So sánh một số hệ thống bầu cử trên thế giới

Posted on
  • Chủ Nhật, 8 tháng 4, 2018
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • Đối với một công dân bình thường ở tuổi trưởng thành của một quốc gia dân chủ hiện đại, bầu cử đã trở thành một khái niệm quen thuộc và thường xuyên được nhắc đến. Ở nghĩa gốc nguyên thủy, “bầu cử” được hiểu đơn giản là “lựa chọn” hoặc “ra quyết định”. Trên thực tế, trong các nền dân chủ đại diện hiện đại, bầu cử là cơ chế phổ biến nhất để chọn lựa ra người đại diện vào nắm giữ vị trí công quyền, thực thi quyền lực nhà nước. Do đó, bầu cử có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với các công dân.
    Trong “Tinh thần pháp luật”, Montesquieu cho rằng trong bầu cử, cử tri thay đổi vị trí từ người bị cai trị thành người cai trị, tức là thông qua hành vi bầu cử, người dân thực hiện chủ quyền của mình với tư cách là người chủ để lựa chọn ra chính quyền của mình. Với ý nghĩa đó, hệ thống bầu cử là một trong những thiết chế quan trọng hàng đầu đối với bất cứ nền dân chủ nào. Hơn nữa, hệ thống bầu cử được coi là một thiết chế chính trị vô cùng quan trọng bởi lẽ nó tạo lập ra luật chơi trong các nền dân chủ. Nhưng cũng chính vì vậy mà hệ thống bầu cử lại là thiết chế chính trị dễ bị điều khiển và lợi dụng nhất. Thông qua bầu cử, những lá phiếu của người dân được chuyển thành những ghế trong cơ quan quyền lực nhà nước, nên kiểm soát hệ thống bầu cử tức là hình thức trực tiếp kiểm soát quyền lực. Ngày nay, để tránh sự lạm quyền và thao túng quyền lực, các hệ thống bầu cử dân chủ hiện đại được thiết kế nhằm đạt hai giá trị cơ bản đồng thời là phổ quát của bầu cử trên thế giới là “tự do” và “công bằng”, đó cũng là những giá trị mơ ước của mỗi con người nói chung. Trong sự phát triển của nhân loại, mục tiêu chiến lược của các cải cách hệ thống bầu cử trên thế giới phải để phát huy dân chủ ngày càng mạnh mẽ, tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện chủ quyền của mình hiệu quả hơn và hiệu lực hơn. Và chỉ có thế mới đạt được hai giá trị cơ bản là “tự do” và “công bằng”.
    Xét tổng quan trên thế giới, các hệ thống bầu cử rất đa dạng và khác nhau tùy theo từng quốc gia. Tuy nhiên, dù có sự đa dạng như vậy, nhưng về đại thể, các hệ thống bầu cử có thể được phân loại thành hai nhóm lớn là hệ thống bầu cử theo quy tắc tỷ lệ đại diện và hệ thống bầu cử theo quy tắc lấy đa số. Lẽ dĩ nhiên trên thực tế, có sự giao thoa lẫn nhau và tồn tại hệ thống hỗn hợp hai loại trên. Để có một cách nhìn so sánh toàn diện, cần phân tích các hệ thống bầu cử phổ biến trên thế giới hiện nay.

