Dân chủ hóa 2: Trường hợp Anh

Posted on
  • Thứ Năm, 27 tháng 12, 2018
  • by
  • nguyenminh
  • in
  • Nhãn:
  • Minh Anh lược dịch
    Hệ thống chính trị Anh hiện nay ra đời từ một quá trình thay đổi dần dần kéo dài trong khoảng 700 năm, khởi đầu từ Đại hiến chương Magna Carta (1215) với việc đặt ra các giới hạn đối với quyền lực của vua, cho đến khi thông qua Đạo luật về Quốc hội (1919) trong đó chuyển quyền quyết định còn lại cuối cùng của Viện Quý tộc (kế thừa) sang Viện Bình dân (do người dân bầu lên).
    Sự thay đổi dần dần, liên tục hướng tới một nền dân chủ này là đặc điểm nổi bật nhất trong lịch sử chính trị Anh, và khiến cho nó trở thành một mô hình cho sự chuyển đổi dân chủ khác biệt so với nhiều nước châu Âu (lục địa) khác. Anh đã trải qua rất nhiều cuộc cách mạng – về công nghiệp, kinh tế, chính trị, văn hóa – nhưng không cần đến các cuộc cách mạng (theo kiểu đảo lộn về xã hội thông qua bạo lực). 
    Điều gì tạo ra “sự thay đổi dần dần này” trong sự phát triển chính trị Anh?
    Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hiểu ba sự phát triển xảy ra trước Cách mạng Công nghiệp ở Anh:
    1)   sự phát triển bản sắc quốc gia của Anh;
    2)   sự biến đổi của xã hội Anh trong thời kì phong kiến;
    3)   sự phát triển các nguyên tắc giải trình trách nhiệm và pháp quyền theo sau sự vươn lên của Quốc hội Anh (như chủ thể tối cao ở Anh) so với vua Anh.

    Xu hướng tập trung chính trị và phát bản sắc quốc gia ở Anh
    Một khác biệt của Anh trong thời Trung cổ là mức độ cai trị tập trung cao, bởi ở thời điểm này ở Châu Âu lục địa, thẩm quyền chính trị khá phân tán với quyền lực thực tế nằm trong tay giới quý tộc đất đai. Trong khi quân đội thường trực hầu như chưa được biết đến ở Lục địa, thì ở Anh các ông vua đã xây dựng được một kiểu tổ chức quân sự như vậy. Thực tế này (vua không có quân đội thường trực) khiến cho ở Lục địa giới quý tộc ở đó ngày càng trở nên độc lập hơn (với vua), họ thường gây chiến với nhau và với vua để mở rộng lãnh thổ, của cải hay quyền lực.
    Ạnh tránh được tình trạng này bởi vì trước đó nó hay bị nước ngoài xâm lược, một điều khiến cho vua có thể xây dựng quân đội, tập trung quyền lực cho mình, cũng như qua đó làm suy yếu quyền lực quý tộc. Chẳng hạn vào thế kỉ X, người Anh được thống nhất dưới sự lãnh đạo của vua Alfred đánh đuổi người Danes. Tuy nhiên, sau đó Anh bị người Norman (đến từ miền bắc nước Pháp hiện nay) xâm lược (1066). Song, dưới thời cai trị của họ, quyền lực vua tiếp tục được củng cố. Như dưới thời Henry II (1154-1189), vua có quyền bổ nhiệm và bãi chức các sheriff (người lãnh đạo địa phương – trước đó do địa phương tự quyết định), kiểm soát việc xét xử thông qua lập ra các tòa án hoàng gia, cũng như tăng thuế đối với quý tộc và thường dân. Tuy nhiên, sự tập trung quyền lực này cũng bị chống lại, điển hình với Đại hiến chương Magna khi vua John bị quý tộc giới hạn bớt quyền lực.
