Chính phủ liên minh trong hệ thống đại nghị của Israel

Posted on
  • Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2018
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:

  • Môhình Westminster của Anh được xem là chuẩn mực cho sự ổn định của nền dân chủ. Ngoài cuộc bầu cử năm 2010 (phải hình thành chính phủ liên minh), thì trong các cuộc bầu cử còn lại, luôn chỉ một trong hai đảng lớn chiếm đa số - hệ thống hai đảng. Điều này giúp hình thành chính phủ một đảng, và bởi 1) đảng này có đa số trong quốc hội, và 2) nguyên tắc chịu trách nhiệm tập thể của nội các, tức mọi thành viên nội các phải công khai ủng hộ mọi chính sách của chính phủ, nên chính phủ Anh hoạt động rất ổn định và êm thuận.
    Trong khi đó Israel đại diện cho một dạng hệ thống đại nghị rất khác.
    Do có một sự phân chia lớn về ý thức hệ, tôn giáo và sắc tộc, nên Israel có một hệ thống đa đảng, và các đảng phải liên minh với nhau để hình thành chính phủ. Nội các thường là một nhóm với đa dạng các ý thức hệ, và thủ tướng phải đối thoại liên tục với các bên để giữ cho liên minh không bị sụp đổ. Tuổi thọ trung bình của một chính phủ chỉ là 25 tháng.
    Quốc hội Israel vận hành như quốc hội Anh: để được bầu làm thủ tướng và thành lập chính phủ thì cần phải có đa số trong quốc hội. Các cuộc bầu cử được tổ chức bốn năm một lần, nhưng có thể tiến hành bầu cử sớm hơn khi chính phủ sụp đổ trước thời hạn. (Hoặc, như trong các hệ thống đại nghị khác, tổng thống, chủ yếu mang tính biểu tượng, có thể bổ nhiệm một thủ tướng mới mà không cần tổ chức bầu cử nếu thủ tướng trước đó không có còn có được sự ủng hộ của đa số trong quốc hội).
    Hệ thống bầu cử tỷ lệ khuyến khích cho sự xuất hiện và sống sót của nhiều đảng nhỏ. Bất cứ đảng nào nhận được ít nhất 2% số phiếu trong cuộc bầu cử quốc gia đều có thể nhận được ít nhất một ghế trong quốc hội. Hầu hết các quốc bầu cử có sự tham gia của nhiều hơn 25 đảng, và khoảng 12 đảng có ghế trong quốc hội. Trong khi hai hoặc ba đảng lớn luôn tồn tại, thì hầu hết chính phủ bao gồm một đảng lớn, nắm chức thủ tướng, và ít nhất ba đảng khác – đôi khi sáu đảng – có được ghế trong nội các để đảm bảo sự ủng hộ của họ trong quốc hội.
    Cho tới năm 1977, Đảng Lao động, mà nhóm cốt lõi gồm những người thành lập đất nước sau Chiến tranh Thế giới II, giành chiến thắng mọi cuộc bầu cử, và hình thành chính phủ; dù luôn phải một liên minh với các đảng nhỏ, song hệ thống có một mức độ ổn định nhất định.
    Tuy nhiên, vào năm 1977, những thay đổi về nhân khẩu và ý thức hệ đã khiến liên minh bảo thủ, là Đảng Likud, giành nhiều ghế hơn Đảng Lao động, và lần đầu tiên hình thành một chính phủ (không do Đảng Lao động lãnh đạo).
    Từ khi sự chi phối của Đảng Lao động tụt giảm, các chính phủ liên minh của Israel trở nên ít ổn định hơn.
    Vào những năm 1980s, hai cuộc bầu cử tạo ra các kết quả quá sát sao đến nỗi Đảng Lao Đông và Đảng Likud hình thành một chính phủ thống nhất, trong đó lãnh đạo các đảng luôn phiên làm thủ tướng mỗi hai năm.
