Cũng giống như
thể chế chính trị, hệ thống bầu cử của các nước trên thế giới rất phong phú và
đa dạng (1). Căn cứ vào cách thức (phương thức) “chuyển hóa” từ những lá phiếu
của cử tri thành “các ghế” trong các cơ quan dân cử (2), có thể tạm chia hệ thống
bầu cử của các nước thành ba hệ thống lớn: hệ thống theo đa số
(plurality/majority systems); hệ thống tỷ lệ (proportional systems) và hệ thống
hỗn hợp (mixed systems).
1. Một số hệ thống
bầu cử phổ biến
1.1.
Hệ thống theo đa số
Nguyên lý của hệ
thống này rất đơn giản, ứng cử viên (hoặc đảng phái chính trị) nào thu được nhiều
phiếu hơn sẽ trúng cử (ở mỗi “biến cách”, có thể có thêm những quy định bổ
sung). Hệ thống này có năm “biến cách” sau:
1.1.1. Phương
pháp ai về trước là người thắng cuộc (First Past The Post -FPTP)
Đây là phương
pháp có nguyên lý đơn giản nhất trong các phương pháp theo hệ thống đa số. Theo
đó, ai nhận được nhiều phiếu nhất là trúng cử, kể cả số phiếu họ nhận được chưa
quá nửa số phiếu hợp lệ. Về lý thuyết, có thể xảy ra tình trạng có ứng cử viên
nhận được rất ít phiếu nhưng vẫn trúng cử. Để hạn chế tình trạng này, pháp luật
bầu cử một số nước đưa ra những quy định bổ sung khác nhau, chẳng hạn quy định
tỉ lệ tối thiểu phải đạt được. Phương pháp này thường áp dụng đối với đơn vị bầu
cử một thành viên (single – member districts) và thường áp dụng để lựa chọn ứng
cử viên hơn là các đảng phái chính trị.
Phương pháp bầu
cử này, nếu mang tính nguyên thủy, được áp dụng ở Anh quốc và một số nước trước
đây là thuộc địa hoặc bị ảnh hưởng của Anh như Canada, ấn Độ, Mỹ. Nó cũng được
áp dụng ở một số nước châu á, như Bangladesh, Burma, Malaysia, Nepan và nhiều
quốc gia đảo ở nam Thái Bình Dương. Ngoài ra, phương pháp này còn được áp dụng
tại một số nước vùng Caribê ở châu Mỹ La tinh và 15 nước ở châu Phi.
1.1.2. Phương
pháp lá phiếu khối (Block Vote -BV)
Đây là một hình
thức của hệ thống bầu cử đa số được áp dụng theo đơn vị bầu cử nhiều đại diện
(multi – member districts). Cử tri bỏ phiếu để bầu một số lượng đại biểu được
phân bổ cho đơn vị bầu cử đó (hoặc ít hơn, nếu họ muốn). ứng cử viên nào nhận
được số phiếu cao hơn thì trúng cử. Phương pháp bầu cử này thường được áp dụng
để bầu các đại biểu hơn là bầu các đảng phái chính trị. Phương pháp này được áp
dụng tại nhiều nước như Bermuda, Laos, Thailand, Mandives, Kuwait, Philippines.
Nó cũng đã từng được áp dụng tại Jordan vào 1992, Mongolia vào 1992. Tuy nhiên,
sau đó hai nước này đã thay đổi bằng việc áp dụng phương pháp hỗn hợp.
1.1.3. Phương
pháp bầu cử lá phiếu khối theo đảng phái chính trị (Party Block Vote -PBV)
Cũng giống như hệ
thống lá phiếu khối, đây là một hình thức của hệ thống bầu cử đa số được áp dụng
cho các cuộc bầu cử quốc hội. Theo đó, mỗi đơn vị bầu cử không bầu một đại biểu
mà bầu một số lượng đại biểu nhất định, thường là cử tri chọn đảng phái chính
trị và đảng nào chiến thắng thì đảng đó chiếm toàn bộ số ghế trong đơn vị bầu cử
đó. Cũng giống như trong phương pháp FPTP ở trên, không có quy định người thắng
cuộc phải nhận được đa số tuyệt đối phiếu bầu, chỉ cần ai nhiều phiếu hơn thì
người đó thắng cử. Phương pháp này hiện nay được áp dụng ở Djibouti, Lebanon.
