John Locke viết hai tác phẩm giữ vị trí trung tâm trong sự
phát triển của tư tưởng chính trị hiện đại: Hai
khảo luận về chính quyền và Một lá
thư về lòng khoan dung. Tác phẩm của ông biện minh cho cuộc Cách mạng Vinh
quang năm 1688. Ông xây dựng một quan niệm “tích cực” hơn về trạng thái tự
nhiên và khế ước xã hội (so với Hobbes). Locke hiểu về sở hữu dựa vào “lao động”.
Với các khái niệm của ông về luật tự nhiên, chính quyền được ủy nhiệm, và cách
mạng, thì chính quyền được tạo ra như là công bộc của cộng đồng chính trị. Tác
phẩm Lá thư về lòng khoan dung của
Locke ủng hộ cho một sự tách rời mới mẻ giữa thẩm quyền tôn giáo và thẩm quyền
chính trị. Ông là một trong những nguồn trí tuệ sáng láng nhất của “thế kỉ chính
trị”, giai đoạn từ 1688 đến 1789, vốn tạo nên chủ nghĩa cộng hòa hiện đại.
Cách mạng vinh quang
· Cuối thế kỉ 16 và 17 chứng kiến sự đi lên của nền quân chủ
chuyên chế ở châu Âu. Khi chế độ quý tộc xuy yếu, giai cấp trung lưu phát triển
và được lợi từ quyền lực của vua chúa, khi đó chống lại quyền lực địa phương của
các lãnh chúa phong kiến. Các ông vua bắt đầu xâm nhập vào quyền lực vào các
lãnh địa, và các lý thuyết mới ra đời để biện minh cho quyền lực mới này, bao gồm
lý thuyết về “quyền thần thánh của Vua” của Robert Filmer (1588 -1653).
· Ở Anh, Charles II đưa ra những sự thương thảo với người Công
giáo và với người Pháp. Em trai ông James cải đạo sang đạo Công giáo, dẫn đến
khả năng lên ngôi của một vị vua Công giáo (ở Anh). Các đảng phái chính trị mới
xuất hiện: Đảng Tory ủng hộ James và Charles, nhưng Đảng Whig lại muốn loại bỏ
James khỏi sự kế vị. Khi James kế vị vào năm 1685, tạo ra một tình cảnh căng thẳng
ở Anh và Scotland vốn chủ yếu là người Tin lành.
· Khi hoàng hậu của Jame sinh cho ông một đứa trẻ và làm lễ rửa
tội cho nó, thì những người Tory gia nhập với những người Whig. Năm 1688, trong
cuộc Cách mạng Vinh quang hầu như không đổ máu, Quốc hội đã mời một quý tộc nước
ngoài, theo đạo Tin lành, là William xứ Orange của Hà lan, xâm lăng Anh và trở
thành vua của họ. William chấp nhận tính tối cao của Quốc hội. Cuộc cách mạng
cho thấy rằng ở Anh, Quốc hội, chứ không phải vua, là tối cao.
· John Locke (1632 - 1704) có lẽ là triết gia Anh vĩ đại nhất
thế kỉ 17. Như chúng ta sẽ thấy, Hai khảo
luận của Locke tìm cách bác bỏ lý thuyết của Filmer về quyền thần thánh của
vua và do đó bảo vệ cuộc Cách mạng vinh quang, tuy nhiên các học giả đã cho thấy
rằng tác phẩm này được viết từ lâu trước khi cuộc cách mạng xảy ra.
Khảo luận thứ hai về chính
quyền
· Phần đầu của Khảo luận
thứ hai về chính quyền đưa ra một luận điểm chính của toàn bộ cuốn sách.
Locke phủ nhận bất cứ ý tưởng nào về người cai trị chính trị giống như người
cha, người chồng, lãnh chúa, hay lãnh đạo tôn giáo. Trong lĩnh vực chính trị,
quan hệ giữa “pháp quan” – tên chung cho mọi quan chức – và công dân là độc nhất
và không giống như các mối quan hệ khác.
· Locke sử dụng một lý thuyết khế ước xã hội, giống như
Hobbes, nhưng cho rằng tính tư lợi duy lý của các bên trong khế ước sẽ dẫn họ
đi đến: chỉ trao cho chính quyền một quyền lực giới hạn và biện minh cho cách mạng.
Locke là nhà lý thuyết hiện đại kinh điển về chính quyền giới hạn.
· Trạng thái tự nhiên của Locke khác căn bản với trạng thái mà
Hobbes miêu tả. Thứ nhất, giống như Hobbes, ông chấp nhận rằng mọi người trong
trạng thái tự nhiên là tự do và bình đẳng. Nhưng ông xem trạng thái này cũng là
một trạng thái hòa bình. Mọi người trong trạng thái tự nhiên theo đuổi sự tư lợi
của họ một cách hòa bình.
