Bầu cử 1: Phương pháp đa số tương đối áp dụng cho quận một đại biểu (SMDP)

Posted on
  • Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2018
  • by
  • Nặc danh
  • in
  • Nhãn:
  • Minh Anh
    Đây là hệ thống đa số đơn giản nhất và được sử dụng phổ biến nhất, chủ yếu ở Anh và các thuộc địa cũ của Anh như Canada, Ấn Độ, Mỹ.
    Thông thường, đất nước sẽ được chia thành các đơn vị bầu cử, có quy mô tương đương về dân số và trong mỗi đơn vị bầu cử đó, chỉ bầu một người đại diện. Mỗi người dân chỉ có một lá phiếu, và bỏ lá phiếu đó cho một ứng viên mà mình ủng hộ. Ứng viên nào giành được nhiều phiếu nhất là người thắng cuộc, và trở thành người đại diện cho đơn vị bầu cử.
    Hệ thống này còn được gọi là hệ thống ‘ai về trước – giành được nhiều phiếu nhất – là người thắng cuộc’, giống như trong cuộc đua ngựa.
    Hình 1: minh họa cuộc đua ngựa
    Bảng 1 bên dưới minh họa kết quả bầu cử của đơn vị bầu cử Bath trong cuộc bầu cử Hạ viện Anh năm 2015. Ứng viên Ben Howlett của Đảng Bảo thủ (Conservative) giành được nhiều phiếu bầu nhất, do đó trở thành người đại diện trong Hạ viện cho đơn vị bầu cử này.
    Bảng 1: Kết quả bầu cử của đơn vị bầu cử Bath
    Ưu điểm
    Hệ thống SMDP có một số ưu điểm sau:
    -      Thứ nhất là sự đơn giản, do đó cử tri dễ dàng hiểu và áp dụng; và vì vậy, dễ dàng cho việc quản lý, cùng chi phí quản lý bầu cử tương đối thấp.
    -      Thứ hai là làm gia tăng trách nhiệm của người đại diện. Bởi vì chỉ có một người đại diện được bầu trong một đơn vị bầu cử, nên có thể dễ dàng quy trách nhiệm cho những gì xảy ra trong đơn vị bầu cử đó cho người đại diện, và buộc họ phải làm việc có trách nhiệm hơn, tốt hơn nếu muốn tiếp tục được bầu làm người đại diện trong kì bầu cử kế tiếp.
    -      Thứ ba là tạo ra chính phủ đa số một đảng. Đây là dạng chính phủ có sự ổn định và khả năng chịu trách nhiệm cao hơn so với các dạng chính phủ khác.

    Nhược điểm
    Hệ thống SMDP có một số nhược điểm sau:
    -      Thứ nhất là tạo ra kết quả dưới đại điện ở cấp đơn vị bầu cử. Như Bảng 1 minh họa, ứng viên có thể chiến thắng (Ben Howlett, 37.8%)  mà không cần phải giành được đa số tuyệt đối phiếu bầu (tức >50%); trong thực tế, 62.2% cử tri đơn vị bầu cử này không ủng hộ cho Ben Howlett, tức ông không đại diện cho ước muốn của đa số cử trị đơn vị bầu cử này. Hiện tượng này gọi là dưới đại diện.
    -      Thứ hai là tạo ra kết quả quá/dưới đại diện ở cấp độ quốc gia. Trong hệ thống SMDP, một đảng có thể giành được một số lượng lớn phiếu cử tri trên toàn bộ quốc gia, song lại giành được rất ít, hoặc có thể không giành được ghế nào trong quốc hội, bởi vì nó không về nhất trong bất cứ đơn vị bầu cử nào (gọi là dưới đại diện). Trái lại, một đảng có thể giành được đa số ghế trong quốc hội, thậm chí tất cả, song lại chỉ giành được một đa số tương đối số phiếu cử tri trên toàn bộ quốc gia (<50%), bởi vì nó luôn là đảng về nhất trong các đơn vị bầu cử (gọi là quá đại diện). Bảng 2 minh họa hiện tượng này, trong đó, Đảng 1 chỉ giành được 30.8% số phiếu, song lại giành được 100% số ghế; trong khi đó, các đảng còn lại, giành được tổng cộng 69.2% số phiếu, song lại không giành được ghế nào.
    Bảng 2: Kết quả bầu cử quá/dưới đại diện theo SMDP
    -    Thứ ba là khuyến khích việc gian lận trong việc chia đơn vị bầu cử, một hiện tượng phổ biến đối với những quốc gia áp dụng hệ thống này. Như Hình 2 bên dưới cho thấy, số lượng cử tri xanh bằng số lượng cử tri đỏ, tuy nhiên do cách chia đơn vị bầu cử, khiến đảng của cử tri xanh giành được 3 ghế, trong khi đảng của cử tri đỏ chỉ giành được 1 ghế. Hiện tượng này gọi là gerrymandering trong bầu cử.
    Hình 2: Minh họa gerrymandering
    -       Thứ tư là khuyến khích cử tri bỏ phiếu chiến lược hơn là bỏ phiếu theo sở thích thực sự của mình. Bỏ phiếu theo sở thích thực sự có nghĩa là bỏ phiếu cho ứng viên hay đảng mà mình thích nhất. Trái lại, bỏ phiếu chiến lược có nghĩa là bỏ phiếu cho ứng viên mình thích song phải là ứng viên có khả năng giành chiến thắng trong thực tế. Ví dụ, từ Bảng 1, ưu tiên bỏ phiếu của một cư tri là cho đảng Green > Labour > Liberal Democrat > Conservative. Nếu cử tri bỏ phiếu cho ứng viên của đảng Green, thì cử tri đang bỏ phiếu theo sở thích thực sự. Tuy nhiên, kết quả thăm dò cho thấy ứng viên này chỉ ở vị trí thứ tư, và ít có cơ hội giành chiến thắng. Do đó, việc phiếu bỏ cho ứng viên này trở thành ‘phiếu lãng phí’, tức không ảnh hưởng đến kết quả bầu cử. Kết quả là cử tri này thay vì bỏ phiếu cho ứng viên của đảng Green, sẽ bỏ phiếu chiến lược cho ứng viên của đảng Liberal Democrat (người có cơ hội giành chiến thắng cao hơn trong thực tế) nhằm ngăn chặn ứng viên đảng Conservative giành chiến thắng (ứng viên mà cử tri này ghét nhất).
    -      Thứ năm là khuyến khích tạo ra các đảng sắc tộc trong những nước mà các nhóm sắc tộc sống tập trung ở các khu vực. Khu vực nào mà một sắc tộc chiếm đa số, thì đảng của sắc tộc đó luôn chi phối, và khu vực đó trở thành thành trì của đảng. Kết quả là việc sử dụng hệ thống bầu cử này tạo ra các quốc gia bị chia rẽ về địa lý thành các khu vực riêng do các đảng khác nhau kiểm soát, và không khuyến khích các đảng thu hút cử tri ra bên ngoài khu vực thành trì đảng của mình.
    Tài liệu tham khảo:
    -       Principles of Comparative Politics, Matt Golder và các tác giả.
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org