Biên
dịch: Nguyễn Thị
Kim Phụng
Biên
tập: Lê Hồng Hiệp
Một
trăm năm sau Cách mạng Tháng Mười Nga, liệu phượng hoàng có vươn lên từ đống
tro tàn của lịch sử?
“Ura!
Ura! Ura!”[1] Tôi vẫn nhớ rất rõ âm thanh ấy, khi
những người lính nghiêm trang trong quân phục xám đến chào chỉ huy của họ:
“Chúc mừng kỷ niệm 70 năm Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa Tháng Mười Vĩ đại!”
Năm
1987, khi còn là một sinh viên trao đổi ở Moskva, trong một sáng tháng 11 hanh
khô, tôi đã đến Đường Gorky để xem một đoàn binh diễu hành đến Quảng trường Đỏ.
Các quan chức cấp cao của Liên Xô và nước ngoài ngồi trên khán đài chủ trì buổi
lễ trong khi những người lính trẻ tỏ lòng tôn kính của họ trước Lăng Lenin. Màn
diễu binh ấn tượng này là nhằm thể hiện sức mạnh cách mạng lâu dài của chủ
nghĩa cộng sản và phạm vi toàn cầu của nó.
Nhà
lãnh đạo Liên Xô, Mikhail Gorbachev, đã nói về một phong trào được hồi sinh bởi
các giá trị của năm 1917 trước một nhóm các nhà lãnh đạo cánh tả, trong đó có cả
Oliver Tambo từ Đại hội Dân tộc Phi (African National Congress – ANC), và Yasir
Arafat từ Tổ chức Giải phóng Palestine (Palestine Liberation Organisation –
PLO). Trên những biểu ngữ là lời tuyên bố của nhà thơ Vladimir Mayakovsky,
“Lenin đã sống, Lenin đang sống, Lenin sẽ sống mãi!”
Tuyên
bố này không thực sự thuyết phục. Những khó khăn kinh tế của Liên Xô đã trở nên
rõ ràng với tất cả mọi người, đặc biệt là các sinh viên Liên Xô bạn của tôi, những
người phải phụ thuộc vào nguồn thực phẩm hạn hẹp do trường đại học cung cấp. Dù
vậy, chế độ dường như vẫn rất vững chắc, hệt như phiến đá cẩm thạch ở Lăng
Lenin. Giống như hầu hết các nhà quan sát, tôi chẳng dám tin rằng chỉ trong
vòng hai năm, chế độ cộng sản sẽ sụp đổ, và trong vòng bốn năm, Liên Xô cũng sẽ
tan rã.
Ngay
sau đó, những quan điểm phổ biến về năm 1917 đã thay đổi hoàn toàn: Thị trường
tự do dường như là tự nhiên và không thể tránh khỏi, trong khi chủ nghĩa cộng sản
dường như đã bị đem bỏ vào “thùng rác lịch sử” như lời Leon Trotsky. Trật tự tự
do toàn cầu hóa có thể sẽ phải đối mặt với những thách thức mới, nhưng chúng sẽ
đến từ chủ nghĩa Hồi giáo hay Chủ nghĩa Tư bản Nhà nước Trung Quốc, chứ không
phải từ chủ nghĩa Marx đã mất uy tín.
