Con Đường Dân Chủ Thực Tiễn Cho Việt Nam ( Phần1/2)

Posted on
  • Thứ Tư, 27 tháng 6, 2018
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • Chánh Nguyễn
    Có được một đời sống ấm no, không sợ hãi trong một xã hội phát triển ổn định là nguyện vọng của mọi dân tộc trên thế giới. Tất cả những diễn biến lịch sử, những phát triển kinh tế, xã hội, và những khám phá khoa học đều đưa đến một kết luận chính trị chung. Chỉ có thể chế dân chủ với một hệ thống chính phủ mà quyền lực của người cầm quyền đương thời bị giới hạn, kiểm soát theo những nguyên tắc dân chủ mới có thể đáp ứng được nguyện vọng của xã hội một cách dài lâu. Chỉ có một chính quyền được dân bầu lên, bị dân kiểm soát, do dân thay đổi thì mới giữ được bản chất là chính quyền của dân và vì dân.
    Sự ưu việt của thể chế dân chủ không còn là một đề tài trong những cuộc tranh luận nghiêm túc ngày nay. Ngay chính độc tài cũng công nhận, cũng phô bày “dân chủ” như một món đồ giả. Giả vụng về, trắng trợn: Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên. Giả mập mờ, lấp liếm: Dân chủ xã hội chủ nghĩa, dân chủ tư bản. Thế nhưng những cải cách để đưa đến một thể chế dân chủ ở Việt Nam, nếu có, thì vẫn rất chậm, rất miễn cưỡng.
    Chính quyền đương thời nào cũng có động lực củng cố và triến khai quyền lực của mình. Khi nền tảng dân chủ chưa có thì chính quyền sẽ chống lại, tìm cách triệt hạ mọi xu hướng đối lập, ngay cả chém giết khi họ thấy cần. Đài Loan và Nam Hàn đều trải qua giai đoạn này dưới thời Tưởng Giới Thạch và Phát Chính Hy (cả hai đều chống cộng). Vấn đề không phải là chủ thuyết hay nhận thức mà là bản chất tự nhiên. Chính quyền Việt Nam đương thời, dân tộc Việt, xã hội Việt cũng không là ngoại lệ.
    Trong nước đã xuất hiện một số người chống lại chính quyền hay chính sách của chính quyền. Nhưng nhiều người vẫn ta thán rằng chưa có phong trào và nhân vật đối lập nào có được sự ủng hộ sâu rộng của quần chúng. Một quan điểm đang thịnh hành trong số những người chống chính quyền trên mạng là quá nhiều người Việt chưa đủ trí tuệ để nhận ra tội ác của chế độ, chưa đủ dũng khí để chống lại chính quyền, và vô cảm truớc những tệ nạn xã hội mà nhà nước phải chịu trách nhiệm. Một dân tộc Việt ngu, hèn, và trơ là lý do họ thường nêu ra để giải thích sự tham gia tương đối tẻ nhạt của người dân trong phong trào đấu tranh cho dân chủ.
    Sự mâu thuẩn lớn trong quan điểm này là tư duy độc tài – tự đặt mình lên trên để nhìn xuống và miệt thị số đông trái ý mình – của một số người đang lớn tiếng hô hào dân chủ. Có thể nghi ngờ họ không hiểu dân chủ thật sự là gì. Thái độ của họ không tạo ra sự tin tưởng rằng nếu được quần chúng ủng hộ thì họ sẽ không đi vào vết xe đổ của Mohamed Morsi. (Được dân Ai Cập bầu lên sau khi chế độ độc tài của Hosni Mubarak sụp đổ, Morsi và đảng Huynh Đệ Hồi Giáo đã nhanh chóng tập trung quyền lực chống lại mọi hoạt đông dân chủ.) Dù vô tình, chính họ đã là một dẫn chứng hùng hồn cho sự ngụy biện của chính quyền rằng đa đảng, đa nguyên chỉ đưa đến loạn lạc. Không có gì lạ khi họ không được đa số người Việt trong nước hổ trợ.
