Hobbes, Luật tự nhiên, Khế ước xã hội

Posted on
  • Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2015
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: ,
  • Triết gia người Anh Thomas Hobbes là thành viên của cuộc cách mạng khoa học thế kỉ 17 và là người đầu tiên nỗ lực thiết lập một lý thuyết xã hội hiên đại. Hobbes đặt quan điểm của mình trên nền tảng của thuyết tương đối đạo đức và một trạng thái tự nhiên khá bi quan – một cuộc chiến tất cả chống lại tất cả. Ông xây dựng khái niệm thẩm quyền chính trị dựa trên một khế ước xã hội giữa các cá nhân duy lý tư lợi đang tìm kiếm sự an toàn cá nhân. Hầu như không có sự giới hạn đối với quyền lực của nhà nước bởi vì sợ hãi một chủ quyền đầy quyền uy thì tốt hơn sợ hãi tất cả những người hàng xóm của mình. Trong bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu phiên bản đầu tiên của lý thuyết khế ước xã hội.
    Nhà nước thời kì hậu phong kiến
    ·       Nhà nước hậu phong kiên, tập trung, hiện đại ra đời vào khoảng thế kỉ 16. Điều này có nghĩa là xuất hiện một quyền lực chính trị tập trung với sự độc quyền sử dụng vũ lực trong một khu vực rộng lớn, như Weber định nghĩa nó (nhà nước).
    ·       Từ năm 1517 đến 1648, tây và trung Âu liên tục diễn ra các cuộc chiến tranh tôn giáo. Để kết thúc các cuộc chiến này, các nhà tư tưởng chính trị tìm cách xây dựng một nhà nước trên các cơ cở thế tục. Nhiều người trong số họ muốn thiết lập một nền tảng Tin lành cho chính trị, và tìm về với các mô hình phi Ki tô giáo mà họ biết trong thời cổ đại, trên hết trong số đó là Cộng hòa La mã.
    ·       Nhằm vượt qua sức mạnh kinh tế của Hà lan trong khi vật lộn với sự thay đổi tôn giáo, Anh trải qua hai giai đoạn cách mạng trong thế kỉ 17.
    o   Sau cái chết của Elizabeth vào năm 1603, Jame I lên nối ngôi, chính ông là một người tin vào nền quân chủ chuyên chế. Con trai ông Charles I kế tục ông vào năm 1625. Các cuộc xung đột giữa vua với quốc hội và giữa các tín đồ của giáo hội Xcốt-len với các tín đồ Thanh giáo dẫn đến một loạt các cuộc nội chiến, đôi khi còn được gọi là Cuộc nổi loạn vĩ đại (1642-1651). Charles I bị chặt đầu; Charles II trốn khỏi nước Anh; và một người Thanh giáo là Cromwell cai trị với tư cách là Huân tức bảo hộ cho nền cộng hòa Thanh giáo vào năm 1469. Ông giải tán quốc hội vào năm 1653.
    o   Sau khi Cromwell chết, Charles II quay trở lại ngai vàng vào năm 1660. Cuộc cách mạng Thanh giáo để lại một hậu quả xấu; dường như nó thuyết phục người Anh rằng lòng cuồng tin tôn giáo phải được phép trộn lẫn vào trong chính trị. 
    o   Giai đoạn cách mạng thứ hai, Cách mạng Vinh quang, xảy ra vào năm 1688.
