Phạm Văn Tuấn
1. Xóa bỏ thể chế cũ
Qua đầu thế kỷ 19, người Anh đã thay
thế người Bồ Đào Nha và người Hòa Lan làm chủ về thương mại tại các vùng biển
châu Á và những nguồn lợi buôn bán của người Anh cũng bắt đầu phát triển rầm rộ
tại Trung Hoa. Trong khi đó Hoa Kỳ lại chú ý hơn tới Nhật Bản.
Sau khi Đô Đốc Perry đã bắt Nhật Bản
phải mở cửa, hai hải cảng của Nhật được dành cho Hoa Kỳ là Shimoda ở cuối bán đảo
gần Edo, nơi có tòa lãnh sự Hoa Kỳ, và Hakodate, trên đảo phía bắc Hokkaido.
Năm 1858, Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ đầu
tiên là Towsend Harris đã ép Nhật Bản ký một thỏa ước thương mại toàn phần, có
hiệu lực từ năm 1860. Nhật Bản cũng phải ký các thỏa ước bất công với người
Anh, người Hòa Lan, người Pháp, người Nga và hải cảng Nagasaki phải mở cửa cho
tầu thuyền Nga cập bến. Sau đó vào năm 1866 còn có thỏa ước về thuế 5 phần trăm
đánh trên hàng hóa nhập cảng vào Nhật Bản. Các thương gia nước ngoài rất chú ý
tới hai thành phố mới phát triển là Yokohama, rất gần kinh đô Edo, và Kobe ở
phía bờ kia vịnh, đối với Osaka. Binh lính Anh và Pháp cũng đi theo các thương
nhân để bảo vệ các cơ sở thương mại và nhân viên khỏi sự đe dọa của các hiệp sĩ
Samurai.
Chính sách bế quan tỏa cảng sụp đổ,
làm cho nước Nhật rơi vào tình trạng hỗn loạn. Sự chênh lệch giá vàng tại Nhật
Bản so với nước ngoài đã làm cho vàng của Nhật Bản ra đi khỏi nước. Kỹ nghệ dệt
cổ truyền cũng bị hàng dệt làm bằng máy móc từ bên ngoài cạnh tranh và phải
ngưng trệ. Chính phủ Edo không còn khả năng bảo vệ Nhật Bản, đành phải ký kết
nhiều thỏa ước và cúi đầu trước các người Tây Phương. Nước Nhật đang rơi vào
con đường bán thuộc địa như Trung Hoa.
Lòng bất mãn và tình trạng xáo trộn
tràn lan khắp nước Nhật. Các hiệp sĩ Samurai bất tuân lệnh, tự nhận là “Samurai
không chủ”, đã tấn công các người Tây phương, giết chết viên thư ký của Lãnh Sự
Hoa Kỳ Harris vào năm 1859 và đốt tòa nhà Lãnh Sự Anh tại Edo vào năm 1863. Ii
Naosuke, lãnh chúa chủ trương hòa hoãn với Tây Phương, đã bị các hiệp sĩ
Samurai thuộc miền Mito phục kích và giết chết bên ngoài cổng lâu đài tại Edo
năm 1860. Quyền cai trị của Edo bị phân hóa.
Bên ngoài, hạm đội Anh bắn phá thủ phủ
Kagoshima của miền Satsuma vào năm 1863 để trả thù cho việc một người Anh bị ám
sát gần Yokohama năm trước. Vào năm 1864, hạm đội quân các nước đã phá hủy các
pháo đài của miền Choshu gần Shimonoseki khi các nơi này đã bắn vào các tầu
thuyền nước ngoài.
