Tư tưởng chính trị của Robert Nozick (P2/2)

Posted on
  • Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2015
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: ,
  • Tiếp (P1/2)
    c. Luận điểm tự sở hữu
    Nozick cố gắng để chứng minh về mặt trực giác rằng chỉ có sự trao đổi trên thị trường tự do mới tôn trọng con người như là những người bình đẳng. Để làm điều này Nozick phát triển "lý thuyết công bằng dựa trên quyền". Để rõ ràng, chúng ta phải bắt đầu với điều được gọi là luận điểm tự sở hữu của ông. Luận điểm tự sở hữu của Nozick về cơ bản như thế này. 1) Mọi người sở hữu chính họ. Điều này dựa trên trực giác mà Nozick cung cấp ở trên. 2) Thế giới và các đối tượng của nó ban đầu không được sở hữu. 3) Ta có thể có được một quyền tuyệt đối đối với một phần không cân xứng (chiếm hữu nhiều tài sản hơn) của thế giới nếu điều này không làm khốn khó thêm điều kiện vật chất của người khác. Ngoài ra, vì Nozick nghĩ mỗi rằng mỗi người sở hữu chính mình, nên mỗi người cũng sẽ sở hữu tài năng của mình. Ông lập luận rằng điều này dẫn đến sự sở hữu các sản phẩm do tài năng của mình tạo ra. Thực thể sở hữu và được sở hữu là cùng một, đó là con người. Với điều này, Nozick hiểu cá nhân có các quyền sở hữu tuyệt đối đối với chính mình, và hơn nữa, đó là quyền sở hữu tuyệt đối đối với các nguồn lực mà họ có được. 4) Đó là tương đối dễ dàng để đạt được quyền sở hữu đối với một lượng không cân xứng (sở hữu nhiều hơn người khác) đối với thế giới. 5) Vì vậy, một khi sở hữu tư nhân là thích đáng, thì về mặt đạo đức một sự trao đổi tự do hàng hóa và nguồn lực hoàn toàn được phép.
    d. Tính riêng biệt của Con người
    Một nhánh quan trọng có liên quan song đi theo hướng khác trong suốt toàn bộ tác phẩm Vô chính phủ, Nhà nước và Không tưởng là "tính riêng biệt của con người". Như đã nói trước đó, Nozick sử dụng Kant là một nguồn cảm hứng và vay mượn ý tưởng của Kant là: cá nhân là các mục đích tự thân. Nhưng, để trở thành "các mục đích tự thân" khác biệt, Kant cho rằng con người phải là các thực thể riêng biệt. Ý tưởng là mỗi chúng ta là một cá nhân riêng biệt, có một địa vị về mặt đạo đức. Một hàm ý của quan niệm cho rằng, cá nhân về mặt đạo đức phục vụ cho lợi ích của các thực thể được co là rộng lớn hơn, chẳng hạn như "xã hội", không thể được sử dụng để bảo chữa cho sự vi phạm đối với cá nhân, với tư cách là con người. Hãy xem xét những gì thường được gọi là "lợi ích chung". Nozick thách thức ý tưởng cho rằng các thực thể như vậy thực sự tồn tại. Theo quan điểm của ông, chỉ có các cá nhân đơn thuần, và lợi ích chung thực ra chỉ là lợi ích của những cá nhân này cộng lại với nhau. Trong khi đúng là một số cá nhân có thể thực hiện việc hy sinh một số một số lợi ích này đề đạt được một số lợi ích khác, thì xã hội không bao giờ có thể được biện minh khi hy sinh lợi ích của một số cá nhân vì lợi ích của người khác.
    Tính riêng biệt của con người là rất quan trọng đối với Nozick đến mức độ mà ông nghĩ rằng nó sẽ củng cố cho sự tồn tại của các ràng buộc về mặt đạo đức mà cá nhân sở hữu. Những sự ràng buộc về mặt đạo đức thiết lập ranh giới cho những gì được phép làm đối với con người (dù bởi cá nhân hay nhà nước). Sự vi phạm các ràng buộc như vậy là sai trái bởi vì điều này đối xử với các cá nhân, những người bị vi phạm, chỉ đơn thuần là phương tiện hoặc công cụ cho các mục đích của người khác. Chú ý rằng những ràng buộc này được cho là những sự ngăn cấm tuyệt đối đối với những gì có thể được phép làm đối với các cá nhân. Nghĩa là, ngay cả khi chúng ta nghĩ rằng sự vi phạm các ràng buộc về mặt đạo đức của chỉ một người có thể có lợi cho nhiều người khác trong xã hội, thì một sự vi phạm như vậy không thể được biện minh.
    e. Ba nguyên tắc của lý thuyết công bằng
    Nozick cho rằng có ba nguyên tắc phân phối công bằng. Những nguyên tắc này tạo nên khuôn khổ cơ bản cho lý thuyết về quyền của ông.
