Thiết kế hiến pháp

Posted on
  • Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2018
  • by
  • Nặc danh
  • in
  • Nhãn:
  • Minh Anh
    I. Tổng quan
    Ở Việt Nam, khi nói đến hiến pháp, người ta thường nhắc đến nguyên tắc tam quyền phân lập, tuy nhiên, đây chỉ là một trong nhiều nguyên tắc/thiết chế mà các nhà lập hiến cần phải cân nhắc khi thiết kế một bản hiến pháp cho quốc gia.
    Trong lý thuyết thiết kế hiến pháp, người ta chia thành hai mô hình chính, đó là MÔ HÌNH ĐA SỐ = tập trung quyền lực, và MÔ HÌNH ĐỒNG THUẬN = phân tán quyền lực.
    Một trong những mục tiêu của dân chủ là TÍNH ĐẠI DIỆN/HAY BAO HÀM, tức là:
    -       Có nhiều nhóm có chân trong chính quyền (đi cùng với nó là các hình thức chính phủ liên minh).
    -       Mỗi nhóm có tiếng nói nhất định, tương đương với số lượng phiếu/hay số ghế mà họ có. 
    Một hệ thống được thiết kế để theo đuổi mục tiêu trên dẫn đến một sự phân tán quyền lực rộng rãi, và sự vận hành chính quyền đòi hỏi sự đồng thuận của rất nhiều lực lượng khác nhau có chân trong chính quyền.
    Một mục tiêu khác của dân chủ là ĐỊNH DANH VÀ HIỆU NĂNG QUẢN TRỊ, tức là:
    -       Khả năng cho phép cử tri xác định ai sẽ và đang nắm chính phủ một cách rõ ràng (chính phủ một đảng), qua đó quy trách nhiệm cho họ.
    -       Khả năng chính phủ có thể dễ dàng trong việc ban hành và thực thi các chính sách.
    Một hệ thống được thiết kế để theo đuổi mục tiêu trên đòi hỏi phải tập trung quyền lực vào một người hoặc một đảng nào đó.
    Trong thực tế, hai mục tiêu trên không đi cùng với nhau:
    -       Nếu càng có nhiều lực lượng tham gia vào chính quyền (qua đó tạo ra sự công bằng bởi mọi nhóm đều có tiếng nói), thì sẽ dẫn đến việc ban hành và thực thi chính sách chậm, và thường dễ rơi vào bế tắc khi các bên không thể đồng thuận với nhau. 
    -       Nếu một lực lượng nào chiếm đa số, quyền lực hoàn toàn nằm trong tay lực lượng đó, thì việc ban hành và thực thi chính sách dễ dàng hơn, bởi nó không cần thảo luận/hay thương lượng với ai. Tuy nhiên, điều này khiến cho các nhóm khác mất đi tiếng nói (cùng với đó là cảm giác về sự bất công), cũng như nguy cơ quyền lợi của các nhóm thiểu số có thể bị vi phạm dễ dàng.
    Tùy theo điều kiện hoàn cảnh lịch sử của từng nước mà khi thiết kế hiến pháp các nhà lập hiến cân nhắc dung hòa hai mục tiêu trên. Và để làm như vậy, họ không chỉ dựa vào nguyên tắc tam quyền phân lập như đề cập ở trên, mà còn dựa vào nhiều nguyên tắc/thiết chế khác nữa. Bảng bên dưới là các thiết chế tương ứng với hệ thống đa số và đồng thuận.
    Nhìn chung, các nguyên tắc/thiết chế trên có mối liên hệ với nhau:
    1. Hệ thống bầu cử, hệ thống đảng và dạng chính phủ
    -       Ba thiết chế tự động liên hệ với nhau, bởi khi lựa chọn hệ thống bầu cử - đa số hay tỉ lệ - đồng nghĩa với việc lựa chọn hệ thống đảng và dạng chính phủ. 
    -       Các nước với hệ thống bầu cử đa số, thì có hệ thống hai đảng và chính phủ đa số một đảng.
    -       Các nước với hệ thống bầu cử tỉ lệ, thì có hệ thống đa đảng và chính phủ liên minh hoặc chính phủ thiểu số.
    2. Phân quyền theo chiều dọc (liên bang), quốc hội (hai viện) và chủ nghĩa hợp hiến
    -       Tương tự như vậy, ba thiết chế này có liên với nhau. Khi thiết kế một hệ thống liên bang, thì để bảo vệ về mặt hiến pháp đối với sự tản quyền này, cần tạo ra một thiết chế tòa án hiến pháp với thẩm quyền trừng phạt các hành vi vi phạm trật tự hiến pháp liên bang. 