Ngoài ra, nó còn được thực hiện trong hầu hết các cuộc bầu cử ở Singapore,
Tunisia và Senegal.
1.1.4. Lá phiếu
thay thế (Alternative Vote -AV)
Phương pháp này
thông thường áp dụng đối với đơn vị bầu cử đơn danh (single – member
districts). Cử tri có nhiều sự lựa chọn. Họ đánh dấu các ứng cử viên mà họ lựa
chọn theo thứ tự ưu tiên. Chẳng hạn, họ đánh dấu “1” cho ứng cử viên mà họ
thích nhất, số “2” cho ứng cử viên họ thích thứ nhì, số “3” cho ứng cử viên tín
nhiệm thứ ba (hệ thống này còn gọi là bầu cử theo ý thích). Khi tổng kết, nếu số
phiếu dành cho các ứng cử viên có ưu tiên một không đưa đến kết quả là có một ứng
cử viên nào đạt đươc đa số phiếu bầu thì ứng cử viên thứ nhất sẽ bị loại và số
phiếu dành cho ứng cử viên này sẽ đem chia cho các ứng cử viên xếp thứ hai trên
phiếu bầu. Cách thức này được áp dụng cho đến khi tìm ra được ứng cử viên đạt
được đa số phiếu. Hệ thống này đang được áp dụng tại Australia, Papua New
Guinea và được áp dụng biến thể tại một số nước ở châu Đại Dương. Phương pháp
này cũng được áp dụng bầu cử tổng thống ở Cộng hoà Ireland.
1.1.5. Phương
pháp hai vòng (Two-Round System -TRS)
Như tên gọi của
nó, phương pháp này thường không tổ chức một lần, mà là hai vòng, lần hai thường
được tổ chức cách lần một khoảng thời gian từ một đến hai tuần. Vòng một được
áp dụng theo nguyên lý của phương pháp đa số. Nếu có ứng cử viên nào nhận được
đa số tuyệt đối số phiếu bầu, thì ứng cử viên đó thắng cuộc mà không cần tổ chức
bầu cử vòng hai. Nếu không có ứng cử viên nhận được số phiếu đa số tuyệt đối,
thì một cuộc bầu cử thứ hai được tổ chức. Tuy nhiên, việc quy định cụ thể như
thế nào ở vòng hai thì ở mỗi nước là khác nhau. Thông thường, vòng hai, cử tri
lựa chọn trong số hai ứng cử viên nhận được số phiếu cao nhất trong vòng một,
và ứng cử viên nào nhận được nhiều phiếu hơn thì thắng cử, như ở Ukraine. Ở
Pháp, trong các cuộc bầu cử quốc hội, chỉ những ứng cử viên nào nhận được trên
12,5% số phiếu bầu trên tổng số danh sách cử tri tại cuộc bầu cử vòng một mới
được vào vòng hai. Tại vòng hai, ứng cử viên nào nhận được số phiếu cao nhất
thì thắng cử, không kể số phiếu mà họ nhận được là đa số tuyệt đối hay không.
Hệ thống hai
vòng hiện nay được áp dụng trên 22 quốc gia trong việc bầu cử quốc hội và phổ
biến hơn trong việc bầu cử tổng thống. Ngoài Pháp là quốc gia điển hình, nhiều
nước như Mali, Togo, Gabon, Egypt, Cuba, Haiti, Iran… và một số nước thời kỳ hậu
Xô viết (Belarus, Kyrgyzstan, Turkmenistan and Uzbekistan) cũng áp dụng.
1.2.
Hệ thống đại diện tỉ lệ
Hệ thống này
đương nhiên được áp dụng để bầu cơ quan lập pháp. Nguyên lý của hệ thống này là
cơ quan lập pháp được bầu trên cơ sở các đảng phái chính trị. Các đảng phái
chính trị nhận đươc số ghế theo tỉ lệ số phiếu bầu mà đảng phái mình nhận được.
