Để
một quốc gia chuyển từ độc tài sang dân chủ thì quốc gia đó phải được
trang bị bằng một số yếu tố căn bản, từ tư tưởng chính trị đến cơ cấu xã hội
cũng như dân tình (trí, khí, sinh).
Trong
các yếu tố căn bản nhất này, sự thẩm thấu của người dân về các khái niệm trừu
tượng như tự do, dân chủ và quyền lực là nền tảng. Càng nhiều người dân hiểu biết
về nó càng tốt. Thiếu sự hiểu biết và nhận thức sâu sắc thì mọi nỗ lực để dân
chủ hoá xã hội, chính trị và văn hoá sẽ khó thể nào đưa đến kết quả mong muốn.
Quan
niệm quyền lực
Quyền
lực được phân tích và tranh luận rất sâu và rất rộng trong lĩnh vực khoa học
chính trị và khoa học xã hội.
Chữ
quyền lực/sức mạnh (power) bao hàm nhiều định nghĩa khác nhau, nhưng tựu chung
nó đề cập đến ảnh hưởng (influence) và điều khiển (control).
Quyền
lực có hai ý niệm chính (1): một, năng lực (capacity); hai, quyền (right).
Liên quan đến điểm một, nó là khả năng hay năng lực để tác động, hay điều khiển,
suy nghĩ và hành động của người khác, cho dù người đó không muốn. Liên quan đến
điểm hai, nó là quyền tối cao của một cá nhân hay một chính quyền trong một vấn đề, lĩnh vực nào đó.
Quyền
lực có thể điều khiển, chi phối hay chỉ đạo nhân lực hay tài nguyên/lực của một
nhóm người, cộng đồng, đất nước hay nhân loại về một vấn đề nào đó theo một xu
hướng nhất định nào đó.
Quyền
lực được phân loại tổng quát như quyền lực kinh tế (hay tổng quát là vật chất),
quyền lực chính trị, quyền lực kiến thức (Foucault cho rằng quyền lực là kiến
thức, quyền lực có thể tạo ra các chế độ sự thật), quyền lực quân sự, quyền lực
ý thức hệ v.v...
Một
cách phân loại khác là quyền lực mềm (như văn hóa), quyền lực cứng (như quân sự).
Mới đây có học giả còn đề nghị quyền lực năng lượng (2).
Quyền
lực thể hiện qua ba hình thức khác nhau: vũ lực (quân sự), ảnh hưởng (ý tưởng,
kiến thức, chính nghĩa hay khả năng thuyết phục) và quyền năng (chức vụ hay quyền
hạn đang nắm giữ).
Quyền
lực có thể thiện hoặc ác. Cuộc tiến hoá của con người tuy có những lúc chỉ
thuần tuý là chiến tranh ý thức hệ (như trong thời chiến tranh lạnh), nhưng động
lực đàng sau các tranh chấp này vẫn là bản chất con người: thiện, ác và tính
toán. Động lực nào để một số nhà lãnh đạo quốc gia đi đến những quyết định quan
trọng trong lịch sử, từ Abrahm Lincoln muốn xoá bỏ chế độ nô lệ cho đến Adolf
Hitler xây dựng các lò sát sinh người Do Thái một cách quy mô cho đến Nelson
Mandela chấm dứt chính sách kỳ thị chủng tộc và tha thứ? Động lực nào mà những
người tin tưởng vào thuyết cộng sản lý tưởng như thế giới đại đồng và không
phân biệt giai cấp để rồi khi thực hiện chính nó là tác nhân và chủ nhân của tội
ác lớn nhất đối với nhân loại từ xưa cho đến nay?
Nghiên
cứu lịch sử và văn minh nhân loại, nhất là bản chất vô cùng phức tạp và đa dạng
của con người, các triết gia tiên phong của thời cổ Hy Lạp như Aristotle cho đến
thời (cuối) Phục hưng và Khai sáng như Thomas Hobbes, John Locke, Edmund Burke,
John Stuart Mill, Francois Marie Arouet de Voltaire, vân vân, đều ngờ vực quyền
lực.
Aristotle
thì cho rằng “Đối với con người, khi hoàn thiện, thì là loài động vật tốt nhất,
nhưng khi bị tách ra khỏi luật lệ và công lý, nó là tệ nhất trong tất cả.”
Hobbes thì nhấn mạnh rằng cuộc sống trong trạng thái tự nhiên sẽ là “cô đơn,
nghèo nàn, xấu xa, hung tợn và ngắn ngủi”.
Trước
thời văn minh Hy Lạp cho đến thời trung cổ, tuy có những gian đoạn ngắn ngủi của
nền dân chủ ban đầu như Athen (mặc dầu tiến bộ nhưng phụ nữ và nô lệ bị loại trừ),
các lãnh chúa, vua chúa hay nói chung là giới cai trị coi người bị trị không ra
gì. Khi lên cầm quyền, giới cai trị hầu như nắm mọi quyền sinh sát trong tay. Tự
do cá nhân hoàn toàn không hiện hữu.
Quan
niệm tự do
Điều
kiện căn bản để sống còn đối với con người là không khí, nước uống, thức ăn,
sau đó đến quần áo, chỗ ở và sau đó là những thứ cao xa hơn. Nhưng con người
không giống các loài động vật khác ở chỗ năng lực tinh thần: có trí nhớ và biết
suy nghĩ. Khi năng lực tinh thần càng cao, trí tưởng tượng càng phong phú, khả
năng nhận xét càng khoa học và lý luận càng hệ thống, người ta càng thấy có nhu
cầu được suy nghĩ tự do, độc lập ngoài mọi khuôn khổ. Qua kinh nghiệm và nhận
thức, các nhà tư tưởng lớn nhận ra rằng các khuôn khổ suy nghĩ hay thước đo trước
đó đều có thể hay và tốt nhưng không nhất thiết là mẫu mực hay chân thiện mỹ để
tuân theo.
