Triết gia và chính khách của Florentine, Niccolo Machiavelli,
đã tạo ra một sự đoạn tuyệt với chính trị học đức hạnh cổ điển của Plato,
Aristotle, Rome, và Ki tô giáo trung cổ. Dù ông nổi tiếng nhất với tác phẩm bất
chấp luân lý Quân vương, song ông
cũng viết tác phẩm Khảo luận, trong
đó ủng hộ chủ nghĩa cộng hòa. Machiaville là một người theo chủ nghĩa duy thực trong
chính trị, nhưng ông khâm phục chủ nghĩa cộng hòa dân sự. Đóng góp lâu dài của
ông là đã chuyển hướng lý thuyết chính trị từ việc miêu tả về thành bang lý tưởng
đến việc miêu tả về sự hoạt động của các nhà nước thực tế và nêu lên câu hỏi liệu
sự lãnh đạo chính trị có cần phải thỏa mãn điều kiện đạo đức hay không.
Quân vương
· Niccolo Machiavelli (1469 – 1527) chắc chắn là triết gia
chính trị và nhà khoa học chính trị hiện đại đầu tiên. Ông sống trong trong
giai đoạn mà Italy gồm các thành bang thương mại cạnh tranh với nhau. Ông là
người Florentine, sinh ra trong một gia đình nổi tiếng, và nhận được điều mà
ông gọi là sự giáo dục nhân văn, vốn tập trung vào nền văn hóa cổ điển (Hilap –
La mã) hơn là vào chủ nghĩa kinh viện (Kito giáo).
o
Machiavelli giữ nhiều chức
vụ trong thời gian biến động về chính trị, khi giáo hoàng là một nhân vật chính
trị, các thành bang Italy tranh giành quyền lực, và Italy đối mặt với sự xâm lược
của Pháp, Tây ban nha, và Đế chế La mã thần thánh.
o
Khi cộng hòa Florentine bị
lật đổ bởi gia đình Medici vào năm 1512, Machiavelli bị cầm tù và tra tấn, sau
đó đi lưu vong, chính trong thời điểm này, ông đã viết hai tác phẩm nổi tiếng của
mình là Quân vương, và Khảo luận.
· Quân vương được xuất bản năm 1532 sau khi Machiavelli mất. Trong đó,
ông nói một cách rõ ràng rằng ông đang đưa ra lời khuyên cho các ông vua khi đối
mặt với các vấn đề thực tế, chứ không phải cho việc hình thành một thành bang
lý tưởng. Đây là một sự đoạn tuyệt rõ ràng với lý thuyết triết học cổ đại và
trung cổ, vốn cho rằng mục đích của nó là miêu tả các phẩm tính của một xã hội
công bằng và các đức hạnh cần có của người cai trị. Trong Quân vương, Machiavelli nghiên cứu các ví dụ lịch sử nổi tiếng và
rút ra các kết luận về đâu là sách lược hiệu quả nhất.
· Quan tâm chính của một quân vương là giành và giữ quyền lực.
Machiavelli nổi tiếng khi cho rằng “mục đích biện minh cho phương tiện”, điều
này dường như biện minh cho nền chính trị dựa trên sức mạnh, không quan tâm đến
đạo đức. Chẳng hạn, khi một nhiệm vụ không được dân chúng thích phải được thực
hiện, Machiavelli đề nghị bổ nhiệm một cố vấn đặc biệt để tạo ra những sự thay
đổi cần thiết; nếu người dân ghét sự thay đổi, người cai trị có thể tuyên bố về
sự yếu kếm của người cố vấn và xử tử anh ta.
· Machiavelli nhấn mạnh tầm quan trọng của virtu, có nghĩa là “sự xuất sắc” nói
chung, mà không nhất thiết là phẩm hạnh đạo đức. Ông cũng khẳng định rằng hoàn
cảnh khác nhau đòi hỏi các hành động khác nhau, và tất cả phụ thuộc vào sự may
mắn, hay fortuna. Các ông vua nỗ lực
cho sự vinh quang hơn tất cả, nhưng họ có đạt được nó hay không thì một nửa phụ
thộc vào sự xuất sắc hay khả năng của họ và một nửa vào sự may mắn.
