Thế
giới qua hơn nửa thế kỷ nay đã chứng tỏ rằng bất bạo động là phương pháp đấu
tranh duy nhất thực sự hữu hiệu trong việc xây dựng nền tảng dân chủ. Có nhiều
lý do để tránh mọi hình thức bạo động. Thực tiễn đơn giản nhất là khi chính quyền
độc tài nắm hết mọi công cụ của bạo lực thì chiến thắng bằng bạo động là chuyện
không tưởng. Hy vọng có được hổ trợ vũ lực từ bên ngoài trong hoàn cảnh hiện
nay của Việt Nam cũng hoang đường không kém. Chắc chắn không mấy ai nhân danh
dân chủ mà lại cổ súy bạo động chống chính quyền. Nhưng đấu tranh bất bạo động
hữu hiệu cần phải theo một số nguyên tắc mà hầu như ít ai chú ý.
Tranh
chấp dưới bất cứ hình thức nào cũng nhằm tạo ra áp lực buộc đối phương phải nhượng
bộ. Tranh đấu bạo động thì áp lực chính là quân sự. Trong những cuộc đình công
bất bạo động ở xứ tự do thì áp lực chính là kinh tế. Tạo ra áp lực cho đối
phương cũng như chống lại áp lực của đối phương đều đòi hỏi phải trả giá. Bên
thua cuộc là bên không đủ sức trả cái giá cuộc đấu tranh đòi hỏi. Người đấu
tranh dân chủ phải tự hỏi họ sẽ tạo ra được áp lực gì đối với chính quyền độc
tài và sẽ phải trả giá như thế nào. Hô hào xuống đường khi không có câu trả lời
thấu đáo thì chỉ là một hành động bồng bột khó đem lại kết quả như ý muốn.
Phong
trào Occupy Wall Street dù đã lan rộng khắp các thành phố lớn ở Mỹ với sự tham
dự và ủng hộ đông đảo của thanh niên vẫn không đi đến đâu vì không tạo ra áp lực
gì (và cũng không có những đòi hỏi thực tiển). Ngược lại những cuộc biểu tình của
Đảng Trà (Tea Party) đã có ảnh hưởng mạnh trên chính trường Mỹ vì áp lực của lá
phiếu. Trong một nước toàn trị thì áp lực của lá phiếu, hay ý dân, là một điều
vô nghĩa. Vì thế mà hành động xuống đường biểu tình tự nó không phải là một
hình thức tranh đấu dân chủ hữu hiệu trong mọi thời điểm. Điển hình là sự bất lực
của thanh niên Hồng Kông trước những áp đặt của Bắc Kinh. Dù họ có ý thức chính
trị cao và đã chuẩn bị công phu nhưng vẫn không thể tạo ra áp lực đủ mạnh để buộc
Bắc Kinh phải nhượng bộ.
Bất
phục tùng dân sự (civil disobedience) có thể như cây gậy thọc vào cái bánh xe của
chính quyền độc tài. Gậy đủ lớn thì có áp lực đủ mạnh để làm hỏng bánh xe.
Nhưng trong thực tế thì rất khó có thể hô hào người dân tạo ra một phong trào bất
phục tùng dân sự chống lại chính quyền độc tài. Cái giá của hành động bất phục
tùng là tù đày hay ngay cả sinh mạng. Một cái giá quá cao mà bất cứ ở đâu, thời
nào cũng chỉ có một thiểu số nhỏ dám chấp nhận.
Xuống
đường biểu tình, đình công, bất phục tùng dân sự để tạo ra áp lực của cử tri,
áp lực kinh tế, áp lực xã hội, là những hình thức tranh đấu bất bạo động hữu hiệu
với một chính quyền có lương tâm. Nhưng dưới chế độ độc tài thì những hình thức
tranh đấu này sẽ không tạo ra áp lực gì và do đó sẽ thất bại như ở Hồng Kông
(không đạt được mục đích là có qưyền bầu cử thật sự) nếu những người tranh đấu
dân chủ chỉ dựa vào chúng.
Chà
đạp nhân quyền của người đấu tranh bất bạo động, chính quyền độc tài cũng phải
chịu sự phê phán của dư luận quốc tế, sự tẩy chay của những nước văn minh.
