GIỚI THIỆU
Dân chủ hóa là quá trình chuyển dịch từ các chế độ phi
dân chủ như độc tài cá nhân, độc tài độc đảng sang các chế độ dân chủ với đa đảng,
bầu cử tự do và pháp quyền. Theo D. A.
Rustow (1970) quá trình này có thể được chia làm ba giai đoạn: chuẩn bị, chuyển
đổi và củng cố.
-
Chuẩn
bị: đây là giai đoạn
trước chuyển đổi, nó bắt đầu từ khi xã hội độc tài tiến hành tự do hóa. Thông qua
quá trình này, hình thành các lực lượng đối kháng trong xã hội, gồm
các cá nhân, các nhóm và các giai cấp. Dân chủ có thể không phải là mục đích
chính của họ; nó có thể là phương tiện cho các mục đích khác như xã hội công bằng
hơn, phân phối của cải tốt hơn, hay mở rộng các quyền và tự do.v.v. Sự xung đột
này giữa người dân và chính quyền có thể kéo dài nhiều thập kỉ, và nếu thuận lợi
có thể có thể dẫn đến giai đoạn chuyển đổi.
-
Chuyển
đổi: đây là giai đoạn
quyết định chuyển đổi chế độ. Giai đoạn này tương đối ngắn so với các giai đoạn
chuẩn bị và củng cố, nó thường kéo dài từ một vài năm (có thể đến 10 năm như ở
Hàn Quốc). Trong gian đoạn này, trước áp lực quá lớn từ xã hội, chính quyền độc
tài sụp đổ hoặc từ bỏ quyền lực; chấp nhận yêu cầu của người dân về việc thiết
lập thể chế dân chủ, tổ chức bầu cử đa đảng, tự do và công bằng để lựa chọn
lãnh đạo. Nền dân chủ mới chuyển đổi này được xếp vào dạng dân chủ bầu cử.
-
Củng
cố: đây là giai đoạn
tất cả các chính trị gia và các cử tri tập làm quen với các quy tắc dân chủ mới
và hoàn thiện các định chế dân chủ cho đến khi các tác nhân chính trị – gồm người
dân, các tổ chức xã hội, đảng phái, và giới tinh hoa – chấp nhận tính chính
danh của nó, không tìm cách hành động bên ngoài các thiết chế dân chủ để giành
lấy quyền lực, như đảo chính quân sự. Lúc này nền dân chủ gọi là củng cố, và được
xếp vào dạng dân chủ tự do. Đây là
giai đoạn khó khăn không kém so với giai đoạn chuyển đổi, và thường kéo dài.
Bởi như chúng ta thấy, rất nhiều nền dân chủ, dù chuyển đổi đã lâu song đến nay
vẫn chưa đi đến củng cố như Philippines (từ 1948), hay rơi trở lại độc tài quân
sự như Cambodia (từ 1993).
Trong bài viết này, chúng ta tìm hiểu giai đoạn củng cố
dân chủ, một giai đoạn thường không được các nhà đấu tranh cho dân chủ chú ý đến.
Đơn giản bởi mọi người thường tập trung vào hai giai đoạn trước, và nghĩ rằng một
khi chuyển đổi thành công, thì quá trình đấu tranh đã xong mà không hiểu rằng,
sau khi chuyển đổi, nền dân chủ còn cần một thời gian dài để củng cố và nó rất
rễ rơi trở lại các hình thức cai trị độc tài.
CỦNG CỐ DÂN CHỦ
Ở khía cạnh văn hóa, củng cố dân chủ
thể hiện việc người dân ở mọi cấp độ (công chúng, tổ chức và giới tinh hoa) cam
kết với các thiết chế dân chủ. Cam kết thể hiện ở các chuẩn mực
(các giá trị mà mọi người tin) và hành vi (điều mà mọi người thực sự làm) của
các nhóm này. Bảng bên dưới cho thấy các chuẩn mực và hành vi của công
dân khi cam kết với dân chủ.