Các
triết gia tiên phong ngay cả thời cổ Hy Lạp như Aristotle nhận ra rất rõ rằng
chỉ có tự do mới thật sự giải phóng con người ra khỏi bóng tối, u mê. Không phải
ai có tự do cũng có nghĩa là được khai sáng, nhưng tự do là điều kiện căn bản
cho toàn xã hội.
Tuy
nhiên, tự do trong trạng thái tự nhiên (tuyệt đối hay không giới hạn), một mặt,
sẽ dẫn đến hậu quả như Hobbes biện luận. Nó có khả năng dẫn đến tình trạng xâm
phạm quyền tự do của người khác mà nhiều người, kể cả Abrahm Lincoln, đã từng
hùng biện. Mặt khác, không có tự do mà chỉ có chuyên chính (mọi thứ đều do người
khác quyết định, ban phát) thì con người chẳng khác gì nô lệ.
Không
có tự do để suy nghĩ, lý luận, phân tích, trình bày các tư tưởng, khám phá mới,
cho dù có ngược với các khung sườn suy nghĩ hay các bảng giá trị cũ, thì sẽ
không có tiến bộ, nhất là về mặt nhân văn, như đã thấy trong thời trung cổ, và
ngay cả dưới các chế độ độc tài toàn trị.
Nói
cách khác, tự do của người A không đồng nghĩa với tự do của người B. Tự do của
chế độ cai trị/chính quyền không đồng nghĩa với tự do của người bị trị/người
dân. Để mọi người trong xã hội có được tự do một cách bình đẳng, nó phải là sự
tự do không tuyệt đối, được định nghĩa rõ ràng trong các văn bản pháp luật, để
mọi thành viên có sự kết ước cũng như nghĩa vụ với nhau (kết ước xã hội).
Nhận
ra các hạn chế của nền chuyên chính đương thời (giai cấp thống trị, từ vua chúa
đến quan quyền), Locke, một trong những triết gia quan trọng và ảnh hưởng nhất
cho sự tiến bộ của nhân loại về triết học chính trị, lý luận rằng “Con người...
một cách tự nhiên, đều tự do, bình đẳng và độc lập, không ai có thể bị tách rời
khỏi tài sản/sở hữu của mình, và bị bắt buộc phải tuân theo quyền lực chính trị
của kẻ khác mà không được sự chấp thuận của chính mình.” Một số ý niệm chính
trong Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ do Thomas Jefferson biên soạn được trích từ
triết lý của Locke.
Vào
thế kỷ 18, quyền con người chưa được định nghĩa rõ. Triết gia Burke nhận thấy sự
cân bằng giữa tự do (trong trạng thái tự nhiên) và chuyên chính là cần thiết:
“Bản chất của con người là phức tạp; các đối tượng của xã hội có mức độ phức tạp
lớn nhất; và do đó, không có định hướng đơn giản hay chỉ đạo quyền lực nào có
thể phù hợp với bản chất của con người hoặc với chất lượng của các vấn đề con
người... Quyền của con người nằm đâu đó ở giữa, không có khả năng định nghĩa,
nhưng không phải bất khả để nhận thức được. Quyền lực của những người trong
chính phủ là lợi thế của họ; nhưng nó thường là sự cân bằng giữa các quan niệm
khác nhau về cái thiện; thỉnh thoảng là sự thoả hiệp giữa cái thiện và cái ác;
và thỉnh thoảng là giữa các cái ác với nhau.”
Tuy
phần lớn các triết gia này chịu ảnh hưởng ít nhiều bởi Thiên Chúa giáo, các cuộc
thánh chiến giữa các tôn giáo trước đó đã làm cho họ ngờ vực thêm về quyền lực,
và ngờ vực quyền lực đi đôi với tôn giáo. Đối với họ, muốn có tự do, kể cả tự
do tôn giáo, thì tôn giáo phải tách rời khỏi quyền lực chính trị.
Vì
thế các câu hỏi quan trọng đối với các triết gia và các nhà lãnh đạo quốc gia
trong thời đại Khai sáng là: 1) làm sao để có tự do?; 1) làm sao để duy trì bảo
vệ tự do?; 3) làm sao để tự do tồn tại với thời gian, lâu dài, vĩnh hằng, dù ai
lên nắm chính quyền cũng thế? Tìm được giải pháp cho các câu hỏi trên là giải
quyết được vấn nạn chuyên quyền của con người, của lịch sử.
Quan
niệm tản quyền
Cái
mà ngày nay được gọi là dân chủ, chính là câu trả lời cho các câu hỏi trên.
Nhưng
các triết gia tiên phong thời đó không đề cập nhiều đến ý niệm dân chủ, kể cả
Locke. Đối với Locke, định luật tự nhiên là người dân phải hoàn toàn được tự do
chấp thuận kẻ cai trị mình.
Nói
cách khác, chuyên quyền không phải là định luật tự nhiên của con người, và người
dân có chính nghĩa làm cuộc cách mạng thay thế chính quyền nếu chính quyền đó
đi ngược lại nguyện vọng hay quyền lợi của người dân.
Để
kẻ thống trị không chuyên quyền, không nắm quyền sinh sát và sử dụng quyền lực
tuỳ tiện, thì quyền lực tổng thể không nên tập trung mà phải được tản quyền.
Nghĩa là phải được phân chia, cân bằng và kiểm soát. Quyền lực phải nằm trong
tay càng nhiều thành phần xã hội càng tốt, cho toàn dân càng tốt. Vấn đề tham
gia trực tiếp vào các sinh hoạt chính trị cũng được cân nhắc, suy tính. Nhưng
thể thức dân chủ tham gia trực tiếp (participatory democracy) chỉ có thể áp dụng
cho một thành phố nhỏ. Vấn đề địa lý, di chuyển, thông tin, giáo dục hay các việc
tổ chức vận hành cho nền dân chủ trực tiếp này cho một đất nước lớn hơn một
thành phố là điều bất khả, thời đó và ngay cả bây giờ.
