Jerry Z.
Muller
Trần Ngọc Cư
dịch
Đời sống trong nền kinh tế hậu công nghiệp
Đối với nhân
loại nói chung, cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 là một thời kỳ tiến bộ ngoạn mục,
một phần không nhỏ nhờ vào sự bành trướng của chủ nghĩa tư bản trên toàn cầu.
Tiến trình tự do hóa kinh tế (economic liberalization) tại Trung Quốc, Ấn Độ,
Brazil, Indonesia, và các nước khác trong thế giới đang phát triển đã cho phép
hàng trăm triệu người thoát khỏi cảnh nghèo đói cùng cực và tiến lên giai cấp
trung lưu. Trong khi đó, người tiêu thụ tại các nước tư bản tiên tiến hơn, như
Hoa Kỳ chẳng hạn, đã và đang được hưởng sự giảm giá cực lớn của nhiều mặt hàng,
từ quần áo đến máy truyền hình, và có thể mua sắm cả một biển hàng hóa mới mẻ,
những thứ đã biến đổi cuộc đời họ.
Nhưng đáng
chú ý hơn cả có lẽ là những biến đổi trong các phương tiện trau dồi kiến thức bản
thân (self-cultivation). Như nhà kinh tế Tyler Cowen nhận xét, phần lớn thành
quả của những phát triển gần đây “nằm trong đầu và trong những chiếc laptop của
chúng ta nhiều hơn nằm trong khu vực kinh tế sinh ra doanh thu”. Do đó, “phần lớn
giá trị của Internet được cảm nhận ở mức độ cá nhân và vì thế không bao giờ xuất
hiện trong những số liệu chỉ năng suất”. Nhiều cuộc trình diễn âm nhạc vĩ đại của
thế kỷ 20, đủ mọi thể loại, có thể được thưởng thức miễn phí trên YouTube. Nhiều
bộ phim xuất sắc của thế kỷ 20, mà ngày trước chỉ thỉnh thoảng mới được trình
chiếu tại các trung tâm nghệ thuật ở một vài vùng đô thị lớn, bây giờ có thể được
xem bởi bất cứ ai vào bất cứ lúc nào với một lệ phí hàng tháng rất thấp. Chẳng
bao lâu nữa, thư viện của các đại học lớn sẽ mở cửa trực tuyến cho toàn thế giới;
và tiếp theo đó, những cơ hội chưa từng có trong việc phát triển đời sống cá
nhân sẽ diễn ra.
Tuy nhiên, tất
cả sự tiến bộ này vẫn bị ám ảnh bởi hai đặc điểm bất diệt của chủ nghĩa tư bản:
đó là, tình trạng bất bình đẳng và bất an kinh tế. Ngay từ năm 1973, nhà xã hội
học Daniel Bell đã nhận xét rằng trong thế giới tư bản tiên tiến, tri thức,
khoa học, và công nghệ đang thúc đẩy một cuộc chuyển đổi sang cái mà ông gọi là
“xã hội hậu công nghiệp (postindustrial society)”. Cũng như ngành chế tạo hàng
hoá trước đó đã thay thế nông nghiệp làm nguồn thu dụng nhân công chính, ông lý
luận, khu vực dịch vụ (the service sector) hiện đang thay thế khu vực chế tạo.
Trong một nền kinh tế tri thức hậu công nghiệp, việc sản xuất các mặt hàng chế
tạo dựa trên đầu vào công nghệ (technological inputs) nhiều hơn dựa vào kỹ năng của những công nhân thực sự
xây dựng và lắp ráp sản phẩm. Điều này ngụ ý một sự suy giảm nhu cầu đối với
các công nhân nhà máy có kỹ năng (skilled) và bán kỹ năng (semiskilled) và sự
xuống cấp về giá trị kinh tế của họ – cũng như trước đó đã có sự suy giảm nhu cầu
đối với người làm nghề nông và sự xuống cấp giá trị của họ. Trong một nền kinh
tế hậu công nghiệp, những kỹ năng được đòi hỏi gồm tri thức khoa học kỹ thuật
và khả năng sử dụng thông tin. Trong khi đó, cuộc cách mạng công nghệ thông tin
ào ạt diễn ra trong nền kinh tế trong vài thập kỷ gần đây chỉ càng thúc đẩy mạnh
mẽ những xu thế này.