    Đầu tiên là nguyên tắc đạt được công bằng. Theo nguyên tắc này, các cá nhân có thể đạt được bất kỳ tài sản nào mà họ muốn miễn là trước đó nó không thuộc về ai và nó không đạt được bằng trộm cắp, cưỡng ép hoặc lừa đảo. Thứ hai là nguyên tắc chuyển đổi công bằng theo đó tài sản có thể được chuyển đổi chừng nào mà việc chuyển đổi không được thực hiện bởi hành vi trộm cắp, cưỡng ép hoặc lừa đảo. Hai nguyên tắc này tạo thành các phương tiện hợp pháp cho việc chiếm hữu và chuyển đổi hàng hoá. Tất cả các giao dịch có giá trị đến từ những hành động lặp đi lặp lại theo hai nguyên tắc này. Trong khi Nozick không định nghĩa một cách rõ ràng điều mà hiện nay được biết đến như là nguyên tắc thứ ba của ông, ông chỉ mô tả chức năng của nó. Nguyên tắc thứ ba này – hiệu chỉnh công băng – có vai trò, như tên cho thấy, để khắc phục các vi phạm ở hai nguyên tắc đầu tiên.
    Những hành động mà ba nguyên tắc này phản ánh là điều Nozick gọi là lý thuyết "lịch sử" về công bằng. Ông cho rằng không có cách nào, chỉ đơn giản bằng cách nhìn vào các mô hình phân phối mà chúng ta có thể nói những sự phân phối hàng hóa nào là công băng. Nozick nhấn mạnh rằng chúng ta phải biết chính xác sự phân phối xảy ra như thế nào. Nếu ở đâu đó trong quá trình giao dịch mà sự trộm cắp, ép buộc hoặc gian lận xảy ra, thì chúng ta có thể nói một cách chắc chắn rằng các tài sản liên quan được sở hữu một cách bất công. Do đó, ba nguyên tắc phân phối công bằng quy định sự phân phối và trao đổi tài sản một cách đúng đắn.
    Như được nhắc đến trước đó, lý thuyết công bằng dựa trên quyền không phụ thuộc vào khái niệm về sự xứng đáng (trao thưởng) để làm cơ sở cho việc chiếm hữu hay chuyển nhượng tài sản. Ví dụ, hãy xem xét nguyên tắc công bằng chuyển đổi. Một hàm ý của nguyên tắc này là sự thừa kế là hoàn toàn hợp pháp. Từ quan điểm của lý thuyết về quyền, việc con cái của các tỷ phú có thể không làm việc chăm chỉ hay đóng góp bất cứ thứ gì đến gia tài của cha mẹ họ là không liên quan. Việc sinh ra trong một gia đình tỷ phú có tùy tiện về mặt đạo đức hay không (trong việc quyết định những gì một người sở hữu) không phải là vấn đề - thật vô nghĩa khi suy nghĩ rằng anh ta không xứng đáng với sự thừa kế bởi vì anh ta không đóng góp gì cho gia đình. Nếu các tỷ phú muốn để lại tài sản gia đình cho người con trai kém cỏi của mình, thì người con trai đó có quyền đối với tài sản thừa kế đó. Đối với Nozick, ý tưởng cho rằng việc sở hữu công bằng không phụ thuộc vào sự xứng đáng là một suy xét quan trọng mặc dù nhiều người ủng hộ thị trường tự do đã cố gắng để biện minh cho sự tích lũy một lượng của cải rất lớn của cải trên cơ sở sự xứng đáng của những ai đạt được nó. Khái niệm chung về sự xứng đáng thường viện đến khái niệm về sự nỗ lực, sáng tạo, những đóng góp khi cố gắng để biện minh cho lý do tại sao một số đạt được nhiều hơn những người khác. Nhưng Nozick thấy những lập luận để biện minh cho việc sử hữu tài sản trên cơ sở của xứng đáng này là gượng ép. Đối với Nozick, xứng đáng nằm ngoài tiêu chuẩn đánh giá. Nhưng quan trọng hơn, theo quan điểm của ông lý thuyết xứng đáng không thể được xem là cơ sở để biện minh cho sự sở hữu tài sản bởi vì đó là một lý thuyết khuân mẫu. (xem phần bên dưới)