    Thomas Hobbes và Leviathan
    ·       Giống như các nhà tư tưởng Tin lành khác, Thomas Hobbes (1588-1679) sử dụng khái niệm luật tự nhiên của Aquinas cho Chủ nghĩa tin lành. Luật tự nhiên, do thượng đế tạo ra nhưng có thể khám phá bằng lý tính, nằm giữa những luật của Thượng đến được tiết lộ thông qua sự mặc khải và nhà thờ, và các luật thực định do con người tạo ra.
    o   Chủ nghĩa tin lành nhấn mạnh vào tính xa cách về phương diện thể chế và thực tiễn của Thượng đế (với con người), người mà chỉ có thể gặp gỡ ở bên trong (tâm trí), thông qua đức tin, mà không thông qua các thiết chế thế tục (nhà thờ). Điều này khiến con người phải đặt cơ sở của chính trị chỉ trên luật tự nhiên mà thượng đế để lại cho chúng ta chứ không phải trên sự mặc khải hay thẩm quyền của nhà thời.
    o   Hobbes tìm cách sử dụng luật tự nhiên để biện minh cho một chính phủ mạnh, tập trung, khắc phục được sự nội chiến, mà không viện dẫn gì ở tôn giáo.
    o   Leviathan (1651) của Hobbes là nỗ lực đầu tiên hướng đến một sự giải thích xã hội mà có thể so sánh được với các khoa học mới về tự nhiên. Nó trình bày phiên bản đầu tiên của lý thuyết khế ước xã hội, lý thuyết mà chúng ta sẽ còn gặp ở Locke và Rousseau.
    ·       Leviathan bắt đầu với thuyết duy vật. Hobbes cố gắng để làm cho khoa học xã hội điều mà Galileo và, sau đó là Newton làm cho khoa học tự nhiên. Tất cả thực tại trần tục, gồm cả con người, là vật chất đang chuyển động.
    o   Do đó, Hobbes là một nhà duy vật đặc biệt: một người theo thuyết cơ giới. Con người là một chiếc máy, tất cả các sự vật sống cũng như vậy.
    o   Sự khác nhau giữa con người và con vật là ở chỗ con người là một chiếc máy duy lý. Chúng ta có khả năng đưa ra các quyết định duy lý liên quan đến các đam mê của chúng ta.  Và các đam mê là nguồn gốc duy nhất của mọi hành động của chúng ta.
    ·       Đối với Hobbes, sự biện minh cho xã hội phải bắt nguồn từ bản chất con người. Phương pháp của ông là khế ước xã hội, một trong những ý tưởng quyền lực nhất trong những ý tưởng chính trị hiện đại. Ý tưởng cơ bản của lý thuyết này là: Chế độ cai trị là công bằng nếu được lựa chọn bởi các cá nhân duy lý, tư lợi trong một trạng thái bình đẳng tiền xã hội, một trạng thái trong đó họ tự cai trị chính mình bằng luật tự nhiên, mà không phải bằng con người hay quyền lực.
    ·       Để thực hiện điều này, Hobbes tạo ra bốn bộ phận mà mọi lý thuyết khế ước xã hội theo sau sẽ tuân theo: (1) một sự mô tả về trạng thái tự nhiên; (2) sự hình thành một khế ước xã hội giữa các công dân để rời bỏ trạng thái tự nhiên, do đó mỗi người từ bỏ một số quyền hay sự tự do mà mình nắm giữ trước đó; (3) cộng đồng chính trị được hình thành bởi khế ước xã hội; (4) lựa chọn chính phủ để cai trị cộng đồng. Nguồn gốc của thẩm quyền chính trị là từ cộng đồng, nhưng tác nhân sử dụng thẩm quyền này là chính quyền.
    Hobbes phác thảo ra bốn phần của một lý thuyết khế ước xã hội: trạng thái tự                       nhiên, khế ước, cộng đồng chính trị, và chính quyền.
    Trạng thái tự nhiên
    ·       Hobbes cho rằng tất cả hành động “tự nguyện” (đối lập với “không tự nguyện”) bị thúc đẩy bởi các đam mê, vốn được chia thành sự thèm muốn và ác cảm. Chúng ta bị thúc đẩy bởi các đam mê này. Chúng ta cũng là duy lý, nhưng lý tính chỉ là phương tiện để thỏa mãn cho lòng đam mê, để đạt được các mục đích của chúng. Mọi hành động đều do sự thúc đẩy của đam mê.
