Francis Fukuyama
Dương Đỗ dịch
Thật
đau buồn khi tôi biết tin Samuel Huntington qua đời vào đêm trước Lễ Giáng
sinh. Ông là người thầy, người bạn và là thành viên
nhiều năm của Ban biên tập tạp chí The American Interest. Tôi
quen Huntington từ năm cuối lúc tốt nghiệp trường Harvard, khi ông
vừa lui về sau nhiệm vụ ở Bộ Ngoại giao thời tổng thống Carter. Ông gần gũi các
sinh viên cũ của mình hơn hầu hết các giáo sư khác qua các cuộc gặp gỡ hàng năm
tại Câu lạc bộ Wianno Club on Cape Cod vào mỗi mùa hè và qua các cuộc hội thảo
và hội nghị tại Trung tâm các vấn đề quốc tế do ông lãnh đạo nhiều năm tại
Harvard.
Huntington dễ dàng được coi nhà khoa học
chính trị lớn nhất của thế hệ ông. Ông nổi bật về sự uyên bác qua một loạt chủ
đề mà ông đã viết và cái cách mà từng cuốn sách của ông trở thành tâm điểm tham
chiếu quan trọng trong từng lĩnh vực: cuốn Quân nhân và Nhà nước (The
Soldier and State) viết về các mối quan hệ dân sự - quân sự; cuốn Phòng
Thủ chung (The Common Defense) viết về chính sách quốc phòng;
cuốn Trật tự chính trị trong các xã hội biến đổi (Political order in
Changing Societies) và cuốn Làn sóng thứ ba (The Third Wave)
về môn chính trị học so sánh; cuốn Sự đụng độ giữa các nền văn minh
(The Clash of Civilization) về các mối quan hệ quốc tế; cuốn Nền
chính trị Mỹ: hứa hẹn về sự không hài hòa (American Politics: The Promise of
Disharmony) và cuốnChúng ta là ai ?(Who are We?) viết
về nền chính trị Mỹ[1]. Bằng sự uyên bác của
bản thân và thông qua các sinh viên của mình, ông thực sự đã sáng tạo ra lĩnh
vực nghiên cứu chiến lược, một lĩnh vực mà trước ông chưa được nghiên cứu một
cách nghiêm túc trong hầu hết các trường đại học.
Vì có lẽ trong thời gian tới sẽ có nhiều bài
viết ca ngợi Sam[2], tôi nghĩ mình nên tập
trung vào một khía cạnh đặc thù trong sự uyên bác của ông, điều thể hiện trong
công trình của ông về chính trị học so sánh. Cuốn Trật tự chính trị
trong các xã hội biến đổi được xuất bản lần đầu năm 1968, có lẽ là cố
gắng cuối cùng nhằm xây dựng một lý thuyết tổng quát về phát triển chính trị và
đã để lại một dấu ân sâu đậm trong toàn bộ lĩnh vực này. Năm 1997, khi chọn
sách giới thiệu trên tạp chí Foreign Affairs, tôi đã chọn
cuốn Trật tự chính trị là một trong 5 cuốn sách hàng đầu về
chính trị quốc tế đã được phát hành trong 75 năm qua. Có lẽ vì thế, Sam đã đề
nghị tôi viết lời tựa cho lần tái bản ấn phẩm bìa mềm xuất bản vào năm 2006. Đó
là vinh dự lớn mà tôi rất vui mừng tiếp nhận. Tôi xin trích dẫn lại những điều
tôi đã nói trong lời tựa đó:
“Để hiểu được ý nghĩa sâu sắc của cuốn Trật
tự chính trị, ta cần đặt nó vào bối cảnh các tư tưởng bao trùm những
năm 1950 và đầu những năm 1960. Đó là thời kỳ vàng son của “Lý thuyết hiện đại
hóa”, một tham vọng, có lẽ là lớn nhất của nước Mỹ muốn tạo ra một thứ lý
thuyết kinh nghiệm, tổng hợp về sự biến đổi của xã hội loài người. Lý thuyết
hiện đại hóa bắt nguồn từ các nhà lý luận xã hội châu Âu cuối thế kỷ XIX như
Henry Maine, Emile Durkhein, Karl Marx, Ferdinand Tonnies và Max Weber. Các tác
phẩm của các tác giả này đã xây dựng nên một loạt khái niệm nhằm miêu tả sự
thay đổi các chuẩn mực xã hội và các quan hệ xã hội diễn ra khi xã hội loài
người chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp (chẳng hạn như
các khái niệm: Địa vị xã hội / Khế ước xã hội; Quan hệ cơ giới / Quan hệ hữu
cơ; Cộng đồng / Xã hội; Quyền lực duy lý - Quyền lực quan liêu / Quyền lực xã
hội). Dựa vào kinh nghiệm của các nước đã hiện đại hóa trước đó như Anh và Mỹ,
các tác giả này, tìm cách phác họa nên các quy luật chung về sự phát triển xã
hội.
