, như ở Mỹ, Brazil,
Chile, hay lâu hơn, với sáu năm như ở Mexico. Trong nhiệm kì đó, rất
khó để cơ quan lập pháp có thể phế truất tổng thống. Hầu hết các nước đều
có một số quy định về việc luận tội, song việc luận tội đòi hỏi các biện pháp đặc
biệt, và chỉ được sử dụng trong những hoàn cảnh đặc biệt.
Bất
kể bao nhiêu nghị sĩ, cả các nghị sĩ là thành viên của đảng của tống thống, bất
đồng với tổng tống hoặc nghi vấn về năng lực hay các chính sách của ông, thì
cũng không thể phế truất ông.
Tương
tự, các nhà lập pháp cũng có nhiệm kì cố định. Trong hệ thống lưỡng viện, nhiệm
kì có thể khác nhau cho mỗi viện; và bầu cử có thể luân phiên, với chỉ một phần
quốc hội được bầu mới trong một đợt bầu cử nào đó. Tổng thống không thể can thiệp
vào quốc hội, chẳng hạn bằng cách rút ngắn hay kéo dài các buổi họp.
Cuối
cùng, sự phân tách quyền lực thể hiện rõ trong quyền bổ nhiệm của tổng thống.
Dù tổng thống cần sự đồng thuận của quốc hội, song ông có thể tự do bổ nhiệm nội
các của mình. Ông có thể, và trong trường hợp của Mỹ thì phải, bổ nhiệm các cá
nhân không phải là thành viên quốc hội. Ông cũng có thể bổ nhiệm người từ bất cứ
đảng nào mà mình muốn. Việc bổ nhiệm không cần phản ánh cơ cấu đảng trong quốc
hội; chẳng hạn, một tổng thống mà đảng của ông chỉ là thiểu số trong quốc hội,
không cần bổ nhiệm các thành viên từ đảng đa số vào nội các của mình.
Một
khi được bổ nhiệm và chấp nhận bởi quốc hội, các quan chức phục vụ theo lệnh và
ý chí của tổng thống, và quốc hội hầu như không thể can thiệp vào công việc của
họ. Dĩ nhiên, trong thực tế hầu hết các tổng thống có gắng bổ nhiệm nội các của
mình gồm một nhóm ít nhiều đại diện cho phe cánh lớn trong đảng của mình, hoặc
một nhóm phản ánh phần nào sự đa dạng nhân khẩu của quốc gia.
Tuy
nhiên, do sự tách rời với cơ quan lập pháp nên họ không quá nhất thiết phải làm
điều này, và làm ở mức độ mà họ nghĩ có lợi về mặt chính trị, không giống như
cách hình thành chính phủ trong hệ thống đại nghị. Tương tự, bởi vì các thành
viên của cơ quan lập pháp không cạnh tranh trực tiếp cho việc bổ nhiệm nội các,
nên tổng thống có ít sự kiểm soát đối với họ so với thủ tướng, và vì vậy quốc hội
trở thành một cơ quan quyết định quan trọng và độc lập hơn (so với quốc hội
trong hệ thống đại nghị).
Nguồn: Introducing Comparative Politics: Concepts and Cases in Context