Các yếu tố ảnh hưởng đến sự tồn tại của chế độ độc tài

Posted on
  • Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2018
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:

  • Trong bài Phân loại các Chế độ chính trị, chúng ta đã biết về các dạng độc tài khác nhau, như độc tài cạnh tranh, độc tài cá nhân, độc tài độc đảng. Nhìn chung trong các chế độ độc tài, dù là độc tài bầu cử hay độc tài đóng, thì các cá nhân, đảng phái đối lập luôn bị cấm đoán và đàn áp.
    Trong bài này chúng ta sẽ tìm hiểu tại sao một số chế độ độc tài có tuổi thọ khá lâu, trong khi một số thì lại khá ngắn. Chẳng hạn như chế độ độc tài Cộng sản tại Liên Xô kéo dài trong hơn 70 năm (1917-1990), trong khi chế độ độc tài quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm 1980 chỉ kéo dài trong ba năm.
    Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ của chế độ độc tài, trong bài này chúng ta phân chia thành hai nhóm yếu tố chính, đó là các yếu tố quyết định cần thiết cho sự duy trì quyền lực của một chế độ độc tài, và các yếu tố cấu trúc liên quan đến tổ chức của từng loại chế độ độc tài, từ đó ảnh hưởng đến tuổi thọ của nó.

    CÁC YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH
    1. Sự ủng hộ của công chúng
    Tất cả mọi chế độ độc tài đều cần sự ủng hộ của một bộ phận công chúng. Dù kích thước của bộ phận này có thể khác nhau tùy theo chế độ độc tài, song sự ủng hộ của công chúng là điều kiện bắt buộc mà nó phải có để duy trì quyền lực. 
    Tuy nhiên, câu hỏi ở đây là tại sao một bộ phận người dân lại ủng hộ chế độ độc tài? Có phải họ không thích chế độ dân chủ?
    Có nhiều lý do khác nhau, tuy nhiên, về cơ bản người dân còn ủng hộ chế độ độc tài bao lâu họ có các khuyến khích để làm như vậy. Các khuyến khích có thể đến từ khía cạnh tài chính, đó là các lợi ích mà chế độ độc tài phân phối; đến khía cạnh an ninh, với niềm tin (hoặc được dạy) rằng đời sống được an toàn hơn khi chế độ độc tài còn nắm quyền và bạo loạn có thể nổ ra khi nó sụp đổ. Và tất nhiên bao gồm cả bạo lực, công cụ mà chế độ độc tài ưa thích sử dụng để buộc người dân chấp nhận chế độ.
    Để tạo ra và duy trì sự ủng hộ của một bộ phận người dân, giới cai trị độc tài phải đảm bảo được các khuyến khích đó. Họ phải phân phối các lợi ích cho những người ủng hộ chế độ, trong khi thu hồi lại các lợi ích (thậm chí trừng phạt) những người chống đối chế độ. Các lợi ích có thể bao gồm hỗ trợ về nhu yếu phẩm, tiền bạc, các dịch vụ công, nhà ở, y tế và việc làm. Mức độ cung cấp các lợi ích trên phụ thuộc vào nguồn lực mà chế độ có. Chẳng hạn, rất khó để chế độ duy trì sự ủng hộ thông qua cung cấp các lợi ích như tiền bạc trong thời kì khủng hoảng kinh tế, cũng như rất khó để sử dụng bạo lực khi mà không có một bộ máy an ninh trung thành và được tổ chức tốt.