Vì
các lý do thực tế của xã hội thời đó, nên những triết gia như Charles de Secondat,
Baron de Montesquieu vào năm 1748 (và có dữ kiện còn đi xa hơn nữa, cho rằng
Aristotle thời cổ Hy Lạp đã có những tư tưởng tương tự, nhưng Aristotle cũng chỉ
ủng hộ dân chủ cho giới ưu tú), biện luận rằng chính quyền/nhà nước nên chia
thành ba nhánh khác nhau để cân bằng và kiểm soát quyền lực của nhau, tránh quyền
lực tập trung vào một nhóm nào đó.
Hoa
Kỳ là quốc gia đầu tiên áp dụng thành công các tư tưởng chính trị cấp tiến này
để thiết kế một nhà nước tam quyền phân lập. Các nhà lập quốc Hoa Kỳ và các
thành viên của quốc hội thời đó, tuy không nhất thiết đồng quan điểm lúc ban đầu,
nhưng sau đó đều chấp thuận thông qua đề nghị tu chính hiến pháp để bảo đảm quyền
con người từ quyền lực của chính quyền. Tu chính án một đến mười của hiến pháp
được chính thức thông qua ngày 15 tháng Mười Hai năm 1791, sau này được biết đến
là Bộ luật về quyền (Bill of rights).
Vai
trò lãnh đạo của Hoa Kỳ đã tác động sâu xa lên nền chính trị thế giới trước và
sau Đệ nhị Thế chiến, nhất là trong vai trò lãnh đạo khối tự do trong thời chiến
tranh lạnh đối với chủ nghĩa cộng sản, và nỗ lực truyền bá nhân quyền và dân chủ
trên toàn thế giới qua các định chế mà Hoa Kỳ nỗ lực thành lập để bảo toàn nền
Trật tự Thế giới Tự do (Liberal International Order). Hoa Kỳ đã đạt được những
bước tiến đáng kể cho nhân loại về mặt này trước và sau thời chiến tranh lạnh.
Người
Mỹ, dù ai lên làm tổng thống đi nữa, kể cả Donald Trump, thì hành pháp cũng sẽ
bị giới hạn quyền lực trong phạm trù hiến pháp, và được cân bằng quyền lực bởi
các ngành tư pháp, lập pháp, truyền thông cũng như sự đa dạng của các lĩnh vực
tư và sự sinh động của xã hội dân sự, như chúng ta đã thấy rất rõ từ khi Trump
lên làm tổng thống. Bài phát biểu của Trump tại Liên Hiệp Quốc mới đây cho thấy
các chính sách ngoại giao của Trump rồi cũng không khác mấy so với các vị tiền
nhiệm (3). Nghĩa là ai lên tổng thống rồi cũng sẽ đi vào khuôn khổ chung do sự
tác động đa chiều và phức tạp của bao nhiêu tác nhân chính trị (political
actors) tại quốc gia này.
Một
sự tản quyền thích đáng trong hoạt động chính trị của bất cứ xã hội nào.
Tư
duy nghi vấn
Thành
công lớn nhất của Hoa Kỳ cho đến nay, tuy không hoàn hảo, chính là do ngay từ
lúc ban đầu các nhà lập quốc đã xây dựng nền tảng quốc gia qua các triết lý
chính trị đúng đắn, tích cực và cấp tiến. Trong đó, các nhà lập quốc và lãnh đạo
quốc gia Hoa Kỳ có tư duy nghi vấn quyền lực một cách mạnh mẽ.
Họ
tin tưởng mãnh liệt rằng những ai lên nắm chính quyền thì đến một lúc nào đó
cũng phải xuống để người khác lên, không ai vĩnh viễn tồn tại. Càng kéo dài cai
trị càng hư hỏng, không chỉ hết sáng kiến và năng lực mà còn tham quyền cố vị.
Vì quyền lợi lâu dài cho đất nước, tất cả đều muốn xây dựng một thể chế có nền
tảng vững chắc, ai lên ai xuống thì nền tảng cũng phải vững chắc để duy trì ổn
định xã hội, để sự phát triển được tiếp tục không ngừng, nhất là khi đứng trước
các thử thách lớn của thời đại. Tổng thống thì chỉ được tối đa hai nhiệm kỳ,
ngoại trừ tổng thống Franklin Delano Roosevelt bốn nhiệm kỳ nhưng sau ông không
còn ai nữa do tu chánh án số 22 (hiệu lực từ ngày 27 tháng 2 năm 1951).
Dần
dần tất cả mọi người, từ công dân bình thường cho đến chính trị gia, chuyên gia
trong mọi ngành của nhà nước, qua thông tin và giáo dục phổ thông, đều tin tưởng
mãnh liệt rằng bất cứ chính quyền nào, dù lương thiện và tử tế mấy, cũng không
thể có quá nhiều quyền quyết định các vấn đề hệ trọng của đất nước. Người dân,
các xã hội dân sự, các cơ quan truyền thông v.v... phải có bổn phận luôn luôn cảnh
giác, phòng ngờ và lên tiếng cảnh báo những sai lầm, những chính sách không
đúng đắn, hoặc bất lợi, cho người dân, đất nước hay nhân loại. Tu chánh án hai
trong Bộ luật về quyền nói trên cho phép người dân sở hữu súng để tự vệ và chống
lại áp bức, nhất là từ chính quyền.
