Tư tưởng triết học của Hayek

Posted on
  • Thứ Hai, 23 tháng 11, 2015
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: ,
  • Nguyễn Anh Tuấn
    Friedrich August Hayek (1899 - 1992) là nhà tư tưởng người Áo, một trong những người lãnh đạo thế hệ thứ 4 trường phái kinh tế học Áo nổi tiếng với chủ nghĩa tự do và đây cũng là đặc trưng của tư tưởng triết học Hayek. Với tư cách này, ông đã phê phán chủ nghĩa tập thể, coi đó là một biến thái của chủ nghĩa duy thực ngây thơ. Ông cho rằng, các khoa học xã hội cần tập trung nghiên cứu hành động có ý thức, chứ không phải những tư tưởng tư biện, hay những dự án được áp đặt từ bên ngoài. Chính vì thế, ông cũng phê phán cả chủ nghĩa xã hội hiện thực với đặc trưng là sự kế hoạch hoá tập trung hết thảy mọi lĩnh vực đời sống xã hội và chủ nghĩa quốc xã bóp nghẹt mọi tự do, cho dù tự do đó đã dựa trên sự kém hiểu biết. Ông luận chứng và tuyên truyền cho thứ chủ nghĩa tự do đích thực mà theo ông, đảm bảo tự do phải gắn với việc bảo vệ những người yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội.
    Friedrich August Hayek sinh tại Viên (Áo) vào năm 1899. Cuối chiến tranh thế giới lần thứ nhất, ông là sĩ quan pháo binh Áo chiến đấu tại vùng biên giới với Italia. Sau chiến tranh, ông nghiên cứu luật học và khoa học chính trị tại Viên. Sau khi tốt nghiệp khoa Luật vào năm 1923, ông tiếp tục học tập tại Đại học Tổng hợp Côlômbia Niu-oc (Hoa Kỳ), nghe U.Mitchela giảng về lịch sử tư tưởng kinh tế và tham gia vào các buổi thảo luận của J.Klark. Sau khi trở về Viên vào năm 1927, Hayek đã cùng với Mizes thành lập Viện Nghiên cứu Kinh tế của Áo. Sau đó hai năm (1929), khi mới xuất hiện khủng hoảng kinh tế toàn thế giới tư bản, ông đã cho xuất bản cuốn sách đầu tiên Giá cả và sản xuất, sau đó là cuốn Lý thuyết tiền tệ và lý thuyết thị trường.
    Năm 1931, theo lời mời của Laion Rôbinsơn, Hayek đến Anh thuyết giảng loạt bài về Giá cả và sản xuất tại Trường Kinh tế Luân Đôn và bắt đầu cuộc sống tại đảo quốc này đến năm 1949. Trong khi chống lại J.M.Keinis, Hayek đã tìm và tìm thấy sự tương đồng với lập trường của mình trong tác phẩm của K.Popper - Lôgíc của phát minh khoa học. Ở Trường Kinh tế Luân Đôn, Popper đã thuyết giảng về Sự khốn cùng của chủ nghĩa lịch sử (mới được xuất bản bằng tiếng Việt với tên gọi Sự nghèo nàn của thuyết lịch sử luận). Giữa hai nhà khoa học này đã nảy nở tình bằng hữu kéo dài đến hết cuộc đời của mỗi người.(*)
    Trong tác phẩm Kinh tế và ý thức (1937), lần đầu tiên, Hayek đã đề ra tư tưởng phi tập trung hóa tri thức, phân phối nó cho triệu triệu người. Ông còn phân tích sâu sắc cội nguồn xã hội của chủ nghĩa quốc xã trong tác phẩm nổi tiếng Đường về nô lệ (1944) – đã được xuất bản bằng tiếng Việt. Tập bút ký dưới tên gọi Sự lạm dụng lý tính của ông được xuất bản năm 1952 đã bóc trần niềm tin duy khoa học rằng, con người theo ước vọng riêng có thể tạo ra và làm thay đổi các thiết chế xã hội. Ông còn viết các công trình cũng rất thú vị và đáng quan tâm, như Sự sử dụng xã hội đối với tri thức (1945); Chủ nghĩa cá nhân chân thực và giả dối (1946); Chủ nghĩa cá nhân và trật tự kinh tế (1946). Mont Pelerin Society đã được thành lập nhờ những nỗ lực chung của Hayek, Mizes, Miltơn Phridman và Popper.