Thực ra, nguyên lý cơ bản của hệ thống này là cơ quan lập pháp được thành lập
trên cơ cở phải bảo đảm tính cân đối – hợp lý số lượng các đại biểu đại diện
cho các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, địa phương, tôn giáo, lứa tuổi… Tuy nhiên,
hiện nay tiêu chí để phân chia đại biểu (ghế) của hệ thống này thường là theo đảng
phái chính trị, khối cử tri mà ít theo các tiêu chí khác như địa phương, dân tộc,
lứa tuổi… Cơ quan được bầu được tính toán theo tỉ lệ phiếu bầu mà các đảng phái
chính trị nhận được như đã nói ở trên.
Hệ thống đại diện
tỉ lệ đòi hỏi mỗi đơn vị bầu cử phải bầu ít nhất là hai đại biểu và nếu số lượng
đại biểu được bầu càng nhiều thì tính cân đối, hợp lý càng cao. Về nguyên lý, nếu
cả quốc gia là một đơn vị bầu cử thì tính dân chủ, tính hợp lý về đại diện được
bảo đảm nhất. Phương pháp này có hai biến cách là:
1.2.1. Phương
pháp đại diện tỉ lệ theo danh sách (List Proportional Representation –
List PR)
Các đảng phái
chính trị đưa ra một danh sách các ứng cử viên, cử tri bỏ phiếu cho các đảng
phái chính trị. Các đảng phái chính trị nhận được số ghế tỉ lệ với tổng số phiếu
nhận được theo đơn vị bầu cử. Tuy nhiên, có ba cách thức khác nhau giữa các nước
trong việc lựa chọn các ứng cử viên cụ thể: danh sách “đóng” (closed lists),
danh sách “mở”(open lists) và danh sách “tự do” (free list).
Phổ biến nhất ở
các nước khi áp dụng phương pháp List PR là theo cách thức “đóng”. Cử tri không
bỏ phiếu cho các ứng cử viên cụ thể mà bỏ phiếu cho các đảng phái chính trị.
Các đảng phái trình một danh sách các ứng cử viên của đảng phái mình. Trong lá
phiếu ghi tên đảng phái chính trị, nhưng không có tên của các ứng cử viên. Các ứng
cử viên do các đảng phái chính trị lựa chọn. Mặc dù vậy, các đảng phái chính trị
cũng có thể có danh sách các ứng cử viên nhất định.
Nhiều nước ở Tây
Âu sử dụng phương thức danh sách mở. Theo đó, cử tri không những lựa chọn các đảng
phái chính trị mà còn lựa chọn các ứng cử viên trong đảng phái đó. Ở một số nước,
như Brazil và Phần Lan, cử tri bắt buộc phải bầu cho các ứng cử viên. Số lượng
các ghế mà các đảng phái chính trị nhận được phụ thuộc vào các ứng cử viên của
họ có được tín nhiệm hay không.
1.2.2. Phương
pháp bầu cử lá phiếu duy nhất có thể chuyển nhượng (Single Transferable Vote
-STV)
Theo phương pháp
này, cử tri bỏ phiếu theo một thứ tự ưu tiên giống như cách thức của hệ thống
lá phiếu có thể thay thế (AV) trong một đơn vị bầu cử có nhiều ghế đại biểu. Cử
tri có thể đánh dấu theo thứ tự những ứng cử viên mà mình tín nhiệm hoặc có thể
chỉ đánh dấu (bầu) một ứng cử viên theo sự lựa chọn của họ. Có thể xuất phát từ
mục đích của những người phát kiến ra nó (3) cử được tính theo
công thức Q = [số phiếu/ (số ghế +1) +1)]. Những ứng cử viên nào không trúng cử
qua phiếu bầu có số ưu tiên một, thì số phiếu vượt mức sẽ được chuyển đến cho ứng
cử viên có hệ số tiếp theo theo một công thức tái phân phối phiếu ưu tiên.
Hệ thống này được
áp dụng bầu cơ quan lập pháp Cộng hòa Ai Len từ năm 1921, Malta từ năm 1947.
Phương pháp này cũng được áp dụng để bầu thượng nghị viện úc và một vài bang của
nước này. Nó cũng được áp dụng để bầu các cơ quan địa phương tại Bắc Ailen.
1.3.