Theo
học giả Graham Allison, sự khác biệt chính giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa là rằng người
Mỹ coi chính phủ là một điều tồi tệ cần thiết; người Mỹ cũng tin rằng xu thế của
nhà nước đối với bạo quyền và lạm quyền phải được lo ngại và hạn chế. Trong khi
đó đối với người Trung Hoa, chính phủ là một điều cần thiết, là trụ cột cơ bản
đảm bảo trật tự và ngăn ngừa sự hỗn loạn... Văn hoá Trung Hoa không đề cao chủ
nghĩa cá nhân kiểu Mỹ, trong đó đánh giá xã hội bằng cách bảo vệ quyền lợi của
mình và nâng cao quyền tự do cá nhân. Thực tế, thuật ngữ "chủ nghĩa cá
nhân" của Trung Hoa - gerenzhuyi - cho thấy chủ nghĩa cá nhân là một sự bận
tâm ích kỷ với chính bản thân mình hơn cộng đồng của mình. Từ ngữ tương đương của
Trung Hoa với "cho tôi tự do hay cho tôi cái chết" sẽ là "cho
tôi một cộng đồng hài hòa hoặc cho tôi cái chết." Đối với Trung Hoa, trật
tự là giá trị cao nhất, và kết quả hoà hợp từ một hệ thống phân cấp, trong đó
những người tham gia cần tuân thủ điều kiện đầu tiên của Khổng Tử: Biết vị trí
của mình trong xã hội (4).
Có
lẽ vì tư duy này (không phải tất cả, chủ yếu là giới lãnh đạo) nên nước Trung
Hoa vẫn chưa có dân chủ và nhân quyền không hề được tôn trọng. Mao Trạch Đông
là thủ phạm của mấy chục triệu người chết trong các chính sách vô cùng sai lầm
và tai hại của ông nhưng rồi không ai chịu trách nhiệm về những cái chết oan
khiên đó. Đặng Tiểu Bình và bao nhiêu lãnh tụ của Trung Hoa là thủ phạm của biến
cố Thiên An Môn, của bao nhiêu sự vi phạm nhân quyền trầm trọng trong mấy chục
năm qua. Họ cũng chưa chịu trách nhiệm chính thức với người dân về các tội ác lớn
lao này. Quyền sinh sát vẫn nằm trong tay một thiểu số nắm mọi quyền lực, trong
thời điểm này là Tập Cận Bình.
Quyền
lực có thể nói có một sức quyến rũ ma lực. Những nơi mà thiếu các cơ quan và
ban ngành kiểm soát và cân bằng quyền lực một cách hiệu quả, thiếu các cơ quan
truyền thông độc lập, thiếu năng lực của các lãnh vực tư và các tổ chức xã hội
dân sự mạnh mẽ, thì quyền lực rồi cũng nằm trong tay một thiểu số, phe nhóm, bè
phái để rồi họ tự tung tự tác và kéo dài sự cai trị và tội ác của họ lên trên
chính người dân của họ. Những xã hội như thế sẽ tiếp tục chìm đắm trong bóng tối
của các ác và sợ hãi, và sẽ mất rất nhiều công sức và thời gian để phục hồi niềm
tin và tìm con đường tiến lên cho con người và đất nước của mình.
Điều
rõ ràng là bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân của các bạo chúa, các nhà độc tài
hay các chế độ chuyên quyền. Ngay cả thân nhân trong gia đình cũng không tránh
khỏi các vụ đấu đá, tranh chấp quyền lực với nhau. Trong lịch sử Trung Hoa và
thế giới cũng không thiếu bao nhiêu trường hợp như thế. Thí dụ gần nhất là Kim
Jong Un đã ra lệnh giết hại người anh của mình. Con người không phải ai cũng xấu,
và lịch sử luôn có bao trường hợp của các nhà lãnh tụ anh minh, luôn thương yêu
và luôn vì quyền lợi của đất nước dân tộc. Nhưng đây cũng chỉ là trường hợp thiểu
số và ngoại lệ. Đại đa số khi nắm quyền lực trong tay thì không muốn buông thả,
trừ phi bị bắt buộc do chính cơ chế đó.
Trong
thế kỷ 19 Lord Acton nhận định rằng “quyền lực làm hư hỏng, quyền lực tuyệt đối
làm hư hỏng tuyệt đối”. Đúng là một lời tiên tri, vì các chế độ độc tài, phát
xít và cộng sản trong thế kỷ 20 đã làm hư hỏng tuyệt đối, do các chế độ cai trị
này đã nắm mọi quyền sinh sát trong tay và đã sẵn sàng sử dụng nó cho các mục
tiêu hoàn toàn ảo tưởng của họ. Chiến tranh thế giới và các cuộc tàn sát, diệt
chủng và tội ác đối với nhân loại, sẽ vĩnh viễn là các vết dơ lịch sử
Đại
đa số người dân trưởng thành trong thể chế chính trị và văn hoá cấp tiến thường
có suy nghĩ phê phán và thái độ ngờ vực đối với mọi vấn đề, nhất là quyền lực.
Nó nằm trong văn hoá, suy nghĩ, thái độ sống của họ. Họ không dễ dàng tin cho
đến khi có đủ bằng chứng để thuyết phục họ. Họ tôn thờ sự thật và bỏ công đi
tìm cho đến khi nào thoả mãn đã đạt được hay đã đến gần được sự thật. Nhờ thế
mà họ nỗ lực tìm hiểu, nghiên cứu và thực hành cái gì cũng tới nơi tới chốn. Nhờ
thế mà họ đạt đến đỉnh cao của khoa học, văn học, xã hội học hay mọi lãnh vực học
thuật đúng theo ý nghĩa của nó. Một quốc gia càng có tỷ lệ dân chúng có óc phê
phán như thế thì càng có khả năng chọn người thích hợp và có trách nhiệm vào
các cơ quan hành pháp và lập pháp, kiểm soát quyền lực của các ngành này, cũng
như góp phần xây dựng và phát triển ngành truyền thông và các tổ chức xã hội
dân sự hiệu quả.
