Một
ngày cuối tháng Mười Một, theo dõi tin tức trên đài phát thanh buổi sáng, tôi
có cảm tưởng như nền giáo dục của Úc đang xuống cấp trầm trọng.
Các
đài phát thanh không ngừng lên tiếng cảnh báo sự xuống cấp của học sinh tiểu học
và trung học về môn toán và khoa học tự nhiên. Một chương trình phát thanh
thách đố độc giả làm một phép chia dài (long division), là 10781 chia 27. Chỉ
có một thính giả gọi điện nói ông ta biết cách tính và đưa ra đáp án là 57 hay
59 gì đó. Phát thanh viên cũng chỉ biết nghe vậy và thú nhận anh ta cũng chẳng
biết ông tính đúng hay sai, mặc dù anh ta là nhà tư vấn đầu tư.
Năng
khiếu và tri thức
Một
trong những đồng nghiệp lấy làm ngạc nhiên trước khả năng tính nhẩm của tôi.
Trước khi người khác đụng đến máy tính, tôi đã có sẵn đáp số, phần lớn là đúng
hoặc gần đúng.
Người
vợ của tôi thì cũng không giỏi tính nhẩm. Chữ nghĩa thì đầy mình, bằng cấp mấy
cái, địa vị xã hội cũng rất cao. Các vấn đề lý thuyết, hay kiến thức về đầu tư
thuế khóa thì giải thích rao rao rành rọt. Tuy nhiên, một trăm chia bốn bằng mấy
thì cũng phải suy nghĩ một chập mới ra. Nếu ra bài toán chia số dài thì không
rõ khi nào mới làm xong và đáp số có đúng không.
Nhà
phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc có lần chia sẻ với tôi rằng ông rất dở số học.
Trong khi đó, trí nhớ của ông về thơ, văn học, văn hóa, hay các vấn đề chính trị
xã hội, có thể nói là siêu đẳng.
Những
người như vợ tôi, như người đồng nghiệp, người phát thanh viên, hay như Nguyễn
Hưng Quốc, có thể không biết làm toán chia dài, nhưng tri thức của họ rất sâu
và rộng về đủ mọi lĩnh vực.
Biết
làm toán chia dài không đồng nghĩa với tri thức.
Văn
hóa tri thức
Có
thể phần lớn người Úc không biết làm toán chia dài, nhưng sự hiểu biết tổng
quát của họ về các vấn đề xã hội, chính trị, luật pháp, kinh tế, là khá cao.
Chính tri thức này đã giúp họ làm chủ cuộc sống của mình cũng như góp phần xây
dựng nên một quốc gia phồn vinh hàng đầu thế giới hiện nay.
Tại
sao một nước ít dân như Úc, khoảng 24 triệu người, chỉ mới hình thành liên bang
năm 1901, lại có nền kinh tế đứng thứ 12 trên thế giới và một nền giáo dục thu
hút sinh viên, học sinh khắp nơi?
Có
nhiều nguyên do, nhưng có thể tóm tắt trong ba điểm chính sau đây.
-
Một, nền giáo dục tôn trọng tự do học
thuật ở mọi cấp bậc và mọi lĩnh vực. Trong nền học thuật này, tinh thần sáng tạo,
khoa học, tháo vát, kiên trì và khát khao thành công vừa là phương tiện vừa là
cứu cánh. Tự do học thuật là chìa khóa của sự phát triển bền vững của một quốc
gia, và là một yếu tố cạnh tranh quan trọng giữa các quốc gia với nhau.
-
Hai, một nền văn hóa đề cao tính đa
nguyên, đa văn hóa và sáng kiến sáng tạo, trong đó tiêu chí để đánh giá con người
không phải là màu da, tín ngưỡng, quan điểm chính trị v.v…, mà là khả năng, tài
năng, trí tuệ, tinh thần khoan dung v.v… Nhờ đề cao tính đa văn hóa mà Úc đã
thu hút nhân tài và giới ưu tú của mọi sắc tộc đến đây làm việc và nhập tịch,
góp phần vượt qua khủng hoảng kinh tế mà nhiều quốc gia tiên tiến từ Hoa Kỳ đến
Âu Châu đã gặp phải trong thập niên qua.
-
Ba, một nền chính trị dân chủ ổn định và
vững mạnh làm nền tảng để mọi địa hạt xã hội có thể phát triển: kinh tế, giáo dục,
thể thao, thương mại, truyền thông, văn học, nghệ thuật v.v… Nhờ nền tảng chính
trị dân chủ này, tính đa nguyên và đa văn hóa cũng như nền tự do học thuật, tự
do ngôn luận và truyền thông đã phát huy mọi tiềm năng, trong phạm vi luật pháp
cho phép.
Tất
nhiên, không có nơi nào hoàn toàn không có sự vi phạm hoặc lạm dụng. Nhưng
trong nền dân chủ ổn định và vững mạnh, khi mọi quyền lực từ cá nhân cho đến
đoàn thể đảng phái phải chịu sự kiểm soát lẫn nhau, chế tài lẫn nhau, cân bằng
quyền lực lẫn nhau, thì nó sẽ hạn chế tối đa sự lạm dụng quyền lực và vi phạm
nhân quyền. Nói cách khác, nếu Úc không có nền tảng chính trị dân chủ thì chắc
chắn không xây dựng được một đất nước và đạt được những thành quả vượt trội như
ngày nay.
