Một phần tư thế kỉ sau sự sụp đổ của đế chế Liên Xô, Nga lại một lần nữa
quay trở lại trở thành một thế lực đầy thách thức đối với chủ nghĩa tự do toàn
cầu cũng như đối với nền dân chủ phương Tây.
Hiện đại hóa quân sự, xâm lược các nước thuộc khối Liên Xô cũ, can thiệp
vào Trung Đông, xây dựng mạng lưới tuyên truyền toàn cầu, hỗ trợ cho các nhà độc
tài trên thế giới, và can thiệp trắng trợn vào các cuộc bầu cử ở các quốc gia
dân chủ như Mỹ, tất cả hành động trên đều hướng đến một sự đối đầu (với phương
Tây).
Đa dạng các chính sách này của Nga phản ánh một thực tại nền tảng hơn,
đó là Nga một lần nữa (tương tự Liên Xô trước cải cách của Mikhail Gorbachev) nằm
dưới sự cai trị bởi một giới chóp bu đầy tự tin, mà đại diện là Vladimir Putin,
vốn cho rằng kiểu cai trị của họ là giải pháp tốt hơn so với nền dân chủ tự do.
Và niềm tin này của giới lãnh đạo Nga ngày càng gia tăng khi chứng kiến sự vươn
lên của các nhà chính trị với tầm nhìn tương tự trên thế giới – ngay cả ở Mỹ.
Chế độ cai trị của Putin ở Nga, hay còn gọi là chủ nghĩa Putin, là một dạng
cai trị độc tài với ba bộ phận chính là bảo thủ, dân túy, và cá nhân hóa.
Chủ nghĩa bảo thủ
Chế độ của Putin là bảo thủ theo đúng nghĩa, khi nó ưu tiên bảo vệ hiện
trạng và phản đối mọi chương trình thay đổi. Các nhà cai trị thường đề cao sự ổn
định, nhưng Putin xem nó là một cái gì đó tối cao. Không như những người Hồi
giáo, muốn tái thiết lập cộng đồng Hồi giáo nguyên thủy thời Muhammad (570–632
C.E.), hay những người Phát xít tìm cách làm sống lại huyền thoại về tính thuần
chủng của chủng tộc, Putin và thân tín của mình bác bỏ mọi khuynh hướng như vậy,
họ bác bỏ mọi sự thay đổi đối với hiện trạng.
Chủ nghĩa Putin cũng bác bỏ các chương trình phát triển kinh tế, vì
chúng chống lại cam kết chung là tối thiểu hóa thách thức đối với hiện
trạng và tối đa hóa khả năng bòn rút rent của giới chóp bu. Các nhà lãnh đạo
theo đường lối phát triển như Park Chung Hee (1963–79) của Hàn Quốc, Lee Kwan
Yew (1959–90) của Singapore, Deng Xiaoping (1977-97) của Trung Quốc đề cao sự ổn
định chính trị, nhưng nhằm phụ vụ cho việc phát triển kinh tế, cải thiện điều
kiện sống của người dân, còn Chủ nghĩa Putin đơn thuần chỉ muốn duy trì hiện trạng
chính trị và làm giàu cho giới chóp bu.
Mô hình kinh tế dựa trên nguồn dầu khí to lớn của Nga cho phép giới chóp
bu có thể bòn rút một lượng lớn tài sản mà không lo sợ gây ra sụp đổ. Nó cũng
giúp tập trung tài sản vào trong tay một nhóm nhỏ các tập đoàn mà chính quyền
và thân hữu của họ có thể kiểm soát. Điều này cho phép ngăn chặn sự xuất hiện
các tác nhân quyền lực độc lập (như trong các nền kinh tế đa ngành khác) mà có
thể thách thức quyền lực chính quyền, cũng như cung cấp nguồn lực cho chính quyền
để hỗ trợ cho các chương trình xã hội đại chúng, song không khiến xã hội có thể
mạnh lên. Thay vì thúc đẩy sự phát triển tầng lớp trung lưu và tầng lớp lao động
tự trị, nó duy trì một giai cấp lao động và một giai cấp trung lưu phụ thuộc
vào người cai trị về công việc, thu nhập, và địa vị.
