Sự tự do cổ đại so sánh với sự tự do hiện đại (P1/2)

Posted on
  • Thứ Hai, 23 tháng 11, 2015
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: ,
  • Benjamin Constant
    Tôi muốn kêu gọi sự chú ý của các bạn tới một sự phân biệt – vẫn còn khá mới – giữa hai dạng tự do: sự khác nhau giữa chúng vẫn chưa nhận được chú ý, hoặc ít nhất là cho đến bây giờ vẫn chưa nhận được sự chú ý đúng mức. Dạng thứ nhất là sự tự do mà các dân tộc cổ đại rất coi trọng; và dạng kia là sự tự do đặc biệt quý giá đối với các quốc gia hiện đại. Tôi nghĩa rằng sự khảo sát này rất quan trọng đối với chúng ta, vì hai lý do khác nhau.
    (1) Việc không phân biệt được hai dạng tự do này là nguyên nhân của nhiều điều kinh khủng trong những ngày nổi tiếng - quá nổi tiếng! - của cuộc cách mạng của chúng ta. Nước Pháp thấy chính nó bị làm cho mệt mỏi bởi những thử nghiệm vô ích; và các tác giả của những thử nghiệm này, tức giận với thất bại của họ, đã cố gắng buộc Pháp chấp nhận những lợi ích mà nó không muốn, và từ chối những lợi ích mà nó muốn. (2) Chúng ta được kêu gọi bởi cuộc cách mạng hạnh phúc của chúng ta là hãy thụ hưởng những lợi ích của chính phủ đại diện, và ngày nay, chúng ta sẽ không thể có được tự do và hòa bình trừ khi chúng sống dưới sự che trở của dạng chính phủ đó; tuy nhiên nó [chính phủ đại diện] hoàn toàn không được các quốc gia tự do cổ đại biết đến, và sẽ rất thú vị và hữu ích để đi tìm hiểu tại sao lại như vậy.
    Tôi biết một số tác giả tuyên bố phát hiện ra các dấu vết của nó (chính phủ đại diện) trong một số dân tộc cổ đại, như trong cộng hòa Sparta, hay trong các dân tộc ở xứ Gauls, tổ tiên chúng ta; nhưng điều này thật sai lầm. Chính phủ của Sparta hoàn toàn không phải là chính phủ đại diện – mà nó là chính phủ quý tộc thầy tu (monastic aristocracy). Quyền lực của vua thực sự bị giới hạn, nhưng nó bị giới hạn bởi các pháp quan, chứ không phải bởi những người mà nhiệm vụ được quy định của họ tương tự với nhiệm vụ của những người được lựa chọn để bảo vệ cho sự tự do của chúng ta ngày nay.
    Không nghi ngờ gì, các pháp quan, một thiết chế được tạo ra bởi các vị vua, được chỉ định bởi người dân. Tuy nhiên, họ chỉ có năm người. Thẩm quyền của họ mang mầu sắc tôn giáo cũng nhiều như chính trị; họ tham gia vào việc quản lý thực tế của chính phủ, như vào cơ quan hành pháp. Do đó quyền lực của họ, không hề là một chướng ngại chống lại chuyên chế, mà đôi khi còn trở thành một thiết chế chuyên chế quá mức. Điều này là đúng đối với tất cả các pháp quan trong các nước cộng hòa cổ đại, bao gồm những pháp quan được người dân lựa chọn.
    Chế độ cai trị của các dân tộc ở xứ Gaul khá giống với chế độ mà một bộ phận nào đó muốn khôi phục lại cho chúng ta! Nó đồng thời mang mầu sắc chiến binh và thần quyền. Những tu sĩ có một quyền lực không giới hạn. Tầng lớp chiến binh – quý tộc – có những đặc quyền rất bạo lực và thô lỗ. Người dân không có quyền và những sự bảo vệ.