    1. Hệ thống bầu cử theo quy tắc số nhiều/đa số
    Đặc điểm nổi bật nhất để phân biệt hệ thống bầu cử này là người chiến thắng là người giành nhiều phiếu nhất, hoặc giành được đa số phiếu. Ở những nước phân chia khu vực/đơn vị bầu cử với quy định mỗi khu vực/đơn vị bầu cử chỉ được bầu lấy một đại diện duy nhất thường áp dụng phổ biến nhất là hệ thống bầu cử theo quy tắc ai nhiều phiếu nhất là thắng (First Past the Post - FPTP). Nguyên tắc “ai nhiều phiếu nhất là thắng” chỉ có thể được áp dụng đối với đơn vị bầu cử chỉ bầu lấy một đại diện và người chiến thắng là người nhận được nhiều phiếu bầu hợp lệ nhất, bất kể là có đạt đa số hay không (trong khái niệm “đa số” phiếu, có “đa số thường”, tức là lớn hơn 50%, và “đa số tuyệt đối”- lớn hơn 75%). Đây là nguyên tắc đơn giản nhất và dễ dàng nhất để chọn được người đại diện bởi cách thức bỏ phiếu lấy người ứng cử viên làm trung tâm. Mỗi cử tri được nhận một lá phiếu trên đó có ghi tên của tất cả các ứng cử viên và cử tri chỉ được chọn lấy một cái tên duy nhất trong đó. Ngày nay, hệ thống bầu cử theo nguyên tắc “ai nhiều phiếu nhất là thắng” thuần túy chủ yếu còn tồn tại ở Vương quốc Anh và các quốc gia vốn từng là thuộc địa của Anh như Ca-na-đa, Ấn Độ và Hoa Kỳ. Theo thống kê về hệ thống bầu cử các nước do một tổ chức của Liên hợp quốc tiến hành, ở châu Á hiện nay có tất cả 5 nước thực hiện hệ thống bầu cử theo nguyên tắc “ai nhiều phiếu nhất là thắng”, gồm có Băng-la-đét, Mi-an-ma, Ma-lai-xi-a, Nê-pan và Ấn Độ; còn ở châu Phi, có 15 nước. Trong tổng số 213 quốc gia và vùng lãnh thổ được điều tra, thì có 22% số nước sử dụng hệ thống bầu cử theo nguyên tắc “ai nhiều phiếu nhất là thắng”. Tính phổ biến của hệ thống bầu này bắt nguồn từ những lợi thế của nó, chủ yếu là từ sự đơn giản và xu hướng chọn người chiến thắng là đại diện theo khu vực địa lý. Một số điểm lợi của hệ thống này là trong các nước theo chế độ đa đảng, hệ thống này giúp tạo lập chính phủ một đảng cầm quyền ổn định trong suốt nhiệm kỳ mà không phải liên minh với các đảng nhỏ khác. Hệ thống này là một trong những nhân tố góp phần tạo ra tình hình hai đảng lớn thay nhau cầm quyền tại Mỹ (Cộng hòa và Dân chủ), hay tại Anh (Công đảng và Bảo thủ), góp phần loại bỏ đại diện các đảng cực hữu ra khỏi cơ quan lập pháp. Do hệ thống này bầu ra người chiến thắng đại diện cho một khu vực địa lý nhất định nên nó cũng tạo ra mối quan hệ gắn bó khăng khít giữa đại biểu được bầu với cử tri của khu vực bầu cử. Một số nhà bình luận cho rằng, đây là đặc tính “giải trình trách nhiệm theo khu vực địa lý”, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng ở các xã hội nông nghiệp và các nước đang phát triển.
    Tuy nhiên, hệ thống bầu cử theo nguyên tắc “ai nhiều phiếu nhất là thắng” cũng có nhiều khiếm khuyết, thường bị chỉ trích vì thiếu sự “công bằng” và thiếu tính chính đáng. Trong các chế độ đa đảng, hệ thống này loại bỏ các đảng nhỏ ra khỏi cuộc chơi quyền lực, và các đảng nhỏ không có được tỷ lệ đại diện công bằng mà họ đáng được có trong cơ quan lập pháp. Ví dụ như trong cuộc bầu cử liên bang năm 1993 của Ca-na-đa, Đảng Bảo thủ tiến bộ giành được 16% số phiếu bầu nhưng chỉ có được 0,7% số ghế trong Quốc hội. Hệ thống này còn có xu hướng loại bỏ tỷ lệ đại diện công bằng của các nhóm sắc tộc thiểu số và của phụ nữ ra khỏi Quốc hội. Theo thống kê năm 2004 của Liên minh Nghị viện thế giới, các bằng chứng cho thấy hệ thống này làm giảm khả năng thắng cử của phụ nữ và tỷ lệ phụ nữ trong các cơ quan dân cử tại những nước theo hệ thống bầu cử này thấp hơn so với các nước theo hệ thống bầu cử theo tỷ lệ. Ngoài ra, hệ thống này lại tạo điều kiện cho các đảng chính trị phát triển dựa trên sự cố kết về dòng họ, sắc tộc, tôn giáo, có nguy cơ tạo ra các “lãnh địa”  riêng, khiến các đảng nhỏ hơn, các nhóm thiểu số, yếu thế khó có cơ hội chen chân vào cơ quan quyền lực. Thêm nữa, hệ thống này còn có điểm yếu là tình trạng phân tán phiếu bầu, khiến ứng cử viên thắng cử thường khó có thể có được đa số phiếu, làm giảm tính chính đáng đối với việc nắm quyền của người đó. Một điểm yếu cơ bản nữa của hệ thống này là sự phụ thuộc quá lớn vào cách phân chia ranh giới khu vực bầu cử. Hệ quả chính trị là lực lượng nào thao túng được việc phân chia ranh giới khu vực bầu cử thì sẽ chiến thắng, khiến mục đích tìm kiếm sự “công bằng” sẽ khó đạt được.
