TTH
Trong một quốc gia có
rất nhiều dân tộc và tôn giáo khác nhau, như Việt nam chẳng hạn, có 54 dân tộc
và khoảng 7 tôn giáo lớn. Mỗi một dân tộc, mỗi tôn giáo lại theo đuổi các hệ
thống giá trị, văn hóa khác nhau, như vậy trong một quốc gia có vô số các hệ
thống giá trị, văn hóa cùng tồn tại.
Tuy
nhiên, trong một quốc gia, chỉ có một nhà nước, vậy làm thế nào nhà nước này có
thể cai trị trong một khu vực địa lý với đa dạng các hệ thống giá trị, văn hóa
như vậy?
Nhà
nước nên lấy hệ thống giá trị, văn hóa của người Kinh hay người Mường, của Phật
giáo hay Công giáo làm nền tảng cho sự cai trị của mình? Nhà nước có nên lấy hệ
thống giá trị Phật giáo làm hệ thống giá trị chính thống, và bắt những người
theo các tôn giáo khác từ bỏ tôn giáo của mình, và sống theo hệ thống giá trị
của Phật giáo? Nhà nước có nên lấy hệ thống giá trị của người Kinh làm hệ thống
giá trị chính thống, và bắt những người thuộc dân tộc khác từ bỏ hệ thống giá
trị của mình và sống theo hệ thống giá trị của người Kinh? Tất cả chúng ta đều
đồng thuận rằng, chắc chắn là không.
Tại
sao lại như vậy? Vì mỗi hệ thống giá trị văn hóa của một dân tộc, một tôn giáo
là chính bản thân dân tộc, tôn giáo đó đó, chẳng có dân tộc, tôn giáo nào có
quyền bắt dân tộc, tôn giáo khác từ bỏ bản sắc của chính họ. Mỗi dân tộc, mỗi
tôn giáo phản ánh một biểu hiện của sự tồn tại và phát triển, và trong thế giới
của hệ thống giá trị, không ai có thể nói rằng hệ thống giá trị của tôi là văn
minh, ưu việt hơn hệ thống giá trị của người khác, qua đó cho phép tôi có quyền
cưỡng bức các dân tộc kém văn minh thực thi lối sống của tôi, để trở nên văn
minh hơn. Đó là một sai lầm.
Thử
tưởng tượng nếu một ngày người Mường nắm quyền cai trị và bắt tất cả các dân
tộc khác, gồm cả dân tộc Kinh phải sống theo hệ thống giá trị văn hóa của họ;
thử tưởng tượng nếu một ngày người theo Phật giáo nắm quyền cai trị bắt những
người thuộc tôn giáo khác sống theo hệ thống giá trị văn hóa của họ. Người theo
Phật giáo coi việc ăn thịt, sát sinh là ghê tởm, thì họ sẽ bắt tất cả các dân
tộc, tôn giáo khác không được ăn thịt. Điều đó là hết sức vô lý.
Do
đó nhà nước không nên lấy một hệ thống giá trị, văn hóa nào làm nền tảng cho sự
cai trị của mình, hay nói đúng hơn nhà nước nên trung lập trong khía cạnh văn
hóa, giá trị, đạo đức. Những vấn đề này thuộc về quyền tự quyết của mỗi dân
tộc, mỗi tôn giáo, nó phản ánh niềm tin, lối sống, và các thực tiễn mà họ thấy
cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của họ.
Vậy
nhà nước sẽ làm những gì. Dù các dân tộc, tôn giáo theo đuổi các hệ thống giá
trị khác nhau, nhưng có những khuôn khổ chung mọi mọi dân tộc, tôn giáo đều cần
đến cho sự phát triển của mình, đó là: an ninh, trật tự, tài sản, các quyền,
các loại tự do, bảo vệ khế ước, các dịch vụ công ích,..., và đây chính là những
công việc thuộc về chức năng của nhà nước. Nhà nước có trách nhiệm xây dựng một
khuôn khổ về pháp lý để đảm bảo cho các dân tộc, tôn giáo tự do theo đuổi hệ
thống giá trị văn hóa của mình. Ngoài chức năng đó ra không còn chức năng nào
khác.
Văn
hóa, giá trị của mỗi cộng đồng, tôn giáo không phải là bất biến, mà nó thay đổi
theo thời gian. Sự thay đổi này là cần thiết để phù hợp với sự tồn tại của cộng
đồng. Trong mỗi cộng đồng, tôn giáo, cũng có rất nhiều quan điểm khác nhau,
người thế này, người thế khác, tuy nhiên để đi đến được một hệ thống giá trị
chung, họ thảo luận, phê phán, thỏa hiệp với nhau, qua quá trình đó hệ thống
giá trị mới được mọi người chấp nhận, và làm nền tảng cho sự phát triển của
cộng đồng. Người này, nhóm này, dân tộc này, tôn giáo này không thể cưỡng bức
áp đặt hệ thống giá trị văn hóa của mình cho người khác, nhóm khác, dân tộc
khác, tôn giáo khác. Vì nếu như vậy, một khi người khác, dân tộc khác, nhóm
khác, tôn giáo khác nắm quyền họ cũng áp đặt một sự cưỡng bức tương tự, và tất
cả những điều này chỉ mang đến chia rẽ và bạo lực. Sự trưởng thành của cộng
đồng được phản ánh thông qua sự nhận thức của cộng đồng đó, thông qua quá trình
thảo luận, phê phán, và thỏa hiệp chứ không phải thông qua cưỡng bức và bạo
lực. Ngày nay, chúng ta sống trong một xã hội đa văn hóa, và chúng ta phải chấp
nhận sự tồn tại của các hệ thống giá trị văn hóa của các dân tộc khác, sự tồn
tại của họ cũng giống như sự tồn tại của chúng ta.
Trong
bất cứ quốc gia nào, thì bao giờ cũng có một dân tộc, một tôn giáo nào đó chiếm
đa số, và do đó cũng chi phối chính quyền. Chính sự chi phối này dẫn đến cho
phép họ tùy tiện áp đặt giá trị văn hóa lên các tôn giáo, dân tộc khác. Điều đó
là không đúng, và rõ ràng chúng ta đang rơi vào tình trạng như vậy. Mọi người
luôn kêu gọi cấm cái này cái kia nếu họ thấy không hợp mắt họ, và họ cho rằng
điều đó là hiển nhiên đúng. Đó là một sự nhân thức sai lầm về văn hóa, là một
sự tùy tiện về mặt quyền lực. Chính những người thực hành giá trị, văn hóa nào
đó phải là người có tiếng nói cuối cùng, vì các giá trị đó chính là sự tồn tại
của những người đó.
Tôi
nghĩ rằng một dân tộc văn minh là một dân tộc tiến bộ thông qua sự thỏa luận,
phê phán, thỏa hiệp,..., chứ không phải thông qua cưỡng ép và bạo lực. Và chỉ
có cung cách hành xử như vậy mới đảm bảo cho sự tồn tại, phát triển của đa dạng
các hệ thống văn hóa giá trị, cũng như đóng góp chung cho sự thịnh vượng của cả
quốc gia.
Nhà
nước cần giữ vai trò trung lập, những việc còn lại tự bản thân các dân tộc, tôn
giáo, nhóm tự có thể giải quyết mà không cần vai trò cưỡng bức của nhà nước.