Một ảnh hưởng
nghiêm trọng do sự trỗi dậy của nền kinh tế hậu công nghiệp liên quan đến địa vị
và vai trò của nam giới và nữ giới. Lợi thế tương đối của nam giới trong các nền
kinh tế tiền công nghiệp và công nghiệp (preindustrial and industrial
economies) phần lớn nằm ở sức mạnh thể lực lớn hơn của họ – một điều mà bây giờ
ngày càng ít cần đến. Trái lại, nữ giới hoặc do cấu tạo sinh học hoặc qua giao
tiếp xã hội, có được một lợi thế tương đối về kỹ năng ứng xử và trí tuệ xúc cảm
(emotional intelligence), những đức tính ngày càng trở nên quan trọng trong một
nền kinh tế hướng tới dịch vụ hơn là hướng tới sản xuất vật dụng. Bộ phận kinh
tế mà người phụ nữ có thể tham gia đã mở rộng, và lao động của họ đã trở nên có
giá trị hơn trước – điều này ngụ ý rằng, nếu họ dùng thì giờ cho việc nội trợ
thì họ sẽ mất đi những khả năng thuận lợi trong lực lượng lao động được trả
lương. Điều đó dẫn đến sự thay thế ngày càng phổ biến các hộ gia đình chồng đi
kiếm cơm-vợ lo nội trợ (male breadwinner-female homemaker households) bằng hộ
gia đình có hai nguồn thu nhập (dual-income households). Những người ủng hộ
cũng như những người đả kích việc thu dụng phụ nữ vào nền kinh tế được trả
lương có xu thế nhấn mạnh quá đáng vai trò của các cuộc tranh đấu ý thức hệ về
nữ quyền trong sự thay đổi này, trong khi đánh giá quá thấp vai trò của những
thay đổi trong bản chất của tiến trình sản xuất tư bản chủ nghĩa. Việc tái triển
khai lao động phụ nữ ra khỏi hộ gia đình được thể hiện một phần nhờ sự xuất hiện
của những hàng hoá mới, những hàng hóa đã cắt giảm thì giờ lao động cần thiết
trong gia đình (như máy giặt, máy sấy, máy rửa chén, bình nóng lạnh, máy hút bụi,
lò vi sóng). Chính việc dành nhiều thì giờ hơn cho hoạt động thị trường đã làm
nảy sinh nhu cầu mới đối với những mặt hàng tiêu thụ trong gia đình ít đòi hỏi
công sức (như thức ăn gói sẵn và làm sẵn), đồng thời thúc đẩy sự bành trướng của
việc ăn nhà hàng và thức ăn nhanh. Và điều này đã dẫn đến tiến trình thương phẩm
hóa dịch vụ chăm sóc (the commodifiation of care) – khi trẻ em, người cao niên,
và người tàn tật ngày càng được chăm sóc không phải bởi người thân, mà bởi những
người được trả lương.
Xu thế người
phụ nữ được học hành nhiều hơn và thành đạt hơn trong nghề nghiệp đi đôi với việc
thay đổi chuẩn mực xã hội trong việc lựa chọn người hôn phối. Trong thời đại
hôn nhân với mô hình chồng kiếm cơm-vợ lo việc nhà, người phụ nữ có khuynh hướng
coi trọng khả năng kiếm tiền trong việc lựa chọn người hôn phối. Về phần mình,
người đàn ông đánh giá những khả năng nội trợ của người vợ tương lai cao hơn những
thành đạt nghề nghiệp của họ. Không phải là chuyện bất thường khi đàn ông hay
đàn bà lấy một người có cùng trình độ trí thức, nhưng vào thời đó đàn bà có xu
thế lấy đàn ông có trình độ giáo dục và thành đạt kinh tế cao hơn mình. Khi
kinh tế chuyển từ một nền kinh tế công nghiệp sang một nền kinh tế dịch vụ và
thông tin hậu công nghiệp, phụ nữ đã sánh vai cùng nam giới trong nỗ lực giành
sự công nhận xã hội qua các công việc được trả lương, do đó một cặp vợ chồng cần
mẫn tiêu biểu hiện nay ngày càng là hai người đồng đẳng (peers), với trình độ
giáo dục ngang hàng hơn trước và mức thành đạt kinh tế tương đương hơn trước –
một tiến trình được gọi là “assortative mating” [“trao duyên phải lứa, gieo cầu
đúng nơi”- Kiều].