    2. Đối lập yếu và phân mảnh
    Trong mọi chế độ độc tài, luôn tồn tại những người không ủng hộ chế độ. Một điều quan trọng đối với sự sống còn của chế độ độc tài là đảm bảo rằng những cá nhân này không liên kết lại được với nhau và trở nên mạnh mẽ đến mức đe dọa sự tồn tại của chế độ.
    Trong chế độ độc tài, các nhóm đối lập có thể được tổ chức theo nhiều dạng khác nhau, từ các tổ chức xã hội dân sự cho đến các đảng chính trị, các nhóm cách mạng có vũ trang. Sự tồn tại thuần túy của các nhóm này không luôn gây nguy hiểm cho chế độ, bao lâu mà họ còn chia rẽ và không thể liên kết thành tổ chức/liên minh rộng lớn.
    Một đối lập thống nhất và lớn mới là mối đe dọa thực sự đối với chế độ độc tài, vì nó dễ dàng tổ chức các phong trào đại chúng yêu cầu cho sự thay đổi chế độ. Một đối lập tổ chức tốt có thể làm suy yếu chế độ theo nhiều cách, chẳng hạn như huy động công chúng tẩy chay bầu cử, hay tổ chức các cuộc biểu tình đại chúng, mà cả hai làm xói mòn sự ủng hộ của công chúng cho chế độ độc tài.
    Chính vì vậy, các chế độ độc tài thực hiện nhiều chiến lược khác nhau để giữ cho phe đối lập yếu và phân mảnh. Những chiến lược này bao gồm đàn áp (bắt giữ hay đe dọa thành viên phe đối lập), cộng tác (đề nghị thành viên phe đối lập các lợi ích để họ ủng hộ chế độ), và thao túng các thiết chế bầu cử (khiến cho các thành viên của phe đối lập không thể tranh cử).
    Thực tế cho thấy khi đối lập được kết nạp vào trong bộ máy cai trị, họ không còn thể hiện là một thách thức cho chế độ. Do đó, để duy trì quyền lực của mình, chế độ độc tài thường kết nạp có chọn lọc các thành viên phe đối lập, một mặt làm giảm thách thức, mặt khác gây chia rẽ và làm suy yếu đối lập.

    3. Sự trung thành của giới chóp bu
    Chế độ độc tài đòi hỏi sự ủng hộ liên tục của giới chóp bu - bao gồm quan chức, tướng lãnh quân đội, cảnh sát, giới tài phiệt kinh tế, cũng như các nhân vật công chúng. Sự ủng hộ của giới chóp bu, tương tự sự ủng hộ của công chúng, dựa trên sự so sánh lợi ích mà họ nhận được khi ủng hộ chế  độ với chi phí khi họ chống lại nó.
    Lợi ích của việc ủng hộ chế độ bao gồm ảnh hưởng lên chính sách, tiếp cận với các nguồn lợi kinh tế, các chức vụ, trong khi chi phí cho việc chống lại như mất chức, tịch thu tài sản, hay bỏ tù. Tuy nhiên, phân tích chi phí lợi ích của giới chóp bu có thể thay đổi theo hoàn cảnh, chẳng hạn như khi chế độ không còn khả năng phân phát bổng lộc do suy thoái kinh tế hay khi phong trào đối lập quá mạnh đến nỗi giới chóp bu tin rằng phe đối lập có thể thành công, và từ đó khiến cho họ thay đổi lập trường của mình.

    CÁC YẾU TỐ CẤU TRÚC
    Các yếu tố cấu trúc cũng đóng vai trò quan trọng đối với tuổi thọ của chế độ độc tài. Theo Barbara Geddes, độc tài quân sự là chế độ dễ sụp đổ nhất, sau đó đến độc tài cá nhân, và cuối cùng là độc tài độc đảng. Sự khác nhau trong tổ chức của các chế độ độc tài dẫn đến những khuyến khích khác nhau cho giới lãnh đạo và chóp bu (trong việc trung thành với chế độ), và qua đó ảnh hưởng đến tuổi thọ của chế độ độc tài.

    Độc tài quân sự
    Trong các chế độ độc tài quân sự, giới chóp bu quân sự nắm giữ quyền lực. Tuy nhiên, không như các nhà chính trị dân sự, những người ưu tiên việc giành và giữ chức vụ chính trị trên mọi thứ khác, thì “sự tồn tại và thống nhất quân đội” mới là điều mà các quân nhân chuyên nghiệp coi trọng nhất. Bởi vì điều này, mối đe dọa lớn nhất đối với giới chóp bu quân sự không phải là sự sụp đổ của chế độ, mà là sự chia rẽ trong quân đội và nội chiến có thể nổ ra.
    Trong các chế độ độc tài quân sự, nếu sự chia rẽ trong giới chóp bu trở nên lớn hơn, thì hầu hết họ muốn quay trở lại doanh trại hơn là mạo hiểm đối mặt với sự mất thống nhất trong quân đội. Kết quả là, chế độ độc tài quân sự mang trong mình nó “mầm mống của sự tự phá hủy” chính nó. Vì lý do này, nên chế độ độc tài quân sự là dạng độc tài có tuổi thọ ngắn nhất, với trung bình 9 năm. Nó cũng rất dễ bị tổn thương bởi khủng hoảng kinh tế (do áp lực mà cuộc khủng hoảng tạo ra) và là dạng chế độ thường chuyển đổi thông qua đối thoại và trật tự.

