Giới thiệu sách: Nền dân trị Mỹ

Posted on
  • Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: ,
  • Đỗ Kim Thêm
    Vấn đề
    Từ năm 1975, nếu Cộng Sản thức thời biết tận dụng các tiềm lực của miền Nam đúng mức và chuyển hướng đúng lúc, thì nước Việt Nam thống nhất đã có một vận hội mới để xây dựng một quốc gia dân chủ, phú cường và văn minh. Nhưng đến năm 2017, thì các hy vọng chỉ còn là ảo vọng, khi chủ quyền dân tộc tự quyết, tự do và bình đẳng cho người dân chỉ là lý thuyết; ngược lại, đại hoạ ngoại thuộc, khó khăn kinh tế, nợ công tràn ngập, cạn kiệt môi sinh, suy đồi đạo đức, khủng hoảng giáo dục, vi phạm nhân quyền và bất ổn xã hội là thực tế.
    Trước thực trạng này, chính quyền chỉ còn biết dùng bạo lực trấn áp để bảo vệ chế độ, nên không đủ nỗ lực để giải quyết các đề sinh tử và phát huy dân chủ cho đất nước. Nghĩ gì và làm gì để chấm dứt mọi tụt hậu hiện tại và xây dựng dân chủ tương lai, đó là vấn đề khởi đầu của chúng ta.
    Thực ra, nhìn lại lịch sử Cách mạng Pháp sau ngày thành công, các khủng hoảng xã hội cũng đã xảy ra tương tự. 46 năm sau, Alexis de Tocqueville, môt trí thức quý tộc người Pháp, đã dựa trên kinh nghiệm phát triển của Mỹ để đề nghị Pháp cải cách về định chế và đào tạo con người dân chủ trong tác phẩm De la démocratie en Amérique (1835) mà bài viết này sẽ giới thiệu các luận điểm chính.

    Tác giả
    Alexis-Charles-Henri de Tocqueville sinh năm 1805 tại Verneuil-sur Seine và thuộc dòng dõi quý tộc tại Normandie, Pháp. Sau khi tốt nghiệp Đại học Luật vào năm 1824, ông làm Chánh án tại Versailles và lần lượt đảm nhiệm nhiều trọng trách trong chính quyền.
    Ông là Ủy viên Công cán của Bộ Tư pháp chuyên trách nghiên cứu về hệ thống cải huấn tù nhân của Mỹ (1830), Báo cáo viên về dự luật hủy bỏ chế độ nô lệ (1839), dự luật cải cách về chính sách cải huấn (1840), biện pháp trợ cấp tín dụng cho Algérie (1847). Ông làm Dân biểu Quốc hội Lập hiến (1948) và Bộ trưởng Ngoại giao trong nội các của Falloux Barrot (1849).
    Ông được phong danh hiệu Hiệp sĩ, Chevalier de la Légion d’Honneur (1837). Với nhiều danh tác ông đạt nhiều giải thưởng cao qúy và được công nhận là Viện Sĩ của hai Viện Hàn Lâm Académie des Sciences Morales et Politiques (1838) và Académie francaise (1841). Sau đảo chính Loius Napoleon Bonaparte vào ngày 2. 12. 1851, ông bị bắt giam. Khi được trả tự do, ông từ giã chính trường và để dành hết thì giờ cho du khảo và sáng tác. Ông từ trần vào 1859 tại Cannes. 

    Tác phẩm 
    Nhân chuyến du khảo tại Mỹ để tìm hiểu về các biện pháp cải huấn tù nhân mà De la démocratie en Amérique của Tocqueville ra đời. Tác phẩm này là kết quả của một công trình nghiên cứu về những điều kiện xã hội và các định chế của nhà nước nhằm tạo ra một nền dân chủ mà hai nguyên tắc chính là chủ quyền cho toàn dân và tự do và bình đẳng cho cá nhân. Bằng cách phân tích các điểm yếu của nền dân chủ Pháp và các điểm mạnh của nền dân chủ Mỹ, ông muốn đề nghị chính quyền về các biện pháp cải thiện nền dân chủ. Tocqueville nhìn thấy sau ngày Cách mạng Pháp thành công, các chính phủ kế nhiệm đã không đem lại một nền dân chủ ổn định mà còn dùng các biện pháp khủng bố dân chúng để trị an. Nhưng Pháp không thể tránh khỏi khuynh hướng dân chủ hoá; đó là một nhịp tiến lịch sử mà Mỹ đã đi khá xa và Pháp cần noi theo. Ông lập luận là Mỹ có một nền văn minh tuần tự tiến hoá trong thầm lặng, qua thời gian, đem đến một tình trạng ổn định xã hội. Thái độ tích cực tham gia các hoạt động của người dân cũng như sự vận hành hài hoà của các định chế công quyền làm dung hoà được các phân hoá, thí dụ như bảo vệ dân thiểu số (dân da đỏ và dân nô lệ), tiến tới sự bình đẳng xã hội. Cuối cùng, nền dân chủ Mỹ thành hình. 