Hệ thống hỗn hợp
Hệ thống bầu cử
hỗn hợp thông thường là sự kết hợp giữa hệ thống đa số với hệ thống đại diện tỉ
lệ. Hệ thống hỗn hợp có hai biến cách là đại diện tỉ lệ hỗn hợp (Mixed Member
Proportional – MMP) và phương pháp song song (parallel systems – PR).
- Dưới phương
pháp đại diện tỉ lệ hỗn hợp (MMP), do có sự kết hợp giữa hai hệ thống đa
số và tỉ lệ, nên thông thường, có hai loại đơn vị bầu cử được thiết kế cùng được
áp dụng: một loại đơn vị bầu cử được thiết kế theo phương pháp bầu cử đa số – tức
là theo tiêu chí địa lý (cả nước được chia thành nhiều đơn vị bầu cử), và một
loại đơn vị bầu cử được thành lập theo hệ thống bầu cử tỉ lệ (cả nước là một
đơn vị bầu cử). Theo phương pháp này, kết quả bầu cử của hai hệ thống có sự
liên hệ với nhau: số ghế của các đảng phái chính trị trong hệ thống List PR được
được bổ sung bằng tỉ lệ mà các đảng phái đó nhận được trong hệ thống đa số
nhưng không được phân bổ số ghế (số phiếu “lãng phí”- wasted votes) (4) .
Chẳng hạn, một đảng phái chính trị nhận được một lượng phiếu “lãng phí” trong
cuộc bầu cử theo đa số, thì tỉ lệ này sẽ được cộng vào (đền bù) trong hệ thống
PR lists. MMP hiện nay được áp dụng tại Albania, Bolivia, Đức, Hungary, ý,
Lesotho, Mexico, New Zealand and Venezuela.
- Phương pháp
song song (PR) cũng áp dụng đồng thời hai hệ thống đại diện tỉ lệ và đa số.
Tuy nhiên, khác với phương pháp đại diện tỉ lệ hỗn hợp, số phiếu “lãng phí”
trong hệ thống đa số không được “đền bù” trong hệ thống đại diện tỉ lệ, có
nghĩa là hai hệ thống đa số và đại diện tỉ lệ được tiến hành độc lập với nhau.
Trong cả hai biến thể đại diện tỉ lệ hỗn hợp và hệ thống song song, cử tri có
thể nhận được một phiếu bầu để đồng thời bầu cả ứng cử viên và đảng phái chính
trị (tức là một phiếu bầu cho cả hai hệ thống bầu cử), hoặc có thể nhận được
hai phiếu bầu riêng biệt, một phiếu bầu cho hệ thống đa số, một phiếu bầu cho hệ
thống đại diện tỉ lệ.
1.4.
Các hệ thống bầu cử khác
Ngoài ra, trên
thế giới còn có nhưng phương pháp bầu cử không thuộc các hệ thống bầu cử đã đề
cập ở trên. Đó là:
– Phương pháp bầu
cử lá phiếu duy nhất không chuyển nhượng được (Single Non-Transferable Vote –
SNTV). Mỗi cử tri chỉ bỏ một phiếu cho một ứng cử viên (thường là ứng cử viên cụ
thể, song cũng có thể là đảng phái chính trị), nhưng lại được áp dụng đối với
đơn vị bầu cử bầu nhiều đại biểu, đây là điểm khác với phương pháp FPTP. Những ứng
cử viên nhận được nhiều phiếu nhất thì trúng cử. Phương pháp này hiện nay được
áp dụng bầu cơ quan lập pháp ở Afghanistan, Jordan, quốc gia đảo Pitcairn,
Vanuatu và được áp dụng trong bầu thượng viện ở Indonesia, Thái Lan. Nó còn được
áp dụng cho 176 ghế trong tổng số 225 ghế trong hệ thống song song (cơ quan lập
pháp Đài Loan). Ngoài ra, phương pháp này còn được biết đến khi được áp dụng ở
Nhật Bản để bầu Hạ viện từ 1947 đến 1993.
