Vận hành hệ thống đại nghị ở Anh

Posted on
  • Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2018
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:

  • Khi so sánh với người đứng đầu nhánh hành pháp trong các nền dân chủ trên thế giới, thủ tướng Anh được coi là người quyền lực nhất. Quyền lực không chỉ đến từ các chức năng được quy định mà còn từ bản chất của hệ thống đảng của Anh.
    Giống như Mỹ, Anh có hai đảng lớn (Lao động và Bảo thủ) thay phiên nhau nắm quyền: hầu như trong mọi cuộc bầu cử, đảng này hoặc đảng kia giành đa số ghế trong quốc hội. Điều này có nghĩa rằng rất ít khi phải hình thành chính phủ liên minh. Song không như các đảng ở Mỹ, các đảng ở Anh có kỉ luật cao trong cơ quan lập pháp, các nghị sĩ hầu như luôn bỏ phiếu ủng hộ các chính sách của đảng của mình. Điều này một phần do ảnh hưởng của chính hệ thống đại nghị. Đó là các nghị sĩ tham vọng muốn trở thành bộ trưởng nội các, và các vị trí này bị kiểm soát bởi người đứng đầu đảng; do đó các nghĩ sĩ phải cho thấy hoàn toàn trung thành với sự lãnh đạo của đảng. Cũng chính vì vậy, thủ tướng có thể thông qua các dự luật dễ dàng. Hệ thống này có rất ít người chơi phủ quyết.
    Thủ tướng Anh bổ nhiệm khoảng 20 bộ trưởng, gồm những người điều hành các bộ của chính phủ và những người tư vấn cho thủ tướng trước khi đưa ra các quyết định lớn. Theo truyền thống, quyền lực của thủ tướng bị kiểm soát bởi nội các và nguyên tắc chịu trách nhiệm tập thể, trong đó tất cả thành viên nội các phải công khai ủng hộ mọi quyết định của chính phủ. Khi một thành viên nội các không làm như vậy thì sẽ phải từ chức. Vì các thành viên nội các cũng là lãnh đạo cao cấp của đảng và là nghị sĩ quốc hội, nên trách nhiệm tập thể tạo thành một sự đồng thuận không chính thức trước khi các chính sách được giới thiệu tới quốc hội.
    Nhiều người cho rằng vai trò của nội các suy giảm trong thế hệ qua, và vai trò của thủ tướng trở nên giống với vai trò của tổng thống trong hệ thống tổng thống hơn. Hai thủ tướng quan trọng nhất trong thế hệ qua,  Margaret Thatcher (1979–1990) của Đảng Bảo thủ, và Tony Blair (1997–2007) của Đảng Lao động, tập trung việc ra quyết định vào trong đội ngũ các cố vấn xung quanh mình và ít chú ý tới việc tham vấn nội các.
    Thực tiễn này phản ánh cả tính cách cá nhân của họ vốn là các nhà lãnh đạo mạnh lẫn sự ủng hộ của công chúng cho họ thông qua tỉ lệ phiếu bầu lớn. So với các thủ tướng khác, họ là những nhân vật lôi cuốn hơn, các chiến dịch của họ khá giống với các chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, với sự chú ý lớn hơn vào tính cách cá nhân của lãnh đạo đảng so với truyền thống trước đây của Anh. Bao lâu mà hai nhân vật này vẫn còn được công chúng ủng hộ, họ vẫn có thể theo đuổi các chính sách mà họ muốn; và nội các và đảng của họ cũng thuận theo bởi vì nó được lợi từ sự ủng hộ lớn dành cho thủ tướng.
    Tuy nhiên, khi sự ủng hộ của công chúng cho Thatcher và Blair giảm, cả hai đã phải đối mặt với sự chống đối ngày càng tăng, điều này cho thấy rằng sự kiểm soát dân chủ vẫn tồn tại trong hệ thống Anh.