    Trong hệ thống bầu cử theo quy tắc đa số, còn có một nguyên tắc ít phổ biến hơn, được áp dụng cho những nước, những vùng cho phép mỗi khu vực/đơn vị bầu cử được bầu lấy nhiều hơn một đại biểu, đó là nguyên tắc bầu theo cả khối (Block Vote). Theo nguyên tắc này, cử tri có thể bầu tối đa số lượng đại biểu theo hạn mức số ghế được phân chia cho đơn vị bầu cử của mình, thường là tự do bỏ phiếu cho cá nhân các ứng cử viên mà ít quan tâm đến đảng phái của họ. Do đó, trong các nước theo chế độ đa đảng, nguyên tắc bầu cử này chỉ được áp dụng tại một số nước mà đảng chính trị yếu, ví dụ như Li-băng, Cô-oét, Lào và một số quốc đảo ở Thái Bình Dương. Một số nước khác như Gioóc-đa-ni, Mông Cổ, Phillipin và Thái Lan cũng đã từng sử dụng nhưng sau đó đã thay đổi. Chẳng hạn như ở Thái Lan, nguyên tắc bầu cử này đã tạo ra tình trạng chia rẽ trong đảng, tình trạng tham nhũng, vì trong một đơn vị bầu cử, các đảng viên của cùng một đảng phải cạnh tranh lẫn nhau để giành giật sự ủng hộ của cử tri, nảy sinh tình trạng mua phiếu và dẫn đến sự phát triển không lành mạnh của các đảng chính trị.
    Ngoài hai nguyên tắc trên, trong hệ thống bầu cử theo số nhiều hoặc đa số, còn có một số nguyên tắc khác cũng có nơi, có thời điểm áp dụng như bầu theo khối đảng (Party Block Vote) được dùng ở một số nước như Xê-nê-gan, Tuy-ni-di, Xinhgapo, Djibouti;  hoặc bầu thứ tự thay thế (Alternative Vote) được áp dụng ở Ốt-xtrây-li-a, Phigi, Papua Niu Ghi-nê; và nguyên tắc bầu cử hai vòng (Two-round system).
