Jerry Z. Muller
Trần Ngọc Cư dịch
Cuộc tranh luận chính trị gần đây tại
Hoa Kỳ và các nước dân chủ tư bản tiên tiến khác bị chi phối bởi hai vấn đề: sự
gia tăng tình trạng bất bình đẳng kinh tế và mức độ can thiệp của chính phủ nhằm
đối phó vấn đề này. Như cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm 2012 và những đấu đá
chính trị về “bờ vực ngân sách” (the fiscal cliff) đã cho thấy, trọng tâm của
cánh Tả hiện nay được dồn vào việc tăng thuế và chi tiêu của chính phủ, chủ yếu
để đẩy lùi tình trạng phân hóa giai cấp xã hội đang ngày một gia tăng; trong
khi đó, trọng tâm của cánh Hữu được đặt vào việc giảm thuế và cắt giảm chi
tiêu, chủ yếu để đảm bảo tính năng động kinh tế. Bên này xem nhẹ những mối quan
tâm của bên kia, và mỗi bên đều tỏ ra tin tưởng rằng những chính sách mà mình
mong muốn có khả năng đảm bảo sự thịnh vượng và ổn định xã hội. Cả hai bên đều
sai lầm.
Tình trạng bất bình đẳng đang thực sự
gia tăng gần như khắp nơi trong thế giới tư bản hậu công nghiệp
(postindustrial). Và dù cho nhiều người bên cánh Tả có nghĩ gì đi nữa, đây không
phải là hậu quả chính trị, và chính trị không thể đảo ngược được nó, vì vấn đề
này có gốc rễ sâu xa và bất trị hơn người ta có thể dễ dàng nhận ra. Bất bình đẳng
kinh tế là một sản phẩm tất yếu của sinh hoạt tư bản chủ nghĩa, và việc mở rộng
cánh cửa bình đẳng về cơ hội cũng chỉ làm tăng thêm tình trạng bất bình đẳng
kinh tế mà thôi – vì một số cá nhân và một số cộng đồng giản dị là có khả năng
hơn các cá nhân và cộng đồng khác trong việc khai thác những cơ hội mà chủ
nghĩa tư bản cung ứng để phát triển và thăng tiến trong đời. Tuy nhiên, dù cho
nhiều người bên cánh Hữu có nghĩ gì đi nữa, đây là một vấn đề chung cho tất cả
mọi người, chứ không riêng gì cho những người làm ăn thất bát hay những người,
trên bình diện ý thức hệ, quyết theo đuổi chủ nghĩa bình quân – bởi vì nếu
không được giải quyết, tình trạng bất bình đẳng và bất an kinh tế ngày một gia
tăng có thể xói mòn trật tự xã hội và tạo ra một một phản ứng dân túy
(populist) quật ngược lại hệ thống tư bản chủ nghĩa nói chung.
Trong vài thế kỷ qua, sự bành trướng
của chủ nghĩa tư bản đã tạo ra một bước nhảy vọt vĩ đại trong tiến bộ loài người,
vừa đưa đến những tăng trưởng về mức sống vật chất mà trước đó không ai tưởng
tượng nổi, vừa đưa đến sự phát triển mọi tiềm năng chưa từng thấy của con người.
Nhưng, tính năng động nội tại trong bản thân chủ nghĩa tư bản lại tạo ra một
tình trạng bất an đi kèm với những lợi lộc mà nó mang lại, vì thế sự tiến triển
của chủ nghĩa này luôn luôn gặp chống đối. Thật ra, phần lớn lịch sử chính trị
và cơ chế của những xã hội tư bản là lịch sử của những nỗ lực làm giảm bớt hoặc
ngăn cản tình trạng bất an ấy, và chính việc tạo ra nhà nước phúc lợi (the
welfare state) giữa thế kỷ 20 cuối cùng đã giúp chủ nghĩa tư bản và thể chế dân
chủ cùng tồn tại tương đối hài hòa.