    Nhà nước có thể được xem như là một thiết chế phục vụ bảo vệ các quyền sở hữu tư nhân và các giao dịch trên cơ sở các quyền này mà không quan tâm đến việc người nào đó có xứng đáng với những gì họ có hay không. Chức năng này được thực hiện thông qua việc bảo vệ ba nguyên tắc phân phối. Điều này có nghĩa rằng chức năng của nhà nước là để bảo đảm sự an toàn của cá nhân và tài sản của họ, vốn có thể bị đe dọa bởi các lực lượng từ bên trong hoặc từ bên ngoài lãnh thổ của họ. Để đảm bảo sự an toàn bên trong một quốc gia, điều này đòi hỏi phải có một lực lượng cảnh sát dân sự. Để đảm bảo sự an toàn khỏi các mối đe dọa từ bên ngoài, cần thiết phải có một đội quân thường trực. Cung cấp các chức năng này là mối quan tâm chính đáng của nhà nước của Nozick. Ngoài ra, với nguyên tắc phân phối công bằng thứ ba trong mô hình của Nozick, sẽ cần phải có một cơ quan tư pháp. Điều này là do trong các vấn đề thực tế nhiều khả năng sẽ có những bất đồng. Phải có ai đó để phân xử những bất đồng này, và phương tiện hiệu quả nhất (theo Nozick) là thông qua các thủ tục của luật bồi thường thiệt hại. Ngoài ra, các tòa án còn thực thi nguyên tắc hiệu chỉnh - để đảm bảo rằng tài sản được trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp của họ trong trường hợp mà sự công bằng chiếm hữu và công bằng chuyển đổi bị vi phạm. Một hàm ý của tất cả những điều này là nhà nước có quyền để đánh thuế nhằm thực thi các chức năng này.
    f. Ví dụ Wilt Chamberlain và ví dụ "người yêu hoàng hôn/du thuyền"
    Nozick tạo ra một ví dụ tưởng tượng trong đó sử dụng một cựu cầu thủ bóng rổ chuyên nghiệp thực tế (Wilt Chamberlain) để chỉ trích điều mà ông gọi là các lý thuyết công bằng"khuân mẫu". Các lý thuyết công bằng khuân mẫu là những lý thuyết mà sự  phân phối tài sản được coi là công bằng khi có một số mục đích hoặc mục tiêu cần đạt đến. Ví dụ, các nhà quân bình cấp tiến cho rằng sự phân phối công bằng nhất đối với tài sản và nguồn lực là sự phân phối trong đó các yếu tố này được chia đều cho toàn bộ xã hội. Thuyết công lợi là một ví dụ khác của lý thuyết khuôn mẫu vì tất cả các hàng hóa được phân phối một cách công bằng khi chúng tối đa hóa tổng lợi ích của một xã hội. Cuối cùng, lý thuyết về công bằng của John Rawls cũng sẽ được coi là một lý thuyết theo khuôn mẫu vì cho rằng tài sản chỉ có thể được phân phối trong trường hợp mang lại lợi ích cho các thành viên kém thuận lợi nhất  của xã hội. Điều mà tất cả các lý thuyết này chia sẻ là sự phân phối tài sản sẽ chỉ được tuyên bố là công bằng khi chúng phù hợp với một khuân mẫu.