Nhưng lịch sử thế giới đã chứng tỏ rằng đây là một cái giá mà mọi chế độ toàn
trị sẳn sàng chấp nhận khi họ thấy cần. Cuộc thảm sát ở Thiên An Môn năm 1989
là một ví dụ đẫm máu hùng hồn. Vì vậy mà đấu tranh như thế thì phần chủ động sẽ
luôn luôn nằm trong tay chính quyền, khó mà thành công được.
Áp
lực duy nhất sự đấu tranh bất bạo động có thể tạo ra được trong một chế độ độc
tài là một áp lực mà thoáng nghe thì có vẻ mơ hồ nhưng lại là một áp lực hữu hiệu
nhất, mạnh nhất. Đó chính là áp lực của lương tâm.
Lương tâm của ai? Lương tâm của người dân, lương tâm của xã hội, lương tâm của
những viên chức, bộ đôi, công an trong bộ máy chính quyền. Rất có thể là lương
tâm của chính những người đang cầm quyền sinh sát của chế độ. Vai trò của
“lương tâm” trong cuộc đấu tranh dân chủ là một vấn đề rất tế nhị. Người đấu
tranh dân chủ không thể ngây thơ, chủ quan, mà phải chấp nhận và suy tính rằng
chính quyền độc tài vốn không có lương tâm, sẽ không từ một thủ đoạn nào để
ngăn chặn quyền dân chủ. Nhưng đồng thời họ cũng phải thấy rõ rằng lương tâm của
mỗi người, ngay cả những cá nhân trong guồng máy độc tài, cũng không bao giờ biến
mất. Lương tâm con người, ngay cả những lương tâm bị che mờ vì lòng tham và thù
hận, chính là đối tượng đế chiến thắng của những người đấu tranh dân chủ.
Một
khi con người và xã hội cho rằng những chính sách, những biện pháp hiện hành của
chính quyền là “vô lương tâm” thì cái chính quyền đó hoặc sẽ phải nhanh chóng
thay đổi hoặc sẽ sụp đổ mà không cần cái giá của nhiều hy sinh xương máu. Khi
người lính của chính quyền ngần ngừ tay súng, khi thượng cấp của anh ta trì
hoãn lệnh bắn, khi những người có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của chính quyền
không muốn tiếp tục công việc.. thì chỉ cần một diễn biến nhỏ cũng có thể nhanh
chóng đưa đến một sự thay đổi chính trị sâu rộng. Rất có thể những tay lãnh đạo
trong chính quyền độc tài cũng sẽ nhận ra sự tỉnh thức của lương tâm xã hội để
tiến hành cải cách thật sự hòng tránh tai họa cho chính họ. Nhưng nếu không có
một sự rung chuyển trong lương tâm của những thành viên trong xã hội, thì đấu
tranh dân chủ sẽ khó mà thành công. Nếu không có áp lực đủ mạnh của lương tâm
thì cái giá độc tài phải trả khi ra tay chém giết là rất thấp so với cái giá
xương máu của người đấu tranh dân chủ.
Trong
cuộc đấu tranh dân chủ này, không có thành trì để chiếm đóng, không thể đánh bại
binh đoàn của độc tài, chỉ có thể xoay chuyển được lương tâm của xã hội. Vì thế
mà đây không phải là cuộc tranh đấu chống quân thù. Nhưng về phía chính quyền
thì càng tạo ra được ấn tượng của một cuộc chống phá bởi những “thế lực thù địch”
thì càng dễ khiến xã hội thờ ơ với phong trào đấu tranh dân chủ. Có thể vì
không nhận ra bản chất và mục tiêu thực tế của cuộc đấu tranh, nhiều người vẫn
dùng những ngôn từ và hình thức sáo mòn để đả kích chính quyền, trong đó có nhiều
phần tử họ cần phải thuyết phục và có thể thuyết phục được, như một kẻ thù để
tiêu diệt. Dù vô tình, chính họ đang tiếp tay cản trở tiến trình dân chủ của đất
nước với cái tư duy, ngôn ngữ, và hành động đã trở thành thói quen từ những cuộc
đấu tranh bằng vũ lực của thời xưa.