    Từ năm 1949, Hayek giảng dạy tại Đại học Tổng hợp Chicagô. Ba năm sau, ông cho xuất bản tác phẩm Trật tự thần kinh (1952), trong đó phân tích quan hệ giữa lý tính và bộ não. Tác phẩm Xã hội tự do (1960) của ông đã được giới khoa học nhất trí thừa nhận là một công trình kinh điển. Trở về châu Âu vào năm 1962, ông tiếp tục giảng dạy ở Đại học Tổng hợp Phreiburg. Trong những năm này, ông viết các tác phẩm Các bút ký về triết học, chính trị và kinh tế (1967); Những bút ký mới về triết học, chính trị và kinh tế (1978). Tác phẩm đáng kể hơn cả là Luật pháp, lập pháp và tự do gồm ba tập: Các quy tắc và trật tự (1973); Ảo ảnh công bằng xã hội (1976); Chế độ chính trị của những người tự do (1979).   
    Năm 1974, Friedrich Hayek được trao tặng giải thưởng Nôben. Tác phẩm cuối cùng Sự quá tự tin tai hại. Những sai lầm của chủ nghĩa xã hội được ông viết vào năm 1988 – khi Cải tổ ở Liên Xô đang lâm vào bế tắc và ở nhiều nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu bắt đầu có những dấu hiệu thay đổi chế độ. Ông củng cố quan điểm tiến hóa luận của mình về sự phát triển xã hội bằng sự phân tích căn bản những sai lầm phương pháp luận của cái gọi là chủ nghĩa duy lý kiến thiết. Sau khi đã chứng kiến những thay đổi hết sức lớn lao trong suốt thế kỷ XX, ông đã qua đời vào ngày 23/3/1992 tại Phreiburg. Như vậy, mặc dù sinh ra ở Áo, nhưng chỉ có những năm thơ ấu và vài năm học đại học, Hayek sống ở Áo.
    Là học trò của các nhà kinh tế học nổi tiếng người Áo, như Vizera và Mizes, Hayek xứng đáng là người kế tục tư tưởng tự do của họ và thực sự đã là một trong những nhà lãnh đạo thế hệ thứ tư trường phái kinh tế học Áo vốn nổi tiếng với chủ nghĩa tự do, như một đặc trưng của tư tưởng triết học Hayek.
    1. Về hành động có ý thức với tư cách dữ kiện của khoa học xã hội
    Trong tác phẩm Sự lạm dụng lý tính, Hayek đã khảo sát những tư tưởng xô đẩy người ta đến hành động. Theo ông, cần phải phân biệt một cách thận trọng những suy đoán và ý kiến có nguyên nhân, trước hết là với những suy đoán và ý kiến tư biện do bị áp đặt từ bên ngoài. Các động cơ hay tư tưởng kiến thiết đã buộc người ta sản xuất, bán và mua hàng hóa. Có thể gọi những khái niệm được khái quát nên để hiểu những hiện tượng tập thể, như “xã hội”, “hệ thống kinh tế”, “chủ nghĩa tư bản”, “chủ nghĩa đế quốc” là những tư tưởng tư biện do áp đặt từ ngoài. Nhà khoa học cần phải đẩy xa không phải khỏi những khái niệm trừu tượng, mà khỏi những tư tưởng thôi thúc người ta hành động. Chính các niềm tin-hành động là những dữ kiện thực tế của các khoa học xã hội. Khác với nhà tâm lý học, nhà xã hội học không quan tâm đến những hành động có ý thức, chẳng hạn như, vì sao mà ai đó sản xuất hàng hóa xác định. Xã hội học cần phải hiểu những hành động không ý hướng, phức tạp hơn. Trong khi đó, với chủ nghĩa tập thể thì phương pháp luận là khảo sát tất cả thông qua lăng kính của các khái niệm, như giai cấp, xã hội, dân tộc, kinh tế, chủ nghĩa tư bản. Sai lầm của nó là ở chỗ, nó gọi là dữ kiện cái mà trên thực tế là lý thuyết, giả thuyết hay những định kiến được lan truyền. Chủ nghĩa tập thể là một trong những biến thể của chủ nghĩa duy thực ngây thơ; bởi lẽ, nó đã coi cái mà trên thực tế và về thực chất chỉ là những kết cấu xúc cảm là khách thể hiện thực. Tính phi phê phán của nó là ở thói quen đi tìm sau các khái niệm khác nhau những khách thể dường như ẩn nấp sau chúng.