    Để lập luận chống lại các lý thuyết công bằng khuôn mẫu này, Nozick muốn cho thấy rằng các khuân mẫu chỉ có thể được áp đặt bằng cách hoặc không cho phép các hành động mà phá vỡ khuân mẫu (hoặc như Nozick gọi nó, "cấm hành vi tư bản (buôn bán, trao đổi) giữa hai người trưởng thành") hay liên tục tái phân phối tài sản để thiết lập lại mô hình. Nozick cố gắng chứng minh tính đúng đắn của hai mệnh đề. Đầu tiên là nếu cá nhân đạt được tài sản của họ một cách công bằng, thì sự trao đổi tự do của họ với người khác (miễn là không có liên quan đến hành vi trộm cắp, lừa đảo hay cưỡng chế) là công bằng. Mệnh đề thứ hai được cho là kết quả của mệnh đề thứ nhất. Nó cho rằng sự tự do trao đổi sẽ luôn kết thúc trong việc phá vỡ các mô hình phân phối công bằng được viện dẫn. Nhưng dường như nếu chúng ta có quyền sở hữu tài sản hợp pháp, thì chúng ta có thể sử dụng nó theo bất kỳ cách nào mà chúng ta muốn bất kể việc sử dụng đó có dẫn đến kết quả gì. Nozick chắc chắn nhận ra rằng việc cho phép các cá nhân trao đổi tài sản của họ không theo bất kỳ nguyên tắc khuôn mẫu nào sẽ dẫn đến sự bất bình đẳng to lớn về tài sản. Tuy nhiên, ông nghĩ rằng bất kỳ biện pháp để "sửa chữa" cho một sự bất bình đẳng như vậy từ sự can thiệp của chính quyền là không công bằng.
    Trong ví dụ Wilt Chamberlain, Nozick bảo chúng ta hãy tưởng tượng một xã hội có sự phân phối các nguồn lực theo sở thích của độc giả. Vì mục tiêu của sự lập luận, chúng ta sẽ nói rằng có một triệu người và một thành viên và tất cả đều có những phần bằng nhau - chúng ta sẽ gọi sự phân phối này là D1. Chúng ta cũng sẽ tưởng tượng rằng Wilt ký hợp đồng với một đội bóng với những qui định mà cho mỗi buổi chơi bóng anh nhận được 25 cent từ giá của mỗi vé bán ra. Khi mùa giải diễn ra, tưởng tượng rằng mỗi người trong xã hội đều vui vẻ góp 25 cent để xem Wilt thi đấu. Sau khi một triệu người hâm mộ đến xem anh ta chơi, anh ta kiếm được 250,000 $. Vì vậy, sẽ có một phân phối mới, D2, trong đó Wilt có tài sản ban đầu của mình cộng với $ 250,000. Bỏ qua tất cả các giao dịch khác, chúng ta có thể giả định rằng tất cả những người khác trong xã hội có ít tài sản hơn nhiều so với những gì Wilt có. Nozick hỏi liệu có bất cứ điều gì bất công về ví dụ này và nếu có bất cứ điều gì bất công, thì lý do là như thế nào? Vì mỗi người đồng ý với D1, mỗi người phải có quyền đối với phần của mình. Điều này cũng có nghĩa là mỗi cá nhân có làm với các nguồn lực của mình những gì anh ta muốn và nhiều người đã quyết định đưa một số cho Wilt. Rõ ràng là D1 và D2 ​​là không giống nhau. Tuy nhiên, D2 đến từ những gì chúng ta đã đồng ý, đó là một phân phối công bằng cộng với một sự trao đổi tự do. Vì vậy, D2 là công bằng, nhưng D2 vi phạm mô hình D1, trong đó mỗi người có cùng nguồn lực như nhau.
    Quan điểm đầu tiên của Nozick là, việc cho phép các cá nhân tự do trao đổi tài sản của họ như họ muốn, miễn là họ hoàn toàn đồng ý với những người trao đổi, rõ ràng (và liên tục) phá vỡ mô hình sở hữu ban đầu. Chú ý rằng nếu bạn đồng ý với Nozick rằng không có bất công nào được thực hiện trong các bước hình thành D2, thì không có gì là bất công về D2. Nhưng còn nếu ai đó muốn thiết lập lại D1? Chú ý những gì Nozick nghĩ sẽ phải xảy ra trong trường hợp này. Để tổ chức lại mô hình sở hữu, một số thực thể (nhiều khả năng nhất là nhà nước) sẽ cần phải can thiệp. Đó là, nếu D1 là tất cả sở hữu bằng nhau và bây giờ ở D2, chúng ta thừa nhận rằng chúng ta muốn trở lại D1, chúng ta sẽ phải lấy một phần tài sản từ những người có nhiều hơn để cung cấp cho những người có ít hơn. Nhưng, vấn đề ở đây là: điều gì xảy ra nếu những người có nhiều tài sản hơn trong D2 không muốn từ bỏ tài sản của họ, phản đối rằng họ đã đạt được chúng một cách công bằng? Nếu nhà nước lấy đi một phần tài sản, thì điều này khác như thế nào với nhưng gì Robin Hood đã làm? Đó không phải là một hình thức trộm cắp?