Ngày
nay, khi chúng ta kỷ niệm Cách mạng Tháng Hai – phần mở màn trước cuộc đảo
chính của Đảng Bolshevik dưới sự lãnh đạo của Lenin vào Tháng Mười Một – lịch sử
đã quay trở lại. Trung Quốc và Nga đã dùng các biểu tượng của di sản cộng sản để
củng cố chủ nghĩa dân tộc chống tự do. Còn ở phương Tây, niềm tin vào chủ nghĩa
tư bản thị trường tự do vẫn chưa thể hồi phục sau khủng hoảng tài chính năm
2008, và các lực lượng cực hữu và các nhà hoạt động cánh tả đang cạnh tranh để
thu phục người dân. Sức mạnh bất ngờ của ứng viên độc lập theo đường hướng xã hội
chủ nghĩa Bernie Sanders trong cuộc bầu cử của Đảng Dân chủ vào năm ngoái ở Mỹ,
và thắng lợi bầu cử của Đảng Podemos mới, do một cựu thành viên cộng sản dẫn đầu
tại Tây Ban Nha, là dấu hiệu cho sự hồi sinh từ gốc rễ của cánh tả. Năm 2015, tại
Anh, tác phẩm kinh điển mà Marx và Engels viết năm 1848, “Tuyên ngôn Cộng sản,”
đã trở thành một cuốn best seller.
Liệu
rằng tôi đã chứng kiến thời khắc huy hoàng cuối cùng của chủ nghĩa cộng
sản vào ngày hôm ấy ở Moskva, hay là một chủ nghĩa cộng sản được định
hình lại cho thế kỷ 21 đang sắp ra đời?
Những
gợi ý về câu trả lời ẩn trong thiên sử thi phức tạp và dài cả thế kỷ này của chủ
nghĩa cộng sản– một câu chuyện đầy những bước khởi đầu sai lầm, những lúc cận kề
cái chết và những lần hồi sinh chẳng hề mong đợi.
Hãy
xem lại cuộc đời của Semyon Kanatchikov. Là con trai của một nông nô, ông rời
vùng quê đói nghèo để làm công nhân trong nhà máy và đến với những rực rỡ của sự
hiện đại. Năng động và hòa đồng, Kanatchikov đã mong muốn cải thiện bản thân và
đã dùng cuốn sách The Self-Teacher of Dance and Good Manners[2] (tạm dịch: Tự học Nhảy và Phép lịch
sự) làm hướng dẫn cho mình. Khi đến Moskva, ông gia nhập một nhóm thảo luận về
chủ nghĩa xã hội, và sau cùng đã gia nhập Đảng Bolshevik.
Trải
nghiệm của Kanatchikov đã giúp ông tiếp thu những ý tưởng cách mạng: một nhận
thức sâu sắc về khoảng cách người giàu và người nghèo, một ý thức rằng trật tự
cũ đang cản ngăn sự trỗi dậy của trật tự mới, và mối hận thù với chế độ chuyên
quyền. Những người cộng sản đã đưa ra các giải pháp rõ ràng và thuyết phục.
Không giống như các nhà tự do, họ ủng hộ sự bình đẳng về kinh tế; nhưng khác với
các nhà vô chính phủ, họ ủng hộ công nghiệp hiện đại và kế hoạch hóa của nhà nước;
và ngược hoàn toàn với các nhà xã hội chủ nghĩa trung dung, họ lập luận rằng
thay đổi phải được thực hiện bằng đấu tranh giai cấp cách mạng.
Thực
tế, những lý tưởng này rất khó kết hợp. Một nhà nước toàn quyền có xu hướng bóp
nghẹt sự tăng trưởng, trong khi lại nâng cao các tầng lớp tinh hoa mới, và đi
kèm với bạo lực cách mạng là việc thường xuyên săn tìm “kẻ thù”. Bản thân
Kanatchikov cũng trở thành nạn nhân. Sau cách mạng, ông được bổ nhiệm vào nhiều
vị trí cấp cao, nhưng do mối liên hệ với đối thủ của Stalin, Trotsky, nên vào
năm 1926, Kanatchikov đã bị hạ bệ.
Tính
đến thời điểm đó, tương lai của chủ nghĩa cộng sản đã vô cùng tồi tệ. Những ngọn
lửa đầu tiên của cách mạng ở Trung Âu thời hậu Thế chiến I đã bị dập tắt. Liên
Xô tự thấy mình bị cô lập, còn đảng cộng sản ở những nơi khác đều rất nhỏ bé và
đang bị bao vây. Sự hiện đại của người Mỹ trong Thập niên Ầm ĩ (Roaring
Twenties, chỉ những năm 1920) chắc chắn là ở chủ nghĩa tiêu dùng, chứ không phải
là chủ nghĩa cộng sản.