    2. Sai lầm của chủ nghĩa kiến thiết
    Nên nhớ rằng, Bernard Mandevil (1670 - 1733), trong Bài ngụ ngôn về những con ong, đã cho rằng đôi khi từ những thói xấu của các cá nhân đầy nghịch lý lại sản sinh ra lợi ích xã hội, tức là những hành động có ý thức (những hành vi mang tính ý hướng) của họ lại mang đến những kết quả phi ý hướng đầy bất ngờ. Theo Hayek, phát hiện quan trọng đó đã chỉ ra mức độ nguy hiểm của những tranh giành giả hợp lý nhằm đưa ra những dự báo và những kế hoạch xã hội hoành tráng.  Quan niệm coi con người vốn tự tạo ra các thiết chế xã hội nên cũng có khả năng thay đổi chúng theo ý thích của mình luôn ẩn chứa trong đó một sự quyến rũ gắn với sự đánh giá thấp sức mạnh của riêng mình. Chúng tôi cho rằng, trong xã hội có những quy luật mà con người không thể thay đổi được sự tác động của chúng, nhưng dựa vào chúng, con người có thể dần thay đổi các thiết chế xã hội.
    Đúng là, các sự kiện xã hội luôn là sản phẩm hành động của con người. Tuy nhiên, cũng rất đúng là, các hành động đó còn xa mới luôn được sinh ra từ những dự án được lập ra một cách có ý thức. Chúng ta cần phải đồng ý rằng, những người theo chủ thuyết Đêcáctơ, cũng như các nhà Khai sáng và thực chứng đều là những nhà kiến thiết luận; và họ không chỉ sử dụng lý tính, mà còn nhiều khi lạm dụng nó. Hayek đã phê phán cả thầy mình là Gans Kenzen đã coi pháp quyền là “một kết cấu bất định nhằm phục vụ những mục đích hoàn toàn xác định”. Chủ nghĩa kiến thiết, giống như một thứ bệnh truyền nhiễm, đã làm thương tổn nhiều môn khoa học và các trào lưu tư tưởng, mà ví dụ rõ nhất trong số đó là chủ nghĩa xã hội.
    Theo Hayek, nhiệm vụ chủ yếu của các khoa học xã hội là phân tích những hậu quả không ý thức được từ những hành vi tự giác của con người. Khi có những mục đích tự giác, và dự án rốt cuộc được thực hiện, thì không còn vấn đề gì cho khoa học nữa. Con người chỉ bị đặt trước những vấn đề khoa học nghiêm túc đòi hỏi phải giải quyết, khi xuất hiện kiểu trật tự (hoặc mất trật tự) mà không ai đạt tới nó một cách có ý thức.
    3. Vì sao bất kỳ sự kế hoạch hóa tập trung nào cũng đều có khuyết tật
    Theo Hayek, ngay từ đầu, tư tưởng xã hội chủ nghĩa đã bị nhiễm nặng phong cách kiến thiết luận. Kế hoạch hóa là một trong những hệ quả rõ nhất của chủ nghĩa duy lý duy khoa học (cực đoan). Nhưng, liệu có thể tính hết các tập hợp gần như vô hạn dữ kiện lý luận và thực tiễn, các bối cảnh thời điểm và địa điểm, khi vạch kế hoạch cho tương lai? Trong tác phẩm Sự sử dụng mang tính xã hội của xã hội, Hayek viết: “Người thợ máy, người chủ phương tiện giao thông, người bán hàng, nhân viên bất động sản, tất cả các chức năng của họ - đều dựa trên tri thức về những hoàn cảnh gắn liền với thời điểm đang biến mất, mà những người khác không hay biết gì về chúng”(1).
