CHUYỂN ĐỔI DÂN CHỦ TỪ BÊN TRÊN

Posted on
  • Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2018
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:

  • Trong bài Chuyển đổi Dân chủ từ bên dưới, chúng ta đã tìm hiểu hai lý thuyết là lý thuyết hành động tập thểmô hình ngưỡng để giải thích tại sao người dân lại nổi dậy lật đổ chế độ độc tài.
    Trong bài chúng ta tìm hiểu mô hình chuyển đổi từ bên trên. Chuyển đổi này bắt nguồn chủ yếu từ chính sách tự do hóa của giới chóp bu cầm quyền nhằm mục đích ổn định chế độ độc tài, nhưng vô tình lại dẫn đến chuyển đổi dân chủ.


    MÔ HÌNH CHUYỂN ĐỔI TỪ BÊN TRÊN
    Chuyển đổi dân chủ từ bên trên thường bắt nguồn từ sự chia rẽ trong giới chóp bu cầm quyền trong chế độ độc tài thành những người theo đường lối mềm mỏng (soft – liners) những người theo đường lối cứng rắn (hard – liners).
    Lúc này, chế độ độc tài chịu một số áp lực như suy thoái kinh tế, và những người theo đường lối mềm mỏng lên nắm quyền. Trong khi những người theo đường lối cứng rắn có xu hướng thỏa mãn với hiện trạng chính trị, thì những người theo đường lối mềm mỏng muốn tự do hóa và mở rộng cở sở xã hội của chế độ độc tài nhằm có thêm liên minh, tăng cường vị thế của họ so với những người theo đường lối cứng rắn, cũng như kiểm soát các nhóm đối lập (dân chủ). Những người theo đường lối mềm mỏng phải lựa chọn: cải cách hệ thống chính trị thông qua một tiến trình tự do hóa hay chấp nhận hiện trạng?
    -         Chính sách tự do hóa bao gồm cởi mở có kiểm soát đối với không gian chính trị và có thể bao gồm việc cho phép hình thành các đảng chính trị, tổ chức bầu cử, viết hiến pháp, thiết lập hệ thống tư pháp, và thành lập quốc hội. Một điều quan trọng cần lưu ý đó là đối với những người theo đường lối mềm mỏng, mục tiêu cởi mở không phải là mang lại dân chủ mà là kết nạp các nhóm đối lập vào trong thể chế độc tài. Hay nói cách khác, mục tiêu là một “chế độ độc tài mở rộng”.
    Nhiều người ủng hộ việc giới thiệu các thiết chế dân (như bầu cử, quốc hội) trong chế độ độc tài, xem nó là dấu hiệu cho thấy các nhà nước này đang dần chuyển đổi sang dân chủ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các chế độ độc tài mở rộng không trải qua một quá trình chuyển đổi như vậy; mà thực ra quá trình tự do hóa đang tăng cường sự ổn định của chế độ độc tài.
    Tuy nhiên, từ lợi ích như vậy của việc tự do hóa, song tại sao giới chóp bu cầm quyền trong chính quyền độc tài thường không luôn muốn thúc đẩy nó. Vấn đề nắm ở chỗ là những người theo đường lối mềm mỏng không thể đảm bảo rằng tự do hóa thành công trong việc tạo ra một chế độ độc tài mở rộng. Chắc chắn tiến trình tự do hóa chứa đựng rủi ro.