    Nhiệm vụ của các hộ dân quan ở Rome, ở một mức độ nào đó, là nhiệm vụ của một cơ quan đại diện. Họ hành động nhân danh những người bình dân, những người vốn bị tầng lớp đầu sỏ bắt phải chịu tình trạng nô lệ tàn bạo khi chúng lật đổ các ông vua. (Tầng lớp đầu sỏ đều giống nhau trong mọi thời đại) Tuy nhiên, người dân thực thi khá nhiều quyền chính trị một cách trực tiếp.
    Họ gặp nhau để bỏ phiếu quyết định các bộ luật và phán xử những người quý tộc bị bộc tội hành động sai trái. Vì vậy chỉ duy Rome có một số đặc điểm nào đó của hệ thống đại diện. Chính phủ đại diện là một phát kiến hiện đại, và bạn sẽ thấy rằng điều kiện của con người trong thời cổ đại làm cho một thiết chế như vậy không thể xuất hiện hoặc được thiết lập. Các dân tộc cổ đại không cảm thấy nhu cầu cho nó hoặc đánh giá cao các ưu điểm của nó. Tổ chức xã hội của họ khiến họ đi đến mong muốn một dạng tự do hoàn toàn khác với dạng tự do mà chính phủ đại diện mang lại cho chúng ta.
    Bài giảng tối nay sẽ cố gắng để giải thích điều này với các bạn. Trước tiên hãy hỏi chính bạn rằng ngày nay người Anh, người Pháp, hay người công dân Mỹ hiểu về từ “tự do” như thế nào. Đối với họ thì nó có nghĩa là:
    ·       quyền chỉ phục tùng luật pháp, và không bị bắt giữ, bỏ tù, giết hại hay ngược đãi dưới bất cứ hình thức nào bởi quyết định của một hay một số cá nhân;
    ·       quyền bày tỏ quan điểm, lựa chọn nghề nghiệp và thực hành nghề nghiệp, tùy úy sử dụng tài sản của mình và ngay cả khi việc sử dụng đó là không tốt;
    ·       quyền đi lại không cần sự cho phép, và không cần giải thích điều mình đang làm hay tại sao mình làm;
    ·       quyền lập hội – dù để thảo luận về các quan tâm cá nhân, hay tham gia vào việc thờ phụng, hay đơn giản chỉ để giết thời gian theo bất cứ cách nào phù hợp với sở thích của mình; và
    ·       quyền có một số ảnh hưởng đối với việc quản lý của chính quyền – bằng cách lựa chọn tất cả hoặc một số quan chức, hoặc thông qua sự đại diện, thỉnh nguyện, hoặc yêu cầu mà chính quyền có nghĩa vụ phải cân nhắc.
    Bây giờ so sánh sự tự do này với sự tự do của các dân tộc cổ đại.
    Sự tự do của các dân tộc cổ đại thực chất là việc thực hiện một cách tập thể nhưng trực tiếp phần lớn các chức năng của chính quyền, cùng nhau đi đến quảng trường để:
    ·       thảo luận và đưa ra các quyết định về chiến tranh và hòa bình;
    ·       hình thành liên minh với các chính phủ bên ngoài;
    ·       bỏ phiếu thông qua luật mới;
    ·       đưa ra sự phán xét;
    ·       điều tra các lời giải thích, các hành động, sự quản lý của các pháp quan;
    ·       kêu gọi các pháp quan trình diện trước hội đồng toàn dân;
    ·       buộc tội pháp quan và sau đó kết tội hoặc tha bổng họ.
    Nhưng trong khi các dân tộc cổ đại gọi điều này là tự do, họ không thấy có sự mâu thuẫn giữa (1) sự tự do tập thể này và (2) sự phục tùng hoàn toàn của cá nhân đối với thẩm quyền của tập thể. Bạn sẽ thấy trong số những điều tôi vừa liệt kê ở trên hầu như không có điều nào là thành phần của sự tự do hiện đại.