    Trong các nguyên tắc đó, đáng chú ý phân tích nhất là nguyên tắc bầu cử hai vòng, vẫn nằm trong hệ thống bầu cử theo số nhiều hoặc đa số, cho phép tổ chức cuộc bầu cử vòng hai nếu một ứng cử viên hoặc một đảng nào đó đạt được một số phiếu nhất định trong vòng bầu cử đầu tiên nhưng chưa đủ quá bán để thắng ngay vòng đầu thì vòng hai, người nào cao phiếu nhất sẽ chiến thắng, không cần phải giành được đa số quá bán trở lên nữa. Vòng một được thực hiện giống như cách bầu “ai nhiều phiếu nhất là thắng”, ứng cử viên nào hoặc đảng nào (nếu bầu theo danh sách đảng) nhận được một số phiếu nhất định theo quy định thì thắng cử ngay vòng một mà không cần bỏ phiếu lần hai nữa. Tỷ lệ phiếu quy định này thường là quá bán, mặc dù có một số nước quy định các tỷ lệ khác nhau. Nếu không có ứng cử viên nào hoặc đảng nào được quá nửa số phiếu hợp lệ thì tiến hành vòng bầu cử thứ hai. Phổ biến nhất cho cách bầu ở vòng hai là chọn ra hai ứng cử viên cao phiếu nhất tại vòng một để bỏ phiếu, người thắng cử sẽ chắc chắn đạt được quá bán số phiếu. Phương pháp khác là tại vòng hai chọn nhiều hơn hai ứng cử viên với quy định tỷ lệ phiếu tối thiểu một ứng cử viên phải đạt được để vượt qua vòng một. Ví dụ, bầu cử cơ quan lập pháp ở Pháp, ứng cử viên nào nhận được nhiều hơn 12,5% số phiếu hợp lệ ở vòng một là được vào vòng hai. Tại vòng hai, ứng cử viên nào được cao phiếu nhất thì thắng cử, bất kể là có giành được quá bán hay không. Phương pháp bầu cử hai vòng được sử dụng cho bầu cử Nghị viện tại 22 nước và là phương pháp được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới cho bầu cử Tổng thống trực tiếp. Ngoài Pháp, còn các quốc gia trước đây là thuộc địa của Pháp hoặc chịu ảnh hưởng của Pháp sử dụng cách bầu cử hai vòng, ví dụ Cộng hòa Trung Phi, Công gô, Gabon, Ai cập… và một số nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ như Bê-la-rút, Kiếc-ghi-xtan, Tuốc-mê-ni-xtan, U-dơ-bê-ki-xtan.
    Phương pháp bầu cử hai vòng có những điểm lợi và bất lợi. Những điểm lợi đó là: cho phép cử tri có cơ hội lựa chọn lần hai, khuyến khích sự thỏa thuận giữa các đảng phái và nhóm lợi ích để đạt được kết quả phù hợp ở vòng hai, giảm thiểu vấn đề phân tán phiếu. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có những khiếm khuyết như: gây áp lực đối với cơ quan tổ chức bầu cử vì phải tiến hành hai cuộc bầu cử trong một khoảng thời gian ngắn, tăng chi phí, tăng sự bất định và dễ mất ổn định; gây cả áp lực đối với cử tri, dễ dẫn đến tỷ lệ cử tri đi bầu sụt giảm ở vòng hai. Trên thực tế, khiếm khuyết nghiêm trọng nhất đối với phương pháp bầu cử này được quan sát và phân tích ở các nước kém phát triển như Ăng-gô-la, Công-gô và An-giê-ri, với hệ lụy là xã hội bị chia rẽ sâu sắc, thậm chí là nội chiến.

    2. Hệ thống bầu cử theo tỷ lệ đại diện (Proportional Representation-PR)
    Nguyên lý chung của hệ thống bầu cử theo tỷ lệ đại diện là việc chuyển số phiếu mà một đảng chính trị nhận được trong bầu cử thành số ghế tương ứng trong cơ quan lập pháp cho đảng đó. Có hai phương pháp bầu cử phổ biến theo tỷ lệ đại diện là phương pháp tỷ lệ đại diện theo danh sách (List PR) và phương pháp bầu cử lá phiếu duy nhất có thể chuyển nhượng (Single Transferable Vote -STV). Một nguyên tắc chung đối với hệ thống bầu cử theo tỷ lệ đại diện là mỗi khu vực bầu cử phải được bầu nhiều hơn một đại biểu. Ở một số nước nhỏ, dân số ít, như Ixrael và Hà Lan, cả nước là một đơn vị bầu cử, được bầu nhiều đại biểu. Ở một số nước khác, ví dụ như Ác-hen-ti-na và Bồ Đào Nha, đơn vị bầu cử được lấy căn cứ theo tỉnh. Hệ thống bầu cử theo tỷ lệ đại diện được nhiều nước Mỹ Latin, châu Phi và châu Âu sử dụng, và đại bộ phận những nước đó áp dụng phương pháp tỷ lệ đại diện theo danh sách. Có một số yếu tố quan trọng tác động đến hiệu quả hoạt động trên thực tế của hệ thống bầu cử theo tỷ lệ đại diện như số lượng đại biểu được phân bổ cho mỗi đơn vị bầu cử, phạm vi lựa chọn của cử tri giữa các đảng phái chính trị và cá nhân các ứng cử viên. Hệ thống bầu cử theo tỷ lệ đại diện có nhiều điểm thuận lợi và cả điểm bất lợi.