- Phương pháp lá
phiếu hạn chế (Limited Vote), giống SNTV là áp dụng phương pháp đa số cho những
đơn vị bầu cử bầu nhiều đại biểu, nhưng khác SNTV ở chỗ, cử tri có nhiều sự lựa
chọn, nhưng ít hơn số ứng cử viên được ấn định cho đơn vị bầu cử đó. Những ứng
cử viên nhận được nhiều phiếu nhất là người thắng cử. Phương pháp này hiện được
áp dụng rộng rãi trong các cuộc bầu cử ở cấp địa phương của một số nước. Nó
cũng được áp dụng ở cấp quốc gia bầu cả thượng và hạ nghị viện Tây Ban Nha từ
năm 1977.
- Phương pháp
Borda Count hiện nay được áp dụng duy nhất ở quốc gia đảo nhỏ bé Nauru ở Thái
Bình Dương. Theo phương pháp này, cử tri bầu theo sự lựa chọn theo thứ tự ưu
tiên như trong hệ thống AV. Nó được áp dụng cho cả đơn vị bầu cử một đại diện
và đơn vị bầu cử nhiều đại diện. Khác với phương pháp AV, Borda Count chỉ một lần
đếm, không có sự loại trừ các ứng cử viên. Ở Nauru, lựa chọn thứ nhất có giá trị
1, lựa chọn thứ hai có giá trị 1/2, lựa chọn thứ ba có giá trị 1/3… Kết quả, ứng
cử viên nào được tổng cộng nhiều phiếu nhất thì thắng cử.
2. Ưu, khuyết điểm
của một số hệ thống bầu cử điển hình và xu hướng đổi mới hệ thống bầu cử của
các nước
2.1.
Ưu, khuyết điểm của một số hệ thống bầu cử điển hình
Như trên đã phân
tích, khó có thể kết luận trong một nhận định ngắn gọn là hệ thống bầu cử của
quốc gia này tiến bộ (hoặc tốt) hơn hệ thống bầu cử của quốc gia kia. Mỗi hệ thống
bầu cử đều phải gắn với một quốc gia nhất định, vì bầu cử là hoạt động chính trị,
do đó phải đặt trong một chế độ chính trị – xã hội cụ thể… như tiêu chí 6, phần
2 đã phân tích.
Tuy nhiên, nếu
xét theo những tiêu chí nhất định (như mức độ đơn giản, dễ hiểu của hệ thống bầu
cử, tính đại diện, xét dưới góc độ kinh tế, hiệu quả của nghị viện được tạo
ra…), chúng ta vẫn có thể đánh giá về ưu, khuyết điểm của từng hệ thống bầu cử.
Từ đó, đối chiếu với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của mổi nước để có thể xem xét
và vận dụng cho phù hợp.
Để có cái nhìn tổng
thể và đơn giản hóa vấn đề, dễ dàng đối chiếu giữa các hệ thống bầu cử, chúng
tôi trình bày vấn đề dưới hình thức biểu bảng theo hướng đưa ra nhận định mà
không phân tích cặn kẽ từng vấn đề.
Hệ thống bầu cử
|
Ưu điểm
|
Hạn chế
|
Phương
pháp ai về trước là người thắng cuộc (FPTP)
|
- Nguyên lý đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu,
nhất là đối với cử tri;
- “Mạnh” về đại diện theo địa lý;
- Chính phủ đa số (chính phủ mạnh);
- Tạo“sự chống đối thống nhất” trong
nghị viện (5);
- Tạo ra một “chính phủ trong bóng tối
thống nhất”.
|
- Có xu hướng loại trừ hoặc hạn chế
các đảng phái nhỏ, các nhóm thiểu số và phụ nữ;
- Kết quả bầu cử có rất nhiều phiếu
“lãng phí”; - Phải phân vạch đơn vị bầu cử;
- Tạo khả năng gian lận trong bầu cử. (6)
|
Phương
pháp hai vòng(TRS)
|
- Tạo cơ hội cho cử tri lựa chọn lần
thứ hai (có cơ hội “sửa sai”);
- Rất dễ hiểu đối với cử tri;
- “Mạnh” về đại diện theo địa lý.
|
- Phải phân vạch đơn vị bầu cử;
- Xét về kinh tế là tốn kém;
- Thời gian tuyên bố kết quả bầu cử chậm;
- Tính đại diện có thể bất hợp lý;
- Có thể dẫn đến tình trạng xã hội bị
phân hóa sâu sắc;
- Thường áp dụng bầu cử tổng thống hơn
là nghị viện.