“Lý thuyết xã hội châu Âu đã bị phá sản cả về
nghĩa đen và nghĩa bóng sau hai cuộc chiến tranh thế giới; nhưng các tư tưởng
do lý thuyết này sản sinh đã du nhập sang Mỹ sau chiến tranh thế giới thứ hai
trong khoa Chính trị học so sánh ở Đại học Harvard, tại Trung tâm nghiên cứu
quốc tế MIT hoặc trong Ban Chính trị học so sánh thuộc Hội đồng nghiên cứu Khoa
học xã hội. Lúc đó, các khoa tại Đại học Harvard do Talcott Parsons lãnh đạo đi
theo xu hướng của Weber hy vọng xây dựng được một môn khoa học xã hội thống
nhất, liên ngành kết hợp trong nó các ngành khoa học chính trị, xã hội học,
kinh tế học và nhân học.
“Từ cuối
những năm 1940 đến đầu những năm 1960 là thời kỳ tan rã của các đế chế thực dân
Châu Âu và xuất hiện cái được biết với cái tên là thế giới thứ ba hoặc thế giới
đang phát triển, các nước mới độc lập khát khao hiện đại hóa và mong muốn đuổi
kịp các ông chủ thực dân trước đây của họ. Những học giả như Edward Shils,
Daniel Lerner, Lucian Pye, Gabriel Almond, David Apter và Walt Whitman Rostow
đã xem tiến trình phát triển vô cùng quan trọng như là cơ sở thí nghiệm cho lý
thuyết xã hội, cũng như là một cơ hội lớn để giúp các nước đang phát triển nâng
cao mức sống và dân chủ hóa hệ thống chính trị của họ.
“Các nhà
lý luận về hiện đại hóa đã đặt ra những chuẩn mực giá trị lớn cho hiện đại hóa
và theo quan điểm của họ, những cái tốt đẹp của hiện đại hóa đều có xu hướng
đồng hành với nhau. Phát triển kinh tế, biến đổi các quan hệ xã hội như đô thị
hóa và phân rã các nhóm tộc hệ cơ bản, nâng cao và mở rộng các trình độ giáo
dục, chuyển đổi chuẩn mực hướng tới các giá trị như “hoàn thiện” và duy lý, thế
tục hóa và phát triển các thiết chế chính trị dân chủ, tất cả đều được xem là
một tổng thể phụ thuộc lẫn nhau. Phát triển kinh tế sẽ nuôi dưỡng giáo dục tốt
hơn từ đó dẫn tới biến đổi giá trị, thúc đẩy nền chính trị hiện tại và cứ như
vậy trong một chu trình hợp lý.
Cuốn Trật
tự chính trị trong các xã hội biến đổi xuất hiện trên cái nền như vậy
và thách thức trực diện các giả thuyết sau. Thứ nhất, Huntington lập
luận rằng, sự suy vong về chính trị ít ra cũng giống như sự phát triển chính
trị, và kinh nghiệm thực tế của các quốc gia mới độc lập là kinh nghiệm về tình
trạng rối loạn ngày càng tăng về xã hội và chính trị. Thứ hai, ông gợi ý rằng
những điều tốt đẹp của tính hiện đại thường vận động trái ngược nhau. Đặc biệt
nếu huy động xã hội tiến nhanh hơn sự phát triển các thiết chế chính trị thì sẽ
thất bại vì các tác nhân xã hội cảm thấy không có khả năng tham gia vào hệ
thống chính trị. Điều đó dẫn đến một hoàn cảnh mà ông gọi là “praetorianism” và
là nguyên nhân dẫn đến các cuộc nổi dậy, các cuộc đảo chính quân sự, làm các
chính phủ suy yếu hoặc kém về tổ chức. Phát triển kinh tế và phát triển chính
trị không phải là những bộ phận của cùng một tiến trình hiện đại hóa mà giữa
chúng không có đường nối ghép; phát triển chính trị có lôgích riêng của nó vì
các thiết chế như các đảng phái chính trị hoặc các hệ thống luật pháp sẽ được
tạo ra hoặc phát triển thành các hình thái phức tạp hơn.