Tình trạng bất bình đẳng trên đà gia tăng
Những xu thế
xã hội hậu công nghiệp này đã tác động đáng kể lên tình trạng bất bình đẳng hiện
nay. Nếu thu nhập gia đình tăng lên gấp đôi ở mỗi nấc thang kinh tế, thì tổng số
thu nhập của những gia đình ở những nấc thang cao hơn chắc chắn tăng nhanh hơn
tổng số thu nhập của những gia đình ở những nấc thang bên dưới. Nhưng đối với một
bộ phận đáng kể những hộ gia đình ở phần dưới của chiếc thang, thu nhập gia
đình không thể nào tăng gấp đôi được – vì khi lương tương đối của phụ nữ được
tăng lên và lương tương đối của giới nam công nhân ít học bị giảm sút, thì giới
đàn ông này bị coi là càng ngày càng khó lấy vợ. Thông thường, những hạn chế về
vốn con người (human capital) khiến những người đàn ông này khó kiếm được việc
làm và biến họ trở thành những đối tượng ít được mong muốn. Và những đặc điểm
nhân cách của những người đàn ông thất nghiệp kinh niên đôi khi cũng xuống cấp
theo. Với đồng lương càng kém cỏi mang về cho gia đình, những người đàn ông này
càng bị coi là ít cần thiết – một phần vì ngày nay đàn bà có thể trông cậy vào
những trợ cấp của nhà nước phúc lợi như một nguồn thu nhập độc lập phụ trội, dù
ít ỏi bao nhiêu chăng nữa.
Tại Hoa Kỳ,
một trong những phát triển nổi bật nhất của các thập kỷ gần đây là tiến trình
giai cấp hóa các mô hình hôn nhân giữa các tầng lớp và các nhóm sắc tộc khác
nhau trong xã hội. Khi luật ly dị được nới lỏng vào những năm 1960, tỉ lệ ly dị
đã gia tăng trong mọi tầng lớp xã hội. Nhưng vào khoảng thập niên 1980, một mô
hình mới đã xuất hiện: tỉ lệ ly dị bắt đầu giảm trong những bộ phận dân chúng
có học, trong khi tỉ lệ ly dị trong những bộ phận dân số thiếu học vẫn tiếp tục
tăng. Hơn nữa, những người có học và khá giả thường có khả năng lấy vợ lấy chồng
hơn, trong khi những người thiếu học ít có khả năng này. Vì gia đình đóng vai
trò là nơi tạo ra vốn con người, những xu thế trên có hậu quả nghiêm trọng lây
lan sang tình trạng bất bình đẳng trong xã hội. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng
trẻ em được cả cha lẫn mẹ nuôi dạy trong một cuộc hôn nhân không gián đoạn có
khả năng phát triển tinh thần kỷ luật và lòng tự tin hơn, để chuẩn bị cho những
thành công trong đời, trong khi trẻ em – và nhất là con trai – được nuôi trong
các hộ gia đình chỉ có một người cha hay mẹ đơn chiếc (hay, tồi tệ hơn nữa, những
hộ gia đình với một người mẹ có những quan hệ tạm bợ) thường chịu rủi ro nhận
lãnh những hậu quả xấu cao hơn.
Tất cả sự thể
này đã và đang diễn ra trong một thời kỳ mà cơ hội đồng đều trong việc tiếp cận
giáo dục và tiến trình phân cấp (stratification) các phần thưởng kinh tế thị
trường đang gia tăng – cả hai diễn biến này đã nâng cao tầm quan trọng của vốn
con người. Một yếu tố của vốn con người là khả năng nhận thức (cognitive
ability): sự nhanh trí, khả năng suy luận và áp dụng các mô hình rút từ kinh
nghiệm, và khả năng đối phó với tính phức tạp trí tuệ. Một yếu tố khác là nhân
cách và các kỹ năng xã hội: tinh thần kỷ luật, đức tính kiên trì, và tinh thần
trách nhiệm [còn được gọi là noncognitive skills, ND]. Yếu tố thứ ba là kiến thức
thực có (actual knowledge). Tất cả những yếu tố này của vốn con người đang ngày
càng trở nên tối quan trọng cho sự thành công trong thị trường hậu công nghiệp.
Như nhà kinh tế Brink Lindsey nhận xét trong cuốn sách gần đây của ông, Human
Capitalism (Chủ nghĩa tư bản nhân văn), từ năm 1973 đến năm 2001, tăng trưởng lợi
tức trung bình hàng năm là 0,3% cho những người thuộc 1/5 thấp nhất trong bản
phân phối lợi tức Hoa Kỳ, so với 0,8% cho những người thuộc 1/5 ở giữa và 1,8%
cho những người thuộc 1/5 cao nhất trong bản phân phối. Những mô hình khá tương
tự cũng chiếm lĩnh tại nhiều nền kinh tế tiên tiến khác.