    ·       Trạng thái tự nhiên nguyên thủy của con người – tức là trạng thái tiền chính trị và tiền xã hội – được Hobbes miêu tả rất nổi tiếng như sau: bởi vì con người gần như nhau về sức mạnh và muốn cùng một số thứ trong tự nhiên, nơi mà những thứ như vậy lại khan hiếm, nên tất cả phải cạnh tranh cho các mục tiêu tương tự và phải liên tục tìm kiếm các phương tiên và quyền lực cần thiết đảm bảo cho sự cạnh tranh trong tương lai.
    o   Trong hoàn cảnh này, chẳng có gì là không công bằng; tất cả có quyền làm bất cứ điều gì mà họ cho là cần thiết, bao gồm sinh mạng của kẻ khác. Kết quả là, trạng thái tự nhiên là một nơi kinh khủng – một cuộc chiến tất cả chống lại tất cả.
    o   Trong trạng thái này, không có sự tiến bộ bởi vì quan tâm chi phối của mỗi người đơn thuần là sống qua ngày.
    ·       Với các lý do hoàn toàn duy lý và tư lợi, cá nhân sẽ đi đến kết luận là nếu họ có thể rời khỏi trạng thái này, thì họ phải làm như vậy.
    o   Hobbes nói rằng có một quyền tự nhiên và một luật tự nhiên. “Quyền” tự nhiên là mỗi người được tự do bảo vệ chính anh ta. “Luật” tự nhiên là mỗi người có nghĩa vụ không hủy hoại chính mình. Đó là lý do mỗi người có quyền đối với bất cứ thứ gì mà anh ta cho là cần thiết cho mục đích đó.
    o   Nhưng như là một sinh vật duy lý chúng ta suy ra từ những điều này một quy tắc chung của lý trí vốn chứa đựng cả hai (quyền và luật): tìm kiếm hòa bình nhiều nhất có thể, và nếu không thể, thì phải bảo vệ chính mình bằng bất cứ thuận lợi nào của chiến tranh.
    ·       Cũng có một luật tự nhiên thứ hai, được khám phá ra bởi lý tính, đó là khế ước xã hội: “rằng con người sẵn lòng, khi người khác cũng như vậy, trong trừng mực có thể vì hòa bình và sự bảo vệ cho chính anh ta, anh ta sẽ nghĩ rằng đó là cần thiết khi từ bỏ quyền đối với mọi thứ; song cũng sẵn sàng với rất nhiều sự tự do để chống lại người khác, cũng giống như anh ta cho phép người khác chống lại anh ta.”
    Quyền lực tối cao
    ·       Nhưng khế ước không có hiệu lực nếu không có một sức mạnh chung để củng cố nó. Đối với Hobbes, mọi sức mạnh phải phục tùng chủ quyền hay chính quyền; điều này bắt nguồn trực tiếp từ thứ mà công dân từ bỏ khi tham gia khế ước xã hội, “quyền đối với mọi thứ” của họ.
    ·       Cộng đồng, và theo sau là chính quyền chỉ được trao cho những quyền lực mà các thành viên của nó từ bỏ trong khế ước. Mỗi chúng ta từ bỏ quyền đối với mọi thứ cho chủ quyền, mà không phải cho cộng đồng. Không có chủ quyền, không có cộng đồng chính trị gì cả; sự tồn tại của chính quyền làm cho mọi thứ trở nên có đúng có sai. Giờ đây, tiêu chuẩn của thiện và ác là phụ thuộc vào sự quyết định của chủ quyền.
    ·       Chủ quyền có thể mang ba dạng thức: quân chủ, quý tộc, và dân chủ. Rõ ràng Hobbes thích chế độ quân chủ, bởi vì khi số lượng người nắm quyền nhỏ hơn, thì sức mạnh và sự tự do hành động của chính quyền lớn hơn.