    Một số Đảng viên, cựu Đảng viên lão thành cũng đã nhận ra sự cần thiết của cải cách dân chủ. Nhưng những lời kêu gọi cải cách của họ vẫn chưa và có lẽ cũng sẽ không có hiệu lực gì. Họ không có quyền, không còn nắm những chức vụ quan trọng. Ảnh hưởng của họ, nếu có, chỉ trên bình diện tư duy, tinh thần. Nhưng chính quyền đương thời chống những hoạt động dân chủ không phải vì thiếu suy nghĩ, cần được thức tĩnh mà chỉ vì sự bám víu quyền lợi, một bản chất cố hữu của con người. Những nhân vật như George Washington và Nelson Mandela đều là ngoại lệ, hiếm có. Khách quan mà suy luận thì cái xác suất trong giới lãnh đạo của Việt Nam hiện nay có người đủ quyền và đủ lòng để tiến hành cải cách như Mikhail Gorbachev ở Liên Xô trước đây là rất thấp.
    Không có gì đáng ngạc nhiên khi tất cả những kiến nghị, tâm thư, đề xuất… của những người mong có được một cải cách thể chế thật sự đều đã không đi đến đâu. Ủng hộ dân chủ bằng phương pháp đưa thư, đệ đơn này không những đã không có hiệu quả thực tế mà lại còn có vấn đề về khía cạnh tư tưởng. Có thể nói những người chọn con đường này đã mặc nhiên chấp nhận chính quyền là một thực thể trên dân, có tư cách ban phát cho dân. Dù họ là người có lòng yêu nước, thương dân thì đây vẫn là tư duy lạc hậu của thời phong kiến, hoàn toàn trái ngược với lý tưởng dân chủ.
    Có lẽ vì nhận thấy sự quan trọng của tư duy và phương pháp trong cuộc đấu tranh chống độc tài, một số người đã cho rằng cần phải có một đội ngũ trí thức ưu tú để hướng dẫn quần chúng đấu tranh đòi dân chủ. Thành phần trí thức đi tiên phong này có thể sẽ được đào tạo, học hỏi ở nước ngoài rồi về nước lãnh đạo quần chúng. Họ sẽ là những người vững vàng với lý tưởng, không ngại gian khổ, hy sinh. Sách lược này không phải là mới, đã được áp dụng thành công bởi Hồ Chí Minh cùng các đồng chí của ông để chống lại chế độ thực dân Pháp. Nhưng trong thực tế ngày hôm nay thì sách lược này không thể thực hiện được.
    Câu hỏi quan trọng là những người trí thức này sẽ nói gì, sẽ làm gì để được quần chúng tín nhiệm, tự nguyện đi theo cho họ hướng dẫn, lãnh đạo. Họ sẽ nói gì, làm gì để người dân chịu gánh thêm gian khổ, có thể bị tù đày và hy sinh mà không sợ cảnh “tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa”? Ngoài trường hợp không thực tiễn là có siêu nhân xuất hiện, câu trả lời khách quan sẽ là gáo nước lạnh tạt vào giấc mơ tranh đấu dân chủ theo sách lược này.
    Hơn nữa, khác với những năm ba mươi, bốn mươi của thế kỷ trước, đây không phải là một cuộc đấu tranh chống ngoại xâm. Tất cả những liên hệ đến thế giới bên ngoài sẽ bị chính quyền đương thời tuyên truyền là tay sai của ngoại bang. “Thế lực thù địch”, một khái niệm mơ hồ mà chính quyền vẫn dùng để biện minh cho sự đàn áp những hoạt động dân chủ, đột nhiên sẽ hết mơ hồ. Những người trí thức này sẽ bị chận bắt trước khi họ có cơ hội lãnh đạo, hướng dẫn quần chúng. Đây là một sách lược tranh đấu dân chủ vô kế khả thi nếu người lãnh đạo phải là “trí thức ưu tú” thuộc một trường phái nhất định.