|
Phương
pháp lá phiếu khối (BV)
|
- Đơn giản, rõ ràng;
- Khuyến khích các đảng phái chính trị
mạnh;
- Cho phép các đảng phái có những biện
pháp tạo điều kiện cho những nhóm thiểu số vẫn có thể có đại diện trong cơ
quan lập pháp.
|
- Tổng thể là tạo xu hướng bất hợp lý
về tính đại diện;
- Có thể dẫn đến tình trạng siêu đa
số (super - (7).majoritarian)
|
Phương
pháp đại diện tỷ lệ theo danh sách (List PR)
|
-Tính đại diện được bảo đảm cân bằng –
hợp lý;
-Tạo cơ hội cho phụ nữ, những nhóm thiểu
số có đại diện trong nghị viện;
-Rất ít phiếu “lãng phí”;
-Tạo thuận lợi cho những người vắng mặt(đi
xa) bỏ phiếu;
-Tạo điều kiện thận lợi cho việc bỏ
phiếu, nên tỉ lệ cử tri bỏ phiếu thường cao;
-Hạn chế tình trạng phát triển quá mạnh
của một đảng.
|
-Tính đại diện theo địa lý “yếu”;
-Chế độ trách nhiệm của nghị viện, nhất
là của chính phủ thường có vấn đề;
-Chính phủ thường thành lập trên cơ sở
liên hiệp của nhiều đảng phái chính trị và các phe phái;
-Có thể dẫn đến hậu quả là có đại diện
của các đảng cực hữu hoặc quá tả trong nghị viện;
- Có thể tạo sự bất lực về quyền lực của
các đảng.
|
Phương
pháp song song
|
- Kết hợp hợp lý giữa hai loại đại diện:
địa lý và các đảng phái chính trị;
- Đảm bảo đại diện của phụ nữ và những
phe, nhóm thiểu số;
- Hạn chế sự phân chia các đảng phái
chính trị hơn hệ thống đại diện tỉ lệ theo danh sách đảng( List PR);
- Chế độ trách nhiệm của đại biểu với
cử tri rõ ràng;
-Tạo ra ít phiếu “lãng phí”.
|
- Phức hợp vì có hai loại đơn vị bầu cử
và có hai loại phiếu;
- Phải phân vạch đơn vị bầu cử;
- Tạo ra hai loại đại diện;
- Không thuận lợi cho người bỏ phiếu vắng
mặt như List PR;
- Về tổng thể, vẫn chưa giải quyết triệt
để về tính đại diện .
|
Phương
pháp đại diện tỉ lệ hỗn hợp (MMP)
|
- Đây là hệ thống bảo đảm hợp lý và
cân bằng nhất về tính đại diện;
- Đảm bảo tính kết hợp hợp lý giữa hai
loại đại diện: địa lý và các đảng phái chính trị;
- Phiếu “lãng phí” là ít nhất trong
các hệ thống bầu cử;
- Chế độ trách nhiệm của đại biểu với
cử tri rõ ràng.
|
- Cũng giống hệ thống hệ thống song
song (PR) là phức hợp vì có hai loại đơn vị bầu cử và có hai loại phiếu;
- Phải phân vạch đơn vị bầu cử;
- Tạo ra hai loại đại diện;
- Không thuận lợi cho người bỏ phiếu vắng
mặt như List PR.
|
2.2.
Xu hướng đổi mới hệ thống bầu cử của các nước trên thế giới
Vào những năm đầu
của thế kỷ XX, nhất là thời kỳ chiến tranh thế giới lần thứ nhất, các nghị viện
dân chủ được lựa chọn (bầu cử) bằng nhiều phương pháp như: đại diện tỉ lệ theo
danh sách (List PR) (hầu hết các nước Scandinavia), hệ thống hai vòng (TRS) được
áp dụng ở Pháp và Đức, hoặc phương pháp ai về trước là người thắng cuộc (FPTP)
được áp dụng Anh, Mỹ, Canada và New Zealand. Australia là quốc gia duy nhất
thay thế hệ thống FPTP vốn được kế thừa từ chế độ thuộc địa, bằng phương pháp
lá phiếu thay thế (AV) vào năm 1918. Tất cả các nước nói trên, dù phương pháp
này hay phương pháp khác, nhưng đều áp dụng nguyên tắc bầu cử cạnh tranh với sự
tham gia của nhiều đảng phái chính trị.