Trong những thập kỷ gần đây, những
phát triển trong lãnh vực công nghệ, tài chánh, và thương mại quốc tế đã tạo ra
những làn sóng và hình thái bất an mới cho những nền kinh tế tư bản hàng đầu,
làm cho đời sống ngày càng trở nên bất bình đẳng và nhiều rủi ro hơn, không những
cho các tầng lớp hạ lưu và giới lao động mà còn cho một bộ phận không nhỏ của
giai cấp trung lưu. Cánh Hữu gần như nhắm mắt làm ngơ trước vấn đề này, trong
khi cánh Tả ra sức loại bỏ nó bằng hành động của chính phủ, bất chấp phí tổn
ngân sách. Cả hai đường lối này đều không khả thi trong dài hạn. Các thể chế tư
bản đương đại cần phải chấp nhận rằng tình trạng bất bình đẳng và bất an kinh tế
sẽ tiếp tục là kết quả tất yếu của các hoạt động thị trường và phải tìm cách
che chắn người dân khỏi những hậu quả nghiêm trọng của chúng – đồng thời bằng một
cách nào đó vẫn duy trì được tính năng động vốn tạo ra những lợi ích kinh tế và
văn hóa to lớn của chủ nghĩa tư bản.
Thương phẩm hóa (Commodification) và
bồi dưỡng văn hóa
Chủ nghĩa tư bản là một hệ thống gồm
các quan hệ kinh tế và xã hội được xác định bởi quyền tư hữu, bởi việc trao đổi
hàng hóa và các dịch vụ do những cá nhân tự do, và bởi việc sử dụng các cơ chế
thị trường để kiểm soát việc sản xuất và phân phối hàng hóa và dịch vụ. Một số
yếu tố tư bản chủ nghĩa đã tồn tại trong xã hội loài người qua nhiều thời đại,
nhưng mãi đến thế kỷ 17 và 18, tại nhiều nước châu Âu và thuộc địa của chúng tại
Bắc Mỹ, các yếu tố này mới kết hợp thành lực lượng. Suốt lịch sử trước đó, gần
như mọi hộ gia đình đều tiêu thụ hầu hết những thứ tự mình sản xuất ra và sản
xuất hầu hết những thứ mà mình tiêu thụ. Mãi đến thời điểm này, đại đa số dân
chúng tại một số nước mới bắt đầu mua hầu hết những thứ mà họ tiêu thụ và họ
làm được điều này nhờ số tiền họ thu được từ việc bán hầu hết những thứ mà họ sản
xuất.
Sự phát triển các hộ gia đình theo định
hướng thị trường (market-oriented households) và cái gọi là “xã hội thương mại”
có ý nghĩa sâu sắc đối với mọi khía cạnh của sinh hoạt loài người. Trước khi có
chủ nghĩa tư bản, đời sống con người bị chi phối bởi những định chế truyền thống
luôn luôn đặt những lựa chọn và định mệnh của cá nhân dưới sự khống chế của các
cơ cấu cộng đồng, chính trị, và tôn giáo khác nhau. Những định chế này cho phép
xã hội thay đổi ở mức tối thiểu, ngăn cản không cho người dân tiến bộ nhiều
nhưng đồng thời cũng che chắn họ khỏi những dâu bể của cuộc đời. Sự ra đời của
chủ nghĩa tư bản cho các cá nhân nhiều khả năng làm chủ và chịu trách nhiệm về
cuộc đời mình hơn bao giờ hết – điều này vừa khai phóng vừa đáng sợ, khiến cả
tiến bộ lẫn thoái hóa đều có thể.
Thương phẩm hóa (commodification) – sự
chuyển đổi các hoạt động được thực hiện để sử dụng riêng tư thành các hoạt động
được thực hiện để bán trên thị trường mở rộng – cho phép dân chúng sử dụng thì
giờ hiệu quả hơn, chuyên biệt hóa trong việc sản xuất những thứ mà họ tương đối
rành nghề và mua các thứ khác từ người khác. Các hình thái thương mại và chế tạo
mới đã sử dụng sự phân công (division of labor) để sản xuất những mặt hàng gia
dụng thông thường với giá rẻ và cũng tạo ra một loạt hàng hóa mới. Như sử gia
Jan de Vries nhận xét, kết quả của sự kiện này là điều mà người đương thời gọi
là “một sự đánh thức những thèm khát của trí óc” – nới rộng những sở thích cá
nhân và tạo ra một cảm thức chủ quan mới mẻ về các nhu cầu. Sự bành trướng nhu
cầu đang diễn ra hiện nay đã từng bị những người bài bác chủ nghĩa tư bản từ
Rousseau đến Marcuse đả kích là đã giam hãm con người trong chiếc lồng làm bằng
những ham muốn phản tự nhiên (unnatural desires). Nhưng nó lại được những người
bênh vực kinh tế thị trường từ Voltaire trở về sau ca ngợi là đã mở rộng tiềm
năng của con người. Theo quan điểm này, nỗ lực phát triển và đáp ứng những đòi
hỏi và nhu cầu cao hơn là yếu tính (essence) của văn minh.