    ·       Quyền lực của chủ quyền có thể bắt nguồn từ bầu cử hoặc chinh phạt. Bao nhiêu quyền lực mà chủ quyền có thể có? Chú ý rằng không có một khế ước giữa chủ quyền và người dân. Chủ quyền không thể bị ràng buộc bởi luật pháp bởi vì chính anh ta hợp pháp hóa luật pháp.
    o   Chủ quyền không thể làm tổn hại không công bằng tới thần dân; bất cứ điều gì chủ quyền làm là công bằng. Trong thực tế, không có tội nào lớn hơn tội xét xử chủ quyền.
    o   Quyền tư hữu không tuyệt đối. Nhưng nhớ rằng, trong thế kỉ 17, chủ quyền không có phương tiện, cũng không quan tâm đến việc lấy đi những dải đất mênh mông.
    o   Quyền lực của chủ quyền không thể bị phân chia. Phân chia làm suy yếu quyền lực.
    o   Chỉ chủ quyền mới có thể bổ nhiệm người kế vị. Xung đột về sự kế vị có lẽ là vấn đề tiềm năng gây mất ổn định nhất.
    o   Tự do là bất cứ điều gì mà chủ quyền không cầm.
    o   Chủ quyền có thể giết một công dân nhưng không thể buộc các công dân giết chính họ; điều đó sẽ vi phạm luật tự nhiên chống lại việc không được tự làm tổn hại.
    o   Nếu chủ quyền không thể bảo vệ thần dân của anh ta, thì nhà nước sẽ bị giải tan và mọi người trở về với trạng thái tự nhiên. Không có chủ quyền, cộng đồng chính trị ngừng tồn tại.
    Tóm tắt Hobbes
    ·       Hobbes dường như khá tàn bạo với chúng ta, nhưng sự biện minh của ông là rõ ràng: nội chiến. Đối với Hobbes, cuộc đời song hành với sự sợ hãi. Câu hỏi là: ai là người mà bạn muốn sợ, chủ quyền với quyền lực, và luôn hành động theo luật có thể dự đoán được, hay tất cả hàng xóm của bạn? Một chủ quyền, với quyền lực lớn nhất có thể, không bị kiểm soát và cân bằng, có thể chặn đứng sự phát triển của phe cánh và các cá nhân tham vọng, những yếu tố có thể dẫn chúng ta đến một cuộc nội chiến.
    ·       Đối với Hobbes thì sẽ không có “quyền” cách mạng, nhưng nếu một cuộc cách mạng thành công và thiết lập một chủ quyền mới mà có thể ngăn chặn các cuộc cách mạng khác, thì đó là chủ quyền hợp pháp. Chủ quyền trước là bất hợp pháp vì quá yếu kém. Thực tế là quyền lực tự làm cho chính nó hợp pháp về mặt quy phạm.
    ·       Điểm nào trong tư tưởng của Hobbes phù hợp với quan niệm chính trị của chúng ta sau này? Hobbes biện minh cho sự cần thiết của chủ quyền: phải có sự cai trị của pháp luật, do đó, phải có một chủ quyền. Theo nghĩa nào đó, đây là sự biện minh cơ bản nhất cho cộng đồng chính trị hiện đại.
    ·        Điểm quan trọng nhất trong tư tưởng Hobbes là chúng ta thấy rằng việc thiết kế một xã hội chính trị công bằng sẽ không dựa trên đức hạnh của công dân hay của người cai trị mà trên sự tư lợi của các công dân. Công bằng đến từ cấu trúc mà các công dân tư lợi được tự do áp đặt lên chính họ. Chúng ta hoàn toàn rời bỏ quan niệm cổ điển và trung cổ về đức hạnh. Điều này không có nghĩa chính trị là phi đạo đức, mà một số dạng đức hạnh nào đó bị bỏ lại đằng sau vì không cần thiết hoặc có thể gây ra các nguy hại về mặt chính trị.
    Nguồn:The Modern Political Tradition: Hobbes to Habermas

     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org