    Nếu những người theo đường lối mềm mỏng tiến hành tự do hóa, thì phe đối lập (dân chủ) có hai lựa chọn.
    -         Một mặt, nó có thể chấp nhận những nhượng bộ mà giới chóp bu độc tài đưa ra và tham gia vào các thiết chế của chế độ độc tài mở rộng. Khi đó, đối lập (dân chủ) về cơ bản đồng ý duy trì thiết chế độc tài (mỏ rộng) để đổi lại cho việc được tham gia chính thức vào chính trị. Rõ ràng những người theo đường lối mềm mỏng xem đây là một thành công.
    -         Mặt khác, đối lập (dân chủ) có thể tận dụng thuận lợi của sự cởi mở do tự do hóa tạo ra để thúc đẩy hơn nữa tổ chức nhằm chống lại chế độ độc tài. Và nhìn chung, đây là viễn cảnh thường xảy ra trong thực tế.
    Ta thấy rằng, với việc tự do hóa, những người theo đường lối mềm mỏng trong chế độ độc tài đang chơi một trò chơi nguy hiểm – họ đang tháo xích cho các lực lượng mà có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát của họ.
    Nếu phe đối lập (dân chủ) lựa chọn tiếp tục tổ chức và huy động chống lại chế độ (độc tài), thì điều này cho thấy rằng sự cởi mở có kiểm soát mà những người theo đường lối mềm mỏng khởi xướng đã thất bại. Kết quả, vị trí của những người mềm mỏng trong chế độ độc tài trở nên bị suy giảm. Lúc này, hai lựa chọn được đặt ra cho giới chóp bu độc tài.
    -         Một là sử dụng bạo lực để đàn áp quần chúng và khôi phục lại trật tự. Nếu đàn áp thành công, thì kết quả sẽ dẫn đến một “chế độ độc tài hà khắc (hơn)” trong đó những người mềm mỏng phải trả giá cho việc giới thiệu các chính sách tự do hóa thất bại và được thay thế bởi những người theo đường lối cững rắn. Điều này xảy ra khá thường xuyên trong thực tế. Dĩ nhiên, việc đàn áp có thể không thành công, lúc đó chế độ độc tài sẽ phải đối mặt với một cuộc nổi dậy. Do đó, giới chóp bu độc tài phải cân nhắc khả năng đàn áp có thể thành công hay không trước khi quyết định lựa chọn phương án này.
    -         Lựa chọn thứ hai (khi đối lập tiếp tục huy động người dân phản kháng) là chấp nhận các yêu cầu của đối lập và cho phép thiết lập các thiết chế dân chủ thực sự. Điều này về cơ bản là những gì đã xảy ra ở Hàn Quốc khi các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ những năm 1980 cuối cùng đã biến đổi những người mềm mỏng trong chế độ thành những người dân chủ hóa (một cách vô tình), và sau đó chế độ độc tài quân sự được dân chủ hóa thông qua một cuộc bầu cử tự do được tổ chức vào năm 1987.
    Rõ ràng, ý tưởng chính ở đây là một khi tự do hóa thất bại thì hoặc dẫn đến một sự đảo ngược trở lại (chế độ độc tài hà khắc hơn), hoặc dẫn đến dân chủ hóa.