Nhưng
những sai lầm của kinh tế tự do đã cứu vớt phe cộng sản. Sự sụp đổ của Phố Wall
vào năm 1929 và sau đó là Đại Suy thoái đã biến những ý tưởng xã hội chủ nghĩa
về sự bình đẳng và kế hoạch hóa của nhà nước trở thành lựa chọn thay thế hấp dẫn
cho bàn tay vô hình của thị trường. Quân đội cộng sản cũng nổi lên như một
trong số ít các lực lượng chính trị chống lại mối đe dọa của chủ nghĩa phát
xít.
Ngay
cả ở những nơi chẳng phải đất hứa với chủ nghĩa cộng sản như Mỹ, vốn thù ghét
chủ nghĩa tập thể và chủ nghĩa xã hội vô thần, cũng đã trở thành mảnh đất màu mỡ.
Được hỗ trợ bởi việc Moskva bỏ học thuyết đảng phái và chuyển sang ủng hộ các
“mặt trận bình dân” (popular front) vào năm 1935, những người cộng sản Mỹ đã
tìm được điểm chung với những người cánh tả trung dung chống chủ nghĩa phát
xít. Al Richmond, một nhà báo New York của tờ The Daily Worker, nhớ
lại niềm lạc quan mới ấy khi ông và các đồng nghiệp dành cả buổi tối ở một nhà
hàng Ý để uống rượu chúc mừng, “vì một cuộc sống như những ngày xưa cũ, vì kỷ
nguyên ấy, vì những điềm xấu và những hy vọng của nó, và tin tưởng vào nhịp điệu
của thời đại này, bởi trong đó ta đã nghe thấy nhịp điệu của chính mình.”
Niềm
lạc quan ấy đã được chia sẻ bởi một nhóm nhất định. Là nạn nhân trong cuộc
thanh trừng của Stalin, Semyon Kanatchikov đã qua đời vào năm 1940.
Nhiều
người sẵn sàng bỏ qua hành động khủng bố của Stalin vì lợi ích của sự thống nhất
chống phát xít. Nhưng sự xuất hiện lần thứ hai của chủ nghĩa cộng sản vào cuối
những năm 1930 và đầu những năm 1940 đã chẳng thể kéo dài sau thất bại của chủ
nghĩa phát xít. Khi Chiến tranh Lạnh dần trở nên căng thẳng, hình ảnh chủ nghĩa
cộng sản gắn với một đế quốc Liên Xô ở Đông Âu đã ảnh hưởng tiêu cực đến tuyên
bố trở thành người giải phóng của nó. Ở Tây Âu, một chủ nghĩa tư bản được cải
cách, được điều tiết, và được khuyến khích bởi Mỹ, đã đem đến mức sống và phúc
lợi cao hơn. Nền kinh tế chỉ huy vốn hữu dụng trong thời chiến nay lại kém hiệu
quả với thời bình.
Nhưng
trong khi chủ nghĩa cộng sản đang suy tàn ở phương Bắc, nó lại dần mở rộng ở
phương Nam. Ở đó, những lời hứa của chủ nghĩa cộng sản về sự hiện đại hóa nhanh
chóng do nhà nước lãnh đạo đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà dân tộc chủ nghĩa
chống thực dân. Ở đây một làn sóng đỏ thứ ba đã mở rộng, nó nổ ra ở Đông Á vào
thập niên 1940, sau đó lan dần sang các nước phương Nam hậu thuộc địa từ cuối
thập niên 1960.
