Đằng sau sự đổ vỡ của nền dân chủ Hoa Kỳ

Posted on
  • Thứ Tư, 30 tháng 8, 2017
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: , ,
  • Biên dịch: Trương Dũng Thuyết
    Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
    Sự chỉ trích của Tổng thống Donald Trump đối với Hiệp định chống biến đổi khí hậu Paris 2015 đã thể hiện phần nào sự thiếu hiểu biết và tính ái kỷ của ông. Tuy nhiên, điều đó còn mang nhiều ý nghĩa hơn thế. Nó phản ánh tình trạng tham nhũng sâu sắc trong hệ thống chính trị Mỹ, vốn theo một đánh giá gần đây thì không còn là một chế độ “dân chủ đầy đủ” nữa. Nền chính trị Mỹ đã trở thành sân chơi cho các nhóm lợi ích kinh doanh đầy quyền lực: cắt giảm thuế cho người giàu, bãi bỏ quy định ràng buộc đối với các nhà phát thải lớn, gây chiến tranh và nóng lên toàn cầu cho phần còn lại của thế giới.
    Sáu nước G7 còn lại đã nỗ lực thuyết phục Trump đổi ý về vấn đề biến đổi khí hậu hồi tuần trước nhưng đều bị Trump từ chối. Các nhà lãnh đạo Châu Âu và Nhật Bản đã luôn coi Mỹ là đồng minh trong các vấn đề quan trọng. Với sự cầm quyền của Trump, đó là một thói quen mà họ đang phải suy nghĩ lại.
    Nhưng thực chất vấn đề còn vượt ra ngoài câu chuyện về Trump. Những người sống ở Mỹ đều biết rõ rằng các thể chế dân chủ của nước này đã suy giảm đáng kể trong vài thập niên qua, có lẽ bắt đầu ngay từ những năm 1960, khi người Mỹ bắt đầu mất dần niềm tin vào các thể chế chính trị của mình. Chính trị Mỹ ngày càng trở nên tham nhũng, hoài nghi, và tách ra khỏi công luận. Trump chỉ là một triệu chứng, mặc dù gây sốc và nguy hiểm, của tình trạng xuống cấp chính trị sâu sắc này.
    Các chính sách của Trump thể hiện những ưu tiên “xấu” được ủng hộ rộng rãi bởi Đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ: cắt giảm thuế cho người giàu, khiến chính phủ phải hi sinh các chương trình hỗ trợ người nghèo và giai cấp công nhân; tăng chi tiêu quân sự bằng cách giảm ngân sách ngoại giao; và cho phép phá hủy môi trường dưới danh nghĩa “giảm điều tiết”.
    Và, thực tế, từ quan điểm của Trump, những điểm nổi bật trong chuyến đi gần đây của ông ra nước ngoài là việc ký hợp đồng bán vũ khí trị giá 110 tỷ đô la với Ả-rập Xê-út; chỉ trích các thành viên NATO khác về vấn đề chi tiêu quân sự được cho là hạn chế của họ; và bác bỏ lời kêu gọi của các đồng minh Mỹ về việc tiếp tục cuộc chiến chống tình trạng nóng lên toàn cầu. Những nghị sĩ phe Cộng hòa trong Quốc hội ủng hộ rộng rãi các chính sách đáng sợ này.
    Trong khi đó, Trump và Quốc hội do Đảng Cộng hòa kiểm soát đang cố gắng vội vàng thông qua đạo luật tước đi dịch vụ bảo hiểm y tế của hơn 20 triệu người để cắt giảm thuế cho những người giàu nhất nước Mỹ. Các đề xuất ngân sách mới của Trump sẽ cắt giảm Medicaid (Bảo hiểm y tế cho người nghèo), Chương trình dinh dưỡng bổ sung (lương thực cho người nghèo), viện trợ nước ngoài (trợ giúp cho các quốc gia nghèo nhất), đóng góp ngân sách cho Liên Hợp Quốc, và chi tiêu cho khoa học và công nghệ. Tóm lại, Trump sẽ bóp chặt các chương trình liên bang về giáo dục, đào tạo, môi trường, khoa học dân dụng, ngoại giao, nhà ở, dinh dưỡng và các ưu tiên dân sự cấp bách khác.
    Đây không phải là những ưu tiên được chia sẻ bởi hầu hết người Mỹ – thậm chí còn không gần gũi với mong muốn của họ. Đa số đều muốn đánh thuế người giàu, duy trì bảo hiểm y tế, ngăn chặn các cuộc chiến tranh của Mỹ, và chống lại sự nóng lên toàn cầu. Theo dữ liệu thăm dò ý kiến gần đây, đa số người Mỹ mong muốn tiếp tục tham gia Hiệp định Khí hậu Paris, thứ mà Trump đã cam kết sẽ rời bỏ. Trump và những tay chân thân cận của ông đang chống lại dư luận, không đại diện cho nó.