“Huntington đã
rút ra một ý niệm thực tiễn từ các quan sát này, đó là trật tự chính trị tự nó
đã là một cái tốt đẹp và sẽ không tự động phát triển vượt ra ngoài tiến trình
hiện đại hóa. Thực ra là phải ngược lại: không có trật tự chính trị, thì cả
phát triển kinh tế cũng như phát triển xã hội đều không thể tiến hành thành
công được. Các thành tố khác nhau của hiện đại hóa cần được tiến hành theo
chuỗi nối tiếp nhau. Tăng trưởng sớm trong tham dự chính trị - bao gồm cả các
công việc như bầu cử sớm - có thể phá vỡ các hệ thống chính trị còn đang mỏng
manh. Điều này đặt nền tảng cho một chiến lược phát triển được gọi là “chuyển
tiếp quyền lực”, qua đó một chế độ chuyên chính về hiện đại hóa sẽ đưa ra trật
tự chính trị, quy tắc luật pháp và các điều kiện để phát triển kinh tế và xã
hội thành công. Một khi các khối kết cấu này được đặt đúng vị trí, các mặt khác
của xã hội hiện đại như dân chủ và sự tham gia của công dân sẽ có thể bổ sung
được (Fareed Lakaria, học trò của Huntington, người viết cuốn Tương lại
của tự do - The Future of Freedom vào năm 2003, đã cập nhật luận điểm
này).
“Ý nghĩa
cuốn sách của Huntington phải được nhìn nhận trên cái nền của những
gì đang diễn ra trong chính sách đối ngoại của Mỹ vào thời gian nó được phát
hành. Năm 1968 đã được ghi dấu bằng cuộc chiến tranh Việt Nam khi lực lượng
quân đội phình lến đến nửa triệu và cuộc tấn công vào dịp Tết Mậu Thân đã phá
vỡ niềm tin của công chúng Mỹ. Nhiều nhà lý luận hiện đại hóa hy vọng công
trình nghiên cứu của họ sẽ mang những nội dung hữu ích cho chính sách của Mỹ;
cuốn sách của Walt Rostow Các giai đoạn tăng trưởng kinh tế (The Stages
of Economic Growth) là tài liệu hướng dẫn của tổ chức Phát triển quốc tế Mỹ
(The Agency for International Development), một tổ chức tìm cách làm trung gian
cho các quốc gia như Nam Việt Nam và Indonesia chống lại sự lôi kéo của chủ
nghĩa Cộng sản. Nhưng vào cuối những năm 60, đã chẳng có nhiều câu chuyện thắng
lợi mà người Mỹ có thể đạt tới. Các chiến lược cạnh tranh với chủ nghĩa cộng
sản và xây dựng nhà nước kiểu phương Tây ở Bắc và Nam Việt Nam đã kết
thúc với thất bại cuối cùng ở Nam Việt Nam.
“Huntington đề
xuất rằng đã có một cách khác để tiến tới, thông qua hiện đại hóa nền chuyên
chế, một quan điểm đã đem lại nỗi sỉ nhục đối với ông trong bối cảnh phân cực
rất lớn ở Mỹ vào cuối những năm 60. Nhưng đó lại chính xác là kiểu người lãnh
đạo như Pắc Chung Hi ở Hàn Quốc, Tưởng Kinh Quốc ở Đài Loan, Lý Quang Diệu ở
Singapore và Suharto ở Indonesia - những người đã đem lại cái gọi là “Điều thần
kỳ của Châu á”, ngay cả khi Việt Nam vẫn đang là Cộng sản.
“Có thể
yên tâm nói rằng cuốn Trật tự chính trị cuối cùng đã loại bỏ
lý thuyết hiện đại hóa. Nó là bộ phận của cuộc tấn công gọng kìm mà nửa kia của
nó là sự chỉ trích của cánh tả cho rằng các lý thuyết gia về hiện đại hóa đã
suy tôn mô hình phát triển xã hội kiểu Bắc Mỹ hoặc Châu âu thành một mô hình
phổ biến cho loài người. Khoa học xã hội Mỹ đột nhiên thấy mất đi một lý thuyết
bao trùm và bắt đầu chuyển dần sang phương pháp luận hiện nay về Balcan hóa”.