    Điểm thuận lợi là: Kết quả bầu cử sẽ cho phép có một cơ quan lập pháp có tính đại diện cao hơn hệ thống bầu cử theo quy tắc số nhiều hay đa số. Lợi ích rõ ràng của nó là tại những nước vốn có sự chia rẽ xã hội sâu sắc, việc bao gồm các nhóm xã hội khác nhau, không loại trừ nhóm yếu thế trong cơ quan lập pháp là điều kiện cần thiết để đảm bảo hòa hợp dân tộc và ổn định. Hệ thống này được nhiều nhà phân tích ca ngợi là tránh được kết quả bất công hay nguy cơ bất ổn do giảm thiểu khả năng chi phối tuyệt đối của các đảng lớn, vẫn tạo cơ hội tiếp cận quyền lực nhà nước cho các đảng nhỏ. Để làm được như vậy, đòi hỏi phải có sự nhất trí của các đảng chính trị khi nộp danh sách ứng cử viên của đảng, những người thể hiện ý chí và tư tưởng của đảng. Hệ thống này cũng tránh được lãng phí phiếu bầu, bởi lẽ, bất kỳ lá phiếu nào cũng đóng góp vào kết quả cuối cùng và có khả năng là thay đổi kết quả bầu cử, dù là nhỏ. Do hệ thống này khuyến khích tính đại diện, tính bao gồm, nên các đảng nhỏ, các lực lượng thiểu số đều có cơ hội, nó hạn chế được đáng kể tình trạng “lãnh địa bầu cử”, dẫn đến tính liên tục và ổn định cao hơn của chính sách, khuyến khích hoạt động chia sẻ quyền lực giữa các đảng phái chính trị và các nhóm lợi ích.
    Tuy nhiên, hệ thống bầu cử theo tỷ lệ đại diện cũng có những điểm bất lợi đáng kể. Hệ thống này có xu hướng dẫn đến các chính phủ liên hiệp và hệ thống đảng phái bị manh mún, bất ổn định. Hệ thống này cũng tạo điều kiện cho các đảng cực hữu hoặc cực tả có đất sống. Kết quả của hệ thống bầu cử này thường là có một chính phủ liên hiệp nhưng lại thiếu cơ sở liên minh vững chắc là những điểm đồng thuận về chính sách, tư tưởng và cơ sở ủng hộ, nên hay mất ổn định và dễ đổ vỡ. Thêm vào đó, hệ thống này cũng tạo ra nhiều quyền lực cho các đảng nhỏ trong cuộc mặc cả thành lập chính phủ liên hiệp với các đảng lớn, gây áp lực lớn đối với các đảng lớn và cử tri rất khó có thể loại bỏ hoàn toàn được đảng nào ra khỏi quyền lực nhà nước.