Vì có khuynh hướng coi các thương phẩm
(commodities) là vật thể hữu hình, chúng ta thường bỏ qua cái mức độ mà việc tạo
ra và phân phối ngày càng rẻ các thương phẩm văn hóa mới đã mở rộng, những gì
mà ta có thể gọi là “các phương tiện trau dồi bản thân” (the means of self-cultivation).
Vì lịch sử của chủ nghĩa tư bản cũng là lịch sử phát triển truyền thông, thông
tin, và giải trí – vừa là phương tiện vừa là đối tượng của tư duy (things to
think with, and about).
Trong số những thương phẩm hiện đại
xuất hiện sớm nhất, phải kể đến các ấn phẩm (ví dụ đầu tiên là cuốn Kinh
Thánh), và việc chúng ngày một rẻ và dễ kiếm còn có ý nghĩa lịch sử hơn cả sự
phát triển của máy nổ, chẳng hạn. Điều này cũng đúng với sự phổ biến của giấy
in, cho phép nhật báo và tạp chí ra đời. Những phát kiến này lại làm phát sinh
các thị trường mới về thông tin và nghề thu thập và phân phối tin tức. Vào thế
kỷ 18, việc đưa tin từ Ấn Độ đếnLondonphải mất hàng tháng; ngày nay, chỉ cần
trong chốc lát. Sách báo và tin tức đã giúp nới rộng không những tầm hiểu biết
mà còn phát triển trí tưởng tượng của chúng ta, khả năng thông cảm với đồng loại
và tưởng tượng như thể chính bản thân chúng ta đang được sống trong những lối sống
tân kỳ. Chủ nghĩa tư bản và tiến trình thương phẩm hóa vì vậy đã thúc đẩy cả chủ
nghĩa nhân đạo lẫn các hình thức mới mẻ trong việc tự phát minh chính mình (new
forms of self-invention).
Trong thế kỷ vừa qua, các phương tiện
bồi dưỡng văn hoá được phát triển nhờ việc phát minh máy ghi âm, phim ảnh, và
truyền hình, và cùng với sự trỗi dậy của Internet và máy vi tính trong nhà, những
chi phí của việc tiếp thu kiến thức và văn hoá đã giảm bớt nhanh chóng. Đối với
những người nằm trong xu thế này, việc phát triển các phương tiện bồi dưỡng văn
hóa đã tạo điều kiện mở mang kiến thức của con người ở mức gần như không thể tưởng
tượng nổi.
Gia đình đóng vai trò quan trọng
Tuy nhiên, nếu chủ nghĩa tư bản đã mở
ra nhiều cơ hội hơn bao giờ hết cho sự phát triển tiềm năng con người, thì
không phải ai cũng có thể tận dụng những cơ hội ấy hay có thể tiến xa hơn nữa
sau khi nắm được cơ hội. Chẳng hạn, lịch sử đã chứng minh, nhiều rào cản chính
thức hoặc không chính thức đối với sự bình đẳng về cơ hội đã ngăn cản nhiều bộ
phận dân chúng khác nhau – như phụ nữ, dân tộc thiểu số, và giới nghèo – không
cho phép họ hưởng đầy đủ tất cả những gì mà chủ nghĩa tư bản cống hiến. Nhưng
qua thời gian, trong thế giới tư bản tiên tiến, những rào cản ấy đã dần dần được
hạ thấp hay tháo gỡ, nhờ vậy ngày nay người ta có thể tiếp cận cơ hội đồng đều
hơn bao giờ hết. Tình trạng bất bình đẳng đang tồn tại ngày nay, do đó, phát
sinh vì thiếu cơ hội đồng đều thì ít, mà
vì khả năng không đồng đều trong việc khai thác cơ hội thì nhiều. Và khả năng
không đồng đều đó lại phát xuất từ những khác biệt trong tiềm năng bẩm sinh mà
các cá nhân có từ khi chào đời và trong cung cách mà gia đình và cộng đồng giúp
đỡ và khuyến khích tiềm năng con người phát triển.
