Vận hành của hệ thống tổng thống ở Mỹ

Posted on
  • Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2018
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:

  • Ở Mỹ, chức vụ tổng thống là một trong những phần tranh cãi nhất trong hiến pháp khi nó được viết. Nhiều nhà lãnh đạo, đáng chú ý nhất là Thomas Jefferson, sợ rằng cơ quan hành pháp với một người đứng đầu chắc chắn sẽ dẫn đến độc tài, như ví dụ từ nền quân chủ Anh mà họ vừa đánh đuổi. Nỗi sợ hãi này có thể gây ngạc nhiên cho người Mỹ ngày nay, bởi chức vụ như được thiết kế như ban đầu cho thấy có quyền lực giới hạn hơn nhiều so với ngày nay.
    Quyền lực chính của tổng thống bao gồm: 1) chấp thuận hoặc bác bỏ dự luật mà quốc hội đề nghị (quốc hội có thể vô hiệu hóa phủ quyết này của tổng thống nếu có được 2/3 nghị sĩ ủng hộ); 2) bổ nhiệm các bộ trưởng, thẩm pháp tòa án tối cao, thẩm phán liên bang, cùng các chức vụ cấp thấp trong bộ máy hành chính, song phải có sự chấp thuận của thượng viện; 3) đứng đầu nhà nước, và là tổng tư lệnh quân đội; 4) tham gia các hiệp ước và tuyên bố chiến tranh, song phải có sự chấp thuận của thượng viện.
    Nhìn chung, những quyền lực này khá khiêm tốn theo tiêu chuẩn hiện đại. Các tổng thống thời kì đầu chắc chắn có vai trò quan trọng, nhưng họ không phải là trung tâm của nền chính trị quốc gia như các tổng thống hiện nay. Nhiều trong số các tổng thống nổi danh nhất nổi danh bởi họ đã mở rộng quyền lực của tổng thống (so với thiết kế ban đầu). Mỉa mai thay, sự mở rộng này bắt đầu với Thomas Jefferson, người đã khẳng định thành công quyền của tổng thống trong việc mở rộng đất nước thông qua việc mua lại Louisiana.
    Bắt đầu với Andrew Jackson, tổng thống trở thành thủ lĩnh thực sự của đảng của mình, điều khiến ông có ảnh hưởng lớn hơn đến quốc hội. Trong thế kỉ 20, Franklin Roosevelt đã đưa ra các chương trình xã hội rộng lớn mà qua đó làm gia tăng quy mô và phạm vi của bộ máy liên bang do tổng thống lãnh đạo, và khi Mỹ trở thành siêu cường của thế giới, quyền lực của tổng thống trong lĩnh vực ngoại giao và chiến tranh lại được mở rộng hơn nữa.
    Tổng thống Mỹ hiện đại trở thành biểu tượng của quốc gia, người lãnh đạo không tranh cãi của đảng của mình, và là người khởi xướng các sáng kiến lập pháp cũng như thực thi chúng. Trong khi, về mặt hình thức, các dự luật khởi phát từ quốc hội, song trong thực tế cơ quan này dựa vào tổng thống cho những sáng kiến lập pháp lớn; với tư cách lãnh đạo của đảng, đứng ở đỉnh của bộ máy hành chính khổng lồ, tổng thống cùng nội các có điều kiện thuận lợi về chính trị và kĩ thuật để hình thành các dự luật phức tạp.
    Với việc tổng thống đồng thời là người đứng đầu đảng và người gây quỹ chính mang đến cho ông ảnh hưởng lớn đối với các nhà lập pháp trong đảng của mình. Điều này đặc biệt đúng khi một tổng thống được dân chúng ủng hộ: các thành viên đảng của ông muốn gắn bó chặt chẽ với ông, và thường nhượng bộ trước các ước muốn của ông để đổi lấy sự ủng hộ của ông trong kì bầu cử kế tiếp.
    Dù các nhà lập pháp đơn lẻ có thể ganh đua cho sự ủng hộ của tổng thống, nhưng quốc hội Mỹ là một cơ quan cũng có quyền lực thực chất, và nó không luôn nhún nhường trước tổng thống. Các nhà lập pháp được bầu chọn độc lập, và quốc hội bảo vệ sự tự trị của họ trước nhánh hành pháp. Hạ viện và Thượng viện Mỹ có lẽ có lượng nhân viên nhiều nhất trên thế giới. Các ủy ban và tiểu ủy ban đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu, sửa đổi, thông qua luật. Các nghị sĩ có sự tự do rất lớn trong việc giới thiệu các dự luật so với hầu hết các nghị sĩ khác trên thế giới, và hoàn toàn có thể là những dự luật này sẽ trở thành luật nếu nó nhận được sự ủng hộ của chủ tịch các ủy ban hay tiểu ủy ban quan trọng. Tuy nhiên, chỉ một vài dự luật thông qua Quốc hội ít phải sửa đổi; trái với Anh, đảng chi phối thông qua mọi dự luật mà thủ tướng và nội các soạn thảo. Hầu hết các nhà quan sát cho rằng quốc hội Mỹ là cơ quan lập pháp quyền lực nhất trên thế giới, bởi sự tự trị của nó so với nhánh hành pháp.
