Xã hội dân sự là gì?

Posted on
  • Thứ Ba, 21 tháng 7, 2015
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • Biên dịch: Ngô Trần Thanh Hiền | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương
    Xu hướng các cá nhân tự tập hợp lại với nhau dựa trên chủng tộc, khu vực địa lý, và lợi ích đã được cả các lý thuyết gia lịch sử lẫn các nhà khoa học chính trị đương đại xem là điều tự nhiên. Việc các “nhóm” được nhìn nhận theo cách này bởi những cá nhân khi suy nghĩ hoặc nghiên cứu về chính trị là không có gì đáng ngạc nhiên. Chính trị thường đặt ra yêu cầu phải thừa nhận một cách cơ bản sự cần thiết của các nhóm đối với việc tổ chức chính trị, có thể với tư cách là một nhóm công dân đơn lẻ, các bè phái có lợi ích cạnh tranh với nhau, hay cả với tư cách là những chủng tộc riêng rẽ cùng chung một lãnh đạo. Do đó, gần như không thể hiểu rõ được chính trị nếu không để ý tới tác động của các nhóm lên hệ thống một cách tổng thể.
    Sự tương tác giữa các nhóm và các chủ thể chính trị trong xã hội được hình dung một cách tốt nhất thông qua thảo luận về xã hội dân sự, các mạng xã hội, và vốn xã hội. Trong chương này, mỗi thuật ngữ trên mô tả một khía cạnh của những tổ chức đoàn thể định hình nên đời sống xã hội và chính trị. Các mạng xã hội (social networks) thường được dùng để mô tả các tổ chức không chính thức của các cá nhân bao gồm nhiều thành phần xã hội đa dạng (Gibson, 2001). Những mạng lưới này có thể nhỏ hoặc lớn, nhưng mục đích cuối cùng của chúng là khuếch trương lợi ích chung. Vốn xã hội có thể được tích lũy trong những mạng lưới như vậy. Vốn xã hội (social capital) là “tổng hòa của những nguồn lực thực tế hay tiềm năng gắn với sự sở hữu một mạng lưới bền chặt những mối quan hệ ít nhiều được thể chế hóa của quá trình hiểu biết và công nhận lẫn nhau" (Bourdieu, 1985, p. 248). Quá trình tích lũy vốn xã hội khuyến khích các cá nhân cùng hành động nhằm đạt được mục tiêu chung. Không có vốn xã hội thì không thể thực hiện những mục tiêu này. Những thay đổi đều đặn trong tích lũy vốn xã hội, đặc biệt khi đặt trong các mạng xã hội, tạo ra những tổ chức xã hội tương tác ở nhiều cấp độ của xã hội lẫn chính quyền với các hình thức khác nhau. Trạng thái mở rộng này được hiểu là xã hội dân sự (civil society). Các mạng xã hội tương tác với nhau trong phạm vi của xã hội dân sự. Những hành động của cá nhân trong xã hội dân sự thúc đẩy sự tăng lên hay giảm xuống của vốn xã hội và ảnh hưởng tới những tương tác trong tương lai của các cá nhân và của các mạng xã hội. Trong khi các thuật ngữ trên đại diện cho những hiện tượng riêng biệt, các mối quan hệ vẫn là một trọng tâm mang tính nhất quán.
    Mặc dù nhìn chung gắn liền với chính trị về mặt lịch sử, quá trình thảo luận và tìm hiểu chính thức về các nhóm trong xã hội phát triển cùng với quá trình truyền bá dân chủ từ đầu thế kỷ 19. Đi cùng với dân chủ là nhu cầu xem xét sự ưu tiên của các cá nhân. Thường thì những ưu tiên này được nhận biết và chia sẻ bởi những cá nhân tự tổ chức lại thành nhóm dựa trên những ưu tiên chung đó. Mong muốn nhận thức và đáp ứng lại những nhóm như vậy của các nhà lãnh đạo chính trị đã thúc đẩy những nghiên cứu về các tổ chức hiệp hội trong xã hội.
    Chương này xem xét những nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm liên quan tới vốn xã hội, mạng xã hội, và xã hội dân sự. Trước khi đào sâu vào những ý tưởng đương thời là chủ đề chính của chương này, điều quan trọng là cần phải thảo luận vai trò của các tổ chức và các nhóm trong đời sống chính trị giống như lịch sử đã ghi nhận. Tiếp theo, những khái niệm lý thuyết về vốn xã hội, mạng xã hội và xã hội dân sự sẽ được phân tích riêng, chú ý đến việc những khái niệm này liên hệ với nhau thế nào. Sau đó, mối quan hệ giữa những khái niệm kể trên với nghiên cứu về dân chủ sẽ được xem xét với tư cách là cầu nối nghiên cứu xuyên suốt bao gồm vốn xã hội, mạng xã hội và xã hội dân sự. Phần tiếp theo tập trung vào vốn xã hội và xã hội dân sự do chúng có liên hệ tới kinh tế và xã hội theo cách thức rộng lớn hơn. Cuối cùng những phê bình và đường hướng cho những nghiên cứu trong tương lai sẽ được thảo luận.
            Tầm quan trọng của các tổ chức hiệp hội trong đời sống chính trị
    Kể từ khi xã hội chính trị được thảo luận bởi những triết gia Hy Lạp cổ đại cho tới những quan sát sớm nhất về nền dân chủ Mỹ và thông qua việc đón nhận dân chủ trên phạm vi toàn cầu giữa thế kỷ 20, sự thừa nhận tầm quan trọng của việc con người kết giao với nhau đã được thể hiện và chấp nhận trong bối cảnh người dân ngày càng tham dự nhiều hơn vào đời sống chính trị. Đối với Aristotle (khoảng 335 trước CN), các công dân cần phải biết rõ về nhau để các cá nhân có thể ra quyết định đúng đắn trong việc lựa chọn lãnh đạo. Thiếu vắng tính chất này thì không thể đưa ra quyết định chính trị hợp lý cho cộng đồng. Theo cách này, Aristotle nhìn nhận thành phố như là một nhóm trong đó các cá nhân tương tác để nhận biết được tính cách và sự ưu tiên của nhau. Quá trình tương tác này là cần thiết khi chính trị yêu cầu sự tham gia của các công dân.
    Trong quan sát của mình về buổi ban đầu của nền dân chủ Mỹ, Alexis de Tocqueville (1840) đã viết chi tiết về sự thắng thế và cần thiết của các tổ chức hiệp hội ở đất nước non trẻ này. Ông cho rằng những tổ chức này là quan trọng đối với một kiểu xã hội đang nở rộ tại Mỹ mà ở đó người dân đang ngày càng tham gia nhiều hơn vào đời sống chính trị. Ở Mỹ, các tổ chức hiệp hội đã thành công hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới tại thời điểm đó. Bằng việc tham gia vào các tổ chức hiệp hội, công dân Mỹ có thể khắc phục được sự thiếu ảnh hưởng của bản thân nếu họ hoạt động với tư cách một cá nhân đơn lẻ. Tocqueville quan sát khi các cá nhân có chung quan điểm gặp gỡ nhau, họ sẽ tự động kết hợp lại thành một tổ chức. Khi tổ chức lớn mạnh, những chủ thể chính trị buộc phải chú ý đến chúng và nhận ra những ưu tiên của các thành viên trong đó. Theo cách này, các tổ chức hiệp hội tăng quyền lực cho các cá nhân trong bối cảnh chính trị cụ thể, và điều này buộc những chủ thể chính trị phải tự thích nghi. Chính những tổ chức hiệp hội như vậy đã duy trì được tính cốt lõi của xã hội dân sự, mạng xã hội và vốn xã hội.