Để
thành công, cuộc đấu tranh dân chủ cho Việt Nam hôm nay phải có bản chất của một
cuộc đấu tranh về tư tưởng, đấu tranh để thuyết phục từng cá nhân trong xã hội
rằng cuộc đời của họ, tương lai con cháu họ, tương lai đất nước sẽ tốt đẹp hơn với
những đòi hỏi cụ thể của những người đang dấn thân tranh đấu. Tùy hoàn cảnh,
quá khứ, và tâm hồn, có người đã chọn con đường đấu tranh dân chủ, có người sẽ
cảm nhận và ủng hộ, dù âm thầm, và cũng sẽ có người, trong số những người đang
được hưởng độc quyền và đặc lợi, quyết chống mọi tiến triển dân chủ. Cho đến
khi mà đa số người dân hiểu và đồng tình ủng hộ những đòi hỏi cụ thể của phong
trào dân chủ thì trọng tâm của cuộc tranh đấu vẫn phải là sự thuyết phục quần
chúng chứ không phải tổ chức những hoạt động kêu gọi chống chính quyền. (Chính
quyền sẽ có những vi phạm đòi hỏi một sự phản đối mạnh như một cuộc biểu tình
chẳng hạn. Nhưng người xuống đường cần phải cân nhắc tùy theo vụ việc để thuyết
phục thêm được quần chúng thay vì để lọt vào cái bẩy “gây rối loạn, phá hoại đời
sống” của chính quyền.)
Ngày
mà bà con, bạn bè của những người dấn thân cho dân chủ không hỏi tại sao làm thế,
ngày mà họ ủng hộ cuộc đấu tranh, dù chỉ là ngấm ngầm trong tư tưởng, ngày mà
đa số những người chọn đứng bên lề chỉ vì họ sợ, chỉ vì họ không thể hay không
dám trả cái giá chống độc tài chứ không phải vì bất đồng tình thì đó là ngày mà
thành trì và súng đạn của chính quyền độc tài sẽ trở thành vô hiệu dù bên ngoài
vẫn rất hoành tráng. Đây là lý do tại sao những cuộc đấu tranh dân chủ bất bạo
động thành công đều có vẻ như đã bùng phát đột ngột và nhanh chóng đạt được kết
quả. Thật ra đó chỉ giai đoạn kết thúc của một quá trình xoay chuyển lương tâm
của xã hội đã thành công. Vấn đề là làm thế nào để thành công.
Trước
hết ta hãy điểm qua những việc làm không có hiệu quả, nếu không nói là phản tác
dụng trong việc thuyết phục đa số quần chúng để có được một đất nước dân chủ. Một
trở ngại lớn là sự chia rẽ vì lịch sử, hay đúng hơn là vì sự đấu tố lịch sử
theo cảm tính, của những người đang cùng kêu gọi dân chủ. Lịch sử Việt Nam dĩ
nhiên là phức tạp, bị bóp méo, viết lại nhiều hơn lịch sử của những nước tự do.
Tìm hiểu sự thật lịch sử, ngay cả ở xứ tự do, vẫn là một việc làm đòi hỏi tinh
thần khách quan và trình độ nghiêm túc của các sử gia chuyên nghiệp. Khi những
người không thể phân biệt đâu là sử kiện, đâu là tin đồn, không thể đánh giá được
sự khả tín và biện minh của nhân chứng… mà lại hùng hục lên án hay tung hô theo
cảm tính thì sẽ không thuyết phục được ai. Đây là một hành động có thể đem lại
hứng thú cho những người vốn có cùng niềm tin nhưng vô dụng cho tiến trình dân
chủ. Dù lịch sử có như thế nào thì con đường cần đi trước mắt vẫn không thay đổi;
và nếu những tệ nạn hiện thời không đủ để rung chuyển lòng người thì sự thật lịch
sử cũng chỉ là chuyện cổ tích.