    Đại ý 
    Cuốn I nghiên cứu về các điều kiện địa lý và lịch sử, cấu trúc chính quyền trung ương, điạ phương và bộ máy Tư pháp. Ông thảo luận về các ảnh hưởng của các thế lực xã hội đối với hệ thống chính trị, so chiếu các thế yếu và mạnh của nền dân chủ. Ông phê bình là sinh hoạt dân chủ tạo ra nhiều cơ hội tham nhũng, thành phần theo đa số có khuynh hướng tự mãn và làm phát sinh tình trạng chuyên quyền. Cuốn I được ấn hành vào năm 1835 giúp cho Tocqueville đoạt giải Prix Montyon vào năm 1836.Cuốn II bàn về ảnh hưởng của các sinh hoạt tinh thần, phong tục và tập quán đến sự hình thành của nền dân chủ. Người Mỹ chạy theo tư lợi nhưng gây ảnh hưởng tốt để gia tăng phục lợi xã hội. Tinh thần trách nhiệm cá nhân làm cho họ trở nên năng động và độc lập trong việc tham gia đảng phái, báo chí, hiệp hội và tôn giáo, họ gây ảnh hưởng trực tiếp đến các sinh hoạt chính trị. Sự tách biệt giữa nhà nước và tôn giáo làm cho cả hai hoạt động hữu hiệu hơn. Việc xây dựng các định chế công quyền bắt đầu từ hạ tầng cơ sở. Giải quyết vấn đề của người dân được luật pháp tản quyền cho địa phương. Chính quyền liên bang chuyên giải quyết các vấn đề đối ngoại và cơ cấu tổ chức chung cho trung ương. Giai cấp trung lưu ở Mỹ có tiếng nói mạnh hơn giới qúy tộc châu Âu. Ở Mỹ khuynh hướng theo ý kiến của đa số là phổ biến và có tác động tạo ra tầng lớp cơ hội trong muà tranh cử và tranh giành các chức vụ công quyền sau khi đắc cử. Vì chạy theo tâm lý nhất thời nên dân chúng không cùng nhau hướng về một viễn tượng chung để lo xây dựng tương lai đất nước. Cuốn II ra mắt vào năm 1840 và đưa ông trở thành Viện Sĩ của Académie francaise (1841). Ông kết luận là Pháp không thể phát huy dân chủ vì các trở lực chính: phân quyền không cân xứng, dân chúng thiếu lòng yêu chuộng tự do hoặc lạm dụng, theo chủ nghĩa cá nhân và duy vật, muốn có nhiều quyền bình đẳng trong các điều kiện xã hội (égalité des conditions), trong khi chính quyền Pháp không xây dựng các định chế một cách hữu hiệu hơn để bảo tồn tự do.Kinh nghiệm của Mỹ cho thấy là Pháp phải tuân thủ nguyên tắc tam quyền phân lập; một cơ quan Tư pháp độc lập và Hành pháp mạnh mẽ; việc tản quyền hành chính cho địa phương phải triệt để hầu nâng cao quyền tự trị của người dân. Muốn đạt được thành quả này, Pháp cần phải cải cách vai trò của tôn giáo và giáo dục, tôn trọng nữ quyền và quyền tự do lập hội và báo chí.Áng văn kinh điển này đã gây chấn động sâu xa tại Pháp và Mỹ và trở thành lý thuyết cơ bản về dân chủ trong khoa học chính trị đối chiếu và được giảng dạy tại hầu hết các đại học trên thế giới. Mỗi khi có các khủng hoảng về dân chủ, tác phẩm này luôn được đem ra thảo luận. 

    Nội dung Khủng hoảng dân chủ tại Pháp 
    Cách mạng thành công mở ra cho Pháp một vận hội mới để lập một quốc gia theo nền cộng hoà và dân chủ. Nhưng 40 năm sau, Pháp rơi vào một cuộc khủng hoảng mà Tocqueville mô tả các chi tiết trong hai danh phẩm: L´État social et politique de la France avant et de puis 1789 (1836)  L´Ancien Régime et la Revolution (1853).Cách mạng làm cho mọi giá trị truyền thống tâm linh, chính trị, văn hoá và xã hội sụp đổ, nhưng cũng không đem lại một giá trị phổ quát cho bối cảnh mới. Các khái niệm chính yếu trong quá khứ cần phát huy, thí dụ như danh dự, trách nhiệm, luật pháp, ái quốc, tự do và công bình, không còn giá trị. Trong khi các giai cấp hoàng gia, quý tộc và giáo hội Công giáo không còn, thì một xã hội thế tục thành hình với một số tầng lớp mới ra đời: các giới chức cao cấp trong quân đội và hành chánh, các doanh gia và nhà khoa học bắt đầu lên tiếng trong sinh hoạt công quyền. Chính quyền kém hiệu năng và mất phương hướng nên hiến pháp phải thay đổi liên tục. Càng thay đổi chính quyền, đất nước càng hỗn loạn với hàng loạt các cuộc mưu sát hoàng gia, khủng bố chính quyền và nội chiến chống khủng bố; nỗ lực của chính quyền chỉ còn là duy trì trật tự công cộng và không thể giải quyết được toàn bộ các vấn đề xã hội, tạo cho dân chúng có ý thức về dân chủ và đất nước ổn định. Xã hội Pháp tiếp tục chuyển mình trong hướng đi vô định.
    Chủ đích của Tocqueville không phải chỉ mô tả thực trạng xã hội mà còn mưu tìm cho nước Pháp một mô hình dân chủ. Theo ông cần phải tìm hiểu tình trạng nguyên thuỷ của dân chủ. Một trật tự xã hội thành hình là do những suy nghĩ và hành động chung của mọi người; tất cả ràng buộc nhau thành một thói quen, phong tục chung và trở nên gắn bó nhau trong sinh hoạt xã hội.
    Thông thường, quyền lợi vật chất dễ làm cho con người tìm cách đoàn kết nhau. Nhưng qua thời gian, có thể quyền lợi kinh tế sẽ không còn là một mục tiêu chung và ý thức về tự do là một lý tưỏng để duy trì. Ông dè dặt hơn khi đề cao vai trò của các định chế, dù là có tầm quan trọng trong lý thuyết, nhưng tìm cách áp dụng định chế trong thực trạng xã hội là khó, và đạt được hiệu năng vận hành lại càng khó hơn. Do đó, theo ông, nhận thức về ý nghĩa cao đẹp của tự do là khởi điểm cho người dân phát huy dân chủ. Khi có các quan tâm, thì việc xây dựng một trật tự nền tảng cho dân chủ khởi đầu.

    Ý nghĩa của tự do
    Tự do có nghĩa là chúng ta sẽ hoàn toàn có thể giải quyết các vấn đề như chuyện riêng tư và không bị lệ thuộc vào bất cứ ai, chính quyền hay luật pháp. Hình thức của tự do là ngôn luận, đi lại, lập hội và báo chí. Thực ra, đó chỉ là một số điều kiện cơ bản nhất của tình trạng tự do toàn diện.
    Tocqueville đặt ý nghiã của tự do trong một nội dung toàn diện và khuôn khổ hiến định. Quyền tự do hiến định là cao cả nhất vì bảo đảm điều kiện cho mọi sinh hoạt của người dân, nhất là sự toàn vẹn nhân phẩm. Ông phân biệt tự do của cá nhân và tự do trong xã hội, vì đó là hai vấn đề không giống nhau.
    Cá nhân sống trong tự do là một hình thức và các cá nhân sống chung nhau trong xã hội là một hình thức khác. Cá nhân phải có tự do riêng trong suy nghĩ và hành động, nhưng xã hội cần phải có một khuôn khổ để tạo điều kiện cho việc người dân suy nghĩ và hành động chung. Cả hai loại tự do này phải được đảm bảo bởi hiến pháp và hệ thống luật pháp. Việc thực hiện quyền bình đẳng trong mọi sinh hoạt tự do làm cho nền tảng của dân chủ thành hình.
    Nhưng thực tế khác hẳn. Bất ổn xã hội triền miên làm cho người dân càng ngày càng muốn xa rời các sinh hoạt chính trị. Khi phải chứng kiến bạo lực của chính quyền, thì họ cũng không còn biết cách sử dụng quyền tự do do cách mạng mang lại, mà quyền này không còn nguyên vẹn từ lâu khi bị chế độ chuyên quyền tước đoạt; không phải là các giá trị trừu tượng của tự do bị tổn thương mà là vì người dân thực sự không còn tự do. Do đó, họ cũng không còn xem tự do là như một vấn đề nhận thức thuần lý về một khái niệm trừu tượng, mà chỉ mơ màng đến một lối sống tự do.