Tiến trình
toàn cầu hóa không phải là nguyên nhân gây ra, nhưng nó góp phần đẩy mạnh mô
hình bất bình đẳng ngày càng tăng về phân phối lợi tức tương ứng với vốn con
người nêu trên Chuyên gia kinh tế Michael Spence đã phân biệt hàng hoá và dịch
vụ “mậu dịch” (tradable), tức những thứ có thể xuất khẩu và nhập khẩu dễ dàng,
và những hàng hóa và dịch vụ “phi mậu dịch” (untradable), tức những thứ không
thể xuất nhập khẩu. Ngày càng nhiều, những hàng hóa và dịch vụ mậu dịch được nhập
vào các xã hội tư bản tiên tiến từ các xã hội tư bản kém tiên tiến, là nơi giá
lao động thấp hơn. Khi các hàng chế tạo và các dịch vụ thông dụng được đưa ra sản
xuất ở nước ngoài (outsourced) thì đồng lương công nhân thiếu tay nghề và thiếu
học tại các xã hội tư bản tiên tiến sẽ xuống thấp hơn nữa, trừ phi những người
này có thể tìm được việc làm khấm khá trong khu vực hàng hóa-dịch vụ không thể
xuất nhập khẩu (the untradable sector).
Tác động của tài chính hiện đại
Trong khi
đó, tình trạng bất bình đẳng kinh tế hiện đang gia tăng đã trở nên nghiêm trọng
hơn do chính nỗi bất an và lo lắng cũng đang gia tăng của những người ở nấc
thang kinh tế cao hơn. Một xu thế ảnh hưởng đến vấn đề này là tiến trình tài
chính hóa nền kinh tế, chủ yếu diễn ra tại Mỹ, hiện đang tạo ra cái mà nhà kinh
tế Hyman Minsky mệnh danh là “chủ nghĩa tư bản quản lý tiền” (money manager
capitalism) và được chuyên gia tài chính Alfred Rappaport gọi là “chủ nghĩa tư
bản môi giới” (agency capitalism).
Đến tận thập
niên 1980, tài chính tuy là một yếu tố cần thiết nhưng hạn chế trong nền kinh tế
Hoa Kỳ. Việc mua bán cổ phiếu (thị trường chứng khoán) gồm các nhà đầu tư cá
nhân, lớn hoặc nhỏ, bỏ tiền của chính mình vào cổ phần các công ty mà họ tin là
có viễn ảnh dài hạn tốt đẹp. Vốn đầu tư thời bấy giờ cũng có thể xuất phát từ
các ngân hàng đầu tư chính của Wall Street hay của các nước khác; đây là những
công ty tư nhân trong đó tiền của người hùn vốn có thể chịu rủi ro mất mát. Tất
cả điều này bắt đầu thay đổi khi các quỹ vốn chung lớn hơn được đem ra đầu tư
và được các nhà quản lý tiền chuyên nghiệp (professional money managers) chứ
không do bản thân các chủ vốn ấy triển khai trên thị trường.
Một nguồn vốn
mới mẻ thuộc loại này là các quĩ hưu trí (pension funds). Trong những thập kỷ hậu
chiến, khi các công nghiệp quan trọng của Hoa Kỳ ra đời từ Thế chiến II như là
những tập đoàn có sức mạnh độc quyền (oligopolies) ít gặp cạnh tranh và có thị
trường to lớn bành trướng ở bên trong cũng như bên ngoài nước Mỹ, lợi nhuận và
viễn ảnh tương lai của những công ty này đã cho phép chúng cung ứng cho nhân
viên của mình những chương trình hưu trí trong đó quyền lợi công nhân được qui
định rõ ràng và công ty gánh chịu mọi rủi ro. Nhưng, từ thập niên 1970, vì môi
trường kinh tế Hoa Kỳ trở nên giầu cạnh tranh hơn trước, lợi nhuận của các tập
đoàn cũng trở nên bấp bênh hơn, và các công ty (cũng như nhiều tổ chức trong
khu vực công) cố gắng chuyển hướng sự rủi ro bằng cách đặt các quỹ hưu trí vào
tay các nhà quản lý tiền chuyên nghiệp, tức những chuyên gia được người ta kỳ vọng
sẽ tạo ra lợi nhuận đáng kể. Lợi tức hưu trí của nhân viên không còn tùy thuộc
vào lợi nhuận của các công ty họ từng phục vụ mà tùy thuộc vào số phận của các
quỹ hưu trí.