Đối
với Geng Changsuo, một người Trung Quốc đến thăm trang trại tập thể kiểu mẫu ở
Ukraine vào năm 1952 – ba năm sau khi các du kích cộng sản của Mao Trạch Đông
tiến vào Bắc Kinh – di sản năm 1917 vẫn còn rất mạnh mẽ. Là nhà lãnh đạo nông
dân khôn ngoan đến từ Wugong, một ngôi làng cách Bắc Kinh khoảng 120 dặm về
phía nam, ông đã được biến đổi nhờ chuyến đi của mình. Trở về nhà, ông cạo sạch
râu ria, mặc quần áo Tây phương và truyền bá về tập thể hóa nông nghiệp và chiếc
máy kéo thần kỳ.
Nước
Trung Quốc cách mạng chỉ làm củng cố quyết tâm của Washington nhằm kiềm chế chủ
nghĩa cộng sản. Nhưng khi Mỹ đặt chân vào cuộc chiến thảm khốc ở Việt Nam, một
thế hệ mới các nhà Marxist dân tộc chủ nghĩa đã xuất hiện ở phương Nam, tấn
công “chủ nghĩa tân đế quốc” mà họ tin rằng những nhà xã hội chủ nghĩa đi trước
họ đã dung thứ. Năm 1966, Hội nghị Ba Lục địa (Tricontinental Conference) do
Cuba tài trợ và bao gồm các nhà xã hội chủ nghĩa ở châu Phi, Mỹ Latinh và châu
Á đã đem đến một làn sóng cách mạng mới. Đến thời điểm năm 1980, các nước theo
chủ nghĩa Marx-Lenin đã kéo dài từ Afghanistan đến Angola, từ Nam Yemen đến
Somali.
Phương
Tây cũng chứng kiến sự hồi sinh của chủ nghĩa Marx trong những năm 1960, nhưng
những sinh viên cấp tiến của phong trào này cuối cùng lại theo đuổi quyền tự trị
cá nhân, dân chủ trong cuộc sống hàng ngày và chủ nghĩa đại đồng
(cosmopolitanism) hơn là các nguyên tắc của chủ nghĩa Lenin, đấu tranh giai cấp
và quyền lực nhà nước. Sự nghiệp của chàng sinh viên cấp tiến người Đức,
Joschka Fischer, là một ví dụ nổi bật. Là một thành viên của tổ chức Đấu
tranh Cách mạng (Revolutionary Struggle), ông đã cố gắng kích động một
cuộc nổi dậy cộng sản của các công nhân ngành ô tô vào năm 1971, sau đó Fischer
lại trở thành lãnh đạo Đảng Xanh của Đức.
Sự
nổi lên từ cuối những năm 1970 của một trật tự do Mỹ dẫn đầu, thống trị bởi thị
trường toàn cầu, theo sau là sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản Liên Xô vào cuối
những năm 1980, đã gây ra khủng hoảng cho những người cấp tiến ở khắp nơi.
Fischer, giống như nhiều sinh viên khác ở thập niên 1960, đã thích nghi với thế
giới mới: với tư cách là Ngoại trưởng Đức, ông đã ủng hộ chiến dịch không kích
của Mỹ vào Kosovo hồi năm 1999 (nhằm chống lại lực lượng của cựu lãnh đạo cộng
sản của Serbia, Slobodan Milosevic), và ông còn ủng hộ những cắt giảm phúc lợi
của Đức vào năm 2003.
Ở
phương Nam, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã ép buộc các cải cách thị trường lên
các nước hậu cộng sản, và một số cựu lãnh đạo cộng sản đã hăng hái chuyển đổi
sang chủ nghĩa tân tự do. Hiện chỉ còn tồn tại một số ít các quốc gia cộng sản
trên danh nghĩa: Triều Tiên và Cuba, và những nước đậm chất tư bản hơn là Trung
Quốc, Việt Nam và Lào.
Ngày
nay, hơn một phần tư thế kỷ sau khi Liên Xô tan rã, liệu chúng ta có được chứng
kiến lần hồi sinh thứ tư của chủ nghĩa cộng sản?