    Yêu lối sống tự do
    Người dân ở một trạng thái tâm lý mà Tocqueville gọi là lòng yêu chuộng tự do hay là một sở thích (Goût de liberté), mơ ước có một cơ hội để biểu hiện tự do trong mọi sinh hoạt.
    Có hai nguồn gốc chính về lòng yêu chuộng tự do, một là lòng ích kỷ để theo đuổi các mục tiêu riêng, hai là nhu cầu cần có tự do trong hành động. Hai đòi hỏi này có sức thu hút đặc biệt và tạo cho người dân có thói quen để thực hành quyền tự do.
    Thực ra, thông thường thì đa số người dân không luôn đề cao tự do chính trị. Hiểu biết hạn hẹp là vấn đề. Thậm chí có trường hợp làm ngưởi dân còn có lập luận ngược lại, họ đặt quyền lợi riêng tư lên trên mà không nhất thiết phải ca ngợi tự do chính trị. Họ cho rằng tự do còn làm trở ngại để họ theo đuổi các mục tiêu của mình. Chỉ có một thiểu số hiểu biết về ý nghĩa cao cả của tự do và xem là một loại giá trị phổ quát.

    Vai trò của Hiến pháp
    Nhưng toàn bộ vấn đề tự do cần được hiến pháp và luật pháp quy định. Nhờ thế mà mọi người có cơ sở để suy nghĩ và hành động nhằm thể hiện một lối sống tự do. Lý do là vì tự do toàn diện và hiến định bao giờ cũng tốt đẹp hơn một vài tự do riêng lẻ được luật pháp thông thường kết hợp lại.
    Đề cao tự do khi người dân có nhận thức, yêu chuộng tự do khi họ có cảm xúc, nhưng duy trì tự do là vai trò của Hiến pháp. Hiến pháp phải quy định các định chế, các phong tục tập quán để có cách hướng dẫn người dân nhận ra tầm quan trọng của tự do. Nhờ thế, lòng yêu chuộng tự do, vồn tiềm tàng trong lòng mọi người, có cơ hội được phát huy.

    Hoàn cảnh cá nhân và thực tế địa phương
    Tocqueville không đề cao giá trị lý thuyết của tự do mà là khía cạnh áp dụng trong hoàn cảnh cá nhân và thực tế địa phương. Để quyết định cho định mệnh của mình, cá nhân phải nhận ra tự do là điều kiện đầu tiên mà để từ đó họ tạo một khởi đầu mới.
    Dù tự do có vai trò định đoạt, nhưng cá nhân vẫn không thể thoát ra khỏi hoàn cảnh xã hội, đó là một sự nối kết bất khả phân. Ông đặt tự do cá nhân trong mối tương quan với hoàn cảnh xã hội và ngược lại. Tự do không chỉ giải phóng con người ra khỏi mọi ràng buộc xã hội vì không còn cần đến luật lệ và phong tục tập quán. Con người không phải là thần thánh hay thú vật, mà là có ý thức về giá trị của tự do và thực hiện tự do trong khung cảnh xã hội.
    Đa số nghệ sĩ và trí thức thường có thói quen phê bình các vấn đề bất công xã hội, nhưng lại muốn xa lià thực tế và hướng về tự do tuyệt đối; lý tưởng này là mơ mộng và sai lầm. Cần tìm hiểu mối tương quan này là một khởi đầu cho các nỗ lực nối tiếp. Mục tiêu này chỉ đạt được khi mỗi người có cơ hội đồng đều để có thể tham gia, đó là một điều kiện quan trọng nhất.
    Thực tế ngược lại. Ý thức chính trị chỉ là ưu tư của thiểu số, tìm cách huy động cho đa số tham gia chính sự là cà một vấn đề khó khăn; chuyện nước non thường được chính quyền tập trung để dễ quyết định, nên cơ hội tham gia của người dân là chuyện xa vời. Theo Tocqueville, tản quyền cho người dân để thực thi quyền tự do trên căn bản địa phương và cá nhân, đó là mục tiêu của hiến pháp trong gia đoạn mới.