Cuối cùng, không giống như mô hình kinh tế phát triển, nền kinh tế dựa
trên dầu khí không đòi hỏi đội ngũ công chức tài năng hay theo đuổi chính sách
ưu tiên phát triển kinh tế. Dưới chủ nghĩa Putin, quan chức được thuê, khuyến
khích và xa thải dựa trên lòng trung thành của họ với người cai trị và khả năng
của họ trong việc duy trì ổn định. Các thống đốc không bao giờ bị sa thải vì thất
bại trong việc thúc đẩy thịnh vượng ở địa phương của họ, mà thay vào đó họ bị
xa thải vì thể hiện sự độc lập của mình hay vì không thể mang lại chiến thắng
cho tổng thống và đảng Nước Nga Thống nhất của ông trong các cuộc bầu cử.
Chủ nghĩa Putin cũng bảo thủ theo nghĩa ý thức hệ, khi nó tuyên bố bảo vệ
‘các giá trị truyền thống’. Putin không phải là người tin vào tôn giáo, không
thực sự quan tâm đến việc thúc đẩy lòng mộ đạo của người dân, nhưng ông ca ngợi
một cách khoa trương các tôn giáo truyền thống của Nga (như Chính Thống giáo),
và để cho các lãnh đạo tôn giáo làm phép cho ông. Song trên thực tế, thì chính
quyền bổ nhiệm người đứng đầu các tổ chức tôn giáo và kiểm soát nguồn ngân sách
cũng như tài sản của họ, và các giáo chức Chính Thống giáo chỉ được ủng hộ khi
họ tán dương tính đúng đắn và không thể thiếu được của những người cai trị như
Putin đối với dân tộc.
Để xây dựng uy tín của mình như một người bảo vệ truyền thống, Putin đưa
ra các bài diễn văn chỉ trích ‘tính phi giới tính và hời hợt’ trong nền tảng đạo
đức của phương Tây tự do khi nó ủng hộ cho bình đẳng giới và quyền LGBT. Để củng
cố cho các tư từ của mình, ông bảo trợ cho việc thông qua một bộ luật vào năm
2013 nhằm cấm ‘truyền thông ủng hộ đồng tính’ và thể hiện sự không bảo vệ đối với
người đồng tính khi thờ ơ trước phong trào bạo lực chống lại người đồng tính
gia tăng ở Nga.
Với hành trang như vậy, Putin muốn truyền đạt một thông điệp tới người
dân các nước đang phát triển rằng: Tôi và người dân Nga không chấp nhận các giá
trị đạo đức xa lạ. Chúng tôi bị chính phủ phương Tây và các NGOs xúc phạm, họ bảo
chúng tôi phải chấp nhận đồng tính luyến ái cũng như bình đẳng giới. Nhà thờ, đền
đài của chúng tôi, cũng như của bạn, bác bỏ việc áp đặt kiểu tự do phi đạo đức
đó. Tham gia cùng chúng tôi và cùng nhau chúng ta bảo vệ chủ quyền văn hóa và
quyền sống như chúng ta muốn. Thông điệp này cũng có ảnh hưởng đến những người bảo
thủ ở phương Tây, những người cảm thấy bị giới lãnh đạo của họ bỏ rơi trong các
vấn đề về tình dục và giới tính. Nhà bảo thủ nối tiếng người Mỹ Pat Buchanan ca
ngợi Putin là người lãnh đạo toàn cầu chống lại sự suy đồi, coi ông như tiếng
nói của ‘những người bảo thủ, những người truyền thống, những người theo chủ
nghĩa dân tộc của mọi lục địa và mọi quốc gia muốn chống lại chủ nghĩa đế quốc về
văn hóa và ý thức hệ của một phương Tây suy đồi’.
Về phương diện chính trị và xã hội, chính quyền Nga biến chính nó thành
người bảo vệ chống lại những thay đổi gây nguy hại [cho kẻ cầm quyền]. Putin
nói rằng: Tôi cũng như các bạn, bị xúc phạm bởi các chính quyền và NGOs phương
Tây, những người nói với tôi rằng tôi phải áp dụng dân chủ và từ bỏ nền chính
trị dựa trên người lãnh đạo mạnh truyền thống (của Nga). Không như các nhà lãnh
đạo phương Tây tôi ủng hộ việc các bạn nắm quyền – bất kể bạn nắm quyền như thế
nào. Tham gia cùng tôi, cùng nhau chúng ta bảo vệ chủ quyền và quyền cai trị
như chúng ta muốn. Bất cứ chế độ nào cũng xứng đáng tồn tại, nó chính danh, và chế
độ của bạn cũng vậy.