    Vấn đề đặt ra là:
    -         Trong điều kiện nào thì giới chóp bu độc tài giới thiệu tự do hóa? Khi nào thì tự do hóa thành công trong việc tạo ra một chế độ độc tài mở rộng? Khi nào thì thất bại? Hay nói cách khác, khi nào phe đối lập đồng ý gia nhập vào chính quyền độc tài, và khi nào nó chọn tiếp tục huy động người dân chống lại chế độ? Nếu tự do hóa thất bại, khi nào giới chóp bu độc tài phản ứng bằng cách đàn áp và khi nào cho phép chuyển đổi thành một nền dân chủ thực sự?
    Rõ ràng rằng lựa chọn của giới chóp bu độc tài tiếp tục với hiện trạng chính trị hay cởi mở chế độ sẽ phụ thuộc vào đánh giá của họ về phản ứng của phe đối lập (dân chủ) với tự do hóa. Tương tự, lựa chọn của phe đối lập (dân chủ) tham gia vào một chế độ độc tài mở rộng hay tiếp tục huy động người dân phản kháng sẽ phụ thuộc vào đánh giá của họ về phản ứng chế độ độc tài đối với việc phản kháng.

    TRÒ CHƠI CHUYỂN ĐỔI VỚI THÔNG TIN ĐẦY ĐỦ
    Hình bên dưới thể hiện mô hình tương tác giữa những người theo đường lối mềm mỏng trong chế độ độc tài và phe đối lập (dân chủ), và được gọi là Trò chơi Chuyển đổi.

    Tiền đề của Trò chơi Chuyển đổi là một sự chia rẽ trong giới chóp bu độc tài thành những người theo đường lối mềm mỏng và những người theo đường lối cứng rắn. Vì một số lý do những người theo đường lối mềm mỏng chiếm ưu thế, và có thể tiến hành cởi mở không gian chính trị thông qua chính sách tự do hóa (nếu họ muốn). Trò chơi bắt đầu với việc những người mềm mỏng quyết định có nên tự do hóa chế độ hay không.
    -         Nếu những người mềm mỏng quyết định không, thì tiếp tục với hiện trạng chính trị (Kết quả 1).
    -         Nếu họ quyết định có, thì phe đối lập (dân chủ) phải lựa chọn giữa việc gia nhập vào chính quyền độc tài hay tiếp tục tổ chức phản kháng. Nếu họ quyết định có, kết quả là chế độ độc tài mở rộng (Kết quả 2).
    -         Nếu họ quyết định không, tiếp tục huy động để phản kháng, thì những người theo đường lối mềm mỏng phải quyết định đàn áp hay dân chủ hóa. Nếu đàn áp, thì có hai kết quả có thể xảy ra. Nếu đàn áp thành công, thì sẽ tạo ra một chế độ độc tài hà khắc hơn trước trong đó những người theo đường lối cứng rắn trở lại nắm quyền (Kết quả 3).
    -         Nếu đàn áp thất bại, thì sẽ có một cuộc nổi dậy (Kết quả 4). Việc đàn áp thành công hay thất bại phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có sức mạnh của phe đối lập. Ở đây chúng ta giả định rằng đàn áp thành công và dẫn dến một chế độ độc tài hà khắc nếu đối lập yếu, và không thành công và dẫn đến một cuộc nổi dậy nếu đối lập mạnh.
    -         Cuối cùng, thì nếu những người mềm mỏng lựa chọn dân chủ hóa, thì chuyển đổi dân chủ xảy ra (Kết quả 5).
    Trước khi xem người chơi trong Trò chơi Chuyển đổi hành động như thế nào, chúng ta cần biết quan điểm của người chơi về các kết quả trên.
    Trật tự ưu tiên của những người mềm mỏng đối với năm kết quả trên như sau:
    Chế độ độc tài mở rộng > Hiện trạng > Chế độ độc tài hà khắc > Chuyển đổi dân chủ > Nổi dậy
    Như trật tự ưu tiên này minh họa, kết quả lý tưởng của những người mềm mỏng là chế độ độc tài mở rộng, bởi khi đó phe đối lập được kết nạp vào trong chế độ, đồng thời vị trí của những người mềm mỏng được tăng cường so với những người cứng rắn. Nếu không thể đạt được kết quả này, thì họ thích tiếp tục với hiện trạng hơn – chế độ độc tài được duy trì, và họ vẫn có địa vị trong chính quyền. Nếu kết quả này không thể đạt được, thì họ thích duy trì chế độ độc tài bằng cách trao quyền cho những người cứng rắn để thiết lập chế độ độc tài hà khắc hơn là phải chứng kiến chuyển đổi dân chủ hay một cuộc nổi dậy. Nếu không thể tiếp tục duy trì chế độ độc tài dưới bất cứ hình thức nào, thì chúng ta có thể khẳng định là những người mềm mỏng thích việc một cuộc chuyển đổi dân chủ hơn là một cuộc nổi dậy mà có thể trả giá đắt.
    Trong khi đó trật tự ưu tiên của phe đối lập (dân chủ) là:
    Chuyển đổi dân chủ > Chế độ độc tài mở rộng > Hiện trạng > Nổi dậy > Chế độ độc tài hà khắc
    Kết quả lý tưởng đối với phe đối lập là một sự chuyển đổi sang nền dân chủ. Nếu kết quả này không đạt được, thì một chế độ độc tài mở rộng sẽ tốt hơn, bởi trong đó ít nhất phe đối lập được hưởng một số nhượng bộ từ những người mềm mỏng. Hiện trạng chính trị sẽ tốt hơn cả nổi dậy (trong đó nhiều người dân sẽ có khả năng bị chết) lẫn một chế độ độc tài hà khắc (trong đó phe đối lập bị đàn áp). Chúng ta có thể giả định phe đối lập thích cuộc nổi dậy hơn chế độ độc tài hà khắc.
    Với năm kết quả trên, chúng ta có thể gán số 5 cho kết quả đáng mong muốn nhất của mỗi người chơi, 4 cho kết quả đáng mong muốn thứ hai, và tiếp tục như thế như được thể hiện trong bảng bên dưới.
    Kết quả
    Miêu tả
    Những người
    mềm mỏng
    Phe đối lập
    Q1
    Hiện trạng
    4
    3
    Q2
    Chế độ độc tài mở rộng
    5
    4
    Q3
    Chế độ độc tài hà khắc
    3
    1
    Q4
    Nổi dậy
    1
    2
    Q5
    Chuyển đổi dân chủ
    2
    5