    Trung ương tập quyền
    Suốt một thời kỳ dài, trung ương tập quyền là một chiều hướng chung của Luật Hiến pháp không phải cho Pháp mà cả châu Âu. Hình ảnh một nước Pháp không gì khác hơn là một quốc gia đơn nhất và tập trung cai trị bằng các biện pháp của Luật Hành chánh. Khẩu hiệu “một nhà nước thống nhất và bất khả phân” (La nation une et indivisble) gây tác hại gây không những đến các sinh hoạt đảng phái, hiệp hội và giai cấp, mà còn đến các cơ cấu hành chánh địa phương. Dù có các lý thuyết về chủ quyền quốc gia tối thượng của Bodin và Hobbes mở lối, nhưng các vấn đề quyền cai trị địa phương và tinh thần tự trị cuả dân chúng đều không được phát huy.
    Cách mạng đã thay thế chủ quyền tối thượng của hoàng gia bằng chủ quyền toàn dân và mục tiêu của các cuộc phổ thông đầu phiếu là để tìm ra giới lãnh đạo tài năng cho đất nước. Do đó, cách cai trị đất nước, một vấn đề hiến định, trở thành một mô hình mà Pháp làm cho các nước khác noi theo. Cách mạng không phải chỉ làm cho quyền lực của hoàng gia và quý tộc không còn, mà ảnh huởng của các nghiệp đoàn và hiệp hội tư nhân cũng biến mất. Dân chúng manh nha ý tưởng về một quyền dân chủ tự quản và đòi hỏi có tự do nhiều hơn.
    Theo quan điểm của chính quyền, đổi mới đất nước có nghĩa là tăng cường quyền lực cho chính quyền trung ương, làm mất ảnh hưởng của các cơ quan quyền lực trung gian (les pouvoirs intermediaires), và các cơ quan hành chánh địa phương (administration des comtés). Để đạt được mục tiêu này dân chúng cần có một bộ máy hành chánh để kiểm soát việc thi hành quyền tự do. Do đó, giải quyết các vấn đề công quyền lệ thuộc vào bộ máy hành chánh hiệu năng.
    Những biến cố dồn dập đủ loại khiến cho người dân có ý thức là các vấn đề nội chính trở nên quan trọng và cần ưu tiên giải quyết bằng cách cải tổ Luật Hành chánh. Nhưng đi vào cụ thể trong các hình thức và nội dung về quyền tự quản của người dân, một vấn đề cấu trúc chuyên môn mà hầu như người dân không biết đến các chi tiết nên họ không thể tự giải quyết. Tập trung hay phân tán quyền lực trong hệ thống hành chánh công quyền là một vấn đề hiến định, nhưng có quan hệ trực tiếp đến việc áp dụng Luật Hành chánh địa phương trong thực tế.
    Theo ông, càng tập trung quyền lực thì càng dễ tìm các biện pháp táo bạo để giải quyết các vấn đề sôi bỏng của thời cuộc, nhưng khi tản quyền thì càng khó kiểm soát hơn và khả năng chống đối luôn có thể xảy ra ở khắp mọi nơi. Chính quyền địa phương suy yếu và cấu trúc hành chánh mới chưa thành hình để thoả mãn nhu cầu dân chúng cho phù hợp, nên động loạn xã hội càng nhiều. Đa số quan tâm đến tự do kinh tế hơn là chính trị. Họ thường cân nhắc các loại tự do theo cách dung hoà quyền lợi. Chính quyền chú ý đến nguyện vọng của đa số, vì đúng theo luật thủ tục và muốn trấn áp thiểu số, mà ông gọi là sự chuyên quyền của đa số. Đối với dân chúng thì chính quyền vừa vô trách nhiệm vừa không khả năng, từ đó họ bắt đầu có ý tưởng thù nghịch. Đó là căn bệnh của Pháp, một tình trạng xấu xa tất yếu, rất tự nhiên và cũng vô phương chữa trị.
    Dù theo chủ trương tản quyền, nhưng kiền thức theo sách vở giáo khoa chỉ là phương tiện và ý thức và hành sử quyền tự do trong thực tế là trọng tâm cần theo đuổi. Khi cá nhân có kinh nghiệm trong các vấn đề đời sống hằng ngày và ý thức được trách nhiệm trước các vấn đề địa phương, đó là khởi điểm. Hai ý thức này đến từ lòng yêu chuộng tự do và công bình trong môi trường sống thực tế, đó là các đức tính cần phát huy.
    Theo Tocqueville, có hai giải pháp để giải quyết khủng hoảng dân chủ. Một là phải giới hạn quyền tự do trong phạm vi thuần túy cá nhân; giải quyết chính sự là vấn đề của chính quyền trung ương mạnh và tầng lớp trí thức nhiệt tình. Ông phản đối giải pháp này vì không hữu hiệu, mà kinh nghiệm của Pháp đã chứng minh. Khi một khi chính quyền đã tướt đoạt tự do của dân chúng, thì họ không còn quan tâm đến việc dung hoà quyền lợi của người dân trong các định chế chính trị.
    Hai là tạo ý thức về tự do và dân chủ cho người dân trong việc quyết định vận mệnh của cá nhân và đất nước, họ biết sử dụng lý trí và kiềm chế mọi đam mê. Muốn có ý thức trách nhiệm, khôn ngoan trong nhận định và dung hoà mọi quyền lợi là một thói quen mà người dân cần có, thì giáo dục công dân có vai trò chủ yếu.
    Làm sao có thói quen và áp dụng thói quen? Tự do là một quyền tự nhiên. Biến quyền này để sử dụng người dân cần có một đức tính và một thói quen áp dụng; Thói quen này sẽ có kết qủa của giáo dục qua thời gian dài; từ đó, nó biến thành một định chế xã hội.
    Thực tế cho thấy là dân chúng chỉ trông chờ chính quyền ban phát ân huệ, nên họ không có cơ hội và thói quen hành sử tự do. Để thay đổi, không cần phải có một bộ máy hành chánh khổng lồ mà là một chính quyền địa phương hữu hiệu và dân chúng năng động có ý thức và trách nhiệm. Những đặc điểm này ông tìm thấy nơi các định chế và con người của nước Mỹ.

    Các đặc điểm về định chế dân chủ của nước Mỹ
    Tocqueville không ca ngợi đất nước và con người trong một cảm nghĩ thoáng qua như là một du khách; vì công việc chính của ông tại Mỹ là nghiên cứu về chính sách cải huấn phạm nhân. Từ tháng Năm 1831 đến tháng Hai năm 1832, ông và người bạn đồng sự là Gustave de Baumont du hành qua các vùng New England, New York, New Orleans và Michigan. Nhân dịp này, ông nhận ra nhiều giá trị ưu việt trong hệ thống công quyền mà Pháp cần bổ sung.

    Dân chủ địa phương
    Ông thấy có sự dị biệt trong sinh hoạt địa phương ở Mỹ với Pháp. Lợi điểm duy nhất của trung ương tập quyền của Pháp là chính quyền sẽ dễ huy động nguồn lực của dân chúng trong một số thời điểm nhất định, nhưng về lâu dài thì khó mà đổi mới các sức mạnh này. Trong việc giải quyết các vấn đề địa phương, lối suy nghĩ và hành động của dân châu Âu vốn dĩ là suy yếu. Ông không đề cập đến các vấn đề hiệu năng của Luật Hành chánh như chúng ta thường đòi hỏi ngày nay, mà đề cao kinh nghiệm của người dân trong việc tham gia các sinh hoạt cộng đồng.
    Ông lập luận, dù khi đất nước có một chính quyền trung ương do dân cử, nhưng không có cơ sở địa phương tự trị thì cũng không thể có tinh thần tự do. Tại Mỹ, cơ sở quyền lực địa phương là dựa trên sự tham gia của dân chúng. Họ có một thói quen trong suy nghĩ và hành động nhằm thể hiện tinh thần tự do.
    Ông tự hỏi tại sao các người di dân định cư tại các tiểu bang New England lại có sự gắn bó với địa phương, dù không phải là nơi họ sinh trưởng. Ông giải thích là vì họ cảm thấy có một tinh thần độc lập mạnh mẽ và tự tin về khả năng giải quyết các vấn đề địa phương. Ý thức này không đến từ tinh thần cách mạng truyền thống mà đến từ ý thức tự do của cá nhân, họ biến việc tham gia sinh hoạt cộng đồng là một thói quen, một nhu cầu trong thực tế. Họ có một khả năng chuyển hoá một cái gì thật nhỏ bé và cụ thể ở nơi nào mà họ có sức (où il y a de la force). Họ tạo thay đổi và tận hưởng thành quả của mình và không có tâm trạng chờ đợi được ban phát ân huệ. Người dân Mỹ hiểu nhau và giúp bảo vệ quyền lợi nhau khá chặt chẻ. Dù trong tinh thần thủ lợi cá nhân, nhưng các tính toán kinh tế này của họ đều có giá trị áp dụng trong sinh hoạt chính trị.
    Theo ông, sở thích tự do (Goût de liberté) của người Pháp sẽ thành một hạnh phúc chung (public happiness) kiểu Mỹ, khi họ ý thức được việc tham gia các sinh hoạt tại địa phương, một niềm vui và kinh nghiệm mới mà dân Pháp cần có. Các đặc điểm này sẽ dễ thành hình khi có một hệ thống tản quyền địa phương hỗ trợ.