· Locke cho rằng có một luật đạo đức tự nhiên: “không ai được
làm tổn hại đến sinh mạng, sự tự do, và tài sản của người”.
o
Bất cứ người duy lý nào đều
biết, bằng trực giác duy lý, rằng luật này ràng buộc lên tất cả mọi người. Giống
như bất cứ luật nào khác, nó có một nhà lập pháp đó là: Thượng đế. Luật này ràng
buộc mỗi người bảo vệ chính anh ta và bảo vệ người khác “trong trừng mực nhiều
nhất có thể”.
o
Do đó, trong trạng thái tự
nhiên, khi một số người vi phạm luật, bất cứ ai cũng có nghĩa vụ củng cố nó bằng
cách trừng phạt người vi phạm, và bên vi phạm phải bồi thường cho bên bị vi phạm.
o
Điều này cũng có nghĩa rằng
có một quyền sở hữu tư nhân hợp pháp trong trạng thái tự nhiên. Sở hữu tư nhân
tồn tại bất cứ khi nào ai đó dời tài sản khỏi sở hữu tập thể bằng cách “trộn” sức
lao động của mình vào nó.
· Trong trạng thái tự nhiên, các cá nhân và gia đình thường
theo đuổi một lối sống mà không chịu sự can thiệp. Nhưng khi ai đó vi phạm luật
tự nhiên “tìm kiếm một quyền lực tuyệt đối đối với người khác”, thì trạng thái
chiến tranh xuất hiện. Do đó, Locke thừa nhận rằng trạng thái tự nhiên không được
an toàn. Ngoài ra, luôn có sự bất công không thể tránh được trong việc thực thi
luật tự nhiên, vì các cá nhân là người phán quyết trong các trường hợp liên
quan đến họ, và điều này sẽ dẫn đến sự không công bằng.
Khế ước xã hội của Locke
· Để khắc phục sự bất công và không an toàn này, mọi cá nhân
duy lý vì lợi ích của mình lựa chọn gia nhập vào một khế ước xã hội. Mọi người
lựa chọn từ bỏ quyền thực thi luật tự nhiên cho cộng đồng. Cộng đồng hoạt động
theo nguyên tắc đa số để thực thi luật tự nhiên.
· Locke nghĩ khế ước này giải quyết được vấn đề về làm thế nào
mà xã hội dân sự có thể tự do và đáng mong muốn như trong trạng thái tự
nhiên. Dù mọi người từ bỏ một số quyền
khi họ rời khỏi trạng thái tự nhiên, song họ tham dự vào việc làm ra những bộ
luật mà họ sẽ tuân theo; do đó, mọi người tuân theo chính họ và có sự tự do
tương tự sự tự do mà họ thụ hưởng trước đó.
· Đối với Locke, mục đích của công quốc là bảo vệ tư hữu, bao
gồm sinh mạng, sự tự do, và tài sản. Nhưng ông cũng viết “tất cả những điều này
đều không hướng đến mục đích nào khác ngoài hòa bình, an ninh và sự tốt lành
chung của mọi người”. Locke tin rằng sự bảo vệ tư hữu và sự tốt lành chung là một. Điều này giải thích tại sao Locke được nghĩ về
như một người bảo vệ chủ nghĩa tư bản, và là kẻ thù đối với chủ nghĩa xã hội.
Chính quyền theo khế ước xã
hội
· Cộng đồng có thể lựa chọn chính thể quân chủ, đầu sỏ, hay
dân chủ để thực hiện các chức năng của chính quyền, trong đó gồm: lập pháp (quyền
lực tối cao), hành pháp, và liên hiệp (các quan hệ đối ngoại). Cộng đồng cũng
có thể có một chính phủ hỗn hợp.
· Điều quan trọng nhất đối với chúng ta là sự miêu tả của
Locke về quyền lực tối cao của chính quyền (quyền lập pháp). Mấu chốt ở đây là
quyền lập pháp là “quyền lực được ủy thác duy nhất để hành động cho một số mục
đích nào đó”. Nói cách khác, quyền lực tối cao là dạng quyền ủy thác, và nếu nó
thực hiện kém hiệu quả, thì có thể bị bãi bỏ. Đây là giải thích của Locke về
quyền cách mạng.
· Chú ý rằng mọi quyền lực chính trị phải bị giới hạn, cả quyền
lực của cộng đồng lẫn của chính quyền. Nguồn gốc và giới hạn đối quyền lực của
chính quyền và cộng đồng là như sau: (1) chính quyền và cộng đồng chỉ có những
quyền được trao trong khế ước; (2) chính quyền phải sử dụng những quyền này cho
mục đích chung hay cho việc bảo vệ tư hữu; (3) cộng đồng và chính quyền phải luôn
tuân theo luật tự nhiên; (4) chính quyền chịu một loạt những sự giới hạn về
pháp lý và kĩ thuật; chẳng hạn, nó chỉ có thể hành động theo luật của cộng đồng.
· Không có một sự giải thích về quyền và tự do cá nhân trong
các khảo luận của Locke, nhưng sự biện minh cho chúng là rõ ràng trong luật tự
nhiên: Cộng đồng và chính quyền không được làm tổn hại đến sinh mạng, sự tự do
và tài sản của cá nhân mà không có sự đồng thuận của họ. Tuy nhiên, cơ quan
hành pháp có đặc quyền hành động, thậm chí vi phạm luật vì lợi ích chung trong
một thời gian giới hạn.