    2. Chế độ độc tài độc đảng
    Quan tâm của giới chóp bu trong chế độ độc tài độc đảng khá đơn giản. Giống như hầu hết các chính trị gia trong nền dân chủ, giới chóp bu đảng muốn nắm giữ quyền lực; và việc nắm giữ quyền lực là điều mà nó coi là quan trọng nhất. Geddes thấy rằng các phe cánh trong giới chóp bu đảng, và ngay cả phe cạnh tranh với giới lãnh đạo đương quyền, đều có nhiều lợi hơn khi đảng vẫn tiếp tục nắm quyền. Nếu đảng sụp đổ, thì giới chóp bu – bao gồm những người thuộc phe đối lập với phe đương quyền – có ít cơ hội hơn để ảnh hưởng (lên chính quyền tương lai) hay kiếm chác từ đó.
    Kết quả là, các phe cánh có thể hình thành trong chế độ độc tài độc đảng, song chúng sẽ không làm những điều mà có thể gây mất ổn định nghiêm trong đến chế độ. Các phe cánh không được lợi gì khi cai trị một mình, và tất cả chúng có thể thúc đẩy tốt hơn lợi ích của mình khi đảng còn cầm quyền. Ở một mức độ nào đó, phe cánh không thực sự đe dọa nghiêm trọng đến chế độ.
    Bởi vì giới chóp bu đảng ưu tiên hợp tác với nhau và duy trì sự cầm quyền của đảng, nên chế độ độc tài độc đảng rất bền vững, tuổi thọ trung bình của nó là 23 năm. Chúng có thể khắc phục được vấn đề kế nhiệm (khi lãnh đạo chết), và đối mặt khá tốt với suy thoái kinh tế. Chế độ độc tài độc đảng ít khi sụp đổ; và lý do sụp đổ khá đa dạng từ áp lực quốc tế cho dân chủ hóa, đến khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, hay sự chia rẽ trong giới chóp bu đến mức không thể hòa giải.

    3. Chế độ độc tài cá nhân
    Trong chế độ độc tài cá nhân, một cá nhân tập trung mọi quyền lực và chi phối toàn bộ bộ máy chính trị. Dù có tồn tại các phe phái chính trị trong chế độ này, song nhìn chung tất cả họ đều chịu sự kiểm soát của nhà độc tài và hoàn toàn ủng hộ ông ta.
    Về cơ bản, chế độ độc tài cá nhân khá tương tự với chế độ độc tài độc đảng, song có ba sự khác nhau giữa chúng khiến cho chế độ độc tài cá nhân dễ tổn thương hơn so với chế độ độc tài độc đảng.
    -         Thứ nhất, đó là bởi các nhà độc tài cá nhân thường làm suy yếu tất cả các thiết chế nhà nước xung quanh mình, như đảng phái, quân đội, giới thân hữu (để tập trung quyền lực vào trong tay mình); khiến cho tính ổn định của chế độ phụ thuộc nhiều vào chính nhà độc tài hơn là thể chế.
    -         Thứ hai, chế độ độc tài cá nhân có cơ sở ủng hộ hẹp hơn so với chế độ độc tài độc đảng bởi vì giới chóp bu thường chỉ gồm bạn bè hay các thành viên gia đình của nhà độc tài. Điều này có nghĩa rằng kích thước của nhóm thách thức chế độ sẽ lớn hơn.
    -         Và cuối cùng, bởi vì các nhà độc tài cá nhân thường sử dụng sự trao thưởng bằng vật chất để làm hài lòng những người ủng hộ (hơn là chức vụ chính trị), nên chế độ độc tài cá nhân dễ bị mất ổn định hơn khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, do nhà độc tài không còn đủ nguồn lực để mua chuộc người ủng hộ.  
    Vì những lý do này, chế độ độc tài cá nhân có tuổi thọ lâu hơn chế độ độc tài quân sự, nhưng ít hơn so với chế độ độc tài độc đảng. Tuổi thọ trung bình của nó là 15 năm. Khi nó sụp đổ, thì thường xảy ra thông qua bạo loạn như đảo chính, nổi dậy hay ám sát. Thường đối với dạng chế độ này, khi nhà độc tài chết, sẽ khó có thể tiếp tục tồn tại, bởi nó không có các phương pháp được thể chế hóa để chuyển giao quyền lực hòa bình. 

    Nguồn tài liệu
    -         Natasha M. Ezrow, Erica Frantz. Dictators and Dictatorships: Understanding Authoritarian Regimes and Their Leaders
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org