Với nền tài chính quốc gia bị tê liệt,
dân chúng Nhật Bản ngơ ngác theo dõi tình hình chính trị trong nước một cách thụ
động trong khi đó, một số võ sĩ trẻ Samurai thuộc miền Tây Nhật Bản đã hợp tác
với một nhóm quý tộc chưa từng có kinh nghiệm về chính trị, tìm cách kiểm soát
chính quyền trung ương, lật đổ chế độ Tướng Quân. Tháng 4 năm 1868, một hội đồng
hoàng gia được thành lập, đã ra một tuyên ngôn gọi là “Hiến Chương Tuyên Thệ”
(Charter Oath) hay “Năm Điều Tuyên Thệ” (Five Articles Oath). Các nhà lãnh đạo
mới đã nhờ Thiên Hoàng công bố Tuyên Ngôn vào ngày 8 tháng 4 năm 1868 theo đó
(1) Tất cả các hủ tục của quá khứ cần phải loại bỏ, (2) nhiều cơ hội được mở ra
cho mọi người một cách công bằng, và (3) sự hiểu biết phải được tìm kiếm ở khắp
nơi trên Thế Giới.
Dưới danh nghĩa đoàn kết chung quanh
Thiên Hoàng, những nhà lãnh đạo mới đã không làm sống lại cơ chế cổ xưa hay các
chức tước đã có từ trước, mà cố gắng học hỏi ở các nước phương Tây tiến bộ hơn.
Họ đã hủy bỏ kiến trúc phong kiến của xã hội Tokugawa mà theo học các định chế
Tây Phương, với loại chính quyền tập trung. Châm ngôn của họ là “Phú Quốc, Cường
Binh”, hay một quốc gia giàu có và một quân đội hùng mạnh.
Sau cuộc lật đổ chế độ Tướng quân,
các chức vị cao nhất được giao cho những nhà quý tộc danh tiếng và các lãnh
chúa đã cộng tác vào cuộc lật đổ chế độ cũ, nhưng thật ra, những vị này chỉ đứng
tượng trưng còn những người lãnh đạo thực sự của nước Nhật vào giai đoạn này là
các hiệp sĩ Samurai và các nhà quý tộc trẻ trung. Cầm đầu nhóm là nhà quý tộc
Iwakura Tomomi, 43 tuổi, là người cao niên nhất, hoạt động cho đến khi qua đời
vào năm 1883. Sau đó là các hiệp sĩ Samurai xuất sắc như Kido Takayoshi của miền
Choshu, Okubo Toshimichi và Saigo Takamori của miền Satsuma. Những nhân vật này
nắm giữ các chức vụ như thứ trưởng, ủy viên (councilors). Theo truyền thống cổ
của Nhật Bản, việc lãnh đạo được chỉ huy tập thể, các quyết định quan trọng được
bàn thảo và cùng đồng ý. Không một ai trong nhóm tìm cách nắm quyền một cách độc
tài, giống như sau các cuộc cách mạng xẩy ra tại các quốc gia khác.
Các nhà lãnh đạo mới đã thuyết phục
được các lãnh chúa của các miền Choshu, Satsuma, Tosa và Hizen, tức là những
người có công đầu, hoàn trả lại địa phận của họ cho Thiên Hoàng vào ngày 5
tháng 3 năm 1869. Các lãnh chúa khác cũng tự nguyện hoặc bị bắt buộc làm theo,
để rồi vào ngày 29 tháng 8 năm 1871, chính quyền mới tuyên bố hủy bỏ hoàn toàn
các lãnh địa, tất cả đất đai tập trung vào một chính quyền trung ương, chỉ định
các thống đốc và bồi thường cho các lãnh chúa bằng các công phiếu chỉ có giá trị
nếu chính quyền mới tồn tại. Các lãnh chúa cũ đành phải chấp nhận, dùng công
phiếu như một nguồn vốn ngân hàng và họ biến dần thành một số nhà kinh doanh
giàu có. Giai cấp lãnh chúa bị xóa bỏ, cũng kéo theo giai cấp võ tướng là các
hiệp sĩ Samurai. Năm 1876, các Samurai bị từ chối đặc quyền đeo kiếm, tức là biểu
hiệu của một giai cấp ân sủng.
