Đôi nét về Hệ thống chính trị Việt Nam

Posted on
  • Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2018
  • by
  • Nặc danh
  • in
  • Nhãn:
  • Minh Anh
    1. Hiến pháp Việt nam 2013
    Hệ thống chính trị hiện nay của Việt nam dựa trên Hiến pháp 2013, gồm 11 chương và 120 điều. Về tổng thể, hiến pháp chứa đựng sự pha trộn khá mâu thuẫn giữa chủ nghĩa hợp hiến tự do với các nguyên tắc chủ nghĩa xã hội. Các đổi mới theo khuynh hướng tự do bao gồm việc nhấn mạnh hơn vào việc giới hạn quyền lực nhà nước và bảo vệ các quyền tự do của người dân. Trong khi đó, chủ nghĩa Marx – Lenin, sở hữu chung, vốn là những di sản của chủ nghĩa xã hội, vẫn có ảnh hưởng lớn.
    Các cơ quan chính của nhà nước theo Hiến pháp 2013 bao gồm quốc hội, chủ tịch nước, chính phủ, toà án nhân dân và viện kiểm sát nhân dân, chính quyền địa phương.

    2. Chủ tịch nước
    Chủ tịch nước là người đứng đầu nhà nước, đại diện cho Việt Nam trong các vấn đề đối nội và đối ngoại. Chủ tịch nước được bầu từ một trong các thành viên quốc hội với nhiệm kì 5 năm. Trong khi không có quy định giới hạn về nhiệm kì theo hiến pháp, song trong thực tế, chủ tịch nước phục vụ tối đa hai nhiệm kì liên tục.
    Chủ tịch nước là tổng tư lệnh quân đội, và chủ tịch hội đồng quốc phòng và an ninh quốc gia. Chủ tịch nước có thể ban bố luật và sắc lệnh, tuyên bố ân xá, tuyên bố tình trạng khẩn cấp, hay chiến tranh. Chủ tịch nước cũng có quyền đề nghị Quốc hội bầu chọn, hoặc sa thải phó chủ tịch nước, thủ tướng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm soát nhân dân tối cao.

    3. Lập pháp
    Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, và là cơ quan nhà nước quyền lực cao nhất. Quốc hội chỉ có một viện, nhiệm kì là 5 năm, và mỗi năm họp hai lần. Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp, ngoài ra, nó còn có quyền bầu chọn, hoặc miễn nhiệm tịch nước nước, thủ tướng, chủ tịch quốc hội và các chức danh quan trọng khác của nhà nước.
    Trong trường hợp Quốc hội không họp thì Ủy ban thường vụ Quốc hội hành động đại diện cho nó. Ủy ban này bao gồm chủ tịch, phó chủ tịch và người đứng các ủy ban trong Quốc hội. Đây là cơ quan quyền lực, kiểm soát nghị trình hoạt động của Quốc hội, và có thể ban hành các pháp lệnh trong những lĩnh vực mà Quốc hội ủy quyền, thực thi giám sát và kiểm soát đối với các hoạt động của chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm soát nhân dân tối cao trong thời gian giữa các kì họp của Quốc hội.

    4. Hành pháp
    Chính phủ là cơ quan hành pháp của Quốc hội, bao gồm thủ tướng, phó thủ tướng, bộ trưởng, và các quan chức cao cấp khác. Ngoại trừ thủ tướng, các thành viên khác không nhất thiết phải là thành viên của Quốc hội.
    Thủ tướng đứng đầu chính phủ, do quốc hội bầu ra, và chịu trách nhiệm trước quốc hội. Thủ tướng có quyền điều hành hoạt động của chính phủ, đề cử các bộ trưởng, và bổ nhiệm chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương.
    Nhiệm kỳ của chính phủ tương tự với nhiệm kì của quốc hội, tức 5 năm. Khi Quốc hội kết thúc nhiệm kì của mình, thì chính phủ vẫn hoạt động cho đến khi Quốc hội mới thiết lập một chính phủ mới. Theo hiến pháp, chính phủ hay các thành viên nội các có thể bị Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm theo đề nghị của Ủy ban thường trực Quốc hội.

    5. Tư pháp
    Đứng đầu hệ thống tư pháp của Việt nam bao gồm Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm soát nhân dân tối cao. Ngoài ra còn các tòa án cấp thấp khác như tòa án nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương; tòa án nhân dân huyện và thành phố trực thuộc tỉnh; và tòa án quân sự. Trong hoàn cảnh đặc biệt, thì Quốc hội có thể thành lập các tòa án đặc biệt.
    Ở Việt Nam không có toàn án hiến pháp. Quyền giải thích hiến pháp, luật, hay sắc lệnh thuộc về Ủy ban thường trực Quốc hội. Tòa án nhân dân tối cao không có quyền tuyên bố một đạo luật hay hành động của Quốc hội là vi hiến.