    Theo sau những quan sát của Tocqueville, Emile Durkheim (1893/1984) đã thăm dò sự tương tác của các cá nhân trong xã hội và thấy rằng liên kết giữa các cá nhân vẫn được duy trì sau những tương tác ban đầu. Những mối liên kết xã hội được duy trì này đóng góp vào hoạt động chức năng của cộng đồng theo một cách thức rộng hơn các tương tác ban đầu, thông qua định hình điều kiện của vốn xã hội phát sinh từ quá trình tương tác. Theo cách này, các tổ chức hiệp hội luôn ảnh hưởng lẫn nhau thông qua những tác động mang tính lâu dài giữa các cá nhân.
    Nhiều nhà khoa học chính trị buổi ban đầu khuếch trương tầm quan trọng của những tổ chức hiệp hội mang tính tự nguyện. Ví dụ, Almond và Verba (1963) tuyên dương các tổ chức hiệp hội tự nguyện như là nhân tố hòa giải quan trọng nhất giữa các cá nhân và nhà nước. Việc kết giao với các cá nhân trong một tổ chức tự nguyện giúp con người có thể đạt được mục đích chính trị mà họ khao khát thông qua những nguồn lực chính trị cộng thêm. Tư cách thành viên trong những tổ chức hiệp hội cũng ảnh hưởng tới thái độ chính trị của một cá nhân. Với Almond và Verba, những tổ chức tự nguyện cũng quan trọng như tính đa dạng của nó. Chính sự biến thiên này giữa các nhóm hình thành nên những câu hỏi liên quan tới xã hội dân sự, các mạng xã hội và vốn xã hội trong nhiều thập kỷ theo sau nghiên cứu của Almond và Verba.
    Lý thuyết về vốn xã hội, các mạng xã hội và xã hội dân sự
    Vốn xã hội, các mạng xã hội và xã hội dân sự là những thuật ngữ và ý tưởng liên quan với nhau nhưng không nhất thiết là đồng nghĩa. Vốn xã hội có thể là thước đo để đánh giá các mạng xã hội và xã hội dân sự, nhưng xét cho cùng, nó mô tả quan hệ giữa các cá nhân và thể chế. Xã hội dân sự là tổng quan của vốn xã hội một cách tương đối trên mỗi một lĩnh vực, xã hội, hoặc nhà nước. Các mạng xã hội là những viên gạch giúp xây dựng nên xã hội dân sự, nhưng hai khái niệm này thường được coi là độc lập với nhau, mặc dù chúng được tích hợp trong cùng một xã hội dân sự. Để hiểu rõ toàn bộ, cần phải hiểu từng khái niệm một.
    Vốn xã hội
    Trong khi hàng thập kỷ nghiên cứu tập trung vào vai trò của các tổ chức hiệp hội trong cuộc sống thường ngày, khái niệm vốn xã hội đã không được củng cố như hình thức hiện thời của nó cho tới khi Coleman (1988) xem xét những hình thức khác nhau của vốn (capital) và tuyên bố rằng, cũng giống những hình thức vốn khác, vốn xã hội tồn tại và tạo thuận lợi cho tương tác giữa các cá nhân và tổ chức. Trong tương quan với vốn vật chất và vốn con người, vốn xã hội được xem là ít được nhận biết nhất. Thay vì tập trung vào quá trình sản xuất hay những kỹ năng có liên quan tới sản xuất, vốn xã hội tập trung vào chức năng của một số khía cạnh nhất định trong cấu trúc xã hội. "Chức năng được nhận dạng bằng khái niệm ‘vốn xã hội’ là giá trị của những khía cạnh này trong cấu trúc xã hội mà các chủ thể coi là những nguồn lực có thể được sử dụng để giành lấy lợi ích cho mình" (Coleman, 1988, p. S101). Nhận dạng được các chức năng của cấu trúc xã hội trở thành cách để giải thích những kết quả khác biệt xảy đến với các cá nhân mà không cần phải chi tiết hóa cấu trúc xã hội - vốn là nơi qua trình chuyển dịch (từ hành động đến kết quả) diễn ra.
    Một ví dụ của Coleman có thể được tóm tắt ngắn gọn như sau: các hội kín có thể thúc đẩy những hành động mang tính cách mạng ở những nơi mà các hành động phản kháng một cách hòa bình là kết quả được mong đợi hơn. Trong kịch bản này, những kết quả mang tính cách mạng được tạo ra bởi một tập hợp của các cá nhân, trong trường hợp này chính là vốn xã hội. Hệ thống vẫn không thay đổi. Thay vào đó, sự xuất hiện của một dạng vốn xã hội khác với những dạng thức tồn tại trước đó đã tạo ra kết quả mới. Một hệ thống ổn định có thể sản sinh ra những kết quả vô cùng đa dạng, tùy vào vốn xã hội được tận dụng, cùng với đó là những nguồn lực mang tính hệ thống khác. Coleman quả quyết việc sản sinh và tích hợp vốn xã hội để tạo ra những kết quả nhất định cũng không khác gì việc kết hợp các nguyên liệu thô (ví dụ, dầu mỏ) với các thể loại vốn vật chất (ví dụ công nghệ) để tạo ra những sản phẩm khác nhau (ví dụ dầu nhớt, xăng).
    Với Coleman, thực tế vốn xã hội trong cấu trúc xã hội được quy định bởi các nghĩa vụ, kỳ vọng, và sự tin tưởng. Rốt cuộc, xung lực này có thể được định nghĩa dễ dàng là một hệ thống có qua có lại trong đó nếu làm điều gì đó cho một cá nhân sẽ gây nên một phản ứng tương đương nơi người tiếp nhận. Trong tình huống này, lòng tin vào cá nhân đang được giúp đỡ tạo ra kỳ vọng rằng người đó sẽ đáp lại. Đối với người được giúp đỡ, nghĩa vụ trả ơn được cảm nhận và sẽ được thực hiện. Chính theo cách này mà vốn xã hội được tạo ra và phát triển. Một cá nhân có thể có trữ lượng vốn xã hội đủ để quyết định kết quả của một tình huống. Tin tưởng là điểm nút của động lực vốn xã hội. Không có sự tin tưởng, gần như không thể tạo ra vốn xã hội.
    Với Uslaner (2002), lòng tin là sự cân nhắc mang tính trung tâm trong nhiều mặt hoạt động của loài người. Trong khi đồng ý rằng có được lòng tin không phải là cách duy nhất để hợp tác, ông cổ vũ ý kiến cho rằng một hệ thống có đi có lại thì đáng tin cậy hơn với những cấp độ tin tưởng cao hơn. Để vốn xã hội hoạt động theo cách thức của Coleman, cần phải giả định sự có đi có lại là có thể đoán trước được. Do đó, một mặt phải đạt được lòng tin, mặt khác lòng tin đó cũng cần được giả định là có tồn tại. Với những nhà nghiên cứu khác, sự thay đổi trong xung lực của lòng tin tái định hình thực tế của vốn xã hội và do đó định hình xã hội dân sự nói chung.