Mức độ
|
Các chuẩn mực và niềm tin
|
Hành vi
|
Giới tinh hoa (elite)
|
- Hầu hết các nhà lãnh đạo quan trọng trong các lĩnh
vực như công luận, văn hóa, kinh doanh, tổ chức xã hội tin vào tính chính
danh của dân chủ.
- Tất cả các nhà lãnh đạo chính phủ, các đảng phái
chính trị quan trọng tin rằng dân chủ là dạng cai trị tốt nhất.
- Nếu một đảng hay một nhà lãnh đạo chính trị nào đó
có khuynh hướng bác bỏ các giá trị dân chủ, thách thức các quyền tự do mà
dành được 15 – 20% phiếu bầu thì đó là một mối đe dọa cho nền dân chủ.
|
- Các lãnh đạo của chính phủ, cơ quan nhà nước, các
đảng phái chính trị, và các nhóm lợi ích quan trọng tôn trọng quyền cạnh
tranh quyền lực một cách hòa bình của nhau, không tán thành bạo lực, tuân
theo luật, hiến pháp, và các chuẩn mực về hành vi đã được chấp thuận.
- Không nói rằng đối thủ cạnh tranh bầu cử của mình
là bất hợp pháp, vì điều đó vi phạm các chuẩn mực của dân chủ.
- Không dùng tu từ hay từ ngữ có thể kích động người
ủng hộ mình hành động bạo lực, bất dung, hay sử dụng các phương pháp bất hợp
pháp như gian lận bầu cử.
- Không nỗ lực dùng sức mạnh quân sự để chống lại đối
thủ cạnh tranh trong một số thời điểm khủng hoảng chính trị.
|
Các tổ chức (organization)
|
- Tất cả các đảng phái chính trị, các nhóm lợi ích,
và các phong trào xã hội quan trọng chấp nhận … tính chính danh của dân chủ…thừa
nhận rằng các nguyên tắc hiến pháp, các thiết chế, và các ràng buộc của dân
chủ là đúng đắn và phù hợp về mặt đạo đức cho xã hội.
|
- Không đảng phái chính trị, nhóm lợi ích, phong
trào quan trọng nào tìm cách lật đổ, làm xói mòn, hoặc huy động chống lại các
thiết chế dân chủ.
- Bác bỏ và từ chối sử dụng bao lực hay các phương
tiện vi hiến, phi dân chủ.
|
Công chúng (Mass Public)
|
- Hơn 70% người dân tin tưởng rằng
dân chủ tốt hơn bất cứ hình thức chính quyền nào khác ….không quá 15% công
chúng bác bỏ tính chính danh của dân chủ và thích một hình thức chính quyền độc
tài.
|
- Không phong trào, đảng phái, hay tổ chức phản dân
chủ nào có được một số lượng đáng kể người ủng hộ.
- Người dân không sử dụng gian lận, các các phương
pháp bất hợp pháp khác để đạt được chiến thắng cho đảng của mình.
|
Trong khi đó, ở khía
cạnh thế chế, củng cố dân chủ thể hiện ở ba yếu tố sau:
-
Tính ổn định và dẻo dai: nền dân chủ không bị xói mòn, sụp đổ, hay đối mặt với
nguy cơ đảo chính quân sự.
-
Chất lượng: mang đến trật tự tự do hơn, chính phủ chịu trách nhiệm
hơn, một nền pháp quyền mạnh hơn, cũng như sự tham gia tích cực và rộng rãi của
người dân vào tiến trình chính trị.
-
Thể chế hóa: các thiết chế,
quy tắc và tổ chức của dân chủ như đảng phái, hệ thống tư pháp, nhà
nước trở nên hoạt động một cách đều đặn, hiệu quả, chuyên nhiệp hơn.
Cách nhận diện thông thường để biết một nền dân chủ củng
cố?