    Ngoài hai đảng ý thức hệ lớn, gồm cánh tả - trung tâm (Lao động) và cánh hữu - trung tâm (Likud), nhiều đảng tôn giáo nhỏ hơn cũng luôn hiện diện. Cả hai đảng lớn này phải hình thành liên minh với các đảng tôn giáo để hình thành chính phủ, cho phép các đảng tôn giáo đòi hỏi những sự thỏa hiệp về chính sách như: sự kiểm soát của tôn giáo chính thống đối với hôn nhân, giới hạn các hoạt động trong ngày Sabbath, và nhà nước phải hỗ trợ cho những người chính thống muốn nghiên cứu tôn giáo hơn là làm việc. Trong khi tổng số phiếu mà các đảng tôn giáo giành được chưa bao giờ quá 20%, thì nhu cầu phải có ít nhất một số trong các đảng này trong chính phủ liên minh có nghĩa rằng chúng có ảnh hưởng vượt xa quy mô của mình.
    Đối mặt với sự bất ổn ngày càng tăng của chính phủ, vào đầu năm 1990, Quốc hội quyết định thông qua chính sách thủ tướng sẽ được bầu trực tiếp bởi người dân, thay vì đến từ đảng đa số trong quốc hội; tuy nhiên, ông vẫn cần hình thành nội các với đa số trong quốc hội.
    Cải cách này được hi vọng rằng một thủ tướng bầu trực tiếp sẽ có được sự ủy nhiệm lớn hơn, giống như trong hệ thống tổng thống, đồng thời khiến cho đảng của ông có thể giành được chiến thắng lớn hơn qua đó giảm thiểu ảnh hưởng của đảng nhỏ.
    Trong thực tế, qua ba kì bầu cử, thủ tướng được bầu trực tiếp không đến từ đảng giành được nhiều ghế nhất trong quốc hội, có nghĩa rằng ông phải hình thành một liên minh đa dạng hơn. Sau năm 2001, quốc hội bãi bỏ cải cách này, và quay trở lại với hệ thống đại nghị thuần túy.
    Trong cuộc bầu cử năm 2009, một đảng trung tâm mới hình thành một vài năm đã giành được nhiều ghế nhất, 28 ghế. Nhưng đảng bảo thủ Likud, với ít hơn một ghế, vẫn nắm quyền hình thành chính phủ do nó tạo thành liên minh với Đảng Lao động, cùng các đảng tôn giáo, trong đó có các đảng dân tộc cực hữu.
    Trong hoàn cảnh liên minh quá khác biệt về ý thức hệ như thế này, thủ tướng Netanyahu đã phải liên tục đối thoại để giữa cho chính phủ không tan vỡ. Nội các của Netanyahu bao gồm những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, muốn các chính sách cứng rắn hơn với người Palestinan, trong khi các lãnh đạo Đảng Lao động, muốn Netanyahu tiếp tục theo đuổi chính sách hòa bình với người Palestinan. Để làm hài lòng cả hai bên là một nhiệm vụ cực kì khó khăn. Bất ổn hay nguy cơ giải tán chính phủ luôn thường trực.

    Tóm lại
    Israel, một hệ thống đại nghị với nhiều đảng nhỏ giải thích cho điểm yếu của hệ thống đại nghị: sự bất ổn của chính phủ. Nếu không có đảng nào chiếm đa số, một hoàn cảnh luôn hiện diện ở Israel, một liên minh đa đảng hình thành chính phủ. Do đó, các đảng nhỏ, vốn chỉ kiểm soát vài ghế trong quốc hội, nhưng cần thiết để giữ cho chính phủ khỏi sụp đổ, có quyền lực rất lớn. Ở Israel, các đảng tôn giáo thường xuyên có ảnh hưởng vượt quá quy mô số phiếu của nó. Sự đa dạng về ý thức hệ của liên minh thường có nghĩa rằng thủ tướng phải mất nhiều thời gian đối thoại, và thường phải công khai mọi chính sách lớn. Trái với hệ thống đa số của Anh, hệ thống của Israel thường tạo ra một hành pháp tương đối yếu, không ổn định và tuổi thọ chính phủ tương đối ngắn.

    NguồnIntroducing Comparative Politics: Concepts and Cases in Context
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org