· Rõ ràng, đây là một thuyết duy thực chính trị, vốn cho rằng
chiến tranh là một thực tế trong quan hệ giữa các cộng đồng chính trị và những
người lãnh đạo, và không thể áp dụng các tiêu chuẩn đạo đức dân sự cho nó. Thuyết
duy thực cũng xưa cũ như “Đối thoại Melian”, trong chương 17 của tác phẩm Lịch sử của cuộc chiến Peloponnesian của
nhà lịch sử Hilap Thucydides.
o
Thucydides miêu tả một cuộc
gặp giữa các lãnh đạo của Melos và các tướng Athen những người đang đe dọa người
Melos bằng một lực lượng mạnh hơn hẳn. Các lãnh đạo Athen yêu cầu sự đầu hàng,
dựa trên thực tế là họ mạnh hơn người Melos. Người Melos từ chối đầu hàng nhưng
bị đánh bại sau một cuộc bao vây, và người Athen chiếm lấy Melos rồi đến sinh sống
ở đó.
o
Rất lâu sau đó, trong giai
đoạn cận đại, thái độ của người Athen có thể được gọi là raison detat, có nghĩa là lợi ích quốc gia và hành vi quốc gia
không phục tùng các chuẩn mực đạo đức thông thường.
· Không thể phủ nhận Quân
vương là một kinh điển của thuyết duy thực chính trị và trình bày cho một sự
áp dụng lần đầu tiên của thuyết duy thực quốc tế vào các vấn đề đối nội, nghĩa
là, vào việc cai trị một quốc gia. Dĩ nhiên, những người lãnh đạo đã hành động
theo cách này trong quá khứ, nhưng các triết gia cổ đại và trung cổ không ủng hộ hay bảo chữa cho điều
đó. Machivelli giải thích rõ ràng rằng ông không đang nói về nền chính trị lý
tưởng mà là về nền chính trị thực tế, và về điều mà phải được thực hiện trong
thế giới thực. Sự cai trị ổn định, chứ không phải công bằng, mới là điều quan
trọng. Ông gọi điều này là “mệnh lệnh mới”
của tư tưởng chính trị.
Khảo luận về Livy
· Một cuốn sách nổi tiếng khác của Machiavelli là Khảo luận về 10 quyển sách đầu tiên của
Titus Livy (1531), 10 quyển sách này là một sự giải thích nổi tiếng của nhà
lịch sử La mã Livy về lịch sử của cộng hòa Rome. Sẽ là đúng đắn khi xem Quân vương là một phần của một tầm nhìn
rộng lớn hơn được triển khai trong Khảo
luận.
· Chính quyền có thể thuộc kiểu cha truyền con nối hoặc kiểu cộng
hòa. Kiểu chính quyền nào mà một xã hội có phụ thuộc vào hoàn cảnh của nó. Tất
cả các dạng chính quyền của Aristotle đều ngắn ngủi và có thể thay đổi, và tất
cả phụ thuộc vào sự may rủi. Machiavelli nói, tất cả các thành bang trải qua “sự
phát tiển và lụi tàn”, mà không phải là đứng yên. Chế độ cha truyền con nối là
đúng cho một số xã hội ở một số giai đoạn nhưng không đúng cho các xã hội khác.
Cộng hòa là đúng cho một số xã hội và ở
một vài thời điểm.
· Machiavelli tin vào “hoặc là/hoặc” - rằng dạng chính quyền
và hoàn cảnh tương ứng nghiêm ngặt. Luật pháp, hoàn cảnh xã hội, và các chính
sách phải phù hợp với dạng này hoặc dạng kia; các ưu điểm của các dạng cộng đồng
chính trị đối lập không thể kết hợp với nhau. Con đường ở giữa luôn luôn tồi tệ.
Người cai trị phải hoặc là tốt đẹp hoàn hảo hoặc “xấu xa kinh khủng”.
Mô hình cộng hòa của Machiavelli
· Mô hình cộng hòa của Machiavelli là rất rõ ràng: Rome. Thời
kì đầu trong lịch sử của nó, từ 509 trước Công nguyên tới khoảng năm 207 trước
Công nguyên, trước khi Thượng viện mất đi quyền lực của nó vào tay Hoàng đế, Rome
là một nền cộng hòa, với các thiết chế chính trị đặc biệt chú trọng đến việc tản
quyền. Điều này quan trọng đối với chúng ta bởi vì về luật pháp và chính trị, cộng
hòa Rome được hầu hết mọi triết gia hiện đại coi là một mẫu hình của nền cộng
hòa.
