Chủ nghĩa tư bản và nền tảng luân lý (P2/2)

Posted on
  • Thứ Tư, 7 tháng 10, 2015
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: ,
  • Edward Celeson
    Đinh Tuấn Minh dịch
    Cuộc cải cách ở Anh quốc và thị trường tự do
    Dù là vẫn tồn tại một số ít các trí thức thời đó có khuynh hướng phó mặc cho thiên nhiên, thứ chủ trương “không làm gì cả” vốn thường được đại chúng gán ghép với xã hội laissez faire, thì dù là trước và sau 1800, vẫn không thiếu những cố gắng cải tổ xã hội. Chính trong những thập niên giữa hai thế kỷ XVIII và XIX này, William Wilberforce và Clapham Sect đã cật lực đấu tranh xóa bỏ nạn nô lệ. Quả thực điều kiện lúc đó hoàn toàn không thuận lợi cho cải cách xã hội vì Cách mạng Pháp bắt đầu vào năm 1789 và cuộc chiến giữa Napoléon và thế giới chỉ chấm dứt sau trận Waterloo vào năm 1815. Trong khoảng thời gian một phần tư thế kỷ đó, cho dù là không có xung đột liên tục nhưng xã hội luôn xáo trộn do chiến tranh hay tin đồn sắp có chiến tranh. Bất chấp những bất ổn đó, Wilberforce và những cộng sự của ông đã vận động được người dân Anh xoá bỏ luật buôn bán nô lệ (việc vận chuyển nô lệ từ Phi Châu đến Mỹ Châu) vào năm 1807. Sau cuộc chiến với Napoléon, chính phủ Anh và hải quân Hoàng gia Anh dốc toàn lực vào việc xóa bỏ tận gốc nạn buôn bán nô lệ đồng thời làm áp lực để những quốc gia khác cùng hợp tác thực hiện. Sau cuộc Nội Chiến [ở Hoa Kỳ, 1860-1864], cùng với bản tuyên bố giải phóng nô lệ ở Hoa Kỳ, gần như đồng thời với việc xóa bỏ nạn nô lệ ở những nước Mỹ la tinh, có vẻ như nhân loại sắp sửa thật sự được hưởng tự do. Cải cách xã hội quả đã mang lại kết quả tốt.
    Trong cuộc đấu tranh đòi giải phóng nô lệ kéo dài nhiều thập niên này, trong số những người không ủng hộ, có nhiều người tranh luận hùng hồn rằng điều tốt nhất có thể làm đối với nạn buôn bán nô lệ là phớt lờ nó; hy vọng một ngày nào đó nó sẽ tự biến mất. Theo họ thì thật là khó hiểu khi thấy người Anh chủ trương laissez faire trong sinh hoạt kinh tế nhưng lại tham gia tích cực vào việc xóa bỏ nạn buôn bán nô lệ ở những nơi xa xôi mà họ không hề có thẩm quyền. Có vẻ sẽ hợp lý hơn nếu như người Anh chỉ chuyên tâm vào công việc kinh doanh của mình, tức là kiếm tiền, và cứ để mặc cho chuyện buôn bán nô lệ dần dần “biến đi”.
    Những nhà cải cách Anh quốc vào đầu và giữa thế kỷ XIX không chủ trương vô chính phủ – Đây là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Họ tin tưởng vào một sự tự do trong khuôn khổ luật pháp – Luật của Thượng Đế. Đối với họ, buôn bán nô lệ trái với Luật của Thượng Đế, nên họ quyết đấu tranh xóa bỏ nó. Nếu như chúng ta cho rằng tất cả những luật lệ hay dàn xếp chính trị nào không hợp với đạo lý đều cần phải bị loại bỏ thì chắc là ngày nay chúng ta cũng cần phải làm một cuộc cách mạng. [Nhưng điều này không diễn ra] vì có lẽ chúng ta đã quá quen khuất phục trước quyền lực rồi. Sự áp bức của Chủ nghĩa Phát Xít và Cộng Sản suốt nửa thế kỷ qua đã chứng minh rằng quyền lực có thể trở nên tha hoá, rằng tiến bộ không phải tất sẽ đến, và rằng tự do không phải tự dưng mà có.