    Tất cả các hành động cá nhân bị giám sát chặt chẽ. Không có chỗ cho sự độc lập của ý kiến cá nhân, hay của sự lựa chọn công việc, hay – đặc biệt là của sự lựa chọn tôn giáo. Chúng ta các dân tộc hiện đại xem quyền lựa chọn quan điểm tôn giáo là một trong những thứ quý báu nhất, nhưng đối với những người cổ đại thì điều này dường như là tội lỗi và báng bổ. Đối với chúng ta, vấn đề dường như quan trọng nhất là, quyền uy của tập thể can thiệp và bóp nghẹt ý chí của cá nhân. Therpandrus, người Sparta, không thể thêm một sợi dây vào cái đàn của anh ta mà không bị coi là xúc phạm đến các pháp quan. Trong hầu hết các quan hệ cá nhân thẩm quyền cộng đồng vẫn có thể can thiệp: một người Sparta trẻ tuổi không được tự do thăm cô dâu mới của anh ta bất cứ khi nào anh ta muốn. Ở Rome, con mắt soi mói của những nhân viên kiểm duyệt đi sâu vào đời sống gia đình. Luật pháp quy định tập tục, thói quen, và vì tập tục, thói quen có trong mọi thứ, nên không có gì mà luật pháp không quy định.
    Do đó, đối với các dân tộc cổ đại, thì cá nhân hầu như luôn là ông chủ tối cao trong các vấn đề chung nhưng là nô lệ trong các vấn đề cá nhân của anh ta. Với tư cách là một công dân anh ta quyết định việc chiến tranh hay hòa bình; với tư cách là một cá nhân trong đời sống riêng tư anh ta bị ép buộc, giám sát và giam hãm trong mọi hành động của mình; với tư cách là một thành viên của tập thể anh ta chất vấn, bác bỏ, chỉ trích, trục xuất, kết tội chết đối với các pháp quan và những người có địa vị cao hơn anh ta; với tư cách là thần dân của tập thể chính anh ta có thể bị tước đi địa vị, mọi quyền lợi, trục xuất, tử hình bởi quyết định tự do của tập thể mà anh ta vốn là một bộ phận. Mặt khác, trong các dân tộc hiện đại, ngay trong các quốc gia tự do nhất, cá nhân là ông chủ tối cao chỉ về mặt hình thức, dù anh ta độc lập trong đời sống riêng tư. Chủ quyền của anh ta bị giới hạn và gần như luôn bị treo; và nếu trong khoảng cố định và hiếm hoi nào đó – bị vây quanh bởi sự lo lắng và chướng ngại – anh ta thực hành chủ quyền này, thì tất cả những gì anh ta làm với nó là từ bỏ nó.
    Tôi phải tạm dừng một lát ở đây để ngăn chặn trước một sự phản bác tiềm tàng. Thời cổ đại có một nước cộng hòa mà sự phục tùng của cá nhân đối với tập thể không hoàn toàn giống như những gì tôi vừa trình bày. Đó là nền cộng hòa nổi tiếng nhất trong tất cả nền cộng hòa – vâng, tôi đang nói về Athens. Tôi sẽ trình bày về nó sau, và đồng ý rằng đó là điều tôi sẽ phải chỉ cho bạn nguyên do của nó. Chúng ta sẽ thấy tại sao Athen, một quốc gia cổ đại, tương tự tự nhất với các quốc gia hiện đại. Ở mọi nơi phán quyết của xã hội là vô giới hạn. Condorcet rất đúng: các dân tộc cổ đại không có ý tưởng về các quyền cá nhân. Tức là, con người không khác gì những chiếc máy mà các phụ tùng, bánh xe của nó tuân theo các quy luật.