    Những diễn biến chung quanh vụ Trung Quốc kéo giàn khoan xâm phạm lãnh hải Việt Nam vào tháng Năm vừa qua ( tháng 5/2014) đã làm rõ nét hịện trạng giới hạn cũng như một con đường đấu tranh dân chủ có hiệu quả trong tương lai. Phản ứng và thái độ của quần chúng từ những người cành sát biển, phóng viên, đến ngư dân, sinh viên, người già, giới trẻ… chứng tỏ rất nhiều người Việt, có thể là đa số, không hèn và vô cảm, không thờ ơ với vận nước khi có một mục tiêu rõ rệt như chống ngoại xâm. Rất nhiều người đã nhận định chính xác rằng phải có cải cách thể chế mới có thể bảo vệ được chủ quyền lâu dài. Thái độ bí ẩn và phản ứng khó hiểu của chính quyền trong vụ này chứng tỏ rằng đặt tin tưởng vào một chế độ độc tài trong việc bảo vệ chủ quyền chung của đất nước cũng nguy hiểm như tin rằng họ sẽ tạo ra một xã hội chung ngày càng giàu mạnh hơn. Thế nhưng khi câu hỏi ai, tổ chức nào sẽ thay thế nhóm lãnh đạo và Đảng Cộng Sản Việt Nam đuợc đặt ra trên mạng thì những người kêu gọi chống chính quyền đã không có câu trả lời thoả đáng. Phản ứng của họ gây ra ấn tượng là chính họ đang bị bế tắc trong tư duy và trong sự vận động đa đảng, đa nguyên.
    Không thể gạt qua câu hỏi này bằng cách nghi ngờ động lực và trình độ của người hỏi như nhiều người vẫn làm. Bất kể người hỏi là ai, đây là một câu hỏi chính đáng cả trên nguyên tắc và trong thực tế đấu tranh dân chủ. Một câu hỏi quan trọng đòi hỏi câu trả lời rõ ràng, nghiêm túc.
    Trước hết, đây là một câu hỏi thực tế về thực lực đối kháng. Đưa ra một viễn ảnh cụ thể để chứng tỏ sẽ có đủ đối trọng là một việc làm cần thiết nếu muốn được quần chúng tin theo. Cũng là một việc làm vô vọng. Dù muốn hay không, đại dìện duy nhất cho nước Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc hôm nay là nhà cầm quyền đương thời, một chính quyền đã có quan hệ ngoại giao chính thức với các quốc gia lớn. Không một nước dân chủ nào sẽ nhảy vào hổ trợ vũ lực chống chính quyền đó. Ngoại lệ duy nhất, trên nguyên tắc, là khi có nội loạn, nội chiến gây ra quá nhiều chết chóc cho dân lành. (Thực tế thì vẫn rất khó như phản ứng của Anh và Mỹ với tay độc tài Assad ở Syria đã chứng tỏ.) Thế là cách duy nhất để khả dĩ có đủ đối trọng lật đổ chính quyền vẫn phải là sự ủng hộ đông đảo của quần chúng. Nhưng những người kêu gọi cách mạng, đấu tranh lật đổ chính quyền lại không có sự ủng hộ này. Họ vẫn không thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn tạo ra bởi những tư tưởng lỗi thời, không thích hợp với thực tế ngày nay.
    “Nhân dân vùng lên” là một câu khẩu hiệu, không phải là đường lối chính trị. “Dân hèn, ngu, và trơ đông như quân Nguyên” là một biện minh cho sự thất bại chính trị, không phải là một nhận định hữu ích thực tiễn.
    Tạo nên một cuộc cách mạng quần chúng để lật đổ chế độ hiện hành chỉ là một ảo tưởng vì hai lý do cơ bản. Thứ nhất là khi không thấy có đối trọng, không thấy có hy vọng thành công, ta thường chọn con đường để có được những nhu cầu thực tế trước mắt theo bản năng sinh tồn. Người mà nhu cầu thiết yếu của họ bị đe doa sẽ có khuynh hướng vùng lên, liều chết kháng cự, nhưng trong thực tế hiện nay thì tỉ lệ của những người như thế không đủ để làm cách mạng.
    Lý do thứ hai là sự tàn độc không phải là mục đích, là nguyện vọng của nhà cầm quyền độc tài hiện nay ở Việt Nam. Nó chỉ là phương tiện để giữ vững độc quyền, đặc lợi. Chính quyền sẽ thắt nới tùy hoàn cảnh để vừa giữ vững quyền lợi vừa tránh nạn “cùng tắc biến”. Họ đã thành công và không có dấu hiệu gì là họ sẽ thất bại trong tương lai gần như nhiều người vẫn hy vọng.