    Cuộc cải cách vĩ đại ở Anh quốc vào thế kỷ XIX mặc dù đã đạt được những thành quả to lớn nhưng vẫn chưa được hiểu đúng và hầu như đã đi vào quên lãng. Wilberforce và đồng sự đã đạt được những thay đổi về mặt cơ cấu xã hội nhiều hơn bất kỳ một cuộc cải cách nào khác trong lịch sử (13). Trong bối cảnh này, phong trào đòi tự do mậu dịch và tự do kinh doanh dưới triều nữ hoàng Victoria bắt đầu, những người đi đầu trong phong trào này là những tín đồ Thiên Chúa giáo rất sùng đạo, họ thậm chí xem đây như là một cuộc thánh chiến. Trước khi có phong trào này, người Anh cũng đã xóa bỏ việc sử dụng nô lệ trong đồn điền của họ ở những nước thuộc địa (khi Wilberforce qua đời vào năm 1833 thì dự luật xóa bỏ nô lệ này vẫn còn đang được tranh cãi ở Quốc Hội Anh, nhưng ông cũng có đủ cơ sở để biết trước rằng dự luật này sẽ được thông qua); nhiều người Anh lúc đó tin rằng sau vấn đề xóa bỏ nô lệ thì mục tiêu tiếp theo của quốc gia sẽ là vấn đề tự do mậu dịch và tự do kinh doanh. Trong một tài liệu của Hội Tự Do Mậu Dịch vừa ra đời người ta thấy có câu “… tổ chức này được thành lập một cách chính đáng giống như Hội Chống Nô Lệ vậy.” (14) Mặc dù ai cũng biết đây là thuộc lĩnh vực kinh tế, nhưng tư cách chính đáng và chủ trương cải cách của cuộc vận động này vẫn được thể hiện xuyên suốt.
    Bãi bỏ Đạo Luật Ngô
    Mục tiêu của những nhà vận động cải cách kinh tế là “Chương trình nông nghiệp Anh quốc,” Đạo Luật Ngô mà ai cũng biết, là một hệ thống thuế biểu nhập khẩu rất phức tạp nhằm ngăn cản việc nhập khẩu hạt ngô trừ phi giá ngô trong nước lên quá cao đến độ không ai mua nổi. Đối với Richard Cobden, John Bright và những thành viên khác của Liên đoàn chống Đạo Luật Ngô, việc cố tình làm cho thực phẩm trở nên khan hiếm và đắt đỏ một cách không cần thiết là tội lỗi và độc ác, và không có một thứ luật pháp nào có thể biện giải cho chủ trương phi đạo đức này. Ngay cả ngài Ashley, vị bá tước thứ bảy của dòng họ Shaftesbury, với tư cách là một quý tộc địa chủ thì ông hẳn sẽ phải mất nhiều hơn là được nếu như thị trường Anh quốc bị ngập tràn bởi nguồn nông sản dồi dào từ Hoa Kỳ, vẫn bỏ phiếu ủng hộ tự do mua bán thực phẩm chỉ vì ông tin rằng đó là việc làm đúng đắn. Còn ở Hoa Kỳ thì ngược lại, trong giai đoạn 40 năm sống dưới Chương Trình Nông Nghiệp Liên Bang, kể từ khi Henry Wallace “cắt bông giết lợn” [để giữ giá nông sản] vào mùa xuân 1933, nếu quý vị nào còn nhớ, hầu như không thấy có mấy nỗ lực muốn giải quyết vấn đề một cách phù hợp với đạo lý. Đó không phải là cách nhìn của những con người vào đầu thời Victoria. Sau cuộc hội nghị lớn của giới tăng lữ được tổ chức ở Manchester, các vị mục sư bắt đầu rao giảng rằng Đạo Luật Ngô là “phản đạo, phản kinh thánh và đi ngược lại luật của Thượng Đế.” Nhờ thế, Liên đoàn chống Đạo Luật Ngô đã in và phát hành hàng tấn truyền đơn. Đến độ người ta tin rằng “cho đến cuối năm 1844 thì toàn bộ dân Anh, ngoại trừ những người mù chữ, đều đã từng đọc qua tài liệu về Liên đoàn này cũng như những việc làm của nó” (15), một hiệu quả vận động mà ngay cả thời nay cũng khó có thể đạt được.