    Trong một nỗ lực làm sáng tỏ vai trò của vốn xã hội ảnh hưởng tới quản trị quốc gia như thế nào và ngược lại, Putnam và Goss (2003) đã phân biệt vốn xã hội để có thể đánh giá một cách dễ dàng hơn những biến thể khác nhau giữa các hệ thống. Một số vốn xã hội mang tính chính thức trong khi các một số khác lại là phi chính thức. Loại hình cấu trúc tổ chức (ví dụ, công đoàn so với câu lạc bộ ăn đêm) sẽ quy định vốn xã hội có mang tính chính thức hay không. Một điểm khác biệt nữa là giữa vốn xã hội đặc và thưa. Vốn xã hội đặc tồn tại trong những nhóm có kết nối khăng khít, và vốn xã hội thưa thì trội hơn ở những người chỉ ở mức quen biết với nhau. Vốn xã hội hướng nội tập trung vào phúc lợi của những thành viên trong nhóm, trong khi vốn xã hội hướng ngoại tập trung vào những hàng hóa công cộng. Cuối cùng, vốn xã hội bắc cầu (bridging social capital) mang những cá nhân khác biệt lại với nhau, tương phản với vốn xã hội gắn kết (bonding social capital) tập hợp những cá nhân tương đồng. Mặc dù sự phân biệt của Putnam và Goss không thực sự có ý nghĩa nhiều đối với việc khái niệm hóa lý thuyết đặt ra bởi Coleman, chúng cũng giúp làm sáng tỏ các biến thể của vốn xã hội.
    Mạng xã hội
    Trong công trình đầu tiên xem xét xã hội dân sự và mạng xã hội, Putnam áp dụng ý tưởng về vốn xã hội được thảo luận phía trên. Với Putnam, cũng như Coleman, vốn xã hội tập trung vào lòng tin và tính chất có đi có lại. Khi xem xét các xã hội dân sự, ông cũng quảng bá vốn xã hội như một thứ hàng hóa công mà mọi người trong xã hội đều có thể có được. Theo cách này, vốn xã hội phát sinh từ những hình thức khác của vốn, bao gồm vốn vật chất và vốn con người. Vốn xã hội và các mạng lưới can dự công dân (networks of civic engagement) tạo ra và duy trì các quy chuẩn có chức năng như những ràng buộc tự nhiên lên hành động của các cá nhân hoặc của các nhóm thông qua việc công nhận và ủng hộ những tác động ngoại hiện (externality) xuất phát từ những hành động tích cực hoặc tiêu cực đối với những cá nhân liên quan. Do đó, vốn xã hội có thể được tạo ra, duy trì và áp dụng để ảnh hưởng tới các kết quả trong một hệ thống có tổ chức.
    Đường hướng chính mà qua đó vốn xã hội hoạt động là mạng lưới can dự công dân, hoặc các mối liên kết xã hội. Trong nghiên cứu về sự phát triển của các thể chế kinh tế và xã hội Italy, Putnam (1993) đã xem xét hình thức của các mạng lưới đã tồn tại hàng trăm năm trước và hiệu ứng của chúng lên những hệ quả về mặt thể chế ở Italy đương thời. Không giống xã hội dân sự vốn rộng lớn hơn nhiều, các mạng xã hội là (hình thức) đặc thù đối với những lợi ích được chia sẻ của những cá nhân tham gia. Các cá nhân có thể liên quan tới nhiều mạng lưới chồng chéo lẫn nhau. Putnam nhìn nhận các mạng lưới này như những công cụ cho việc tổ chức vốn xã hội, với nhiều kết quả tích cực. Thực tế, Putnam coi những mạng lưới can dự công dân cũng chính là vốn xã hội. Theo nghĩa đương thời, những mạng lưới này có thể là tổ chức phụ huynh - giáo viên, hội nam sinh, đảng chính trị, câu lạc bộ tennis, vv…
    Lợi ích của các mạng xã hội thường được quy định bởi mật độ của mạng lưới. Mật độ nghĩa là số lượng và cường độ của các cá nhân và tương tác trong nhóm. Về cơ bản, sự hợp tác tăng cường vì lợi ích chung thì dễ dàng hơn trong các nhóm mật độ dày và khó khăn hơn ở những nhóm thưa. Putnam (1993) liệt kê một số cách thức khác mà những mạng lưới này đem lại lợi ích cho các thành viên. Việc các cá nhân không tôn trọng kết quả mà mạng lưới mong đợi sẽ bị ngăn trở bằng cách gia tăng chi phí tiềm năng đối với việc không tôn trọng đó. Điều này khuyến khích sự hợp tác. Những quy chuẩn vững chắc của tính chất có qua có lại cũng được khuyến khích bằng mạng lưới can dự công dân. Mức độ tin cậy của cá nhân dễ nhận thấy hơn do các cấp độ giao tiếp tăng lên và dòng lưu chuyển thông tin thuận lợi hơn nhờ mạng lưới. Thành công của mạng lưới trong việc đạt được sự cộng tác trong hiện tại có thể có chức năng định hình cho sự cộng tác trong tương lai.
    Về mặt cấu trúc, mạng lưới khế ước công dân về bản chất phân theo chiều ngang. Mạng lưới ngang không được cấu trúc theo thứ bậc mà được trải đều khắp xã hội theo cách mà các vị trí trong mạng lưới gần như tương đương về mặt quyền lực. Điều này không có nghĩa là mạng luôn được cấu trúc theo cách này, nhưng chúng có cơ hội tốt nhất để đạt được những mục tiêu đề cập ở trên khi chúng được phân ngang. Theo Putnam, chỉ có thể thông qua những mạng lưới tổ chức theo chiều ngang, niềm tin và hợp tác xã hội mới có thể đạt được. Những mối liên kết xã hội được tổ chức hợp lý có thể khuyến khích vốn xã hội cải thiện hiệu năng qua việc thúc đẩy các hoạt động điều phối.
    Xã hội dân sự
    Trong bài viết về sự phát triển của xã hội Italy và những biến đổi trong bối cảnh nước Mỹ, Putnam (1993, 1995, 2000) quan tâm nhất đến việc xem xét xu hướng của vốn xã hội trong xã hội dân sự. Đối với xã hội dân sự, trọng tâm là cộng đồng nói chung. Không giống mối quan hệ trực tiếp giữa cá nhân và các thực thể khác vốn quan trọng nhất cho vốn xã hội, hoặc các mạng lưới can dự công dân theo đuổi các lợi ích cụ thể, xã hội dân sự là một bức tranh khổ rộng của cộng đồng. Khi chúng ta nghiên cứu về xã hội dân sự, quan trọng là cần hiểu được rằng mức độ kết nối giữa các cá nhân hay các thực thể và trong nội bộ mạng xã hội có thể có những hiệu ứng rộng khắp toàn xã hội bắt nguồn từ tổng hòa các cấp độ can dự công dân.
    Giống như những hiệu ứng tích cực của các mối liên kết xã hội đã thảo luận ở trên, các tác động ngoại hiện của các hiệp hội và việc tích lũy vốn xã hội có thể ảnh hưởng tới cả những cá nhân với vốn xã hội bằng 0, hoặc những người chẳng tham gia một mạng lưới nào. Những cộng đồng có mức độ kết nối và nguồn vốn xã hội cao thường có thể tiến hành các hoạt động tập thể một cách dễ dàng hơn. Điều này là do sự thẩm thấu những quy chuẩn đã được phát triển giữa các cá nhân và ngay trong mạng lưới. Do đó các xu hướng, vốn ảnh hưởng tới các cá nhân, sau đó sẽ ảnh hưởng tới một số khu vực hay toàn bộ mạng lưới và rốt cuộc là toàn bộ xã hội.