    Tuy nhiên, một cuộc chiến kéo dài với Pháp (Cuộc chiến Trăm năm, 1337-1453) một lần nữa giúp mở rộng đặc quyền hành động của vua. Cũng trong giai đoạn này một cơ quan lập pháp, hay “quốc hội”, được tạo ra. Ban đầu, cơ quan này (gồm các quý tộc) được vua triệu tập với vai trò của một cơ quan tư vấn cho vua, cũng như để vua tìm cách khai thác thêm nguồn tài chính phục vụ cho chiến tranh với Pháp.
    Sau giai đoạn Nội chiến trong thế kỉ 15 (Chiến tranh Hoa hồng), các vua thuộc vương triều Tudor là Henry VII, Henry VIII và con gái ông Elizabeth I, tiếp tục xu hướng tập trung quyền lực này. Sự tập trung này đã thúc đẩy một sự thống nhất quốc gia lớn hơn, qua đó cho phép Henry VIII tách Giáo hội Anh khỏi sự kiểm soát của Giáo hội Công giáo (Rome), và đặt nó dưới sự kiểm soát trực tiếp của vua Anh vào năm 1534 mà không gặp nhiều sự phản đối.
    Do đó, chúng ta thấy rằng xu hướng chung trong sự phát triển chính trị Anh là hướng đến một sự tập trung quyền lực lớn hơn. Và điều này chủ yếu do mối đe dọa xâm lăng từ bên ngoài, qua đó giúp tăng cường quyền lực của Vua cũng như qua đó tạo ra một quốc gia thống nhất hơn với một bản sắc chung.

    Biến đổi xã hội dưới chế độ phong kiến và sự xuất hiện của các lực lượng thúc đẩy dân chủ
    Dù xu hướng tập trung quyền lực này, song có những sự phát triển khác trong xã hội Anh cân bằng lại. Và một lần nữa, động lực đến từ bên ngoài. Từ sự phát triển kinh tế vào cuối thời Trung cổ ở Châu Âu lục địa, mà có lẽ quan trọng nhất là sự gia tăng thương mại với phương Đông, đặc biệt là việc thiết lập các con đường thương mại với cận Đông và Trung Quốc vào thế kỉ XIV, đã dẫn đến sự xuất hiện các nhà nước thành bang thương mại như Venice, Genoa, và các trung tâm thương mại ở Địa Trung Hải. Sự đi lên của thương mại đã ảnh hưởng lớn đến Anh về kinh tế - nó dẫn đến gia tăng nhu cầu đối với len của Anh.
    Một điều quan trọng của sản xuất len, như đối lập với việc sản xuất các sản phẩm nông nghiệp khác, là sản xuất len cần ít lao động nông dân. Điều mà việc sản xuất len đòi hỏi là rất nhiều đất dành làm bãi cỏ cho động vật. Do đó, với sự gia tăng nhu cầu len Anh, dẫn đến nhu cầu cho đất (chăn thả) lớn hơn, trong khi nhu cầu lao động giảm đi. Điều này khuyến khích quý tộc cấm nông dân sử dụng những miếng đất có giá trị đối với việc chăn thả hay “đất chung” mà trước đó để mở cho nông dân sử dụng nhằm bổ xung (sản lượng) mùa vụ của họ trong thời gian khó khăn. Việc “rào đất chung” dẫn đến sự di cư dần nông dân từ vùng quê ra thành thị, qua đó làm giảm dân số ở nông thôn cũng như gia tăng tầng lớp vô sản (sơ khai) ở các thành thị của Anh.
    Theo thời gian, việc rào đất có hai ảnh hưởng quan trọng đến xã hội.
    -       Thứ nhất, nó dẫn đến gia tăng dân số thành thị, do đó gia tăng áp lực cho việc thực dân hóa (ở nơi khác), đặc biệt là Tân Thế Giới (Mỹ) và sau đó là Úc. Hơn nữa, việc rào đất “phá hủy” hữu hiệu giai cấp nông dân, dẫn đến hình thành giai cấp vô sản sơ khai ở các thành phố.
