GIỚI THIỆU
Trong bài Chuyển
đổi và Củng cố Dân chủ, chúng ta đã tìm hiểu các giai đoạn chuyển đổi dân
chủ, cũng như củng cố dân chủ là gì, và đâu là các điều kiện thuận lợi cho củng
cố dân chủ. Trong bài này, chúng ta tìm hiểu về một hiện tượng mới xuất hiện gần
đây và giành được nhiều sự qua tâm của giới hàn lâm, đó là giải củng cố dân chủ.
Các nhà khoa học chính trị như Linz
và Stepan (1996) thường tin rằng “củng
cố dân chủ” là con đường một chiều. Tức là một khi nền dân chủ đi đến củng
cố, thì nó sẽ không bao giờ bị sụp đổ. Tuy nhiên, niềm tin nay đang bị thách thức
bởi sự sụp đổ gần đây của một số nền dân chủ như Venezuela và Balan, vốn là các
nền dân chủ củng cố, hay dân chủ tự do, song đã trải qua một quá trình suy
thoái kéo dài, và hiện chỉ được coi là nền dân chủ bầu cử, như Balan, hay độc
tài cạnh tranh như Venezuela.
Và vấn đề trở nên đặc biệt nghiêm trọng
hơn, khi mà các dấu hiệu đưa đến sự sụp đổ của các nền dân chủ này đang xuất hiện
ở khắp các quốc gia Phương Tây, dấy lên sự lo ngại về những sự sụp đổ tương tự
trên diện rộng trong tương lai.
Trong bài này, chúng ta tìm hiểu nghiên cứu
về hiện tượng giải củng cố dân chủ hiện nay thông qua nghiên cứu (đăng trên Journal of Democracy) của hai
nhà khoa học chính trị là Roberto Stefan Foa và Yascha Mounk.
GIẢI CỦNG
CỐ DÂN CHỦ Ở VENEZUELA VÀ BALAN
Venezuela
-
Trong những năm 1960, Venezuela từng được thừa nhận rộng
rãi là một nền dân chủ ổn định với các cuộc bầu cử tự do và công bằng. Và đất
nước này đã đạt đến ngưỡng được coi là nền dân chủ tự do, với thu nhập bình
quân đầu người tương đương với Israel hay Ireland. Đối với nhiều người nghiên cứu
về khu vực Mỹ Latin, “Nền dân chủ Venezuela là hình mẫu cho các quốc gia khác
trong khu vực, vốn đang ngụp lặn trong các khuynh hướng độc tài đến từ cánh tả
lẫn cánh hữu” trong giai đoạn đó.
-
Tuy nhiên, nền dân chủ của Venezuela trở nên tồi tệ từ
khi Hugo Chavez lên nắm quyền vào năm 1998. Nền pháp quyền bị xói món, báo chí
bị cấm đoán, những người chỉ trích chính quyền bị bỏ tù, và phe đối lập bị đàn
áp. Theo đánh giá của Freedom
House, Venezuela đã từ một nước được xếp hạng tự do trong những năm 1980 (với
1 cho tự do chính trị, 2 hoặc 3 cho tự do dân sự) trở thành một nước không tự do vào năm 1998 (với
5 cho cả tự do dân sự và tự do chính trị).
-
Sự sụp đổ của một nền dân chủ củng cố như Venezuela là
một điều khá gây bối rối, bởi trước đó chưa từng có tiền lệ nền dân chủ củng cố
nào đi đến sụp đổ và dẫn đến định kiến cho rằng, một khi dân chủ đã củng cố
thì không thể sụp đổ. Tuy nhiên, thực tế sau đó cho thấy không phải như vậy, và
khi xem xét các số liệu về những gì diễn ra ở Venezuela trước khi Chavez lên cầm
quyền (1998), người ta thấy những biểu hiện của sự giải củng cố dân chủ - như
sự gia tăng hoài nghi của công chúng về giá trị và hiệu năng của dân chủ, hay
công chúng ngày càng dễ chấp nhận các hình thức độc tài như độc tài quân sự - ngày càng gia
tăng.
-
Khi Latin Obarometer tiến hành khảo sát vào năm 1995,
hỏi người dân Venezuela rằng họ thích chính phủ “dân chủ” hay “độc tài” hơn,
22.5% người tham gia khảo sát nói rằng họ thích chính quyền độc tài hơn, còn 13.9%
thể hiện sự không quan tâm. Mức độ bất mãn công khai với hiệu năng của dân chủ
cũng rất cao khi mà vào năm 1995, 46.3% người khảo sát đồng ý rằng dân chủ
“đang không giải quyết được vấn đề của đất nước”, trong khi 81.3% nói rằng họ
muốn một nhà lãnh đạo mạnh.