    Ý tưởng về một xã hội dân sự rộng lớn đã được đề cập trong một bài báo chuyên đề của Putnam năm 1995 "Đi chơi bowling một mình: Vốn xã hội suy giảm của nước Mỹ" (“Bowling Alone: America’s Declining Social Capital”). Trong nghiên cứu của mình, Putnam chỉ ra thực tế rằng sự không ràng buộc chính trị đang ngày càng gia tăng có nguồn gốc từ những thay đổi trong tương tác giữa các cá nhân, cũng như những thay đổi rộng lớn hơn trong kiến thiết của các mối liên kết xã hội. Ông chắc rằng những thay đổi này rồi sẽ định hình lại đường hướng cho xã hội dân sự ở Mỹ.
    Putnam rút ra câu hỏi nghiên cứu (tại sao xã hội dân sự lại thay đổi?) từ những quan sát tưởng chừng không liên quan tới quá trình tham gia chính trị. Ông lưu ý rằng quá trình này, đặc biệt là vấn đề bầu cử, đã suy giảm dần đều ở nước Mỹ. Để hiểu tại sao điều này lại xảy ra, ông đã nhìn vào những thay đổi diễn ra bên trong xã hội dân sự. Từ việc xem xét này, ông rút ra một quan sát đơn giản làm nền tảng cho lập luận của mình: người Mỹ chơi bowling nhiều hơn bao giờ hết, nhưng mức độ tham gia vào các câu lạc bộ hay liên đoàn chơi bowling lại thấp hơn bao giờ hết. Giống như ví dụ về các mối liên kết xã hội, hoặc mạng can dự công dân đã thảo luận ở trên, tập thể cùng tiến có thể thúc đẩy quá trình tạo ra và tích lũy vốn xã hội. Putnam đi từ quan sát cụ thể này tới một nhóm các quan sát rộng hơn, tất cả đều dẫn tới kết luận là các mối liên kết xã hội đang thay đổi và suy giảm. Quay trở lại với lý giải của ông về vốn xã hôi, ông chắc rằng một sự chuyển dịch tiêu cực trong "tình láng giềng" và "niềm tin xã hội" đã gắn liền với sự sụt giảm của can dự công dân. Trong khi hướng đi của mũi tên nhân quả được dành cho những nghiên cứu tương lai tìm hiểu, Putnam sử dụng thực tế này để mô tả tình huống trên bình diện tổng hợp vốn đang hiện diện trong xã hội dân sự Mỹ. Mặc dù ông đưa ra một số giải thích khả dĩ cho sự thay đổi này, có một điều chắc chắn rằng nó là thực tế đã xảy ra.
    Như các thảo luận bên trên về các lý thuyết xoay quanh khái niệm vốn xã hội, các mạng xã hội, và xã hội dân sự, mỗi khái niệm đều liên quan tới các khái niệm còn lại tuy nhiên bản thân mỗi khái niệm vẫn mang đặc điểm riêng biệt liên quan tới những thực thể mà chúng đại diện cũng như những chức năng mà chúng có thể gây ảnh hưởng. Vốn xã hội là một viên gạch cấu thành từ lòng tin và tính chất có qua có lại, qua đó các mối quan hệ được thiết lập và duy trì. Các mối quan hệ xã hội mở rộng để chúng tồn tại không chỉ giới hạn bởi hai cá nhân và lớn lên một cách tự nhiên dưới ánh sáng của lợi ích chung. Mức độ vốn xã hội được vun trồng qua các mối liên kết xã hội định hình sự hiểu biết chung về xã hội dân sự của cả một hệ thống. Mức độ kết nối trong hệ thống ảnh hưởng tới sự phát triển tương đối của xã hội dân sự trong hệ thống đó, điều này tới lượt nó lại ảnh hưởng tới nhiều điều kiện tổng quát của xã hội trên diện rộng.
    Phần tiếp theo sẽ nhìn vào dòng nghiên cứu chính mà trong đó xã hội dân sự và vốn xã hội được xem xét: dân chủ. Từ nghiên cứu này, các nghiên cứu phái sinh đã phát triển để xem xét tác động của vốn xã hội, các mối liên kết xã hội và xã hội dân sự. Để hoàn tất thảo luận, những phê bình và khả năng nghiên cứu tương lai cũng sẽ được khảo sát.
    Xã hội dân sự, vốn xã hội, mạng xã hội và dân chủ
    Trong hệ thống chính trị có tính tham dự cao (ví dụ như, dân chủ), bối cảnh mà trong đó các cá nhân hoạt động quy định quan điểm và hành động tiếp theo của họ trong hệ thống đó. Cũng như những cá nhân sở hữu nhiều của cải được kỳ vọng sẽ có những hành động khác với những cá nhân có ít của cải hơn, những cá nhân là thành viên của một nhóm được kỳ vọng sẽ hành động khác với cá nhân không thuộc một nhóm nào. Trong lập luận thiên về trực giác này, có thể dễ dàng thấy là các tổ chức khiến cho hoạt động của các cá nhân trong đời sống chính trị thay đổi. Điều này được thể hiện rất rõ ràng trong cuộc thảo luận xoay quanh vấn đề tạo lập hệ thống chính trị Hoa Kỳ, trong đó những người chủ trương lập chế độ liên bang và những người phản đối đều ủng hộ những quan điểm cạnh tranh trong việc làm thế nào để tạo ra một chính phủ tốt nhất đại diện cho người dân.
    Đối với James Madison, nền dân chủ mới của nước Mỹ cần phải cảnh giác với nạn bè phái. Trong bài viết Federalist số 10, Madison (1787/1982) đã nêu rõ rằng việc các cá nhân tự tập hợp với nhau thành các tổ chức với những người cùng chung lợi ích là điều tự nhiên. Bên cạnh việc đình chỉ quyền tự do của công dân, cách duy nhất để kiểm soát tác động của các tổ chức bè phái là tạo ra một hình thức chính phủ cộng hòa. Ông hình dung điều này sẽ cải thiện các tác động xấu mà tình trạng bè phái gây ra, đồng thời cũng không đình chỉ quyền tự do hoặc làm suy yếu hệ thống chính trị mang tính tham dự cao mà những nhà lập quốc Mỹ mong muốn gây dựng. Ví dụ này làm sáng tỏ bản chất sâu sắc của các tổ chức hiệp hội trong nền dân chủ. Đối với những nghiên cứu về tác động của vốn xã hội, các mối liên kết xã hội và xã hội dân sự, những tác động của chúng lên hình mẫu chính quyền, đặc biệt là dân chủ, trở thành trọng tâm trong hướng nghiên cứu này. Phần này xem xét một số nghiên cứu đã được tiến hành liên quan tới sự tác động của xã hội dân sự (và các thành phần của nó) tới nền dân chủ.
    Như đã bàn tới ở trên, Putnam (1995) đã quan sát sự suy giảm trong bầu cử ở Mỹ và mong muốn giải thích tại sao điều này lại xảy ra. Ông đã đưa ra một lý thuyết cho rằng sự suy giảm trong việc tham gia các tổ chức hiệp hội đã tạo ra sự suy giảm vốn xã hội, điều này tiếp tục dẫn tới sự suy giảm trong bầu cử. Đối với Putnam, sự suy giảm trong bầu cử rốt cuộc xuất phát từ sự ngắt quãng của những kết nối đang lớn dần lên giữa các cá nhân. Không có nhu cầu kết nối thì có ít nhu cầu tạo ra quyết định nhóm. Mặc dù kiểm nghiệm đơn giản, nhưng kết quả trình bày của ông thì cụ thể hơn: Giảm sút trong việc tham gia xã hội dân sự gây ra suy giảm trong bầu cử.