Nền
tảng tri thức
Muốn
xây dựng một thế hệ giỏi về toán, về khoa học, học sinh cần phải tiếp cận càng
sớm càng tốt với số học, các bài toán, các môn khoa học tự nhiên, các ý tưởng
sáng tạo và sáng chế mới, các cuộc thí nghiệm khoa học v.v… Quan trọng hơn hết
là tập cho các em thói quen suy nghĩ độc lập, ngoài mọi khuôn khổ giáo điều.
Thay vì tập trung hướng dẫn kỹ thuật thì dồn nỗ lực để phát huy phương pháp luận,
dạy các em cách suy nghĩ và hướng giải quyết vấn đề.
Tương
tự, muốn xây dựng một xã hội dân chủ pháp trị thì ngay từ nhỏ học sinh cần tiếp
cận với các vấn đề chính trị, văn hóa, xã hội một cách hoàn toàn tự do, hoàn
toàn không bị chi phối hay uốn nắn theo một nhân sinh quan hay ý thức hệ cố định
nào.
Tại
Úc, học sinh trung học có quyền tự do chọn các môn trong lĩnh vực Nhân văn và
Khoa học Xã hội (Humanity and social science) ngay từ lớp 7: Các khái niệm dân
sự và công dân cũng như các chính quyền và nền dân chủ từ thời xa xưa cho đến
nay tại Ai Cập, Hy Lạp, La Mã, Trung Quốc, Ấn Độ; hay các vấn đề về luật pháp
và công dân v.v…
Các
chương trình này khuyến khích học sinh phân tích các nguồn tài liệu và dùng dữ
kiện để làm sáng tỏ những vấn đề của quá khứ. Nó giúp cho học sinh đặt những
câu hỏi và trình bày hành động của mình trong hoàn cảnh đó, từ đó đối chiếu với
hiện tại để gia tăng sự hiểu biết của họ đối với các vấn đề địa lý, chính trị
và thương mại trên thế giới ngày nay.
Dùng
phương pháp khoa học – tức điều tra nghiên cứu bằng sự quan sát, cân nhắc, thử
nghiệm, áp dụng công thức, sửa đổi giả thuyết – học sinh sẽ phát triển kiến thức,
hiểu biết và kỹ năng cần thiết để tham gia như một thành viên tích cực và thấu
đáo về các hoạt động xã hội, cộng đồng, quốc gia và quốc tế.
Như
trường trung học Mac Rob tại Melbourne chẳng hạn. Học sinh lớp 9 đã bắt đầu học
các môn Triết học Tây phương. Qua đó, các em tìm lại nguồn gốc sự phát triển của
triết học từ thời Hy Lạp cổ đại qua các phong trào trí tuệ và văn hóa ảnh hưởng
khác nhau cho đến những hoạt động của các nhà triết học Tây phương gần đây.
Triết
học là môn trí tuệ đầy thử thách nhằm mục đích thu hút và trang bị cho học sinh
một quá trình tư duy phê phán, từ việc đặt câu hỏi đến việc tìm câu trả lời. Ba
lĩnh vực cốt lõi của triết học được giới thiệu cụ thể là siêu hình học, nhận thức
luận và đạo đức. Trong khi học triết, các em sẽ tham gia các cuộc thảo luận
liên quan đến các vấn đề hiện tại và sẽ phát triển khả năng để làm rõ khái niệm,
phân tích vấn đề và xây dựng các lập luận hợp lý và chặt chẽ.
Lên
đến lớp 10, trong lĩnh vực nhân văn, học sinh trường Mac Rob có thể chọn môn
Kinh doanh, Thuyết Âm mưu, Sự Thay đổi và Phát triển Môi trường, Luật pháp và
Vô Trật tự, và Sự Hình thành của Thế giới Hiện đại. Trong Thuyết Âm mưu, môn học
này sẽ thách thức các em sử dụng tư duy phê phán để phát hiện hầu lọc ra những
hiểm nguy của công tác tuyên truyền, những thứ mơ tưởng và tinh thần chấp nhận
mù quáng các ý tưởng. Ngoài việc nghiên cứu lý do tại sao mọi người tin vào
thuyết âm mưu, học sinh sẽ tìm hiểu tại sao cần thiết để giữ một tầm nhìn hợp
lý về thực tại.
Lên
đến lớp mười một và mười hai, học sinh ở trường này có thể chọn các môn như
Chính trị Quốc tế, Nghiên cứu Pháp lý, Triết học, Lịch sử Thế kỷ 20 v.v…
Với
vốn kiến thức như thế, khi lên đến bậc đại học hoặc hậu đại học, hoặc bước vào
trường đời, những hiểu biết về con người, xã hội, quốc gia và quốc tế sẽ đưa những
bạn trẻ này đi rất xa trên con đường sự nghiệp, giúp họ đóng những vai trò then
chốt trong chính quyền quốc gia cũng như các cơ quan và công ty đa quốc gia.
Phạm
Phú Khải (Melbourne, Úc)
10/12/2016
10/12/2016