Nếu Anh được coi
là một mô hình cho sự phát triển của dân chủ ở Châu Âu, thì Pháp cũng như vậy,
song với nhiều sóng gió và bất ổn hơn. Thực vậy, tiến trình chính trị Pháp (hướng
đến dân chủ) trong thế kỉ XIX đan xen giữa các nỗ lực thiết lập dân chủ (như các
cuộc cách mạng 1789, 1836, 1848, 1870) cũng như những sự thụt lùi sau đó trở lại
các hình thức quân chủ hay độc tài. Điều gì giải thích cho sự trắc trở trong tiến
trình đi đến dân chủ này của Pháp (tương phản với tiến trình tương đối ổn định
của Anh)?
Để hiểu được,
chúng ta cần tìm hiểu sự hình thành bản sắc quốc gia Pháp, sự biến đổi xã hội
Pháp trong thời phong kiến, và sự nổi lên của các nguyên tắc và thiết chế dân
chủ ở Pháp.
Sự phát triển của bản sắc
quốc gia Pháp
Pháp được coi là
cái nôi của chủ nghĩa dân tộc hiện đại. Nhìn chung, sự phát triển bản sắc quốc
gia Pháp diễn ra tương tự với tiến trình ở Anh, theo sau sự gia tăng tập trung
quyền lực vào tay vua trong thế kỉ XVI và XVII, qua đó thúc đẩy một cảm quan
chung về bản sắc quốc gia.
Ý niệm về “bản sắc
quốc gia Pháp” này được phát triển hơn nữa trong thế kỷ XVIII bởi các nhà tư tưởng
như Jean Jacques Rousseau, người đã tách biệt nhà nước với người cai trị (nhà
nước không còn là tài sản của người cai trị như cách hiểu trước đó trong thời
phong kiến), cũng như chuyển chủ quyền tối cao từ cái sau sang cái trước, và
qua đó người dân không còn phải trung thành với người cai trị (vua), mà với nhà
nước hay cộng đồng chính trị (Pháp) mà anh ta là thành viên.
Tuy nhiên, theo
Macridis sự phát triển bản sắc quốc gia Pháp chỉ hoàn tất một phần. Không như
Anh, nơi mà sự phát triển của nhà nước xảy ra đồng thời với sự gia tăng cảm
quan chung về một dân tộc Anh, thì văn hóa chính trị Pháp cho thấy có những sự
bất đồng rộng lớn (về cảm quan chung này). Theo Macridis, có hai đặc điểm riêng
trong văn hóa chính trị Pháp khiến nó khác biệt với văn hóa chính trị Anh.
-
Thứ nhất, sự phát triển của chủ nghĩa cá
nhân, hay nói cách khác, là sự hoài nghi của người dân đối với nhà nước và các
thiết chế của nó, cũng như xu hướng chung trong việc tìm kiếm sự yên ổn (tự
thân). Thái độ hoài nghi này với nhà nước một phần đến từ việc nhà nước được
xem chỉ phục vụ lợi ích của những người trong chính quyền hơn là của mọi người
dân. Do đó, người Pháp dường như tránh các hoạt động hội họp dựa trên cơ sở hỗ
trợ và tin tưởng lẫn nhau. Thay vào đó họ phát triển thái độ và các cơ chế tự vệ
– gia đình, liên đoàn thương mại, làng xã, những người đại diện trong quốc hội
– chống lại hành hành động nhà nước. Nói cách khác, Pháp, không như Anh, đã
không giải quyết được vấn đề về sự hợp nhất (quốc gia). Bản sắc Pháp chủ yếu vẫn
còn ở cấp độ cá nhân hơn là ở cấp độ quốc gia.
-
Thứ hai, vốn là một sản phẩm của Cách mạng
Pháp, cụ thể hơn là kiểu tổ chức nhà nước của Napoleon, được đề cập đến như “chủ
nghĩa nhà nước”. Đó là ý tưởng cho rằng nhà nước được xem là công cụ duy nhất để
cung cấp các dịch vụ và giải quyết các vấn đề. Theo cách hiểu này, người Pháp
xem mình “bị quản lý”. Nói cách khác, theo thuật ngữ của Gabriel Almond và
Sidney Verba, họ là “thần dân”. Tâm tính của họ là chờ đợi nhà nước (thứ họ
không tin cậy) đáp ứng các nhu cầu của mình. Kết quả là khi các yêu cầu không
được đáp ứng, chúng tiếp tục tích lũy, kì cùng sẽ dẫn đến thúc đẩy việc sử dụng
các phương tiện ngoài khuân khổ (chính trị hiện hành – bạo lực) để đạt được.