Trong việc hình thành khả năng và
khuynh hướng của cá nhân để vận dụng các phương tiện bồi dưỡng văn hóa mà chủ
nghĩa tư bản cung ứng, đề cao vai trò của gia đình đến đâu cũng không đủ. Hộ
gia đình không chỉ là nơi tiêu thụ và truyền giống. Nó còn là bối cảnh chính
trong đó trẻ em được xã hội hóa, được giáo dục, và trở thành văn minh, trong đó
các thói quen của chúng được phát triển để sau đó lại ảnh hưởng đến số phận
chúng trong tư cách người dân và tác nhân thị trường Theo ngôn ngữ của kinh tế
học đương đại, gia đình là một workshop (phân xưởng) trong đó vốn con người
(human capital) được tạo ra.
Qua thời gian, gia đình đã ảnh hưởng
đến chủ nghĩa tư bản bằng cách tạo ra những nhu cầu mới đối với những hàng hoá
mới. Gia đình cũng thường xuyên bị chủ nghĩa tư bản khuôn nắn vì những hàng hóa
mới và phương tiện sản xuất mới đã thúc đẩy các thành viên trong gia đình sử dụng
thời gian theo lối mới. Vào thế kỷ 18, khi các hàng tiêu thụ mới bắt đầu xuất
hiện với giá rẻ hơn bao giờ hết, các hộ gia đình dồn nhiều thì giờ hơn cho các
hoạt động theo xu thế thị trường, với tác động tích cực đến khả năng tiêu thụ của họ. Mặc dù ban đầu
đồng lương của đàn ông có lẽ đã thực sự suy giảm, nhưng lương của cả vợ, chồng,
con cái cộng lại đã nâng tiêu chuẩn tiêu thụ (standards of consumption) cao hơn
trước. Nhưng, việc tăng trưởng kinh tế và mở rộng các chân trời văn hóa không cải
thiện mọi phương diện của đời sống cho mọi người. Việc con cái của giai cấp lao
động có thể kiếm tiền từ tuổi vị thành niên đã khuyến khích chúng sao lãng học
hành và sự thiếu lành mạnh của một số hàng hoá mới xuất hiện (bánh mì trắng, đường,
thuốc lá, rượu mạnh) cho thấy tiêu chuẩn tiêu thụ tăng cao không luôn luôn đồng
nghĩa với sự cải thiện sức khỏe và tuổi thọ con người. Và khi thời gian lao động
của người phụ nữ được tái phối trí từ việc phục vụ gia đình sang phục vụ thị
trường, các tiêu chuẩn vệ sinh có vẻ suy giảm, gia tăng rủi ro bệnh tật.
Cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, người
ta chứng kiến sự phát triển từng bước của các phương tiện sản xuất mới khắp các
khu vực kinh tế. Đây là thời đại cơ khí, có đặc tính là các nguồn lực vô cơ (chủ
yếu là máy hơi nước) ngày càng thay thế các nguồn lực hữu cơ (người và súc vật),
một tiến trình đã gia tăng năng suất rất lớn. Khác hẳn trong một xã hội chủ yếu
dựa vào nông nghiệp và tiểu công nghệ gia đình, việc chế tạo hàng hoá bây giờ
ngày càng diễn ra trong những công xưởng được xây dựng chung quanh các cỗ máy
tân kỳ nhưng quá kềnh càng, quá ồn ào, và quá dơ bẩn, không thể chứa trong nhà.
Công ăn việc làm do đó ngày càng tách khỏi hộ gia đình, một chuyển biến rốt cuộc
đã thay đổi cơ cấu gia đình.
Thoạt đầu, các chủ nhân của những nhà
máy công nghiệp hóa mới mẻ này đã tuyển dụng phụ nữ và trẻ em vào làm công nhân
vì họ là những người dễ sai bảo và dễ kỷ luật hơn đàn ông. Nhưng vào nửa sau của
thế kỷ 19, người nam công nhân trung bình ở Anh được hưởng sự gia tăng đáng kể
và bền vững của đồng lương đích thực; vì vậy, một sự phân công mới đã diễn ra
ngay trong phạm vi gia đình, theo đường ranh giới tính. Nhờ sức mạnh thể chất
cho họ một ưu thế tương đối trong việc sản xuất, nam giới ngày càng làm việc
đông đảo trong các nhà máy với đồng lương thị trường đủ cao để nuôi cả gia
đình. Tuy vậy, thị trường của thế kỷ 19 chưa thể cung cấp những hàng hóa để tạo
ra sự sạch sẽ, vệ sinh, các bữa ăn bổ dưỡng, và việc trông nom chu đáo các trẻ
em. Trong giới thượng lưu, những dịch vụ này có thể được đầy tớ cung ứng. Nhưng
đối với hầu hết mọi gia đình, những dịch vụ này ngày càng được các bà vợ cung ứng.