Thành phố Edo từ lâu đã là cung thành
của giòng họ Tokugawa, là thủ đô chính trị thực sự của Nhật Bản trong nhiều thập
kỷ, nay cũng là bản doanh của chính quyền mới. Mùa thu năm 1868, Edo được đổi
tên thành Tokyo hay “Đông Kinh” tức là thủ đô phía đông, và Thiên Hoàng cùng
triều đình rời về Tokyo vào mùa xuân năm 1869. Vào lúc này, các nhà cầm quyền mới
chỉ có trong tay một chính sách là biểu tượng đoàn kết chính trị chung quanh
Thiên Hoàng và xây dựng đất nước bằng danh nghĩa này, mặc dù vào lúc đó, Thiên
Hoàng mới chỉ là một hoàng tử 14 tuổi. Năm 1868, niên hiệu của Thiên Hoàng được
gọi là “Minh Trị” (Meiji) và nhà Vua này đã ngự trị Nhật Bản cho đến khi qua đời
vào năm 1912.
2. Cải tiến theo Tây Phương
Trong vòng 10 năm, chính quyền mới của
Nhật Bản đã xóa bỏ được hoàn toàn cơ chế chính trị và xã hội của thể chế Tướng
Quân (Shogun), kiểm soát được đất nước, để rồi làm phát triển các định chế
chính trị mới, một hệ thống kinh tế mới, một trật tự xã hội mới, cùng với một lực
lượng quân sự mới, làm nòng cốt cho việc bành trướng đế quốc sau này.
Các nhà lãnh đạo mới với óc thực tế,
đã học hỏi từng phần về các tổ chức chính trị tây phương, cẩn thận thử áp dụng
chúng vào xã hội Nhật Bản. Bộ Kinh Tế trở nên nòng cốt của chính quyền vì bộ
này quyết định về cách xử dụng các ngân khoản. Hệ thống Ngân Hàng được đặt ra,
lúc đầu theo tiêu chuẩn phân quyền như tại Hoa Kỳ, nhưng sau lại theo cách tập
quyền của nước Bỉ. Năm 1871, đồng Yen được ấn định là đơn vị tiền tệ thống nhất.
Các hệ thống Thuế Vụ cũng được đặt ra vào năm 1873. Thông Tin và Kỹ Nghệ là hai
ngành quan trọng. Đường dây điện tín được kéo dài khắp nước và hệ thống Bưu Điện
được thiết lập vào năm 1871. Năm sau, có đường xe lửa nối dài thủ đô Tokyo và hải
cảng Yokohama cách đó 19 dậm. Chính quyền mới cũng cho xây dựng các kỹ nghệ “kiểu
mẫu” tại nhiều nơi, khai thác hầm mỏ, lập ra các xưởng vũ khí để không phải mua
của nước ngoài. Kỹ nghệ đóng tầu cũng được bắt đầu với tầm cỡ nhỏ đồng thời với
các kỹ nghệ se sợi và dệt lụa, kỹ nghệ làm gạch ngói và làm thủy tinh. Một số kỹ
nghệ nhẹ khác cũng bắt đầu hoạt động.
Các thập niên đầu của thời kỳ Minh Trị
là thời gian học hỏi Tây Phương, giống như ngàn năm về trước, người Nhật Bản đã
học hỏi Văn Hóa và Văn Minh Trung Hoa, nhưng lần này, tiến trình học tập nhanh
hơn và có hệ thống hơn. Vài nhà lãnh đạo của chính quyền mới đã từng đi nước
ngoài trước năm 1868, nay cũng ra khỏi nước để quan sát và học tập. Từ năm 1871
tới năm 1873, chính lãnh tụ Iwakura đã dẫn một phái đoàn gồm quá nửa các chính
khách hàng đầu, thực hiện một chuyến công du, trước tiên tới Hoa Kỳ, rồi sau
qua một số nước phương Tây để thuyết phục họ sửa đổi các hiệp ước bất công, đã
áp đặt lên chính quyền Tokugawa. Chuyến công du này tuy không thành công nhưng
các chính khách Nhật Bản vào thời đó đã thấy tận mắt, nghe tận tai các điều tiến
bộ của nước ngoài.