Một nguồn vốn
mới mẻ khác là các quỹ tài trợ (emdowments) cho các đại học và các tổ chức phi
lợi nhuận thời gian đầu nhờ quyên góp (donations) mà phát triển, nhưng càng
ngày người ta càng kỳ vọng chúng sẽ tăng trưởng hơn nữa nhờ thành tích của việc
đầu tư chúng vào thị trường. Và còn có một nguồn vốn mới mẻ hơn nữa phát xuất từ
các cá nhân và chính phủ trong thế giới đang phát triển, nơi mà sự tăng trưởng
kinh tế nhanh chóng, kết hợp với một xu thế tiết kiệm cao và một ước muốn bỏ vốn
vào các dự án đầu tư tương đối an toàn, đã dẫn đến những luồng tiền to lớn chảy
vào hệ thống tài chính Hoa Kỳ.
Được thúc đẩy
một phần bởi những cơ hội mới mẻ này, các ngân hàng đầu tư truyền thống của
Wall Street đã tự biến mình thành những tập đoàn có cổ phần được mua bán công
khai trên sàn giao dịch – nghĩa là, những ngân hàng này bắt đầu đầu tư không những
với ngân quỹ của chính mình mà còn với tiền của người khác – và ràng buộc tiền
thưởng dành cho các đối tác và nhân viên của mình vào lợi nhuận hàng năm. Tất cả
sự kiện này đã tạo ra một hệ thống tài chính cạnh tranh cao độ, bị khống chế bởi
những nhà quản lý đầu tư có khả năng điều động những lượng vốn hùn hạp to lớn,
và thù lao của họ tùy thuộc vào khả năng mang lại thành tích vượt trội hơn những
người cùng địa vị. Cơ cấu tưởng thưởng trong môi trường này đã thúc đẩy các nhà
quản lý quỹ đầu tư cố gắng tối đa hóa lợi nhuận ngắn hạn (maximize short-term
returns), và sức ép này đã phần nào đổ xuống lãnh đạo các tập đoàn. Khung thời
gian bị thu hẹp đã tạo ra một cám dỗ là phải thúc đẩy lợi nhuận trước mắt, bất
chấp cả những đầu tư dài hạn, dù đó là lãnh vực nghiên cứu phát triển (research
and development) hay đó là việc cải thiện các kỹ năng của lực lượng lao động
trong một công ty. Đối với cả giới quản lý lẫn nhân viên, hậu quả của nỗ lực đầu
tư này là một tình trạng xáo trộn thường xuyên làm gia tăng khả năng mất việc
và bất an kinh tế.
Một nền kinh
tế tư bản tiên tiến hẳn nhiên cần đến một khu vực tài chính rộng lớn. Một phần
của điều đó là việc đơn giản nới rộng sự phân công lao động: giao các quyết định
liên quan đến đầu tư cho các chuyên gia có nghĩa là cho phép phần còn lại trong
dân chúng có được không gian trí tuệ (the mental space) để theo đuổi những gì
mà họ thành thạo hơn hay quan tâm nhiều hơn. Tính phức tạp ngày càng gia tăng của
các nền kinh tế tư bản ngụ ý rằng doanh nhân và lãnh đạo các tập đoàn cần đến
người giúp đỡ trong việc quyết định thời điểm và phương cách gây vốn. Và các
công ty quản lý đầu tư (private equity firms) mà quyền lợi gắn liền với sự gia
tăng giá trị thực (real value) của các hãng mà chúng đầu tư, đóng vai trò chủ yếu
trong việc đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế. Những vấn đề này, vốn là mối bận tâm
chính đáng của các nhà tài chính, thường đưa đến những hậu quả quan trọng, và
muốn xử lý chúng thì phải cần đến thông minh, cần mẫn, và động lực. Vì thế, chẳng
phải là một điều đáng ngạc nhiên hay là một điều ngoài ý muốn khi các chuyên
gia trong lãnh vực này được trả lương rất hậu. Nhưng dù những lợi ích và giá trị
xã hội liên lũy của nó là gì đi nữa, tiến trình tài chính hóa xã hội (the
financialization of society) vẫn mang lại một số hậu quả đáng tiếc, cả trong việc
gia tăng tình trạng bất bình đẳng bằng cách nâng cấp giới chóp bu trên chiếc
thang kinh tế (thông qua những phần thưởng phi thường mà giới quản lý tài chính
nhận được), lẫn trong việc gia tăng tình trạng bất an kinh tế cho những thành
phần ở nấc thang thấp hơn (thông qua việc tập trung cao độ vào thành tích kinh
tế ngắn hạn mà phải loại bỏ các quan tâm dài hạn khác).
________________
Jerry Z.
Muller là Giáo sư Sử học tại Catholic University of America và là tác giả cuốn
The Mind and the Market: Capitalism in Western Thought (Trí tuệ và Thị trường:
Chủ nghĩa Tư bản trong Tư tưởng phương Tây).
Nguồn: http://www.procontra.asia/?p=2645