    -       Thứ hai, sự gia tăng nhu cầu về len và việc rào đất cũng đã thúc đẩy chuyển biến gia cấp quý tộc từ quý tộc phong kiến (nông nghiệp) sang tầng lớp quý tộc với tinh thần thương mại. Do đó, dù giai cấp quý tộc Anh không biến mất, song bản chất của nó đã thay đổi, không còn là một tầng lớp quý tộc phong kiến nông nghiệp nữa. Vì vậy, từ lâu trước khi giai đoạn Công nghiệp hóa xảy ra, chế độ phong kiến ở Anh đã bị biến đổi căn bản, khi việc rào đất đã phá hủy toàn bộ cấu trúc xã hội nông nghiệp Anh trong các làng xã truyền thống.
    Sự biến đổi của chế độ phong kiến dẫn đến những hệ quả quan trọng đối với sự phát triển chính trị ở Anh, khi sự phát triển của thương mại dẫn đến ảnh hưởng ngày càng tăng của giai cấp thương nhân đô thị và tầng lớp địa chủ - theo khuynh hướng thị trường. Sự gia tăng ảnh hưởng kinh tế này, đến lượt nó, dẫn đến gia tăng ảnh hưởng chính trị và nhu cầu có tiếng nói trong tiến trình chính trị cũng như yêu cầu một sự can thiệp có giới hạn của nhà nước vào thị trường.
    Khoảng thế kỷ XVI những nhóm này có tiếng nói lớn hơn trong Quốc hội, thiết chế được thiết lập từ thế kỷ XIV với tư cách hội đồng tư vấn của Vua. Trong suốt thế kỷ XVI và đầu thế kỷ XVII, có một sự xung đột gia tăng giữ Quốc hội, vốn ngày càng chịu sự chi phối của các tầng lớp thương mại (cả thương nhân và giới quý tộc thương mại), và Vua, vốn tìm cách bảo vệ đặc quyền hoàng gia được kì công gầy dựng từ thời Alfred Vĩ đại.
    Sự xung đột giữa Quốc hội và Vua đi đến đỉnh điểm vào thế kỷ XVII khi nhóm đối lập (trong Quốc hội) đứng lên chống lại vương triều Stuart vốn đang tìm cách tập trung quyền lực và thiết lập quyền cai trị tuyệt đối. Cụ thể, là việc hai vị vua của vương triều Stuart là Charles I (1625 – 1649) và James II (1685 – 1688) hết sức khâm phục mô hình quân chủ chuyên chế của Louis XIV ở Pháp, đặc biệt là khả năng của nó trong việc tăng thuế, duy trì một quân đội thường trực lớn, và cai trị mà không chị sự can thiệp từ bất cứ thiết chế đại diện nào của quốc gia và do đó muốn thiết lập mô hình đó ở Anh.
    Các lực lượng của Quốc hội thấy không cần thiết cho quân đội thường trực lớn, vì Anh được bảo vệ khỏi các lực lượng đe dọa từ Lục Địa bởi eo biển Anh. Và họ sợ rằng mục đích của việc tạo ra một quân đội thường trực lớn là nhằm chống lại chính những người đối lập ở Anh. Ngoài ra, các lực lượng thương mại ở Quốc Hội cũng công khai phản đối chính sách của nhà vua, chẳng hạn như nỗ lực ngăn chặn việc rào đất chung, hay việc độc quyền bán các đặc quyền trong lĩnh vực sản xuất và thương mại. 
    Năm 1649 Charles I bị lật đổ và xử tử, và được thay thế bởi Oliver Cromwell. Năm 1660, nền quân chủ Stuart được khôi phục với việc Charles II lên nắm quyền. Tuy nhiên, đến năm 1689, do James II (con của Charles II) nỗ lực tái thiết lập chế độ chuyên chế ở Anh, nên Quốc hội đã lật đổ James trong cuộc “Cách mạng Vinh Quang”, và thông qua Tuyên ngôn Anh về Nhân Quyền nhằm giới hạn quyền lực hoàng gia cũng như thiết lập chủ quyền tối cao của Quốc hội (ở Anh). Sự chuyển biến quan trọng này có ý nghĩa lớn lao, như Moore nhận xét “nếu không có sự chiến thắng của “các nguyên tắc tư bản chủ nghĩa và chính thể đại nghị ở Anh … trong thế kỷ XVII, thì rất khó có thể tưởng tượng nổi liệu xã hội Anh có thể hiện đại hóa một cách hòa bình … trong thế kỷ XVIII và XIX sau đó hay không”.