Chủ nghĩa dân túy
Sự bác bỏ của Putin đối với các khuynh hướng thay đổi, đồng tính luyến
ái, bình đẳng giới không chỉ là công cụ nhằm thúc đẩy tham vọng trở thành lãnh
đạo của phong trào phi tự do trên toàn cầu của Nga. Những quan điểm này – cũng
với các nỗ lực khác của ông nhằm tái thiết lập địa vị toàn cầu của Nga vốn bị mất
đi khi Liên Xô sụp đổ - về cơ bản còn nhắm đến người dân trong nước. Từ kinh
nghiệm hỗn loạn dưới thời Mikhail Gorbachev và Boris Yeltsin (1991-1999), thì
cam kết chống lại những sự thay đổi chế độ của Putin giành được nhiều sự ủng hộ
của người Nga.
Số liệu thống kê từ Pew vào năm 2013 cho thấy, 73% người Nga – so với
57% người Trung Quốc, 36% người Nhật, 33% người Mỹ – trả lời không khi được hỏi
‘liệu xã hội nên chấp nhận đồng tính luyến ái hay không’. Người Nga cũng có xu hướng
bác bỏ ý tưởng bình đẳng về quyền và vai trò của giới. Như cho thấy trong cuộc
khảo sát gần đây của World Values Survey: thì 57% người Nga đồng ý với khẳng định: “Về tổng thể, đàn ông có khả năng làm lãnh đạo chính trị tốt hơn phụ nữ’, so
với 48% người Trung Quốc, 28% người Nhật, và 19% người Mỹ. Chính quyền Nga biết
khuynh hướng bảo thủ này của người dân Nga. Do đó, việc thúc đẩy cho các chương
trình chống bình đẳng giới, chống đồng tính dễ dàng làm hài lòng đám đông.
Tuy nhiên, có một thứ quan trọng khác, giành được sự ủng hộ lớn hơn từ
người dân, đó là vinh quang quốc gia. Những hành động như thách thức phương
Tây, nâng cấp lực lượng vũ trang, tái thiết lập sự ảnh hưởng của Nga đối với
các nước thuộc vùng ảnh hưởng của Liên Xô, can thiệp vào cuộc nội chiến ở Syria
giành được sự ủng hộ lớn của người dân, khôi phục lại niềm tự hào về truyền thống
đế quốc lâu đời của họ. Việc sát nhập Crimea đưa đến một sự gia tăng ủng hộ hơn
nữa. Theo khảo sát hàng năm của Gallup, sự ủng hộ của Putin giảm từ 84% xuống
54% trong khoảng 2008-2013. Nhưng vào năm 2014, sau khi sát nhập Crimea, tỉ lệ ủng
hộ của ông tăng trở lại 83% và vẫn giữ như vậy cho đến nay. Việc sát nhập Crimea
và sự trừng phạt của quốc tế khiến cho chính quyền dễ dàng làm cho người dân
Nga cảm thấy Nga bị bao vây. Trên cơ sở đó, Putin đưa ra thông điệp rằng: người
bạn thực sự duy nhất của chúng ta là chính chúng ta. Mỹ và liên minh của họ chỉ
muốn làm chúng ta suy yếu. Chỉ khi chúng ta đoàn kết dưới sự lãnh đạo của người
lãnh đạo của chúng ta, người bảo vệ quốc gia chống lại các thế lực thù địch,
thì an ninh của chúng ta mới được đảm bảo và quốc gia chúng ta mới trở nên vĩ đại
trên thế giới. Nếu việc tạo ra sự ủng hộ cho người cai trị là mục tiêu hàng đầu
của các chế độ dân túy, thì chủ nghĩa Putin đạt được điều này một cách đáng
kinh ngạc. Ngay cả khi kinh tế lao dốc, với việc thúc đẩy các giá trị truyền thống,
chủ nghĩa dân tộc giúp Putin duy trì sự ủng hộ của mình mà không một nhà lãnh đạo
lâu năm nào trên thế giới có thể làm được.