    Địa phương tản quyền
    Ông phê bình là ai cũng mang ảo tưởng về một chính quyền trung ương là sẽ có khả năng giải quyết các vấn đề địa phương. Ông phân biệt có hai loại công vụ trong sinh hoạt công quyền. Một liên hệ đến toàn quốc và quốc tế, hai ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi địa phương.
    Để giải quyết các loại thứ nhất, chính quyền trung ương mạnh sẽ giải quyết được vấn đề. Ngược lại, trong loại thứ nhì, chính quyền trung ương mạnh sẽ làm cho ý thức chính trị của người dân giảm đi. Tản quyền hành chánh không thuần túy là phải giao toàn bộ công việc cho các công chức địa phương để họ giải quyết, mà là gây ý thức về tinh thần tự quản của nguời dân, một đặc sắc trong định chế công quyền của Mỹ. Chính quyền liên bang không giải quyết các vấn đề của tiểu bang và địa phương, mà người dân sẽ phải giải quyết khi họ tác động đến các sự vận hành dân chủ trong các cơ sở địa phương (communes, township democracy)
    Địa phương tự trị là một môi trường giáo dục để người dân yêu thích và thể hiện tinh thần tự do. Họ không cần đến các biện pháp tài trợ từ trung ương; vì không lệ thuộc vào sự ban phát, nên họ cũng không bị trung ương khống chế bằng các biện pháp ngân sách; họ đóng thuế và kiểm soát các nguồn thu chi này. Ý thức về tự do của người dân Mỹ ở địa phương là then chốt mà người dân châu Âu không thể sánh bằng.
    Sách vở giáo khoa thường đề cao về một nền dân chủ tham dự (participatory democracy). Thực ra, đó là sự phát triển học thuyết về sau và khác hẳn với suy luận nguyên thủy của Tocqueville. Một nền dân chủ tham dự luôn coi trọng ý kiến của dân chúng trong các dự án mà quyền lợi của họ có liên quan. Các dự án này thường là do chính quyền đề xuất và cần đến ý kiến của người dân để chung quyết. Ở đây, có sự khác biệt; quan điểm của Tocqueville không lệ thuộc vào bất cứ một dự án cụ thể nào, mà là một loại ý thức hành động để thể hiện tự do toàn diện, một phương cách để tạo đoàn kết điạ phương, một quyền bình đẳng trong nền dân chủ.
    Ông đề cao các yếu tố địa lý, lịch sử, xã hội và phong tục gây thuận lợi cho sự hình thành này. Người dân Mỹ đã biết tận dụng các lợi thế này mà quan trọng nhất là xã hội Mỹ cởi mở nên đã tạo ra một tiến trình tự giáo dục thường xuyên cho từng người trong xã hội, nhờ thế mà sinh hoạt dân chủ sinh động.

    Hiến pháp hài hoà
    Trong sự vận hành của nền dân chủ, nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số phải tôn trọng; tiếng nói của thiểu số không còn được quan tâm. Người dân luôn tôn trọng mọi hình thức của pháp luật, nhưng tôn trọng ý kiến của thiểu số cũng là vấn đề; không phải lúc nào ý kiến của đa số cũng đúng tuyệt đối và phù hợp với luật pháp. Qua thời gian, nhận thức của người dân luôn thay đổi, nên ý kiến cũng có thể thay đổi theo. Sự thống trị của đa số dễ đưa tới tình trạng chuyên quyền; đó là một tình trạng nguy hiểm thường trực cho xã hội Mỹ.
    Ông chấp nhận nguyên tác đa số, nhưng không thể để nó làm thành một loại làm rào cản cho sinh hoạt dân chủ, mà cũng cần nên có các thế lực đối nghịch khác phát sinh. Các nhà lập hiến đã tìm ra một giải pháp tương ứng khả thi: đó là kiểm soát và cân bằng khi cho phép có những loại đối lực khác để thiểu số vẫn có cách gây được tiếng vang và làm cho quyền của đa số ít nguy hiểm hơn.
    Ông thí dụ về quyền phủ quyết của Hành pháp. Dù Tổng thống Mỹ luôn lệ thuộc vào triển vọng để được tái đắc cử; nhưng Hiến pháp cho phép Tổng thống có quyền phủ quyết một số vấn đề, kể cả trong chính sách đối ngoại. Vì thế, Tổng thống có thể đi ngược lại nguyện vọng của đa số.
    Ông đề cao vai trò án lệ và tính độc lập của ngành Tư pháp. Các chánh án và luật sư có hiểu biết chuyên nghiệp và được hưởng một quy chế bảo vệ. Một hệ thống Tư pháp luôn đề cao án lệ hơn là những nguyên tắc chung về luật pháp; nên qua các án lệ nổi danh, toà án có ảnh hưởng trực tiếp đến suy nghĩ và hành động của người dân. Ngoài ra, một hệ thống bồi thẩm đoàn mở rộng, nên hoạt động Tư Pháp không hoàn toàn cách biệt với sinh hoạt xã hội mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến việc phát triển công lý và tự do chính trị.
    Ông không tin chế độ lưởng đảng là hữu hiệu mà còn xem là một hệ thống bốc lột trá hình, vì sau khi thắng cử thì các bậc trưởng thượng trong Đảng sẽ thay phiên nhau chia chác các chức vụ béo bở trong tinh thần tự mãn và gây tham nhũng tệ hại; ông ca ngợi tinh thần tự do lập hội trong các sinh hoạt địa phương, một vai trò trung gian tích cực để người dân chống lại sự chuyên quyền của đa số.

