CHUYỂN ĐỔI DÂN CHỦ TỪ BÊN DƯỚI

Posted on
  • Thứ Năm, 5 tháng 4, 2018
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:

  • GIỚI THIỆU
    Trong bài Lịch sử Dân chủ hóa, chúng ta chỉ tìm hiểu về sự phát triển của dân chủ nói chung trong hơn 200 năm qua mà chưa đi vào tìm hiểu cách thức chuyển đổi xảy ra ở các quốc gia như thế nào. Nhìn chung, từ kinh nghiệm chuyển đổi của các quốc gia, có thể đơn giản hóa thành hai mô hình chuyển đổi chính, đó là chuyển đổi từ bên dưới và chuyển đổi từ bên trên.
    -         Chuyển đổi từ bên dưới là chuyển đổi trong đó người dân nổi dậy lật đổ chế độ độc tài thông qua một cuộc cách mạng đại chúng.
    -         Chuyển đổi từ bên trên là chuyển đổi trong đó giới tinh hoa cầm quyền chủ động tiến hành các cải cách tự do hóa nhằm duy trì chế độ song kì cùng đã dẫn đến chuyển đổi.
    Trong bài này, chúng ta tìm hiểu mô hình chuyển đổi từ bên dưới.
    Để hiểu được tại sao chuyển đổi từ bên dưới xảy ra, trước tiên chúng ta cùng tìm hiểu lý thuyết hành động tập thểmô hình ngưỡng, vốn là những cơ sở lý thuyết cung cấp câu trả lời thuyết phục cho câu hỏi trên.