Độc tài cá nhân
Chủ nghĩa Putin là một hình thức độc tài cá nhân – cai trị bởi một cá
nhân, người chỉ biết lắng nghe chính mình. Tất cả các quyết định lớn của chính
quyền là theo ý muốn của ông, và không một ai, thế lực kinh tế hay chính trị
nào có thể công khai chống lại ông mà không đối mặt nguy cơ mất chức, tài sản,
hay quyền cư trú ở Nga.
Putin không kế thừa địa vị của mình với tư cách một nhà độc tài, mà ông
tạo ra nó. Hiến pháp Nga 1993 quy định thể chế liên bang, trong đó lãnh đạo địa
phương có nhiều quyền tự trị về ngân sách, ban hành luật, và các chức năng
khác. Theo hiến pháp, chính quyền trung ương, dù với một tổng thống mạnh,
song cũng cung cấp một số cơ chế phân chia quyền lực giữa nhánh hành pháp và
lập pháp. Qua đó cho phép quốc hội Nga đủ sức mạnh để đối trọng lại quyền lực của
tổng thống Yeltsin (tổng thống Nga lúc đó). Bản thân trong nhánh hành pháp thẩm
quyền của Yeltsin cũng bị giới hạn do sự kiểm soát của các quan chức của ông.
Và nước Nga thời Yeltsin bị kiểm soát bởi nhiều lực lượng bên cạnh tổng thống
như thị trưởng Yuri Luzhkov của Moscow; thống đốc Eduard Rossel của Sverdlovsk,
thống đốc Nizhny Novgorod và phó thủ tướng Boris Nemtsov.
Tất cả mọi thứ thay đổi dưới thời Putin, khi ông tập trung và cá nhân
hóa quyền lực, biến mình thành người nắm quyền tối cao của Nga. Để tập trung
quyền lực từ các khu vực của Nga, Putin thay thế các quan chức an ninh địa
phương với người của mình, thay đổi phân chia thuế để ưu đãi cho Moscow, tạo ra
các cơ quan liên bang quyền lực ở địa phương, và thiết lập ‘cơ quan liên khu vực’
để giám sát các thống đốc và báo cáo về cho Tổng thống. Cuối cùng, Putin bãi bỏ
các cuộc bầu cử thống đốc vùng và trao cho mình quyền bổ nhiệm họ. Cho đến giữa
nhiệm kì tổng thống thứ hai (2004-2008), Putin đã khôi phục lại sự tập trung gần
như ở mức của Liên Xô trước đó, nhưng với một cấu trúc mệnh lệnh cấp bậc và thống
nhất dưới quyền của Tổng thống.
Ông cũng sửa lại luật bầu cử quốc hội, và giao cho các thân tín xây dựng
Đảng nước Nga thống nhất để chi phối các cuộc bầu cử. Đảng này kiểm soát quốc hội,
với sự ủng hộ của ba đảng ‘đối lập’ – Đảng Cộng sản, Đảng Dân chủ Tự do, và Đảng
Nước Nga Công bằng – qua đó tạo ra một hình thức đa đảng giả mạo, nhưng hầu như
luôn bỏ phiếu đồng ý 100% cho các dự luật do Nội các của tổng thống hoặc các cơ
quan chính quyền nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của tổng thống đưa ra.
Quyền lực trong chủ nghĩa Putin không chỉ tập trung vào tổng thống, mà còn
cá nhân hóa. Không có đảng phái nào thực sự tồn tại trong chủ nghĩa Putin, Đảng
Nước Nga Thống nhất chỉ đơn thuần được thành lập và phục vụ cho Putin. Ông luôn
nắm là người nằm giữ quyền lực cả khi là tổng thống (2000-2008 và 2012- nay), hay khi là thủ tướng
(2008-2012). Nếu Putin chọn trở thành bộ trưởng giao thông vận tải, thì tức là bộ trưởng
giao thông vận tải sẽ thực sự là người cai trị nước Nga. Các cuộc bầu cử không quyết định ai cai
trị, chúng đơn thuần cho thấy tính tối cao của người cai trị. Trong khi Putin
chắc chắn chiến thắng một cách dễ dàng trong các cuộc bầu cử tự do và công bằng,
song không ai chắc liệu ông hay Đảng Nước Nga Thống nhất có được yêu thích thực
sự hay không. Đối với hầu hết người Nga điều đó không quan trọng vì họ hiểu
chính họ không phải là nguồn gốc quyền lực của Putin. Quyền tối cao của Putin đến
từ việc ông là Putin, không phải từ lá phiếu mà ông chiến thắng. Với địa vị tối
cao, Putin đứng trên luật. Ông ban hành, thay đổi và lờ đi luật tùy ý mình. Ai
công khai chỉ trích ông sẽ phải vào tù, hoặc đi lưu vong và thường bị tịch thu
hết tài sản.