    Trong hệ thống bầu cử theo tỷ lệ đại diện, như đã nêu trên, có hai phương pháp phổ biến là tỷ lệ đại diện theo danh sách và bầu cử lá phiếu duy nhất có thể chuyển nhượng. Điểm phân biệt giữa hai phương pháp này là một bên lấy trọng tâm là bầu theo đảng phái, một bên lấy trọng tâm là bầu theo ứng cử viên cụ thể. Phương pháp bầu cử tỷ lệ đại diện theo danh sách cho phép mỗi đảng được trình một danh sách các ứng cử viên tại mỗi đơn vị bầu cử, cử tri bỏ phiếu cho một đảng nào đó và đảng này nhận được số ghế tương ứng với tỷ lệ phiếu bầu mà họ nhận được. Người thắng cử được lấy từ danh sách theo trật tự thứ tự của danh sách. Số ghế được phân bổ được tính toán theo công thức lấy trị số trung bình cao nhất hoặc tính số dư lớn nhất. Công thức tính toán thế nào ảnh hưởng khá lớn đến tỷ lệ ghế của mỗi đảng. Rõ ràng, lợi thế lớn nhất của phương pháp bầu cử tỷ lệ đại diện theo đảng phái tạo cơ hội lớn cho các đảng nhỏ, nhóm thiểu số, và đặc biệt là gia tăng cơ hội trúng cử của phụ nữ. Tuy nhiên, vì tập trung vào tính đại diện và danh sách đảng, nên điểm yếu cơ bản của nó là mối quan hệ thiếu gắn bó và tương đối lỏng lẻo giữa đại biểu được bầu và khu vực bầu cử của họ, cử tri biết rất ít về cá nhân các ứng cử viên mà chỉ bỏ phiếu theo đảng phái mà họ yêu thích. Điều này dễ tạo ra quyền lực chi phối của giới lãnh đạo cao cấp của đảng chính trị vì họ quyết định danh sách đảng đưa ra bầu cử. Chính vì vậy, cơ hội được thắng cử của một ứng cử viên phụ thuộc nhiều hơn vào việc được lãnh đạo đảng đề cử vào danh sách, chứ không phải là cử tri, nên rõ ràng, mối quan hệ đại biểu - cử tri có ít sự liên kết gắn bó.
    Phương pháp bầu cử lá phiếu duy nhất có thể chuyển nhượng (STV) được giới học giả hàn lâm và khoa học chính trị đưa ra để thiết kế hệ thống bầu cử, nhưng việc áp dụng lại tương đối hạn chế. Phương pháp này được nhà khoa học chính trị người Anh tên là Thomas Hare và người Đan Mạch Carl Andrea đưa ra từ thế kỷ thứ 19, được áp dụng tại Cộng hòa Ai-len bắt đầu từ năm 1921, tại Man-ta từ năm 1947, áp dụng cho bầu cử thượng viện liên bang Ốt-xtrây-li-a và một số bang của nước này. Phương pháp bầu này cũng tương tự như bầu thứ tự thay thế (AV) của hệ thống bầu cử theo quy tắc số nhiều/đa số, tức là cử tri lựa chọn ứng cử viên theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống và ứng cử viên nào đạt được số phiếu bầu chọn ưu tiên số 1 nhiều nhất sẽ thắng cử ngay. Sau đó, từ người thắng cử thứ hai sẽ tính số phiếu bầu được phân phối lại từ người có số phiếu được ưu tiên thấp nhất và số phiếu dư từ người đã thắng cử trước người đó. Theo phương pháp đó, lấy người thắng cử cho đủ số hạn mức đại biểu được bầu của đơn vị bầu cử đó. Phương pháp này do các học giả chính trị đưa ra, nên tính toán kiểm phiếu tương đối phức tạp và đòi hỏi cử tri phải có hiểu biết, ở trình độ dân trí nhất định, do đó mức độ áp dụng tương đối hạn chế.

    3. Hệ thống bầu cử hỗn hợp hoặc song song
    Có thể thấy, hai hệ thống bầu cử phổ biến trên thế giới đều có điểm lợi thế và khiếm khuyết nhất định. Do đó, nhiều nước đã cố gắng thiết kế hệ thống bầu cử của mình bằng cách khai thác tối đa những lợi thế của cả hai hệ thống và giảm thiểu điểm khiếm khuyết của chúng. Các hệ thống bầu cử - nếu không nằm hoàn toàn vào một trong hai hệ thống đã đề cập - thì sẽ là loại hỗn hợp, phái sinh từ hai loại cơ bản trên. Hệ thống song song cũng là một dạng hệ thống hỗn hợp, cử tri lựa chọn bầu đại biểu của mình thông qua hai hệ thống bầu cử tỷ lệ đại diện theo danh sách và hệ thống bầu cử theo số nhiều/đa số.