Có
một trở ngại lớn là thế giới hậu thập niên 1960 đã bị chia rẽ giữa một bên là
những người cánh tả cũ vốn ưu tiên cho bình đẳng kinh tế với những người thừa kế
Fischer, những người nhấn mạnh các giá trị quốc tế, chính trị giới tính và đa
văn hóa. Hơn nữa, việc thúc đẩy lợi ích của những người thiệt thòi trên quy mô
toàn cầu gần như là một nhiệm vụ bất khả thi. Khủng hoảng năm 2008 chỉ làm gia
tăng tình thế tiến thoái lưỡng nan của cánh tả, tạo cơ hội cho những nhà dân tộc
chủ nghĩa cực đoan như Donald J. Trump và Marine Le Pen khai thác sự tức giận
trước tình trạng bất bình đẳng kinh tế ở phương Bắc.
Chúng
ta chỉ mới ở đầu một giai đoạn của những thay đổi lớn về kinh tế và bất ổn xã hội.
Khi một chủ nghĩa tư bản, với công nghệ cao, nhưng lại không bình đẳng, thất bại
trong việc cung cấp đủ số việc làm với mức lương chấp nhận được, thì giới trẻ
có thể sẽ áp dụng một chương trình nghị sự kinh tế cấp tiến hơn. Khi ấy, một
cánh tả mới có thể thành công trong việc thống nhất những người thua cuộc, cả
giới trí thức và công nhân, đi theo một trật tự kinh tế mới. Chúng ta đang nhìn
thấy nhu cầu về một nhà nước tái phân phối thu nhập nhiều hơn. Những ý tưởng
như thu
nhập cơ bản phổ quát, mà Hà Lan và Phần Lan đang thử nghiệm, là rất gần với
tầm nhìn của Marx về khả năng của chế độ cộng sản trong việc đáp ứng nhu cầu của
mọi người – “Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu.”
Đã
là một chặng đường dài từ Quảng trường Đỏ ở Moskva vào năm 1987, thậm chí xa
hơn nữa là từ Cung điện Mùa đông ở Petrograd năm 1917. Sẽ không có sự quay lại
của chủ nghĩa cộng sản kiểu kế hoạch năm năm và những trại cải tạo lao động
(gulag). Tuy nhiên, nếu có một điều mà lịch sử hỗn loạn này đã dạy chúng ta,
thì đó là “tiếng hô ura cuối cùng” có thể chỉ là ảo tưởng, cũng giống như sự
“cáo chung của ý thức hệ” được tiên đoán vào những năm 1950, hay sự “cáo chung
của lịch sử” mà Francis Fukuyama đưa ra năm 1989.
Lenin
không còn nữa, chủ nghĩa cộng sản cũ có thể đã chết, nhưng cảm giác bất công khởi
nguồn cho nó thì vẫn còn sống rất mạnh mẽ!
David
Priestland, Giáo sư Lịch sử Hiện đại tại Đại học Oxford, là tác giả cuốn “The
Red Flag: A History of Communism.”
Đây
là bài đầu tiên trong chuỗi bài về di sản và lịch sử của Chủ nghĩa Cộng sản 100
năm sau Cách mạng Tháng 10 Nga.
—————
[2] Kanatchikov nói rằng mình vô tình nhìn thấy cuốn The
Self-Teacher of Dance and Good Manners được trưng bày trong một hiệu
sách trên phố Nikolskaia, “Một cuốn sách nhỏ, bìa ngoài được trang trí sơ sài,
trên đó vẽ một người đàn ông và một quý bà đang khiêu vũ. … Tôi không nhớ rõ
tên tác giả. Nhưng ‘Đây đúng là thứ tôi cần’” (Theo “The Russian Worker: Life
and Labor Under the Tsarist Regime,” biên tập bởi Victoria E. Bonnell).