    Nhiều nhà quan sát cuộc bầu cử năm 2010 khẳng định sự dịch chuyển hơn nữa theo hướng ‘tổng thống hóa’ của chức vụ thủ tướng Anh. Lần đầu tiên, chiến dịch tranh cử được tổ chức tranh luận trên truyền hình theo kiểu Mỹ giữa ba ứng viên. Nick Clegg, ứng viên của Đảng Dân chủ Tự do (đảng nhỏ), đã thể hiện rất tốt, giúp đảng của ông giành đủ số ghế khiến cho Đảng Bảo thủ không thể chiến thắng với đa số tuyệt đối (>50%). Đảng Dân chủ Tự do buộc Đảng Bảo thủ phải hình thành chính phủ liên minh giữa hai đảng (chính phủ liên minh đầu tiên từ chiến tranh thế giới thứ 2).
    Ở Anh, việc bỏ phiếu bất tín nhiệm cực kì hiếm.
    Một phương tiện phổ biến để loại bỏ các thủ tướng không còn được ủng hộ song từ chối kêu gọi một cuộc bầu cử mới trước thời hạn là để cho đảng của anh ta thay thế anh ta. Khi Margaret Thatcher đánh mất sự ủng hộ của người dân vào cuối những năm 1980s nhưng không chịu thay đổi chính sách hay kêu gọi một cuộc bầu cử mới, các nghị sĩ Đảng Bảo thủ sợ sự ủng hộ cho đảng của họ sẽ giảm theo sự chán ghét của cử tri cho bà; và họ bỏ phiếu thay thế bà bằng John Major, người ngay lập tức trở thành thủ tướng Anh. Anh có một thủ tướng mới mà không tổ chức bầu cử, một bước đi hoàn toàn hợp pháp trong hệ thống đại nghị.
    Với quyền lực ngày càng tăng của thủ tướng, vậy còn quyền lực của quốc hội thì sao? Trong hệ thống lưỡng viện của Anh, Hạ viện hay Viện Bình dân, hầu như nắm mọi quyền lập pháp. Còn quyền lực của Thượng viện, hay Viện Quý tộc, giảm dần theo thời gian, và hiện chỉ có quyền trì hoãn việc thông qua một đạo luật trong thời hạn một năm.
    Quốc hội đóng vai trò giám sát. Thủ tướng phải có mặt ở Quốc hội hàng tuần trong Các buổi chất vấn, đó là một cuộc tranh luận rất sôi động giữa các chính trị gia lớn được phát trên truyền hình. Trong Các buổi chất vấn, thủ tướng phải trả lời các câu hỏi của nghị sĩ và bảo vệ các chính sách của chính phủ. Ngoài ra, các nghị sĩ từ cả đảng cầm quyền lẫn đảng đối lập có quyền chất vấn mọi thành viên nội các về các hoạt động của các bộ, và các thành viên nội các phải trả lời các câu hỏi này trước quốc hội.
    Viện Bình dân gần đây đưa ra một thủ tục ít nhiều giống với Quốc hội Mỹ, đó là tạo ra các ủy ban điều trần về các dự luật. Trong hệ thống Anh, các dự luật mà chính phủ giới thiệu rất hiếm khi không được thông qua, tuy nhiên, các ủy ban cho phép các nghị sĩ làm sáng rõ hơn hàm ý của các dự luật, đồng thời nếu các ủy ban tìm ra các vấn đề thì đảng cầm quyền phải sửa đổi.
    Uy tín của Viện Bình dân bị tổn hại nghiêm trọng bởi scandal năm 2010 khi một số lượng lớn nghị sĩ lạm dụng tiền dùng cho chi phí nhà ở khi họ ở London cho các mục đích riêng tư. Nhiều nghị sĩ sau đó quyết định không tái ứng cử, và chính phủ mới hứa giới thiệu một dự luật cho phép cử tri thải hồi đại biểu của họ ngay khi tại nhiệm.
    Ngay cả với thay đổi gần đây, song quốc hội không điều chỉnh nhiều dự luật như Quốc hội Mỹ. Tuy nhiên, nhánh hành pháp phải chú ý tới quan điểm của các nghĩ sĩ, và cả hai viện quốc hội có thể cung cấp một diễn đàn cho việc tranh luận công khai về các chủ đề lớn. Do đó, một các không chính thức, quốc hội vẫn còn có một sự kiểm soát quan trọng đối với ngay cả thủ tướng quyền lực nhất.
    Nguồn: Introducing Comparative Politics: Concepts and Cases in Context.

     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org