    Để phân biệt giữa tình huống trong đó đối lập mạnh với tình huống trong đó đối lập yếu, chúng ta có hai cây trò chơi như các hình bên dưới. Sự khác nhau duy nhất giữa hai cây là đàn áp sẽ tạo ra một chế độ độc tài hà khắc hơn khi phe đối lập (dân chủ) yếu nhưng sẽ tạo ra một cuộc nổi dậy khi đối lập mạnh.
    Xét tình huống trong đó đối lập yếu

    Cách giải trò chơi đi từ nút cuối (cây trò chơi) ngược trở lại nút đầu. Ở nút cuối, những người mềm mỏng phải quyết định đàn áp hay dân chủ hóa. Người mềm mỏng sẽ nhận được kết quả là 3 nếu đàn áp, và 2 nếu dân chủ hóa. Rõ ràng trong trường hợp này kết quả 3 (chế độ độc tài hà khắc) đáng mong muốn hơn 2 (chuyển đổi dân chủ), do đó họ sẽ lựa chọn đàn áp.
    Giờ đây chúng ta di chuyển ngược lại tới nút giữa. Ở nút này, phe đối lập phải lựa chọn giữa việc có gia nhập vào chế độ độc tài mở rộng hay tiếp tục tổ chức phản kháng. Nếu phe đối lập gia nhập, thì họ sẽ nhận được kết quả là 4, nếu họ phản kháng, thì khi nhìn vào cây trò chơi hướng xuống họ sẽ thấy những người mềm mỏng sẽ tiến hành đàn áp và kết quả họ nhận được là 1. Vì vậy, trong trường hợp này, đối lập sẽ lựa chọn gia nhập vào chính quyền độc tài.
    Chúng ta tiếp tục di chuyển ngược lại tới nút đầu của Trò chơi Chuyển đổi. Ở nút này, những người mềm mỏng phải quyết định có giữ nguyên hiện trạng hay tiến hành tự do hóa. Nếu họ quyết định giữ nguyên hiện trạng, thì họ nhận được kết quả là 4, nếu họ tiến hành tự do hóa, thì khi nhìn vào cây trò chơi hướng xuống thấy rằng đối lập sẽ tham gia vào chính quyền, và họ nhận được kết quả là 5. Do đó, trong trường hợp này những người mềm mỏng quyết định tự do hóa và cở mở hệ thống chính trị là điều dễ hiểu.
    Chúng ta đã giải Trò chơi Chuyển đổi khi đối lập yếu, kết quả chung cuộc là chế độ độc tài mở rộng, và kết quả 5 cho những người mềm mỏng, và 4 cho phe đối lập.