    Ví dụ Wilt Chamberlain cung cấp cho Nozick cơ hội để củng cố lập luận của mình chống lại các lý thuyết khuôn mẫu. Ông nhấn mạnh quan điểm rằng, việc duy trì khuân mẫu thường sẽ đòi hỏi tái phân phối tái sản thông qua thuế từ những người có tài sản sản tới những người không có, và rằng đây không phải là một hệ quả vô thưởng vô phạt. Trong thực tế, kết quả của sự tái phân bố này là lao động cưỡng bức. Nozick cho rằng "chiếm đoạt thành quả lao động của một ai đó là tương đương với việc tóm lấy thời gian từ anh ta và bắt  anh ta phải thực hiện các hoạt động khác nhau." Về bản chất, Nozick nghĩ rằng điều này là tương tự như buộc một ai đó để làm việc cho các mục đích mà anh ta không được chọn. Các nguyên tắc khuôn mẫu cho phép cho một số người đòi hỏi thành quả lao động của người khác. Nozick tin điều này sẽ dẫn đến một sự vi phạm quyền tự sở hữu tự, vì việc đòi hỏi một số thành quả lao động của người khác thực chất là đòi hỏi sở hữu một phần đối với người đó.
    Còn một vấn đề khác ở đây. Nozick cũng lo lắng rằng mức độ can thiệp vào cuộc sống của người dân sẽ thay đổi phụ thuộc vào lối sống khác nhau mà họ lựa chọn, và theo cách mà phân biệt đối xử chống lại một số người nào đó. Ông tự hỏi tại sao mọi người không nên có quyền chọn lối sống riêng của mình khi mà họ không làm cho người khác khốn khổ hơn so với hoàn cảnh của họ từng là trong một trạng thái tự nhiên? Nozick bác bỏ đòi hỏi rằng, những cá nhân quan tâm đến lợi ích vật chất nhiều hơn phải làm việc nhiều giờ hơn so với những người có lối sống thẩm mỹ hơn. Ông đặt câu hỏi tại sao những người muốn "xem một bộ phim" bị yêu cầu (vì anh ta phải kiếm tiền cho các vé xem phim) cung cấp "tiền cho những người nghèo", trong khi những người thích nhìn cảnh hoàng hôn (người không cần kiếm tiền để thưởng thức chúng) lại không phải làm như vậy? Điều mà Nozick đã cố gắng nêu lên là: nếu việc sở hữu một chiếc du thuyền sang trọng là những gì làm cho tôi hạnh phúc, thì tôi sẽ phải làm việc lâu hơn nhiều so với những người chỉ đơn giản là thích cảnh hoàng hôn. Những người thích hoàng hôn không cần tiền để thưởng thức chúng – anh ta có thể theo đuổi hạnh phúc của mình và đáp ứng các nghĩa vụ thuế của mình cho nhà nước trong một thời gian lao động rất ít. Tuy nhiên, tôi có thể cần phải làm việc thêm sáu tháng để có đủ tiền để mua chiếc du thuyền và đáp ứng các nghĩa vụ thuế của nhà nước. Tôi không chỉ cần số lượng tiền chính cho việc mua, tôi cũng bị đánh thuế để cung cấp cho các chương trình xã hội. Trong viễn cảnh này, Nozick tự hỏi tại sao những người yêu du thuyền, chỉ đơn giản là vì lối sống của mình, phải làm việc sáu tháng để có được những gì mình muốn và nộp thuế của mình, trái ngược với những người yêu hoàng hôn, chỉ phải làm việc ít hơn nhiều để đạt được những mục tiêu này .
    g. Máy kinh nghiệm
    Trong khi các ví dụ Wilt Chamberlain và người yêu hoàng hôn/du thuyền có thể nhắm vào bất kỳ loại lý thuyết khuân mẫu nào (mặc dù hầu như nó nhắm vào lý thuyết về công lý của Rawls), Nozick sử dụng một ví dụ sáng tạo để lập luận chống lại thuyết công lợi cổ điển. Ông bảo chúng ta tưởng tượng một cái máy được phát triển bởi “super duper neuropsychologist” trong đó ta có thể đăng nhập vào và có bất kỳ loại kinh nghiệm nào mà mình mong muốn. Não của một người có thể được kích thích để anh ta suy nghĩ và cảm thấy rằng anh ta đang đọc sách, viết một cuốn tiểu thuyết vĩ đại, hoặc leo lên đỉnh Everest. Nhưng tất cả thời gian người đó sẽ chỉ đơn giản là được thả nổi trong một bể với các điện cực gắn vào đầu. Nozick hỏi người đọc rằng anh ta có muốn đăng nhập vào chiếc máy hay không.