    Nỗ lực vận động phi thường này cuối cùng đã được đền bù xứng đáng. Đến năm 1846, Liên đoàn chống Đạo Luật Ngô đã loại bỏ được Đạo luật Ngô đáng căm ghét, và nông sản giá rẻ từ Hoa Kỳ bắt đầu tràn ngập thị trường Anh quốc (và sau đó là thị trường Tây Âu) giúp cho dân lao động tại Anh có được những bữa ăn tử tế với giá cả phải chăng. Những năm sau đó người Anh lần lược bãi bỏ những chính sách thuế nhập khẩu còn lại mà những nước láng giềng cũng đang có khuynh hướng làm theo. Giao thương quốc tế vào cuối thời Victoria có được một môi trường phát triển cực kỳ thuận lợi, sự bùng phát của những hoạt động sáng tạo đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế và mang đến thịnh vượng cho cả thể giới cũng như tại Hoa Kỳ. Lòng tin của họ vào tự do hẳn có cơ sở rất vững chắc. Những người Anh được tự do mua bán tỏ ra rất lạc quan cho tương lai, “đồng thời chắc cũng thấy ngượng cho những dự đoán tiêu cực theo học thuyết kinh tế bi quan” mà Malthus và Ricardo đã đưa ra trước đó một thế hệ. Họ “đã có nhiệt tâm nắm bắt và tinh lọc những điều hữu ích từ học thuyết kinh tế của một người Pháp là Frederic Bastiat” (16). Họ tin rằng hòa bình và tiến bộ chính là thành quả của một đường lối kinh tế đúng đắn, nhận định đó có vẻ đúng, ít ra là trong thời gian ngắn hạn. Những ai trong chúng ta còn phải chịu đựng và thất vọng vì những xung đột, xáo trộn cùng sự nghèo khổ gần như muôn đời của phần lớn các quốc gia trên thế giới, sẽ thấy khá hơn nếu chịu khó nghiên cứu thời kỳ Victoria.
    Xưa và nay
    Dĩ nhiên là những vị đó và những giai đoạn lịch sử của họ sẽ là những đề tài lý thú cho chúng ta nghiên cứu, nhất là sự tương phản giữa thời đại trước và hiện tại. Có một tác giả đã viết “… ở đầu thế kỷ XIX, thành phần tinh hoa của tầng lớp trung lưu đã tin vào đạo lý, vào cải tổ hệ thống tôn giáo và nhà nước, vào hành động hợp đạo lý, và vào nền kinh tế laissez-faire” (17). Một sử gia công minh trong tương lai, nếu có so sánh những cải cách của người Anh thời Victoria trong bối cảnh của họ với những cải cách của chúng ta trong bối cảnh thời đại ngày nay, hẳn sẽ phải viết về những người Anh thời Victoria như sau: “Chưa từng bao giờ có ít chương trình hành động lại làm được nhiều điều với ít tốn kém như thế.” Còn đối với những cố gắng tốn kém hàng tỉ đô la của chúng ta nhằm thay đổi cả thế giới, thì nhà sử học đó hẵn phải viết là “Chưa từng bao giờ có nhiều chương trình hành động với mức phí tổn khủng khiếp nhưng lại làm được ít thứ đến thế.” Phải chăng chủ nghĩa tư bản còn có thể mang lại nhiều thứ khác mà bấy lâu nay chúng ta chưa hề biết. Với bao nhiêu chuơng trình thất bại của phe xã hội chủ nghĩa chung quanh ta, có lẽ đã đến lúc chúng ta nên tìm hiểu xem chủ nghĩa tư bản đã vận hành tốt đến nhường nào trong quá khứ.