    Giáo dục tạo khôn ngoan thiết thực
    Khác với John Stuart Mill, Tocqueville không đề cao hệ thống giáo dục cổ truyền là một môi trường tạo ra ý thức về tự do. Ngược lại, hành động, thói quen và kinh nghiệm của người dân mà giáo dục thành hình. Khi người dân Mỹ trực tiếp tham gia lập hội, bồi thẩm đoàn và chính quyền địa phương, đó là trường học bổ ích. Thể chế dân chủ điạ phương dạy cho người dân có được ý thức về hành sử quyền tự do. Nền dân chủ của Mỹ đã không biến người dân là nạn nhân của các trò chơi lý thuyết mà các triết gia của nước Pháp gây ra thế kỷ XVIII, vì không có kinh nghiệm mà người dân Pháp phải hứng chịu bao nhiêu điêu đứng trong lịch sử.
    Ý thức về công lý thường là do luật giới đem lại cho người dân, nhưng việc áp dụng hiểu biết trong thực tế là vai trò của người dân. Nó trở thành một đức tính cao quý về khôn ngoan trong thực tiễn. Do đó, họ sẽ đem lại trật tự xã hội, một điều kiện khởi đầu cho một nền dân chủ lâu dài.

    Mối quan hệ giữa bình đẳng và tự do
    Không quan tâm đến chính sự và chỉ lo cho kinh tế cá nhân là một tình trạng nguy hiểm cho sự phát triển nền dân chủ, nhưng tùng phục sự chuyên quyền của đa số một cách vô ý thức lại là một tình trạng nguy hiểm khác. Chính ý thức về tự do và thể hiện công bình là cần thiết để thoát ra khỏi hai tình trạng nguy hiểm này. Để đạt được lý tưởng của một nền dân chủ, mối quan hệ giữa công bình và tự do cần đặt ra.
    Ông chúng minh là hai ý thức này liên hệ trong một cấu trúc và bổ sung nhau. Khi mọi người hiểu được tự do thì họ sẽ biết được giá trị của công bình. Đó là một lý tưởng chung mà người dân cần theo đuổi khi tham gia chính sự.
    Vì con người quên mối quan hệ sở thích về tự do (Goût de liberté) và yêu chuộng công bình (l´amour de l´égalité) nên làm cho xã hội càng tồi tệ hơn. Dù cả hai tiềm tàng trong con người, nhưng trong thực tế có thể người ta chọn một thứ nào đó là ưu tiên, có thể là cạnh tranh nhau. Làm sao thúc đẩy cho người dân yêu chuộng cả hai giá trị này để cả hai tương tác nhau trong sinh hoạt chung, đó là vấn đề.

    Vai trò của lãnh đạo
    Quyền tự do chọn lựa giới lãnh đạo là vấn đề chính trong một xã hôi dân chủ. Nhưng Tocqueville nghi ngờ là người dân không luôn luôn sáng suốt trong việc chọn lựa này, đôi khi họ dùng cảm xúc thay cho lý trí, không phải lúc nào họ cũng ưu tư chính sự, mà là cơm áo, đó là một cơ hội tốt cho giới mị dân thu phục cảm tình trong muà bầu cử. Ông đồng ý là giới lãnh đạo có thể có thực tâm theo dõi nguyện vọng của dân chúng, nhưng chắc gì họ có đủ khả năng để giải quyết vấn đề sau khi thắng cử
    Ông không lạc quan khi cho là bầu cử theo đúng luật thủ tục sẽ chọn được người lãnh đạo anh minh và liêm chính. Những ưu điểm của nguyên tắc phổ thông đầu phiếu không thể bảo đảm để giải quyết toàn bộ các vần đề tâm lý xã hội. Sai lầm của một cử tri trong chuyện chọn mặt gởi vàng là thường tình, thì sai lầm của đa số cũng có thể xãy ra mà sự chuyên quyên của đa số càng nguy hại hơn.

    Độc tài của đa số
    Ông cảnh báo là dân chúng Mỹ cũng không nên chấp nhận mù quáng về những nguyên tắc dân chủ tổng quát, nên dè dặt hơn trước quyết định của đa số, vì đó là một trò nguy hiểm; họ cần phải điều chỉnh ý thức cho phù hợp với tình hình thực tế hàng ngày của cá nhân và địa phương.
    Tocqueville không những gay gắt về sự chuyên quyên của đa số mà còn về tinh thần sùng bái cá nhân và tâm lý bầy đàn, cả hai đều nguy hiểm như nhau. Cá nhân và đa số đều muốn yên vui, ổn định và sung túc. Nhưng giới lãnh đạo có thể tìm cách thích ứng nguyện vọng này trong khi họ lại vi hiến, nhất là khi họ tạo ra được một loại áp lực thiểu số phải phục tùng đa số, một loại tâm lý bầy đàn hướng về ý kiến của đa số. Ông bi quan hơn khi cho rằng khi đa số tạo áp lực quá mạnh, đó là một hình thức thảm hại, một tinh thần nô lệ mới.
    Ông lập luận là tại sao quyết định của đa số không thể sai lầm, tại sao là thuần lý và không là một cảm xúc nhất thời. Ai theo tâm lý của đám đông và mà không sử dụng lý trí để phán xét, đó là trò nguy hiểm cho tự do. Dù các định chế hữu hiệu là liều thuốc giúp xây dựng nền dân chủ, nhưng ông cũng không quên ca ngợi các đặc điểm về con người dân chủ của Mỹ.

    Các đặc điểm về con ngưòi dân chủ của nước Mỹ
    Lòng vị kỷ
    Tocqueville thấy tinh thần thủ lợi cá nhân thể hiện rõ trong người Mỹ. Trong mọi sinh hoạt hằng ngày, họ có thói quen cân nhắc lợi hại và sử dụng tự do trong mọi tính toán, nhưng họ không gây hại cho sinh hoạt dân chủ hay ổn định chính trị. Giới đạo đức không lên án các hành vi này là xấu, mà xem là cần phải biện minh về lòng chân thành của con người trong tinh thần tư lợi nhưng thuần lý và đúng luật
    Tinh thần thủ lợi theo Tocqueville cũng khác hẳn quan điểm của Adam Smith, một loại bàn tay vô hình hướng về nền kinh tế thị trường; qua sự vận hành này, thị trường thành hình và các thành phần tham gia sẽ cùng hưởng lợi, tạo thành phúc lợi tập thể và thịnh vợng cho đất nước. Ông xem tự do và thủ lợi như là hai động lực thúc đẩy cho cá nhân hành động, một đức tính cần có một số kiến thức và chân lý nhất định. Suy luận của Tocqueville không theo khuôn khổ tư duy của nền kinh tế thị trường và phù hợp với chúng ta trong thời đại hiện nay.