“Cuốn Trật
tự chính trị trong các xã hội biến đổi là một trong những công trình
sớm của Huntington và là công trình đã làm nên tầm vóc một nhà khoa
học chính trị, nhưng nó vẫn chưa bằng cống hiến quan trọng cuối cùng của ông
cho bộ môn chính trị học so sánh. Công trình của ông về quá độ dân chủ cũng trở
thành một điểm tham chiếu thời kỳ sau kết thúc Chiến tranh lạnh. Mỉa mai thay,
luồng tác phẩm này lại bắt đầu bằng bài viết năm 1984 trên tạp chí “Political
Science Quarterly” nhan đề Phải chăng sẽ có nhiều quốc gia trở nên dân
chủ hơn? Khảo sát tình hình sau thời kỳ quá độ dân chủ ở Tây Ban Nha,
Bồ Đào Nha và Mỹ Latinh vào những năm 1970 đầu những năm 1980, Huntington nhận
xét rằng, trong tương lai gần, thế giới không chắc được thấy sự thay đổi chế độ
chuyên chế do hoàn cảnh quốc tế và do điều kiện rủi ro về mặt cấu trúc. Điều
này được viết đúng 5 năm trước khi bức tường Berlin sụp đổ. Tuy
nhiên, ông nhanh chóng chuyển hướng sau khi chế độ cộng sản sụp đổ ở Đông Âu và
viết cuốn Làn sóng thứ ba, một cuốn sách đã đặt tên cho toàn bộ
thời kỳ này.
Tuy nhiên
cuốn Làn sóng thứ ba viết về dân chủ hóa lại khác với nhiều
cuốn khác trong lĩnh vực này, nó chú ý cả tới những tác động của dân chủ (như
trong loạt tác phẩm Schmitter- o’ Donnell-Whitehead) và cả tới các điều kiện về
cấu trúc và tính ổn định của nền dân chủ (như trong truyền thống từ Lipset qua
Pzreworksi). Sam lưu ý rằng đã có rất nhiều thay đổi theo kiểu Làn sóng
thứ ba diễn ra tại các quốc gia có nền văn hóa Cơ đốc giáo, một nền
tảng tôn giáo khác biệt, sang mô hình dân chủ hóa vào cuối thế kỷ XX. Đặc biệt
thế giới công giáo đã bắt kịp những người chủ xướng đầu tiên của đạo Tin lành,
các xã hội công giáo đã đến sau trong cuộc cách mạng tư bản chủ nghĩa. Tuy
nhiên Làn sóng thứ ba không phải là cách thể hiện của một tiến
trình hiện đại hóa rộng lớn hơn giữa các nền văn hóa, tiến trình cuối cùng sẽ
bao quát tất cả các xã hội, nhưng là một tiến trình có cội rễ trong một hệ
thống đặc thù các giá trị văn hóa thừa kế từ cơ đốc giáo phương Tây.
Mặc dù
không biểu hiện rõ rệt vào thời kỳ đó, nhưng cuốn Làn sóng thứ ba đã
đưa ra những lập luận này với nhiều vấn đề trước khi được lặp lại chi tiết hơn
trong cuốn Sự đụng độ giữa các nền văn minh và cuốn Chúng
ta là ai? cũng như trong cuốn Những vấn đề văn hóa (Cultural
Matters) mà ông và Zarry Harrison phát hành. Có lẽ ngay cả
khi cự tuyệt với lý thuyết hiện đại hóa, lý thuyết đã làm ông nổi tiếng
trong Trật tự chính trị, Huntington vẫn thật sự tin tưởng vào sự
bền vững của các giá trị văn hóa và vai trò quan trọng của tôn giáo như là một
khuôn mẫu định hình nên quá trình phát triển chính trị quốc gia cũng như các
mối quan hệ quốc tế. Trước vấn đề này, toàn cầu hóa chỉ là một lực lượng bề
ngoài, được tạo nên một cách hời hợt bởi “những kẻ Davos” (Davos men) - những
người tham gia diễn đàn quốc tế Davos, do vậy sẽ không đảm bảo kết thúc trong
hòa bình và thịnh vượng. Và, Hoa Kỳ đã không trở thành đại diện cho đội quân
tiên phong của phong trào dân chủ toàn thế giới; mà lẽ ra, điều đó có thể đã
thành công nhờ có nguồn gốc từ một xã hội “Tin lành - Anh giáo”. Những cố gắng
cuối cùng về học thuật của ông trước khi ông qua đời đã tập trung vào tác động
của tôn giáo đối với nền chính trị của thế giới.