Quan
niệm dân chủ
Tự
do, hạnh phúc, sự sống trong nhân phẩm v.v... là mục tiêu tối hậu của con người,
của mọi thời đại.
Dân
chủ, thật ra, không phải là cứu cánh. Dân chủ chỉ là phương tiện và là tiến
trình.
Cho
đến nay nó đã chứng minh là phương tiện, là thiết chế, bảo đảm tự do một cách hữu
hiệu nhất. Nó cũng là tiến trình không ngừng nghỉ, bởi chính nó không hoàn hảo
nhưng có khả năng tự điều chỉnh. Nếu có tư tưởng đúng đắn để thiết kế nền dân
chủ ngay từ lúc ban đầu, các thế hệ về sau sẽ luôn có thể điều chỉnh nó cho
thích hợp và hiệu quả hơn cho thời đại của mình.
Winston
Churchill từng tuyên bố vào ngày 11 tháng 11 năm 1947: “Nhiều hình thức chính
phủ đã được thử nghiệm, và sẽ được thử nghiệm trong thế giới tội lỗi và thù nghịch
này. Không ai giả vờ rằng dân chủ là hoàn hảo hay tuyệt khôn ngoan. Thực tế người
ta đã nói rằng dân chủ là hình thức chính phủ tồi tệ nhất ngoại trừ tất cả những
hình thức khác đã từng được thử nghiệm theo thời gian...”
Dân
chủ cũng không phải là một hệ thống hiệu quả nhất bởi vì dân chủ là cần phải
cân nhắc, thảo luận, tranh luận rất triệt để và cuồng nhiệt để sau cùng thoả hiệp
với nhau vì quyền lợi chung. Một người tôi quen biết, cựu thẩm phán tại Hoa Kỳ,
từng chia sẻ rằng quốc hội Hoa Kỳ làm việc như con rùa. Dù thế, thà chậm mà chắc.
Trong quá trình không hoàn hảo đó, người dân trong mọi khuynh hướng xã hội đều
có thể đóng góp ý kiến, tham gia, biểu tình, phản đối hay vận động tối đa để tạo
áp lực lên hành pháp và lập pháp để họ lắng nghe ý kiến của mình. Các quyền tự
do thì luôn được bảo đảm và tôn trọng.
Cố
Thủ tướng Úc Malcolm Fraser, một trong những khuôn mặt lãnh tụ quốc gia lớn nhất
của Úc và có tầm quốc tế, đã nhìn nhận rằng những ai đi tìm một hệ thống chính
quyền hoàn hảo thì khó thể nào tìm thấy nó. Những ai đi tìm một số nguyên tắc
chung để có thể áp dụng cho mọi hoàn cảnh thì sẽ bị lạc đường. Theo ông một
chính quyền tốt thì phải dân chủ và nhất thiết phải thực dụng. Mỗi thời đại
có những vấn đề và thử thách khác nhau, cho nên các quyết định cần phải được hướng
dẫn bởi triết lý nhưng điểm mấu chốt là phải dựa vào bằng chứng thực
nghiệm. Trong khi đó các lý thuyết chính trị của chủ nghĩa cộng sản và chủ
nghĩa xã hội đã hoàn toàn thất bại và các chế độ chuyên quyền cũng vậy bởi vì họ
thuần tuý sử dụng một số nguyên tắc (như các nghị định/quyết) và tìm cách áp dụng
cho mọi trường hợp. Làm như thế thì nó phản lý luận, phản ý thức thông thường của
con người (5).
Chính
phủ cấp liên bang (và cả các tiểu bang/lãnh thổ và địa phương), trong một chế độ
dân chủ pháp trị đích thực, như Úc, không phải chỉ chịu trách nhiệm trước hành
pháp (quốc hội), tư pháp (toà án), mà hàng ngày các lãnh đạo quốc gia từ thủ tướng
đến các bộ trưởng phải trả lời các thắc mắc của truyền thông và công chúng. Bất
cứ một chính sách nào cũng bị vặn hỏi và được tranh cãi sâu sắc. Chính phủ cũng
được giám sát bởi chính các cơ quan, mặc dầu thuộc nhà nước, nhưng hoạt động
hoàn toàn độc lập, như Uỷ Hội Nhân quyền Úc (the Australian Human Rights
Commission) để báo cáo mọi vi phạm nhân quyền trong phạm trù trách nhiệm pháp
lý của nước Úc. Ngoài ra, mọi cơ quan mọi địa hạt đều có các thanh tra viên
liên bang (Commonwealth Ombudsman) giám sát và điều tra các hành động và quyết
định của các cơ quan chính phủ có hợp pháp và hợp lệ không. Các đảng phái chính
trị lớn của Úc cũng có nhiều cách thức chế tài hay hạ bệ một lãnh đạo nào đó nếu
không được đa số công chúng ủng hộ hoặc nếu có hành vi bất xứng. Nhưng trên hết,
để được công chúng tin tưởng mình và tiếp tục ủng hộ mình, chính phủ và mọi cơ
quan công quyền đều phải chứng minh khả năng, hiệu quả và tinh thần trách nhiệm
của mình vào mỗi thời hạn nhất định trước quốc hội. Vì thế tinh thần làm việc
liêm chính, không tham nhũng, luôn vì quyền lợi tối thượng của đất nước vân
vân, phải được chứng minh.