Sự
xung khắc không đúng lúc giữa những người cùng đấu tranh dân chủ cũng là một
hành động phản tác dụng khác. Dân chủ – quyền được lựa chọn của mọi người, mỗi
người dân một lá phiếu – không đòi hỏi người ta phải có ý kiến cụ thể như thế
nào, mà chỉ đòi hỏi sự chấp nhận quyền chọn lựa của người khác. Đây chính là mẫu
số chung cho tất cả mọi hoạt động đấu tranh dân chủ. Sự bất đồng ý kiến trong
những vấn đề liên quan đến cuộc sống hằng ngày là một điều không thể tránh khỏi,
và cũng chính là một yếu tố làm xã hội tiến bộ với thời gian. Những người đấu
tranh dân chủ thường không có, không cần có (và cũng không nên có) cùng chính
kiến ngoài lý tưởng dân chủ, đặt quyền chọn lựa của dân trên hết. Khi chưa có
được quyền chọn lựa thì những tranh chấp khác chỉ làm phân tán nổ lực đấu tranh
đòi quyền dân chủ. Những khác biệt này, dù quan trọng, vẫn là những vấn đề phải
để hạ hồi phân giải, một khi đã có được thể chế dân chủ. Đây là điều hiển nhiên
đến nhàm trên lý thuyết, nhưng thực tế thì bản chất con người vẫn có những đố kỵ,
những tham vọng khiến ta khó mà bỏ qua những khác biệt về quan điểm để cùng sát
cánh. Rất may là thực tế cũng không đòi hỏi mọi người mà chỉ cần một vài người
có uy tín, đại diện tinh thần, của những nhóm tranh đấu dân chủ khác nhau có đủ
tâm trí để nói lên và làm theo nguyên tắc thỏa hiệp dân chủ này.
Mắng
chửi Cộng Sản một cách chung chung cũng phản tác dụng. Gốc rễ chỉ là thể chế và
bản chất con người. “Người Cộng Sản” đã là một khái niệm vô nghĩa. Trong hàng ngũ
Đảng viên và lãnh đạo hôm nay có những kẻ đã bòn rút, trấn lột dân, những kẻ mà
người Cộng Sản 70 năm trước hẳn sẽ giết không tha. Và cũng trong hàng ngũ của
những Đảng viên hôm nay, những kẻ được hưởng quyền lợi của chế độ toàn trị lại
có những người đứng lên, chịu trả giá tù đày, để đòi cải cách, quyền dân chủ.
Những người dùng một cái nhãn hiệu đã lỗi thời để chửi rủa chung chung chỉ biểu
lộ tâm trí cạn cợt, chỉ có thể khích động hận thù, hoàn toàn vô ích trong cuộc
đấu tranh bất bạo động. Chính những người họ đang miệt thị, những cá nhân trong
guồng máy chính quyền, là người mà lương tâm sẽ quyết định tương lai dân chủ của
Việt Nam.
Một
đặc điểm của đấu tranh bất bạo động, đấu tranh tư tưởng là sức mạnh của phong
trào tùy thuộc vào sự minh bạch, công khai của những người tranh đấu. Họ lên tiếng,
họ chống đối đường hoàng dõng dạc cho nhân quyền, cho lợi ích của xã hội, cho
công lý… Họ không hành sự lén lút, không tuyên truyền nặc danh. Trước những người
như thế, đội ngũ an ninh chuyên điều tra, đối phó với những hoạt động chống đối
bí mật sẽ trở thành vô dụng đến khôi hài, ngay cả đối với những người công an
đang làm nhiệm vụ. Đây cũng là bước đầu để chuyển hoá tâm tư họ. Dù trong hoàn
cảnh đối nghịch, ít người có thể nuôi lòng hận thù hay hằn học lâu dài khi đối
phương rõ ràng là chống đối để cải thiện, để xây dựng, không chống đối để tiêu
diệt hay đập phá.
Diễn
biến Thiên An Môn 25 năm trước là một bài học đáng chú ý về khả năng thức tỉnh
lương tâm của đấu tranh bất bạo động cũng như cái giá độc tài chịu trả để giữ vững
chế độ. Trong bảy tuần biểu tình ôn hòa của sinh viên Bắc Kinh, người dân Bắc
Kinh ngày càng ủng hộ họ. Những sinh viên này chẳng nguyền rủa Mao Trạch Đông,
chửi Đảng, mà chỉ đòi tự do ngôn luận, thêm quyền dân chủ, dẹp tham nhũng… Ai
có lương tâm cũng phải đồng tình, bất kể chính kiến. Đặng Tiểu Bình và đồng bọn
không dám tin vào sự trung thành của những binh đoàn đang trấn thủ Bắc Kinh, những
người lính đã thấy, đã nghe những sinh viên này trong mấy tuần qua. Lãnh đạo Bắc
Kinh đã hoán chuyển những binh đoàn ở xa về để trấn áp. Những người lính này thật
lòng nghĩ rắng nhờ có Đảng và lãnh tụ mà đời sống họ khá hơn, nước Trung Hoa được
ngẩn mặt với thế giới. Đối với họ những thanh niên đang tranh đấu chỉ là quân
“phản động”. Vì thế họ đã không ngần ngại giày xéo khi có lệnh. Hoàn cảnh Việt
Nam và thế giới hiện nay thuận tiện hơn nhiều cho cuộc đấu tranh tư tưởng để
xoay chuyển lương tâm một cách rộng lớn.