    Rõ ràng là, để ra quyết định đúng đắn, tất yếu phải biết tình huống. Điều đó có nghĩa là, việc xác định những mục tiêu cuối cùng phải thuộc về người nắm được sự thay đổi của tình huống. Và, chỉ trong các điều kiện của nền kinh tế phi tập trung hóa, người ta mới có thể sử dụng tốt nhất những hiểu biết cụ thể của từng người trong số triệu triệu người. Chỉ có trong điều kiện tri thức phân tán, chứ không phải là tập trung, thì giá cả mới có thể phối hợp một cách hiện thực những nỗ lực của hàng triệu con người bị phân tán. Vì thế, giá cả đã và mãi sẽ còn là cơ chế thu nhận hiệu quả nhất nguồn thông tin đáng quan tâm: đòi hỏi loại sản phẩm nào, những nguyên liệu nào đã cạn kiệt, phương tiện sản xuất nào kinh tế nhất,...
    Hơn thế nữa, nếu việc giải quyết vấn đề phụ thuộc vào sự sử dụng tốt nhất tri thức, thì điều đó có nghĩa là, chúng ta có thể thử phương thức bất kỳ từ số vô hạn những phương thức tạo ra sản phẩm để chọn ra phương thức tốt nhất. Hayek nhấn mạnh, từ đó suy ra, chính cạnh tranh đã mở ra trong thế giới khoa học, sản xuất và kinh doanh con đường dẫn đến cái mới.
    Bây giờ, chúng ta thấy rằng, tự do sinh ra từ sự vô học của chính chúng ta. Trong Xã hội tự do, Hayek viết: Tri thức phải được phân phối cho hàng triệu con người. Mỗi người chúng ta biết không nhiều, song việc giải quyết vấn đề lại đòi hỏi nhiều ý tưởng và sự kiểm tra có phê phán từng ý tưởng một. Do vậy, từng người tự do sử dụng những tri thức của mình, những năng lực sáng tạo và phê phán, và hãy chuẩn bị sẵn sàng phê phán và hợp tác với những người khác. “Tự do là cái tối cần thiết để dành chỗ cho cái không thấy và không dự báo được trước, chúng ta cần tự do, bởi chính từ nó mới sinh ra các khả năng đạt tới nhiều mục đích của chúng ta”(2).
    4. Ai nắm phương tiện, kẻ đó quyết định mục đích
    Tự do của chúng ta dựa trên sự thiếu tri thức. “Cho dù con người có biết hết mọi thứ, thì cũng chưa chắc đã nói được gì có lợi cho tự do”(3). Trên thực tế, đường về nô lệ rải đầy quả cây kiêu ngạo của lý tính – các kế hoạch, các nghị quyết, các ủy ban. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo - những người xã hội chủ nghĩa không thường xuyên nhớ đến những câu ngạn ngữ dân gian, như những ý định tốt đẹp đều dẫn đến địa ngục. Họ không muốn tính đến dữ kiện, con người không phải là chủ nhân số phận của mình và không bao giờ có thể trở thành như vậy.
    Các nhà xã hội chủ nghĩa cấm sở hữu tư nhân, chuyển giao mọi tư liệu sản xuất vào tay một số, thậm chí một người cầm quyền. Nhưng, như Hayek đã viết trong Đường về nô lệ, vì sự kiểm soát kinh tế không đơn giản là sự kiểm soát khu vực đời sống xã hội riêng rẽ. Đó là sự kiểm soát các phương tiện để đạt được tất cả các mục đích của chúng ta. Từ đó, Hayek kết luận: Mọi hình thức kiểm soát kinh tế luôn được lan tỏa như là quyền lực trên các mục đích. Viết cuốn sách này vào lúc chiến tranh thế giới lần thứ hai đang diễn ra ác liệt ở châu Âu, Hayek đã cùng lúc nhắm (đạt) tới ba mục đích: chống lại nền kinh tế tập trung quan liêu ở Liên Xô xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế quân sự hóa cao độ ở nước Đức Hitler và biện minh cho chủ nghĩa tư bản tự do hóa Anh – Mỹ.