    Verba, Schlozman, và Brady trong công trình năm 1995 đã xem xét đời sống công dân và hiệu ứng của nó lên chính trị nói chung. Họ khẳng định các thể chế phi chính trị (bao gồm các tổ chức hiệp hội và các mối liên kết xã hội) nâng cao khả năng hoạt động của công dân trong đời sống chính trị. Điều này xảy ra do một số nguyên nhân. Ví dụ, những cá nhân tham gia xã hội dân sự được va chạm với những xúc tác mang tính chính trị, khiến cho sự sẵn sàng và khả năng tham gia chính trị của họ được nâng cao. Tương tự, quá trình tham gia vào xã hội dân sự cũng khuyến khích sự tham dự sâu hơn vào xã hội dân sự với kết quả là những cam kết có liên quan tới các tổ chức hiệp hội có hiệu ứng được nhân rộng lên gấp nhiều lần cho cả công dân và xã hội.
    Các tổ chức đoàn thể cũng thể hiện nhiều vai trò trong xã hội dân chủ bằng cách đặt ra chương trình nghị sự chính trị (Cohen & Rogers, 1992). Chúng giữ vai trò hòa giải giữa cá nhân và nhà nước. Vai trò hòa giải có thể mang lại cho các tổ chức đoàn thể nói riêng, hoặc xã hội dân sự nói chung sức mạnh to lớn trong việc định hình và điều phối những ưu tiên của những người tham gia. Mặc dù Cohen và Rogers, cũng giống Madison, quan ngại về việc kiềm chế vai trò của những tổ chức đoàn thể mang tính bè phái, họ thừa nhận rằng các nhóm và mạng lưới có thể đóng góp cho quản trị dân chủ theo một cách tích cực.
    Quá trình tham gia chính trị đặc biệt quan trọng trong những xã hội dân chủ và do đó chiếm một phần quan trọng trong nghiên cứu về vốn xã hội, các mối liên kết xã hội, xã hội dân sự và nền dân chủ. Trong công trình xem xét về quá trình tham gia chính trị ở Mỹ, Rosenstone và Hansen (2003) cho rằng khía cạnh tự nguyện của việc tham gia vào các vấn đề xã hội là quan trọng trong việc vận động các công dân. Đầu tiên, phần lớn các nhóm đều tự tiến hành các hoạt động vận động chính trị của chính các nhóm đó. Thứ hai, các thành viên của nhóm được tiếp xúc với những chính khách và nhà hoạt động có chung lý tưởng, cùng với mục tiêu vận động các thành viên. Cuối cùng, việc đơn giản là một thành viên của nhóm hứa hẹn những tưởng thưởng tiềm năng mà các thành viên khác cùng theo đuổi và có thể đạt được tốt nhất thông qua hành động chính trị. Theo cách này, mức độ vốn xã hội, các mối liên kết xã hội và xã hội dân sự có thể ảnh hưởng một cách đa dạng tới mức độ tham dự vào đời sống chính trị.
    Đối với Verba, Nie, và Kim (1978), các tổ chức mang tính tự nguyện tác động đến sự tham gia của công dân một cách độc lập với các nguồn lực và nhân tố khác. Những tổ chức này có thể điều chỉnh sự trao đổi nguồn lực trong hoạt động chính trị. Verba cùng cộng sự dự đoán rằng các tổ chức đoàn thể có thể thúc đẩy quá trình tham gia chính trị, đặc biệt thông qua các cuộc bầu cử, lên một mức độ lớn hơn so với những gì các nguồn lực đơn thuần có thể làm. Tuy nhiên, họ cũng phát hiện nguồn lực lại ảnh hưởng tới tư cách hội viên. Dự cảm trước điều này, Huntington và Nelson (1976) thấy rằng tư cách hội viên có vai trò quan trọng trong quá trình tham gia chính trị. Trong khi Verba, Nie và Kim tập trung vào bảy quốc gia được cho là phát triển hơn, Huntington và Nelson chỉ quan tâm tới những quốc gia kém phát triển.
    Theo bước Huntington và Nelson (1976), nhiều nhà nghiên cứu đã tập trung vào những nước đang phát triển. Sự khác biệt này là quan trọng bởi vì nó dẫn tới nhiều biến đổi hơn trong kết quả, vốn thường ổn định hơn ở những nước phát triển. Ví dụ tốt nhất của thế giới thứ ba mang đến những manh mối mới cho nghiên cứu về xã hội dân sự là một bài báo của Booth và Richard (1998). Trong nghiên cứu của mình, họ nhận diện một khu vực của xã hội và đặt tên là xã hội phi dân sự (uncivil society – một lối chơi chữ của tác giả, có thể hiểu vừa là “xã hội phi văn minh”, vừa là “xã hội phi dân sự” - NBT). Xã hội phi dân sự này mang tính bạo lực và đối đầu với điều kiện của các nhóm thường là phản dân chủ. Giống những biến thể khác trong xã hội dân sự, khu vực xã hội này này ảnh hưởng tới hoạt động và đầu ra của chính quyền. Không giống ở những nước phát triển, xã hội phi dân sự thịnh hành ở những khu vực đang phát triển và đặc biệt là Trung Mỹ.
    Ở những quốc gia gần đây đã quá độ lên dân chủ, các mạng xã hội được chỉ ra là tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển tiếp. Gibson (2000) tìm hiểu khái niệm này bằng việc xem xét nước Nga hậu cộng sản. Thoát ra khỏi nhà nước Xô Viết khép kín, mạng xã hội với những mối liên kết yếu giữa các cá nhân đã chiếm lấy vị thế vốn thường được nắm giữ bởi xã hội dân sự thông thường trong việc khởi xướng và phát triển dân chủ. Gibson thấy rằng, mặc dù bản chất là không chính thức, các mạng xã hội cung cấp những cuộc thảo luận chính trị và các tổ chức chính trị mà sau đó có thể phát triển thành một xã hội hội dân sự lành mạnh. Dễ thấy rằng bản chất mối quan hệ vốn xã hội - xã hội dân sự là phát triển đi lên, nhưng vẫn có thể nảy nở từ những mạng xã hội thậm chí còn yếu kém.
    Ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho sự chuyển tiếp lên dân chủ, xã hội dân sự cũng khuyến khích việc tiếp tục củng cố hệ thống dân chủ. Mặc dù nhiều nhà nghiên cứu và lý thuyết gia đã tập trung vào vai trò ưu tú của giới tinh hoa trong việc gây ảnh hưởng lên hệ thống dân chủ, những nền dân chủ hoạt động đúng đắn chắc chắn yêu cầu về đầu vào con người. Vì lý do này, Diamond (1999) cho rằng xã hội dân sự là không thể thay thế nếu dân chủ muốn thành công. Xã hội dân sự, bằng nhiều cách, có vai trò trung gian giữa khu vực tư nhân và nhà nước. Đầu tiên, xã hội dân sự tập trung vào mục tiêu công hơn là những mục đích tư. Tiếp theo, nó có quan hệ với nhà nước nhưng không tìm cách kiểm soát nhà nước. Cuối cùng, xã hội dân sự chấp nhận sự đa nguyên và đa dạng (Diamond, 1999). Đại diện cho lợi ích người dân, vai trò quan trọng nhất của xã hội dân sự là khả năng kiểm soát và giới hạn quyền lực nhà nước trong khi đồng thời giúp cải cách nó. Do đó, xã hội dân sự, một cách toàn diện nhất, có thể được coi là có ảnh hưởng tích cực lên hệ thống dân chủ.