Macridis cho rằng
lịch sử chính trị của Pháp tạo ra các mô hình hành vi trong văn hóa chính trị
Pháp – về mặt lịch sử, văn hóa chính trị Pháp có tính phân mảnh hơn là đồng thuận,
bất ổn hơn là thay đổi dần dần, mang tính ý thức hệ hơn là thực dụng, và nhấn mạnh
vào bạo lực và thay đổi đột ngột hơn là thỏa hiệp và đồng thuận. Có lẽ vì vậy,
mà ở thời điểm trước khi quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa kinh tế diễn
ra, sự phát triển của bản sắc dân tộc Pháp ít hoàn chỉnh hơn so với Anh.
Sự biến đổi của chế độ
phong kiến ở Pháp
Trái với những sự
phát triển diễn ra ở Anh, sự phát triển của thương mại ở Pháp trong thế kỉ XVI,
XVII, và XVIII yếu hơn rất nhiều. Mấu chốt của điều này nằm ở cấu trúc chế độ
phong kiến ruộng đất của Pháp, mà quan trọng nhất là việc các điền trang không
sản xuất len để bán trên thị trường, như xảy ra ở Anh, mà sản xuất các sản phẩm
đòi hỏi nhiều sức lao động, như trồng nho và ô liu.
Khi thương mại
quốc tế mở rộng, nhu cầu cho các sản phẩm này tăng lên. Sự gia tăng nhu cầu này
đối với các sản phẩm nông nghiệp Pháp đã dẫn đến các hệ quả xã hội rất khác so
với Anh. Giới lãnh chúa phong kiến có ít khuyến khích giải phóng lao động dư thừa
như từng xảy ra với giới lãnh chúa Anh. Bởi vì bản chất đòi hỏi nhiều lao động
của nghề trong nho, giới quý tộc đất đai buộc giữ lại nông dân hơn là giải
phóng họ.
Thêm nữa, không
như Anh, sự thúc đẩy của thương mại trong giới quý tộc Pháp không dẫn đến những
nỗ lực lớn để rào đất (chung). Thay vào đó, lợi ích (của họ) chủ yếu đến từ việc
cho nông dân thuê đất đai hơn là thuê sức lao động của họ để trông non cừu, đặc
biệt là sau thời Louis XIV (1643-1715) khi ông đưa ra yêu cầu các lãnh chúa sử
dụng phần lớn thời gian trong năm của mình ở cung điện ở Versailles nhằm giám
sát họ. Do đó, thay vì biến đổi thành một “giai cấp tư bản nông thôn” vốn sẽ
thúc đẩy việc giới hạn quyền lực quân chủ (như xảy ra ở Anh) thì quý tộc Pháp
biến thành một giai cấp lãnh chúa “xa nhà”, phụ thuộc vào triều đình cho các
khoản bổng lộc và hỗ trợ.
Những sự phát
triển này có ảnh hưởng quan trọng tới giai cấp nông dân Pháp.
-
Thứ nhất, điều này mang đến cho giai cấp
nông dân một mức độ tự trị, vì giới quý tộc chủ yếu quan tâm tới việc thu tô,
và cho thuê điền trang.
-
Mặt khác, sự thương mại hóa nông nghiệp
cũng đưa đến “những sự phân biệt” trong tầng lớp nông dân, thành những người
thành công và những người thất bại, hay nói cách khác, đó là sự xuất hiện của một
tầng lớp “nông dân giàu có”.
Những sự phát
triển này do đó không làm suy yếu hay phá hủy giai cấp nông dân thời trung cổ,
mà trong thực tế còn tằng cường sức mạnh của nó. Như Moore nhận xét, “trái với
Anh, ảnh hưởng của thương mại khi chúng thâm nhập vào vùng đồng quê Pháp đã
không làm xói mòn và phá hủy khuân khổ phong kiến”.