    5. Chống lại việc pha trộn luật pháp với lập pháp
    Vậy, liệu có thể bảo vệ tự do của con người được không? Hayek trả lời là có thể, nếu chúng ta chia tay thói kiêu ngạo kiến thiết luận và học lấy cách phân tách các chuẩn mực (luật pháp) trừu tượng với những mệnh lệnh - chỉ huy đặc thù. Các luật pháp với tư cách những chuẩn mực trừu tượng ghi dấu những ranh giới mà trong đó, mỗi người chúng ta đều có một lĩnh vực tính tích cực tự do chắc chắn. Luật pháp với tư cách bộ quy tắc hành xử cũng giống như ngôn từ hay tiền tệ, xuất hiện một cách gián đoạn. Các quy tắc đó không được ai thiết kế, vì thế mà luật pháp như là sự chỉ huy không hướng đến các cá nhân, không biểu thị những mục đích cụ thể. Luật pháp được biết từ trước và được xác định cho tất cả, không trừ một ai. Các luật đều có tính chất phổ biến trừu tượng. Có thể dẫn ra làm ví dụ 3 quy luật của Hium: tính ổn định của sở hữu, sự chuyển giao các quyền theo thỏa ước cùng nhau và thực hiện không chậm chễ thỏa thuận. Những mệnh lệnh đặc thù cấu thành tình trạng luật pháp đều có tính chất hành chính, được thông qua bởi đa số trong nghị viện và hướng đến thỏa mãn những lợi ích riêng.
    Việc lẫn lộn (hòa trộn) các luật với những thiết định lập pháp không đơn giản chỉ là sai lầm. Nơi nào mà quyền lực của các nghị viên không bị giới hạn bằng bất kỳ cái gì và mỗi người hiểu công bằng xã hội theo cách của mình, thì tự do sẽ bị đe dọa. Hayek viết: “Phần lớn mọi người thay đổi luật pháp mà không có bất kỳ ý tưởng nào hơn. Từ luật pháp phổ quát, họ biến thành chuẩn mực tạm thời nhân danh công bằng xã hội nhằm phục vụ cho những lợi ích cá nhân! Công bằng xã hội biến thành chiếc gậy cổ tích thần kỳ: Không ai biết công bằng là gì, ở đâu! Mọi nhóm đều cho mình cái quyền đòi ở chính phủ những đặc lợi riêng. Trong hiện thực, đằng sau ngôn từ “công bằng xã hội” cũng chỉ có những hạt giống hy vọng sự hào phóng của các nhà lập pháp làm lợi cho những nhóm nhất định được gieo vào ý thức các cử tri. Các nhà chính trị làm điều đó càng hữu ý khi sự phân phối đặc quyền càng tương ứng hơn với số phiếu bầu cho họ”(4).
    Không ngạc nhiên là, niềm tin vào những lý tưởng dân chủ đang chết dần, chết mòn. Nền dân chủ thoái hóa thành chuyên chính của số đông và thành sự toàn quyền của những kẻ ban hành những mệnh lệnh ngày càng mới. Thế nhưng, “chủ quyền của luật pháp và chủ quyền của nghị viện vô biên vẫn còn mãi là những thứ không đội trời chung”. Để tuân thủ khoảng cách giữa trật tự gián đoạn của luật pháp với trật tự được xác lập bởi tình hình lập pháp, Hayek đề xuất tư tưởng về hai thể chế hiến pháp – hội lập pháp (bảo vệ tự do của các cá nhân, nó được phép thay đổi chỉ khi thật cần thiết phải có những chuẩn mực trừu tượng) và quyền lực hành pháp – nghị viện được dân chúng bầu lại theo chu kỳ.