    Xét tình huống đối lập mạnh

    Ở nút cuối cùng những người mềm mỏng phải quyết định đàn áp hay dân chủ hóa. Tuy nhiên, lần này người mềm mỏng sẽ nhận được kết quả là 1 nếu đàn áp và 2 nếu dân chủ hóa. Vì vậy, những người mềm mỏng sẽ chọn dân chủ hóa.
    Ngược trở lên nút giữa, phe đối lập phải quyết định gia nhập vào chế độ độc tài mở rộng hay tiếp tục phản kháng. Nếu phe đối lập gia nhập, thì kết quả nhận được 4, nếu họ phản kháng thì khi nhìn vào cây trò chơi theo chiều hướng xuống, sẽ thấy những người mềm mỏng sẽ dân chủ hóa, do đó kết quả họ nhận được lúc này là 5. Vì vậy, đối lập sẽ lựa chọn tiếp tục phản kháng.
    Ở nút đầu tiên, người mềm mỏng phải quyết định lựa chọn tự do hóa hay giữ nguyên hiện trạng. Nếu họ giữ nguyên hiện trạng, kết quả nhận được là 4, nếu tự do hóa thì khi nhìn vào cây chò trơi theo chiều hướng xuống thấy đối lập sẽ phản kháng. Và với việc đối lập phản kháng, những người mềm mỏng sẽ chọn dân chủ hóa, nên kết quả họ nhận được là 2. Dễ hiểu là trong trường hợp này, những người mềm mỏng sẽ lựa chọn giữ nguyên hiện trạng.
    Chúng ta đã giải Trò chơi Chuyển đổi trong trường hợp đối lập mạnh, kết quả chung cuộc là giữ nguyên hiện trạng chính trị; và kết quả 4 cho người mềm mỏng, và 3 cho phe đối lập.

    Từ Trò chơi Chuyển đổi, chúng ta có thể có hai kết quả là một chế độ độc tài mở rộng hoặc giữ nguyên hiện trạng; không có chuyển đổi dân chủ.
    -         Khi đối lập yếu, những người mềm mỏng có thể đạt được kết quả thuận lợi nhất cho họ - một chế độ độc tài mở rộng. Tại sao? Một đối lập yếu lựa chọn chấp nhận các nhượng bộ của những người mềm mỏng và gia nhập vào chế độ độc tài bởi với họ điều đó tốt hơn so với hiện trạng và bởi họ biết rằng họ không đủ mạnh để chống lại sự đàn áp của những người mềm mỏng nếu họ tiếp tục phản kháng. Với việc biết rằng một đối lập yếu muốn tham gia vào chế độ độc tài mở rộng hơn là tiếp tục chống đối, những người mềm mỏng sẵn sàng tự do hóa, và kết quả là chế độ độc tài mở rộng.
    -         Khi đối lập mạnh, thì hiện trạng chính trị sẽ được ưu tiên. Tại sao? Một đối lập mạnh biết rằng nếu họ có tiếp tục tổ chức phản kháng, thì những người mềm mỏng không thể đàn áp được họ, và vì vậy mà những người này sẽ cho phép dân chủ hóa. Những người mềm mỏng cũng biết rằng đối lập mạnh sẽ phản ứng với việc tự do hóa bằng cách tổ chức phản kháng và kết quả là họ buộc phải dân chủ hóa. Để tránh việc phải dân chủ hóa, điều mà họ không muốn, những người mềm mỏng sẽ không tự do hóa và giữ nguyên hiện trạng.