    MÔ HÌNH CHUYỂN ĐỔI TỪ BÊN DƯỚI
    Lý thuyết hành động tập thể
    Trước tiên chúng ta cần nắm một số khái niệm của lý thuyết hành động tập thể:
    -         Hành động tập thể là hành động của một nhóm cá nhân nhằm theo đuổi một số lợi ích chung nào đó.
    -         Lợi ích chung ở đây được định nghĩa là những lợi ích có hai đặc tính:
    o   Tính không loại trừ (bạn không thể ngăn cản những người không tham gia đóng góp cho lợi ích chung sử dụng chúng)
    o    Tính không ganh đua (việc sử dụng của người này không làm giảm bớt lượng còn lại mà người khác sử dụng).
    Từ hai đặc tính trên, chúng ta có thể kể ra vô số lợi ích chung từ không khí sạch, công viên công cộng ... cho đến dân chủ.
    -         Không khí sạch được coi là một lợi ích chung bởi nó có tính không loại trừ (bạn không thể ngăn người khác hít thở nó), và nó có tính không ganh đua (việc một người hít thở nó không làm giảm bớt lượng không khí sạch mà người khác sẽ hít thở).
    -         Tương tự như vậy với dân chủ, bất cứ ai sống trong nền dân chủ có thể thụ hưởng các lợi ích của nó, bất chấp việc họ có tham gia đóng góp mang lại dân chủ hay không, và sự thụ hưởng các lợi ích của dân chủ của một người không làm giảm đi cách lợi ích mà dân chủ mang đến cho người khác.
    Dựa vào định nghĩa và ví dụ trên về lợi ích chung, chúng ta có thể kể ra rất nhiều hành động tập thể như bảo vệ môi trường, tham gia xây dựng các công trình công cộng, đình công và cách mạng.
    Từ đặc tính của lợi ích chung như trên, chúng ta đều nghĩ rằng các cá nhân được hưởng lợi từ nó sẽ nhiệt tình tham gia đóng góp mang lại nó. Tuy nhiên, trong thực tế điều trái ngược lại xảy ra. Đó là các cá nhân hưởng lợi từ lợi ích chung lại thường ít tích cực tham gia đóng góp cho việc tạo ra nó.
    Có nhiều lý do cá nhân có thể đưa ra để không tham gia vào các hành động tập thể, nhất là các hành động có thể phải trả giá cao như đình công, biểu tình; như có nhiều người tham gia rồi, sự tham gia của mình không quan trọng gì, không tham gia thì hơn; hay tham gia mất công mất sức mà chưa chắc việc đã thành, mà có thành thì những người không tham gia cũng được hưởng vậy thì thà ngồi đợi hưởng lợi còn hơn.
    Và vấn đề này được gọi là vấn đề hành động tập thể hay vấn đề free-rider(ngồi không hưởng lợi). Chính vấn đề này khiến cho mọi người thường không tích cực tham gia các hành động tập thể mà họ sẽ được hưởng lợi từ nó và quá đó khiến cho các hành động tập thể rất khó thành công.
    Để đánh giá mức độ thành công của hành động tập thể, chúng ta xem xét mô hình sau: Giả sử có một tập thể gồm N cá nhân. Và phải có K người trong nhóm tham gia đóng góp thì lợi ích công sẽ được cung cấp.
    Khi đó hai nhân tố quyết định khả năng thành công của hành động tập thể là:
    -         Sự khác nhau giữa K và N
    -         Kích thước của N
    Sự khác nhau giữa K và N
    -         Nếu K = N, thì sẽ không có khuyến khích cho hiện tượng cá nhân ngồi không hưởng lợi. Bởi tất cả mọi người trong nhóm biết rằng sự tham gia của họ có vai trò quyết định đến sự thành công của hành động tập thể (ví dụ biểu tình).
    -         Nếu K < N, thì sẽ có khuyến khích cho hiện tượng ngồi không hưởng lợi. Bởi các thành viên trong nhóm biết rằng hành động tập thể (biểu tình) có thể xảy ra thành công mà không cần sự tham gia của tất cả mọi người.
    -         Do đó, khi sự chênh lệch giữa K và N càng lớn, thì càng khuyến khích cho hiện tượng ngồi không hưởng lợi. Điều đó cũng có nghĩa rằng, hành động tập thể sẽ khó thành công hơn khi sự khác nhau giữa K và N lớn.
    Kích thước của N
    -         Một mặt, kích thước của N cũng ảnh hưởng đến khả năng bạn thấy nghĩ mình có vai trò quyết định đối với hành động tập thể hay không. Nếu N càng lớn, thì bạn càng có khuynh hướng nghĩ rằng mình không có vai trò quan trọng gì.
    -         Mặt khác, khi N lớn thì sẽ khó hơn để giám sát, xác định và trừng phạt những người ngồi không hưởng lợi. Kết quả là khi nhóm lớn hơn, tức N lớn hơn, thì thì có một mức độ cao hơn của hiện tượng ngồi không hưởng lợi.
    -         Và vì vậy nhóm lớn hơn, thì hành động tập thể cũng khó thành công hơn.
    Lý thuyết hành động tập cung cấp giải thích cho sự ổn định bề ngoài của các chế độ độc tài, và cho tại sao các cuộc biểu tình công cộng thường hiếm trong các chế độ độc tài.
    Dù mọi người trong chế độ độc tài chia sẻ cùng lợi ích khi chế độ độc tài sụp đổ, song điều này không có nghĩ rằng họ sẽ hành động tập thể để đạt được lợi ích chung này – một chế độ dân chủ.
    Bởi đơn giản trong hành động tập thể này (biểu tình chống chế độ độc tài), toàn bộ người dân (N) là rất lớn, hàng chục triệu người, trong khi đó một cuộc biểu tình thành công trong việc lật đổ chế độ chỉ cần vài trăm ngàn người, tức K rất nhỏ so với N. Khi xem xét tính toán của mỗi cá nhân trong trường hợp này, về tầm quan trọng của họ, về thiệt hại mà họ sẽ gánh chịu khi đi, về việc họ có bị trừng phạt khi không đi... thì cho thấy khuynh hướng ngồi không hưởng lợi là lấn át.
    Tuy nhiên, vấn đề hành động tập chể cũng chỉ ra hai điều:
    -         Sự thiếu vắng các cuộc biểu tình đông đảo của người dân phản đối với chế độ không có nghĩa là mọi người đang ủng hộ chế độ.
    -         Vấn đề hành động tập thể khiến cho phe đối lập khó khăn hơn trong việc tổ chức thành một lực lượng chặt chẽ. Và nó cũng giải thích tại sao các đảng phái, tổ chức phải cố gắng thuyết phục người ủng hộ của mình rằng tất cả họ đều có vai trò quan trọng đối với thành công của đảng, tổ chức dù điều này có đúng hay không – vì điều này khiến cho những người ủng hộ quyết tâm tham gia hơn là ngồi không hưởng lợi.