    Một trong hệ quả trực tiếp của việc tách rời quyền lực giữa hai nhánh quyền lực quan trọng nhất của chính phủ đó là ‘bế tắc – gridlock’ chính trị hay việc không thể thông qua những dự luật lớn. Đây là một mối bận tâm liên tục của nền chính trị Mỹ đương đại. Mỹ chỉ có hai đảng lớn, nhưng các đảng này tương đối yếu; các nhà lập pháp đơn lẻ không bị ràng buộc với lãnh đạo đảng, và họ bỏ phiếu theo ý kiến của họ trong mỗi dự luật. Sự tương đồng về ý thức hệ khiến các thành viên của cùng một đảng thường bỏ phiếu theo cùng cách, nhưng họ cũng thường xuyên chống lại mong muốn của đảng của mình. Điều này thỉnh thoảng tạo ra bế tắc, nhưng bế tắc sẽ trở nên thường xuyên hơn khi một đảng kiểm soát tổng thống và một đảng khác kiểm soát quốc hội, một hiện tượng phổ biến của hệ thống tổng thống. Trong trường hợp này, một trong những công việc chính của tổng thống là cố gắng để làm cho dự luật của ông được thông qua, hoặc bằng cách ve vãn các thành viên đảng của ông ủng hộ ông hoặc bằng cách đối thoại và thỏa hiệp với đảng đối lập trong quốc hội, đặc biệt khi đảng này đang chiếm đa số. Sự thất bại của tiến trình này tạo ra bế tắc.
    Khi không phải bận tâm đến những thỏa hiệp chính trị, tổng thống Mỹ, với tư cách người đứng đầu nhánh hành pháp, giám sát bộ máy hành chính hàng nghìn người. Hầu hết là công chức dài hạn, còn một vài trăm đứng đầu bộ máy hành chính phục vụ theo lệnh của tổng thống. Điều này khiến cho tổng thống có ảnh hưởng lớn tới việc thực thi các bộ luật một khi chúng được quốc hội thông qua. Bởi vì các bộ luật không thể tính hết được mọi chi tiết phát sinh trong một xã hội kĩ nghệ ngày càng phức tạp, nên tổng thống có một sự tự do lớn trong việc củng cố luật. Trong phần lớn lịch sử của đất nước, quyền lực này tương đối không gây tranh cãi; tuy nhiên, thời tổng thống George W. Bush, quyền lực này trở thành chủ đề tranh cãi, đặc biệt liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia. Những người phê phán cho rằng nhiều hành động của tổng thống nhân danh an ninh quốc gia vi phạm các quyền cơ bản của người dân, và họ tin rằng tổng thống đã vượt quá thẩm quyền theo hiến pháp của tổng thống.
    Nỗi sợ hãi của Thomas Jefferson phần nào được biện minh: rằng tổng thống trở nên quá quyền lực. Một mặt, việc tách rời quyền lực trong hệ thống tổng thống, đặc biệt trong bối cảnh hệ thống đảng tương đối yếu của Mỹ giới hạn khả năng những gì có thể làm của tổng thống. Mặt khác, sự lãnh đạo của tổng thống với đảng của ông và sự kiểm soát của ông đối với các chính sách ngoại giao và quyền bổ nhiệm hàng trăm vị trí then chốt trong nhánh hành pháp trao cho ông quyền lực lớn hơn nhiều so với quyền lực mà các nhà lập hiến tưởng tượng. Sự phân chia quyền lực này, trong bối cảnh của một nền dân chủ lâu đời với các thiết chế được thiết lập tốt và chỉ có hai đảng lớn, tạo ra một hệ thống thường tương đối chậm trong việc làm chính sách, nhưng bởi hệ thống được thiết chế tốt, một yếu tố quyết định cho sự tương tác hữu hiệu giữa các nhánh riêng biệt trong hệ thống tổng thống, khiến cho hệ thống có thể hoạt động êm thuận.

    NguồnIntroducing Comparative Politics: Concepts and Cases in Context
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org