    Tuy nhiên, chúng ta biết rằng, chuyển đổi từ trên xuống vẫn xảy ra trong thực tế. Tại sao? Liệu có điều gì không đúng trong Trò chơi Chuyển đổi?
    -         Vấn đề ở đây là Trò chơi Chuyển đổi đang chơi là một trò chơi thông tin đầy đủ. Đây là dạng trò chơi mà mỗi người chơi biết tất cả thông tin về chò trơi – dạng người chơi, lựa chọn của mỗi người chơi, trật tự lựa chọn, kết quả khả dĩ, và ưu tiên kết quả của những người chơi. Trong Trò chơi Chuyển đổi mà chúng ta vừa xem, chuyển đổi từ trên xuống không xảy ra bởi người chơi (người mềm mỏng và phe đối lập) biết hết mọi thứ trước – hay họ có đầy đủ thông tin.
    Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu đây là một trò chơi không đầy đủ thông tin, trong đó người mềm mỏng không chắc chắn về phe đối lập – mạnh hay yếu?
    Như trong bài Chuyển đổi Dân chủ từ bên dưới, chúng ta biết rằng, trong chế độ độc tài, người dân thường không tiết lộ thái độ thực sự của họ về chế độ. Và điều này khiến cho những người mềm mỏng không có đẩy đủ thông tin về phe đối lập, và vì vậy họ không biết sức mạnh thực sự của phe đối lập.
    Từ đây, chuyển đổi từ trên xuống hóa ra đến từ việc những người mềm mỏng trong chính quyền độc tài đánh giá sai về phe đối lập (yếu hay mạnh) mà họ đang đối mặt.
    -         Giả sử rằng những người mềm mỏng nghĩ rằng phe đối lập yếu. Thì như giải thích ở trên, người mềm mỏng sẽ lựa chọn tự do hóa bởi vì họ kì vọng đối lập sẽ gia nhập vào một chế độ độc tài mở rộng.
    -         Nhưng điều gì xảy ra nếu những người mềm mỏng đang đánh giá sai về sức mạnh của phe đối lập? Điều gì sẽ xảy ra nếu phe đối lập thực sự mạnh. Nếu điều này đúng thì chúng ta sẽ thấy đối lập mạnh sẽ tổ chức phản kháng khi những người mềm mỏng tự do hóa. Và ngay khi người mềm mỏng thấy phe đối lập tổ chức phản kháng, thì họ nhận ra rằng họ tính toán sai bởi vì họ biết chỉ phe đối lập mạnh mới hành động như vậy; và vì một đối lập yếu sẽ tham gia vào chế độ độc tài mở rộng. Giờ đây khi biết chắc rằng đang đối mặt với một đối lập mạnh, những người mềm mỏng nhận ra rằng đàn áp không còn hữu hiệu, và lựa chọn tốt nhất của họ là tiến hành tự do hóa hơn nữa.
    Kết quả là chuyển đổi từ trên xuống xảy ra.

    TRÒ CHƠI CHUYỂN ĐỔI VỚI THÔNG TINH KHÔNG ĐẦY ĐỦ
    Bây giờ chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết hơn tại sao chuyển đổi từ bên trên lại xảy ra khi không có đầy đủ thông tin thông thông qua trò chơi thông tin không đầy đủ.
    Trong phần trước chúng ta đã phân tích hai trò chơi thông tin đầy đủ. Một, với việc những người mềm mỏng biết chắc phe đối lập mạnh; và một, với việc họ biết chắc phe đối lập yếu.
    Trong Trò chơi Chuyển đổi với thông tin không đầy đủ này, chúng ta thêm một tác nhân mới, có vai trò quyền định liệu chúng ta đang chơi trò chơi với đối lập mạnh hay trò chơi với đối lập yếu. Chúng ta có thể gọi tác nhân mới này là “Tự nhiên”. Điều quan trọng ở đây là những người mềm mỏng không biết Tự nhiên chọn trò chơi nào. Tất cả những gì họ biết là xác suất mà Tự nhiên chọn trò chơi trong đó đối lập yếu là p, và đối lập mạnh là 1- p.
    Giờ chúng ta thêm thông tin này vào cây trò chơi như hình dưới.