    Mô hình ngưỡng
    Dù lý thuyết hành động tập thể giúp giải thích tại sao cách mạng lại hiếm và tại sao các chế độ độc tài bề ngoài khá ổn định; song nó không thể giải thích tại sao cuối cùng lại xảy ra các cuộc biểu tình đại chúng mà có thể khiến các chế độ độc tài sụp đổ. Để giải thích điều này chúng ta dựa vào một lý thuyết khác gọi là mô hình ngưỡng.
    Thường trong chế độ độc tài, mỗi cá nhân sẽ có một thái độ kín đáo và một thái độ công khai.
    -         Thái độ kín đáo là thái độ thực của anh ta đối với chế độ độc tài
    -         Thái độ công khai là thái độ về chế độ độc tài mà anh ta thể hiện ra bên ngoài.
    Do rủi ro của việc tiết lộ công khai sự phản đối chế độ độc tài nên những người phản đối chế độ thường che đậy thái độ thực sự của mình; thay vì phản đối chế độ độc tài công khai, thì họ lại công khai ủng hộ nó.
    Một hệ quả của việc che dấu thái độ thực sự của mình là các cá nhân không biết được mức độ phản đối chế độ độc tài (trong xã hội) thực sự như thế nào bởi vì tất cả họ công khai ủng hộ họ. Và nó cũng giúp giải thích là ngay cả khi hành động tập thể được tổ chức tốt, thì cá nhân có thể vẫn chọn không tham gia biểu tình bởi vì họ không chắc liệu người khác có thực sự phản đổi chế độ hay không.
    Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng, dù nhiều người che đậy thái độ thực sự của mình, song khi một cuộc biểu tình ở một quy mô nào đó, họ sẵn sàng công khai thái độ thực sự của mình. Chẳng hạn, một người phản đối chế độ có thể sẽ không tham gia một cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ mà gồm một vài trăm người, tuy nhiên họ sẵn sàng tham gia khi cuộc biểu tình đó có hàng nghìn hay hàng chục nghìn người tham gia.
    Và kích thước cuộc biểu tình mà ở đó cá nhân sẵn sàng tiết lộ công khai thái độ thực của mình, tức tham gia biểu tình, được gọi là ngưỡng cách mạng của anh ta. Ý tưởng về ngưỡng này khá dễ hiểu, bởi khi quy mô cuộc biểu tình tăng, thì chế độ độc tài sẽ khó khăn hơn trong việc xác định và trừng phạt cá nhân tham gia. Nhìn chung, các cá nhân có các ngưỡng cách mạng khác nhau:
    -         Một số có ngưỡng rất thấp: sẵn sàng phản đối chế độ bất chấp người khác có làm hay không.
    -         Một số có ngưỡng cao hơn: chỉ biểu tình khi có nhiều người khác làm.
    -         Một số có ngưỡng rất cao: hầu như không bao giờ sẵn sàng tham gia biểu tình.
    Sự phân phối ngưỡng cách mạng trong xã hội là điều sẽ quyết định một cuộc cách mạng có xảy ra hay không. Ví dụ về xã hội A gồm 10 người như sau:
    Xã hội A = {0; 2; 2; 3; 4; 5; 6; 7; 8; 10}
    Con số trong ngoặc cho thấy ngưỡng cách mạng của mỗi cá nhân trong xã hội.
    -         Người đầu tiên có ngưỡng cách mạng là 0, tức là anh ta sẵn sàng biểu tình một mình mà không cần có người khác tham gia cùng.
    -         Người thứ hai và thứ ba có ngưỡng là 2, có nghĩa rằng cần hai người biểu tình thì họ mới sẵn sàng tham gia.
    -         Người thứ mười có ngưỡng là 10, điều này có nghĩa rằng người thứ mười sẽ không bao giờ tham gia biểu tình bởi không bao giờ có cuộc biểu tình nào đủ mười người khi anh ta không tham gia.
     Trong ví dụ này, chỉ có một người sẵn sàng biểu tình, tức người có ngưỡng 0. Và vì chỉ có một người sẵn sàng biểu tình, nên không đủ để thúc đẩy người thứ ha, rồi thứ ba tham gia (vì cần 2 người biểu tình họ mới tham gia), nên biểu tình sẽ không thành công. Xem ví dụ về xã hội A’:
    Xã hội A’ = {0; 1; 2; 3; 4; 5; 6; 7; 8; 10}
    Khác nhau duy nhất giữ A và A’ là ngưỡng cách mạng của người thứ hai trong xã hội A đã giảm từ 2 thành 1 trong xã hội A’. Chúng ta nên coi hai ví dụ này, tức A và A’ là cũng một xã hội ở các thời điểm khác nhau. Chẳng hạn việc chính quyền thực hiện một số chính sách (gây bất mãn) khiến cho cá nhân thứ hai sẵn sàng hơn trong việc phản đối chính quyền. Chỉ một sự thay đổi nhỏ về ngưỡng như vậy thôi sẽ ảnh hưởng đến sự thành công của biểu tình. Bởi lúc này có nhân thứ ba với ngưỡng 2 cũng tham gia biểu tình, và điều này một lần nữa kéo theo người thứ bốn, năm ....do đó sẽ có một cuộc biểu tình 9 người. Một cuộc biểu tình 90% người dân tham gia thì chắc chắn thành công. Trong ví dụ này, một sự thay đổi nhẹ về ngưỡng cách mạng của một cá nhân đã tạo ra cái gọi là thác cách mạng.
