Gary S. Becker
Nguyễn Huy Hoàng dịch
“Các nước nghèo không thể dân chủ” là một điệp
khúc phổ biến để cổ xúy cho quan điểm rằng các nước nghèo cần một nền lãnh đạo
mạnh và chuyên chế để thoát khỏi những lực lượng khiến họ nghèo đói trong hàng
thế kỷ. Minh chứng rõ ràng là đại đa số các nước giàu chủ yếu là dân chủ. Tuy
nhiên, trong khi những tác động của dân chủ đối với hiệu quả kinh tế đang gây
nhiều tranh cãi, nền dân chủ vẫn có thể mang lại một số lợi ích kinh tế cho cả
các nước giàu và nghèo.
Không nên so sánh những tác động thực tế của
dân chủ đối với kinh tế và các khía cạnh khác của cuộc sống với một hình thức
chính thể lý tưởng, mà nên so với nhiều chính phủ khác không có tự do báo chí,
không cho phép cạnh tranh công khai cho các vị trí lãnh đạo, không có phổ thông
đầu phiếu, thiếu những thiết chế và các quyền tự do khác – những đặc điểm của nền
dân chủ. Như phát biểu nổi tiếng của Winston Churchill, “Không ai cho rằng dân
chủ là hoàn hảo hay toàn thiện. Thực ra, dân chủ là hình thức chính thể tồi tệ
nhất nếu không tính đến các chính thể khác từng tồn tại.” Câu nói này được đưa
ra trong một bài phát biểu ở Viện Thứ dân ngày 11 tháng 11 năm 1947, khoảng 2
năm sau khi Churchill thất bại trong cuộc bầu cử sớm hậu Thế chiến II.
Nhiều nghiên cứu đã cố gắng cô lập những
tác động của dân chủ so với các hệ thống chính phủ chuyên chế đối với phát triển
kinh tế, bất bình đẳng, giáo dục, và nhiều yếu tố khác. Bởi phân biệt những tác
động của dân chủ với tác động của các yếu tố khác là rất khó, những nghiên cứu
này không thu được kết quả cuối cùng. Tuy nhiên, xu hướng chung là khi cân nhắc
các yếu tố phù hợp khác, giữa tốc độ tăng trưởng GDP trung bình trong dài hạn
và việc quốc gia đó có dân chủ hay không dường như chỉ tồn tại một mối quan hệ
lỏng lẻo. Dân chủ khuyến khích đầu tư hơn nữa cho giáo dục, và giáo dục sẽ giúp
thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh hơn.
Cho dù một số nhà lãnh đạo chuyên chế đã cải
thiện đáng kể nền kinh tế của họ, đó không phải là quy luật chung. Cứ mỗi nhà
lãnh đạo độc tài như Pinochet (cựu Tổng thống Chile) hay Tưởng Giới Thạch, những
người tạo nên tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, lại có một Stalin hay Idi Amin ở
Uganda với chính sách kinh tế ảm đạm. Tương tự, không phải mọi nền dân chủ đều
quản lý kinh tế một cách hiệu quả. Chẳng hạn, Ấn Độ đã trở thành nền dân chủ
sôi động kể từ khi giành được độc lập vào năm 1947. Trong suốt 40 năm đầu, nền
dân chủ này tăng trưởng rất chậm dưới một chính phủ xã hội chủ nghĩa, và rồi Ấn
Độ đã đạt được tốc độ phát triển kinh tế nhanh hơn nhiều sau khi chính phủ thay
đổi theo hướng hướng đến các chính sách kinh tế thị trường thân thiện hơn.
Trong khi tốc độ tăng trưởng trung bình của
các nền dân chủ và các chế độ chuyên chế là tương đương, hiệu quả kinh tế giữa
các chính phủ độc tài lại khác biệt đáng kể. Trung Quốc đã phát triển vượt trội
từ những năm 1980, nhưng sự tàn phá và khó khăn kéo dài do bước “Đại nhảy vọt”
(dẫn đến hàng triệu nông dân chết đói) và Cách mạng Văn hóa của Trung Quốc gây ra sẽ không xảy ra trong một đất nước dân
chủ, chẳng hạn như Ấn Độ. Cuba và nhiều quốc gia châu Phi sẽ không phải chịu đựng
các chính sách kinh tế tồi tệ như vậy quá lâu nếu họ có những thiết chế dân chủ
hợp lý.
Một trong những lí do tại sao suy thoái
kinh tế kéo dài ít có khả năng diễn ra trong các nền dân chủ là tự do báo chí sẽ
công khai báo cáo tình trạng đói khổ và chỉ trích nặng nề các chính sách kinh tế
gây ra nó. Tương tự, các ứng cử viên chính trị sẽ công khai tấn công các chính
sách dẫn đến khủng hoảng kinh tế kéo dài, và họ thường được bầu với nhiệm vụ
thay đổi những chính sách đó.
Một số nhà bình luận kinh tế luôn sử dụng
mối tương quan mạnh mẽ giữa sự giàu có của các quốc gia và các chính phủ dân chủ
để lập luận rằng dân chủ đem lại sự thịnh vượng lớn hơn. Chắc chắn, nhiều nền
dân chủ lâu đời như Hoa Kỳ và Vương quốc Anh đã phát triển rất giàu có. Tuy
nhiên, các nước bắt đầu phát triển nhanh chóng dưới chế độ độc tài như Đài Loan
và Hàn Quốc cũng tương tự, nhưng lại trở nên dân chủ, một số khá nhanh chóng,
khi đã thịnh vượng hơn.
Nhiều năm trước, từ những bằng chứng lịch
sử, nhà xã hội học Seymour Martin Lipset đã kết luận rằng sự giàu có ngày càng
tăng sẽ thúc đẩy dân chủ chứ không phải là ngược lại. Tôi tin về cơ bản ông đã
diễn giải đúng những dữ liệu tương quan giữa thịnh vượng và dân chủ. Đặc biệt
là trong thế giới hiện đại, khi giàu có hơn người ta sẽ đi du lịch nhiều hơn, học
hỏi nhiều hơn qua báo chí, truyền hình và Internet về những gì đang xảy ra ở nước
họ và các quốc gia khác, và giao tiếp qua điện thoại, email, tin nhắn cùng những
cách khác . Người dân ở các nước giàu có đòi hỏi tự do không chỉ trong những lựa
chọn kinh tế mà còn trong đời sống xã hội và chính trị. Những nguyện vọng này
không phù hợp với các chính phủ kiểm duyệt những gì mọi người đọc và nghe, cố gắng
ngăn chặn các cuộc thảo luận mở về các vấn đề chính trị nhạy cảm, và ngăn cản
những thách thức từ các ứng cử viên chính trị nằm ngoài các đảng phái được
chính thức công nhận.
Câu trả lời là có, các nước nghèo có thể
dân chủ, miễn là họ dùng chính phủ dân chủ của họ để thúc đẩy tự do kinh tế. Thật
không may, nhiều nước nghèo, kể cả các nền dân chủ, lại không làm như vậy.
________
Gary S. Becker (1930-2014) nguyên là Giáo
sư Kinh tế và Xã hội học tại Đại học Chicago. Ông được trao giải Nobel Kinh tế
năm 1992.