Chính
quyền Việt Nam ngày nay có lẽ cũng không thua kém gì Đặng Tiểu Bình và đồng bọn
về thủ đoạn chống dân chủ. Những người đấu tranh có nhiều ảnh hưởng chắc chắn
phải trả giá. Họ đã và sẽ phải chịu cảnh tù đày. Nhưng tiếng nói của họ dần dà
sẽ có được sự ủng hộ, dù là thầm lặng lúc đầu, của đa số quần chúng. Một chính
quyền có lương tâm không thể có tù nhân lương tâm. Và những tù nhân lương tâm
chính là tiếng chuông mạnh nhất để thức tỉnh lương tâm xã hội, lương tâm thế giới.
Tiếng chuông của Nelson Mandela, Aung San Suu Kyi đã đem lại những thay đổi lớn
cho nền dân chủ của nước họ (dù hiện vẫn có nhiều trở ngại). Những người chịu
trả cái giá tù đày để nói lên điều cần nói, những người tù lương tâm, bao giờ
cũng là nổi lo lớn nhất của độc tài. Chính quyền Việt Nam đã nghĩ ra được một
giải pháp để tạm thời đối phó. Họ sẽ “xuất khẩu” những ai đã tạo ra ảnh hưởng lớn
với lòng can trường dám chấp nhận ngục tù. Tiếng nói của người sống trong một
xã hội phồn thịnh, tự do sẽ không có cái hùng tráng đầy sức thuyết phục của tiếng
nói bị chận bóp vọng ra từ trong tù. Nhưng thủ đoạn này sẽ không thể làm ngưng
tiếng chuông đánh thức lương tâm vì Việt Nam xưa nay vẫn có những người can trường
chịu ngồi tù cho lý tưởng.
Mức
độ lên tiếng kêu gọi cải cách dân chủ tùy vào tâm tư và hoàn cảnh của mỗi người,
tùy vào cái giá họ sẳn sàng chịu trả để có tiếng nói công khai. Nhưng dù ít hay
nhiều, những tiếng nói ấy, nếu tránh được những tranh cãi luẩn quẩn đưa ra ở
trên, sẽ có tác dụng thay đổi cách nhìn và xoay chuyển lương tâm của xã hội.
Trong cuộc tranh đấu này, “chiến trận” không chỉ là lúc đối đầu với công an, an
ninh mà chính là trong những lúc đối thoại, tâm tình với bà con, bạn bè, đồng
nghiệp, hàng xóm… Dù muốn hay không, tác phong, nhân cách, tâm hồn, tính tình của
những người đấu tranh dân chủ đều là những yếu tố thuyết phục (hay gây phản cảm)
cho phong trào dân chủ. Để có thể “chiến thắng”, người đấu tranh dân chủ phải
tránh gây ra cảm giác, dù đúng hay sai, là họ chống đối chính quyền vì hận thù
hay vì tham vọng cá nhân hơn là vì quyền lợi chung của xã hội.
Người
chọn dấn thân trên con đường đấu tranh dân chủ lúc nào cũng phải có một mục
tiêu, một đòi hỏi cụ thể cho quyền lợi trước mắt của người dân. Dân chủ – quyền
chọn lựa của mọi người – tuy là mục đích tối hậu nhưng cũng là một khái niệm trừu
tượng đối với đa số dân. Khi một số đông cảm thấy là đời sống kinh tế đã có nhiều
tiến bộ so với mười, hai mươi, ba mươi năm trước thì những lý luận trừu tượng
khó làm rung động lòng họ. Những người phê phán chống đối mà không đưa ra được
một giải pháp thực tiển, nhất là với ngôn từ và thái độ hằn học, sẽ dễ dàng bị
dân coi thường. Tuy chế độ toàn trị là gốc rễ của hầu hết những tệ nạn trong xã
hội, thực tế đấu tranh dân chủ hằng ngày cần phải tập trung vào những đòi hỏi
thực tiển mà mọi người đều thấy rõ sự lợi ích của chúng. Qua quá trình đấu
tranh đòi hỏi những điều này, và phản ứng của chính quyền, người dân sẽ cảm nhận
cái giá trị và sự cần thiết của thể chế dân chủ cũng như bản chất tệ hại của mọi
chính quyền toàn trị. Để minh họa, ta hãy tưởng tượng một phong trào có thể xảy
ra trong thực tế như thế.