    Sự phục tùng tương tự là một đặc trưng trong nhiều thế kỉ vĩ đại của cộng hòa La mã: cá nhân biến mất trong quốc gia, công dân biến mất trong thành phố. Bây giờ chúng ta hãy lần theo nguồn gốc của sự khác nhau cơ bản này giữa các dân tộc cổ đại với chính chúng ta. Tất cả các nước cộng hòa cổ đại là rất nhỏ bé về mặt địa lý. Quốc gia đông dân nhất, hùng mạnh nhất, và quan trong nhất trong số đó không bằng kích thước của quốc gia nhỏ nhất trong số các quốc gia hiện đại. Sự nhỏ bé về kích thước này chắc chắn khiến cho họ hiếu chiến: các dân tộc liên tục tấn công láng giềng của họ hoặc bị tấn công. Do đó bị thúc đẩy bởi nhu cầu tất yếu chống lại quốc gia khác, họ liên tục chiến đấu và đe dọa lẫn nhau. Những ai không có ước muốn trở thành kẻ chinh phục cũng không thể hạ vũ khí của họ bởi vì nỗi sợ hãi bị chinh phục. Chiến tranh là cái giá mà các quốc gia tự do thời cổ đại phải trả để mua lấy an ninh, sự độc lập, và sự tồn tại; đó là một mối quan tâm liên tục của họ, và chiếm hầu hết thời gian của họ. Và, một hệ quả tất yếu của kiểu sinh tồn này, đó là tất cả các quốc gia này sử dụng nô lệ. Lao động thông thường và thậm chí (ở một số quốc gia) các hoạt động kinh doanh được giao cho những người nô lệ.
    Thế giới hiện đại hoàn toàn khác với thế giới cổ đại. Các quốc gia nhỏ nhất trong thời chúng ta chắc chắn lớn hơn so với Sparta, hay hơn Rome năm thế kỉ sau đó. Ngay cả sự phân chia Châu âu thành các quốc gia riêng biệt cũng mang tính hình thức hơn là thực tế, nhờ vào sự phổ biến của Khai sáng. Vào thời đó (cổ đại), mỗi dân tộc tạo thành một gia đình biệt lập, là kẻ thù truyền kiếp của các gia đình khác; trong khi hiện giờ có một cộng đồng dân tộc có cùng bản chất căn bản, dù khác nhau về danh xưng và hình thức tổ chức xã hội. Cộng đồng này đủ mạnh để không phải sợ hãi đám man rợ. Khi đã khai sáng ở một mức độ nào đó thì chiến tranh trở thành một gánh nặng. Xu hướng hướng đến đồng nhất của nó dẫn đến sự hòa bình.
    Sự khác nhau này dẫn đến những sự khác nhau khác đi cùng với nó. Chiến tranh đứng trước thương mại, bởi vì chúng chỉ đơn thuần là hai cách khai nhau để đạt được cùng một mục đích – tức là, đi đến sở hữu thứ mà chúng ta muốn sở hữu. Nếu tôi muốn thứ mà bạn sở hữu, thương mại – tức là, tôi đề nghị mua cái của bạn – đơn giản là sự tôn trọng của tôi đối với sức mạnh của bạn, tức là tôi thừa nhận rằng tôi không thể cướp đi thứ tôi muốn. Thương mại là một nỗ lực thông qua sự thỏa thuận qua lại để đạt được thứ mà chúng ta phải từ bỏ hi vọng đạt được bằng bạo lực. Một người luôn là kẻ mạnh nhất sẽ không bao giờ hiểu được ý tưởng về thương mại. Điều dẫn chúng ta tin tưởng vào thương mại là từ kinh nghiệm của chúng ta rằng chiến tranh – tức là sử dụng sức mạnh của mình chống lại sức mạnh của người khác – đặt ra cho chúng ta rất nhiều chướng ngại và cả sự thất bại.
    Khi chúng ta chuyển sang thương mại chúng ta đang sử dụng các phương tiện ôn hòa và chắc chắn hơn mang lại lợi ích cho người khác để họ đồng ý trao cho chúng ta cái chúng ta muốn. Chiến tranh là sự bốc đồng, thương mại là sự tính toán, và vì lý do đó một thời đại mới sẽ đến khi thương mại thay thế chiến tranh. Chúng ta đã đạt đến thời đại đó.