· Khi không sử dụng quyền lực đúng vai trò của nó, “chính quyền
bị giải tán” và quyền lực được trả về cho cộng đồng. Cộng đồng có thể tồn tại tạm
thời mà không cần chính quyền.
Lá thư về lòng khoan dung
· Tác phẩm Lá thư về
lòng khoan dung của Locke là một tập hợp các luận điểm ủng hộ cho sự tách rời
luật và thẩm quyền dân sự ra khỏi các mục đích tôn giáo. Locke cho rằng thẩm
quyền dân sự chỉ liên quan đến sinh mạng, sự tự do, và tài sản, trong khi tôn
giáo liên quan đến chân lý và sự cứu rỗi linh hồn. Đây là một sự phân biệt quan
trọng.
· Locke còn khẳng định thêm rằng đức tin là ở bên trong và
không thể bị phán quyết; do đó, không có cách nào công bằng và chính xác để củng
cố các sắc lệnh tôn giáo.
· Locke cho rằng không có những thứ như Công quốc Ki tô giáo.
Bởi theo định nghĩa, một công quốc là một thực thể thế tục và phi tôn giáo.
· Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận rằng sự khoan dung của
Locke có những giới hạn rõ ràng, khi khẳng định rằng một số niềm tin và thực tiễn
có thể bị cấm.
Locke và các truyền thống
chính trị sau ông
· Các quan điểm của Locke nằm ở trung tâm của chủ nghĩa cộng
hòa tự do Anh Mỹ.
o
Luật tự nhiên có nghĩa rằng
có những giới hạn đối với quyền lực của cộng đồng và chính quyền. Mọi quyền lực
có những giới hạn vốn ẩn trong cấu trúc đạo đức của sự tồn tại của con người mà
Thượng đế đã tạo ra.
o
Sự bảo vệ tự do cá nhân là
hầu như tương đồng với việc bảo vệ lợi ích chung. Locke sợ quyền lực của chính
quyền sẽ là mối đe dọa lớn nhất đối với sự tự do và tài sản của cá nhân. Cơ sở
cho sự tự do cá nhân là chính quyền không có quyền để lấy đi sự tự do và tài sản
của họ, ngoài trừ khi họ đồng thuận.
o
Locke có một quan điểm lạc
quan về con người. Đây cũng là cốt lõi của chủ nghĩa cộng hòa hiện đại: tính
duy lý của con người được tin tưởng giao cho việc quyết định liệu giới tinh hoa
cai trị họ có hợp pháp hay không, có theo sau luật tự nhiên hay không, có vi phạm
chức vụ của họ hay không. Cách mạng là hợp pháp về mặt đạo đức.
· Tuy nhiên, Locke bị lên án bởi các nhà cộng hòa dân sự, những
người cấp tiến, và các nhà chủ nghĩa xã hội.
o
Đối với Locke hoạt động
chính trị không phải là tự nhiên; nó cần thiết chỉ để bảo vệ các quyền tự
nhiên. Locke là một nhà cộng hòa tự do hơn là một nhà cộng hòa dân sự, có lẽ tốt
nhất nên gọi là một người ủng hộ tự do.
o
Như Pocoke lập luận, Locke
là một phần của sự thay đổi ở Anh và các quốc gia Tây âu khác mà một số đặc
trưng của chủ nghĩa cộng hòa đang bị chuyển đổi từ các công dân quân nhân quý tộc
sang giai cấp trung lưu. Người quân nhân quan tâm đến danh dự trong chủ nghĩa cộng
hòa truyền thống được thay thế bởi người tư hữu với tinh thần trách nhiệm. Kết
quả là vào cuối thế kỉ 18 và 19, chủ nghĩa cộng hòa mang tính tự do hơn là tính
dân sự.
o
Sự nhấn mạnh của Locke vào
bảo vệ tư hữu khiến ông trở thành mục tiêu của các nhà Mác xít, chủ nghĩa xã hội,
và dân chủ xã hội hay cấp tiến. Nghĩa là, ông khẳng định rằng lợi ích của cộng
không bao giờ quan trọng hơn quyền sở hữu tư nhân, dù có một số giới hạn đối với
quyền này.
o
Cuối cùng, sở hữu tư nhân
được biện minh bởi việc sử dụng và thụ hưởng nó. Locke không đi vào chi tiết,
song điều này ngụ ý rằng không có quyền đối với việc lãng phí tài sản, mà cụ thể
ở đây là đất đai. Ở đây, Locke đứng về
phí giai cấp tư sản thương mại và chống lại giới quý tộc chủ đất cũ.
· Trong số các nhà lý thuyết khế ước xã hội, rõ ràng Locke là
người tự do nhất và có liên quan nhất đến sự phát triển của chủ nghĩa cộng hòa
tự do, đặc biệt trong các nước nói tiếng Anh. Những điểm cốt lõi của chủ nghĩa
tự do cuối thế kỉ 18 và 19 đã trở thành những giới hạn đối với quyền lực của
chính quyền.
Nguồn: The Modern Political Tradition: Hobbes to Habermas