    Nozick nghĩ rằng chúng ta sẽ không tham gia, và kết luận rằng mọi người sẽ theo sau trực giác của mình rằng các kinh nghiệm lập trình như vậy là không có thật. Ông cho rằng mọi người không chỉ đơn thuần là muốn kinh nghiệm các hành động nhất định, mà họ thực sự muốn thực hiện chúng. Ví dụ, tôi không chỉ đơn thuần muốn trải nghiệm rằng tôi là một tiểu thuyết gia vĩ đại, mà tôi mốn trở thành một tiểu thuyết gia vĩ đại thực sự.
    Theo cách này chúng ta tin rằng đã đạt được từ ví dụ chiếc máy kinh nghiệm một sự chỉ trích đối với thuyết công lợi cổ điển? Ý tưởng vốn là giá trị căn bản làm nền tảng cho thuyết công lợi cổ điển được mô tả bởi Jeremy Bentham và John Stuart Mill là: hạnh phúc là sự tốt lành tối cao nhât và nội tại duy nhất. Nghĩa là, hạnh phúc là cái tốt, và là mục tiêu mà mọi cái tốt khác theo đuổi. Có lẽ sức hấp dẫn ban đầu của việc nhập vào chiếc máy của Nozick sẽ là sự hứa hẹn của việc đạt được sự khoái lạc. Tuy nhiên, kì cùng thì sự không sẵn lòng để đăng nhập dường như cho thất rằng chúng ta muốn điều gì đó khác ngoài hạnh phúc (hiểu ở đáy là sự khoái lạc) trong cuộc sống của chúng ta, dù đó có thể là tính thực tế hay tính xác thực. Do đó, rõ ràng rằng hạnh phúc không phải là sự thiện tối cao. Mặc dù điều này dường như là một đòn tấn công đáng kể vào thuyết công lợi cổ điển, song dường như không ảnh hưởng đến các hình thức khác thuyết công lợi như thuyết công lợi sở thích. Các nhà công lợi sở thích có thể tuyên bố rằng mọi người có thể không đi vào chiếc máy không phải vì họ quan tâm đến giá trị khác hơn hạnh phúc, nhưng vì họ thích trải nghiệm hạnh phúc chỉ thông qua một số phương tiện liên quan đến việc theo đuổi tích cực hạnh phúc và không chỉ đơn thuần là trải nghiệm nó. Ngoài ra, họ có thể nhìn hạnh phúc theo một cách phức tạp nhờ đó mà họ không chỉ đơn thuần là mong muốn sự hài lòng"thô thiển", mà muốn một dạng hạnh phúc sâu sắc.
    h. Điều kiện của Locke
    Có những giới hạn nào đối với số lượng các nguồn lực mà một số có thể sở hữu nhiều hơn so với những người khác, mà đảm bảo rằng sự phân bố về tài sản là cách công bằng, ngay cả theo sự phân phối của Nozick? Có một sự ràng buộc – đó là điều kiện của Locke. Trong khi Nozick không chấp nhận toàn bộ lý thuyết về sở hữu của Locke, ông sử dụng các bộ phận của nó điều chỉnh chúng cho phù hợp với lý thuyết của ông về quyền. Một trong những hạn chế nổi tiếng về sự tích lũy tài sản do Locke đặt ra đó là ta có thể sở hữu tài sản bao lâu mà còn để lại "đủ và tốt" cho người khác. Điều này ngăn cản sự độc quyền các hàng hóa cần thiết cho cuộc sống. Ví dụ, việc sở hữu các giếng nước duy nhất còn lại sẽ không được cho phép theo các điều khoản này.
    Tuy nhiên, Nozick tái diễn giải các điều kiện để chỉ ra rằng nếu việc chiếm hữu đầu tiên không làm cho bất cứ ai tồi tệ hơn so với sự sử dụng các nguồn lực trước đó, thì đó là một sự chiếm hữu công bằng. Nghĩa là, theo giải thích của Nozick về điều kiện, thì hoàn cảnh của người khác sau việc chiếm hữu sẽ không tồi tệ hơn hoàn cảnh của họ khi tài sản không được chiếm hữu.