Tôi không
đồng ý với Sam về nhiều điểm trong các vấn đề này. Trong khi tôi hoàn toàn đánh
giá cao sức mạnh và tính lâu bền của văn hóa cùng với cái cách mà nền dân chủ
tự do hiện đại bắt rễ vào các giá trị văn hóa cơ đốc giáo, thì dường như đối
với tôi lúc nào cũng vậy, văn hóa luôn có ích khi lý giải về nguồn gốc hơn là
độ bền của nền dân chủ với tính cách là một hệ thống chính trị. Theo quan điểm
của tôi, Sam đã đánh giá thấp tính phổ biến của sức thu hút về cuộc sống trong
các xã hội tự do, hiện đại với các chính phủ chịu trách nhiệm. Lập luận của ông
vẫn nặng về quan niệm cho rằng hiện đại hóa và Phương Tây hóa là hai quá trình
hoàn toàn khác biệt, cái mà tôi khá hoài nghi. Bức tranh u ám mà ông vẽ nên về
một thế giới bị xâu xé bởi xung đột văn hóa là bức tranh mà những người dân tộc
chủ nghĩa Nga và Hồi giáo ưa chuộng, nhưng lại ít có ích khi lý giải về Trung
Quốc hay ấn Độ hiện nay, hoặc lý giải các động cơ của dân chúng không theo đạo
hồi hoặc không theo chủ nghĩa dân tộc trong thế giới Hồi giáo và Nga. Các nhà
nước - dân tộc không thuộc các nền văn minh cũng vẫn là những tác nhân chủ chốt
trong nền chính trị thế giới, họ thường bị thôi thúc bởi rất nhiều lợi ích và
quyền lợi, chứ không đếm xỉa đến các khuynh hướng văn hóa được thừa kế.
Mặc dù
vậy, các luận điểm của Sam vẫn luôn có một sức mạnh lớn lao, thông tuệ và có
sức thuyết phục. Thậm chí có ai đó không nhất trí với ông vẫn không thể không
xem xét các luận điểm của ông một cách nghiêm túc nhất. Các luận điểm của ông
đã cung cấp từ vựng và cấu trúc cho tất cả các cuộc luận đàm sau này về nhiều
vấn đề, dù là nền chính trị Mỹ, chính sách quốc phòng, quá độ dân chủ hay bản
sắc Mỹ. Ngoài các công trình văn bản, ông còn là người thày lớn và đã sản sinh
ra một thế hệ học trò thật sự tạo dựng lại tất cả các lĩnh vực của khoa học
chính trị. Từ các bài viết đầu tiên đến các công trình cuối cùng, ông đều đưa
ra những lời phê phán mạnh mẽ, đó là dấu ấn của một học giả đã nói lên những
điều quan trọng và cơ bản.
Có thể
hoàn toàn tin rằng trong thời gian tới đây, chúng ta sẽ chẳng thấy được một
người nào như ông.
[1] Hầu hết tên sách của
Samuel Huntington ở đây đều được Francis Fukuyama gọi tắt. Tên đầy đủ của những
cốn sách này là: Quân nhân và nhà nước: Lý thuyết và quan điểm chính
trị của quan hệ dân sự - quân đội (1957), Phòng thủ chung:
Chương trình chiến lược trong chính trị quốc gia (1961), Trật
tự chính trị trong xã hội thay đổi (1968), Nền chính trị Mỹ:
hứa hẹn sự không hoà hợp (1981), Làn sóng thứ ba: Dân chủ hoá
cuối thế kỷ XX (1991), Sự đụng độ của các nền văn minh và trật
tự thế giới (1996), Chúng ta là ai? Những thách thức đối với
bản sắc dân tộc của nước Mỹ (2004). Tất cả chú thích trong bài là của
người dịch.
Nguồn:
http://vanhoahoc.vn/