    -       Tuy nhiên, liệu một mình tòa án hiến pháp có đủ khả năng để bảo hệ thống thống liên bang, nếu đa số trong quốc hội có thể sửa đổi hiến pháp để chuyển sang hệ thống đơn nhất. Để ngăn chặn điều này, giải pháp là một quốc hội lưỡng viện, trong đó thượng viện được thiết kế để bảo vệ lợi ích cho bang và khu vực. 
    -       Do đó, các nhà thiết kế hiến pháp muốn tản quyền thì thường chọn áp dụng ba thiết chế này đồng thời.
    3. Hệ thống tổng thống thuộc dạng đồng thuận bởi vì quyền lực được phân tán cho hai nhánh hành pháp và lập pháp. Trong khi đó, hệ thống đại nghị thuộc dạng đa số bởi vì quyền lực tập trung vào nhánh hành pháp vốn kiểm soát đa số trong quốc hội. Trong hệ thống bán tổng thống, đồng thuận hay đa số sẽ phụ thuộc vào việc có tình trạng chung sống hay không? Nếu có tình trạng chung sống, tức quyền lực được phân chia giữa tổng thống và thủ tướng, thì thuộc dạng đồng thuận. Còn nếu không có tình trạng chung sống trên, quyền lực tập trung vào tay tổng thống (thủ tướng lúc này cùng đảng tổng thống), thì thuộc dạng đa số.
    4. Mô hình nghiệp đoàn, trong đó các nhóm lợi ích trong các lĩnh vực kinh doanh, nông nghiệp, lao động được tham gia chính thức vào quá trình làm chính sách của chính phủ, tạo ra sự phân tán quyền lực (trong việc làm chính sách). Trong khi đó, mô hình đa nguyên, các nhóm lợi ích cạnh trạnh với nhau để ảnh hưởng lên chính sách bên ngoài quá trình làm chính sách (chỉ thông qua các cơ chế vận động hành lang, chứ không có quyền là một bên trong quá trình làm chính sách như trong mô hình nghiệp đoàn), mang lại sự tập trung quyền lực (trong việc làm chính sách).

    II. Bốn mô hình tổ chức chính phủ dân chủ
    Trong các kích thước trên, có hai kích thước quan trọng nhất, đó sự phân quyền theo phương ngang (đại nghị, hay tổng thống) và hệ thống bầu cử (đa số, hay tỉ lệ). Sự kết hợp giữa chúng tạo ra 04 dạng chính phủ dân chủ với mức đồng thuận - đa số khác nhau như hình bên dưới.
    1. Dạng có tính đa số cao nhất là sự kết hợp giữa chế độ đại nghị với hệ thống bầu cử đa số tương đối với đơn vị bầu cử một đại diện.
    -       Một đảng chiếm đa số tuyệt đối (>50% số ghế trong quốc hội) nắm quyền kiểm soát nội các, và sẽ có ít sự kiểm soát đối với quyền lực chính phủ bởi sự trộn lẫn quyền lực giữa hai nhánh hành pháp và lập pháp, đây chính là mô hình chính trị của Anh.
    2. Dạng có tính đa số thấp hơn – bán đa số là sự kết hợp giữa chế độ tổng thống với hệ thống bầu cử đa số tương đối với đơn vị bầu cử một đại diện.
    -       Một đảng kiểm soát nhánh hành pháp, và có thể/không thể kiểm soát quốc hội, đây chính là mô hình chính trị của Mỹ.
    3. Dạng có tính đồng thuận tương đối cao – bán đồng thuận là sự kết hợp chế độ đại nghị với hệ thống bầu cử tỉ lệ, dẫn đến hình thành các chính phủ liên minh (với nhiều đảng cùng cầm quyền).
    -       Hệ thống bầu cử càng mang tính tỉ lệ, thì càng có nhiều đảng có chân trong quốc hội, và chính phủ liên minh sẽ bao gồm nhiều đảng hơn.
    -       Mức độ đồng thuận càng mạnh, thì sự ràng buộc đối với quyền lực càng lớn, đây chính là mô hình chính trị Bỉ.
    4. Mô hình có tính đồng thuận cao nhất (ít tính đa số nhất) là sự kết hợp giữ chế độ tổng thống và hệ thống bầu cử tỉ lệ.