    Những nhánh nghiên cứu khác
    Ngoài việc ảnh hưởng tới quản trị dân chủ, vốn xã hội, mạng xã hội và xã hội dân sự cũng ảnh hưởng tới những khía cạnh kinh tế và sản xuất của xã hội. Trong quá trình triển khai cơ sở lý thuyết cho vốn xã hội, Coleman (1988) tìm cách giải thích cho sự tạo ra vốn con người (ví dụ thông qua giáo dục). Rốt cuộc ông thấy rằng sự hiện diện của vốn xã hội trong những tương tác tức thì giữa sinh viên với những thành viên trong cộng đồng và gia đình, cũng như vốn xã hội nói chung trong cộng đồng, ảnh hưởng tới tỉ lệ bỏ học tương đối của sinh viên. Do đó, ông chỉ rõ rằng vốn xã hội là một hình thức quan trọng của vốn, giống như vốn vật chất, tài chính và con người, trong việc định hình những tiềm năng kinh tế của cá nhân và cộng đồng.
    Đối với nghiên cứu của Putnam (1993) về Italy, sự phát triển của vốn xã hội (và mạng lưới xã hội theo sau đó) là cốt yếu trong việc tạo ra những khác biệt kinh tế trong sự phát triển của miền bắc và nam Italy. Sự hiện diện của một xã hội dân sự đầy sức sống ở miền Bắc Italy, xuất phát từ sự trợ giúp lẫn nhau được thiết lập bởi các phường hội buôn bán, đã khuyến khích một nền kinh tế hiệu năng và nuôi dưỡng sự phát triển kinh tế. Ở miền Nam, những xã hội được tổ chức theo chiều dọc chưa bao giờ cho phép sự hợp tác và do đó kìm hãm phát triển kinh tế. Đối với Putnam, ý tưởng về sự có qua có lại và lòng tin chính là nền móng cho sự phát triển tích cực ở đa số các mặt của xã hội, bao gồm cả kinh tế.
    Những khái niệm về hiệu năng sản xuất của xã hội được nhắc đến trong cuộc thảo luận xã hội học của Dekker và Uslaner (2001) về vai trò của vốn xã hội trong việc ảnh hưởng tới các kết quả kinh tế của cộng đồng. Đối với những tác giả này, một số những điều kiện là kết quả của mối quan hệ mạnh mẽ hơn giữa mạng xã hội và vốn xã hội. Đầu tiên, quá trình chia sẻ thông tin khuyến khích hiệu năng bằng việc cho phép các cá nhân tránh được những phương thức sản xuất thiếu hiệu quả. Thứ hai, các hoạt động được điều phối nhiều hơn trong cộng đồng với mức vốn xã hội cao hơn. Ví dụ, các tác giả cho thấy sự thất bại của hệ thống tưới tiêu do những hành động thủ lợi của các nông dân mong muốn nắn lại dòng nước do họ nhìn thấy những cơ hội khác. Thứ ba, việc ra quyết định tập thể khuyến khích sự phân bổ hàng hóa công hiệu quả hơn. Đối với Dekker và Uslaner, tất cả những hoạt động khuyến khích hiệu năng này đều là kết quả của mức độ vốn xã hội cao hơn tồn tại trong cộng đồng.
    Ngoài hiệu ứng tới chính quyền và kinh tế của vốn xã hội, mạng xã hội và xã hội dân sự, một số những tác động chỉ xuất hiện trong phạm vi cộng đồng cũng được nhận diện. Putnam và Feldstein (2003) đã đưa ra được một số nhận diện rõ ràng nhất về các lợi ích này. Lợi ích của vốn xã hội đối với cá nhân không chỉ cụ thể, mà chúng còn mở rộng tới cả cộng đồng với tư cách là một loại hàng hóa công. Rút ra mối tương quan giữa mức độ vốn xã hội và các điều kiện của cộng đồng, Putnam và Feldstein quan sát thấy những cộng đồng với mức độ vốn xã hội cao hơn (được hiểu và đo lường khác nhau) có tỉ lệ tội phạm thấp hơn, trẻ sơ sinh khỏe mạnh hơn, và tỉ lệ bỏ học thấp hơn. Những điều kiện được cải thiện này minh họa cho tầm quan trọng của vốn xã hội trong xã hội vượt ra ngoài phạm vi của hiệu năng kinh tế và quản trị dân chủ.
    Phê bình
    Nhiều nghiên cứu đã mở rộng các ý tưởng gắn với vốn xã hội, mạng xã hội, và xã hội dân sự theo cách thức phản biện nhưng hữu ích. Đa phần các phê bình xuất phát từ ý kiến cho rằng những thuật ngữ này chưa thật sự hoàn chỉnh. Công trình của Foley và Edwards (1996) là một ví dụ tốt cho sự mở rộng này. Bên cạnh sự hiểu biết về xã hội dân sự mà chương này đã bàn tới (nghĩa là xã hội dân sự nâng cao tính chất dân sự trong dân chúng, điều này tiếp theo sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quản trị dân chủ), những nhà nghiên cứu cũng tâm đắc với việc có một xã hội dân sự thay thế. Họ ấp ủ ý tưởng về một xã hội dân sự truyền thống gọi là Xã hội Dân sự I, và một xã hội dân sự thay thế, gọi là Xã hội Dân sự II.
    Xã hội Dân sự II sỡ hữu nhiều quyền tự trị hơn và do đó ở một vị thế tốt hơn để chống lại cơ cấu chính quyền. Lập luận này đặc biệt áp dụng cho những chế độ chuyên chế. Trong bối cảnh này, Xã hội Dân sự II có khả năng chống lại chế độ chuyên chế và có tiềm năng khuyến khích thay đổi chế độ. Tương tự, Booth và Richard (1998) mở rộng thảo luận về xã hội dân sự bao gồm cả Xã hội Dân sự III. Hình thức của xã hội dân sự này bị giới hạn nghiêm ngặt ở những nỗ lực thay đổi chế độ. Về cơ bản, Xã hội Dân sự III bản chất mang tính cách mạng. Trong khi những phê bình này ít hay nhiều đều mang tính hữu ích, điều quan trọng là cần tập trung vào tính hoàn chỉnh của khái niệm trong mọi bối cảnh.
    Một phê bình nổi bật về thảo luận vốn xã hội, mạng xã hội, và xã hội dân sự là những kết luận xung quanh tác động của các tổ chức đã bị phóng đại. Mặc dù nhiều nhà nghiên cứu dám chắc vốn xã hội tác động trực tiếp lên các mặt của đời sống cá nhân và xã hội, những người khác thì không đồng ý như vậy, nói rằng nó chỉ là một phần của câu đố. Ví dụ, Stolle và Hooghe (2003) đặt câu hỏi về tầm quan trọng của đời sống mang tính tổ chức đối với cá nhân. Họ cũng kết luận rằng tác động của vốn xã hội bên ngoài bối cảnh của nhóm, nếu có, cũng yếu ớt. Mặc dù không muốn xóa bỏ đời sống mang tính tổ chức ra khỏi vị trí nổi bật trong nghiên cứu, họ khuyến khích sự tập trung vào hoạt động nội bộ của các nhóm (và phong trào vốn xã hội theo sau). Stolle và Hooghe cũng thúc giục những nghiên cứu xa hơn về các tác động bên ngoài của các nhóm và vai trò của xã hội dân sự.
