Vai trò của đa số

Posted on
  • Thứ Ba, 21 tháng 7, 2015
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • Thưa tiến sĩ Adler,
    Trong sinh hoạt chính trị hiện nay chúng ta thường được yêu cầu tuân theo quyết định của đa số cử tri. Nhưng tôi không thừa nhận được ưu điểm lớn của sự cai trị theo số đông. Đám đa số thường sai lầm một cách ngu dốt và nguy hiểm. Tại châu Âu, họ đã từng ủng hộ Hitler và những tay độc tài chuyên chế. Tại Mỹ họ đã bầu ra những kẻ mị dân gian manh và ủng hộ việc tước đoạt quyền con người của những nhóm thiểu số. Tại sao số đông lại phải cai trị ngay cả khi nó sai lầm. Phải chăng ý dân chính là ý trời?
    R.H.
    R.H. thân mến,
    Trước hết chúng ta hãy xem ta có các lựa chọn nào. Ta sẽ có loại hình cai trị nào nếu không có kiểu cai trị theo đa số?
    Quyền tối thượng trong một quốc gia có thể nằm trong tay của một hoặc nhiều người. Nếu ta có nền cai trị của một người, ta sẽ không khó khăn gì khi muốn quyết định sẽ thi hành chính sách của ai. Bạn chỉ gặp vấn đề khi nhiều người cùng có quyền có tiếng nói và có nhiều ý kiến khác nhau. Vậy là bạn có hai lựa chọn: sự đồng thuận hoặc cai trị theo số đông.
    Bây giờ, chúng ta đều biết sự vụ sẽ khó khăn thế nào khi muốn đạt tới sự nhất trí (đồng thuận) trong bất kỳ một tập thể gồm những cá nhân tự do và nói thẳng. Một đòi hỏi như thế là không thực tế trong một cộng đồng chính trị. Hơn nữa, nó đặt quyền phủ quyết vào tay một thiểu số, thậm chí vào một người duy nhất. Hãy xem những quyết định quan trọng tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã bị đình hoãn như thế nào do yêu cầu rằng cả năm thành viên thường trực phải nhất trí trong những vấn đề thuộc về chính sách.
    Nên bạn thấy sự cai trị theo số đông là một phương pháp thực tiễn để quyết định các công việc. Gọi đó là trò đếm đầu người cũng được, nếu bạn thích. Nó được sử dụng trong nhiều mô hình chính quyền, quí tộc, quả đầu cũng như dân chủ. Cho dù quyền lực nằm trong tay một tầng lớp hay toàn dân, chúng ta cũng cần biết ý kiến của nhiều người trong số những kẻ có tiếng nói để quyết định các lãnh tụ hoặc chính sách nào sẽ cai trị cộng đồng.
    Các triết gia chính trị qua nhiều thời kỳ đã ưu tư về vấn đề chuyên chế của số đông. John C. Colhoun, chính khách lừng danh của miền Nam trước Nội chiến (ở Mỹ), nghĩ rằng bạn có thể có được chính quyền hiến định có tinh thần trách nhiệm mà không cần ép buộc các nhóm thiểu số phải thuận theo ý chí của đa số. Ông ta chủ trương giao cho các thiểu số quyền phủ quyết đối với những quyết định của phe đa số khi những quyết định đó có ảnh hưởng tới các quyền lợi thiết thân của họ. Một số người phản đối giáo dục tích hợp ở miền Nam hiện nay đề nghị những biện pháp tương tự. Chuyện rắc rối với giải pháp này, dĩ nhiên, là ở chỗ nó khiến chính quyền trở nên kém hiệu năng trong mọi vấn đề quan trọng, và đem lại cho nhóm thiểu số quyền tối thượng là thủ tiêu ý chí của đa số. John Stuart Mill, triết gia chính trị Anh, đề nghị một giải pháp khác, và nó đã trở thành một phần của qui trình bầu cử tại nhiều quốc gia: đó là chế độ đại diện theo tỷ lệ. Mill chỉ ra rằng một thiểu số cũng có thể đạt một lượng phiếu đáng kể mà vẫn không có đại diện nào trong cơ quan lập pháp của quốc gia. Một đảng có thể là thiểu số trong mỗi đơn vị chính trị nhưng lại chiếm 30 hoặc 40 phần trăm tổng số phiếu bầu. Mill cảm thấy rằng sự đại diện cho thiểu số phải gắn liền với nền cai trị theo số đông, và rằng nhóm thiểu số phải được có một tiếng nói, tuy rằng không có quyền tối thượng. Ông cũng đề nghị một chế độ bỏ nhiều phiếu nhằm dành nhiều phiếu hơn cho những người có học vấn hoặc trí tuệ cao.
    Hiển nhiên là chế độ đại diện theo tỷ lệ tạo ra sự đại diện công bằng hơn cho các nhóm chính trị khác nhau. Nhưng nó lại có xu hướng làm chính quyền trở nên bất ổn định khi không một đảng phái đơn lẻ nào có thể đạt được đa số. Chế độ đại diện theo tỷ lệ đã góp phần gây ra khủng hoảng hiến pháp gần đây tại Pháp.
    Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều đồng ý rằng phải ngăn không cho khối đa số tước đoạt đi những quyền căn bản của con người. Khối đa số cũng không được phép áp đặt niềm tin tôn giáo, chính trị và lối sống cho các nhóm thiểu số.Mill thừa nhận rằng chế độ độc tài được thực thi không chỉ bởi các viên chức chính quyền, mà còn bởi công luận, tập tục xã hội, và những thứ tương tự . Trong đoạn văn rất hùng biện sau đây, ông đã lên tiếng chống lại việc từng bước rập khuôn trong thời đại của ông:
    Cũng cần có sự bảo vệ chống lại sự độc đoán của ý kiến và tình cảm của số đông; chống lại xu hướng xã hội muốn áp đặt, bằng những biện pháp khác ngoài hình phạt dân sự, các ý tưởng và cung cách của riêng mình như chuẩn mực hành xử lên những người bất đồng với họ... Có một giới hạn cho việc can thiệp hợp pháp của ý kiến số đông vào sự độc lập cá nhân; và việc tìm ra giới hạn đó, rồi duy trì nó chống lại mọi vi phạm, thì cũng thiết yếu đối với một môi trường tốt cho hoạt động của con người, cũng như đối với việc bảo vệ chống lại sự độc đoán chính trị.
    Cả trăm năm sau, những lời của Mill vẫn khả dụng với một sức mạnh còn lớn hơn nữa, bởi vì những mối nguy cho tự do mà ông ta từng mường tượng đã trở nên ngày càng nghiêm trọng hơn kể từ thời đại của ông.
    Nguồn: Sách Những tư tưởng lớn từ những tác phẩm vĩ đại
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org