Thưa tiến sĩ Adler,
Con người trên khắp thế
giới ngày nay đang lớn tiếng đòi hỏi những quyền công dân bầu cử và tự cai trị.
Phải chăng đây là một ý tưởng hiện đại, hay nó đi lui về thời cổ xưa? Những nhà
tư tưởng lớn của chúng ta nói với chúng ta những gì về vai trò công dân, những
quyền lợi và nghĩa vụ công dân?
K.A. thân mến,
Địa vị công dân là một ý
tưởng cách mạng. Nó rất mới mẻ khi ra đời ở Hy Lạp cổ, và vẫn còn mới mẻ ở
nhiều nơi trên thế giới ngày nay. Những quan niệm của chính chúng ta về tự do
và bình đẳng chính trị vẫn gắn liền với ý tưởng tiến bộ này. Ngày nay ở phương
Tây chúng ta thường xem những quyền công dân là điều đương nhiên, nhưng chuyện
đó không phải lúc nào cũng vậy.
Người Hy Lạp cổ đại tự
hào họ là những công dân tự do và bình quyền. Họ so sánh địa vị của mình với
thân phận của người Ai Cập và Ba Tư láng giềng, vốn là thần dân của những vị
vua chuyên chế tuyệt đối. Sự khác biệt căn bản giữa địa vị công dân và thân
phận thần dân được gắn liền với sự phân biệt giữa chính quyền chuyên chế và
chính quyền hiến định. Trong một chính quyền chuyên chế, chỉ riêng người cầm
quyền hành xử quyền lực chính trị. Dân chúng là thần dân của ông ta và phải
tuân lệnh ông ta. Điều này nhất thiết phải thế cho d ù ông ta cai trị vì lợi
ích của họ, như một nhà chuyên chế nhân từ, hoặc cai trị vì quyền lợi riêng tư
của ông ta, như một bạo chúa.
Trong một chính quyền
hiến định, người cầm quyền sẽ cai trị theo luật căn bản hay tập tục. Dân chúng
là những người bình đẳng với ông ta. Họ có tiếng nói trong việc làm ra luật
pháp và lựa chọn người cai trị, và họ cũng có quyền được giữ các chức vụ. Một
quốc gia pháp trị là một cộng đồng gồm những công dân bình quyền. Nguyên thủ
quốc gia chỉ là người đi đầu trong số những con người bình quyền đó.
Aristotleso sánh chế độ
độc tài với sự cai trị của một chủ nô đối với nô lệ, rồi chế độ chuyên chế nhân
từ với sự cai trị của cha đối với các con, và chính quyền hiến định với sự cai
quản của chồng đối với vợ. Dĩ nhiên, đoạn so sánh thứ ba thì không hoàn chỉnh,
vì Aristotle không chủ trương rằng người vợ phải cai quản người chồng. Nhưng
cách so sánh đơn giản của ông làm sáng tỏ địa vị và tự do của người công dân so
với thần dân.
Dĩ nhiên, không phải tất
cả những ai sống dưới một chính quyền hiến định đều là những công dân trọn vẹn,
với đầy đủ quyền bầu cử và giữ chức vụ. Ngay cả với chế độ phổ thông đầu phiếu,
những người ngoại quốc, thiểu năng thần kinh, vị thành niên và người bị kết án
không có được những quyền này. Và nhiều quốc gia đã khước từ quyền công dân đầy
đủ cho nô lệ, phụ nữ và giai cấp lao động. Những người đó chỉ là những cư dân,
chứ không phải công dân, của quốc gia đó.
Phong trào đòi quyền công
dân đầy đủ cho mọi người bản địa và nhập tịch đủ tuổi thành niên, có thần kinh
lành mạnh và tuân thủ pháp luật chỉ xảy ra trong một trăm năm qua. Những người
như John Stuart Mill[32] cảm thấy rằng có điều gì phản đạo đức khi đối xử với
bất kỳ con người nào như một kẻ mạt hạng về chính trị. Họ cho rằng chính quyền
hiến định, với những nguyên lý bình đẳng và tự do chính trị, phải bảo đảm rằng
không một ai bị tước mất địa vị công dân chỉ vì lý do giới tính, giai cấp hoặc
màu da. Họ coi địa vị công dân như là một quyền căn bản của con người.
Các công dân có các quyền
lợi cũng như nghĩa vụ. Họ phải có khả năng hành xử quyền tự do của mình một
cách đúng đắn. Từ đó, các triết gia qua nhiều thời kỳ đã tranh luận về các phẩm
chất của một công dân tốt và các phẩm chất đó phải thấm nhuần thế nào.
Aristotle nói rằng một công dân tốt phải có khả năng cai trị cũng như chịu cai
trị như một người tự do. Từ đó anh ta phải có được sự chừng mực và công bằng
của một người cai trị cũng như người chịu cai trị. Mill chủ trương một trường
học của tinh thần cộng đồng . Theo quan điểm của ông ta, điều này có được nhờ
không khí của một nền dân chủ vốn khiến cá nhân quan tâm đến lợi ích của toàn
cộng đồng chứ không phải những quyền lợi riêng của anh ta - và được hướng dẫn
bởi những con người có kiến thức lành mạnh và am hiểu về các sự vụ công.
Tự do thông qua quyền tự
trị đòi hỏi phẩm chất đạo đức và trí tuệ phê phán. Gia đình, Giáo hội và các
định chế xã hội khác góp phần phát huy các phẩm chất đạo đức. Sự phát triển các
phẩm chất trí tuệ là nhiệm vụ của nền giáo dục khai phóng, cả trong và ngoài
nhà trường.
Nguồn: Sách Những tư
tưởng lớn từ những tác phẩm vĩ đại