    Do đó, từ đầu thế kỷ XVIII, những bước phát triển phôi thai của dân chủ đã diễn ra. Nguyên tắc pháp quyền cũng đã phát triển trước đó (từ Đại hiến Chương Magna Carta), nhưng với sự thiết lập tính tối cao của Quốc hội, đã tạo ra sự hợp nhất giữa nguyên tắc pháp quyền với nguyên tắc giải trình trách nhiệm. Việc bầu chọn các thành viên Quốc hội cũng được thiết lập, dù quyền bầu cử cực kì giới hạn – khi chỉ cho một số lượng nhỏ đàn ông có quyền bầu cử - ít hơn hai phần trăm đàn ông lúc đó (thế kỷ XIX).
    Khi Cách mạng công nghiệp xảy ra, nó đưa đến sự xuất hiện của các nhóm xã hội mới với yêu cầu cho các quyền chính trị (chẳng hạn giai cấp tư sản công nghiệp, giai cấp trung lưu, và các tầng lớp lao động), và thoạt đầu bị chính quyền đàn áp. Tuy nhiên, sau đó, giới lãnh đạo quý tộc chấp nhận nhượng bộ trước các yêu cầu này. Điều này đã không đòi hỏi một sự thay đổi thoàn bộ thể chế hiện hành, nhưng đơn thuần chỉ cần mở rộng cho sự tham gia của người dân.
    Bước ngoạt đầu tiên là Đạo luật Cải cách năm 1832 trong đó tăng gấp đôi số lượng cử tri (tới khoảng 3% dân số) và tái phân phối lại số ghế (trong Hạ viện) phù hợp tốt hơn với những sự thay đổi nhân khẩu xảy ra trước đó (do sự di dân). Các thành phố công nghiệp mới ra đời như Manchester, Leeds,và Birmingham lần đầu tiên có đại diện trong Quốc hội, trong khi đó nhiều “khu vực” dân số tụt giảm hoặc không còn nữa mất đi sự đại diện của mình.
    Quá trình này được thúc đẩy hơn nữa vào năm 1867, khi Đạo luật Cải cách Thứ hai được thông qua, trao quyền bầu cử cho mọi người đàn ông ở đô thị có đóng thuế tài sản. Năm 1872, việc bỏ phiếu kín được giới thiệu, làm cho ông chủ hay quý tộc khó khăn hơn trong việc yêu cầu công nhân hoặc nông dân của mình bỏ phiếu cho họ. Các cải cách năm 1884 và 1885 mở rộng quyền bầu cử cho mọi người đóng thuế tài sản ở khu vực nông thôn. Năm 1918, mọi đàn ông được quyền bầu cử, song phụ nữ phải trên 30 tuổi mới được bầu cử. Và đến năm 1948, thì quyền phổ thông đầu phiếu được áp dụng cho tất cả không phân biệt nam nữ.
    Sự mở rộng và làm sâu sắc hơn nền dân chủ ở Anh không đòi hỏi xây dựng một nền tảng hoàn toàn mới để “trò chơi” chính trị có thể diễn ra, mà đơn thuần mở rộng dần dần cho những người mới tham gia vào chò trơi. Điều này có nghĩa rằng con tàu nhà nước không phải tái xây dựng trên vùng biển gập gềnh của những chuyển biến kinh tế xã hội, và do đó con đường trở thành một nền dân chủ của Anh tương đối êm thuận.
     (hết phần 2)
    Nguồn: John T. Ishiyama. Comparative Politics
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org