Thêm nữa, không
như Anh nơi mà đấu tranh chính trị giữa vua và giới quý tộc thương mại dẫn đến
sự chiến thắng của cái sau, thể hiện trong cuộc Nội chiến Anh 1688, thì ở Pháp
cuộc đấu tranh đó không dẫn đến chiến thắng của giới quý tộc. Thay vào đó, vua,
đặc biệt dưới thời Louis XIV (1643-1715), còn được gọi “Vua mặt trời”, đã thành
công trong việc cố kết quyền lực hoàng gia, và tạo ra chế độ quân chủ chuyên chế.
Một trong những
cách chính thực hiện điều này là thu nạp tầng lớp quý tộc thông qua bán các chức
vụ cao trong hệ thống chính quyền. Bất cứ nhà nước nào cũng cần các thiết chế
quan liêu để quản lý các vấn đề của quốc gia. Việc bán các chức vụ mang lại hai
điều cho chế độ quân chủ chuyên chế Pháp: thứ nhất, nó giúp gây ngân sách (cho
vua); thứ hai, cho phép tạo ra một bộ máy quan liêu (chủ yếu quý tộc) phụ thuộc
vào ân huệ hoàng gia.
Do đó, vào đầu
thế kỷ XVIII, giới quý tộc trở nên phụ thuộc vào Vua. Không có các lực lượng xã
hội lên tiếng, ngoài một vài trí thức độc lập, những người kêu gọi cho sự giới
hạn đặc quyền hoàng gia và thiết lập nguyên tắc pháp quyền cũng như trách nhiệm
giải trình. Thêm nữa, không như Anh, nơi các nhóm tinh hoa phát triển độc lập với
nhà nước, dẫn đến ra đời của một xã hội dân sự sơ khai trước khi quá trình công
nghiệp hóa xảy ra, thì điều này không đúng với Pháp trước Cách mạng.
Cách mạng Pháp
(1789-1799) có thể được nhìn nhận trong mô hình tổng thể này của sự phát triển
chính trị Pháp (trước khi quá trình hiện đại hóa kinh tế và công nghiệp hóa xảy
ra). Các nhân tố đóng góp phần mang đến Cách mạng là:
-
sự suy yếu của nhà nước Pháp trong thế kỉ
XVIII do chiến tranh liên tục với Anh;
-
quyết định hạ thấp rào cản thuế quan cho
hàng hóa Anh năm 1786 (để bình thường hóa quan hệ với Anh), đã gây ra thất nghiệp
quy mô lớn đối với giai cấp lao động đô thị;
-
sự mất mùa lớn vào năm 1787 và 1788; và
sự bất lực hoặc không sẵn sàng của nhà nước Pháp để cung cấp trợ giúp cho người
nghèo nông thôn.
Việc phá ngục
Bastille vào 04/0701789, chỉ là đốm lửa thổi bùng lên các tai họa lớn sẽ nhấn
chìm Pháp trong năm lăm tiếp theo, cũng như sự sụp đổ của chế độ quân chủ Pháp
sau đó.
Một trong những
hệ quả chính trị - xã hội quan trọng nhất của Cách mạng là nó đã phá hủy một
cách hữu hiệu giai cấp quý tộc vốn là tác nhân cản trở sự phát triển của các
thiết chế dân chủ tự do. Tuy nhiên, chính Cách mạng đã không phá hủy giai cấp
nông dân mà trong thực tế tăng cường giai cấp này, vốn là một giai cấp có
khuynh hướng phản dân chủ và phản tư bản rõ ràng.
Điều này một lần
nữa có xu hướng tạo ra sự bất khoan dung giữa nông dân và giai cấp tư sản; cũng
như sự ngờ vực kéo dài giữa giai cấp vô sản và giai cấp nông dân. Và kì cùng dẫn
đến những bất ổn trong việc thiết lập các thiết chế dân chủ Pháp, vốn chỉ xuất
hiện sau năm 1848 và hết sức bất ổn sau đó cho tới gần đây (chỉ đi vào ổn định
từ năm 1958). Nói cách khác, các thiết chế dân chủ chỉ thiết lập một phần ở
Pháp trước khi quá trình công nghiệp hóa diễn ra và các sự kiện trong quá khứ
đã làm cho giai cấp thấp hơn có khuynh hướng phản tư bản quyết liệt hơn.