    Đức tin tôn giáo
    Tocqueville không phải là một tín đồ Thiên Chúa giáo thuần thành nên ông nhìn tôn giáo trong khía cạnh xã hội học hơn là thần học. Ông không quan tâm đến nỗ lực tìm chân lý hay sự bất tử của linh hồn, mà tìm cách lý giải chức năng của tôn giáo là làm nối kết con người trong mối quan hệ xã hội. Ông cũng thấy là sự tách rời giáo quyền ra khỏi thế quyền là cần thiết, vì sự kết hợp hai loại quyền lực này gây bao tác hại như kinh nghiệm của Pháp trước Cách mạng. Nhưng mức độ ảnh hưởng của tôn giáo trong xã hội như thế nào là khả chấp?
    Ông cho là một đất nước mà không có sinh hoạt tôn giáo là chuyện không tưởng và sẽ gây nguy hại cho trật tự xã hội. Cứu khổ theo tôn giáo có một giá trị nhất định cho đời sống cá nhân tín đồ, ông đã thấy ảnh hưởng này ở Pháp, nhưng khi đến Mỹ ông thấy vai trò tôn giáo lại càng quan trọng hơn, vì nó ảnh hưởng cho sự phát triển chung cho nền dân chủ. Theo ông tôn giáo có hai chức năng chính.
    Một là, tôn giáo có vai trò đạo đức xã hội và luật pháp cần đặt ra một khuôn khổ giới hạn. Tìm chân lý và hy vọng được cứu vớt là nhu cầu tâm linh tối hậu của tín đồ, nhưng toàn thể xã hội cần vượt qua những lo sợ và hy vọng của cá nhân, mà tạo ra sự ổn định và phát triển trong tinh thần duy trì tự do, đó là mục tiêu chung và quan trọng hơn.
    Hai là, nội dung của giáo điều cũng cần thiết cho xã hội. Tôn giáo dạy rằng không có gì quan trọng cho con người hơn là cuộc sống, con người có đức tin sẽ yêu cuộc sống và yêu con người hơn, giúp cho người tâm quan tâm đến người và những sinh hoạt thường nhật. Nhờ thế, họ vượt qua tinh thần vị kỷ và tha thiết tham gia sinh hoạt với tha nhân. Sự dân thân của các tu sĩ ảnh hưởng đến sinh hoạt của giáo dân và sự phát triển điạ phương, làm cho tín hữu sẽ quan tâm đến láng giềng, cộng đồng và xã hội; họ cảm thấy gắn bó nhau và có đóng góp thiết thực hơn. Qua tình đồng đạo và lòng vị tha mà lòng ái quốc cũng sẽ phát triển trong chừng mực qua thời gian.

    Lòng thương cảm
    Dù đức tin là khởi điểm cho hành động của tín đồ, nhưng Tocqueville không đề cao việc từ bỏ hay chấp nhận giáo điều, mà làm sao qua tiến trình suy tưởng người ta đạt đến một kết quả để làm căn bản cho hành động. Thực tế hơn, ông quan tâm đến ý thức về hành động của con người thế tục.
    Ông đề cập đến một tâm hồn bất ổn thường trực, sống trong lo âu, nhưng lại là một trạng thái thôi thúc hành động và không bất lực trước mọi bất trắc; nỗ lực làm thay đổi thế giới của con người quan trọng hơn là tìm tới một tâm linh sâu thẩm. Ông muốn biến nội dung của giáo điều trở thành những ý tưởng thật đơn giản trong thực tế. Ý tưởng này không gì khác hơn là đặt tâm hồn thương cảm cá nhân trong mối quan hệ xã hội và có trách nhiệm với tha nhân.

    Nhận xét
    Ưu điểm
    Với De la démocratie en Amérique Tocqueville để lại cho hậu thế một danh tác. John Stuart Mill xem đây là một công trình về văn minh học vì Tocqueville đã tài tình khi vượt qua khỏi phạm vi chinh trị học đối chiếu và triết lý chính trị. Wilhelm Dilthey ca ngợi tài năng uyên bác của Tocqueville trong mọi khía cạnh lịch sử, tôn giáo, xã hội học, điạ lý, phong tục tập quán và nhân văn mà một du khách hay một học giả không thể nào nhận thức được về đất nước rộng lớn và phức tạp trong một thời gian ngắn. Kể cả đến hiện nay chưa có một nhà nghiên cứu nào có thể trình bày về đề tài này trong mức độ toàn diện này như Tocqueville.
    Dù có quá nhiều lý thuyết về dân chủ và các học giả đào sâu theo từng chuyên đề khác nhau, nên không thể nói là lý thuyết nào là toàn diện và thuyết phục nhất. Các nền dân chủ hưng vong qua thời gian và các học thuyết về dân chủ đều có những giá trị tham khào nhất định, nhưng phải công nhận là lý giải của Tocqueville có một giá trị cao nhất khi đề cập các đặc điểm về định chế và con người dân chủ, nó không chỉ làm mô hình cải cách cho Pháp và châu Âu trước đây mà còn cho Việt Nam hiện nay.

    Khuyết điểm
    Tuy nhiên, thành tích này có những giới hạn nhất định. Sử dụng khái niệm về dân chủ và công bình quá rộng, khi so sánh với tác dụng của văn minh, nên tác giả khó kiểm chứng chính xác về tác dụng cho sự hình thành của dân chủ. Các hình thức và hậu quả các khái niệm dân chủ này được các tác giả hiện đại đi vào các khảo hướng chuyên biệt hơn. Tocqueville đồng hoá dân chủ là quyết định của đa số và cảnh báo về tính áp đảo toàn bộ của nó trong mọi sinh hoạt. Suy luận này không còn chính xác khi vai trò đảng phái, truyền thông, xã hội dân sự, đoàn thể áp lực và hợp tác quốc tế; tất cả có tác động làm thay đổi ý kiến của đa số.
    Ông đề cao các khiá cạnh văn hoá, luật pháp và đạo đức, ít chú trọng đến kinh tế để giải thích cho tiến trình dân chủ hoá. Ngày nay, khía cạnh kinh tế rất quan trọng trong việc tài trợ cho chiến dịch tranh cử, gây ảnh hưởng cho kết quả đầu phiếu và phân bổ các chức vụ sau khi thắng cử.
    Ông sai lầm khi đề cao tinh hình ổn định của nước Mỹ, nhất là về mặt nội chính. Hai thập niên sau ngày tác phẩm ra đời, nội chiến Mỹ bùng nổ, đó là một thí dụ phản chứng cho các luận đề của Tocqueville về xã hội Mỹ.
    Dù nói về các nguyên tắc dân chủ và phổ thông đầu phiếu, nhưng Tocqueville chỉ nghĩ tới nam giới da trắng, vì người da den và phụ nử trong thời điểm này chưa có quyền đầu phiếu. Do đó, khái niệm dân chủ này không thể xem là toàn diện cho xã hội và là một thành tựu của văn minh.
    Một bằng chứng khác là sau 20 năm sau ngày De la démocratie en Amérique ra đời, tỷ lệ tham gia bầu cử của người dân Mỹ là 13,3 % so với toàn dân số và mức độ cạnh tranh giữa các đảng phái là 52,1%. Do đó, tiến trình dân chủ hoá của Mỹ là một kết quả khiêm nhường. Trình độ phát triển dân chủ của dân Mỹ trong giai đoạn này có thể so sánh với Bolivie, Brazil và Singapore trong những năm 1980.
    Năm 1830 trình độ phát triển kinh tế của Mỹ còn sơ khai, vì chỉ có 10,6 triệu dân da trắng và 2,3 triệu là da đen, phần lớn dân chúng còn sống ở nông thôn, và mức độ đô thị hoá chưa mở rộng, chỉ có 8,5 triệu dân số sống ở thành thị. Vấn đề bất công xã hội không thuần tuý chỉ giới hạn trong ý thức của tự do và thành tựu của giáo dục, mà còn có nhiều cách giải thích khác hơn, không nhất thiết đưa tới tình trạng nguy hiểm cho dân chủ như Tocqueville cảnh báo.