Mọi
người, dân cũng như quan, đều lên tiếng chống tham nhũng. Hãy phát động một
phong trào bài trừ tham nhũng, làm công khai những thu nhập của các quan lớn.
Đây hẳn là một đòi hỏi rất hợp lý và có ích lợi thực tiển. Thu nhập minh bạch của
quan chức sẽ tạo thêm lòng tin cho dân, làm quan thêm rạng rỡ – vàng thật không
sợ lửa – và bớt gánh nặng cho dân, cho công quỹ vì tệ nạn đục khoét, hối lộ.
Không ai có thể chống đối đòi hỏi này trên nguyên tắc. Trong thực tế thì đây là
điều mà chính quyền độc tài, lũng đoạn bởi tham quan, sẽ kiên quyết chống. Và
đây cũng chính là dip để người dân cảm nhận vai trò của thể chế và ủng hộ, dù
thầm lặng, những hoạt động dân chủ không bị ràng buộc bởi quá khứ, hay màu cờ,
sắc áo. Đây chỉ là một ví dụ. Có nhiều điều cụ thể như thế, trực tiếp liên quan
đến đời sống hằng ngày, trước mắt của người dân, những đòi hỏi không liên quan
đến ý thức hệ hay quá khứ chính trị, có thể tạo được sự ủng hộ rộng lớn để đem
đến những cải cách dân chủ thật sự.
Bạo
hành của công an, hối lộ của chính quyền địa phương, những tổ chức làm ăn gây
thiệt hại cho xã hội, luật lệ bất công, v.v… đều có thể là đề tài cho những
phóng sự cụ thể, những nhận định chính trị, những đòi hỏi mà đa số dân và ngay
cả những Đảng viên có lòng yêu nước đều ủng hộ như ta đã thấy. Nhưng thay vì chỉ
đưa ra những lời chỉ trích chung chung hay những kiến nghị, cần phải có những
phóng sự chất lượng với những chi tiết và nhân vật cụ thể để vạch trần bản chất
vô liêm sĩ, một sự vô liêm sĩ phi chính trị, của những người dùng quyền thế để
bòn rút và che đậy tội lỗi. Trước luật pháp, dù là luật pháp khập khiển hiện
hành tại Việt Nam, thì đây vẫn là những điều phạm pháp và những tên tội phạm
đòi hỏi phải có sự xử lý và trừng phạt thích đáng. Nhưng khi kẻ cướp lại vừa là
quan tòa vừa là cảnh sát, hệ quả tất yếu của chính quyền toàn trị, thì cách trả
lời thường thấy sẽ là sự trấn áp những phóng viên, những nhà báo nói lên sự thật
và những người đòi công lý cụ thể cho xã hội. Người dân sẽ nhìn những tay gian
tham này và bộ máy chính quyền phục vụ chúng với cặp mắt đầy khinh bỉ. Không có
một biện minh chính trị nào, quá khứ lịch sử nào có thể che lấp được cái bản chất
xấu xa của những kẻ đã bị thoái hoá vì quyền lực và dục vọng thấp hèn.