    6. Chính quyền địa phương
    Về mặt hành chính, Việt nam theo mô hình đơn nhất, chia thành 58 tỉnh và 5 thành phố trực thuộc trung ương.
    -       Tỉnh chia thành huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh; thành phố trực thuộc trung ương chia thành quận, huyện, thị xã và đơn vị hành chính tương đương.
    -       Huyện chia thành xã, thị trấn; thị xã và thành phố thuộc tỉnh chia thành phường và xã; quận chia thành phường.
    Việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến Nhân dân địa phương và theo trình tự, thủ tục do luật định.
    Tất cả các cấp chính quyền đều được tổ chức gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.
    -       Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, là cơ quan đại diện cho dân, do dần bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân và cơ quan nhà nước cấp trên.
    -       Ủy ban nhân dân là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính của nhà nước tại địa phương, do Hội đồng nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân cùng cấp và cơ quan nhà nước cấp trên.
    Các Hội đồng nhân dân địa phương được bầu chọn với nhiệm kì 5 năm, có thể đưa ra các quyết định trong các lĩnh vực mà chính quyền quốc gia ủy nhiệm, song không có quyền lập pháp.

    7. Đảng cộng sản
    Theo Hiến pháp 2013, Đảng cộng sản vẫn được xem “đội tiên phong của giai cấp công nhân” và dân tộc Việt nam, và là đại diện hợp pháp cho các lợi ích của Việt nam. Và lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến, Hiến pháp 2013 quy định rõ Quân đội và An ninh Việt nam phải trung thành đối với Đảng cộng sản.
    Đảng cộng sản Việt nam, được mô phỏng theo Đảng cộng sản Liên xô, hoạt động theo các nguyên tắc căn bản như tập trung dân chủ, lãnh đạo tập thể. Hiện đảng có khoảng 3,6 triệu đảng viên, với các cơ quan quan trọng như Đại hội Đại biểu Toàn quốc, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong đó Tổng bí thư là lãnh đạo Đảng, còn Bộ chính trị là cơ quan có quyền lực thực tế cao nhất.
    Các cơ sở đảng hiện diện khắp nơi, bao gồm nhà nước, các doanh nghiệp quốc danh, và quân đội. Thông qua các mạng lưới tổ chức của mình trong mọi cấp chính quyền, cùng với Mặt trận tổ quốc, đảng kiểm soát toàn bộ đường hướng và tiến trình chính trị. Kết quả là, dù quốc hội là cơ quan nhà nước cao nhất, song trong thực tế nó chủ yếu phục vụ như một công cụ hợp pháp hóa sự lãnh đạo của đảng.

    8. Nhận xét
    Nhìn chung, tổ chức nhà nước Việt nam không tuân theo nguyên tắc đa đảng, phân chia và kiểm soát quyền lực như trong các nền dân chủ tự do. Thay vào đó, với một hệ thống độc đảng, quyền lực nhà nước hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát của Đảng cộng sản, Việt Nam thường được xếp vào dạng chế độ độc tài độc đảng.
    Tuy nhiên, từ cấu trúc của mình, Đảng tạo nên một tam giác quyền lực giữa ba vị trí tổng bí thư, thủ tướng, và chủ tịch nước. Sự cân bằng quyền lực giữa ba vị trí này – vốn chưa bao giờ hợp nhất vào một người - tạo ra một hệ thống lãnh đạo và chịu trách nhiệm tập thể, nhưng cũng khiến cho quá trình ra quyết định bị chậm (không giống như hệ thống của Trung Quốc, nơi chủ tịch nước và tổng bí thư do một người nắm giữ).
    Ngoài ra, một điểm quan trọng khác trong hệ thống Việt Nam là địa vị của Quốc hội ngày một gia tăng. Trong khi chính phủ và đảng vẫn chi phối tiến trình chính trị, Quốc hội đã và đang khẳng định quyền lực của mình thông qua phủ quyết một số quyết định của Bộ chính trị, chính phủ như đối với dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam.
    Tuy nhiên, dù vai trò ngày càng tăng của Quốc hội như một cơ quan đại diện của dân, nó vẫn không đi ra khỏi quỹ đạo của hệ thống trong đó Đảng chi phối. Cả quốc hội lẫn chính phủ vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Đảng. Các chính sách quan trọng không được thảo luận công khai, và trong hầu hết trường hợp chúng đã được Bộ chính trị quyết định trước.
    Nhìn chung những sự phát triển trên cho thấy, hệ thống chính trị Việt nam chứa đựng những sự xung đột, giữa một bên là sự độc đảng của Đảng cộng sản, và một bên là một xã hội ngày càng hiện đại với đòi hỏi lớn hơn về tính đại diện của chính phủ và quốc hội cho lợi ích của người dân. Những xung đột này chắc chắn sẽ đưa đến những bất ổn trong tương lai, nếu Việt nam không cải cách hệ thống chính trị của mình cho phù hợp với những sự phát triển mới và xu thế tiến bộ của thời đại.
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org