Ba Lan
-
Tương tự như vậy với Ba Lan. Nước này từng là câu chuyện
thành công nhất về sự chuyển đổi hậu cộng sản sang nền dân chủ tự do. Từ năm 1990,
các cuộc bầu cử tự do và công bằng được tổ chức, và đã có bốn cuộc chuyển giao
quyền lực giữa các đảng diễn ra êm đẹp. Ba Lan từ lâu có một xã hội dân sự rất
mạnh, với vô số các hiệp hội, các NGOs, truyền thông độc lập, giới hàn lâm và
báo trí có thể tự do phê phán chính quyền. Đồng thời, Ba Lan cũng đạt được
thành công kinh tế đáng ngưỡng mộ, khi mà từ năm 1991 đến 2014, thu nhập bình
quân đầu người tăng hơn sáu lần. Với tất cả những điều trên, không khó hiểu khi
phần lớn các học giả gọi Ba Lan là “nền dân chủ củng cố”.
-
Tuy nhiên, nền “nền dân chủ củng cố” của Ba Lan đã sụp
đổ vào năm 2015. Bởi sau khi đảng Pháp luật
và Công lý của Jaroslaw Kaczyñski giành chiến thắng cả trong cuộc bầu cử tổng
thống lẫn quốc hội trong năm đó, nó nhanh chóng thu hẹp tự do báo chí và làm
xói món sự độc lập của các thiết chế tự do như tòa án hiến pháp. Và hiện nay, sẽ
không còn ai gọi Ba Lan là một nền dân chủ củng cố nữa.
-
Tương tự như Venezuela, các dấu hiệu giả củng cố dân
chủ cũng xuất hiện trong nền dân chủ của Ba Lan trước đó. Như vào năm 2005,
15.7% người tham gia khảo sát cho cho rằng “hệ thống chính trị dân chủ” đang vận
hành đất nước “rất kém cỏi”. Và vào năm 2012, 22% người tham gia khảo sát ủng hộ
sự “cai trị quân sự”, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình của Liên Minh
Châu Âu lúc đó là 9%.
Venezuela và Ba Lan đã phải trả giá đắt
khi không nhận thức đúng mức những dấu hiệu của sự giải củng cố dân chủ và có
biện pháp ngăn chặn kịp thời, và kết quả là nền dân chủ củng cố của họ bị sụp đổ.
Và đây là lời cảnh báo cho các quốc gia dân chủ tự do hiện nay khi mà đang xuất
hiện ngày càng nhiều những dấu hiệu giải củng cố tương tự ở các quốc gia này.
CÁC BIỂU
HIỆN GIẢI CỦNG CỐ DÂN CHỦ Ở PHƯƠNG TÂY
Bất mãn với hệ thống dân chủ
-
Các công dân Mỹ đang không chỉ bất mãn với sự yếu kém
của chính phủ của họ, mà còn bất mãn với chính nền dân chủ tự do. Cuộc khảo sát
năm 2011 với các công dân trẻ tuổi của nước Mỹ cho thấy, khoảng 24% cho rằng
dân chủ là phương tiện “tồi”, hoặc “rất tồi” để điều hành đất nước – tăng mạnh
so với trước đó. Trong khi đó, tỷ lệ người Mỹ bày tỏ sự ủng hộ cho “sự cai trị
quân sự” tăng lên từ 1/16 vào năm 1995 lên 1/6 năm 2011.
Phần trăm người phỏng vấn xem “sống trong nền dân chủ”
là cần thiết
Nguồn: European and World Values Surveys
-
Sự bất mãn với dân chủ còn thể hiện ở tỷ lệ người cho rằng
“sống trong nền dân chủ là điều quan trọng” giảm dần ở các thế hệ sau. Như ở Mỹ,
tỷ lệ đó khoảng 72% ở những người sinh trước Chiến tranh Thế giới II, những năm
1930, song giảm xuống còn 30% đối với những người sinh vào cuối những năm 1970.
Điều tương tự cũng xảy ra trong các nền dân chủ lâu đời như Anh, Hà Lan, Thụy
Điển, Úc, và New Zealand.