    Một phê bình khác thường xuất hiện trong các nghiên cứu về vốn xã hội, mạng xã hội và xã hội dân sự tập trung vào phương pháp đo lường những chủ đề này. Chúng ta làm thế nào có thể đo lường chính xác một ý tưởng như vốn xã hội? Những cách tiếp cận đo lường thì rất nhiều. Một số cá nhân thích khảo sát để nhận diện vốn xã hội. Khảo sát thường khiến việc so sánh giữa các quốc gia trở nên bất khả thi vì việc chuyển giao ý tưởng giữa các quốc gia khó có thể thực hiện được. Đối với xã hội dân sự, nhiều nhà nghiên cứu vận dụng số lượng trung bình các nhóm trong xã hội hoặc số lượng các nhóm mà một cá nhân có liên quan. Một lần nữa, vấn đề về đo lường nổi lên liên quan tới việc nên bao gồm nhóm nào, làm sao phân biệt giữa các loại nhóm, và có nên tính đến yếu tố thời gian trong đo lường không. Mạng xã hội cũng đặt ra những khó khăn trong việc đo lường do bản chất mong manh nội tại trong sự liên kết giữa các cá nhân. Mặc dù những vấn đề này không phải không khắc phục được, chúng cần được xem xét khi liên quan tới đánh giá kết luận về các khái niệm được rút ra bởi những nhà nghiên cứu.
     Nghiên cứu tương lai
    Nghiên cứu về vốn xã hội, mạng xã hội và xã hội dân sự đã đi một chặng đường dài kể từ công trình của Coleman và Putnam 20 năm trước. Tuy nhiên, trong khi các khái niệm tiếp tục phát triển, bối cảnh xã hội vẫn tiếp tục thay đổi. Đi cùng với sự thay đổi này là nhu cầu tiếp tục phát triển các khái niệm và thử nghiệm những thay đổi, tập trung vào mặt ứng dụng. Một ví dụ về một khái niệm mới có thể làm sáng tỏ vai trò của vốn xã hội trong việc ảnh hưởng tới các hành vi dân chủ là ví dụ về vốn chính trị. Theo Booth và Richard (2009), vốn chính trị là cơ chế liên kết kết nối vốn xã hội với các kết quả chính trị. Những nghiên cứu như thế này sẽ giúp làm sáng tỏ hiệu ứng của vốn xã hội và xã hội dân sự lên nền dân chủ.
    Một thay đổi lớn diễn ra trong thập kỷ qua, và sẽ tạo ra nhu cầu đặc biệt cho những nghiên cứu xa hơn, là sự phát triển công nghệ, vốn đã tái định hình việc chúng ta hiểu các nhóm được cấu trúc thế nào. Trong nghiên cứu về nước Mỹ, Putnam (1995, 2000) chỉ ra sự phát triển công nghệ truyền hình là một nguyên nhân của sự suy giảm tình cảm láng giềng, điều này trực tiếp ảnh hưởng tới xã hội dân sự.  Sự xuất  hiện của  tổ chức mà ông  gọi là  tổ chức thứ ba (tertiary associations), được hiểu là tổ chức liên quan chủ yếu đến việc thư từ qua lại và những lần thanh toán (tiền) đến hạn nhưng ít gặp mặt, đã làm thay đổi cách người Mỹ nhìn nhận các nhóm. Theo cách này, nhóm và tác động của nó lên chính trị và xã hội thay đổi theo thời gian.
    Đổi mới công nghệ sẽ một lần nữa thay đổi tác động của nhóm lên chính trị và xã hội, đáng chú ý nhất liên quan tới Internet. Mặc dù tương tác giữa các thành viên nhóm trên mạng trực tiếp hơn là trong trường hợp tổ chức thứ ba, vẫn chưa chắc là vốn xã hội phát triển qua mạng Internet có hoạt động tương tự như vốn xã hội phát triển qua tổ chức cộng đồng như hội phụ huynh - giáo viên trong một ngôi trường địa phương không. Theo nhiều cách, các trang mạng xã hội trên Internet chính xác như những gì được quảng cáo: chúng là những mạng xã hội thực thụ. Nói cách khác, những trang mạng này có vẻ khuyến khích chủ nghĩa cá nhân hơn là tính chất có đi có lại một cách vô tư. Vì những lý do này, nghiên cứu tập trung vào vai trò của vốn xã hội, mạng xã hội và xã hội dân sự cần phải được tiếp tục.
    Nếu không thể dự đoán trước được quá trình đổi mới công nghệ, liệu có thể còn có chỗ cho nghiên cứu như những gì đang diễn ra ở hiện tại hay không? Câu trả lời là một tiếng “có” vang dội. Quan điểm kinh điển về vai trò của các tổ chức trong xã hội vẫn yêu cầu sự tập trung chú ý ở những nước đang phát triển. Nhiều nước tiếp tục phấn đấu cho quản trị dân chủ, và nhiều nước nữa đang thúc đẩy củng cố chế độ dân chủ. Ở những nước này, nghiên cứu về xã hội dân sự truyền thống và mạng xã hội vẫn còn nhiều tiềm năng. Ngoài việc xác nhận những quan điểm đã có, những nghiên cứu này sẽ cho phép những thực tế mới được tích hợp vào những nghiên cứu trong quá khứ, điều này sẽ làm tăng tính vững chắc hoặc truyền cảm hứng thay đổi cho những kết luận trước đây. Về cơ bản, vẫn cần tìm hiểu nhiều về vốn xã hội, mạng xã hội, và xã hội dân sự ở những nước phi dân chủ, dân chủ mới hay đang trong quá trình củng cố dân chủ, những thứ vốn không thể học hỏi được ở những nền dân chủ đã vững vàng.
    Kết luận
    Các cá nhân giao kết với nhau một cách tự nhiên. Ngoài những tương tác đơn giản, vụn vặt, mọi người thường tìm kiếm những nhóm để gia nhập dựa trên ưu tiên của mình. Cơ sở cho việc gia nhập có thể là tôn giáo, sắc tộc, chính trị…Tổ chức có thể ở dạng các nhóm môi trường, liên đoàn bowling, nhà thờ, đảng phái chính trị, tổ chức láng giềng, các mạng xã hội trên internet…Các nhóm cũng đa dạng như những thành viên tham gia. Tuy nhiên, dù có đa dạng tới đâu, vẫn có những hiệu ứng nhất quán nhất định đối với những cá nhân là thành viên một nhóm. Những hiệu ứng này được quan niệm là vốn xã hội. Với tư cách là thành viên một nhóm, các cá nhân xây đắp vốn xã hội bằng việc đóng góp vào hệ thống có đi có lại một cách vô tư trong đó những cá nhân khác, thường là thành viên của cùng một nhóm, sẽ đền đáp những nỗ lực mà cá nhân đã đóng góp. Sự đền đáp đó có thể trong một bối cảnh tương tự mà đóng góp được trao. Tuy nhiên, sự đáp trả đó có thể xuất hiện trong một bối cảnh đặc biệt. Dù gì đi nữa, các cá nhân mong muốn được đền đáp lại như những gì bên kia đã được hưởng. Theo cách này, vốn xã hội ảnh hưởng tới nhóm và biểu hiện của cá nhân bằng cách truyền tải lòng tin và mong muốn đền đáp.