Đến 1945, khoảng
80% các quốc gia thực hiện việc bầu cử nghị viện theo phương pháp đại diện tỉ lệ
(PR), chủ yếu áp dụng đại diện tỉ lệ theo danh sách (List PR), chỉ Cộng
hòa Ai Len và Malta là áp dụng phương pháp bầu cử lá phiếu duy nhất có thể chuyển
nhượng (STV) và các nước Anh, Mỹ, Canada và New Zealand áp dụng phương pháp
(FPTP) để bầu cử nghị viện. Đến năm 1950, ấn Độ và hai nước nhỏ vùng Caribe áp
dụng phương pháp đa số (FPTP). Tuy nhiên, vẫn còn có tới 3/4 tổng số các nước
áp dụng đại diện tỉ lệ (PR). Cũng vào 1950, Nhật Bản áp dụng phương pháp lá phiếu
duy nhất không chuyển nhượng được (SNTV). Sau chiến tranh Thế giới thứ hai, Đức
thông qua hệ thống đại diện tỉ lệ hỗn hợp (MMP).
Phong trào độc lập
tiếp tục diễn ra vào những năm của thập kỷ 1960 dẫn tới nhiều quốc gia châu Phi
thử nghiệm đa đảng trong bầu cử, hầu hết những nước châu Phi nói tiếng
Anh sử dụng phương pháp đa số (FPTP). Đến 1970, khoảng 1/3 các nước áp dụng
phương pháp FPTP với đơn vị bầu cử một đại diện và gần một nửa các nước áp dụng
List PR. Khoảng từ 1980 đến 1995, hai phương pháp được áp dụng là phương pháp
song song và phương pháp hai vòng. Đến 1995, hai hệ thống này chiếm gần 1/4 hệ
thống bầu cử của hơn 150 nước. (8)
Nếu tính theo quốc
gia thì đến 2005, trên thế giới có 70 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng hệ thống
đại diện tỉ lệ theo danh sách (List PR) để bầu cơ quan lập pháp. Đây là hệ thống
phổ biến nhất trên thế giới. Đứng thứ hai là hệ thống đa số (FPTP), được áp dụng
ở 47 nước.(9)
Sự phân bố các hệ
thống bầu cử qua các châu lục là đan xen nhau. Dường như, hệ thống FPTP chiếm
khoảng từ 30 – 40% số các nước châu Á, châu Phi, Trung Đông, các nước châu Mỹ
(các nước Bắc Mỹ và vùng Caribe). Tuy nhiên, hệ thống FPTP lại ít phổ biến ở
các nước cộng hoà hậu Xô viết và các nước châu Âu. Hệ thống bầu cử List PR mang
tính phổ biến ở các nước Tây Âu (61%).
Các số liệu thống
kê nêu trên chủ yếu mang tính chất liệt kê hơn là rút ra thành quy luật thay đổi.
Tuy nhiên, theo chúng tôi, nó cũng có ý nghĩa nhất định sau khi nhà làm luật đã
xem xét, cân nhắc những tiêu chí được nêu và phân tích trong Phần 2. Điều cuối
cùng chúng tôi muốn nói trong bài này là, nhà làm luật phải đặt ra câu hỏi: Việc
sửa đổi, bổ sung (hoặc xây dựng mới) hệ thống pháp luật bầu cử nhằm mục đích
chính gì? Bởi nếu không đặt ra câu hỏi này, việc làm đó sẽ mang tính tản mạn và
không có hướng đi xác định.
Chú thích:
[1] Vì
tính phức tạp của vấn đề, cũng như một số thuật ngữ được sử dụng ở các nước mà
trong tiếng Việt khó tìm từ, và do khả năng có hạn, chúng tôi chỉ tạm dịch, nếu
chưa thật chính xác, hoặc trong nhiều trường hợp, nếu chỉ dịch ra tiếng Việt
thuần túy, có thể rất khó hiểu, vì những vấn đề đó ở nước ta chưa có- trong những
trường hợp như vậy, chúng tôi vẫn kèm theo tiếng Anh, với mục đích để tìm hiểu
vấn đề một cách tốt nhất. Mong bạn đọc thông cảm.