    Sự giải thích thay thế này cho điều kiện của Locke chỉ để lại một sự giới hạn rất hạn chế đối với việc tích lũy tài sản. Do đó, dường như ngay cả với điều kiện sửa đổi của Locke đã bổ sung một số điều kiện đối với việc chiếm hữu các nguồn lực, thì lý thuyết quyền Nozick vẫn sẽ cho phép sự bất bình đẳng rất lớn trong một xã hội tự do.
    i. Không tưởng
    Phần thứ ba và là phần cuối cùng của Vô chính phủ, Nhà nước và Không tưởng bàn về chủ đề xã hội không tưởng và thường ít nhận được sự chú ý. Nhiều học giả đã lưu ý rằng phần này dường như là một nỗ lực của Nozick để làm cho bức tranh rất ảm đạm của quyền tư hữu (trong đó, nhà nước không tái phân phối, mà người nghèo chỉ được hỗ trợ bởi  các quyết định của các nhà hảo tâm tư nhân) trở thành một mô hình chính trị có khả năng truyền cảm hứng. Nhưng mục đích thứ hai của phần này hầu như là để cung cấp một luận điểm độc lập cho nhà nước tối thiểu.
    Nozick bắt đầu phần này bằng cách lưu ý rằng chúng ta có thể sử dụng hai phương pháp khác nhau để chỉ ra đâu là loại xã hội tốt nhất có thể sinh sống. Một phương pháp mà ông gọi là phương pháp "thiết kế" và phương pháp khác, ông gọi tên là phương pháp “bộ lọc”. Với phương pháp thiết kế Nozick hiểu là phương pháp vận dụng trí tuệ tập thể để chỉ ra đâu là loại xã hội tốt nhất có thể (ví dụ phương pháp của Rawls trong A Theory of Justice). Sau đó, nhóm có thể mô hình một xã hội dựa trên các ước nguyện phát sinh từ các các cân nhắc này. Tuy nhiên, Nozick hoài nghi về khả năng mô hình này có thể mang lại kết quả thành công. Ông không nghĩ rằng có một hình thức xã hội tốt nhất, công bằng cho tất cả mọi người. Con người rất phức tạp, với nhiều ý tưởng khác nhau về đặc điểm nào sẽ gắn liền với thế giới tốt nhất có thể. Để thực hiện điểm này, Nozick bảo chúng ta hãy tưởng tượng về một nhóm với các nhân vật lịch sử khác nhau (bao gồm Beethoven, Wittgenstein, Henry Ford, Thoreau, Elizabeth Taylor, và Moses). Nozick thách thức chúng ta xem xét liệu có thực sự có thể có một thế giới lý tưởng cho tất cả các cá nhân rất khác nhau này. Ít nhất, Nozick nói rằng hầu như điều này là không thể.
    Thay vào đó, ông quay sang khả năng sử dụng một thiết bị lọc và thúc đẩy ý tưởng về một loại meta-utopia (siêu không tưởng). Trong phương pháp lọc này, mọi người xem xét nhiều xã hội khác nhau và phê bình chúng, loại bỏ một số và thay đổi một số khác. Trong quá trình này, chúng ta có thể tưởng tượng mọi người đăng thử nghiệm các xã hội, rời bỏ chúng nếu họ thấy vô vọng hoặc thay đổi chúng nếu họ thấy chấp nhận được với một số sửa chữa. Như chúng ta có thể mong đợi, một số cộng đồng sẽ bị bỏ rơi, một số khác sẽ thịnh vượng, và một số sẽ tiếp tục nhưng không phải không có những cuộc đấu tranh. Vì vậy, meta-utopia này sẽ phục vụ như là một khuôn khổ hay nền tảng cho nhiều cộng đồng thử nghiệm. Tất cả sẽ được hình thành như các cộng đồng tự nguyện, do đó sẽ không có ai có quyền áp đặt một tầm nhìn không tưởng lên những người khác. Điều này bác bỏ hữu hiệu các cộng đồng "đế quốc" vốn xem nhiệm vụ của họ là giành quyền kiểm soát của các cộng đồng khác cho sự bành trướng riêng của nó. Một số nhà bình luận đã so sánh luận điểm phản đế quốc này trong khuôn khổ của xã hội không tưởng của Nozick với một phiên bản của thuyết tương đối văn hóa.