    Tôi không muốn nói rằng giữa các dân tộc cổ đại không có thương mại. Tất nhiên là có, nhưng đó chỉ là ngoại lệ của một quy tắc chung. Trong một bài thuyết trình, tôi không thể kể hết tất cả những chướng ngại đối với sự phát triển của thương mại; bạn biết chúng rõ như tôi; tôi sẽ chỉ đề cập đến một mà thôi.
    Bởi vì họ (người cổ đại) không có la bàn, các thủy thủ thời cổ đại luôn để mặt đến con tàu nhiều nhất có thể. Việc vượt qua eo của Gibraltar – “các trụ đỡ Hercules” của nó – được xem là công việc táo bạo nhất. Người Phoenic và người Carthania, những người đi biển táo bạo nhất, không mạo hiểm cho đến khi rất trễ, và trong một thời gian dài, không ai dám bắt trước họ. Ở Athen, điều mà tôi sẽ nói vắn tắt,
    (Điều mà Constant muốn nói: đảm bảo cho hành trình thương mại trên biển chiếm 60% giá trị hàng hóa, trong khi các dạng đảm bảo khác chỉ chiếm 12%, điều này cho thấy nguy cơ mà ý tưởng về hàng hải đường dài đối mặt với.)
    Nếu tôi có thêm thời gia tôi sẽ trình bày với các bạn – thông qua các chi tiết về thói quen, tập tục, cách giao dịch với các dân tộc khác của thương gia cổ đại – rằng hoạt động thương mại của họ thẫm đẫm với tinh thần của thời đại họ, với không khí chiến tranh và thù địch xung quanh. Do đó, thương mại là một tai nạn may mắn, mà ngày nay đó là một trạng thái bình thường, là mục đích duy nhất, xu hướng phổ quát, là đời sống thực sự của các quốc gia. Họ muốn hòa bình, và xung túc, và thương mại là nguồn gốc của sự xung túc. Càng ngày, chiến tranh không còn là phương tiện hữu hiệu để thỏa mãn các mong muốn của họ. Rủi ro của nó, đối với các cá nhân hay với các quốc gia, không còn mang lại các lợi lích có thể so sánh được với các lợi ích của các hoạt động hòa bình và trao đổi trong trật tự. Đối với các dân tộc cổ đại, một cuộc chiến thành công gia tăng sự giàu có đối với cả nhà nước và cá nhân nhờ nô lệ và vật cống nộp [bằng tiền và hàng hóa mà kẻ bại trận buộc phải trả cho người chiến thắng] và đất đai. Với các dân tộc hiện đại một cuộc chiến – dù thành công – chắc chắn sự thiệt hại nhiều hơn lợi ích thu về. Cuối cùng, nhờ vào thương mại, tôn giáo, sự tiến bộ trí tuệ và đạo đức của con người, không còn nô lệ ở các quốc gia châu Âu. Tất cả mọi nghề nghiệp, tất cả những gì cung cấp các nhu cầu cho xã hôi, phải do người tự do thực hiện.
    Không khó để thấy hệ quả không thể tránh được của nhưng sự khác nhau này.