    -       Chế độ tổng thống tập trung quyền lực vào tay tổng thống. Tuy nhiên, sẽ khó cho tổng thống lãnh đạo khi ông không có được sự ủng hộ của đa số trong quốc hội (từ đảng của mình), và vì vậy phải mặc cả. Và nếu quốc hội có quá nhiều đảng (do hệ thống bầu cử tỉ lệ tạo ra), thì không dễ để có được một sự ủng hộ của đa số trong quốc hội, và điều này làm cho nền chính trị dễ rơi vào bế tắc.
    -       Và nếu tổng thống và quốc hội có nhiệm kì cố định, quyền lực kiểm soát lẫn nhau, thì bế tắc này không dễ giải quyết, và điều này có thể dẫn đến khủng hoảng chính trị, đây chính là mô hình chính trị của Brazil, và nhiều nước Mỹ Latin áp dụng hệ thống tổng thống.

    III. Sự sống sót và củng cố của nền dân chủ
    Bên trên chúng ta đã tìm hiểu bốn dạng tổ chức chính phủ dân chủ theo mức độ đa số - đồng thuận. Bây giờ chúng ta xem ảnh hưởng của sự tổ chức như vậy đến sự sống sót của nền dân chủ như thế nào.
    Số liệu cho thấy rằng, hệ thống đại nghị có tuổi thọ cao hơn so với hệ thống tổng thống. Trong số những quốc gia mới độc lập sau Chiến tranh Thế giới II, có 41 nước áp dụng hệ thống đại nghị, 36 nước áp dụng hệ thống tổng thống, và 3 nước áp dụng hệ thống bán tổng thống. Thì cho đến giai đoạn 1979 – 1989, nền dân chủ còn tồn tại 15/41 nước theo hệ thống đại nghị, trong khi đó, các nước theo hệ thống tổng thống và bán tổng thống đều bị sụp đổ trở lại độc tài.
    Câu hỏi đặt ra là tại sao các nền dân chủ tổng thống lại ít ổn định hơn so với các nền dân chủ đại nghị. Lý do đơn giản như sau:
    -       Nếu có bế tắc chính trị xảy ra, thì hệ thống đại nghị có thể giải quyết thông qua việc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ/ hoặc chính phủ có thể giải tán quốc hội kêu gọi bầu cử sớm.
    -       Tuy nhiên, nếu điều này xảy ra trong hệ thống tổng thống, thì không có cách giải quyết. Và vấn đề sẽ trở nên nghiêm trong hơn khi có một quốc hội quá phân mảnh (có quá nhiều đảng, không có đảng nào chiếm nhiều ghế trong quốc hội), dẫn đến bế tắc giữa hành pháp – lập pháp xảy ra thường xuyên hơn, điều này có thể thúc đẩy các lực lượng chính trị tìm kiếm các phương tiện ngoài hiến pháp để giải quyết bế tắc, như đảo chính.
    Nhìn chung, sự kết hợp giữ hệ thống tổng thống và hệ thống bầu cử tỉ lệ (cùng với đó là hệ thống đa đảng trong quốc hội), là một sự kết hợp khó khăn – bởi dẫn đến bế tắc chính trị có thể xảy ra thường xuyên.
    Số liệu cho thấy rằng, tỉ lệ nền dân chủ trở nên củng cố (chuyển từ dân chủ bầu cử sang dân chủ tự do) đối với hệ thống tổng thống với đa đảng (trong quốc hội) là 0,07, trong khi đó, của hệ thống tổng thống với hai đảng lớn (trong quốc hội) là 0,5, và của hệ thống đại nghị 0,57.
    Một lưu ý từ con số trên là, nếu hệ thống tổng thống áp dụng hệ thống bầu cử đa số (dẫn đến hình thành hai đảng lớn trong quốc hội), thì tỉ lệ nên dân chủ đi đến củng cố tương đối cao và gần bằng với các nền dân chủ đại nghị, 05 so với 0,57. Điều này là vì, với hai đảng lớn trong quốc hội, thì xác suất bế tắc chính trị xảy ra giữa hành pháp và lập pháp trong hệ thống tổng thống giảm bớt đi.
    Điều này cũng cho thấy rằng, không phải hệ thống tổng thống là luôn bất ổn, mà nó còn phụ thuộc vào hệ thống bầu cử nữa, và nếu hệ thống tổng thống được thiết kế tốt, nhằm gia tăng tính đa số, giảm bớt khả năng bế tắc, thì khả năng sống sót cũng như đi đến củng cố của nó trở nên không kém so với hệ thống đại nghị.
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org