    Dân chủ hoá cho Việt Nam theo Tocqueville
    Các lý giải của Tocqueville về dân chủ hoá, dù là dành cho nước Pháp sau năm 1835, nhưng lại có thể áp dụng cho Việt Nam vào năm 2017.
    Thành tích chung của chính quyền hậu cách mạng Việt Nam cũng như Pháp là tiêu tan mọi giá trị truyền thống dân tộc và chưa định hình được các giá trị phổ quát mới làm căn bản cho đất nước và con người; cả hai đều không có thiện chí cải cách chính trị triệt để; đa số dân chúng của hai nước cũng có điểm tương đồng là vô cảm trước các biến chuyển của chính sự.
    Giống như Pháp trước đây, hiện nay Việt Nam cần cải cách các định chế là dân chủ đại nghị với tam quyền phân lập, kinh tế thị trường, thể chế pháp quyền và xã hội dân sự. Dân chúng cần được hưởng một nền giáo dục tự do, nhân bản và khai phóng để có kiến thức mới, ý thức mới và động lực khích lệ xây dựng thể chế mới. Do điều kiện địa lý và truyền thống văn hoá dị biệt, nên thể chế liên bang của Mỹ không phù hợp cho Việt Nam.
    Điểm khác nhau của hai nước là chế độ Cộng Sản tại các nước Đông Âu đã sụp đổ từ năm 1989, mà đến nay dân Việt vẫn chưa hay là lịch sử thế giới đã sang trang và không có được cơ hội để học tập các lý thuyết dân chủ của phương Tây, nên cũng không có các suy nghĩ và hành động như Tocqueville đề cập.
    Một chẩn đoán khác có thể là đúng hơn cho Việt Nam là thế hệ hậu chiến đang mang một hội chứng khó chữa trị: Stockholm Syndrom. Hiện tượng này xảy ra vào năm 1973, khi một băng cuớp ngân hàng Thụy Điển giam cầm các nạn nhân, nhưng qua thời gian sống quá lâu với kẻ cướp, càng ngày họ càng dành thiện cảm nhiều hơn cho các hung thủ và quên mình là nạn nhân đang mất tự do. Cũng mang tâm trạng tương tự, giới trẻ Việt chịu sự giáo dục Đảng trị trong 42 năm qua, tình cảm sâu đậm tự nhiên dành cho bạo quyền nảy sinh là tất yếu, nên họ khó có cảm xúc cần đổi mới chính trị.
    Ngược lại, Việt Nam có một tin vui chung đúng theo tinh thần của Tocqueville: Càng ngày càng có nhiều công cuộc đấu tranh đòi quyền lợi cụ thể của người dân địa phương, họ không còn chờ đợi được ban phát ân huệ của chính quyền, đó là một khởi đầu cho các nỗ lực kế tiếp.Khác với thời Tocqueville sống, khi dân chủ hoá là xu thế không thể trành mà Pháp cần phải tăng tốc để thực hiện; thì Việt Nam hiện gặp khó khăn hơn Pháp, khi cục diện thế giới cực kỳ biến động và giá trị phổ quát của nền dân chủ tại các nước phương Tây đang suy giảm: Mỹ không còn phép lạ và lòng hào hiệp để giúp Việt Nam và các nước châu Âu đang trỗi dậy một phong trào mị dân với tinh thần dân tộc cực đoan. Cả hai khuynh hướng này gây bất lợi cho giới đấu tranh trong việc vận động quốc tế về dân chủ. Dù các nguyên tắc vận hành của nền dân chủ tại Mỹ và châu Âu đang băng hoại, nhưng các giá trị lý thuyết về dân chủ truyền thống của các nước này vẫn còn tương đối cao đẹp hơn nền dân chủ nhân dân, người dân Việt cần có ý thức phản tỉnh để so sánh về các giá trị này và hành động trong gạn lọc. Dĩ nhiên, thay đổi hiến pháp dân chủ, nâng cao đạo đức và giáo dục, tăng trưởng kinh tế, tôn trọng trí thức và pháp luật, thực thi nhân quyền và dân quyền và bảo vệ non sông gấm vóc và mội trường thiên nhiên là các đường lối thực tiễn. Còn lại gì trong chúng ta hôm nay? Có còn chăng là sự tỉnh thức trong tình tự dân tộc để thảo luận hoà ái về các vấn đề Goût de liberté kiểu Pháp, public hapiness kiểu Mỹ và hồi sinh tinh thần Diên Hồng của Viêt Nam; hy vọng các giá trị này sẽ là những khởi điểm để tìm hiểu và mến yêu trong muộn màng. Khi chuyện nước non trong hiện tại còn quá mờ mịt và đa số dân chúng phải chịu lắm cảnh lầm than, thì con đường dân chủ hoá ngày một thêm xa và không thể chờ đợi là sẽ có phép lạ làm thu ngắn.
    Nhưng nếu mạt vận của đất nước còn kéo dài và dũng khí của con người còn khan hiếm, thì chừng nào Việt Nam sẽ trở lại các điểu kiện sinh hoạt bình thường về mọi mặt để có thể phát triển thành một quốc gia dân chủ, phú cường và văn minh là chuyện không ai biết và vượt khòi phạm vi của bài giới thiệu sách này.

    Nguồn: http://basamnews.info/2017/01/09/11-277-gioi-thieu-sach-nen-dan-chu-cua-nuoc-my/
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org