    (1) Khi một quốc gia lớn lơn, thì tầm quan trọng chính trị của mỗi cá nhân nhỏ hơn. Người cộng hòa vô danh nhất của Sparta hay Rome cũng có quyền lực. Điều này không đúng với các công dân của Anh hay Mỹ. Ảnh hưởng cá nhân của chỉ là một phần rất nhỏ đối với ý chí xã hội, thứ vốn hướng dẫn chính quyền. (2) Việc loại bỏ chế dộ nô lệ tước đi của các công dân tự do thời gian rỗi mà họ hưởng khi người nô lệ làm hết các công việc. Nếu không có những người nô lệ ở Athen, 20000 người Athen không thể tụ tập trong các quảng trường để bàn luận hàng ngày. (3) Thương mại không có chỗ cho của tình trạng ì ạch trong cuộc sống con người, điều mà chiến tranh mang lại. Những người tự do trong thời cổ đại thường bị mòn mỏi dưới ảnh hưởng của tình trạng ì ạch khốn khổ nếu họ không liên tục thực thi các quyền chính trị, thảo luận hàng ngày về các vấn đề quốc gia, những sự bất đồng, các phiên họp được lên kế hoạch bí mật, vận động phe cách, sự no âu tất yếu trong cuộc sống của họ. Tất cả những điều này chỉ gây khó khăn và mệt mỏi cho các quốc gia hiện đại, nơi mà mỗi cá nhân – quan tâm với nghiên cứu, công việc, lợi ích mà anh ta có hi vọng – không muốn trệch khỏi chúng lúc nào, và ít khi điều này xảy ra. (4) Thương mại truyền cho con người một tình yêu mãnh liệt với sự độc lập cá nhân. Nó cung cấp các nhu cầu của họ, làm thỏa mãn các ước muốn của họ, mà không có bất cứ sự can thiệp của chính quyền. Sự can thiệp này hầu như luôn luôn … tôi không biết tại sao tôi nói “hầu như”….sự can thiệp này luôn luôn là một điều phiền muộn. Bất cứ khi nào mà sức mạnh tập thể cố gắng can thiệp vào công việc riêng tư, thì nó gây hại cho người đó. Bất cứ khi nào chính quyền đề nghị thực hiện việc kinh doanh của chúng ta thay chúng ta, thì họ làm cho nó tồi tệ hơn chúng ta làm và với một các giá phải trả lớn hơn.
    Tôi đã nói rằng tôi sẽ nói về Athen: nó có thể được trích dẫn để chỉ ra một số mâu thẫn trong các khẳng định của tôi, nhưng trong thực tế nó xác thực tất cả chúng. Athen, như tôi đã từng trình bày, tham giao vào thương mại nhiều hơn bất cứ thành bang cộng hòa Hi lạp nào khác; vì vậy nó cho phép các công dân của mình một sự tự do cá nhân lớn hơn nhiều so với Spara hay Rome. Nếu tôi đi vào các chi tiết về mặt lịch sử, tôi sẽ chỉ cho bạn thấy rằng với người Athen thương mại đã làm mất đi một số sự khác nhau giữa các dân tộc cổ đại và hiện đại. Tinh thần của các thương nhân Athen giống với tinh thần của các thương nhân ngày nay. Xenophon kể cho chúng ra rằng trong cuộc chiến Peloponnesia người Athen đã di chuyển vàng bạc của họ khỏi lục địa tới các đảo. Thương mại đã tạo ra sự luôn chuyển tiền bạc cho họ. Trong các tác phẩm của Isocrates có những dấu hiệu cho thấy hóa đơn tiền được sử dụng. Hãy xem tập tục của họ giống với chúng ta như thế nào. Trong quan hệ của họ với phụ nữ bạn sẽ thấy (tôi trích dẫn Xenophon một lần nữa) người chồng hài lòng khi tình cảm hòa hiếu và gần gũi hiện diện trong gia đình của họ, đối xử tốt với người vợ người không đủ mạnh để chống lại sự chuyên chế của tự nhiên, nhắm mắt trước những sự mạnh không thể cưỡng lại của đam mê, tha thứ cho điểm yếu thứ nhất, và quên đi điểm yếu thứ hai. Trong quan hệ của họ với người lạ, họ có thể được coi như đang mở rộng các quyền công dân tới bất cứ ai, người sẽ vào trong gia đình của anh ta và thiết lập một số giao dịch. Cuối cùng, chúng ta sẽ bị bất ngờ bởi tình yêu quá mức của họ đối với sự độc lập cá nhân.