    Đường nét đứt cho thấy rằng khi những người mềm mỏng chọn có tự do hóa hay không ở nút đầu tiên, họ không biết liệu họ đang chơi trò chơi với đối lập mạnh hay yếu.
    Chúng ta bắt đầu giải trò chơi từ nút cuối cùng ngược trở lại nút đầu tiên.
    Ở hai nút cuối cùng (trong hai trò chơi), những người mềm mỏng phải lựa chọn đàn áp hay dân chủ hóa. Như phân tích trước đó, những người mềm mỏng sẽ chọn đàn áp (đường đậm nét) đối với phía bên trái của cây trò chơi (khi họ tin rằng phe đối lập yếu), và họ sẽ chọn dân chủ hóa (đường đạm nét) đối với phía bên phải cây trò chơi (khi họ tin phe đối lập mạnh).
    Bây giờ chúng ta dịch chuyển ngược lên hai nút giữa nơi mà phe đối lập phải lựa chọn giữa gia nhập chế độ độc tài mở rộng hay tổ chức phản kháng. Từ phân tích trước đó, chúng ta biết rằng một phe đối lập yếu sẽ gia nhập vào chế độ độc tài mở rộng (đường đậm nét), còn phe đối lập mạnh sẽ tổ chức phản kháng (đường đậm nét). Kết quả là phe đối lập sẽ chọn gia nhập đối với phía bên trái cây trò chơi và tổ chức phản kháng đối với phía bên phải cây trò chơi.
    Tiếp tục, tới hai nút đầu, những người mềm mỏng phải quyết định xem có tự do hóa hay không. Tuy nhiên, lúc này những người theo đường lối mềm mỏng không biết họ đang đứng ở phía bên nào của cây trò chơi. Sự không chắc chắn của họ về sức mạnh của phe đối lập có nghĩa rằng những người mềm mỏng không biết chắc kết quả mà họ nhận được khi họ tiến hành tự do hóa.
    -         Một mặt, nếu những người mềm mỏng tự do hóa và phe đối lập yếu, thì họ có thể nhìn xuống phái bên trái cây trò chơi và thấy kết quả sẽ là một chế độ độc tài mở rộng (kết quả 5).
    -         Mặt khác, nếu họ tự do hóa và đối lập mạnh, thì họ có thể nhìn xuống phía bên phải cây trò chơi và thất kết quả sẽ là chuyển đổi dân chủ (kết quả 2).
    -         Dù đối lập yếu hay mạnh, những người mềm mỏng sẽ nhận được kết quả 4 nếu họ không tự do hóa; nghĩa là nhánh “không tự do hóa” ở cả hai phía của cây trò chơi.
    Những người mềm mỏng nên làm gì? Họ biết rằng họ có thể nhận được kết quả 4 nếu họ không tự do hóa, và biết rằng họ có thể nhận được kết quả 5 hoặc 2 nếu họ tự do hóa.
    Trong trường hợp này, câu trả lời phụ thuộc vào việc liệu kết quả mà những người mềm mỏng kì vọng đạt được nếu họ tự do hóa có lớn hơn kết quả mà họ đạt được khi không tự do hóa hay không.
    Nhìn chung kết quả kì vọng của mỗi lựa chọn trên được tính bằng cách nhân kết quả gắn với mỗi trường hợp với xác suất mà trường hợp đó xảy ra, sau đó cộng tổng lại.
    Kết quả kì vọng = (xác suất trường hợp 1 xảy ra × kết quả của trường hợp 1) + (xác suất trường hợp 2 xảy ra × kết quả của trường hợp 2)
    Đâu là kết quả kì vọng của những người mềm mỏng khi họ tự do hóa? Với xác suất p, những người mềm mỏng ở bên phía trái của cây trò chơi khi đối lập yếu, và chúng ta đã biết kết quả mà họ nhận được là chế độ độc tài mở rộng (với kết quả 5). Với xác suất 1 – p, những người mềm mỏng ở phía bên phải của cây trò chơi khi đối lập mạnh, và chúng ta đã biết kết quả mà họ nhận được là chuyển đổi dân chủ (với kết quả 2). Do đó, kết quả kì vọng mà họ nhận được khi tự do hóa là:
    Kết quả kì vọng (lựa chọn) =(px5) + [(1-p)x2] = 3p+2
    Do đó, nếu những người mềm mỏng không tự do hóa, họ sẽ nhận được kết quả là 4; còn nếu họ lựa chọn tự do họ sẽ nhận được kết quả là 3p+2.
    Rõ ràng rằng, lựa chọn của những người mềm mỏng sẽ phụ thuộc vào giá trị của p; nghĩa là, lựa chọn của họ phụ thuộc vào xác suất mà họ biết rằng đối lập là yếu. Những người mềm mỏng sẽ lựa chọn tự do hóa khi kết quả kì vọng từ tự do hóa lớn hơn kết quả khi không tự do hóa. Điều này xảy ra khi:
    3p+2 > 4
    →p>2/3
    Do đó, những người mềm mỏng sẽ lựa chọn tự do hóa chế độ nếu họ tin rằng xác suất mà đối lập yếu lớn hơn 2/3. Đây được gọi là “xác suất quyết định”. Nếu họ tin đối lập yếu với một xác suất ít hơn xác suất này, thì những người mềm mỏng sẽ chọn không tự do hó và giữ nguyên hiện trạng.