Người Nhật Bản đã không chọn hẳn một
quốc gia nào làm khuôn mẫu, mà học lấy những gì hay nhất của từng quốc gia. Các
sinh viên, kể cả nữ giới, đã được tuyển chọn cẩn thận căn cứ vào khả năng thực
sự rồi được gửi ra nước ngoài, bởi vì Thế Giới là một ngôi trường học bao la.
Các du học sinh được phân phối học những gì, học ở đâu, và học làm sao để sau
này có thể mang những điều hiểu biết, trở về quê hương, làm thay đổi đời sống tại
Nhật Bản. Những nơi du học đều rất hấp dẫn đối với tinh thần ham học của người
Nhật: nước Anh về Hải Quân và Hàng Hải Thương Thuyền, nước Pháp về Luật Pháp và
Tổ Chức Chính Quyền Địa Phương, nước Đức về Quân Đội và Y Khoa, còn Hoa Kỳ được
chú ý về cách khai thác Thương Mại.
Chính quyền mới lúc đầu cũng thuê mướn
các chuyên viên tây phương với lương bổng thật cao vì Nhật Bản không phải là
nơi hấp dẫn để sinh sống. Từ Hoa Kỳ, hàng trăm nhà truyền giáo đã tới Nhật Bản
dạy tiếng Anh miễn phí và cũng phụ trách các phạm vi khác. Các giáo sĩ Tin Lành
này đã dựng nên nhiều trường học, nhưng nhân viên của các cơ sở giáo dục cũng
như các cơ quan khác đã bị thay thế nhanh chóng bởi các sinh viên được huấn luyện
do chính các nhà truyền giáo hay bởi các sinh viên du học trở về. Vì thế, tới
cuối thế kỷ 19, không còn chuyên viên ngoại quốc nào tại Nhật Bản, trừ phạm vi
giảng dạy ngoại ngữ.
Các sách học và các công trình khảo cứu
của Tây Phương cũng được phiên dịch sang tiếng Nhật, đồng thời với các công
trình biên khảo của các nhà bác văn người Nhật giỏi về Tây Phương. Nhà biên khảo
lừng lanh nhất là Fukuzawa Yukichi, người đã từng qua phương Tây nhiều lần kể từ
năm 1860, đã viết rất nhiều sách, chẳng hạn như cuốn “Tình Trạng Tây Phương” (Seiyo
Jijo). Chính ông Yukichi cũng đã lập nên một cơ sở giáo dục tư rất uy tín,
để sau này trở thành Đại Học Keio lừng danh.
Các nhà lãnh đạo mới của nước Nhật
cũng chú ý đến nền giáo dục phổ thông. Bộ Giáo Dục được lập nên vào năm 1871 để
quản trị các trường học từ bậc Tiểu Học đến Đại Học. Trong thập niên 1870 và
vào các năm đầu của thập niên 1880, toàn thể nước Nhật Bản sôi động trong việc
học hỏi các nước Tây Phương và sự kiện này được gọi là “Khai Hóa Văn Minh” (Bummei
Kaika). Trong giai đoạn này, tinh thần “Võ Sĩ Đạo” của người Nhật Bản đã được
xử dụng đúng cách vào việc xây dựng một quốc gia tân tiến, ngang hàng với các
nước phương tây.
Nguồn:http://www.vietthuc.org/n%C6%B0%E1%BB%9Bc-nh%E1%BA%ADt-th%E1%BB%9Di-k%E1%BB%B3-d%E1%BA%A7u-minh-tr%E1%BB%8B/