Tất cả những yếu tố về văn hóa, thể chế trên sẽ được
thể hiện ra thông qua những vấn đề quan trọng mà nền dân chủ phải đối mặt, đó
là: chuyển giao quyền lực, thời gian tồn tại, và đối mặt với thách thức. Và nếu
nền dân chủ có thể vượt qua được ba (thách thức) tiêu chuẩn trên, thì ta có thể
nói rằng nó đã củng cố.
-
Tiêu chuẩn “chuyển giao quyền lực”, hay tiêu chuẩn
“hai
cuộc bầu cử” như sau: một nền dân chủ được coi là củng cố khi chính quyền
được bầu trong một cuộc bầu cử tự do và công bằng trước đó bị phe đối lập đánh
bại trong cuộc bầu cử tiếp theo và chấp nhận kết quả đó. Điểm mấu chốt ở đây
là việc thất cử và chấp nhận kết quả đó, bởi điều đó cho thấy các giới tinh hoa
quyền lực và các lực lượng xã hội ủng hội sẵn sàng tôn trọng luật chơi thay vì
cố bám lấy quyền lực. Theo tiêu chuẩn này, nền dân chủ của Indonesia có được
coi là củng cố, khi mà trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2014, Joko Widodo, một ứng
viên không thuộc giới tinh hoa có quan hệ với gia tộc Suharto, đã giành chiến thắng.
-
Tuy
nhiên, có khả năng rằng, trong nhiều nền dân chủ chuyển đổi, với các cuộc bầu cử
tự do và công bằng, song một sự chuyển giao quyền lực như vậy không xảy ra, bởi
vì cử tri tiếp tục bầu cho đảng cầm quyền (theo mô hình “đảng thống lĩnh”). Chẳng
hạn như ở Nhật, hay Ý một đảng cầm quyền trong gần 50 năm từ khi chuyển đổi dân
chủ. Song điều này không có nghĩa rằng các nền dân chủ này không củng cố. Từ lý
do này, ta có thêm tiêu chuẩn về thời gian: nếu các cuộc bầu cử cạnh tranh tự do công bằng xảy ra trong 20 năm thì có thể
nói rằng nền dân chủ đó đã củng cố, ngay cả khi không có sự thay đổi đảng cầm
quyền, bởi người dân và các lực lượng khác nhau đã trở nên quen thuộc và chấp
nhận các thủ tục dân chủ, khiến cho các phương pháp lựa chọn lãnh đạo khác sẽ
không được chấp nhận.
-
Một
vấn đề khác nữa là, dù một số nền dân chủ thỏa mãn hai tiêu chuẩn trên, song
khi đối mặt với các cuộc khủng hoảng như khủng hoảng kinh tế có thể bị sụp đổ.
Do đó, một tiêu chuẩn thêm nữa đó là khả năng sống sót khi đối mặt với thách thức.
Một nền dân chủ được coi là củng cố khi chúng ta có cơ sở để tin rằng nó có khả
năng chịu đựng được áp lực hay cú sốc mà không từ bỏ tiến trình bầu cử hay sự tự do
chính trị mà nó theo đuổi. Theo tiêu chuẩn này, thì nền dân chủ Hàn Quốc có thể
coi là củng cố vào năm 1998, khi mà nó vẫn tiếp tục vận hành tốt khi Hàn Quốc
trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng.
CÁC ĐIỀU KIỆN CHO SỰ CỦNG CỐ DÂN CHỦ
Dưới đây là một số điều kiện cần thiết cho sự củng cố
dân chủ, và là điều mà các nhà dân chủ cần quan tâm và chuyển hướng đấu tranh của
mình sau giai đoạn chuyển đổi nhằm tạo ra một nền dân chủ bền vững hơn.