Nên
nhớ nền dân chủ Úc không hề hoàn chỉnh. Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, phụ nữ mới
bắt đầu được quyền bầu cử và sau đó không lâu được quyền ứng cử sinh hoạt chính
trị. Người thổ dân Úc hoàn toàn không được quyền gì cả và bị đối xử phân biệt tồi
tệ. Chính sách Người Úc Trắng đã phân biệt đối xử một thời gian dài nhưng được
xoá bỏ hoàn toàn vào đầu thập niên 1970. Cho đến tận ngày hôm nay, người phụ nữ
trong vai trò lãnh đạo trong mọi ngành xã hội vẫn chưa được trả lương như người
khác phái mình. Các cập hôn nhân đồng tính LGBTI vẫn chưa được chính
thức công nhận. Nói chung một số giá trị nhân quyền phổ quát vẫn chưa được hoàn
toàn bảo đảm hay công nhận tại Úc.
Các
bài học cho Việt Nam
Các
ý niệm về quyền lực và quyền con người như đã nói trên đã được phổ biến rộng
rãi trong các xã hội tân tiến Âu, Mỹ, Úc v.v..., hướng dẫn giới lãnh đạo chính
trị và xã hội tại các nơi này cấu tạo nên nền móng chính trị dân chủ bền vững để
bảo đảm tự do cho mọi cá nhân trong xã hội đó.
Trong
khi đó người dân thuộc các quốc gia chậm tiến, nhất là các quốc gia đã chịu ách
thống trị của các chế độ thực dân trong nhiều thập niên của thế kỷ 19 và 20, và
rồi chế độ cộng sản toàn trị trên nhiều thập niên qua, điển hình là Việt Nam,
đã không có cơ hội tiếp cận được nhiều các tư tưởng chính trị quan trọng này.
Trong
nhiều thập niên của thế kỷ 20, một phần dân tộc đã tin vào chủ nghĩa cộng sản
như là cứu cánh không chỉ cho nền độc lập nước nhà mà còn là sự tự do, ấm no và
hạnh phúc của mọi người dân. Cái bánh vẽ này đã được sử dụng trong suốt cuộc
chiến Việt Nam cũng như từ khi cuộc chiến chấm dứt mãi cho đến gần đây. Một thiểu
số đảng viên ĐCSVN đã nhìn ra được vấn đề, và đã can đảm gióng lên tiếng nói
khi thấy đảng đi ngược lại nguyện vọng của đất nước dân tộc. Nhưng họ chỉ là một
thiểu số lẻ loi và đã bị nghiền nát ngay lập tức. Đại đa số còn lại
“ngậm bồ hòn khen ngọt” và bám theo đảng vì quyền lực và quyền lợi, mặc kệ
tương lai của đất nước đi về đâu.
Quyền
lực vẫn tiếp tục nằm trong tay một thiểu số nhỏ, nắm mọi quyền sinh sát, sử dụng
đủ mọi thủ đoạn, bất chấp mọi tiếng kêu than oán.
Ngoài
20 năm ngắn ngủi của nền Việt Nam Cộng Hoà, tự do vẫn chỉ là ước mơ của toàn
dân tộc mà không biết đến bao giờ mới trở thành sự thật.
Hai
triết gia Mill và Voltaire của thời đại Khai Sáng đã lý luận sắc bén về quyền
được sống, được nói và được miễn áp bức. Mill viết: “Mục tiêu duy nhất để quyền
lực có thể được sử dụng một cách chính đáng nhất đối với bất cứ một thành viên
nào trong một cộng đồng văn minh, ngược lại với ý muốn của người đó, là để ngăn
chặn sự tổn hại đối với người khác”. Luật hình sự và luật chống khủng bố, chẳng
hạn, tại các quốc gia văn minh ngày nay thể hiện rõ tinh thần này.
Voltaire
tuyên bố câu nổi tiếng rằng dù không chấp nhận những gì người khác nói, ông sẽ
bảo vệ đến chết quyền được nói của người đó. Voltaire hiểu rõ nếu không bảo vệ
quyền tự do ngôn luận cho người khác thì quyền tự do ngôn luận của ông cũng sẽ
bị đe doạ. Tự do ngôn luận là một trong các quyền căn bản nhất để mọi người
trong mọi xã hội có thể đi tìm sự thật (tương đối), đề cao các giá trị văn
minh và nhân bản, và phơi bày mọi bất công dối trá. Không có tự do ngôn luận
thì chế độ cầm quyền quyết định chế độ sự thật. Cho nên nếu không cùng
nhau bảo vệ tự do ngôn luận thì độc đoán độc quyền và độc tài sẽ ngự trị, và rồi
mọi tiếng nói khác biệt hay đối lập sẽ dần dần bị triệt tiêu. Cái ác từ đó sẽ
lên ngôi.
Tự
do (cái khát vọng muôn đời của con người, để được sống trong nhân phẩm, để được mưu
cầu hạnh phúc, để không bị tuỳ tiện xét xử hay ban cho) kể từ đó trở thành
thang giá trị quan yếu của hầu hết các lãnh đạo quốc gia theo xu hướng dân chủ
cấp tiến (liberal democracy) và cả dân chủ xã hội (social democracy của Bắc
Âu, không phải chủ nghĩa xã hội kiểu giai đoạn chuyển tiếp của chủ nghĩa cộng sản
trong tư tưởng của Karl Marx).
Để
Việt Nam có được tự do dân chủ thật sự trong tương lai, và để tránh tối đa sự lạm
quyền, tiếm quyền, và nhất là chuyên quyền, một trong những điều căn bản mà người
dân Việt Nam phải cố bắt chước học hỏi, tốt nhất là ngay từ bây giờ, là tư duy
nghi ngờ quyền lực. Điều cần ghi nhớ trong đầu là mọi chính quyền, tốt lẫn xấu,
đều muốn tối đa quyền lực của mình để thực hiện các mục tiêu chính trị đề ra. Nếu
không cân bằng quyền lực, nếu không kiểm soát được họ nữa, thì dù bắt đầu bằng
tất cả thiện chí và thành tâm, quyền tự do của mỗi người sẽ dần dần bị lấn át một
ngày nào đó không hay.