    -         Đó là sự tham gia của một người thúc đẩy sự tham gia của một người khác; và một lần nữa thúc đẩy sự tham gia của một người khác nữa, và cứ thế.
    Lưu ý rằng một sự thay đổi nhỏ trong ngưỡng cách mạng không luôn tạo ra một cuộc cách mạng hay biểu tình. Xem ví dụ xã hội B:
    Xã hội B = {0; 2; 3; 3; 4; 5; 6; 7; 8; 10}
    Sự khác nhau duy nhất với xã hội A là người thứ ba giờ đây có ngưỡng cách mạng là 3 thay vì 2. Trong trường hợp này khi chính quyền thực hiện một số chính sách (gây bất mãn) tương tự, khiến cho cá nhân 2 giảm ngưỡng của mình từ 2 thành 1.
    Xã hội B’ = {0; 1; 3; 3; 4; 5; 6; 7; 8; 10}
    Tuy nhiên, như bạn thấy sự thay đổi ngưỡng trong trường hợp này chỉ tạo ra cuộc biểu tình hai người và không đủ tạo ra cách mạng.  Do đó, sự phân bố hơi khác về ngưỡng cách mạng trong xã hội có thể tạo ra sự khác biệt là dẫn đến một cuộc biểu tình không thành công (xã hội B’) và một cuộc biểu tình thành công (Xã hội A’) lật đổ chế độ độc tài.
    Mô hình ngưỡng cho thấy rằng, những thứ như suy thoái kinh tế hay giới thiệu các chính sách bất công có thể làm thay đổi thái độ thực sự và ngưỡng cách mạng của người dân đi đến chỗ chống lại chế độ song có thể không thực sự tạo ra một cuộc cách mạng. Ví dụ suy thoái kinh tế có thể khiến cho chế độ trong xã hội C trở nên hết sức bị chán ghét (thể hiện ở ngưỡng cách mạng thấp của nhiều người).
    C = {0, 2, 2, 2, 2, 2, 2, 2, 2, 10}
    Ngưỡng thấp của hầu như mọi người trong xã hội này cho thấy nó không đòi hỏi nhiều để cho cách mạng có thể xảy ra. Dù điều này, song sự phân bố ngưỡng cách mạng cho thấy chế độ không đối mặt với một cuộc cách mạng. Do đó, các yếu tố như suy thoái kinh tế không đủ tạo ra cách mạng. Điều nó làm là khiến cho cách mạng có nhiều khả năng xảy ra hơn thông qua giảm ngưỡng cách mạng của các cá nhân; tuy nhiên, nó không chắc chắn khiến cho cách mạng xảy ra.
    Một điểm quan trọng cần nhớ đó là sự che giấu thái độ thực có nghĩ rằng không ai trong xã hội có thể biết được sự phân bố ngưỡng cách mạng. Mỗi người biết ngưỡng cách mạng của mình, nhưng không biết ngưỡng của người khác. Điều này có nghĩa rằng một xã hội có thể đứng bên bờ vực của cuộc cách mạng nhưng không ai nhận ra điều đó. Nó cũng có nghĩa rằng không thể phân biệt được giữa một chế độ độc tài ổn định và một chế độ độc tài đang bên bờ sụp đổ.
    Mô hình ngưỡng giúp chúng ta giải thích tại sao cách mạng lại xảy ra, và xảy ra rất đột ngột trong chế độ độc tài. Chỉ cần một sự kiện nhỏ, như trường hợp tự thiêu của Mohamed Bouazizi ở Tunisia năm 2010 để phản đối chính quyền, có thể kích hoạt một cuộc cách mang ở nước này, sau đó lan rộng ra khu vực Trung Đông, trở thành sự kiện Mùa xuân Ả rập.

    NHẬN XÉT
    Chúng ta vừa tìm hiểu hai lý thuyết là lý thuyết hành động tập thể (giải thích sự khó thành công của các hành động tập thể - biểu tình, cách mạng) và mô hình ngưỡng (giải thích tại sao cách mạng lại xảy ra.
    Bài học từ hai lý thuyết này cho các nhà hoạt động là:
    -         Thuyết phục mọi người rằng tất cả họ đều có vai trò quyền định đối với sự thành công của công việc chung – biểu tình, cách mạng.
    -         Tìm cách hạ thấp ngưỡng cách mạng của mọi người trong xã hội
    -         Liên tục thử để tìm thác cách mạng, nhiều trường hợp có thể thất bại, nhưng thành công có thể đến bất ngờ, như mô hình ngưỡng đã chỉ ra.

    Tài liệu đọc thêm

    Tài liệu tham khảo
    -         Matt Golder, Nandenicheck Sona Golder, William Roberts Clark. Principles of Comparative Politics
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org