    6. Chủ nghĩa tự do và việc bảo vệ những người yếu thế
    Những lập luận nêu trên về lôgíc của thị trường và công bằng xã hội thật thú vị để biết Hayek đã suy tư gì về lập trường của nhà nước trong vấn đề an sinh xã hội đối với nhóm người yếu thế. Ông chống lại độc quyền nhà nước trong các lĩnh vực tài chính, trường học và giáo dục, phát thanh, truyền hình và bưu chính. Ông viết trong Luật pháp, lập pháp và tự do rằng, trong một xã hội phát triển, nhà nước cần phải sử dụng quyền lực để hỗ trợ cho những lĩnh vực và khu vực dịch vụ mà do những nguyên nhân khác nhau, không thể được đảm bảo bởi cơ chế thị trường: các đơn vị tiêu chuẩn, bản đồ, thống kê, kiểm soát chất lượng các hàng hóa và dịch vụ được cung cấp, đường xá...(5).
    Các cơ quan nhà nước cần chú ý đến các phương tiện đảm bảo sự tôn trọng và thực thi pháp luật, quan hệ quốc tế, bảo vệ trước kẻ thù ngoại bang, đấu tranh với thiên tai và còn nhiều việc khác nữa. Đồng thời, không thể không ghi nhận tầm quan trọng đặc biệt trong nhận xét đó của Hayek - trong vùng mạo hiểm còn có vô số người mà sự cần thiết phải giúp đỡ họ mới chỉ được thừa nhận cách đây không lâu. Những bất hạnh của họ là kết quả của sự tan rã những mối liên hệ xã hội địa phương trong quá trình hình thành xã hội mở và năng động. Trẻ em, người già, người tàn tật, bệnh nhân, cô nhi, quả phụ do đặc tính dễ bị tổn thương của mình mà không thể vượt qua những điều kiện khắc nghiệt của thị trường. Vì thế, nhà nước khi đã đạt tới một trình độ phồn vinh nhất định phải có trách nhiệm giúp đỡ họ.(4)
    Xã hội có khả năng trợ giúp, một khi nó đủ giàu có, chứ không phải vì cơ chế thị trường đòi hỏi sự chỉnh trang lại. Đảm bảo đời sống tối thiểu xứng đáng cho tất cả và cho từng người ở mức mà thấp hơn nữa là không được phép – đó không chỉ là sự bảo vệ hợp pháp tuyệt đối nhằm chống lại sự mạo hiểm mà tất cả đều có thể rơi vào, mà còn là nhiệm vụ của toàn thể cộng đồng, nơi không ai được phép giải quyết những vấn đề của mình trên sự đau khổ, bất hạnh của nhóm người yếu thế và không được bảo vệ. Hayek khép lại tư tưởng của mình rằng, trên thực tế, hệ thống nào mà từ chối giải quyết nhiệm vụ bảo hiểm và an sinh xã hội thì sớm muộn gì, cũng sinh ra sự bất bình và phản ứng của dân cư, và những ai mà ngay từ đầu, đã tận hưởng những phúc lợi chung thì khi bệnh tật hay già yếu, tất sẽ rơi vào cảnh bần hàn, trắng tay.
    Cùng với đó, Hayek viết rằng, “chủ nghĩa xã hội đã tập nhiễm cho nhiều người một thói quen là có thể đưa ra các quyền không phụ thuộc vào vai trò của mình, cũng như sự tham gia của mình vào việc duy trì hệ thống. Về bản chất, những người xã hội chủ nghĩa, nếu liếc nhìn từ giác độ các chuẩn mực đạo đức, đã tạo ra trật tự văn minh mở rộng, đã kích thích người ta vi phạm pháp luật.
    Những người luôn yêu sách theo cái cớ về “sự tha hóa” của mình với cái mà hẳn là họ cũng không có hình dung đúng đắn là gì, những người thích sống như những kẻ đói khát, lười biếng và sống nhờ thành quả của quá trình mà họ không cách nào góp sức - đó là những kẻ đích thực về phe với lời kêu gọi của Russo quay trở về với thiên nhiên. Họ tuyên bố nguồn gốc chủ yếu của cái ác là những thiết chế đã làm cho sự hình thành trật tự tương tác con người thành có thể.             