    KẾT LUẬN
    Phân tích của chúng ta giải thích chuyển đổi từ bên trên diễn ra như thế nào. Ta biết rằng những người mềm mỏng trong chính quyền độc tài sẽ lựa chọn tự do hóa khi họ đủ tin tưởng rằng phe đối lập yếu. Vấn đề là niềm tin của họ về sức mạnh của phe đối lập có thể bị sai; rằng trong thực thế phe đối lập mạnh. Và bỏi vì chỉ có một đối lập mạnh mới có thể tiếp tục huy động phản kháng, nên những người mềm mỏng nhận ra rằng họ đã có một bước đi sai lầm và điều chỉnh lại niềm tin của mình về sức mạnh của đối lập. Do đó, niềm tin hiện nay của họ về đối lập mạnh là hoàn toàn đúng, nghĩa là p = 0. Với việc nhận ra đối lập mạnh, những người mềm mỏng sẽ lựa chọn tự do hóa bởi vì họ biết rằng đàn áp sẽ không thành công và sẽ dẫn đến một cuộc nổi dậy không hề đáng mong muốn. Kết quả là những người mềm mỏng trong chính quyền đọc tài vô tình trở thành các nhà dân chủ hóa từ tính toán sai lầm của họ.

    Trò chơi thông tin không đầy đủ cho thấy tầm quan trọng của thông tin và niềm tin trong chính trị. Một điều được rút ra là các tác nhân chính trị lựa chọn thực hiện các hành động sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của các tác nhân khác. Chẳng hạn, phe đối lập dân chủ mạnh trong Trò chơi Chuyển đổi thông tin không đầy đủ sẽ tránh thực hiện các hành động cho thấy sức mạnh thực sự của nó với những người mềm mỏng trong chính quyền độc tài mà nó nghĩ rằng những người này có thể tiến hành tự do hóa. Kết quả nó cố gắng hành động như thể nó là một đối lập yếu. Khi hành động như vậy, nó khiến cho những người mềm mỏng lựa chọn tự do hóa chế độ. Lúc này, đối lập mạnh có thể công khai cho thấy rằng nó thực sự mạnh và tiến tới thúc đẩy dân chủ hóa, và chuyển đổi dân chủ diễn ra thành công.

    Tài liệu tham khảo
    -         Matt Golder, Nandenicheck Sona Golder, William Roberts Clark. Principles of Comparative Politics
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org