Kết quả là những
sự chia rẽ giai cấp, khi chúng xuất hiện như một phần không thể tránh được của
quá trình công nghiệp hóa và phát triển kinh tế, có xu hướng trở nên tệ hại
thêm. Thực vậy, các áp lực mà quá trình công nghiệp hóa tạo ra có xu hướng tạo
ra các dịch chuyển ly tâm. Nói cách khác, khi các giai cấp mới bước ra sân khấu,
họ không được chấp nhận bởi giai cấp tinh hoa, nhưng thay vì đó bị xem là kẻ
thù, đứng bên lề xã hội. Kết quả là 70 năm đầu trong lịch sử chính trị Pháp (từ
cách mạng Pháp 1789) được đánh dấu bởi sự dịch chuyển bất ổn giữa các giai đoạn
ngắn của nền Cộng hòa, theo sau với sự khôi phục quân chủ và chế độ Bonapart;
và điều này chỉ kết thúc với sự thiết lập Nền cộng hòa Thứ ba vào năm 1870.
Động lực cho
công nghiệp hóa quy mô lớn ở Pháp đến từ thất bại ở Sedan trước Đế quốc Đức. Nền
dân chủ Pháp cũng được sinh ra từ sự phá hủy chế độ Bonapart dưới thời Napoleon
III. Nền Cộng hòa Thứ ba (1870-1940) được sinh ra với nhiều vấn đề nội tại. Khi
các lực lượng chính trị mới bước vào sân khấu ở cuối thế kỉ XIX, các lực lượng
bảo thủ về chính trị và xã hội tìm cách bảo vệ các đặc lợi của mình chống lại sự
tấn công từ các khuynh hướng xã hội chủ nghĩa. Nói cách khác, sự không sẵn sàng
của Nền Cộng hòa Thứ ba trong việc kết nạp các bộ phận xã hội mới vào trong cấu
trúc cai trị đã dẫn đến tê liệt chính trị và sự xuất hiện các đảng cực đoan,
tìm kiếm quyền lực thông qua các phương tiện ngoài khuôn khổ chính trị hiện
hành.
Cộng hòa Thứ tư,
thiết lập sau Chiến tranh Thế giới II (1946-1959), tương tự như Cộng hòa Thứ
ba, là sản phẩm của chiến tranh. Vốn là kết quả của “chiến thắng”, nền chính trị
Pháp trở nên phân mảnh hơn bảo giờ hết. Bởi, sau chiến tranh, Nền Cộng hòa Thứ
tư tìm cách tối đa hóa sự đại diện trong chính trị Pháp để hình thành một số dạng
thỏa hiệp hậu chiến giữa các lực lượng chính trị khác nhau. Điều này dẫn đến bế
tắc chính trị và khủng hoảng quản trị liên tục, và bị làm cho tồi tệ thêm bởi
việc Pháp mất đi các thuộc địa tại Đông Dương sau năm 1954, cũng như các hệ quả
từ cuộc chiến đang diễn ra tại Algeria lúc đó.
Cái kết cuối
cùng cho nền Cộng hòa Thứ tư là cuộc đảo chính quân sự của một số tưỡng lĩnh
Pháp ở Algeria (chống lại lệnh từ Pháp quốc) và cách mạng của người Pied Noirs
(cư dân Pháp ở Algeria) cũng như nguy cơ của cuộc nội chiến theo sau. Cuộc khủng
hoảng này dẫn đến việc bổ nhiệm Charles de Gaulle, anh hùng Pháp trong Thế chiến
Thứ II, thành thủ tưởng mới. Ông được trao cho các quyền lực khẩn cấp trong đó
bao gồm việc sửa lại Hiến pháp. Tuy nhiên, de Gaulle đi xa hơn sự ủy nhiệm ban
đầu và viết một bản hiến pháp hoàn toàn mới, được áp dụng vào 03/06/1958. Nó được
đặc trưng bởi một tổng thống và một nhánh hành pháp mạnh. Như vậy, de Gaulle đã
tạo ra cuộc đảo chính hiến pháp không đổ máu, tuy nhiên, từ khi thiết lập Nền cộng
hòa Thứ năm (1958 - ), nền dân chủ Pháp trở nên tương đối ổn định.
(hết phần 3)
Nguồn: John
T. Ishiyama. Comparative Politics