    Ở Sparta, một triết gia nói, công dân đẩy nhanh bước chân của họ khi họ được kêu gọi bởi pháp quan; nhưng một người Athen sẽ không muốn bị nghĩ là phục tùng pháp quan. Tuy nhiên, bởi vì một vài đặc điểm khác vốn cố định đặc tính của các quốc gia cổ đại mà cũng tồn tại ở Athen – có người nô lệ và lãnh thổ rất giới hạn – chúng ta thấy Athen cũng có những tàn dư của dạng tự do cổ đại. Người dân ban hành luật, giám sát hành vi của pháp quan, yêu cầu Pericle báo váo về công việc quản lý của anh ta, trừng phạt tử hình đối với các vị tướng lãnh những người chỉ huy trong chận triến Arginusae. Đồng thời, việc trục xuất khỏi quốc gia- một dạng quyết đinh mà
    ·       mang tính pháp lý, và là sự hãnh diện của tất cả các nhà lập pháp của thời cổ đại, nhưng
    ·       dường như đối với chúng ta là cục kì kinh khủng –
    cho thấy rằng ở Athen cá nhân vẫn khúm lúm trước sự tối cao của xã hội rất nhiều so với khi anh ta sống trong bất kì quốc gia tự do nào ở châu Âu ngày nay.
    Vì vậy bạn sẽ thấy rằng chúng ta không còn thực hành sự tự do mà người cổ đại từng có, thực chất là tham dự liên tục và tích cực vào quyền lực tập thể. Sự tự do của chúng ta thực chất là thụ hưởng một cách hòa bình sự độc lập riêng tư. Phần của mỗi người trong chủ quyền của quốc gia không phải là một mẩu trừu tượng trong lý thuyết, như đối với chúng ta ngày nay. Ý chí của mỗi cá nhân có ảnh hưởng thực sự, và sự thực hành ý chí này là một niềm vui tích cực; đó là lý do tại sao các dân tộc cổ đại sẵn lòng chịu đựng nhiều sự hi sinh để duy trì các quyền chính trị cũng như phần của họ trong việc quản lý quốc gia. Mỗi người trong số họ cảm thấy một giá trị vĩ đại trong lá phiếu của anh ta với sự hãnh diện, xem ý nghĩa này về tầm quan trọng cá nhân quan trọng hơn so với sự đóng góp hi sinh của anh ta. Ngày nay một sự đền bù nhưng vậy không tồn tại đối với chúng ta. Biến mất trong đám đông, cá nhân không bao giờ có thể thấy ảnh hưởng của anh ta.  Ý chí của anh ta chưa bao giờ ghi dấu ấn nên toàn thể cộng đồng; trong mắt anh ta không có gì xác nhận sự đóng góp riêng của anh ta. Vì vậy sự thực hành các quyền chính trị chỉ mang lại cho chúng ta một phần lợi ích mà các dân tộc cổ đại tìm thấy trong nó, trong khi đồng thời với sự tiến bộ của nền văn minh, sự gia tăng liên tục của thương mại, sự giao thiệp giữa các dân tộc, đã nhân lên vô hạn và biến đổi các phương tiện mang lại hạnh phúc cho cá nhân. Kết quả là chúng ta gắn bó với sự độc lập cá nhân của chúng ta nhiều hơn rất nhiều so với người cổ đại. Khi họ hi sinh sự độc lập đó để giữ các quyền chính trị của họ, họ đang hi sinh ít để đạt được nhiều hơn; trong khi đối với chúng ta sẽ là hi sinh nhiều và đạt được ít hơn. Mục đích của người cổ đại là chia sẻ quyền lực xã hội giữa các công dân trong một quốc gia; đó là điều mà họ gọi là “tự do”. Mục đích của người hiện đại là đảm bảo các lợi ích cá nhân của họ; và “tự do” là tên gọi cho những sự đảm bảo theo các thiết chế đối với những lợi ích này.
    (hết phần 1)

    Nguồn:http://www.earlymoderntexts.com/assets/pdfs/constant1819.pdf
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org