    Điểm mấu chốt trong khuôn khổ của Nozick cho một xã hội không tưởng là các công dân đồng thuận có thể liên kết với nhau hình thành các tiểu đơn vị chính trị và tự nguyện gia nhập vào bất cứ xã hội nào. Ví dụ, những người có cảm tình với công đoàn viên có thể chọn để phát triển một cộng đồng mà nhóm chỉ bao gồm người lao động. Trong thực tế, Nozick ngạc nhiên là kiểu tổ chức này đã không phát triển từ các thành viên của chính trị cánh tả những người lập luận rằng khái niệm về quyền sở hữu tài sản duy nhất công bằng là khái niệm cho rằng tài sản được sở hữu bởi tất cả mọi người trong một xã hội không giai cấp. Một nhóm khác, vốn quyết định một cách tập thể rằng một mạng lưới phúc lợi mạnh mẽ là điều cần thiết, có thể bỏ phiếu để đánh thuế cao đối với chính họ nhằm phân phối lại tài sản để giúp đỡ những người kém may mắn thông qua quyền đối với sự chăm sóc sức khỏe, chăm sóc trẻ em, hỗ trợ thất nghiệp, vv .
    Nozick cho rằng việc theo sau nguyên tắc chính trị của ông có thể dẫn đến một sự đa dạng rộng lớn của các khả năng chính trị khác nhau. Tất cả những gì cần thiết là một (hoặc nhiều) người tuyển chọn các thành viên tham gia vào một hiệp hội gồm các  công dân tử tế những người tự nguyện đồng ý tuân theo các quy định của cộng đồng mới của họ. Chú ý rằng không có sự vi phạm quyền ở đây. Miễn là tất cả đồng ý với các quy tắc của nhóm, họ có thể đồng ý để hình thành một xã hội mà trông giống như các nền dân chủ xã hội của các nước Bắc âu. Tương tự như vậy, dường như có thể là cá nhân có thể tham gia để hình thành cộng đồng phi tự do. Các yêu cầu tối thiểu liên quan đến ý tưởng là không ai có thể bị ép buộc hoặc bị lừa gạt để tham tham gia vào. Ngoài ra, nếu ai đó có thất vọng với tổ chức chính trị hiện nay của anh ta, thì anh ta phải có quyền ra khỏi.
    Một số nhà bình luận đã cho rằng, tốt nhất nên nghĩ về tầm nhìn không tưởng của Nozick ở đây theo kiểu tổ chức liên bang. Các nhà nước tối thiểu sẽ thay thế cho chính phủ liên bang. Các thực thể chính trị nhỏ hơn, chẳng hạn như các tiểu bang hoặc tỉnh có thể được phát triển trong đó sẽ bao gồm các nhóm công dân, những người tự nguyện đồng ý với một tập hợp riêng biệt các lý tưởng chính trị của riêng họ. Ngoài ra, việc suy tư về những phương pháp tốt nhất cho phép các cá nhân đạt được khát vọng không tưởng riêng của họ dẫn chúng ta đến một lập luận riêng ủng hộ cho nhà nước tối thiểu. Vì nếu chúng ta đồng ý với Nozick rằng phương pháp lọc là cách tốt nhất cho các cá nhân để thực hiện ước mơ không tưởng của họ, thì họ nên ủng hộ quan niệm của ông về một nhà nước tối thiểu. Kì cùng, thì đâu là khuôn khổ cho xã hội không tưởng mà không phải là một nhà nước tối thiểu? Chú ý rằng trong phần cuối cùng của Vô chính phủ, Nhà nước và Không tưởng, nhà nước tối thiểu không được bảo bệ trên cơ sở các quyền cá nhân. Thay vào đó, nhà nước tối thiểu ở đây cung cấp một khuôn khổ chính trị, mà tôn trọng sự đa dạng và cho phép các cá nhân khác nhau theo đuổi những quan niệm riêng của họ về những điều tốt đẹp. Nozick nghĩ rằng điều này cần được coi là một lợi thế lớn để ủng hộ các nguyên tắc tự do cá nhân cũng như là một nền tảng hay một khuôn khổ cho sự tổ chức chính trị.
    (hết)
    Nguồn: Nguồn: http://www.iep.utm.edu/noz-poli/
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org