Tình trạng này đã phát sinh ra mô hình gia đình chồng đi kiếm cơm – vợ lo nội
trợ (the breadwinner-homemaker family), dựa trên sự phân công theo giới tính.
Theo de Vries, nhiều cải tiến về sức khỏe, tuổi thọ, và giáo dục từ giữa thế kỷ
19 đến giữa thế kỷ 20, có thể được lý giải bởi việc tái phân bố (realloacation)
lực lượng lao động phụ nữ từ thị trường về với hộ gia đình và, sau cùng, tái
phân bố giới thiếu niên từ thị trường về với học đường, khi trẻ em rời bỏ lực
lượng lao động để đến trường.
Tính năng động và sự bất an
Trong phần lớn lịch sử nhân loại, cội
nguồn chính cho nỗi bất an của con người là thiên nhiên. Như Marx nhận xét,
trong những xã hội như thế, hệ thống kinh tế hướng đến ổn định – và bế tắc. Những
xã hội tư bản, trái lại, từ trước đến nay vẫn hướng tới sáng kiến và tính năng
động, tới sự sáng tạo tri thức mới, sản phẩm mới, phương thức sản xuất và phân
phối mới. Tất cả những điều đó đã chuyển vị trí của tình trạng bất an từ thiên
nhiên sang kinh tế.
Hegel đã nhận xét vào những năm 1820
rằng đối với con người trong một xã hội thương mại đặt cơ sở trên mô hình chồng
kiếm cơm-vợ lo việc nhà (the breadwinner-homemaker model), ý thức về giá trị bản
thân và thế giá của mỗi người được gắn liền với công ăn việc làm. Điều này đặt
ra một vấn đề, vì trong một nền kinh tế thị trường tư bản năng động, thất nghiệp
là một khả năng hiển nhiên. Sự phân công lao động do thị trường tạo ra có nghĩa
là nhiều công nhân có các kỹ năng được chuyên biệt hóa cao độ (highly
specialized) và chỉ thích hợp với một số công việc rất hạn hẹp. Thị trường tạo
ra những nhu cầu thường xuyên thay đổi, và do đó khi nhu cầu đối với sản phẩm mới
gia tăng thì nhu cầu đối với sản phẩm cũ giảm bớt. Những người có cuộc đời gắn
bó với một vai trò nhất định trong việc sản xuất ra những sản phẩm lỗi thời thường
bị thất nghiệp và không có tay nghề để kiếm việc làm mới. Và việc cơ giới hóa
hoạt động sản xuất cũng dẫn đến nạn thất nghiệp. Nói cách khác, ngay từ lúc khởi
đầu, tính sáng tạo và sự đổi mới trong chủ nghĩa tư bản công nghiệp đã đi đôi với
nỗi bất an của các thành viên trong lực lượng lao động như bóng với hình.
Marx và Engels đã phác họa tính năng
động, nỗi bất an, sự cải tiến các nhu cầu, và việc mở rộng các khả năng văn hóa
của chủ nghĩa tư bản trong Tuyên ngôn Cộng sản như sau:
“Thông qua việc bóc lột thị trường thế
giới, giai cấp tư sản đã cho sản xuất và tiêu dùng một tính chất quốc tế. Nó
rút phắt nền tảng quốc gia trụ dưới chân công nghiệp, khiến các thế lực phản động
cực kỳ khó chịu. Các ngành công nghiệp quốc gia lâu đời đã bị tiêu diệt và đang
hàng ngày bị tiêu diệt. Chúng bị choán chỗ bởi những ngành công nghiệp mới mà sự
xuất hiện trở thành một vấn đề sống còn với mọi quốc gia văn minh, những ngành
công nghiệp không còn sử dụng nguyên liệu bản xứ mà sử dụng nguyên liệu khai
thác từ những vùng xa xôi nhất, những ngành công nghiệp mà sản phẩm được tiêu
thụ không chỉ trong nước mà ở khắp mọi nơi trên hoàn cầu. Thay cho những nhu cầu
cũ được thỏa mãn bằng sản phẩm nội địa, chúng ta thấy những nhu cầu mới, đòi được
thỏa mãn bằng các sản phẩm từ các vùng đất và vùng khí hậu xa xôi. Thay cho sự
cô lập và tự túc cố hữu của địa phương và quốc gia là giao lưu mọi hướng và sự
phụ thuộc phổ quát giữa các quốc gia.”
