Bà
Nguyễn Thu Hương, Quản lý cấp cao chương trình quản trị của tổ chức Oxfam
Dự
thảo Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế) đang chờ Quốc
hội phê duyệt tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV vừa khai mạc ngày 21/5 vừa qua
được kỳ vọng sẽ tạo khung pháp lý chính thức cho sự ra đời và phát triển của ba
đặc khu kinh tế là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc
(Kiên Giang).
Sau
khi được thành lập, các đặc khu này sẽ là những cực tăng trưởng mới, lan tỏa sự
phát triển ra toàn nền kinh tế, đồng thời, đây cũng sẽ là nơi thí điểm những thể
chế vượt trội, những chính sách ưu đãi đặc biệt, chưa từng có tiền lệ để
thu hút đầu tư.
Đánh
giá về những ưu đãi trong dự thảo luật, tại hội thảo "Thảo luận về
chính sách ưu đãi thuế tại các đặc khu kinh tế", bà Nguyễn Thu Hương, Quản
lý cấp cao chương trình quản trị của tổ chức Oxfam cho rằng, những ưu đãi của
Chính phủ về thuế trong đặc khu kinh tế chưa thực sự phù hợp.
Theo
bà Hương, dự thảo luật nên xem xét lại các chính sách ưu đãi thuế tại các đặc
khu kinh tế. Những bất bình đẳng trong nghĩa vụ đóng thuế đang là một trong những
nguyên nhân khiến vấn đề bất bình đẳng toàn cầu ngày càng nghiêm trọng. Người
dân và những doanh nghiệp nhỏ đang phải cõng gánh nặng thuế thay cho các doanh
nghiệp, tập đoàn lớn.
Theo
số liệu của Tổng cục thống kê công bố tháng 2/2017, tại Việt Nam, trong khi lợi
nhuận của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tới 45,9% lợi nhuận
toàn bộ các loại hình doanh nghiệp, bộ phận này lại đóng số thuế thấp nhất
trong các thành phần kinh tế.
Báo
cáo của Oxfam về đánh giá chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam
2016 cũng chỉ ra rằng chính sách ưu đãi và miễn giảm thuế của Việt Nam cho các
doanh nghiệp và dự án lớn chưa mang lại hiệu quả, tác động kinh tế như mong đợi.
Trong khi đó, điều này lại tạo ra sự thất thu về ngân sách, cũng như các tác động
tiêu cực về môi trường và xã hội.
Do
đó, từ góc độ công bằng thuế, đại diện Oxfam khuyến nghị Quốc hội và Chính phủ
cẩn trọng xem xét lại các chính sách ưu đãi thuế từ điều 40 đến điều 43 của dự
thảo Luật đặc khu kinh tế đặc biệt vì các lý do sau:
-
Thứ nhất,
các chính sách ưu đãi thuế trong dự thảo là không cần thiết vì các lĩnh vực ưu
đãi không có gì mới so với các luật khác. Các ngành công nghiệp nằm trong đề xuất
ưu tiên của các đặc khu gần như trùng lặp với các ngành ưu tiên của các khu
công nghệ cao và các khu kinh tế khác đã triển khai.
Ba ngành mới là casino, nghỉ dưỡng, bất động
sản thì vốn đã thu hút sẵn đầu tư khi chưa có luật đặc khu. Theo báo cáo của tỉnh
Quảng Ninh, từ 2015 đến nay đã thu hút được khoảng 36.000 tỷ đồng đầu tư vào
các dự án.
Bên cạnh đó, đối tượng mới khác được
hưởng ưu đãi thuế trong dự thảo là lĩnh vực nghiên cứu phát triển, các doanh
nghiệp khởi nghiệp và các trung tâm nghiên cứu sáng tạo có đặc thù là kết quả
kinh doanh không ổn định. Do vậy, việc được miễn thuế trong ngắn hạn có thể
cũng không mang lại nhiều lợi ích cho nhóm nhà đầu tư này.
-
Thứ hai,
các chính sách ưu đãi thuế có thể làm trầm trọng hóa vấn đề thất thu thuế từ hoạt
động chuyển giá của doanh nghiệp
Theo đại diện Oxfam, các nước đang
phát triển bao gồm cả Việt Nam đang bị thất thu 100 tỷ USD hàng năm do hoạt động
tránh thuế của các tập đoàn đa quốc gia. Các nhà hoạch định chính sách của Việt
Nam vốn đã rất nỗ lực trong những năm qua để chống hoạt động né thuế thông qua
chuyển giá của các doanh nghiệp.
Oxfam lo ngại rằng, chính sách ưu
đãi thuế trong dự thảo Luật Khu hành chính kinh tế đặc biệt sẽ tạo ra một vùng
trũng về thuế ngay trong chính Việt Nam, không chỉ tạo điều kiện cho doanh nghiệp
đa quốc gia chuyển giá, mà chính các doanh nghiệp Việt Nam có thể né thuế bằng
cách chuyển lợi nhuận từ doanh nghiệp nằm ngoài đặc khu kinh tế sang các doanh
nghiệp ở trong đặc khu.
Mặt khác, chi phí quản lý thuế và hải
quan cũng sẽ tăng lên, đặc biệt là ở các đặc khu có địa giới hành chính liền kề
với với các khu vực không được áp dụng ưu đãi. Các chính sách ưu đãi được đề xuất
trong dự thảo luật đều là những ưu đãi dựa trên lợi nhuận mà nhiều quốc gia
đang phát triển đã không sử dụng nữa.
Bà
Hương lấy ví dụ như Jamaica đã loại bỏ ưu đãi thuế dựa trên lợi nhuận theo
ngành từ năm 2013. Ấn Độ bỏ ưu đãi thuế dựa trên lợi nhuận, thay vào đó sử dụng
ưu đãi thuế dựa trên đầu tư từ năm 2009. Ai Cập bỏ các loại ưu đãi về thời gian
miễn thuế (tax holiday) từ năm 2005 mà không hề có tác động tiêu cực tới đầu
tư. Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Ai Cập tăng gấp đôi năm 2006 so với năm
2005.
Quan
trọng hơn, đại diện Oxfam cho rằng, báo cáo Cạnh tranh toàn cầu của
Diễn đàn kinh tế thế giới (2017-2018) đã chỉ ra rằng, ba yếu tố quan trọng nhất
được công ty lựa chọn không phải ưu đãi thuế, mà là cơ sở hạ tầng, chất lượng
nguồn nhân lực và ổn định xã hội.
Bên
cạnh đó, theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, 85% các nhà đầu tư ở Việt Nam khi
được hỏi khẳng định các chính sách ưu đãi thuế là không cần thiết.