· Luật của Rome phân biệt luật
dân sự và luật hình sự. Luật hình
sự liên quan đến sự xúc phạm chống lại nhà nước, trong khi luật dân sự liên
quan đến sự xúc phạm riêng tư. Luật dân sự cũng phân biệt hiệp hội của các công
dân với quân đội, chính quyền, và cuối cùng, các thiết chế của giới giáo sĩ.
Đây là nền tảng cho điều mà trong thế kỉ 18 gọi là xã hội dân sự.
· Machiavelli nghĩ rằng Cộng hòa Rome thực sự vĩ đại. Vô số
các thiết chế của nó cho phép nó cân bằng quyền lực; khuyến khích đức hạnh và
tinh thần cộng đồng trong giới lãnh đạo; và duy trì năng lực quân sự của nó
trong một thời gian dài. Nhưng giống như mọi sự, cuối cùng Rome xuy tàn.
· Ở đây, Machiavelli đứng về phía truyền thống cộng hòa dân sự
hiện đại, truyền thống tin rằng công dân (người tự do và có tài sản) phải cai
trị chính họ, như theo Aristotle, và họ có thể làm như vậy chỉ nếu tất cả họ có
được đức hạnh của chế độ cộng hòa, đó là danh dự, và sự sẵn sàng chiến đấu.
o
Đây là một ý niệm cũ về người
quý tộc chiến binh, khá quen thuộc trong chế độ phong kiến. Và Machiavelli, cũng
như các nhà lịch sử khác, ý thức rằng đức hạnh chiến binh như vậy có thể bị mất
đi một cách định kì.
o
Điều này tương tự với quan
điểm của nhà xã hội học Ả rập thời trung cổ Khaldun (1332-1406). Sớm hơn một thế
kỉ (so với Machiavelli), trong tác phẩm Prolegomena của ông, ông đưa ra một sự
giải thích về xã hội Ả rập và Bắc phi. Ông cho rằng, sự đoàn kết thống nhất xã
hội kiểu bộ lạc, chiến binh…phổ biến trong các bộ lạc du mục nhưng suy giảm sau
cuộc chinh phục một thành phố bởi vì đời sống thành thị thương mại mang tính cạnh
tranh cá nhân và độc hại với đức hạnh chiến binh.
o
Đây là một phần của truyền
thống cộng hòa dân sự; một nền cộng hòa là một sự kết hợp của các công dân tích
cực, những người có cả tài sản lẫn khả năng tự bảo vệ. Sở hữu tài sản và sự bảo
vệ là có liên quan bởi vì người sở hữu tài sản có đất đai để bảo vệ và có tiền
để mua vũ khí, áo giáp, những thứ mà các quan tâm thương mại có khuynh hướng
làm cho xói mòn.
o
Machiavelli cũng phê phán
công khai ảnh hưởng của Ki tô giáo. Giáo hội La mã gây tác hại cho Italy. Ki tố
giáo làm giảm bớt sinh lực và đức hạnh chiến binh.
Kết luận về nền cộng hòa
· Trong Khảo luận,
Machiavelli đưa ra một cái nhìn rộng mở hơn so với Quân vương. Thế giới hầu như không tốt đẹp, bản chất con người có cả
tốt lẫn xấu; lịch sử không đồng nghĩa với tiến bộ; và chính trị không thể bị
quyết đinh bởi các đức hạnh lý tưởng.
· Nền cộng hòa thật mong manh, nhưng khi nó tồn tại, thì nó ưu
việt về mặt đạo đức hơn so với nền quân chủ. Machiavelli đồng ý với Livy rằng
đám đông không kiên định và dễ hành động trái pháp luật, nhưng ông đưa ra một
quan điểm hiện đại hơn, với nhận xét rằng, “bất cứ ai không kiểm soát hành vi của
mình bằng luật pháp thì sẽ phạm phải lỗi tương tự mà đám đông phạm phải”.