Vì
lẽ đó nên trong hiện nay và tương lai, khi một người tham gia vào một đảng phái
hay tổ chức chính trị nào đó để vận động tranh đấu cho dân chủ nhân quyền, người
đó cũng phải luôn đề phòng bất cứ cá nhân nào trong tổ chức mình nắm quá nhiều
quyền hành trong tay, đặc biệt khi họ có thái độ hay cung cách hành xử độc
đoán, độc tài. Ngay cả khi Việt Nam có được dân chủ thật sự, mà tổ chức hay đảng
chính trị mình tham gia bắt đầu có những hành vi xiết chặt quyền tự do ngôn luận
hay báo chí, chẳng hạn, thì mình phải có trách nhiệm lên tiếng. Mỗi người phải
có thái độ ngờ vực với các xu hướng chuyên quyền, độc đoán. Tư duy và hành xử
như thế mới thật sự đặt quyền lợi của đất nước dân tộc lên trên đảng phái, tổ
chức mình. Nó sẽ giúp cho đất nước và xã hội vượt qua được những lãnh tụ có
tham vọng thâu tóm quyền hành trong tay để trở thành độc tài. Nếu không quan
tâm để ý và không nhìn ra kịp thì các quyền tự do này một ngày nào đó cũng sẽ
không còn nữa. Điển hình là trường hợp của Nga và Thổ Nhỉ Kỳ hiện nay.
Có
thể nói đa số người Việt Nam không phân biệt rõ ràng quyền lợi của đất nước dân
tộc với quyền lợi của đảng phái hay giai cấp cầm quyền. Trong khi đó giai cấp
thống trị luôn tìm cách lấp liếm nhập nhằng, nhập cả hai thành một, nhưng không
phải vậy. Không phân biệt rõ ràng hoặc không dám lên tiếng thì cái đảng mà cả đời
mình hy sinh cho lý tưởng lại đứng trên đầu trên cổ mình và dân tộc mình.
Đối
với người Việt Nam, chủ nghĩa sùng bái cá nhân và tôn thờ lãnh tụ đã ăn sâu vào
tâm khảm của một dân tộc cứ mãi lầm than, vì triền miên chiến tranh, vì văn hóa
chính trị. Sự tôn thờ lãnh tụ, vốn đã trầm trọng nay còn tệ hại hơn do hệ thống
tuyên truyền. Nó là cản trở lớn để tư duy con người thoát khỏi khuôn khổ đã bị
đóng khung bấy lâu nay. Não trạng như thế cần phải được thay đổi sâu sắc. Cần một
cuộc cách mạng tư duy.
Để
bảo đảm cho sự phát triển liên tục, miên viễn, ổn định và hài hoà, điều kiện quan
yếu là phải có tự do tối đa cho mọi người. Tổng trưởng Tư pháp của Úc hiện nay
Thượng Nghị sĩ George Brandis từng biện luận rằng tự do, tối đa tự do, là giá
trị quan yếu, trên tất cả mọi giá trị. Ông viết: “Trong hàng trăm năm, con người
đã chiến đấu và chết vì các giá trị tự do/cấp tiến. Ngày nay, những người cấp
tiến ở Úc may mắn sống trong một xã hội tương đối hài hoà với niềm tin của họ.
Sự nguy hiểm của lòng nhân ái là tính tự mãn: tất cả đều dễ dàng tự mãn với những
thành tựu kiên cố mà chủ nghĩa cấp tiến đã đạt được; tất cả đều quá dễ quên những
gì làm cho chúng ta thành những người cấp tiến" (6). Cựu thủ tướng thuộc Đảng
Cấp tiến của Úc Robert Menzies và đương kiêm thủ tướng Malcolm Turnball cũng
tin tưởng tuyệt đối vào tự do. Menzies nói “Chúng tôi đại diện cho tự do” (We
stood for freedom). Tự do là mục đích của phong trào chính trị của đảng, và
Turnball cho rằng chính nó là “sợi chỉ vàng của lịch sử chúng ta”, nối liền quá
khứ với hiện tại và tương lai.
Hiện
giờ, khi người dân Việt Nam đang bị tước đoạt mọi quyền tự do, sự trang bị cho
tư duy nghi ngờ mọi quyền lực của chế độ hiện nay cũng là điều kiện cần thiết,
là bước quan trọng đầu tiên, để đem lại thay đổi cho Việt Nam.
Không
có tư duy này thì mọi nỗ lực xây dựng dân chủ và phát huy nhân quyền sẽ không
có nền tảng vững chắc để phát triển ổn định và bền vững về sau, ngay cả khi đã
đạt được một hình thức dân chủ nào đó. Không có tư duy này thì độc đoán chuyên
quyền sẽ ngự trị mãi trên quê hương Việt Nam.
Mục
đích chính yếu để xây dựng thể chế chính trị dân chủ trong nhiều thế kỷ qua là
để bảo đảm quyền tự do cho mỗi người được bình đẳng trước pháp luật. Để phát
huy tinh thần dân chủ ngày một tốt hơn, mỗi cá nhân trong xã hội phải trao dồi
suy nghĩ phê phán và ghi vào tim óc tính ngờ vực quyền lực. Nếu quên thì sẽ mất.
Mà đã mất rồi thì rất khó lấy lại được. Sẽ tốn bao nhiêu mồ hôi, máu và nước mắt.
Như bao nhiêu bài học lịch sử đã chứng minh.
Điều
sau cùng tôi xin được chia sẻ, sau khi trình bày các quan niệm nền tảng trên,
là tư tưởng chính trị. Tư tưởng chỉ đạo hành động. Tư tưởng nghèo nàn thì hướng
đi sẽ nghèo nàn. Muốn làm việc lớn thì phải có tư tưởng lớn. Muốn làm việc đúng
đắn thì phải có suy nghĩ đúng đắn. Cơ hội đất nước chuyển mình vươn lên tuỳ thuộc
vào suy nghĩ của cái đa số người dân trong xã hội đó. Không có gì là khó cả.