[2] Đây
là cách hiểu theo nghĩa “hẹp”. Vì tiêu chí theo cách này là phương pháp “chuyển
hóa” từ những lá phiếu của cử tri thành “các ghế” trong cơ quan dân cử, nên hệ
thống bầu cử theo nghĩa hẹp này cũng có thể gọi là phương pháp bầu cử. Ngoài
ra, thuật ngữ hệ thống bầu cử còn được hiểu theo nghĩa rộng, là tổng hợp các
qui định của pháp luật bầu cử và những nguyên lý vận hành của hệ thống chính trị
có tác động, ảnh hưởng đến quá trình bầu cử của mỗi quốc gia.
[3] Hệ
thống này do hai nhà khoa học Thomas Hare người Anh và Carl Andre người Đan Mạch
phát kiến vào thế kỷ XIX.
[4] Phiếu
không chuyển thành “ghế” gọi là phiếu “lãng phí”. Chẳng hạn, trong một đơn vị bầu
cử một đại diện, ứng cử viên của Đảng A nhận được 60% phiếu bầu, ứng cử viên của
Đảng B nhận được 30% phiếu bầu, ứng cử viên của Đảng C nhận được 10% phiếu bầu.
Như vậy, ứng cử viên của Đảng A trúng cử (đại diện cho tất cả cử tri trong đơn
vị bầu cử đó-trong khi đó chỉ nhận được 60% phiếu bầu), 40% phiếu bầu còn lại của
cử tri (bầu cho các ứng cử viên của Đảng B,C) không đem lại một kết quả gì
(không chuyển thành “ghế”) – gọi là wasted votes ( tạm dịch là phiếu lãng phí,
hoặc vô ích) – Chú ý: đây là phiếu hợp lệ (valid ballots) chứ không phải
là phiếu không hợp lệ (invalid ballots).
[5] Theo
chúng tôi, sâu xa của của việc giải thích tại sao hệ thống chính trị của Mỹ
trong hầu hết lịch sử lập quốc của quốc gia này (từ 1869 đến nay), cũng như
chính trường nước Anh trong lịch sử hiện đại luôn ổn định hai đảng phái chính
trị lớn thay nhau cầm quyền, liên quan đến hệ thống bầu cử nghị viện của các nước
này là hệ thống khu vực bầu cử “một đại diện” theo phương pháp FPTP như đang
nói ở trên.
[6] Vì
căn cứ áp dụng khi phân vạch các đơn vị bầu cử là bình đẳng dân số, nên khi
phân vạch đơn vị bầu cử, phải “xé lẻ” đơn vị hành chính. Điều này làm cho việc
kiểm soát rất phức tạp. Ngoài ra, vì phương pháp này đòi hỏi ai nhiều phiếu hơn
thì người đó thắng cuộc, do đó, nó liên quan chặt chẽ đến dữ liệu chính trị- hiểu
một cách đơn giản là mỗi đảng phái chính trị đều có “ủng hộ viên” ruột nhất định
(có thể là cử tri ở một vùng hoặc một cộng đồng nào đó). Do vậy việc phân vạch
các đơn vị bầu cử phải bảo đảm tính khách quan, không lợi dụng vấn đề này để
gian lận, hoặc ảnh hưởng đến căn cứ bình đẳng dân số là không dễ dàng.
[7] Chẳng
hạn, cuộc bầu cử năm 1991 ở Singapore, Đảng Nhân dân hành động nhận được 61% số
phiếu, nhưng chiếm đến 95% số ghế trong Quốc hội.
[8] Theo
“Electoral Systems”,
http://127.0.0.1:800/Default/www.acepproject.org/main/English/es/es.htm.
[9] http:www.aceproject.org/ace-en/topic/es/et-quiz/onlinetest_attempt.
Nguồn: Hoàng Thu Trang. Hệ thống bầu cử của một số quốc gia trên thế giới
và ở Việt Nam hiện nay. Trích, LV Thạc Sĩ 2015