    Họ đang làm điều này vì một lý do, và một lý do duy nhất: tiền bạc. Cụ thể, những chính sách của Trump phục vụ cho các nhóm lợi ích kinh doanh chi tiền cho chiến dịch tranh cử của ông ta và đang điều hành chính phủ Hoa Kỳ trên thực tế. Những gì Trump thể hiện là đỉnh cao của một quá trình lâu dài, qua đó các nhóm vận động hành lang quyền lực của giới doanh nghiệp đã dùng tiền để đạt tới quyền lực. Ngày nay, các công ty như ExxonMobil, Koch Industries, Continental Energy, và các công ty gây ô nhiễm lớn khác không còn phải vận động hành lang nữa; Trump đã trao cho họ chìa khóa Bộ Ngoại giao, Cục Bảo vệ Môi trường, và Bộ Năng lượng. Họ cũng giữ các vị trí nhân viên cao cấp trong Quốc hội.
    Phần lớn dòng tiền của các công ty có thể được theo dõi; số ít còn lại là ẩn danh như một dạng “tiền tối” để tránh sự giám sát của công chúng. Các thẩm phán của Tòa án tối cao, những người thường xuyên được o bế bởi các nhà tài trợ doanh nghiệp, đã bật đèn xanh để giữ những dòng tiền này nằm trong bí mật trong phán quyết vụ Citizens United (Citizens United v. Federal Elections Commission) nổi tiếng.
    Như nhà báo điều tra Jane Mayer đã dẫn chứng, nguồn lớn nhất của “tiền tối” là từ David Koch và Charles Koch, những người thừa kế công ty Koch Industries gây ô nhiễm cao từ cha của họ, người từng xây dựng một nhà máy lọc dầu lớn cho chế độ Đức Quốc xã. Anh em Koch, với tổng tài sản ròng khoảng 100 tỷ đô la, đã chi tiền thoải mái hàng thập niên nhằm kiểm soát hệ thống chính trị Hoa Kỳ, đồng thời huy động các nhóm lợi ích cánh hữu khác.
    Khi nói đến chính sách thuế và biến đổi khí hậu, Đảng Cộng hòa gần như hoàn toàn nằm trong tay anh em Koch và những người thân cận trong ngành công nghiệp dầu mỏ của họ. Mục tiêu phi đạo đức của họ là đơn giản: cắt giảm thuế doanh nghiệp và bãi bỏ điều tiết ngành dầu khí, bất kể những hậu quả cho Trái Đất. Để đạt được những mục đích này, họ sẵn sàng cố gắng loại bỏ hàng triệu người nghèo khỏi dịch vụ bảo hiểm y tế, và thậm chí gây sốc hơn, là đặt toàn bộ hành tinh vào nguy cơ khủng khiếp của tình trạng nóng lên toàn cầu. Tội ác của họ thật đáng sợ, nhưng là điều có thật. Và Trump là kẻ phục vụ cho lợi ích của họ.
    Trước chuyến đi nước ngoài gần đây (tới Trung Đông) của Trump, 22 thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã gửi cho ông một bức thư kêu gọi Mỹ rút khỏi hiệp định khí hậu Paris. Hầu như tất cả các nghị sĩ này đều nhận được nguồn tài trợ tranh cử đáng kể từ ngành dầu khí. Phần lớn họ có thể đã phụ thuộc trực tiếp vào sự đóng góp của anh em nhà Koch và các tổ chức vận động hành lang mà họ bí mật cấp tiền. Như Trung tâm Chính trị đáp ứng người dân (CRP), một nhóm lợi ích công, cho thấy, chi tiêu của các công ty dầu khí cho các ứng viên liên bang trong cuộc bầu cử năm 2016 là 103 triệu USD, trong đó 88% là cho Đảng Cộng hòa. Điều này tất nhiên chỉ bao gồm các khoản đóng góp có thể được truy về các nhà tài trợ cụ thể.
    Phần còn lại của thế giới cần phải khẩn trương hiểu được nước Mỹ về những thực tế của nó ngày nay. Đằng sau các cấu trúc chính thức của một nền dân chủ từng hoạt động tốt này là một hệ thống chính trị được điều khiển bởi các nhóm lợi ích kinh doanh với những mục đích đáng ngờ như cắt giảm thuế đối với người giàu, bán vũ khí và gây ô nhiễm mà không bị trừng phạt. Ở Trump, họ đã tìm thấy một người lãnh đạo và một diễn viên truyền hình thực tế không biết xấu hổ, người sẽ thực hiện những yêu cầu của họ.
    Giờ đây, công việc của phần còn lại của thế giới là nói không với sự tham lam liều lĩnh của các tập đoàn Mỹ, và công việc của chính người Mỹ là lấy lại các thể chế dân chủ bằng cách từ chối tiền tối và sự ác độc của các tập đoàn. Nếu xét mức đa số nhỏ (52-48) của Đảng Cộng hòa trong Thượng viện, chỉ cần Đảng Dân chủ cùng ba nghị sĩ Cộng hòa thành thật là có thể chặn đứng được hầu hết hoặc toàn bộ chương trình nghị sự của Trump-Koch. Tình huống này do đó có thể cứu vãn được, mặc dù vẫn còn rất nguy hiểm. Người Mỹ – và thế giới – xứng đáng được hưởng những điều tốt đẹp nhiều hơn thế.
    Jeffrey D. Sachs là Giáo sư về Phát triển Bền vững, Chính sách và Quản lý Y tế, và là Giám đốc Viện Địa Cầu tại Đại học Columbia. Ông cũng đồng thời là Cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về Các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Ông là tác giả các cuốn sách The End of Poverty, Common Wealth, và gần đây nhất là The Age of Sustainable Development.
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org