Đặc điểm của chế độ trước đó
-
Hình
thức của chế độ độc tài trước đó có thể ảnh hưởng đến sự củng cố dân chủ. Chẳng
hạn như chuyển đổi từ chế độ quân sự sẽ gặp phải khó khăn trong việc phi chính
trị hóa lực lượng quân đội. Thường trong quá trình chuyển đổi từ chế độ quân sự,
quân đội yêu cầu phải đảm bảo cho nó một vai trò hay một số quyền phủ quyết nhất
định đối với chính phủ dân chủ trong tương lai. Điều này sẽ đe dọa sự ổn định
và củng cố của nền dân chủ trong tương lai khi quân đội với quyền và lực lượng
của mình có thể liên tục can thiệp vào chính phủ dân sự, nhất là khi nó thấy
các lợi ích của mình bị đe dọa. Chuyển đổi gần đây ở Myanmar là một ví
dụ, khi mà quân đội vẫn nắm quyền quyết định, và có thể đảo ngược tiến trình
dân chủ hóa bất cứ lúc nào.
Nhà nước hiệu quả
-
Dân
chủ và nhà nước là hai thiết chế khác nhau. Nhà nước liên quan đến khả năng sử
dụng quyền lực, còn dân chủ liên quan đến khả năng kiểm soát quyền lực. Ở những
nơi mà có nhà nước mạnh và hiệu quả sẽ thuận lợi hơn cho sự củng cố dân chủ, bởi
khi đó nhà nước có thể thực thi hiệu quả các chính sách mà chính phủ dân chủ
đưa ra, điều này làm gia tăng tín nhiệm cho dân chủ. Ở nơi đâu mà nhà nước yếu,
sẽ dẫn đến hiệu quả hoạt động kém cỏi, khiến cho nền dân chủ dễ sụp đổ. Irap gần
đây là một ví dụ, sau khi Mỹ lật đổ Saddam Hussein và thiết lập nền dân chủ ở
đây, tuy nhiên Iraq có một nhà nước quá yếu, khiến cho các thiết chế dân chủ
không thể phát huy hiệu quả và kết quả là nền dân chủ của Iraq đã sụp đổ nhanh
chóng sau khi Mỹ rút đi.
Sự đồng thuận và đảm bảo lẫn
nhau
-
Nền
dân chủ được củng cố chỉ khi có được sự đồng thuận chính thức về các luật chơi
giữa các nhóm tinh hoa khác nhau (dù trong các nhóm tinh hoa đối lập, hay giữa
tinh hoa đối lập và nhóm tinh hoa cầm quyền cũ). Tuy nhiên sự đồng thuận này lại
đến từ một sự đồng thuận ngầm, hay không chính thức khác đó là sự đảm bảo sao
cho lợi ích sống còn của các nhóm khác nhau không bị đe dọa khi họ bị thất cử. Nền
dân chủ Thái Lan không thể củng cố là vì giới tinh hoa không có được sự đồng
thuận và đảm bảo này. Khi Thaksin, hay thân hữu của mình lên nắm quyền, ông thi
hành các chính sách dân túy, cũng như cố kết quyền lực nhằm loại bỏ ảnh hưởng của
quân đội và hoàng gia, và điều này khiến cho lực lượng trên đảo chính lật đổ
Thaksin. Tuy nhiên, khi các lực lượng thân hoàng gia nắm quyền, thì họ cũng thi
hành các chính sách loại bỏ ảnh hưởng của gia đình Thaksin khỏi nền
chính trị Thái Lan, điều này gây ra sự xung đột và sụp đổ của nền dân chủ bầu cử
của Thái Lan.
Phát triển kinh tế
-
Nền
dân chủ sẽ dễ củng cố hơn trong quốc gia kinh tế phát triển, bởi: 1) dẫn đến sự
mở rộng của công nghiệp, thương mại và dịch vụ, qua đó làm giảm bớt ảnh hưởng về
kinh tế và chính trị của tầng lớp đại địa chủ (lực lượng, với kiểu kinh tế dựa
trên ruộng đất, thù địch với dân chủ); 2) gia tăng nhận thức và hiểu biết của
người dân, cũng như nhu cầu về một chính phủ có trách nhiệm hơn; 3) tạo ra một
tầng lớp lao động đô thị lớn, có tổ chức, đây là tầng lớp mà lợi ích của nó phù
hợp nhất với dân chủ và có khả năng hành động tập thể để thúc đẩy dân chủ cũng
như bảo vệ nó khi nó bị đe dọa. Điều này dễ thấy trong trường hợp của Đài Loan,
hay Hàn Quốc, khi cả hai quốc gia dân chủ hóa khi mức độ phát triển kinh tế khá
cao, và sau một thời gian nền dân chủ của họ đi đến củng cố và trở thành các nền
dân chủ tự do theo tiêu chuẩn phương Tây.