    Hô hào quần chúng xuống đường đối kháng chính quyền và miệt thị họ ngu, hèn khi họ không đáp ứng là việc làm vô ích, phi dân chủ và gây phản cảm, nhất là từ những người đang được sống ngoài vòng cương toả của chế độ độc tài.
    Thỉnh nguyện không được, vùng lên lại chẳng có mấy ai. Tiến trình dân chủ sẽ như thế nào?
    Câu hỏi “Ai sẽ thay Đảng…?” chính là một cơ hội để những người trí thức chống độc tài khẳng định lại bản chất và mục đích của cuộc tranh đấu cho dân chủ nhằm thu hút sự ủng hộ của quần chúng. Trên nguyên tắc, người đấu tranh dân chủ đúng nghĩa không tranh đấu cho quyền lãnh đạo của một người hay một đảng. Người đấu tranh dân chủ đúng nghĩa tranh đấu cho cái quyền được chọn lựa: Mỗi người dân một lá phiếu. Đấu tranh để có quyền chọn lựa như thế là mới chính là đấu tranh dân chủ. Không phải mọi phong trào chống độc tài đều là đấu tranh dân chủ. Đặt sự chọn lựa đảng phái, chủ thuyết, người lãnh đạo… trước khi có quyền chọn lựa sẽ biến cuộc đấu tranh này thành một sự xung đột giữa những thế lực khác nhau, dễ khiến người dân nghi ngờ hơn là tin cậy.
    Cuộc đấu tranh dân chủ chân chính là cuộc đấu tranh để mọi người dân thật sự có quyền chọn lựa. Chọn lựa cụ thể như thế nào thì tùy dân, là quyền của dân. Theo tinh thần bất hủ của Voltaire (khi ông nói về quyền tự do ngôn luận), người đấu tranh dân chủ chân chính hẳn phải có tâm niệm: Dù tôi không đồng ý với sự chọn lựa của họ, tôi vẫn tranh đấu đến cùng cho quyền được chọn lựa của họ. Người đấu tranh dân chủ chân chính sẽ chống lại mọi khuynh hướng giới hạn quyền chọn lựa của người dân. Ngoại trừ độc tài đương quyền, không ai chống lại mục tiêu và con người đấu tranh như thế: Đấu tranh bất bạo động cho quyền được chọn lựa của mỗi người, của mọi người, bất chấp đảng phái và chính kiến.
    Chỉ bằng cách khẳng định thật rõ ràng rằng mục tiêu đấu tranh là cái quyền được chọn lựa của mỗi người, của mọi người mới có thể thu hút được sự hổ trợ của đông đảo quần chúng. Từ những người vẫn nghĩ rằng Đảng CSVN đã có công trong sự giành độc lập, thống nhất đất nước cho đến những người vẫn tin rằng CS là một đại họa của dân tộc, tất cả (trừ độc tài đương quyền) đều muốn có được cái quyền ấy. Đây là mục tiêu quan trọng tối hậu. Bên cạnh nó, những tranh chấp về các diễn biến lịch sử, đúng sai của những chủ thuyết chính trị, công tội của những nhân vật lịch sử v.v… chỉ là những vấn đề để nghiên cứu và tranh luận khi trà dư tửu hậu, khi đã có được một thể chế dân chủ.
    Dĩ nhiên là độc tài đương quyền sẽ tìm mọi cách, dùng mọi thủ đoạn để trấn áp tất cả những hoạt động đấu tranh dân chủ. Họ sẽ đưa ra mọi lý lẽ để phân hoá, để chứng tỏ cuộc đấu tranh dân chủ chỉ là một sự tranh giành quyền lợi hay có ý đồ làm loạn. Đấu tranh thành công cần phải có đủ một số yếu tố. Quan trọng nhất là làm thế nào để có thể tạo được sự ủng hộ đông đảo, dù âm thầm, của quần chúng. Lý tưởng dân chủ – cái quyền được chọn lựa của mỗi người –  tự nó chỉ là một khái niệm trừu tượng đối với những người phải quần quật, đầu tắt mặt tối để mưu sinh. Tư tưởng và phương pháp đấu tranh cụ thể để có được một tiến trình dân chủ thành công là nội dung của Phần II.
    Nguồn: http://hatechange.org/con-duong-dan-chu-thuc-tien-cho-viet-nam-1/

     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org