Hoài nghi các thiết chế tự do
-
Các công dân ngày càng có ác cảm với các đảng phái,
các thiết chế đại diện, các quyền thiểu số, và tỷ lệ ủng hộ “có một lãnh đạo
mạnh, không cần bận tâm đến quốc hội hay các cuộc bầu cử” tăng mạnh.
Nguồn: European and World Values Surveys
(chiều mũi tên từ trái qua phải cho thấy sự gia tăng,
độ lớn của mũi tên cho thấy mức độ gia tăng)
-
Ở Đức, đa số ủng hộ dân chủ “như một lý tưởng”, song
chỉ một nửa chấp nhận nền dân chủ đang vận hành ở Đức, và "hơn một phần năm ủng
hộ quan điểm cho rằng “điều nước Đức cần lúc này là một đảng đơn nhất, mạnh, đại
diện cho người dân”.
-
Ở Pháp, hai phần năm người phỏng vấn tin rằng đất nước
cần phải được điều hành bởi “một chính quyền độc tài” không bị ràng buộc bởi
các thủ tục dân chủ, trong khi hai phần ba sẵn sàng giao việc ban hành các
“chính sách không được đa số ủng hộ nhưng cần thiết” cho “các chuyên gia không
qua bầu cử”. Trong khi đó ở Mỹ, 46% người được hỏi cho rằng họ “chưa bao giờ
có” hoặc “đã mất” niềm tin vào nền dân chủ Mỹ.
Tất cả những tâm lý này ngày càng được phản
ánh trong nền chính trị. Khi mà trong những năm gần đây, các đảng phái và các ứng
cử viên (dân túy), những người đổi lỗi mọi vấn đền cho nền chính trị dân chủ hiện
này, tìm cách tập trung quyền lực vào nhánh hành pháp và thách thức các chuẩn mực
chính trị dân chủ đã đạt thành công chưa từng thấy trước đó trong nhiều nền dân
chủ tự do phương Tây như Donald Trump ở Mỹ, Viktor Orban ở Hungary, Duterte ở
Philippines, Marien Le Pen ở Pháp.
GIẢI PHÁP
CHỐNG GIẢI CỦNG CỐ
Rõ ràng rằng, không như những gì các nhà
khoa học từng tin vào tính một chiều của củng cố dân chủ, mà thực chất nó có
tính hai chiều. Nghĩa là các nền dân chủ một khi đã củng cố cũng vẫn có thể sụp
đổ; và Venezuela và Ba Lan là ví dụ minh chứng.
-
Những biểu hiện gần đây về sự giải củng cố dân chủ ở
Phương Tây là một lời cảnh báo về nguy cơ sụp đổ của nó. Để tránh điều này, đòi hỏi người dân ở các quốc
gia Phương Tây, bao gồm các chính trị gia, các đảng phái... cần nhận thức
ra mức độ nghiêm trọng của vấn đề cũng như có giải pháp ngăn chặn kịp thời.
-
Ở những nơi mà các lực lượng dân túy chưa nắm quyền lực,
thì cần phải có những cải cách cấp tiến để khôi phục lòng tin của người dân vào
các thiết chế dân chủ, qua đó làm mất đi cơ sở kinh tế và xã hội cho sự giải củng
cố dân chủ.
-
Còn ở những nơi mà lực lượng dân túy lên nắm quyền,
các công dân cần phải cảnh giác, tích cực chống lại các hành vi tấn công vào
các thiết chế dân chủ như việc tập trung quyền lực vào nhánh hành pháp, hay việc làm suy giảm sự độc lập
của truyền thông.
KẾT LUẬN
Có thể dự báo về sự giải củng cố dân chủ
trên diện rộng của hai tác giả là quá bi quan khi so sánh với quan điểm của
Larry Diamond được trình bày trong bài Suy
thoái Dân chủ và Triển vọng hiện nay. Tuy nhiên, từ sự giải củng cố của hai
nền dân chủ tự do là Venezuela và Balan cho thấy việc duy trì một nền
dân chủ khó khăn như thế nào.
Dân chủ đang ở một thời điểm chịu nhiều
thách thức; đòi hỏi những người yêu dân chủ phải có những hành động
và chính sách tích cực hơn để bảo về nền tảng của như các thiết chế của nó. Và
những dự báo Roberto Stefan Foa và Yascha Mounk dù có phần cực đoan, nhưng
không quá thừa, nhất là trong giai đoạn suy thoái dân chủ hiện nay.
Tài liệu
tham khảo
Roberto Stefan Foa, Yascha Mounk. The
Signs of Deconsolidation
Juan J. Linz & Alfred Stepan. Toward
Consolidated Democracies