Văn hóa dân sự
-
Nền
dân chủ sẽ dễ củng cố hơn ở những nước mà văn hóa dân sự – niềm tin, thái độ, và kì vọng của công chúng –
thân thiện với dân chủ. Nơi đâu mà càng nhiều người dân hiểu và ủng hộ dân chủ,
thì mức độ bền vững của dân chủ càng cao. Đây là lý do mà dân chủ khó bén rễ,
hay củng cố ở những nước có truyền thống văn hóa chuyên chế lâu đời như Khổng
giáo, Hồi giáo. Trong các nền văn hóa này, người dân có khuynh hướng phục tùng,
chấp nhận quyền uy nhà nước; tôn giáo khiến cho dễ chấp nhận các hình thức độc
tài, và vì vậy việc củng cố dân chủ khó khăn hơn. Giáo dục văn hóa dân sự cho đại
bộ phận người dân, để họ hiểu và ủng hộ dân chủ là điều cần thiết cho sự củng cố
cũng như tồn tại của dân chủ.
Xã hội dân sự
-
Xã
hội dân sự hiểu như toàn bộ các nhóm có tổ chức và các thiết chế độc lập với
nhà nước như các tổ chức phi chính phủ, các think tanks, các nhóm xã hội và
tôn giáo. Xã hội dân sự có nhiều vai trò khác nhau, như GS Larry Diamond chỉ
ra, xã hội dân sự có thể hạn chế và kiểm soát quyền lực của nhà nước, phơi bày
các hành vi tham nhũng của quan chức, vận động hành lang cho các cải cách quản
trị tốt hơn, và thúc đẩy sự tham gia chính trị của người dân. Những điều này mang
đến chính phủ trách nhiệm và hiệu quả hơn, cũng như tạo ra một xã hội mạnh mẽ
hơn, qua đó thúc đẩy sự củng cố của nền dân chủ.
Thể chế
-
Lựa
chọn thể chế dân chủ phù hợp với quốc gia cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến sự củng
cố của nền dân chủ. Trong hai hệ thống chính là tổng thống và đại nghị, thì hệ
thống tổng thống kém ổn định hơn so với hệ thống đại nghị. Trong hệ thống tổng
thống, do sự phân chia và cân bằng quyền lực chặt chẽ giữa ba nhánh hành pháp,
lập pháp và tư pháp, nên dễ dẫn đến bế tắc chính trị giữa hành pháp và lập
pháp, mà không thể nào giải quyết bởi cả hai được dân bầu nên và có tính chính
danh riêng của mình; và điều này khiến cho nền dân chủ dễ sụp đổ. Thực tế cho
thấy hệ thống tổng thống chỉ ổn định và vận hành tốt ở Mỹ, còn lại nhiều quốc
gia khác đều gặp các vấn đề về sự độc tài của tống thống, hay đảo chính quân sự.
-
Trái
lại, trong hệ thống đại nghị, thủ tướng có thể dễ dàng thực thi các chính sách
vì đảng của ông cũng chiếm đa số ở quốc hội. Điều này khiến cho chính phủ không
gặp phải bế tắc xảy ra trong hệ thống tổng thống, và chính phủ hoạt động chôi
chảy hơn, qua đó tăng hiệu quả và niềm tin vào nền dân chủ.
Tài liệu đọc thêm
Tài liệu tham khảo
1. Dankwart A. Rustow. Transitions
to Democracy: Toward a Dynamic Model