    Mạng xã hội và xã hội dân sự là những khái niệm rộng hơn tập trung vào thể loại và số lượng nhóm trong một hệ thống cụ thể (ví dụ: đất nước). Trong mạng xã hội và xã hội dân sự, vốn xã hội được trao đổi và lưu trữ, ảnh hưởng tới thái độ và hành vi của cá nhân. Mạng xã hội nổi lên với tư cách một tổ chức ít chính thức hơn của các cá nhân với lợi ích chung, và khi cùng hành động có thể tạo ra hiệu ứng lớn hơn lên hệ thống. Xã hội dân sự là khái niệm tổng hợp nhất, mô tả số lượng, cường độ của mạng xã hội và các tổ chức khác trong một hệ thống. Sức mạnh của xã hội dân sự là một khái niệm rộng về bản chất tổ chức của hệ thống, vốn có thể ảnh hưởng lớn tới hành vi của những chủ thể ở cấp độ hệ thống.
     Những khái niệm trong chương này sẽ được cảm nhận hiệu quả nhất ở những nước có chế độ dân chủ. Ở những hệ thống chính trị có tính chất tham dự cao, các tổ chức hiệp hội trở thành nơi tập trung, lan truyền cảm hứng hoặc kêu gọi vận động trong hệ thống chính trị. Quá trình tham gia chính trị hình thành nên quản trị dân chủ, và các tổ chức hiệp hội có thể định hình quá trình tham gia này. Ngoài chính trị, một xã hội dân sự mạnh mẽ cũng có thể ảnh hưởng tới kinh tế bằng cách khuyến khích hiệu năng và ảnh hưởng tới những điều kiện nhân khẩu học nói chung thông qua giáo dục và làm giảm xu hướng phạm tội của các cá nhân trong cộng đồng.
    Những nỗ lực mang tính học thuật của các nhà nghiên cứu đã trải rộng trên toàn cầu. Trong lúc bối cảnh của nghiên cứu rất khác nhau giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển, sự đồng thuận nói chung vẫn là vốn xã hội, mạng xã hội và xã hội dân sự là những khái niệm nhất quán. Biến thể chính là sự khác biệt giữa hệ thống chính trị dân chủ và phi dân chủ. Về cơ bản, những hệ thống khuyến khích đầu vào cá nhân (nghĩa là dân chủ) không thể tránh khỏi ảnh hưởng của các tổ chức hiệp hội. Ảnh hưởng đó có thể mạnh mẽ và rộng lớn, cũng như nó có thể tinh vi và cụ thể. Chỉ có những nghiên cứu tiếp theo mới làm rõ được những khác biệt này.
    Nguồn: http://nghiencuuquocte.net/2014/04/20/xa-hoi-dan-su-la-gi/
    Tài liệu tham khảo và đọc thêm
    Almond, G. A., & Verba, S. (1963). Civic culture. Princeton, NJ: Princeton University Press. Blaney, D. L., & Pasha, M. K. (1993). Civil society and democracy in the third world:
    Ambiguities and historical possibilities. Studies in Comparative International Development, 28(1), 3 24.
    Booth, J. A., & Richard, P. B. (1998). Civil society, political capital, and democratization in Central America. Journal of Politics, 60(3), 780 800.
    Booth, J. A., & Richard, P. B. (2009). Descifrando el capital social en las democracies de América Latina [Deciphering social capital in the democracies of Latin America]. In L.
    H. Gómez & J. A. Booth (Eds.), Perspectivas para la democracia en América Latina [Perspectives on democracy in Latin America]. Toluca, Mexico: Universidad Autónoma del Estado de México.
    Bourdieu, P. (1985). The forms of social capital. In J. G. Richardson (Ed.), Handbook of theory and research for the sociology of education (pp. 241 258). New York: Greenwood.
    Cohen, J., &        Rogers, J. (1992). Secondary associations and democratic governance. Politics & Society, 20(4), 393 472.
    Coleman, J. S. (1988). Social capital in the creation of human capital. American Journal of Sociology, 94(Suppl.), S95 S120.
    Dekker, P., & Uslaner, E. M. (2001). Social capital and participation in everyday life. London: Routledge.
    Diamond, L. (1999). Developing  democracy: Toward consolidation. Baltimore: Johns Hopkins University Press.
    Durkheim, É. (1984). The division of labor in society (W. D. Halls, Trans.). New York: Free Press. (Original work published 1893)
    Edwards, B., Foley, M. W., & Diani, M. (2001). Beyond Tocqueville: Civil society and the social capital debate in comparative perspective. Hanover, NH: University Press ofNew England.
    Field, J. (2003). Social capital. London: Routledge.
    Fine, B. (2001). Social capital versus social theory: Political economy and social science at the turn of the millennium. New York: Routledge.
    Foley, M. W., & Edwards, B. (1996). The paradox of civil society. Journal of Democracy, 7(3), 38 52.
    Gibson, J. L. (2001). Social networks, civil society, and the prospects for consolidating Russia’s democratic transition. American Journal of Political Science, 45 (1), 51 69.
    Grootaert, C. (2001). Social capital: The missing link? In P. Dekker & E. M. Uslaner (Eds.),
    Social capital and participation in everyday life (pp. 9 29). New York: Routledge.
    Huntington, S. P., & Nelson, J. M. (1976). No easy choice: Political participation in developing countries. Cambridge, MA: Harvard University Press.
    Isham, J., Kelly, T., & Ramaswamy, S. (2002). Social capital and economic development: Well being in developing countries. Northampton, MA: Edward Elgar.
    Madison, J. (1982). Federalist No. 10. In G. Wills (Ed.), The federalist papers by Alexander Hamilton, James Madison, and John Jay (pp. 42 49). New York: Bantam Books. (Original work published 1787)
    Putnam, R. D. (1993). Making democracy work: Civic traditions in modern Italy. Princeton, NJ: Princeton University Press.
    Putnam, R. D. (1995). Bowling alone: America’s declining social capital. Journal of Democracy, 4(1), 65 78.
    Putnam, R. D. (2000). Bowling alone: The collapse and revival of American community. New York: Simon & Schuster.
    Putnam, R. D., & Feldstein, L. M. (2003). Better together: Restoring the American community. New York: Simon & Schuster.
    Putnam, R. D., & Goss, K.A. (2003). Introduction. In R. D. Putnam (Ed.), Democracies in flux: The evolution of social capital in contemporary society (pp. 3 20). Oxford, UK: Oxford University Press.
    Rosenstone, S. J., & Hansen, J. M. (2003). Mobilization, participation, and democracy in America. New York: Longman.
    Simpson, P. L. P. (1997). The politics of Aristotle. Chapel Hill: University of North Carolina Press.
    Stolle, D., & Hooghe, M. (2003). Conclusion: The sources of social capital reconsidered. In
    M. Hooghe & D. Stolle (Eds.), Generating social capital: Civil society and institutions in comparative perspective (pp. 231 248). New York: Palgrave Macmillan.
    Tocqueville, A. de. (1840). Democracy in America. New York: Schocken.
    Uslaner, E. M. (2002). The moral foundations of trust. New York: Cambridge University Press.
    Verba, S., Nie, N. H., & Kim, J. (1978). Participation and political equality: A seven nation comparison. Chicago: University of Chicago Press.
    Verba, S., Schlozman, K. L., & Brady, H. E. (1995). Voice and equality: Civic voluntarism in American politics. Cambridge, MA: Harvard University Press.
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org