    Tôi không nghi ngờ gì về quyền của con người bất kỳ tự nguyện rời bỏ nền văn minh. Nhưng, những người đó “có quyền” gì chứ? Chúng ta có cần phải tài trợ cho sự ẩn dật của họ hay không? Không ai có đủ cơ sở để đòi được không tuân thủ những quy tắc vốn đã là chỗ dựa cho nền văn minh. Chúng ta có thể giúp đỡ những người yếu thế và không mạnh mẽ, trẻ em và người già, nhưng với một điều kiện: những người trưởng thành có lý trí cần phải tuân thủ kỷ luật phi cá tính – cái vốn mang lại cho chúng ta khả năng như thế.
    Hoàn toàn là không đúng, khi cho những sai lầm như thế là cố hữu ở giới trẻ. Trẻ em được sinh ra bởi những người cha – những trí tuệ điển hình tuyên truyền từ các bộ môn tâm lý học và xã hội học giáo dục (vốn đào tạo ra chúng), - mà những tuyên truyền đó là những bản sao nhạt nhòa từ các học thuyết của Russo và Mác, Freud và Kenis – những học thuyết đã thẩm thấu qua trí tuệ những người có lòng mong muốn dài rộng hơn nhiều so với sự hiểu biết”(6).
    Nhìn lại diễn biến chính trị thế giới vài thập kỷ gần đây có thể thấy, những môn đồ hiện tại của chủ nghĩa tự do cổ điển thường đưa ra luận điểm bảo vệ nhà nước tối thiểu (minimal government) dựa trên một nền tảng đạo đức tối thiểu. Ví dụ, tính hợp lý của chính phủ tối thiểu được chứng minh thông qua sự thịnh vượng mà các nền kinh tế đạt được khi không bị chính phủ can thiệp. Lập luận này xuất phát từ ý tưởng của Adam Smith và phần nào cũng được thể hiện trong quan điểm của Hayek. Tuy nhiên, khác với họ, về cơ bản, Hayek lại có khuynh hướng cho rằng, chủ nghĩa tự do chính trị dựa trên chủ nghĩa bảo thủ về văn hóa. Do vậy, chủ nghĩa tự do của Hayek thường thiên về bảo vệ nhà nước tối thiểu bằng cách chỉ ra tính chất xấu xa của bộ máy nhà nước trong việc cưỡng bức và sự tương phản rõ rệt của những tác động tiêu cực, nếu chỉ sử dụng đàn áp và sức mạnh bạo lực. Từ đó, ông đã luận chứng và tuyên truyền mạnh mẽ cho những tác động tích cực từ sự hợp tác tự nguyện.
    (*) Phó giáo sư, tiến sĩ, Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
    ([1]) Dẫn theo: G.Reale./D.Antiseri. Triết học phương Tây từ cội nguồn đến ngày nay (gồm 4 tập), t.4. Nxb Petropolic, Xanh Peterburg, 1997, tr.609 (tiếng Nga).
    (2) Dẫn theo: G.Reale./D.Antiseri. Sđd., tr.610.
    (3) Dẫn theo: G.Reale./D.Antiseri. Sđd., tr.610.
    (4) Dẫn theo: G.Reale./D.Antiseri. Sđd., tr.611.
    (5) Dẫn theo: G.Reale./D.Antiseri. Sđd., tr.612.
    (6) F.A.Hayek. Sự quá tự tin tai hại. Nxb Tin tức, Mátxcơva, 1992, tr.259 – 260 (tiếng Nga).
    Nguồn:http://vientriethoc.vass.gov.vn/UserControls/News/pFormPrint.aspxUrlListProcess=/noidung/Tapchi/Lists/tapchisomoi&ListId=01f18e69-9b8d-41eb-a9d0-183bd4a6f1ad&SiteId=0deeff8f-095a-47bd-9a59-bfcd40a24a5b&ItemID=92&SiteRootID=d94512ba-2c5f-44a6-b326-332267239747
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org