    Tín ngưỡng và tự do
    Những ý kiến ủng hộ chủ trương kinh tế thời Victoria thường bị gán tội là tuyên truyền cho chủ nghĩa tư bản; và trong số những chỉ trích đó, có không ít đến từ phe theo chủ nghĩa xã hội. Một trong những đánh giá gây nhiều chú ý nhất về tự do mậu dịch và tự do kinh doanh mà tôi từng đọc vài năm trước đây là của một người Áo theo tư tưởng xã hội chủ nghĩa, Karl Polanyi. Ông ta viết rằng “cái thị trường có khả năng tự điều chỉnh này… đã tạo ra một lượng của cải vật chất lớn chưa từng có” (18) có lẽ dùng từ như thế chưa đủ mạnh, ông ta còn viết thêm “Thế kỷ XIX làm nên một hiện tượng chưa từng có trong biên niên sử của nền văn minh phương Tây, chủ yếu là giai đoạn hòa bình 100 năm, 1815-1914”, tức là từ trận Waterloo đến “tiếng súng tháng Tám” năm 1914. (Ở đây tôi lướt qua đoạn ông có xem xét đến cuộc chiến Crimean hay xung đột Pháp-Phổ, nhưng ông cho đó là những bất ổn nhỏ. Riêng cuộc nội chiến ở Hoa Kỳ thì không tính vì nó không xảy ra ở Âu Châu.)
    Sau những lời tán tụng chủ nghĩa tư bản, một áng văn bậc thầy có thể sánh với Hazlitt và von Mises viết vào những lúc thăng hoa nhất, Polanyi lại chuyển sang cảnh báo chúng ta rằng thị trường tự do “… sẽ tiêu diệt con người và biến môi trường quanh ta thành nơi hoang dã”. Điều khiến ông e ngại tự do là hành vi mà con người sẽ, mà thật sự là họ đã, làm khi họ được thả lỏng. Kiểm lại lịch sử nền tự do của nhân loại từ thời Cộng Hòa La Mã đến nay, ta hẳn cũng sẽ hiểu được những lo lắng của Polanyi không phải là vô cớ. Nói cách khác, trong suốt chiều dài lịch sử, tự do thật sự chỉ đến với những ai có trách nhiệm và đạo đức cao. Muốn thế, thị trường tự do và nhà nước tự do cần phải được xây dựng dựa trên cơ sở đạo lý vững chắc. Đây cũng chính là luận điểm mà Edmund Burke từng chỉ ra ngay từ những ngày đầu của Cách mạng Pháp:
    “Con người chỉ nên được phép hưởng tự do trong chừng mực tương xứng với khả năng đức hạnh kiềm chế những cơn thèm khát của chính bản thân họ … xã hội không thể tồn tại trừ phi ở đâu đó có một quyền lực kiểm soát ý muốn và sự thèm khát của con người, và họ sẽ ít phải chịu kiểm soát từ bên ngoài nếu như trong họ có đạo lý, và chịu nhiều hơn nếu họ không có. Dường như tạo hóa đã có một thứ luật ngầm định không cho những ai ham muốn quá độ được hưởng tự do, bằng cách buộc họ phải trở thành tù nhân của những tham vọng của chính mình.”
    (Hết)
    Chú thích:
    13) Earle E. Cairns, Saints and Society, p. 43.
    (14) George Barnett Smith, The Life and Speeches of the Right Hon. John Bright, M.P., Vol. I, p. 133.
    15 Dean Russell, Frederic Bastiat: Ideas and Influence, p. 66.
    (16) Ibid., p. 69.
    (17) Robert Langbaum, The Victorian Age, p. 9.
    (18) Karl Polanyi, The Great Transformation, pp. 3-5.
    Nguồn: http://www.talawas.org/?p=2061
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org