    4. Một số nhận xét và gợi ý cho thiết kế hệ thống bầu cử
    Có thể thấy, việc thiết kế hệ thống bầu cử như thế nào ảnh hưởng to lớn đến hoạt động quản trị quốc gia, ra chính sách và ổn định chính trị. Mỗi một hệ thống bầu cử khác nhau đều có những hệ lụy khác nhau, đều có điểm lợi và các khiếm khuyết, chưa thể có một hệ thống hoàn hảo ở bất kỳ nước nào. Tuy nhiên, để hướng đến một hệ thống bầu cử tốt hơn, ít khiếm khuyết hơn, khiến cho người dân phát huy được quyền làm chủ của mình lớn hơn, cần phải lưu ý một số kinh nghiệm đã được các chuyên gia quốc tế đúc rút từ việc thiết kế các hệ thống bầu cử trên thế giới để áp dụng cho hệ thống bầu cử tại Việt Nam:
    - Thiết kế hệ thống bầu cử sao cho đơn giản và rõ ràng, như vậy sẽ tăng tính hiệu quả và bền vững, dễ được cử tri và các nhà chính trị chấp nhận. Hệ thống bầu cử càng phức tạp thì càng khó hiểu, và do đó, làm cử tri thiếu tin tưởng vào kết quả.
    - Khi thiết kế hệ thống bầu cử, phải khuyến khích tư duy đổi mới, thay đổi cách làm cũ đối với những vấn đề khiếm khuyết cụ thể đã được xác định rõ ràng; chú ý các nhân tố thuộc về hoàn cảnh cụ thể và tạm thời;
    - Cần chú ý tính bao gồm và đại diện của các nhóm sắc tộc thiểu số, yếu thế và phụ nữ để được bầu vào cơ quan lập pháp, đặc biệt tại những nước đang phát triển, những nước nghèo bởi hệ quả trực tiếp của việc loại bỏ các nhóm này ra khỏi quyền lực nhà nước tại những nước kém phát triển là chia rẽ xã hội, gây xung đột.
    - Hệ thống bầu cử phải được thiết kế sao cho cử tri thấy rằng, bầu cử đem lại cho họ một biện pháp gây ảnh hưởng đối với chính phủ và các chính sách của chính phủ, rằng lá phiếu của họ thực sự có ý nghĩa tác động đến đời sống chính trị và quyền lực nhà nước, trực tiếp thông qua kết quả bầu cử. Điều đó thể hiện tính dân chủ và chủ quyền của nhân dân được thực thi.
    - Hệ thống bầu cử có ảnh hưởng đáng kể đến hệ thống chính trị, giúp tạo lập sự ổn định, tăng cường trách nhiệm giải trình của chính phủ… nhưng cũng không phải là thần dược để chữa tất cả các căn bệnh của hệ thống chính trị. Những khiếm khuyến lớn của hệ thống bầu cử hiện tại không phải có thể dễ dàng sửa đổi bởi hệ lụy của việc sửa đổi đó là sự thay đổi cả môi trường chính trị và những hệ quả ngoài mong muốn (phản ứng phụ). Do đó, bất cứ sự thay đổi nào cũng cần tìm kiếm những kinh nghiệm quốc tế của các nước láng giềng, các nước có hoàn cảnh tương tự để so sánh, đánh giá một cách thấu đáo những tác động của một hệ thống mới. Thường các hệ thống bầu cử được thiết kế với tư duy tránh các sai lầm trong quá khứ, nhất là những sai lầm gần nhất. Tư duy đó có thể là một cái bẫy dễ mắc phải, khiến hệ thống được sửa đổi lại trượt sang những khiếm khuyết khác, thậm chí còn không đáng mong muốn hơn. Do đó, trong khi cố gắng khắc phục những khiếm khuyết của hệ thống bầu cử hiện tại, cũng cần thận trọng để không có phản ứng thái quá, tạo lập một hệ thống mới đi quá xa so với việc sửa chữa khiếm khuyết cũ.
    Nguồn: Bùi Hải Thiêm. Tạp chí Nghiên cứu lập pháp
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org