Đến thế kỷ 20, nhà kinh tế Joseph
Schumpeter sẽ triển khai trên những luận điểm này cái ý niệm cho rằng chủ nghĩa
tư bản có đặc tính “hủy hoại sáng tạo”, trong đó các sản phẩm, các hình thức
phân phối và tổ chức mới sẽ đào thải các hình thức cũ hơn. Nhưng khác với Marx,
là người chỉ thấy nguồn gốc của tính năng động này trong cuộc tìm kiếm “tư bản”
quái gở (mà ông cho là bóc lột giai cấp công nhân), Schumpeter tập trung vào
vai trò của doanh nhân là người có sáng kiến, biết đưa vào thị trường các hàng
hóa mới và khám phá các thị trường và các phương pháp mới.
Tính năng động và tình trạng bất an
do chủ nghĩa tư bản công nghiệp thế kỷ 19 tạo ra đã dẫn đến sự thành lập các định
chế mới để giảm bớt bấp bênh kinh tế, bao gồm tập đoàn trách nhiệm hữu hạn, nhằm
giảm bớt rủi ro cho người đầu tư; các công đoàn, nhằm cải tiến lợi ích của người
lao động; các hội tương trợ, nhằm cho vay nợ và cung cấp bảo hiểm chôn cất
(burial insurance); và ngành bảo hiểm nhân thọ thương mại. Vào những thập niên
giữa thế kỷ 20, nhằm đối phó nạn thất nghiệp tràn lan và cảnh khốn cùng do cuộc
Đại khủng hoảng kinh tế gây ra (cũng như do sự thành công chính trị của chủ
nghĩa cộng sản và phát-xít, một sự thành công đã thuyết phục nhiều nhà dân chủ
rằng một tình trạng quá bấp bênh về kinh tế là mối đe dọa cho chính bản thân thể
chế dân chủ tư bản chủ nghĩa), các nước dân chủ phương Tây đã chọn chính sách
nhà nước phúc lợi (the welfare state). Nhiều quốc gia khác nhau đã sáng tạo nhiều
kết hợp khác nhau gồm các chương trình cụ thể, nhưng các nhà nước phúc lợi mới
mẻ này có nhiều điểm giống nhau, trong đó có chế độ bảo hiểm tuổi già và bảo hiểm
thất nghiệp cũng như nhiều biện pháp khác nhau để hỗ trợ các gia đình.
Sự bành trướng của nhà nước phúc lợi
vào những thập niên sau Thế chiến II đã diễn ra vào một thời điểm mà các nền
kinh tế tư bản đang tăng trưởng nhanh chóng. Sự thành công của nền kinh tế công
nghiệp đã cho phép chuyển một số lợi nhuận và tiền lương vào các mục đích chính
phủ thông qua việc đánh thuế. Sự phát triển dân số thời hậu chiến, trong đó mô
hình gia đình chồng đi làm-vợ nội trợ (the breadwinner-home maker model) chiếm
số đông, cũng rất phù hợp, vì tỉ lệ sinh cao vừa phải đã tạo ra một tỉ lệ thích
hợp giữa số công nhân năng động và những người lệ thuộc [vợ con]. Cánh cửa cơ hội
giáo dục được mở rộng, khi các đại học ưu tú gia tăng việc nhận sinh viên căn cứ
vào thành tích học tập và tiềm năng của họ, và càng ngày càng có nhiều người
theo học tại các cơ sở giáo dục cấp cao hơn. Các rào cản không cho phép phụ nữ
và người thiểu số tham gia trọn vẹn vào đời sống xã hội cũng bắt đầu sụp đổ. Kết
quả của tất cả những điều đó là một tình trạng quân bình tạm thời, trong đó các
nước tư bản tiên tiến trải qua một thời kỳ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, đa số
dân chúng có công ăn việc làm, và tương đối có bình đẳng kinh tế-xã hội.
(Còn 2 kì)
Jerry Z. Muller là Giáo sư Sử học tại
Catholic University of America và là tác giả cuốn The Mind and the Market:
Capitalism in Western Thought(Trí tuệ và Thị trường: Chủ nghĩa Tư bản trong Tư
tưởng phương Tây).
Nguồn:
http://www.procontra.asia/?p=2631