Trong
xã hội hiện nay, chính quyền đã không còn có thể hoàn toàn khống chế đời sống
kinh tế của mọi người được nữa. Sẽ có những phóng viên, nhà báo độc lập điều
tra và phơi bày sự tham nhũng, những đổi chác hại nước, hại dân, những sự bạo
hành, phạm pháp của nhiều đại quan. Chính quyền chỉ có thể đối phó bằng cách
chà đạp nhân quyền của họ. Bố ráp, kết tội, tống giam những người có dũng khí
tìm hiểu và nói lên sự thật, phơi bày cái ai cũng cho là xấu để cải thiện xã hội,
thì không chỉ là một vi phạm nhân quyền trắng trợn mà bản chất còn là một sự vô
liêm sĩ, bất luận chính kiến và thời đại, đáng khinh của bạo quyền. Những người
anh dũng dám đứng mũi chịu sào này chắc chắn sẽ được sự ủng hộ của nhiều người,
của cả thế giới, của ngay chính những người thấp cổ bé họng trong guồng máy
toàn trị. Khi cai ngục đã có lòng kính trọng tù nhân thì thay đổi, cải cách thật
sự chỉ còn là chuyện một sớm một chiều mà thôi. Bước đầu tiên có lẽ là chính
quyền sẽ phải chấp nhận và tôn trọng quyền tự do ngôn luận, nền tảng của mọi hoạt
động dân chủ. Chỉ cần một bước đầu như thế là rất có thể sẽ làm cả hệ thống
toàn trị phải nghiên ngã.
Tập
đoàn lãnh đạo Việt Nam hẳn cũng không phải toàn là những người u mê. Khi họ thấy
lương tâm xã hội đã thay đổi, nền tảng toàn trị đã rạn nứt, rất có thể chính họ
sẽ nhanh chóng tiến hành những cải cách cần thiết mà người dân đòi hỏi. Cuộc đấu
tranh dân chủ như thế có nhiều triển vọng đem đến những thay đổi sâu xa và tốt
đẹp về chính trị, thể chế, như từng xảy ra ở Đài Loan và Nam Hàn.
Đấu
tranh như thế dĩ nhiên đòi hỏi phải có những người dấn thân, chịu trả cái giá
cá nhân rất cao, nhưng lại không đòi hỏi quần chúng phải trả giá, không làm đời
sống xã hội khó khăn hơn, dù tạm thời. Đấu tranh như thế tuy vẫn rất cam go
nhưng có sức thuyết phục, dễ đánh thức lương tâm hơn tất cả những gào thét,
nguyền rủa, hay kêu gọi người dân đứng lên lật đổ Đảng và chính quyền Cộng Sản
như ta vẫn thường nghe thấy trong 40 năm qua. Đây chính là con đường đấu tranh
dân chủ thực tiễn nhất. Thực tế hiện nay cũng có những lợi điểm cơ bản khiến ta
có thể hy vọng vào một tiến trình dân chủ khả quan ở Việt Nam.
Người
Việt không có những xâu xé lâu đời vì chủng tộc hay tôn giáo. Cùng một tiếng
nói chung, giao thông, liên lạc đã không còn nhiều trở ngại về địa lý hay hành
chánh, người Việt dễ có cùng chung những giá trị về chân, thiện, mỹ khi không
còn bị ràng buộc bởi ý thức hệ và lòng hận thù. Từ trong lòng của chế độ, từ lớp
người hoàn toàn trưởng thành trong sự giáo dục một chiều, cứng nhắc của chế độ
vẫn xuất hiện những người với tài năng, khí phách và tâm hồn khiến hầu hết mọi
người phải khâm phục. Bên cạnh họ hẳn phải còn rất nhiều người cũng băn khoăn,
mong muốn có được một đất nước thịnh vượng. Ngay cả những người trong tập đoàn
độc tài đang bị thao túng vì quyền lợi và tham vọng cá nhân cũng không thể phủ
nhận sự thật hiển nhiên đến nhàm về vai trò cơ bản của pháp quyền và dân chủ.
Tuy tệ nạn công lý rừng rú và nghị gật vẫn còn nhiều, Việt Nam cũng đã có những
cơ sở, dù hiện thời chỉ là hình thức như phấn son tô điểm cho chế độ độc tài, để
xây dựng một xã hội dân chủ. Ta đã thấy những người đấu tranh dân chủ hiên
ngang tranh luận với công an, bất phục tùng trên căn bản pháp lý, và đưa đại
quan ra tòa. Nếu ta có thể rũ bỏ được ý thức hệ, nhãn hiệu, và hận thù – những
tàn dư, dù là tàn dư sâu đậm của quá khứ – để tập trung vào những thay đổi, đòi
hỏi, chống đối để cải thiện xã hội, chính quyền, và đời sống chung thay vì đập
phá thì chắc chắn sẽ có được những thành quả lớn trong tương lai gần.