· Dân chúng là tốt đẹp không phải bởi biết đâu là chính sách
đúng để lựa chọn mà bởi biết lắng nghe các luận điểm phản đối các chính sách và
lựa chọn đâu là luận điểm đáng giá nhất. Do đo, “chính quyền cai trị bởi nhân
dân thì tốt hơn chính quyền cai trị bởi vua chúa”, nhưng vẫn thường cần một vị
vua để thiết lập hoặc cải cách một nền cộng hòa; điều mà người dân không thể
làm.
· Dựa vào Khảo luận,
dường như Machiavelli không đưa ra các lý tưởng chính trị rõ ràng; ông kết hợp
lý tưởng với thực tế và hỏi về cái giá thực tế của việc hành động theo các ý tưởng.
Trong chính trị, vấn đề là dạng nhà nước nào được tạo ra và duy trùy. Nó phải
an ninh và trật tự; nó phải công bằng và đức hạnh. Nhưng bất cứ điều gì được
làm để tạo ra một nhà nước như vậy đều là hợp pháp.
· Mối đe dọa to lớn đối với các chế độ quân chủ và cộng hòa
không phải là quần chúng mà là sự gian trá của những người tham vọng, giàu có,
quyền lực.
Di sản của Machiavelli
· Có lẽ di sản chính của Machiavelli để lại cho chúng ta là
thuyết duy thực của ông: chúng ta không giả định tính đúng đắn của các chuẩn mực
đạo đưc dân sự trong lĩnh vực chính trị. Ông cũng nêu lên vấn đề “bàn tay bẩn”:
trong chính trị thì ta chắc chắn sẽ phải hành động mất đạo đức? Các nhà duy thực
trả lời là đúng như vậy, có nghĩa là đạo đức không thể được áp dụng.
· Nhiều người tin Machiavelli là người mất đạo đức, nhưng quan
điểm của ông thì phức tạp hơn điều đó. Nói rằng mục đích biện minh cho phương
tiện không nhất thiết là phi đạo đức.
o
Ví dụ, nếu bạn là người
theo chủ nghĩa kết quả, nếu bạn nghĩ một
hành động là tốt khi các kết quả tốt của nó lớn hơn các kết quả xấu, thì mục
đích có thể bảo chữa cho phương tiện. Dạng nổi tiếng nhất của chủ nghĩa kết quả
là thuyết công lợi, theo thuyết công lợi tính đúng đắn về mặt đạo đức của các
hành động là chúng tạo ra lợi ích lớn nhất cho nhiều người nhất.
o
Machiavelli có là một nhà kết
quả đạo đức hay thậm chí một nhà công lợi hay không? Câu trả lời là: không rõ
ràng. Ông nói rằng trong chính trị, ta không thể đơn giản chỉ theo sau bổn phận
dân sự nhưng phải làm điều gì sẽ dẫn đến kết quả tốt nhất. Nhưng ông cũng coi mục
đích tối hậu - thường được coi kết quả tốt nhất - là thứ mà giống với sự cai trị
ổn định , và nếu có thể, bằng danh tiếng.
o
Mục đích là mục đích chính
trị thực tế, vốn được ưu tiên hơn so với các dạng đức hạnh mà các triết gia cổ
đại và các học giả kinh viện quan tâm. Mối đe dọa của việc đánh mất sự cai trị,
bị chinh phục, bất ổn sẽ lấn át mọi thứ và biện minh cho bất cứ điều gì.
· Machiavelli khởi đầu cho sự suy tàn của truyền thống cổ đại
và trung cổ vốn cho rằng chỉ có phẩm hạnh đạo đức mới có thể hình thành nên một
thành bang tốt hay công bằng. Từ Plato cho đến thời trung cổ, ý tưởng cho rằng
một xã hội công bằng có thể được xây dựng mà không cần đến những người công dân
hay những người cai trị đạo đức là ngớ ngẩn. Nhưng Machiavelli lại thấy rằng xã
hội chính trị thường tiến bộ mà không cần phẩm hạnh đạo đức và thấy có một cách
để trở nên công bằng và ổn định mà không cần nó (đạo đức).
Nguồn: The Modern Political Tradition: Hobbes
to Habermas