Não trạng của một người, dù già hay trẻ, đều có thể thay đổi, nếu chịu khó trao
dồi, học hỏi. Quan trọng nhất là phải nhận thức được rằng mình cần trao dồi, học
hỏi, thay đổi tư duy. Ngay cả những người Việt ở hải ngoại tưởng sống trong các
thể chế dân chủ tiến bộ hàng đầu là đã hiểu và hành xử dân chủ, nhưng không phải
vậy. Tất cả các ý niệm hay tư tưởng chính trị này mang tính triết lý và phức tạp.
Nhiều người tưởng mình đã hiểu thật ra chỉ nắm cái vỏ, không phải cái ruột. Biết
hình thức, không phải nội dung.
Riêng
về quyền lực thôi thì đã bao nhiêu sách chuyên môn xuất bản, từ lý thuyết đến thực
hành. Steven Lukes viết cuốn sách gây nhiều tranh cãi “Quyền lực: Một cái nhìn
triệt để” (Power: A Radical View) (7). Theo Lukes thì quyền lực quyết định (decision
making power) mang tính công chúng nhất, nghĩa là dễ nhận diện nhất. Quyền
lực không quyết định (non-decision making power) thì khó thấy hơn, điển
hình là ảnh hưởng của các đảng phái chính trị đằng sau các lãnh đạo quốc gia,
chẳng hạn như vấn đề nào được ưu tiên thảo luận trong nghị trình. Quyền lực
theo chiều thứ ba là khả năng ngăn chặn những mối bất bình bằng cách định hình
nhận thức, ý thức và sở thích mà qua đó bảo đảm sự chấp nhận vai trò nhất định
trong trật tự hiện có.
Chẳng
hạn trong xã hội Việt Nam dưới chế độ hiện thời, ngoài các quyết định của nhà
nước hay đảng mà người dân thấy được, bao nhiêu quyết định khác – công khai hay
kín đáo – người dân lại không rõ ai đang thật sự quyết định. Và có rất nhiều vấn
đề hệ trọng của đất nước thì hoàn toàn không được nhà nước quan tâm đến. Người
dân cũng không rõ vì sao như vậy, và không biết cá nhân, lực xã hội/chính trị
nào hay định chế nào đang khống chế các vấn đề này, mặc dầu tất cả đều quy về một
mối: Đảng Cộng Sản Việt Nam. Người dân hoàn toàn không nắm rõ các mối nguy và
hiểm hoạ của cuộc sống hôm nay. Họ không có tiếng nói. Họ không dám lên tiếng. Tất cả là vì các quyền tự do ngôn luận
báo chí v.v... hoàn toàn không được công nhận. Thay vào đó là sự áp đặt chế độ
sự thật do sự khống chế tuyệt đối của chế độ cầm quyền. Vì như thế nên chế độ cầm
quyền đã ngăn chặn được phần lớn mối bất bình của người dân để tiếp tục chấp nhận
vai trò của đảng/nhà nước trong trật tự hiện có.
Tóm lại, các vấn đề chính trị và xã hội, hay nói chung là
vấn đề con người, rất phức tạp. Nó đòi hỏi khả năng trí tuệ và tính chuyên môn
cao để có thể phân tích giải nghĩa và thuyết phục đa số người dân.
Nếu
người Việt Nam muốn bắt kịp nước Nhật, hay Úc, hay các nước tiên tiến hiện nay
trong vài thế hệ nữa, thì chúng ta vẫn có thể làm được nếu có đúng triết lý để
chỉ đạo hành động. Tất nhiên sự thành công hay không là do sự quyết tâm, kiên
trì và chương trình hành động thích đáng và khoa học, nhưng trên hết vẫn là do
tư duy đúng đắn của mình. Một tư duy đúng đắn là biết tôn trọng sự thật và nỗ lực
mưu cầu chân thiện mỹ. Muốn đạt được điều này thì điều kiện quan yếu là tự do.
Nếu
không bắt đầu thay đổi tư duy ngay bây giờ thì khi nào chúng ta mới khai phóng
tư duy lệ thuộc để bắt kịp các quốc gia bạn?
Phạm
Phú Khải
Úc
châu, 14/10/2017
Tài
liệu tham khảo:
(1)
Barry Hindess, “Discourses of power: from Hobbes to Foucault”, Cambridge,
Massachusetts, trang 1 đến 22.
(2) Michael T. Klare, “Hard Power, Soft Power, and Energy
Power” The New Foreign Policy Tool, Foreign Affairs,
03/03/2015. Trong cuộc cạnh tranh để giành ảnh hưởng
và ngôi vị siêu cường quốc, Klare
cho rằng quyền lực năng lượng không chỉ nói lên tính cương
quyết kiểu quân sự mà còn cung cấp mức độ đòn bẫy không có trong ngoại giao.
(3) Phát biểu của tổng thống Mỹ tại Liên Hiệp Quốc “Donald
Trump's speech to UN General Assembly: The full transcript”,http://www.abc.net.au/news/2017-09-20/donald-trump-speech-to-un-full-transcript/8962616,
20/09/2017.
(4)
Graham Allison, “China vs. America” - Managing the Next
Clash of Civilizations, Foreign Affairs, September/October 2017 issue.
(5)
Malcolm Fraser, “Common Ground”, Viking, 2002, trang 1 đến 10.
(6)
George Brandis, “The Liberal Party And The Liberal Cause”, the Alfred Deakin
Lecture at the University of Melbourne, 22/10/2009.
(7) Steven Lukes, “Power: A Radical View”, (ấn bản đầu
năm 1974, tái bản năm 2005) Basingstoke: Palgrave Macmillan, (2005).