Tương lai của chủ nghĩa Putin
Trong khi chế độ độc tài dân túy bảo thủ của Putin được xem là một
trong những chế độ độc tài thành công nhất những năm đầu thế kỉ 21, thì nó cũng
chứa đựng những điểm yếu đe dọa sự tồn tại của nó.
Sự kiểm soát của nhà nước đối với nền kinh tế đã bóp ngẹt nền kinh tế tư
nhân, khiến cho kinh tế nhà nước ngày càng giữ vai trò quan trọng khi trong khoảng
thời gian 2005-2015; với đóng góp của kinh tế nhà nước tăng từ 35 lên 70% GDP. Điều này
trái ngược với các nền kinh tế thành công trong các chế độ độc tài khác như
Trung Quốc, khi ngành tư nhân tạo ra hơn 2/3 GDP. Mục đích bề ngoài của các
doanh nghiệp nhà nước ở Nga là nhằm lấp đầy các khoảng trống hoặc bổ xung cho
các lực lượng thị trường, song trong thực tế chúng thường có chức năng như các
công cụ cho các quan chức ở mọi cấp độ cướp bóc đất đai, công việc kinh
doanh, bóp nghẹt sự cạnh tranh, cũng như bóp méo thị trường.
Mô hình kinh tế của Putin cũng không có khả năng mang đến sự công bằng
kinh tế, khi mà giờ đây Nga được xếp hàng đầu trong những nước bất bình đẳng nhất,
với 10% giàu có nhất chiếm 87% tổng tài sản, so với 83% của Brazil, 76% của Mỹ,
66% của Trung Quốc, và 63% của Nhật. Sự kết hợp giữa đội ngũ công chức lạm quyền,
triển vọng kinh tế ảm đạm, và sự bất bình đẳng gia tăng nhanh chóng đã làm gia
tăng bất mãn ở Nga. Điển hình như sự nổi nên của Alexei Navalny, đặc biệt trong
giới trẻ Nga. Bất chấp việc truyền thông nhà nước thay phiên nhau bôi nhọ ông,
nhưng tính từ đầu năm 2017 những video đăng trên YouTube của ông nhằm phơi bày sự thối nát chính quyền đã thu hút hàng triệu người xem, và tài khoản Twitter của
ông có gần hai triệu người theo dõi. Lời kêu gọi của ông cho các cuộc biểu tình
đã khiến cho hàng trăm nghìn người xuống đường biểu tình trên khắp Nga, bất chấp
mối đe dọa bạo lực và bỏ tù.
Mặc dù đa phần người dân Nga vẫn tin tưởng và ủng hộ Putin, và bao lâu
Putin còn là người đại diện cho chủ nghĩa Putin thì chế độ độc tài dân tuy bảo
thủ ở Nga vẫn còn an toàn. Song chủ nghĩa Putin (hay chế độ độc tài dân tuy bảo
thủ này) sẽ ra sao khi người kiến tạo của nó không còn nữa? Nguy cơ lớn nhất
trong chủ nghĩa Putin là sự thiếu nền tảng thể chế, như các cơ chế đảng phái, bộ
chính trị… vượt trên sự lãnh đạo cá nhân. Sự đồng thuận trong giới chóp bu Nga
chủ yếu dựa trên khẳ năng và quyền lực của Putin trong việc thuyết phục và kết
nối họ. Song một khi Putin không còn nắm quyền nữa, sẽ không có điều gì có thể
trụ đỡ cho nước Nga, và Nga có thể rơi vào một cuộc tranh giành quyền lực hay
thậm chí là bạo lực.